YTTL: Y nghiệp thần chương 5

Phần này nói về mạch và kinh lạc.

Y NGHIỆP THẦN CHƯƠNG 5: MẠCH VÀ KINH LẠC
1. Mạch
Mạch là khí huyết của con người, chuyển theo hơi thở ra hít vào mà hiện ra ở hai tay. Mỗi bên chia ba bộ: Thốn khẩu là dương, Xích là âm, Quan là khoảng giữa, chỗ giáp giới của âm và dương (bán âm bán dương).
Nói về mạch bình thường, theo từng bộ phận mà xem riêng thì:
  • Tả thốn là tâm và tiểu tràng, thuộc hỏa mạch phù đại mà tán là bình thường.
  • Tả quan là can và đởm thuộc mộc, mạch huyền và nhuyễn là bình thường.
  • Tả xích là thận và bàng quang thuộc thủy, mạch trầm mà hoạt là bình thường.
  • Hữu thốn là phế và đại tràng thuộc kim, mạch phù mà sắc là bình thường.
  • Hữu quan là tỳ và vị thuộc thổ, mạch hòa hoãn là bình thường.
  • Hữu xích là thận, tâm bào lạc và tam tiêu thuộc về tướng hỏa, mạch trầm và thực là bình thường.
Hợp cả ba bộ mà xem suốt thì một hơi thở mạch đập 4 lần (một hơi thở ra, một hơi hít vào của ta gọi là một “tức”. Một tức mạch hiện ra rồi lặn xuống 4 lượt gọi là 4 lần). Mạch không phù, không trầm, không sác đi lại hòa hoãn nhẹ nhàng đó là mạch bình thường, không có bệnh.
Còn khi có bệnh tất cũng tùy theo khí huyết thịnh suy, hàn nhiệt của từng người mà mạch biến đổi khác thường. Người nào khí huyết thịnh mà nhiệt là do ngoại cảm lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Mạch biến ra Trầm, Trì, Nhuyễn, Nhược, Nhu, Sắc, Hoãn, Phục, Tế, Hư đều là loại âm mạch. Đó là nội thương, là bệnh ở lý, là chính khí hư.
Mạch có 27 loại. Cuốn mạch quyết của Vương Thúc Hòa đã nói rõ ràng, cũng đã phát minh trong những bài ca về mọi thứ mạch. Song tên mạch thì nhiều, lý mạch lại huyền vi khó bề suy lường.
Nay hãy tóm tắt như sau:
Phù và Sác xếp vào loại mạch dương.
Trầm và Trì xếp vào loại mạch âm, gọi là 4 thứ mạch căn bản cho người ta dễ hiểu:
  • Nhẹ tay ấn xuống da đã thấy mạch đó là loại mạch Phù. Lấy hơi hít vào thở ra mà so, một hơi thở mạch đập 5-6 lần là mạch Sác. Khi ấn nặng ngón tay vào thịt thấy mạch đập vào đầu ngón tay, càng ấn nặng đến xương mà sức mạnh không kém đó là mạch Phù Sác hữu lực. Phù là bệnh phong, Sác là bệnh nhiệt không còn ngờ nữa.
  • Hướng chữa tất phải khu phong thanh nhiệt không ngần ngại gì. Nếu khi càng ấn nặng ngón tay xuống dần dần, thấy mạch càng kém, không thấy đập vào đầu ngón tay đó là Phù Sác mà vô lực thì là hư hỏa, hư nhiệt hoặc là khí huyết đều hư thì nên chữa theo lối nội thương chớ nên đơn thuần cho là phong là nhiệt. Suy ra đến loại mạch Hồng, Đại, Hoạt, Trường cũng vậy.
  • Lấy đầu ngón tay mà tìm, ấn nhẹ trên da thì chưa thấy mạch, khi ấn nặng tay vào thịt thì mới thấy, hay ấn nặng cho vào gần xương mạch càng thấy rõ, đó là mạch Trầm. Lấy hơi hít vào thở ra mà tìm, một hơi thở mạch đập 3 lần hoặc chưa được 3 lần đó là mạch Trì. Nhưng khi dần dần ấn nặng đầu ngón tay xuống không thấy đập, càng ấn xuống thấy sức mạnh càng suy đó là mạch Trầm Trì vô lực.
  • Mạch Trầm là lý, Trì là lạnh không còn ngờ gì nữa, tất phải dùng thuốc nóng để ôn bổ thì chẳng có hại gì. Nếu khi ấn nặng dần mà thấy mạch đập vào ngón tay, càng ấn nặng thì sức mạch càng mạnh đó là mạch Trầm Trì hữu lực, là bệnh tích tụ hoặc trưng hà. Ở bệnh thương hàn là nhiệt đã vào tạng phủ nên dùng thuốc ôn bổ để tiêu tích tụ, hoặc nên dùng thuốc hạ để tống phân táo ra, không nên đều cho là hàn là lạnh cả. Suy ra đến loại mạch Hư, Tế, Nhu, Sáp cũng thế.
  • Sách nói: “Càng Phù Sác lắm thì càng hư lắm” là nói mạch Phù Sác vô lực. Lại có câu: “Trầm Trì mà thực chớ dùng ôn bổ” là nói mạch Trầm Trì hữu lực.
  • Nói tóm lại mạch dương mà hữu lực có thể luận là “Dương chứng” nên dùng thuốc mát mà giải đi, phát hãn mà tán đi. Nếu mạch dương mà vô lực nên luận là “Hư hàn”.
  • Mạch âm mà vô lực có thể luận là “Âm chứng”, nên dùng thuốc ấm mà tán đi, mà ôn bổ. Nếu mạch âm mà hữu lực nên luận là “Thực nhiệt”.
  • Thế thì mạch hữu lực, hay vô lực đã hẳn là chuẩn đích để xét bệnh chưa? Hãy lấy mạch hoãn mà nói: hoặc vì kinh sợ điều gì mà mạch Phục cũng có, hoặc do đau lắm mà mạch Phục cũng có, hoặc vì nôn dữ, đi tả dữ mà mạch Phục cũng có; không thể nói câu nệ một mức như nhau được.
  • Duy có mạch vị khí thời sống, không có vị khí thời chết; cho nên ấn nhẹ tay để xem phủ khí, ấn nặng tay để xem tạng khí, ấn vừa tay để xem vị khí (ấn vừa tay là nói ấn không nhẹ không nặng).
  • Nhưng không những thế mà thôi. Mùa xuân can mộc vượng, sáu bộ mạch đều ghé mạch Huyền mà hơi Huyền. Mùa hè tâm hỏa vượng, sáu bộ mạch đều có ghé mạch Hồng mà hơi Hồng. Mùa thu phế kim vượng, sáu bộ mạch đều có ghé mạch Mao mà hơi Mao. Mùa đông thận thủy vượng, sáu bộ mạch đều có ghé mạch Thạch mà hơi Thạch.
  • Bốn tháng cuối của mỗi mùa, tỳ thổ vượng thì sáu bộ mạch đều có ghé mạch Hòa hoãn, đó là có vị khí. Nếu một trong bốn thứ Huyền, Hồng, Mao, Thạch mà không có chút chi hòa hoãn thế là hiện ra mạch chân tạng, không có vị khí.
  • Mạch trẻ con nên Hồng Sác. Mạch người trẻ mạnh nên Hồng hoạt. Mạch người mới mắc bệnh nên Hồng Trường.
  • Bệnh thuộc về dương thấy mạch dương là mạch hợp với bệnh thì dễ chữa. Song mạch Hồng Hoạt hơi có chút hòa hoãn, không đến nỗi căng quá mới là có vị khí.
  • Mạch trẻ mới đẻ nên Tế Nhược, mạch người già nên Nhu Nhược. Mạch người mắc bệnh lâu ngày nên Nhu Tế.
  • Bệnh thuộc về âm thấy mạch âm là mạch phù hợp với bệnh thì dễ chữa. Song trong mạch Nhu Nhược còn thấy mạch qua lại rõ ràng, không mềm yếu quá mới là có vị khí.
  • Nếu mạch Hồng, Sác hay Nhu, Nhược mà chỉ thấy một mực Hồng, Sác hay Nhu, Nhược cũng là không có vị khí. Khi mạch nên Hồng Sác mà trái lại chỉ thấy Trì Nhu, khi nên Trì Nhu mà trái lại thấy Hồng Sác là dương bệnh lại thấy âm mạch, âm bệnh lại thấy dương mạch, thế là bệnh trái với mạch rất khó chữa.
  • Còn như những mạch về chứng nhiệt quyết, hàn quyết, âm cực, dương cực đã nói rõ ở các bài mạch, ở đây không phải bàn nữa. Trên đây nói tham khảo 4 thứ mạch căn bản để quyết đoán ở biểu hay ở lý, thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực là thế đó.
Nay nói đến 6 bộ mạch trong 4 mùa nên có hay nên kỵ như thế nào?
  • Mạch mùa xuân nên Huyền mà kỵ Sắc là vì kim khắc mộc.
  • Mạch mùa hạ nên Hồng mà kỵ Trầm là vì thủy khắc hỏa.
  • Mạch mùa thu nên Mao mà kỵ Hồng là vì hỏa khắc kim.
  • Mạch mùa đông nên Trầm hoạt mà kỵ Hoãn là vì thổ khắc thủy.
Khi xem riêng từng bộ mạch:
  • Bộ Thốn bên tả là mạch tâm thì kỵ Trầm
  • Quan bên tả là mạch can kỵ Sắc
  • Xích bên tả là mạch thận kỵ Hoãn.
  • Thốn bên hữu là mạch phế kỵ Hồng
  • Quan bên hữu là mạch tỳ kỵ Huyền
  • Xích bên hữu là mạch tướng hỏa kỵ Trì.
Đây là nói đại lược về cách coi mạch từng bộ cần phải biết đến. Còn có lẽ sinh khắc của ngũ hành, đường vận hành thứ tự của kinh lạc và cơ năng giống nhau hay khác nhau của âm dương nữa, người làm thuốc phải nên đọc kỹ.

2. Kinh lạc
Kinh lạc là gì?
Kinh đi đường thẳng, lạc là từ trong đường kinh đi tách sang bên cạnh.
Hãy nói qua sự vận hành đêm ngày của kinh lạc như sau.
Kinh thủ thái âm Phế: hàng ngày giờ dần đi từ huyệt Trung phủ, quanh trên vú ở khoảng xương sườn thứ 3 theo cánh tay đi xuống huyệt Thiếu thương thì thôi (Tức là phía bên trong cạnh đầu ngón tay cái, ở hai tay).
Kinh thủ dương kinh Đại tràng: bắt đầu từ giờ mão, từ chỗ huyệt Thiếu thương (phế) chuyển sang với huyệt Thương dương (phía cạnh bên trong ngón tay trỏ) lần theo khuỷu tay đi lên cạnh mũi tới huyệt Nghinh hương thì ngừng (chỗ lõm cạnh mũi).
Kinh túc dương minh Vị: giờ thìn đi từ chỗ huyệt Nghinh hương chuyển vào giao với huyệt Thừa khấp (dưới mắt 7 phân, ngắm thẳng lên đồng tử), một đường lên đến huyệt Đầu duy (phía ngoài góc trán, trong mái tóc) qua huyệt Nhân nghinh (cạnh cổ họng 1 thốn rưỡi, ngoài lằn gân to) theo ngực bụng xuống ngón chân thứ hai, huyệt Lệ đoài thì ngừng (ở đầu ngón chân thứ hai về phía ngón chân cái).
Kinh túc thái âm Tỳ: giờ tỵ đi từ chỗ huyệt Xung dương (từ kẽ ngón chân thứ 2 và 3 đo lên 3 thốn, ở kẽ xương bàn chân 2 và 3) qua giao với huyệt Ẩn bạch (chỗ cạnh phía trong ngón chân cái) lần theo đùi, bụng đi lên phía dưới nách tới huyệt Đại bao thì ngừng (cạnh sườn phía dưới nách 3 thốn).
Kinh thủ thiếu âm Tâm: giờ ngọ từ chỗ huyệt Đại bao, giao với huyệt Cực tuyền ở dưới nách (là mạch ở chỗ gân dưới nách, đi vào ngực) lần theo cánh tay tới huyệt Thiếu xung thì ngừng (chỗ mé trong hai ngón tay út).
Kinh thủ thiếu dương Tiểu tràng: giờ mùi đi từ chỗ huyệt Thiếu xung giao với huyệt Thiếu trạch (ở bên cạnh phía ngoài đầu ngón tay út) theo cánh tay đi lên huyệt Thính cung (ở bên nhĩ châu trước tai).
Kinh túc thái dương Bàng quang: giờ thân từ chỗ huyệt Thính cung qua giao với huyệt Tinh minh (phía khóe mắt bên trong, ở giữa chỗ lõm nơi thịt đỏ) lần qua đầu cổ xuống lưng, ngang lưng, đùi, chân đến huyệt Chí âm thì ngừng (chỗ đầu ngón út bên mé ngoài).
Kinh túc thiếu âm Thận: giờ dậu đi từ chỗ huyệt Chí âm qua giao với huyệt Dũng tuyền (chỗ giữa gan bàn chân) theo đầu gối lên bụng đi lên huyệt Du phủ ở ngực (dưới xương đòn) thì ngừng.
Kinh thủ quyết âm Tâm bào lạc: giờ tuất đi từ chỗ huyệt Du phủ giao với huyệt Thiên trì (chỗ lõm bên cạnh dưới vú 2 tấc) theo cánh tay đi xuống tới huyệt Trung xung thì ngừng (trong chỗ lõm, đầu ngón tay giữa).
Kinh thủ thiếu dương Tam tiêu: giờ hợi đi từ chỗ huyệt Trung xung qua giao với huyệt Quan xung (chỗ đầu ngón tay thứ 4 phía cạnh ngoài) theo cánh tay đi lên mặt, đến huyệt Nhĩ môn thì ngừng (chỗ thịt lồi lên, nơi lõm ổ tai).
Kinh túc thiếu dương Đởm: giờ tý đi từ chỗ huyệt Nhĩ môn giao với huyệt Đồng tử liêu ở phía ngoài đuôi mắt (chỗ phía ngoài đuôi mắt 5 phân) đi lên phía cạnh đầu, mắt, xuống sườn đến huyệt Khiếu âm ở đầu ngón chân út thì dừng.
Kinh túc quyết âm Can: giờ sửu từ chỗ huyệt Khiếu âm giao với huyệt Đại đôn (ở đầu ngón chân cái) theo gối, đùi, lên bụng đi tới huyệt Kỳ môn thì ngừng. Đến giờ dần lại đi vào kinh Phế.
Đây là 12 kinh của tạng phủ, ứng với 12 mạch đi khắp một lượt rồi trở lại từ đầu.
Người làm thuốc phải xét rõ để biết nguyên nhân mắc bệnh. Do đó mới biết những kinh: Thủ thái âm Phế, thủ thiếu âm Tâm, thủ quyết âm Tâm bào lạc đều từ bụng đi ra tay, nên gọi là ba kinh âm ở tay. Những kinh: thủ thái dương Tiểu tràng, thủ dương minh Đại tràng, thủ thiếu dương Tam tiêu đều từ tay đi đến đầu nên gọi là ba kinh dương ở tay. Những kinh: túc thái âm Tỳ, túc thiếu âm Thận, túc quyết âm Can đều từ chân đi lên bụng nên gọi là ba kinh âm ở chân. Những kinh: túc thái dương Bàng quang, túc dương minh Vị, túc thiếu dương Đởm đều đi từ bụng xuống chân nên gọi là ba kinh dương ở chân. Trên đây là nói thứ tự đường đi của kinh lạc.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.