YTTL: Nội kinh yếu chỉ 7.2

Phần này nói về kinh mạch trong nội kinh ( tiếp theo phần 1)

MẠCH KINH (Phần 2)
Hỏi: Tại sao thấy mạch chân tạng thì chết?
Đáp: “Ngũ tạng đều bẩm thụ khí ở vị, vị là gốc của ngũ tạng”. (Vị là cái bể của thủy cốc, cho nên ngũ tạng đều bẩm thụ ở thủy cốc).
  • Tạng khí không thể tự mình đến kinh Thủ thái âm, phải do vị khí mới đến được kinh Thủ thái âm. (Con người bẩm thụ khí ở vị, tạng khí là khí của người khỏe mạnh bình thường, cho nên tạng khí có vị khí mới đưa đến kinh Thủ thái âm).
  • Cho nên ngũ tạng đều tự hoạt động có chừng độ mà đến kinh Thủ thái âm. (Tự hoạt động theo trạng thái của nó mà đến kinh Thủ thái âm).
  • Cho nên tà khí thịnh thì tinh khí suy mà bệnh nặng, thì vị khí không thể cùng đến với kinh Thủ thái âm và chỉ thấy khí của chân tạng, cho nên nói là chết. (Đó là nói về mạch không có vị khí).
Hỏi: Hình và khí tương ứng với nhau thì có thể chữa được. (Khí thịnh hình thịnh, khí hư hình hư là tương ứng).
Đáp: Sắc trạch tươi tốt mà mỡ màng thì dễ chữa. (Khí sắc hồng hào tươi nhuận, huyết khí dinh dưỡng lẫn nhau cho nên dễ khỏi).
  • Mạch tương ứng với 4 mùa thì dễ chữa. (Mạch mùa xuân huyền, mùa hè câu, mùa thu phù, mùa đông trầm là thuận. Mạch 4 mùa theo nhau là thuận).
  • Mạch nhược mà hoạt là có vị khí thì dễ chữa, xét mạch phải xét theo thời tiết. (Xét mạch có phù hợp với bốn mùa không thì chữa đâu khỏi đấy, phải xét xem khí huyết 4 mùa có mắc bệnh chỗ nào mà chữa bệnh).
  • Hình và khí trái nhau thì khó chữa. (Hình thịnh khí hư, hình hư khí thịnh là trái nhau).
  • Sắc tối mà không bóng thì khó chữa, mạch thực mà cứng thì bệnh tăng, mạch nghịch với 4 mùa thì không chữa được. (Mạch thực mà cứng là tà khí thịnh, cho nên càng nặng, vì khí nghịch lên không thể chữa được).
Tam bộ cửu hầu là: có hạ bộ, trung bộ và thượng bộ, mỗi bộ như vậy có ba hầu: thiên, địa và nhân; Thượng bộ thiên, là động mạch ở hai bên trán. (Động mạch ở hai bên trán ứng dưới tay là chỗ mạch khí của kinh Túc thái dương đi qua).
  • Thượng bộ địa, là động mạch ở hai bên má. (Động mạch ứng dưới tay ở hai bên má dưới lỗ mũi, gần huyệt cự liêu là chỗ mạch khí của kinh Túc dương minh đi qua).
  • Thượng bộ nhân, là động mạch ở trước tai. (Động mạch ứng dưới tay trong chỗ lõm của xương trước tai là chỗ mạch khí của kinh Thủ thiếu dương đi qua).
  • Trung bộ thiên là Thủ thái âm. (Tức là phế mạch ở thốn khẩu sau bàn tay, động mạch ứng dưới tay là huyệt Kinh cừ).
  • Trung bộ địa là Thủ dương minh. (Tức là mạch đại trường, mạch ứng dưới ngón tay ở khoảng xương kẽ ngón tay cái và trỏ, chỗ hai xương giáp nhau).
  • Trung bộ nhân là Thủ thiếu âm. (Tức là tâm mạch, ở chỗ lồi xương trụ, sau bàn tay vùng huyệt Thần môn, mạch ứng dưới ngón tay).
  • Hạ bộ thiên là Túc quyết âm. (Tức là can mạch ở ngoài chòm lông mu, trong chỗ lõm dưới huyệt Dương thỉ một thốn rưỡi, ở về vùng huyệt Ngũ lý, nằm xuống mới lấy được huyệt. Đàn bà thì lấy mạch ở huyệt Thái xung, chỗ lõm hai thốn sau đốt ngón chân cái).
  • Hạ bộ địa là kinh Túc thiếu âm. (Tức là mạch thận, ở trong chỗ lõm sau gót, bên trên mắt cá sau, vùng huyệt Thái khê, động mạch ứng dưới ngón tay).
  • Hạ bộ nhân là Túc thái âm. (Tức là mạch tỳ ở trên bụng chân (bắp chuối) qua khoảng gần thẳng xuống dưới huyệt Ngũ lý, ở chỗ huyệt Cơ môn, ấn tay lấy huyệt thì thấy mạch ứng dưới ngón tay, tìm vị khí phải lấy huyệt trên mu bàn chân, huyệt ở trong chỗ Xung dương).
  • Cho nên hạ bộ thiên là gốc của can. (Mạch Túc quyết âm đi ở trong đấy).
  • Hạ bộ địa là gốc ở thận. (Mạch Thủ thiếu âm đi ở chỗ này).
Người ta thăm dò khí ở tỳ vị. (Mạch Túc thái âm đi ở trong đấy).
  • Trung bộ là như thế nào? Cũng có thiên, cũng có địa, cũng có nhân. Thiên bộ để xét về phế, (mạch Thủ thái âm ở chỗ này). Địa bộ chủ khí ở hung trung, (mạch thủ dương minh ở chỗ này). Nội kinh nói: “trường vị cùng một gốc, cho nên lấy gốc ở hung trung”. Nhân bộ chủ tâm. (mạch Thủ thiếu dương ở trong này).
  • Thượng bộ chủ về gì? Cũng có thiên bộ, địa bộ, nhân bộ. Thiên bộ chủ khí ở góc đầu. (Bộ vị ở góc đầu cho nên chủ khí ở góc đầu). Địa bộ xét khí ở góc răng miệng. (Bộ vị ở gần răng miệng cho nên xét về răng miệng). Nhân bộ xét khí ở tai mắt. (Vì bộ vị của nó ở động mạch ngay trước tai, ngoài đuôi mắt, cho nên xét khí ở tai mắt).
  • Ba bộ đều có thiên bộ, đều có địa bộ, đều có nhân bộ. Ba bộ thành thiên bộ. (Nói rõ ba bộ hợp thành thiên bộ, hợp thành ngũ tạng). Ba bộ thành địa bộ, ba bộ thành nhân bộ, ba lần ba thành chín tức là chín khí, ở mặt đất chia làm chín khu vực, ở nhân thể chia làm chín tạng. (Vì thế cho nên ứng với chí số của thiên địa). Đấy là hình tạng 4, thần tạng 5, hợp thành 9 tạng. (Nói thần tạng là can tàng hồn, tâm tàng thần, tỳ tàng ý, phế tàng phách, thận tàng chí vì nó đều có thần khí ở đó. Hình tạng là nhờ đồ vật để nghiêng rỗng, mà úp xuống. Hợp tàng ở vật cho nên gọi là hình tạng. Một là góc đầu, hai là tai mắt, ba là răng miệng, bốn là giữa ngực).
Ngũ tạng đã bại hoại thì sắc phải yểu, sắc yểu thì chết. (Yểu là sắc chết, là dấu hiệu khác thường, sắc như ngọn cờ của thần, tạng là chỗ trú của thần, cho nên thần mất thì tạng bại hoại, tạng bại hoại thì sắc thấy dị thường, chứng hậu thì chết vậy).
  • Hình thịnh mà mạch tế, khí ít không đủ để thở thì nguy. (Hình và khí phù hợp với nhau thì có thể chữa được, nay mạch khí không đủ mà hình thịnh có thừa không phù hợp với chứng, cho nên nguy).
  • Hình gầy mà mạch đại, trong ngực nhiều khí thì chết. (Đó là hình khí bất túc mà mạch khí hữu dư. Hình gầy mạch đại, trong ngực nhiều khí, hình tạng đã tổn thương như thế là hình và khí không phù hợp với nhau).
  • Hình và khí phù hợp với nhau thì sống, chênh lệch không điều hòa thì sinh bệnh. Tám bộ cửu hầu trái nhau thì chết. (Trái nhau là khí hậu không cùng loại với nhau, hậu cùng trái nhau phép chẩn có 7. Hình trạng thất chẩn như đoạn y văn dưới đây: Mạch trên dưới tả hữu như gõ nhịp thì bệnh nặng, một hơi thở 10 chí [69] trở lên không đếm được thì chết). Tuy có một mình trung bộ điều hòa mà trái với các tạng thì chết, trung bộ mà giảm sút thì chết. (Tả hữu của trung bộ gồm có 6 chỗ để nhận xét, nhưng thượng bộ hạ bộ không tương ứng, chỉ riêng ở trung bộ điều hòa thì không phải suy giảm ở trên dưới là khí suy cho nên chết).​
  • Lòng mắt lõm xuống thì chết. (Kinh mạch Thái dương bắt đầu ở đầu mắt, lòng mắt lõm xuống là kinh Thái dương tuyệt cho nên chết. Nói đến kinh Thái dương vì kinh Thái dương chủ mọi khí dương cho nên chỉ nói riêng kinh ấy).
  • Bắp thịt teo róc hết, chín hầu mạch tuy điều hòa cũng chết. (Cũng là nói hình khí không cân đối nhau. Nội kinh nói: mạch khí hữu dư, hình khí bất túc thì sống, bất túc ở đây là chưa thoát. Thoát là những bắp thịt lớn đều teo hết. Tỳ chủ cơ nhục, cơ nhục thoát là tỳ đã tuyệt, phải chết, cho nên tuy chín hầu mạch điều hòa cũng chết).
  • Xét chín hầu mạch mà chỉ thấy riêng nhỏ hoặc to, hoặc nhanh hoặc chậm, hoặc nhiệt hoặc hàn, hoặc hạ hãm thì đều là bệnh cả. (Dấu hiệu trái nhau khi chẩn đoán có 7 loại như thế, nhưng 7 loại mạch đó là nói mạch đi riêng biệt không ăn nhịp với nhau thì bệnh. Đây là nói chín hầu mạch có cách xem 7 loại mạch ấy).
  • Bắp thịt teo róc hết, không đi đứng được thì chết. (Cốc khí suy ở ngoài thì bắp thịt teo róc hết, khí thiên chân kiệt ở trong cho nên không đi đứng được, thiên chân và cốc khí đều suy thì sẽ chết).
  • Chín hầu mạch đều trầm tế muốn tuyệt là mạch thuần âm, chủ mùa đông, cho nên đến nửa đêm thì chết, mạch nhanh gấp vội vàng là mạch thuần dương, chủ mùa hè, cho nên đến giữa trưa thì chết. (Vị trí hay đổi dời, sự vật tột cùng thì phản lại, đó là lẽ âm dương, dương cực thì âm bị hại, cho nên nói mạch âm dương cùng tột thì chết vào nửa đêm hoặc giữa trưa).
  • Hàn cực thì bệnh đến sáng sớm sẽ chết. (Cũng như sự vật cùng tột thì biến, sáng sớm thì can mộc vượng, mộc khí là phong cho nên khí mộc vượng thì phát sinh ra bệnh hàn nhiệt).
  • Nhiệt trúng và bệnh nhiệt đến giữa trưa thì sẽ chết (là vì dương cực). Gặp bệnh phong thì đến chiều sẽ chết (là vì giờ mão giờ thìn xung khắc nhau).
  • Bệnh thuộc thủy thì đến nửa đêm chết (là vì thủy vượng).
  • Mạch đi chợt thưa, chợt nhanh, chợt chậm, chợt gấp thì chết vào ngày tứ quý. (Thổ khí vượng vào thìn, tuất, sửu, mùi, tỳ khí tuyệt ở trong cho nên đến ngày tứ quý thì chết. Đó là nói rõ kỳ hạn của bệnh.​
Trẻ con đang bú, bị sốt, mạch huyền là như thế nào? (Huyền ví như vật treo mà động). Chân tay ấm thì sống, lạnh thì chết. Trẻ con đang bú bị trúng phong nhiệt thở khò khè, mà so vai, mạch như thế nào?
  • Thở khò khè so vai mà mạch thực đại, mạch hoãn thì sống, mạch cấp thì chết. (Đó là nói về trẻ con đang còn bú, mạch và bệnh trái nhau lại có thể xét các chứng khác; bệnh chứng đều nặng lại có thể căn cứ vào mạch thể để quyết đoán được sự sống chết.
  • Trẻ em đang còn bú mà mắc bệnh nhiệt là dương chứng, mạch huyền tiểu là dương chứng thấy âm mạch, nhưng mà chân tay ôn hòa thì còn chính khí. Mạch tuy huyền tiểu nhưng chưa phải mạch đại, cho nên có thể sống được. Nếu không thì chân tay lạnh mà chết. Lại như trẻ em đang còn bú mà trúng phong phát sốt, thở khò khè, so vai là dương chứng, là mạch phải thực đại, nhưng trong thực đại có hoãn thì tà khí lui dần, có thể sống được. Nếu thực đại mà cấp thì tà khí tăng lên, bệnh sẽ chết).
  • Tại sao kiết lỵ đi ra máu mình nóng thì chết, lạnh thì sống? (Mình nóng là huyết bại cho nên chết, mình lạnh là vinh khí còn cho nên sống).
  • Tại sao kiết lỵ đi ra mũi mạch trầm thì sống, mạch phù thì chết? (âm bệnh mà thấy dương mạch, mạch trái với chứng cho nên chết).
  • Tại sao kiết lỵ đi ngoài những máu lẫn mũi mà mạch huyền tuyệt thì chết, mạch hoạt đại thì sống, và tại sao kiết lỵ mạch không huyền tuyệt mà mạch hoạt đại thì sống, huyền sắc thì chết? (Can tuyệt gặp ngày canh tân thì chết, tâm tuyệt gặp ngày nhâm quý thì chết, phế tuyệt gặp ngày bính đinh thì chết, thận tuyệt gặp ngày mậu kỷ thì chết, tỳ tuyệt gặp ngày giáp ất thì chết, là lấy tạng mà có thể định được kỳ hạn, đó là nói về loại bệnh lỵ có khi đi ngoài ra máu, có khi đi ngoài ra mũi, có khi đi ra cả máu lấn mũi thì tùy chứng tùy mạch mà có thể quyết đoán được sự sống chết).
  • Tại sao bệnh điên mạch hư có thể chữa được mà mạch thực thì chết? (Nói về mạch của bệnh điên thì hễ thấy dương mạch, hư mạch thì sống, là vì bệnh điên thuộc dương chứng, cho nên mạch đại mạch hoạt là dương chứng thấy dương mạch, cho nên bệnh lâu ngày sẽ tự khỏi; nếu mạch tiểu mạch cứng mà cấp là âm mạch cho nên chết, không chữa được, nhưng mạch bệnh điên cần phải hư, mạch đi đại hoặc hoạt mà phải kèm có hư mới chữa được, nếu mạch kèm có thực là tà khí hữu dư, sẽ là dấu hiệu chết).
Bệnh Tiêu đản hư thực như thế nào? Mạch thực đại bệnh lâu ngày có thể chữa được, mạch huyền tiểu, cứng, đau lâu ngày thì không thể chữa được. (Bệnh lâu ngày khí huyết suy, mạch không nên thực đại cho nên nói không có thể chữa được).
  • Bệnh Hoàng đản, đột nhiên đau, bệnh điên cuồng, quyết nghịch là do khí nghịch lâu ngày mà sinh ra, vì ngũ tạng không bình hòa, lục phủ bế tắc mà gây nên đầu nhức ù tai, chín khiếu không lợi là do trường vị mà sinh ra. (Đó là nói bệnh do nguyên nhân trong).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.