YTTL: Y nghiệp thần chương 2

Phần này nói về khái niệm tiên thiên, hậu thiên, thủy hỏa trong cơ thể người.

Y NGHIỆP THẦN CHƯƠNG 2: TIÊN THIÊN - HẬU THIÊN; THỦY - HỎA
1. Tiên thiên là gì
  • Mệnh môn ở giữa hai quả thận là khí thái cực trong thân thể người ta.
  • Một điểm khiếu đen ở thận bên trái hơi mát thuộc về thủy tức là chân thủy.
  • Một điểm khiếu trắng ở thận bên phải hơi ấm thuộc về hỏa tức là chân hỏa.
  • Thủy có hỏa ức chế lại mà không tràn lên được. Hỏa có thủy ức chế lại mà không bốc lên được. Gọi là chân thủy chân hỏa hay chân âm chân dương, thật là không có chân hiện hình mà sẵn có từ khi mới bẩm thụ tinh huyết của cha mẹ và người ta sống lâu hay chết yểu cũng đều quan hệ ở chỗ đó. Cho nên gọi là tiên thiên.
2. Hậu thiên là gì ?
  • Khi người ta đã sinh ra rồi, ăn uống vào tỳ vị, vận hóa nhờ tỳ, khiến cho khí thanh của cơm nước đi lên.
  • Trong đó những chất tinh ba bảo vệ ở ngoài là khí, những tân dịch vinh nhuận ở trong là huyết, còn những cặn bã đi xuống là đại tiện, tiểu tiện.
  • Cùng với những cái hữu hình của tâm, can, phế, thận đều là do sau khi đã sinh ra mới có. Cho nên gọi là hậu thiên.
3. Thủy hỏa
  • Thủy của tiên thiên là để sinh ra, huyết của hậu thiên là để bồi dưỡng cho thủy của tiên thiên. Vậy thủy tức là huyết mà huyết tức là âm.
  • Hỏa của tiên thiên là để sinh ra, khí của hậu thiên là để bồi dưỡng cho hỏa của tiên thiên. Vậy hỏa tức là khí mà khí tức là dương.
  • Mới biết thủy vốn không có hình mà huyết có hình, vì tâm hỏa nung nấu tân dịch thành ra màu đỏ là huyết. Huyết ở trong người ra như thấy ở kinh nguyệt, thấy khi đổ máu mũi, thấy khi bị dao chém, chất đỏ thực là chất hữu hình. Thủy hiện ra ngoài thành nước mắt, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước tiểu gọi là ngũ dịch, là chất thừa của huyết.
  • Huyết đủ thì làm cho lông tóc xanh đen, da thịt tươi thắm, gân mạch mềm mại đó chẳng phải huyết là gì? Hỏa vốn không có hình mà khí thì có hình, vì thận khí hun nấu mà thành ra sắc trắng là khí. Hiện ra ở phía trong như tinh của người ta lúc giao cấu, như khí ấm của hơi thở đó thực chất là hữu hình.
  • Hỏa hiện ra ở ngoài mà thành ra mạch đập ở hai tay, hơi thở suốt ngày đêm, bắp thịt đầy chắc, da dẻ ấm nhuần đó chẳng phải hiện tượng hữu hình của khí là gì?
  • Suy vậy thì biết khí là dương, là chồng, dẫn lối cho huyết. Huyết là âm, là vợ, làm chỗ dựa cho khí. Hai cái đó phải đi đôi với nhau mà không thể tách rời nhau được. Cho nên huyết kém người khéo bổ huyết phải dựa vào khí, như thuốc bổ âm ích âm mà dùng đến loại Sâm, Phụ là thế, đó là lẽ khí cai quản được huyết. Khí kém người khéo bổ khí phải dựa vào huyết, như thuốc bổ khí ích khí mà dùng đến loại Quy, Thục là thế, đó là lẽ huyết có thể tiếp ứng cho khí.
  • Trên đây nói: khí huyết, âm dương, thủy hỏa là như thế. Nhưng bệnh chứng hiện ra thiên hình vạn trạng, bệnh tình khó biết được rõ ràng.
  • Nên lại phải trông hình sắc có đỏ hồng, sáng bóng. Nghe tiếng nói có vang trong, liên tiếp và dài hơi. Nhận xét ăn ở cử động, thấy trằn trọc không yên là bệnh thuộc nhiệt, ở biểu là ngoại tà thuộc thực.
  • Nếu xét hình sắc thấy xanh, trắng, sạm, tối, tiếng nói ngắn ngủi, yếu ớt. Nhận xét khi ăn ở thấy lặng lẽ co ro là bệnh thuộc hàn, ở lý, là chính khí hư.
  • Lại hỏi duyên cớ mắc bệnh, hoặc là cảm phải thử, thấp, phong, hàn mà sinh bệnh, hoặc ăn những thức ăn nóng, lạnh mà sinh bệnh để biết nguyên nhân là do nội thương hay ngoại cảm.
  • Nếu bệnh là nhiệt, ở biểu, có ngoại tà thuộc thực là do ngoại cảm thì phải tùy người khỏe hay yếu mà phát hãn tán tà hoặc dùng thuốc mát để giải.
  • Người còn ít tuổi mà mạnh thì cho giải tán ở biểu, người còn ít tuổi mà yếu thì cho phát hãn nhẹ. Trẻ con, người già thì trong phép bổ gồm phép phát hãn, trong phép phát hãn gồm phép có bổ mới là thích đáng.
  • Nếu bệnh là hàn, ở lý, là chính khí hư kém là nội thương cũng phải tùy người khỏe hay yếu mà dùng thuốc ôn bổ hay thuốc tiêu đạo.
  • Người ít tuổi mà mạnh thì trong thuốc tiêu đạo có ghé thuốc ôn bổ, người ít tuổi mà yếu thì trong phép ôn bổ có ghé tiêu đạo. Trẻ con người già thì trước hết phải dùng ôn bổ, sau mới tiêu đạo, thế mới là hợp pháp.
  • Trên đây trình bày cách nhìn hình sắc, nghe tiếng nói, nhận xét khi ăn ở, hỏi nguyên nhân mắc bệnh là thế.
  • Tuy vậy xét ở bề ngoài chỉ được đại khái, có xét ở trong mới khỏi nghi ngờ, cho nên còn phải xem mạch.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia