YTTL: Y nghiệp thần chương 1

  • Việc làm thuốc có quan hệ đến tính mạng con người. Nhưng đời người làm thuốc thường cho là dễ, mà tôi làm thuốc lại tự cho là rất khó. Vì sao vậy?
  • Người đời luận chứng bệnh chỉ mò mẫm chứng ngọn mà thôi. Còn lý do vì đâu mà sinh ra chứng ấy thì không chịu tìm tra các phương thư, chỉ chấp nhất dựa vào những phương cố định. Còn có khi dùng phương đó cũng không có nghiên cứu kỹ càng. Nên gặp chứng nhẹ may mà chữa trúng thì tự cho là thần thánh, gặp phải chứng hư không may mà chữa lầm cho người ta rồi đổ cho số mệnh, đều là những hạng người có lòng vụ lợi chỉ đem tai hại cho người. Nên không lạ gì họ cho nghề làm thuốc là dễ. Tôi thì không như thế, trước thì sợ cho thân mình bị bọn lang băm làm hại. Mới quyết chí học thuốc, rộng tìm những sách vở đời trước góp thêm ý kiến của mình vào xếp lại thành sách
  • Muốn học về kinh lạc thì thấy rõ ở tập Trị yếu. Muốn học về mạch quyết thì rõ ở tập Quan miện. Song lẽ mọi bệnh đều bắt đầu từ Thương hàn thì cũng có tóm tắt ở tập Đại thành.
  • Các chứng nguy hiểm không gì bằng bệnh đậu mùa thì có ở tập Mộng trung giác đậu. Thuốc chữa cho trẻ em là rất khó thì có ở tập Ấu Ấu, nói rõ về cách xét nghiệm và xem sắc của tiểu nhi. Còn như môn thai sản đã sẵn có bài Bảo sản ca quát của Phùng Thị đem thêm bớt mà dùng, đây không cần nhắc lại. Tất cả những loại này, nghiên cứu kỹ càng, suy nghĩ ráo riết, hết sức tìm ý nghĩa sâu xa của Hiên Kỳ, mười phần mới được một.
  • Tôi từ 30 đến 40 tuổi mới biết làm thuốc, từ 40 đến 50 tuổi mới ít lầm, từ 50 đến 60-70 tuổi mới khỏi lầm. Có khi gặp phải những bệnh không chữa được đều nói rõ trước với người ta mới khỏi hối hận về sau.
  • Thuốc khó như thế mà mình biết được thuốc là khó. Nên tôi nói làm thuốc rất khó không phải không có bằng chứng. Huống chi tôi tuy làm thuốc mà không muốn chữa cho mọi người, vì sợ chữa nhiều thời sai lầm nhiều, sai lầm nhiều thì thất đức nhiều, chẳng hóa ra làm phúc mà xúc lấy vạ. Cho nên tôi không phô trương tủ thuốc, không bầy đặt dao cầu, khi bước chân ra rất thận trọng, khi bốc thuốc không bừa bãi.
  • Riêng đối với họ hàng, làng xóm và học trò vì nghĩa tình bất đắc dĩ không thể chối từ được thì không cứ người lớn trẻ con, hoặc cho thuốc hoặc cho đơn, tiền thuốc muốn trả nhiều ít thế nào cũng được. Đó là sự học thuốc của tôi cắt chữa cho thân mình, cho nhà mình chứ không phải làm thầy thuốc để sinh sống, để vụ lợi. Song nghĩ rằng biết thuốc đã là khó, mà khi đã thâu tóm được những chỗ khó ấy có phải chỉ để riêng cho mình thôi ư? Vì vậy tôi trình bày những chỗ tôi thu lượm được để làm bài huấn.

Y NGHIỆP THẦN CHƯƠNG 1: ÂM DƯƠNG VÀ NGŨ HÀNH SINH KHẮC
1. Âm dương
  • Nói về âm dương giống nhau và khác nhau: Trời xoay về bên trái cho nên người ta lấy tai, mắt, chân, tay bên trái là dương. Đất xoay về bên phải cho nên người ta lấy tai, mắt, chân, tay bên phải là âm.
  • Dương khí trong nên tai, mắt, chân, tay bên trái nhỏ hơn bên phải. Âm khí đục cho nên tai, mắt, chân, tay bên phải to hơn bên trái. Dương khí trong mà vững nên tai mắt bên trái sáng hơn bên phải mà chân tay yếu làm lụng được ít. Âm đục mà kém nên tai mắt bên phải không sáng bằng bên trái mà chân tay mạnh vận động được nhiều.
  • Đàn ông nhiều khí dương, khí thịnh đến cực điểm thì khí dương từ trên đi xuống, phối hợp với khí âm nên có râu mà ngọc hành thõng dài, mạch bên trái mạnh bên phải yếu, bộ thốn mạnh bộ xích yếu là thuận.
  • Đàn bà nhiều khí âm, khí thịnh đến cực điểm thì khí âm từ dưới đi lên, phối hợp với khí dương cho nên âm hộ thụt vào mà vú nổi cao, tiếng nói nhỏ mà không có râu, mạch bên phải mạnh mà bên trái yếu, bộ xích mạnh, bộ thốn yếu là thuận.
  • Nếu đàn ông mạch bên phải mạnh hơn bên trái, bộ xích mạnh hơn bộ thốn, là đàn ông mà có mạch đàn bà, là bất túc.
  • Nếu đàn bà mạch bên trái mạnh hơn bên phải, bộ thốn mạnh hơn bộ xích, là đàn bà có mạch đàn ông, là thái quá.
Cách chẩn mạch ở hai tay trái và phải
  • Người làm thuốc xem xét để liệu mà thêm bớt. Dẫu rằng bên trái là dương, bên phải là âm, đạo trời là như thế. Song huyết là âm mà thuộc về bên trái, khí là dương mà thuộc về bên phải, đó là lẽ huyền diệu của âm dương cùng ở lẫn với nhau.
Bàn về thủy hỏa cần nhờ nhau
  • Thận thuỷ bên trái sinh can mộc, can mộc sinh tâm hoả đều là phần huyết, nên bên trái là đường ngầm của huyết. Thận hoả bên phải sinh tỳ thổ, tỳ thổ sinh phế kim đều thuộc phần khí, nên bên phải là đường ngầm của khí.
Bàn về khí huyết
  • Còn như kinh Túc Thái dương đi phía sau lưng cho nên khi cảm lạnh vào bàng quang thì mặt và lưng thấy lạnh nhiều. Kinh Túc Dương minh đi phía trước thân thể, ở bộ mặt có vị khí lưu hành cho nên đến mùa đông mặt không thấy rét, mà chứng nề mặt thì chữa phong ở vị. Kinh Túc Thiếu dương đi ở phía cạnh cơ thể nên tai điếc, sườn đau thường là dùng bài Tiểu sài hồ để chữa đởm.
Học thuyết kinh lạc
Lời chú:
  • Chỗ này dù nam hay nữ đều như nhau, muôn đời không thay đổi. Chỉ có chỗ khác nhau là: về đàn ông phía sau thân thể là dương, phía trước là âm chủ về kinh Túc Thái dương. Về đàn bà phía trước thân thể là dương, phía sau thân thể là âm chủ về kinh Túc Dương minh.
  • Cho nên đàn bà khi có mang con trai, mặt nó hướng vào mẹ, lưng nó hướng ra ngoài, bụng người mẹ lồi mà rắn.
  • Khi có mang con gái, lưng của nó hướng vào mẹ, mặt của nó hướng ra ngoài, bụng của người mẹ phẳng mà mềm. Vậy trước khi đẻ cứ nghiệm xem bụng rắn hay mềm thì biết là con trai hay con gái.
  • Khi đẻ con trai nằm sấp mà lưng hướng lên trên, con gái thì nằm ngửa mà mặt trở lên trên. Lúc vừa đẻ thì trông đã biết là trai hay gái rồi.
  • Vả lại những kẻ chết đuối nổi lên đàn ông tất nhiên nằm sấp, đàn bà tất nhiên nằm ngửa. Đàn bà theo âm, đàn ông theo dương là lẽ tự nhiên.
Bát mạch kỳ kinh
  • Lại nói đến hai mạch Đốc và Nhâm. Đốc có nghĩa là hội lại, là nói các dương mạch đều hội lại. Đàn ông chủ mạch Đốc đi giữa lưng thuộc dương, từ huyệt Trường cường (chỗ lõm ở dưới đốt xương cùng) theo xương sống đến huyệt Ngân giao (chỗ khe răng hàm trên, bên trong môi).
  • Nhâm nghĩa là đảm nhiệm là nói cái nguồn sinh dưỡng, đàn bà chủ về mạch Nhâm đi ở giữa bụng thuộc âm, từ huyệt Hội âm (giữa khoảng lỗ đít và âm môn) lần theo bụng đi lên đến huyệt Thừa tương (chỗ lõm dưới môi và trên cằm) thì ngừng. Dưới chỗ phía trong khe răng hàm trên và trên huyệt Thừa tương, ngay đúng giữa là chỗ gặp nhau của hai đường mạch Nhâm và mạch Đốc.
4 mạch gốc
  • Nói đến mạch có thai: kinh từ một đã tắt một vài kỳ, ấn vào hai bộ xích thấy mạch Sác mà Hoạt tới luôn không dứt đó là mạch có thai. Mạch Sác là nhiệt, mạch Hoạt là huyết ngưng kết. Nên lấy mạch Hoạt để nghiệm có thai. Bộ tả xích Sác mà Hoạt là con trai, bộ hữu xích Sác mà Hoạt là con gái. Trên đây là phân tách chỗ khác nhau và giống nhau của âm dương.
​2. Ngũ hành sinh khắc
  • Nói về tương sinh thì thận thủy sinh can mộc, can mộc sinh tâm hỏa, tâm hỏa tiếp với tướng hỏa của mệnh môn mà sinh tỳ thổ, tỳ thổ sinh phế, phế kim lại sinh thận thủy, cứ lần lượt hết lại trở lại đầu, không đứt đoạn bao giờ. Người làm thuốc phải biết thế để rõ cái lẽ con hư thì bổ mẹ, mẹ thực thì tả con
  • Nói về tương khắc thì bên tả xích thủy khắc với bên hữu xích hỏa. Tả quan mộc khắc với hữu quan thổ, tả thốn hỏa khắc với hữu thốn kim. Bên tả bên hữu ngang đối nhau, công kích nhau, khắc nhau và ngăn ngừa nhau. Người làm thuốc cần biết thế để biết rõ lẽ phải tiết chế chỗ thái quá và bổ xung vào nơi bất cập. Đó là lẽ ngũ hành sinh khắc.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.