YTTL: Y nghiệp thần chương 6

Trong phần này nói về bảy loại phương thuốc và quy tắc bào chế thuốc.


I. BẢY LOẠI PHƯƠNG THUỐC
1. Đại phương:
  • Như bệnh có kiêm thêm chứng khác, không thể dùng một vài vị mà chữa được, tất phải dùng Đại phương mà có 1 vị làm quân, 3 vị làm thần, 9 vị làm tá.
  • Như khi hai kinh can, thận và hạ bộ mắc bệnh, là đường bệnh xa như thế tất phải dùng Đại phương, phân lượng nhiều mà uống ngay cho hết.
2. Tiểu phương:
  • Như hai kinh tâm, phế và thượng bộ mắc bệnh là đường bệnh gần, tất phải dùng tiểu phương phân lượng ít mà uống ngay cho hết.
3. Hoãn phương:
  • Khi bổ cho phần trên, chữa bệnh ở trên và chữa chủ bệnh thì nên dùng cách hoãn, trong đó có bệnh phải dùng vị ngọt để làm chậm lại một chút.
  • Như bệnh ở ngực, bụng dùng thuốc hoàn để làm thuốc chậm tan, sức thuốc lưu lại ở đó.
  • Có khi dùng hoãn phương bằng nhiều vị thuốc ngang sức, để cho thuốc tự giằng co nhau làm cho chậm lại.
  • Có khi dùng hoãn phương bằng các vị thuốc không độc, vì thuốc không độc sức nhẹ mà chậm.
  • Có khi dùng hoãn phương bằng vị thuốc mà khí vị nhẹ (bạc), chú ý dùng khí vị nhẹ (bạc) để chữa phần trên được tốt, đến lúc xuống dưới thì sức kém đi cho nên bậc thánh nhân chữa ở trên không phạm đến dưới, chữa ở dưới thì không phạm đến trên.
  • Chữa ở giữa thì không phạm đến trên và dưới thì dùng thức ăn cho lướt qua đi, như chữa thận thì làm ngại cho tâm, thuốc uống nên cho đi qua mau, khiến cho thuốc vào thận không lưu lại ở tâm được. Lại như dùng Hoàng cầm chữa phế tất hại tỳ, dùng Thung dung chữa thận tất hại tâm. Uống Can khương chữa trung tiêu tất có thể lấn lên trên. Uống Phụ tử bổ thận ắt có thể hao chân thủy, suy ra trường hợp này thì nên dùng hoãn phương.
4. Cấp phương:
  • Khi bổ ở dưới, chữa ở dưới và trị khách tà, nên dùng phép cấp.
  • Có khi dùng cấp phương chữa bệnh nặng để công trị gấp như bệnh trúng phong, bệnh quan cách.
  • Có cấp phương uống bằng thuốc sắc để tẩy sạch, lấy ý nghĩa là thuốc dễ xuống họng mà đi nhanh.
  • Có cấp phương dùng bằng thuốc có chất độc làm cho trên thì mửa ra, dưới thì tả ra để dẹp thế mạnh của bệnh đi.
  • Có cấp phương mà khí vị của nó hùng hậu, lấy ý nghĩa là sức thuốc mạnh đi thẳng xuống dưới mà sức thuốc cũng không bị giảm đi.
5. Cơ phương:
  • Cơ phương chỉ có một vị, bệnh ở phần trên mà gần thì nên dùng. Có cơ phương mà số lượng các vị thuốc thành số lẻ (như 1,3,5,7,9). Bệnh ở lý mà gần thì nên dùng như bài Tiểu thừa khí thang là một tiểu cơ phương, bài Đại thừa khí thang là một đại cơ phương. Dùng những bài này để công lý vì chỉ có thể cho hạ được, không thể cho phát hãn được, cho nên bảo rằng phát hãn không dùng cơ phương là thế.
6. Ngẫu phương:
  • Có ngẫu phương do hai vị phối hợp với nhau, có ngẫu phương do hai phương phối hợp lại với nhau. Bệnh ở phần dưới mà xa thì nên dùng.
  • Có ngẫu phương hợp các vị thuốc đếm thành con số chẵn (như 2,4,6,8,10). Bệnh ở biểu mà xa thì nên dùng.
  • Ngẫu phương mà nhỏ như Quế chi, Ma hoàng. Ngẫu phương mà to như Cát căn, Thanh long. Vì phát tán mà dùng, chỉ có thể cho ra mồ hôi mà không thể hạ. Cho nên bảo rằng khí hư không dùng ngẫu phương là thế.
7. Phức phương:
  • Phức phương là ghép. Dùng cơ phương không khỏi quay lại dùng ngẫu phương, dùng ngẫu phương không khỏi quay lại dùng cơ phương. Thế gọi là dùng dồn dập xen lẫn, như dùng 10 phương bổ, 1 phương tiết. Nhiều phương tiết 1 phương bổ.
  • Có phức phương do vài phương hợp lại như những bài Quế chi việt tỳ thang, Ngũ tích tán. Có khi ngoài phương này lại gia thêm thuốc khác, như bài Điều vị thừa khí gia thêm Liên kiều, Bạc hà, Hoàng cầm, Chi tử thành bài Lương cách tán. Có phức phương cân lạng bằng nhau, như bài Vị khí thang có các vị thuốc mà trọng lượng bằng nhau.
Bảy phương thuốc trên đây, nên xét bệnh mà dùng mới được hiệu quả mau.

II. CÁCH CHẾ THUỐC
Chế thuốc cốt cho đúng.
1. Hỏa chế
Có 4 cách hỏa chế chính là: Nung, Chấy, Nướng, Sao, ngoài ra còn cách Lùi, Hong và Sấy.
  • Nung là lấy đất hoặc bột mì bọc thuốc vào trong, cho vào lửa mà nung đỏ.
  • Chấy là cho thuốc vào rượu hay nước, đổ cả vào nồi đất rồi đốt lửa ở ngoài.
  • Nướng là để thuốc lên trên than đỏ mà nướng.
  • Sao là để thuốc cách trên lửa mà rang.
  • Lùi là cho thuốc vào tro nóng nướng chín.
  • Hong là để thuốc gần lửa hong cho khô.
  • Sấy là sao qua loa không để cháy thuốc, nhấc nồi đang nóng xuống rồi mới bỏ thuốc vào rang cho khô.
2. Thủy chế
Có 3 cách thủy chế: Ngâm, Dầm, Tẩy.
  • Ngâm là tẩm thuốc vào rượu hay vào nước cho thấm.
  • Giầm là dùng rượu nóng mà giầm thuốc cho hết những chất bẩn.
  • Tẩy là lấy rượu hay nước bỏ thuốc vào mà rửa qua.
3. Cách chế bằng thủy hỏa hợp chế có hai lối: Chưng cách thủy và nấu
  • Chưng là nấu thuốc cách thủy.
  • Nấu là cho thuốc vào nước mà nấu.
Kể ra cách chế thuốc cũng nhiều nhưng chủ yếu không ngoài mấy cách kể trên.
4. Phép chế
  • Muốn cho sức thuốc đi lên thì chế bằng rượu.
  • Muốn cho phát tán thì chế với gừng sống.
  • Muốn cho thuốc đi vào thận và làm mềm chất rắn thì chế với muối.
  • Muốn cho thuốc đi vào can và làm tan chỗ đau thì chế với dấm.
  • Muốn cho thuốc mất tính nóng bốc lên mà đi xuống thì chế với đồng tiện.
  • Muốn cho thuốc mất tính ráo mà điều hòa tỳ vị thì chế với nước vo gạo.
  • Muốn cho thuốc nhuận khô và sinh huyết thì chế với bột sữa.
  • Muốn cho thuốc ngọt, đi chậm và bổ nguyên khí thì chế với mật ong.
  • Thuốc chế với đất vách là muốn lấy hơi đất để bổ thẳng vào trung tiêu (tỳ vị).
  • Thuốc chế với bột lúa mì là để bớt tính mạnh của nó, cho khỏi hại đến phần trên.
  • Cách ngâm với nước đậu đen và nước cam thảo, phơi khô để giải chất độc khiến cho êm dịu.
  • Dầu, mỡ dê, heo bôi lên chỗ bỏng, dịt vào chỗ chảy nước vàng thì mau khỏi.
  • Cũng có thuốc bỏ sơ múi đi cho khỏi đầy bụng, bỏ lõi đi cho khỏi ngầy ngật.
Chế thuốc để dùng có khi nên làm hoàn, làm thang, ngâm với rượu hay nấu thành cao.
  • Hoàn có nghĩa là hoãn, nên dùng để chữa gốc (bản). Tán có nghĩa là cấp, nên dùng để chữa ngọn (tiêu). Thang có nghĩa là tẩy rửa, nên dùng để chữa bệnh lâu ngày. (Tiêu - Bản)
  • Tán hàn thấp thì thuốc nên giầm rượu. Muốn bổ ích cho người gày yếu dùng thuốc cao.
  • Bệnh ở chỗ cao nhất nên sắc thuốc với rượu mà uống. Trừ chứng hàn thấp nên gia gừng vào mà sắc.
  • Chữa đờm ở thượng tiêu nên sắc với mật ong.
  • Bệnh ở thượng tiêu dùng thuốc phải viên thật nhỏ.
  • Bệnh ở trung tiêu thuốc viên nhỏ vừa thôi.
  • Bệnh ở hạ tiêu thì viên rất to.
  • Thuốc viên với rượu dấm để cho dễ tan.
  • Viên với hồ bột gạo để cho dễ tiêu hóa.
  • Viên với mật ong để cho chậm.
  • Viên với sáp ong là để cho lâu tan và cho thuốc đi nhanh không hại đến vị khí.
  • Trên đây nói tóm tắt không nói rườm rà, các bạn mới học rất nên xem kỹ.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.