PHÉP TẮC CHỮA BỆNH (Phần 2)
Hỏi: Điều hòa khí huyết có thể thu được kết quả chữa bệnh là thế nào?
Đáp: “Hoặc dùng lối tòng trị hoặc dùng lối nghịch trị, hoặc nghịch với bệnh khí mà thuận với chính khí, hoặc thuận theo bệnh khí mà nghịch với chính khí để sơ thông cơ chế của khí âm dương, làm cho trên dưới điều hòa, đấy là lối chữa “điều hòa khí huyết”. (Nghịch là nghịch lại bệnh khí để chữa thẳng (chính trị), tòng là thuận theo bệnh khí mà chữa trái lại. Nghịch với bệnh khí để chữa thẳng là làm cho bệnh khí phải thuận theo, thuận theo bệnh khí để chữa là làm cho nó được bình hòa, cho nên nói là nghịch tòng, hạ là sơ thông phần khí, làm cho đường lối khai thông thì khí cảm hàn nhiệt mà biến đổi).
Hỏi: Bệnh có ảnh hưởng trong ngoài với nhau thì trị liệu như thế nào?
Đáp:
- “Từ bên trong ảnh hưởng ra ngoài thì căn bản là do bên trong, cho nên phải điều trị bên trong trước. Từ ngoài ảnh hưởng vào trong thì căn bản là do bên ngoài, cho nên phải điều trị bên ngoài trước”. (Đó là chữa từ gốc bệnh).
- Bệnh từ trong ảnh hưởng đến ngoài mà nặng về bên ngoài hơn thì trước phải trị bên trong rồi sau mới trị bên ngoài; bệnh từ ngoài ảnh hưởng vào trong mà nặng về bên trong thì trước chữa bên ngoài rồi sau mới chữa bên trong. (Tức là trước trừ tận gốc, sau mới thanh trừ cành lá).
- Đã không phải từ bên trong, lại không phải từ bên ngoài, cho nên gọi là bất nội ngoại nhân, chỉ nên chữa bệnh chứng chủ yếu. (Không phải từ bên trong, không phải từ bên ngoài, là đằng nào cũng có một bệnh. Đó là nói về cách chữa biểu lý của bệnh có 3 phép: Một tiêu bản, hai là tiền hậu (Trước sau), ba là chủ bệnh).
Nói chung chữa bệnh hàn phải dùng thuốc nhiệt, chữa bệnh nhiệt phải dùng thuốc hàn, thầy thuốc không thể trái với tiêu chuẩn trị liệu có tính chất nguyên tắc ấy mà thay đổi cách chữa khác, nhưng có khi bệnh nhiệt cho dùng thuốc hàn mà nhiệt lại tăng thêm, có khi bệnh hàn dùng thuốc nhiệt mà hàn lại tăng thêm. Chẳng những hàn nhiệt vốn có vẫn không lui, trái lại bệnh mới lại tăng thêm, trường hợp này thì cách chữa như thế nào? (Tức là chữa bệnh mà bệnh không lui, trái lại vì dùng thuốc hàn thuốc nhiệt mà sinh ra bệnh hàn bệnh nhiệt mới). Kỳ Bá đáp: “Các chứng cho uống thuốc hàn mà hóa nhiệt là âm bất túc, cần phải tư âm; cho uống thuốc nhiệt mà hóa ra hàn là dương bất túc, cần phải bổ dương. Đó là theo thuộc tính của nó. (Đây là nói bổ thêm nguồn của hỏa để tiêu trừ cái mây mù [64], làm mạnh chân thủy để chế lại sự chói sáng, cho nên nói là tìm thuộc tính của nó. Người thầy thuốc kém dùng thuốc nhiệt chữa bệnh hàn, dùng thuốc hàn chữa bệnh nhiệt, chữa hàn mà hàn càng tăng, công nhiệt mà nhiệt càng dữ, nhiệt sinh ra mà hàn ở trong vẫn còn, hàn sinh ra mà nhiệt ở ngoài chưa hết. Muốn công hàn thì sợ nhiệt không dám dùng, muốn chữa nhiệt thì sợ hàn rồi lại thôi, tiến thoái lưỡng nan, nguy nan đã đến, biết đâu được cái nguồn của tạng phủ có hàn nhiệt ôn lương sở chủ. Vả lại chữa tâm không cứ phải chữa bằng nhiệt, chữa thận không cứ phải chữa bằng hàn, trợ thêm cái dương khí của tâm dùng thuốc hàn cũng thông hành được, làm mạnh chân âm của thận dùng thuốc nhiệt cũng có thể giảm được, hoặc dùng thuốc nhiệt chữa bệnh nhiệt, dùng thuốc hàn chữa bệnh hàn là chữa đâu khỏi đấy.
Hỏi: “Uống thuốc hàn mà lại nhiệt, uống thuốc nhiệt mà lại hàn là tại sao?
Đáp: “
- Chỉ đơn thuần chữa cái khí lấn mạnh mà xem nhẹ mặt hư của nó, cho nên có cái kết quả trái nhau như vậy. (Vật thể có hàn nhiệt, khí tính có âm có dương, va chạm đến khí lấn mạnh thì làm tăng thêm tác dụng của nó. Vả lại, can khí ôn hòa, tâm khí nóng nảy, phế khí mát mẻ, thận khí lạnh lẽo, tỳ khí thì tổng hợp các khí trên. Mùa xuân dùng thuốc thanh chữa can mà lại ôn.
- Mùa hè lấy thuốc hàn chữa tâm mà lại nhiệt, mùa thu dùng thuốc ôn chữa phế mà lại thanh, mùa đông dùng thuốc nhiệt chữa thận mà lại hàn, bởi vì bổ mạnh vào khí lấn thịnh quá, bổ khí lấn thịnh quá thì khí hàn khí nhiệt của tạng tự nó sẽ nhiều ra).
Năm vị sau khi vào dạ dày, vì tính ưa thích của mỗi tạng khí mà có tác dụng điều trị:
- Vị chua vào can trước
- Vị đắng vào tâm trước
- Vị ngọt vào tỳ trước
- Vị cay vào phế trước.
- Vị mặn vào thận trước
- Các vị tích lại lâu ngày thì có thể tăng cường các tạng khí tương ứng ấy. Đó là quy luật chung nhất của dược vật sau khi vào dạ dày, nó phát huy tác dụng khí hóa. Nếu trường kỳ làm cho tạng khí tăng cường một cách phiến diện là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chết non. (Vì vào can sinh ôn, vào tâm sinh nhiệt, vào phế sinh thanh, vào thận sinh hàn, vào tỳ là nơi chí âm, là nơi tổng hợp tứ khí, đều làm tăng thêm vị mà bổ ích cho khí.
- Cho nên mỗi vị tùy theo khí của bản tạng của nó, uống Hoàng liên, Khổ sâm lâu ngày mà trái lại sinh ra nhiệt là loại bệnh này, các vị khác cũng đều thế nhưng ý người khinh suất, không tinh tường đến chứng hậu cho nên nói lâu ngày mà tăng thêm khí là lẽ thường của sự vật. Khí tăng không ngớt, tạng khí thiên thắng thì có tạng khí thiên tuyệt thì lại có khí chết đột ngột. Cho nên nói khí tăng lên mãi là nguyên nhân của sự chết non.
- Vì thế, uống thuốc hàng ngày mà không đủ ngũ vị, không đủ tứ khí mà lại cứ uống nhiều ngày, tuy ban đầu có bổ ích, nhưng dùng lâu sẽ chết non, là nghĩa như thế. Bỏ không ăn cơm mà chỉ uống thuốc mà mau chết, tại sao vậy? Là vì không có vị của ngũ cốc bồi bổ cho nên như thế. Lại chỉ ăn một thứ ngũ cốc cũng mau chết non.
Hỏi: Phân biệt bệnh tật ở trong ngoài là làm sao?
Đáp:
- Phương pháp điều khí cần phải phân biệt âm dương, xác định coi chúng ở trong hay ở ngoài, căn cứ vào vị trí của bệnh.
- Ở trong thì trị trong, ở ngoài thì trị ngoài, bệnh nhẹ thì điều lý, bệnh hơi nặng thì làm cho bình ổn, bệnh nặng lắm thì cướp đoạt, ở ngoài thì phát hãn, ở trong thì hạ. Bởi vì hàn nhiệt ôn lương khác nhau mà làm giảm cái bệnh thế sở thuộc, tùy theo sự thích nghi của nó. (Bệnh có trong ngoài, chữa có biểu lý, chữa ở trong thì dùng phép nội trị mà điều hòa, chữa ở ngoài thì dùng phép ngoài trị mà điều hòa. Ngoài ra, bệnh nặng thì dùng cách bình khí để điều hòa, nặng quá không khỏi thì phải dùng cách cướp đoạt tà khí làm cho nó suy giảm đi. Ví như khí Tiểu hàn phải dùng phép ôn hòa, khí Đại hàn phải dùng phép nhiệt để chữa, khí lạnh nhiều phải dùng phép hạ để đoạt, tà không nặng lắm phải dùng phép nghịch để trừ, trừ không hết thì phải tìm cái sở thuộc của bệnh để làm cho bệnh thế tiêu dần, nếu bị cảm khí của Tiểu nhiệt thì dùng phép lương để hòa, khí của Đại nhiệt nhiều thì dùng phép hàn để chữa, khí nhiệt nhiều thì dùng hãn để phát ra. Phát ra không hết phải dùng phép nghịch để chế, chế mà tà không hết thì phải tìm cái sở thuộc của bệnh mà làm cho bệnh thế giảm đi, cho nên nói là hãn là hạ. Lấy sở thuộc của bệnh để làm giảm hàn nhiệt ôn lương, tùy chỗ của nó).
Cẩn thận tuân thủ theo phép tắc trên có thể chữa đâu khỏi đấy, khí huyết bình hòa thì sống lâu. (Tuân thủ phép tắc để chữa, hễ làm là đúng cho nên có thể sử lý được mọi việc, đó là phép tắc căn bản để bảo vệ khí huyết, là nguyên nhân làm cho chính khí không hao kiệt).
- - Phàm trước khi chẩn bệnh trước phải hỏi tỉ mỉ về sự thay đổi chức nghiệp, địa vị xã hội. Nếu là người trước kia ở địa vị cao sang mà nay thấp hèn, tuy bệnh nhân không cảm ngoại tà mà bệnh tật cũng có thể từ trong mà phát sinh, thứ bệnh này gọi là “THOÁT DINH”. (Là vì tinh thần bị khuất, lúc sang thì được tôn quý, lúc hèn thì phải nhẫn nhục, trong lòng mãi lưu luyến cái quá khứ, chí lo nghĩ kết lại trong lòng, tuy không cảm phải ngoại tà mà bệnh từ trong sinh ra, huyết mạch hư giảm cho nên gọi là thoát dinh).
- Hoặc trước kia giàu sang mà sau này nghèo khó, do đó mà phát bệnh gọi là “THẤT TÌNH”. Mấy loại bệnh này là do khí của ngũ tạng uất kết lại, khí huyết không lưu thông kết lại thành bệnh. (Giàu mà phóng túng đến khi nghèo thì mất hết của cải, trong lòng thì uất kết khổ sở, bên ngoài thì luyến tiếc đồ đạc, lòng luôn luôn tưởng nhớ, thần theo đó mà bốc lên đường vinh vệ, buồn cho nên lưu trệ, khí huyết không lưu thông tích lại mà thành bệnh).
- Thân thể ngày càng gày mòn, khí hư tinh kiệt. (Khí huyết bức nhau, thân thể gày mòn cho nên thân thể ngày càng gày sút, khí quy về tinh, tinh nuôi khí. Làm cho khí hư không hóa tinh là vì tinh không có gì bồi bổ).
- Bệnh thế ngày càng nặng, dương khí tiêu tan, gai gai ớn lạnh, thường thường kinh hãi bất an. (Bệnh thế lâu ngày, cốc khí hết, dương khí tiêu tan ở trong cho nên gai gai ớn lạnh mà sợ hãi).
- Bệnh thế này sở dĩ ngày càng nặng là vì tình chí uất kết, bên ngoài thì hao tổn vệ khí, bên trong thì vinh huyết bị tiêu hao. (Huyết do ưu sầu nung nấu, khí do bi thương mà giảm đi, cho nên làm hao vệ khí ở ngoài, đoạt dinh khí ở trong. Tại sao bệnh hóa ra lâu ngày? Là vì khí bị hao mà đoạt mất).
Thầy giỏi mà không hỏi nguyên nhân bệnh, không hiểu bệnh tình đấy cũng là lỗi lầm thứ nhất trong công tác chẩn trị.
- Phàm khi chẩn bệnh phải hỏi họ về tình hình ăn uống làm lụng nghỉ ngơi và hoàn cảnh xung quanh thế nào. (Sự ăn uống làm lụng nghỉ ngơi mỗi nơi mỗi khác nhau cho nên phải hỏi bệnh nhân).
- Về mặt tinh thần có những sự vui sướng đau khổ bất ngờ hay không, hoặc là trước vui sau khổ? Bởi vì những nét sinh hoạt bất thường ấy đều có thể làm tổn hại đến tinh khí, làm cho tinh khí suy kiệt, hình thể bại hoại. Mừng thì khí hoãn, buồn thì khí tiêu, buồn thương ở trong thì tinh khí kiệt hết mà chết, cho nên tinh khí kiệt hết thì hình thể bại hoại, tâm thần tan mất.
- Thầy kém chữa bệnh không biêt bổ tả, không biết bệnh tình đến nỗi tinh ba ngày càng suy kém, tà khí sẽ vây ráp, đó là lỗi lầm thứ hai trong công tác chẩn trị. (Không biết tình hình khác nhau của sự mừng giận buồn vui, đại khái lúc nào cũng bổ tả thì khí tinh ba của ngũ tạng ngày càng thoát hết, tà khí sẽ lấn vào mà thôn tính hết chân khí).
- Người thầy thuốc chẩn mạch giỏi tất nhiên phải biết phân tích so sánh cái thường, cái khác thường, nắm vững sâu sắc sự biến hóa. Nếu như thầy thuốc mà không hiểu được lẽ này thì sự chẩn đoán của họ sẽ không cao kiến, thứ chẩn đoán không cao kiến này là cái lỗi lầm thứ ba trong công tác chẩn trị. (Trong mục Tòng dung luận nói: “Mạch tỳ hư đi phù như mạch phế, mạch vị đi phù như mạch tỳ, mạch can đi cấp, trầm, tán giống như mạch thận. Đó là sự rối loạn chốc lát của thầy thuốc, lấy phương pháp phân tích so sánh mà phân biệt).
Chẩn bệnh có ba loại tình huống cần phải chú ý, trước hết là phải hỏi địa vị xã hội của bệnh nhân sang hay hèn, thứ đến hỏi tình hình thay đổi địa vị của họ như thế nào, sau hết là tìm hiểu xem có mộng tưởng gì? (Sang thì hình vui chí vui, hèn thì hình khổ chí khổ, vui khổ khác nhau cho nên trước hết phải hỏi đến).
- Bởi vì người trước kia vốn là quan sang tước trọng, nhất đán bị sa cơ thất thế, tuy không bị trúng ngoại tà mà về mặt tinh thần đã bị tổn thương trước, uất ức không thư thái làm cho thân hình bại hoại, thậm chí chết. Như trước kia là người giàu có một mai lại nghèo nàn, tuy không bị ngoại tà làm tổn hại cũng có thể phát sinh ra chứng lông da khô queo, gân mạch co quắp sinh ra bệnh bại sụi hoặc co quắp. (Vì tà khí lưu lại ngũ ở tạng, bệnh có chỗ phát ra nên sinh như thế).
- Những bệnh như thế này, nếu thầy thuốc không có thái độ nghiêm túc, không thể thuyết phục giáo dục để làm chuyển biến được tinh thần và ý thức của bệnh nhân, biểu hiện cái nhu nhược bất tài thì không thể sử lý gì được, tình chí của bệnh nhân không chuyển biến, trị liệu như thế này cũng không đem lại kết quả, không thể xử lý tốt thứ bệnh này, đấy là cái lỗi lầm thứ tư trong công tác chẩn trị.
- Phàm khi chẩn trị bệnh tật tất phải hiểu rõ nguyên nhân phát bệnh và quá trình diễn biến sau khi phát bệnh mới có thể xét biết gốc ngọn, nắm vững bệnh tình. Lúc bắt mạch định bệnh cần chú ý sự quan hệ trong vấn đề nam nữ như sinh ly tử biệt, tình chí uất kết, lo sầu, sợ hãi, mừng giận…đều có thể làm cho ngũ tạng rỗng không, huyết khí ly tán. Nếu như thầy thuốc mà không biết điều này là cái lỗi lầm thứ năm trong công tác chẩn trị. (Ly gián tình thân yêu, cắt đứt điều ưa thích, chất chứa sự lo nghĩ, cố kết sự giận dữ. Ly gián tình thân yêu là mất hồn, dứt mất điều ưa thích là mất khí, chất chứa sự lo nghĩ thì thần mệt, cố kết sự giận dữ thì chí bị uất, lo sầu thì khí bế tắc mà không lưu thông, sợ hãi thì hoảng hốt mà thất thần, giận dữ thì mê lẫn mà không chữa được, mừng vui thì sợ hãi mà khí không tàng. Do đó mà sinh ra 8 chứng trên, cho nên ngũ tạng rỗng không, huyết khí ly tán chỉ công phạt mà không hiểu rõ. Như thế thì nói làm sao được?).
Phàm khi chẩn đoán lâm sàng mà không biết lẽ âm dương nghịch tòng đấy là nguyên nhân thất bại thứ nhất trong công trị liệu.
- Theo thầy học nghề chưa tốt nghiệp, học thuật chưa tinh thông, nhắm mắt áp dụng ẩu các phương pháp trị liệu, cho thuyết bậy bạ làm chân lý, khéo đặt tên bệnh để khoe khoang bản thân, dùng càn biếm thạch làm cho thân thể về sau sinh tật, đấy là nguyên nhân thất bại thứ hai trong công tác trị liệu.
- Không phân biệt các nếp sinh hoạt của người giàu sang, kẻ nghèo hèn, không hiểu rõ hoàn cảnh cư trú tốt hay xấu, không chú ý đến sự ấm lạnh của thân thể, không xét nét đến sự cấm kỵ trong ăn uống, không phân biệt đến tính tình dũng khiếp của người, không biết ứng dụng phương pháp so sánh sự dị đồng để tiến hành phân tích, những loại chứng như thế đủ làm cho mình bối rối rồi, còn lấy đâu để bàn chuyện cao xa. Đấy là nguyên nhân thất bại thứ ba trong công tác trị liệu.
- Chẩn đoán bệnh mà không hỏi bệnh phát từ lúc nào? Về phương diện tinh thần có bị kích thích hay không, về phương diện ăn uống có tiết chế hay không? Về sinh hoạt khởi cư có thường vượt quy hay không? Hay là do ngộ độc? Những vấn đề này cần phải chú ý trước hết. Không hỏi rõ ràng những điều ấy trước mà sờ tay bắt mạch ngay, làm kiểu ấy là không có thể chẩn đoán ra được bệnh, buột miệng là nói bậy, gọi bệnh là nói càn kiểu ấy là do nghề kém sẽ tạo thành hậu quả tai hại nghiêm trọng. Đấy là nguyên nhân thất bại thứ tư trong công tác trị liệu.
- Nguyên nhân thất bại thứ nhất là không biết lẽ âm dương thuận nghịch, lẽ âm dương thuận nghịch không phải chỉ có một mối.
- Mạch Nhân nghinh ở tay trái là dương, mùa xuân hè đi mạch Hồng Đại là thuận, trầm tế là nghịch.
- Mạch Khí khẩu ở tay phải là âm, về mùa đông đi Trầm Tế là thuận, Hồng Đại là nghịch.
- Đàn ông mạch tay trái to là thuận, đàn bà mạch tay phải to là thuận.
- Bệnh ngoại cảm thuộc dương, thấy dương mạch là thuận, thấy âm mạch là nghịch.
- Bệnh nội thương thuộc dương, thấy dương mạch là thuận, thấy âm mạch là nghịch.
- Bệnh nội thương thuộc âm, thấy âm mạch là thuận, thấy dương mạch là nghịch, còn như màu sắc thấy ở trên ở dưới, ở bên phải bên trái, đều là những điều mấu chốt dễ đoán bệnh, trên là nghịch dưới là thuận.
- Đàn bà bên phải là nghịch, bên trái là thuận).
- Nguyên nhân thất bại thứ hai là không theo đúng phương pháp trị liệu của thầy dạy, bắt trước tà thuật nhố nhăng, lấy cái sai làm đúng, dùng bừa biếm thạch).
- Nguyên nhân thất bại thứ ba là không thích nghi với tình hình của bệnh nhân, không hiểu rõ phương pháp so sánh phân loại bệnh).
- Nguyên nhân thất bại thứ tư là không nghiên cứu nguyên nhân sinh bệnh, bắt mạch bừa bãi, gọi tên bệnh là sai).
- Người thông minh không chủ trương để có bệnh rồi mới lo chữa bệnh, mà cần phòng bệnh trước khi chưa có bệnh, việc trị nước cũng thế, không phải để cho có loạn rồi mới nghiên cứu dẹp loạn, mà lúc chưa có loạn phải ngăn ngừa đừng để cho loạn lạc phát sinh. Giả sử bệnh tật phát sinh rồi mới trị liệu, chiến loạn đã hình thành rồi mới lo bình định thì có khác chi khát nước rồi mới nghĩ đến việc đào giếng, chiến tranh đã bùng nổ rồi mới nghĩ đến việc chế tạo vũ khí, thế thì chẳng muộn lắm sao?
- Hình thể yếu nhược, khí hư thì chết. (Vì trong ngoài đều bất túc).
- Hình khí hữu dư mà mạch khí bất túc thì chết. (Tạng suy cho nên mạch bất túc).
- Mạch khí hữu dư mà hình bất túc thì sống. (Tạng thịnh cho nên mạch khí hữu dư).
+ Cho nên chẩn đoán phải có phương pháp, đứng ngồi phải có chừng mực. (Đứng ngồi có chừng mực thì sức thở điều hòa, cho nên phương pháp chẩn đoán phải vận dụng như trên).
+ Ra vào phải có chừng mực để chuyển vận thần minh. (Tại sao nói sự đứng ngồi phải có chừng mực? Là vì ra vào đi đứng thì thần minh sẽ tùy đó mà chuyển vận).
+ Cần phải giữ sự thanh tĩnh, quan sát khí sắc hình thể, xét rõ khí hậu thời tiết, phân biệt bệnh vị của ngũ tạng rồi sau mới xem mạch để định rõ sự sống chết.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.