YTTL: Nội kinh yếu chỉ 7.3

Phần này nói về kinh mạch trong nội kinh ( tiếp theo phần 1, phần 2)


MẠCH KINH (Phần 3)
Hỏi: Lấy gì để biết được có thai mà sắp sinh?
Đáp: “Trong người có bệnh mà không có mạch ngoại tà”. (Nói về có thai mà sắp sinh, tuy kinh bế mà mạch không có bệnh, người có bệnh tức là kinh bế, không có mạch ngoại tà là mạch xích điều hòa.
  • Phàm phụ nữ có thai được ba tháng thì tinh khí âm dương chưa biến hóa, ba tháng trở lên thì biến hóa, khí xông bốc lên vị, sinh ra chứng nôn nghén tạm hết mà mạch rất trơn và rất nhanh hoạt tật bởi vì đang lúc bào thai thành hình chất nam nữ mà mạch chưa định rõ. Năm sáu tháng trở lên thì hình chất trai gái được phân biệt rõ rệt. Tám chín tháng thì mạch bình hòa như không có thai, nếu không phải là thầy thuốc tinh thông mạch lý thì dù bệnh nhân có kể bệnh rõ ràng, cũng khó mà chẩn đoán biết được bệnh tình.
  • Sách Mạch quyết nói: “Mạch hoạt mạnh tật không tán là đã có thai 3 tháng, chỉ mạch tật mà tán là có thai 5 tháng. Đến 6 tháng trở đi thì không có mạch tật mạch cấp nữa, nhưng cũng có khi trước hay sau hồng sác không thay đổi, mạch khí của nó thịnh quá cho nên thế, không nên câu nệ phiến diện”).
Tam dương là kinh, nhị dương là duy, nhất dương là du bộ. Đó là biết sự chung thủy của ngũ tạng. Tam âm là biểu, nhị âm là lý, nhất âm đến tột bực thì đến ngày sóc (ngày đầu tháng) đều hợp lại để cho đúng lý của nó. (Đó là nói về lục kinh là biểu lý trong nhân thể, lấy kinh mạch Thái âm Thái dương làm trọng.
  • Tam dương là: Kinh mạch Túc thái dương bàng quang. Khởi đầu từ đầu mắt, lên đầu chia làm 4 đường, xuống gáy cùng lạc mạch chính của nó lên xuống thành 6 đường, xuống đến lưng làm thành kinh mạch lớn trong người.
Nhị dương là kinh mạch Túc Dương minh vị, khởi đầu từ mũi xuống họng, chia làm 4 đường, lên xuống, qua bụng, ràng buộc thân thể.
Nhất dương là kinh mạch Túc Thiếu dương đởm, khởi đầu từ đuôi mắt, lên góc đầu chia làm bốn đường, xuống hõm vai và lạc mạch chính của nó rẽ làm 6 đường, lên xuống đi qua các bộ phận trong nhân thể, gọi là kinh, là duy, là du bộ, như thế là có thể biết được chung thủy của ngũ tạng, nhờ ba kinh ấy để làm biểu.
Cho nên
  • Tam dương là biểu thì nhị âm là lý. Nhị âm là kinh Túc Thiếu âm thận.
  • Nhị dương là biểu thì tam âm là lý, Tam âm là kinh Túc Thái âm tỳ.
  • Nhất dương là biểu thì nhất âm là lý, nhất âm là kinh Túc Quyết âm can.
Thái âm là chính âm rồi đến Thiếu âm, lại đến Quyết âm. Thái dương là chính dương rồi đến Thiếu dương, lại đến Dương minh, bởi vì khi ứng dụng có nhiều ít khác nhau, cho nên đều chia làm ba.
  • Nhưng nghĩa của Thiếu Thái thì dễ biết mà nghĩa của chữ Dương minh, Quyết âm thì khó giải thích. 12 kinh mạch chân (túc) hợp với 12 tháng, cho nên cung Dần sinh ở tháng giêng là dương, chủ về kinh mạch Thiếu dương ở chân trái.
  • Tháng sáu Kiến Mùi thì thuộc kinh mạch Thiếu dương ở chân phải. Ngón chân thứ tư của hai chân đều là nơi mạch khí đi qua.
  • Tháng hai Kiến Mão, chủ kinh mạch Thái dương ở chân trái,
  • Tháng năm Kiến Ngọ chủ kinh mạch Thái dương ở chân phải, từ mé ngoài ngón chân út trở lên đều là nơi mạch khí đi qua.
  • Tháng 3 Kiến Thìn, chủ kinh mạch Dương minh ở chân trái,
  • Tháng 4 Kiến Tỵ, chủ kinh mạch Dương minh ở chân phải, từ ngón út hai chân trở lên đều là nơi mạch khí đi qua.
  • Những tháng Giêng, tháng 2, tháng 5, tháng 6 là Thiếu dương, Thái dương mà tháng 3, tháng 4 là tháng Thìn, Tỵ ở giữa thì hai chữ dương hợp với chữ minh đằng trước, cho nên gọi là Dương minh.
  • Tháng 7 Kiến Thân, chủ âm sinh, chủ kinh mạch Thiếu âm ở chân phải, mà tháng 12 Kiến Sửu chủ kinh mạch Thiếu âm ở chân trái, từ hai lòng bàn chân trở lên đều là nơi mạch khí đi qua.
  • Tháng 8 Kiến Dậu, chủ kinh mạch Thái âm ở chân phải, mà tháng 11 Kiến Tý, chủ kinh mạch Thái âm ở chân trái, từ mé trong hai ngón chân cái trở lên đều là nơi mạch khí đi qua.
  • Tháng 9 Kiến Tuất, chủ kinh mạch Quyết âm ở chân phải, mà tháng 10 Kiến Hợi, chủ kinh mạch Quyết âm ở chân trái, từ mé ngoài hai ngón chân cái trở lên đều là nơi mạch khí đi qua.
  • Những tháng 7, tháng 8, tháng 11, tháng 12 là tháng Thiếu âm, Thái âm, mà tháng 9, tháng 10 là tháng Tuất, tháng Hợi, thì chân khí ở hai chân đã hết cho nên gọi là Quyết âm.
  • Quyết có nghĩa là hết, mà ứng với nó là Tuất, Hợi, thì nhất âm hầu như muốn tuyệt. Đã biết nhất âm gần đứt mà có lẽ nào lại phục hồi được, đó là cái lẽ huyền diệu của hối sóc tương sinh có đủ ở bên trong, vì âm hết là hối, âm sinh là sóc. Khí hết là hối, khí sinh là sóc, khí đã hiện ở hối lại hiện ở sóc, quyết âm tuyệt mà lại hợp là lấy cái lẽ huyền diệu của hối sóc tương sinh để chứng minh cho cái lẽ quyết âm)
Tam dương là phụ, nhị dương là vệ, nhất dương là kỷ. Tam âm là mẫu, nhị âm là thư, nhất âm là độc sứ. (Tam dương là Thái dương, tôn quý như cha là kinh biểu che chở cho mọi loài.
  • Nhị dương là dương minh, là mối ràng buộc của biểu, bảo vệ mọi bộ phận, cho nên gọi là vệ.
  • Nhất dương là Thiếu dương, là du bộ của biểu, rải rác khắp mọi kinh cho nên gọi là giường mối.
  • Tam âm là Thái âm, tôn quý như mẹ là kinh thuộc lý, nuôi dưỡng mọi kinh.
  • Nhị âm là Thiếu âm, là mối ràng buộc của lý, sự sống bắt đầu từ đó, cho nên là giống cái.
  • Nhất âm là Quyết âm, là du bộ của lý, là chức tướng quân, chuyên lo trù tính mưu lự, cho nên gọi là độc sứ).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.