Phần này nói về tạng phủ theo nội kinh.
TẠNG PHỦ (Nội kinh)
Mười hai tạng cùng sai sử lẫn nhau thì phân biệt hơn kém như thế nào? Tâm là chức vụ quân chủ, thần minh xuất xứ từ đấy. (Cai quản các tạng khác cho nên gọi là quân chủ, tinh thần thanh sảng thì sinh trí tuệ cho nên gọi là thần minh từ đấy mà ra).
- Phế là chức vụ tướng phó, sự điều tiết từ đấy mà ra. (Không phải quân chủ cho nên là tướng phó, chủ việc vận hành vinh vệ cho nên sự điều tiết từ đó mà ra).
- Can là chức vụ tướng quân, mưu sự từ đó mà ra. (Dũng cảm hay quyết đoán nên gọi là tướng quân, phát tiết được những cái chưa xảy ra cho nên mưu sự từ đó mà ra).
- Đởm là chức vụ trung chính, sự quyết đoán từ đó mà ra. (Ngay thẳng, quả quyết, cho nên là chức vụ trung chính, ngay thẳng mà không nghi ngờ cho nên quyết đoán do đó mà ra).
- Đản trung là chức vụ thần sứ, vui mừng từ đó mà ra. (Đản trung ở giữa ngực, khoảng hai bên vú, là cái bể của khí, tâm là quân chủ theo kinh mạch để ra lệnh cho Đản trung là bộ phận chủ khí, phân bố khí ra các phần âm dương. Khí hòa, thần khí thoải mái thì vui mừng từ đó mà sinh ra, phân bố khí ra các phần âm dương cho nên gọi là chức vụ thần sứ).
- Tỳ vị là chức vụ kho tàng, ngũ vị do đó mà sinh ra. (Tàng trữ ngũ cốc cho nên gọi là kho tàng, dinh dưỡng khắp nơi cho nên ngũ vị từ đó mà ra).
- Đại trường là chức vụ truyền đạo, biến hóa do đó mà sinh ra. (Truyền đạo tức là đào thải chất ô uế đi; biến hóa là biến hóa hình thể của vật chất cho nên gọi là chức vụ truyền đạo và biến hóa do đó mà ra).
- Tiểu trường là chức vụ thu nhận, đồ ăn biến hóa do đó mà ra. (Chịu mệnh lệnh của vị, nhận lấy chất cặn bã rồi đem tiêu hóa truyền vào đại trường cho nên gọi là chức vụ thu nhận, đồ ăn biến hóa do đó mà ra).
- Thận là chức năng tác cường, kỹ xảo do đó mà ra. (Có tác dụng khỏe mạnh và dẻo dai nên gọi là tác cường, hình dụng tạo hóa cho nên gọi là kỹ xảo. Ở nữ giới thì cần có kỹ xảo, ở nam giới phải được bền bỉ dẻo dai).
- Tam tiêu là chức năng khơi thông đường thủy, thầy đạo do đó mà ra. (Dẫn đạo âm dương, khai thông bế tắc cho nên nói giữ chức năng khơi thông đường thủy, đường thủy do đó mà ra).
- Bàng quang là chức năng Châu đô, tân dịch chứa ở đó, hễ có khí hóa thì bài tiết ra được. (Là một phủ bộ vị ở riêng biệt một nơi cho nên gọi là Châu đô, bộ vị ở dưới mà chứa tân dịch, nếu được khí ở Khí hải vận hành thì nước đái được bài tiết ra cho nên nói khí hóa thì bài tiết ra được).
Phàm 12 cơ quan kể trên không được sai trái nhau. (Sai trái nhau thì có hại cho nên không được sai trái).
- Cho nên quân chủ (tâm) sáng suốt thì dưới mới được yên, dưỡng sinh như thế thì sẽ sống lâu. Nếu quân chủ không sáng suốt thì 12 cơ quan kia sẽ nguy hại làm cho khí huyết bị bế tắc không thông, hình thể sẽ bị tổn thương nặng, dưỡng sinh như thế thì sẽ bị tai hại.
- Tâm là gốc của sự sống cũng là nơi biến hóa của thần minh, tinh ba của nó thể hiện ở huyết mạch, là Thái dương trong tạng dương, tương ứng với khí mùa hạ. (Tâm là chức vụ quân chủ, thần minh do đó mà ra, vạn vật hưng vong đều quan hệ ở đó, cho nên nói tâm là gốc của sự sống, cũng là nơi biến hóa của thần minh. Hỏa khí bốc lên trên cho nên tinh ba của nó thể hiện ở mặt. Tâm nuôi huyết và sinh ra mạch cho nên công năng thực hiện ở huyết mạch. Tâm chủ về mùa hạ, khí hợp với Thái dương là lấy nghĩa Thái dương trong tạng dương, tương ứng với khí mùa hạ).
- Phế là gốc của khí, là nơi tàng trữ phách (vía), tinh ba thể hiện ở lông, công năng thực hiện ở da, là Thái âm trong tạng dương, tương ứng với khí mùa thu. (Phế tàng trữ khí, thần của phế là phách, phế nuôi lông da nên nói phế là gốc của khí, là nơi tàng trữ phách, tinh ba thể hiện ở lông, công năng thực hiện ở da. Tạng phế là khí Thái âm ở thượng tiêu chủ về mùa thu. Ban ngày là phần dương khí vận hành thì bộ vị của phế không phải là ở âm phận, vậy phế là khí Thái âm ở dương phận nên nói là Thái âm ở trong tạng dương, tương ứng với khí mùa thu).
- Thận chủ về phục tàng, là gốc của sự thu tàng, là nơi tàng trữ tinh khí, tinh ba thể hiện ở tóc, công năng thực hiện ở xương, là Thiếu âm ở trong tạng âm, tương ứng với khí mùa đông. (Theo ý nghĩa mặt đất khép kín, côn trùng núp dưới sâu và thận lại chủ thủy, nhận tinh ba của ngũ tạng lục phủ mà tàng trữ, cho nên nói thận chủ phục tàng là gốc của sự thu tàng, là nơi tàng trữ tinh. Não là nơi chứa tủy, thận chủ xương tủy, tóc do não nuôi dưỡng, cho nên tinh ba của thận thể hiện ở tóc và công năng thực hiện ở xương. Thận là thịnh âm ở mùa đông là âm phận, cho nên nói là Thiếu âm ở trong tạng âm, tương ứng với khí mùa đông).
- Can là gốc của cơ năng vận động, là nơi tàng trữ hồn, tinh ba thể hiện ở các móng tay móng chân, công năng thực hiện ở gân, sinh ra huyết khí, là Thiếu dương ở trong tạng dương, tương ứng với khí mùa xuân. (Con người vận động được là nhờ gân, can chủ gân, thần của nó là hồn, cho nên nói can là gốc của cơ năng vận động, là nơi tàng trữ hồn, móng tay móng chân là chất thừa của gân, gân nhờ có can nuôi dưỡng cho nên tinh ba thể hiện ở móng, công năng thực hiện ở gân. Phương đông là nơi bắt đầu phát sinh, cho nên nói can sinh ra khí huyết. Can là Thiếu dương ở bộ vị dương và chủ về mùa xuân, cho nên nói là Thiếu dương ở trong tạng dương, tương ứng với khí mùa xuân).
- Tỳ, vị, đại tiểu trường, tam tiêu, bàng quang là gốc của kho tàng, là nơi phát sinh ra dinh khí gọi là khí cụ, công năng hấp thu tinh ba của thủy cốc và bài tiết chất cặn bã ra ngoài. (Tỳ, vị, đại tiểu trường, tam tiêu và bàng quang kể trên đều có thể chứa đựng và chuyển vận không ngừng, cho nên nói là gốc của kho tàng, gọi là khí cụ. Dinh khí bắt đầu từ trung tiêu là bộ vị của tỳ vị nên nói là nơi phát sinh ra dinh khí. Nhưng thủy cốc vào tỳ vị, tỳ vị làm biến hóa các thủy cốc rồi hấp thu lấy chất tinh ba mà tống chất cặn bã xuống bàng quang, cho nên nói hấp thu chất tinh ba mà bài tiết chất cặn bã).
- Tinh ba của tỳ vị thể hiện ở môi và chỗ thịt trắng quanh môi, công dụng của nó là làm đầy đặn các bắp thịt, các tạng khí ấy đều ở bụng mà chịu đựng chất trọc âm, ngũ vị của cơm nước, cho nên đều là loại chí âm, nói theo thời tiết thì nó ứng với thổ khí trưởng hạ. (Miệng là cơ quan của tỳ, tỳ chủ về bắp thịt, cho nên nói tinh ba của tỳ vị thể hiện ở chỗ thịt trắng quanh môi, công năng của nó thể hiện ở các bắp thịt. Tỳ thuộc thổ khí, nên hợp với chí âm, nên nói thuộc về loại chí âm, tương ứng với thổ khí).
Tất cả 11 tạng đều do đởm quyết định. (Trên từ tạng tâm, dưới đến tạng đởm là 11 tạng. Đởm vốn cương trực, quyết đoán, không thiên lệch, như thế rõ ràng là 11 tạng đều do đởm quyết định cả. Tạng ở trong mà thể hiện ra ngoài, ta có thể quan sát được đấy cho nên gọi là tạng tượng. Ở con người cũng có trời tức là “Đức”, có đất tức là “Khí”. Đức lan rộng, khí thấm thấu mà sinh sản vô cùng gọi là “Tinh”. Hai tinh giao kết nhau gọi là “Thần”, vãng lai tùy theo thần gọi là “Hồn”, cùng với tinh tụ vào hay tán ra gọi là “Phách”. Cho nên ở con người gọi là “Tâm”, tâm có tưởng nhớ gọi là “Ý”, ý có chuyên chủ gọi là “Chí”, nhân vì chí có biến đổi gọi là “Tư” (lo nghĩ), vì lo nghĩ mà tính toán xa xôi gọi là “Lự” (lo toan), vì lo toan mà đối xử với sự vật gọi là “Trí” (trí tuệ).
- Não, tủy, xương, mạch, đởm, dạ con, sáu bộ phận này là do địa khí sinh ra, đều tàng trữ phần âm mà tượng trưng với đất, cho nên tàng trữ kín đáo mà không tiết tả ra, gọi là phủ kỳ hằng. (Não, tủy, xương, mạch tuy gọi là phủ nhưng không tương quan biểu lý với thần tạng. Đởm hiệp với can mà không truyền tả giống như lục phủ, dạ con tuy có lúc xuất nạp, nạp là thụ nhận lấy tinh khí, xuất là chuyển hóa ra hình dung. Hình dung chuyển hóa nghĩa là chuyển hóa đến cực độ thì sinh ra. Nhưng công dụng xuất nạp có khác với lục phủ là tàng mà không tả cái tàng nạp, là kỳ mà công việc có thường lệ không thay đổi nên gọi là phủ kỳ hằng).
- Vị, Đại Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang, năm phủ này là do thiên khí sinh ra, khí của 5 phủ ấy tượng trưng cho trời cho nên tả ra mà không tàng, vì nhận lấy trọc khí của năm tạng nên gọi là phủ truyền hóa, nhưng không thể chứa lâu được mà phải tả ra. Phách môn cũng là bộ phận sai khiến của ngũ tạng làm cho cặn bã của thủy cốc không chứa lâu được. (Phách môn tức là hậu môn, vì phế chủ phách, tương ứng với đại trường cho nên gọi như thế).
- Gọi là ngũ tạng vì nó tàng trữ tinh khí mà không tiết ra, cho nên nó thường cần được đầy đủ tinh khí, mà không thể giống như lối đầy của trường vị là những trọc khí của cơm nước được. (Tinh khí là thường đầy đủ, cơm nước là chất đem chứa đầy vào, ngũ tạng chỉ tàng trữ tinh khí cho nên thường đầy đủ mà không đem chất ngoài chứa đầy vào được).
- Đến như lục phủ nó chỉ tiêu hóa, hấp thu, chuyển vận các đồ ăn mà không phải tàng trữ; cho nên tuy nó thường đầy dẫy những cơm nước lại không thể đầy mà không bài tiết được. (Vì lẽ lục phủ không tàng trữ tinh khí, mà nhận chứa cơm nước).
- Bởi vì sau khi cơm nước vào miệng, trong dạ dày tuy đầy mà thật trong ruột thì rỗng. (Vì cơm nước chưa xuống đại, tiểu trường).
- Đến lúc đồ ăn xuống đến tới dưới thì trong ruột cũng đầy mà trong dạ dày lại rỗng. (Vì cơm nước đã xuống tới đại, tiểu trường. Do tác dụng chuyển vận ấy, chúng nó tuy thực mà lại hư).
Cho nên nói: Lục phủ là “Thực mà không đầy”, ngũ tạng thì “đầy mà không thực”.
- Ngũ tạng đều có chỗ hiểm hóc của nó cần phải biết. Can khí phát sinh bên tả. (Can tượng trưng hành mộc, sinh về mùa xuân, khí dương mùa xuân phát sinh, cho nên can khí sinh ra ở bên tả).
- Phế khí tàng trữ bên hữu. (Phế tượng trưng cho hành kim, chủ về mùa thu. Hành kim thu liễm cho nên phế khí tàng bên hữu. Can là thiếu dương, dương khí bắt đầu lớn, nên gọi là can sinh. Phế là thiếu âm, âm bắt đầu thu thì tàng, cho nên nói là phế tàng).
- Bộ tâm điều tiết ở phần biểu. (Dương khí chủ bên ngoài, tâm tượng trưng hành hỏa).
- Thận chủ trị ở phần lý, khí chủ bên trong, thận tượng trưng hành thủy. Tâm là chủ bộ của ngũ tạng cho nên gọi là bộ. Thận chủ việc vận động khí, chủ trị ngũ tạng ở bên trong nên gọi là trị).
- Tỳ làm sứ mệnh chuyển vận. (Luôn luôn vận hóa tinh khí của cơm nước để dinh dưỡng cơ thể và chuyển tống cặn bã ra cho nên gọi là sứ mệnh chuyển vận).
- Vị là thị trường tiêu thụ đồ ăn. Ở trên chỗ cách hoang, bên trong có tâm và phế ví như cha mẹ (Trên chỗ cách hoang có Khí hải ở trong, khí là nguồn gốc của sự sống, sự sống là chủ của nhân mạng, cho nên Khí hải là cha mẹ của nhân thể. Lại một thuyết nói: “Dưới tâm trên chẻn dừng là Hoang, có tâm thuộc dương là cha, phế thuộc âm là mẹ. Phế chủ khí, tâm chủ huyết đều dinh dưỡng bảo vệ thân thể cho nên nói là cha mẹ”).
- Bên cạnh đốt xương sống thứ 7 ở giữa có một tiểu tâm (Tiểu tâm là chính tạng tâm, là nơi chứa thần linh, xương sống có 21 đốt, thận ở bên dưới chỗ cạnh đốt xương thứ 7. Thần của thận là chí, linh giác của ngũ tạng nên gọi là thần. Thần sở dĩ được gọi tên là chí vì là thần của tâm).
Thuận theo mà kiêng chỗ ấy ra thì có phúc, trái lại là có tai họa. (Tám bộ phận trên, người ta nhờ đó mà sống, hình thể nhờ đó mà gây nên, thuận theo đó thì phúc lâu dài, nghịch lại nó thì tai họa đến).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia