YTTL: Nội kinh yếu chỉ 4.3

Phần này nói về cơ chế gây bệnh, phát sinh bệnh tật theo nội kinh (tiếp theo phần 1 và phần 2)

​CƠ CHẾ BỆNH BIẾN (Phần 3)
- Người mới sinh ra mà có bệnh điên giản gọi là bệnh gì? Do đâu mà mắc phải? (Trăm bệnh đều do khí của phong, vũ, hàn, thử, âm, dương. Nhưng mới sinh ra chưa mắc phải tà khí mà đã có bệnh điên, há phải do tà khí làm tổn thương ư? Chữ “điên” có nghĩa là bệnh thuộc bộ phận đầu não).
- Kỳ Bá nói: “Bệnh ấy gọi là thai bệnh” đó là do lúc thai nhi còn trong bụng mẹ, bà mẹ đã từng bị sợ hãi quá, khí nghịch lên không giáng xuống, tinh khí tụ lại không tan, ảnh hưởng đến thai nhi, cho nên con mới sinh ra mà đã phát điên. (Tinh khí nói đây là nói tinh khí của phần dương. Ý nói con người mới đẻ ra mà có bệnh ở đầu não là do thụ bệnh từ trong bụng mẹ có chứng kinh khủng nặng, khí nghịch lên không giáng xuống, tinh khí tụ ở trên làm cho người con phát ra bệnh ở đầu não).
  • Khí đầy đủ thì hình vóc bên ngoài cũng đầy đủ, hình thể suy yếu thì khí cũng không đầy đủ, đấy là hiện tượng bình thường, trái lại là trạng thái bệnh. (Hình thể tùy theo khí, cho nên hư thực ăn khớp với nhau, hình thể trái với khí cho nên sinh bệnh, khí là mạch, hình là thân thể).
  • Cốc khí vào nhiều thì hình vóc cũng thịnh, cốc khí vào ít thì hình vóc cũng yếu. Đây là hiện tượng bình thường, trái lại là trạng thái bệnh. (Đường dinh dưỡng cần thu nạp cốc khí làm căn bản, cơm nước vào dạ dày, khí của nó truyền sang phế, tinh ba của nó bốc lên theo đường kinh mạch ngầm, cho nên cốc khí đầy hay rỗng thì hư thực cũng giống nhau, một khi mất sự tương ứng ấy thì sinh bệnh).
  • Mạch nhảy to mà có lực thì huyết dịch cũng đầy dẫy, mạch nhảy nhỏ mà yếu thì huyết dịch cũng không đủ, đấy là hiện tượng bình thường, trái lại là trạng thái bệnh. (Mạch là biểu hiện của huyết khí, hư thực thì tương ứng với nhau, trái lại không tương ứng là có bệnh).
Hiện tượng trái thường là thế nào? Chính khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo, chính khí hư mà mình mẩy nóng sốt, đấy là hiện tượng trái thường. (Khí hư là dương khí bất túc, dương khí bất túc thì đáng lý người phải lạnh mà trái lại mình mẩy nóng sốt, mạch khí đáng lý nghịch, mạch đã không thịnh mà mình mẩy nóng sốt là chứng không phù hợp với mạch, nên gọi là trái thường. Sách Giáp Ất kinh chép: “Khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo, khí hư mà mình mẩy nóng sốt tức là trái thường”).
  • Ăn uống tuy nhiều mà chính khí không đủ đấy là hiện tượng trái thường. (Ăn uống vào dạ dày thì đường mạch mới thông, nay ăn uống vào nhiều mà chính khí kém sút tức là vị khí không tỏa ra được cho nên gọi là trái thường).
  • Ăn uống không vào mà chính khí lại thịnh cũng là hiện tượng trái thường. (Vị khí tán ra ngoài bị phế khí lấn sang).
  • Mạch đập nhiều mà huyết kém, cho đến mạch đập nhỏ mà huyết nhiều, đều là hiện tượng trái thường. (Kinh mạch vận hành khí, lạc mạch vận hành huyết, kinh khí vào lạc mạch, lạc mạch nhận kinh khí, một khi không hợp với nhau đó là trái thường).
  • Khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo là bị cảm hàn, khí hư mà mình mẩy nóng sốt là bị cảm thử. (Hàn thì tổn hại đến hình thể, cho nên khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo. Nhiệt thì tổn hại đến khí, cho nên khí hư mà mình mẩy nóng sốt).
  • Trăm bệnh phát ra trước tiên từ bì mao, tà trúng vào bì mao thì lỗ chân lông mở ra, lỗ chân lông mở ra thì tà lấn vào mạch, lưu lại đó mà không đi, sẽ truyền vào kinh mạch bên trong, lại lưu ở đó mà không đi bèn truyền vào phủ, tích tụ ở tràng vị. Khi tà bệnh bắt đầu xâm nhập bì mao, làm cho người ớn lạnh, sởn gai ốc, da thửa mở ra. Khi tà bệnh xâm nhập đến lạc mạch, làm cho lạc mạch đầy lên, mặt mày biến sắc; khi tà bệnh xâm nhập vào kinh mạch là do kinh khí rỗng trước mà tà bệnh hãm vào. (Kinh khí rỗng thì tà lấn vào, mạch hư khí kém thì tà hãm vào).
Nếu tà bệnh lưu lại mãi ở khoảng gân cốt, nếu lạnh nhiều thì gân co, xương nhức; nhiệt nhiều thì gân dãn xương mềm, bắp thịt teo róc, lông tóc khô queo. (Hàn thì gân co rút, nhiệt thì gân mềm dãn, hàn thắng sinh đau, nhiệt thắng khí tiêu. Bắp thịt là phần ngọn của thịt, cho nên thịt teo róc thì bắp thịt tổn hại, lông tóc khô queo).
  • Mạch Nhâm, khởi đầu từ dưới huyệt Trung cực, đi lên lông mu, men theo trong bụng, lên huyệt Quan nguyên, lên cổ họng, lên mép, lên mặt, vào mắt. (Đây là nói chỗ khởi đầu và chỗ cuối cùng của mạch Nhâm, mạch Nhâm là một trong 8 mạch Kỳ kinh. Huyệt Trung cực ở dưới rốn 4 thốn. Mạch Nhâm khởi đầu từ huyệt Trung cực, bắt đầu ở huyệt Hội âm (giữa tiền âm và hậu âm), từ huyệt Hội âm lên bụng.
  • Mạch Đốc từ huyệt Hội âm đi lên lưng. Từ huyệt Hội âm đi lên khớp xương mu dưới huyệt Trung cực một thốn. Mạch động dưới tay, lại theo huyệt Trung cực vào trong bụng lên các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Hạ quản, Trung quản, Thượng quản, Cự khuyết, Đản trung, đến phía trước huyệt Thừa tương, lên cổ họng. Mạch của nó đến mép trên, quanh mép vào mắt).
  • Mạch Xung, khởi đầu từ huyệt Khí nhai, hợp với kinh mạch Thiếu âm, đi sát dưới rốn, đến giữa ngực mà tán ra. (Đây nói về chỗ khởi đầu và chỗ cuối cùng của mạch Xung, mạch Xung cũng là một trong 8 mạch Kỳ kinh. Mạch Nhâm từ giữa rốn đi lên, mạch Xung thì đi sát hai bên rốn mà lên, khởi đầu từ huyệt Khí nhai, cùng với kinh mạch túc Thiếu âm thận đi sát trên rốn, lên giữa ngực mà tán ra. Khí nhai là tên huyệt ở trên lông mu, hai bên khớp háng một tấc đồng thân thốn. Nói về mạch Xung bắt đầu ở huyệt Khí nhai, cùng từ trong bụng dưới, cùng mạch Nhâm đi đến chân, rồi vào bụng; lại nói mạch Nhâm, mạch Xung đều bắt đầu từ trong dạ con đi lên theo trong sống lưng là bể của kinh lạc, phần mạch nổi ở bên ngoài thì đi theo bụng, mỗi mạch đều đi lên hội ở yết hầu, tách ra mà liên lạc với trong môi. Theo đó mà nói mạch Xung mạch Nhâm từ trong bụng dưới mà đi lên, đều do từ bên trong huyệt Khí nhai và huyệt Trung cực).
  • Mạch Nhâm biến động sinh bệnh, nam giới thì trong bụng kết thành 7 chứng sán, nữ giới thì sinh ra các chứng khí hư, trưng hà, tích tụ. (Đây là nói về mạch Nhâm sinh bệnh, trong bụng là đường đi lại của mạch Nhâm cho nên sinh ra bệnh của mạch Nhâm. Như thế thì ở nam giới sinh ra 7 chứng sán, ở nữ giới thì sinh ra chứng trưng hà, tích tụ. Xét các thiên trong Nội kinh, bảy chứng sán là Hồ sán, Phong sán, Phế sán, Tỳ phong sán, Tâm phong sán, Thận phong sán, Can phong sán. Có người đàn bà bị chứng đồi sán, có người đàn ông bị chứng đồi sán, nhưng người ta chỉ biết bệnh ở hạ bộ là chứng sán, không biết đến ngũ tạng đều có chứng sán, vì họ không được xem sách Nội kinh. Thiên đại Kỳ luận/ 48 có nói: Mạch Tâm với Tiểu trường, nhanh gấp là huyết dịch ngưng tụ là chứng bệnh “hà”…đời sau có chia ra 8 chứng hà, cũng là nhân có tên gọi 7 chứng sán mà đặt tên 8 chứng hà tức là: xà hà, tích hà, thanh hà, hoàng hà, táo hà, huyết hà, hồ hà, miết hà, sách Nội kinh không chép những trang này).
  • Mạch Xung khi biến động sinh bệnh thì trong bụng khí nghịch lên đau quặn. (Đây là nói về mạch Xung khi biến động sinh bệnh. Mạch Xung bắt đầu ở huyệt Khí nhai, cùng với kinh túc Thiếu âm đi cạnh rốn lên đến giữa ngực mà tản ra, thì trong bụng tức là đường lạc mạch đi qua, có bệnh thì khí nghịch lên mà không đi lên được, tại sao đến giữa ngực thì tản ra? Vì khí tụ ở trong bụng mà không tản ra được, tránh sao cho khỏi đau quặn ở trong).
  • Mạch Đốc khi biến động sinh bệnh thì cứng xương sống, uốn ván (Mạch Đốc cũng là một trong 8 mạch Kỳ kinh. Mạch Nhâm, mạch Xung, mạch Đốc cùng một gốc mà chia làm ba cành cho nên trong sách hoặc gọi mạch Xung là mạch Đốc, lấy gì để chứng minh? Nay các sách Giáp ất kinh, sách Mạch cổ đại và sách Lưu chú đồ kinh cho rằng mạch đi theo lưng gọi là mạch Đốc, từ bụng dưới đi thẳng lên gọi là mạch Nhâm, cũng gọi là mạch Đốc, tức là lấy bụng lưng chia ra âm dương mà phân biệt khác nhau. Mạch Nhâm từ trong dạ con qua mạch Đới xuyên qua rốn mà đi lên, cho nên nam giới khi có bệnh thì trong bụng kết thành 7 chứng sán, nữ giới có bệnh thì sinh chứng khí hư, trưng hà, tích tụ. Mạch Xung theo cạnh rốn mà đi lên cùng với kinh Thiếu âm đi lên giữa ngực, cho nên mạch Xung sinh bệnh thời khí nghịch lên, trong bụng đau quặn. Vì mạch Đốc đi lên trong xương sống cho nên mạch Đốc sinh bệnh thì cứng xương sống, uốn ván).
  • Mạch Đốc khởi đầu từ bụng dưới, xuống giữa chỗ xương mu. Ở nữ giới thì bên trong mạch Đốc liên hệ với chót ngoài niệu đạo. (Cũng như mạch Nhâm, Xung khởi đầu từ dạ con, thực ra nó khởi đầu ở dưới thận, đến bụng dưới rồi đi đến chỗ giữa vòng quanh eo lưng và xương mu).
  • Từ chỗ đó phân ra một chi biệt lạc, men theo âm hộ, hội họp ở vùng hội âm, lại đi quanh ra mặt sau hậu môn. (Mạch Đốc liên hệ từ chóp ngoài niệu đạo, chia ra hai nhánh, một nhánh đi xuống men theo bộ phận sinh dục là chỗ hợp với hội âm, gọi là vùng hội âm là khoảng giữa tiền âm và hậu âm. Từ hai chỗ đó về sau lại phân ra mà đi quanh đằng sau huyệt Hội âm).
  • Lại một chi biệt lạc nữa, đi vòng quanh mông đến kinh Thiếu âm, cùng hợp với đường lạc đi giữa của kinh túc Thái dương, kinh Thiếu âm đi lên theo mé sau bên trong đùi suốt qua cột sống, thuộc thận. (Biệt lạc chia ra mỗi chi đi một ngả, lạc mạch của kinh túc Thiếu âm từ trong đùi đi suốt qua cột sống, thuộc thận. Đường lạc của kinh túc Thái dương đi ra ngoài, theo khớp xương đùi, liên lạc với mé ngoài đùi mà đi xuống đường đi giữa của nó xuống qua nhượn (khoeo), hợp với đường lạc đi bên ngoài, cho nên nói là đến kinh Thiếu âm cùng tiếp hợp với đường lạc giữa của kinh Thái dương, kinh Thiếu âm đi lên mé sau bên trong đùi, qua cột sống thuộc thận).
  • Lại cùng với kinh túc Thái dương bắt đầu ở khóe trong mắt lên trán giao ở đỉnh đầu, đi lên vào liên lạc với não bộ, lại đi ra rẽ xuống gáy của bả vai, bên trong vào chỗ giáp sống lưng đến giữa eo lưng vào thăn thịt liên lạc với thận, (rồi đi quanh mông mà đi lên trên) ở nam giới thì theo dưới ngọc hành xuống đến hội âm, cũng giống như mạch của nữ giới đi từ bụng dưới thẳng lên, qua giữa rốn đi lên, qua tâm vào họng, lên mép, quanh môi, liên hệ với giữa phía dưới hai mắt. (Từ câu: “Cùng với kinh Thái dương bắt đầu ở khóe trong mắt” đến câu “Cũng giống như mạch của nữ giới” đều là biệt lạc của mạch Đốc. Đường mạch đi thẳng của nó từ xương cùng đi theo bên trong sống lưng mà đến Nhân trung, từ bụng dưới đi thẳng lên đến chỗ giữa dưới hai mắt, đều là mạch Nhâm đi qua mà lại nói liên hệ với mạch Đốc là vì mạch Nhâm, mạch Xung, mạch Đốc tên khác nhau mà cùng một hình thể).
  • Mạch này khi biến động sinh bệnh, từ bụng dưới xung lên tâm mà sinh đau, không thể đi đại tiểu tiện được, chứng này gọi là “Xung sán”. (Nguyên nhân sinh bệnh này chính là ở mạch Nhâm. Nội kinh nói: “Chứng này là Xung sán chính là nói rõ về mạch Đốc, để phân biệt chủ bệnh mà đặt danh mục khác”).
  • Ở nữ giới thì không thể thụ thai, bí đái, són đái, trĩ, họng khô. (Vì mạch Xung, mạch Nhâm đều từ bụng dưới lên đến hầu họng. Lại vì mạch Đốc từ âm khí hợp với Hội âm quanh ra sau Hội âm, rẽ ra quanh mông, cho nên làm cho không thể thụ thai, bí đái, són đái, trĩ, họng khô. Gọi là mạch Nhâm là vì đàn bà nhờ đó để nuôi thai, cho nên Nội kinh nói: “Đàn bà bị các bệnh này thì không thể thụ thai”. Gọi là mạch Xung là vì khí của mạch ấy xông lên trên, cho nên Nội kinh nói: “Phát sinh ra bệnh này thì từ bụng dưới xung lên tâm mà đau”. Gọi là mạch Đốc là vì nó là cái bể để thống lĩnh các kinh mạch, do ba tác dụng ấy mà thường gọi chung với nhau, nhưng ba mạch Xung, Nhâm, Đốc đều cùng một gốc mà chia ra 3 ngả. Mạch Đốc từ huyệt Hội âm đi lên lưng, mạch Nhâm từ huyệt Hội âm đi lên bụng, mạch Xung từ huyệt Khí nhai xuống chân mà đi theo kinh mạch túc Thiếu âm, tên gọi và hình sắc không khác mà khí mạch không khác. Đường đi của mạch Đốc y như đường đi của mạch Nhâm, cho nên từ bụng dưới thẳng lên, qua giữa rốn lên qua tâm vào họng, lên má, quanh môi, liên lạc với chỗ giữa của hai mắt, mạch Đốc sinh bệnh cũng giống như bệnh ở mạch Nhâm. Từ bụng dưới xung lên tâm mà đau không thể đại tiểu tiện được gọi là “Xung sán”. Về bệnh của đàn bà phát sinh ra y như bệnh của mạch Nhâm, mạch Xung cho nên mạch của hai kinh này cùng giao nhau, bệnh cùng tên với nhau).
Hỏi: Kinh mạch Thiếu âm, tại sao chủ thận? Thận tại sao chủ thủy?
Đáp: “Vị trí của thận là chỗ thấp nhất, là tạng âm ở chốn âm, cho nên gọi là “tạng chí âm”. Tạng chí âm thuộc thủy. Phế thuộc Thái âm, thận thuộc Thiếu âm, tạng thiếu âm vượng về mùa đông, mạch của nó suốt lên ngực vào trong phế. Do đó bệnh thủy thũng gốc ở thận mà ngọn ở phế. Hai tạng phế và thận không kiện toàn đều có thể tích thủy mà sinh bệnh. (m tức là hàn, mùa đông rất lạnh, thận khí tương ứng với mùa này cho nên nói thận là tạng âm. Thủy chủ về mùa đông cho nên nói tạng là nơi tích thủy. Mạch túc Thiếu âm từ thận đi lên, suốt qua can, chẻn dừng vào trong phế, cho nên nói gốc ở thận, ngọn ở phế. Thận khí nghịch lên, thủy khí lấn vào trong phế, cho nên nói hai tạng ấy đều tích thủy).
Hỏi: Vì sao thận hay tích tụ thủy dịch để sinh bệnh?
Đáp: “Thận là cửa ngõ của vị, hễ cửa ngõ bị bế tắc thì thủy dịch sẽ đình tụ lại mà sinh bệnh”. (Cửa ngõ để ra vào, thận chủ hạ tiêu, bàng quang là phủ, chủ việc làm cho nước tiểu chảy đi, khai khiếu ở tiền âm và hậu âm, cho nên hễ thận khí mạnh thì đại tiểu tiện thông, đại tiểu tiện bế thì vị bị trướng đầy, cho nên nói thận là cửa ngõ của vị, cửa đóng thì nước đình tụ. Nước tụ lại thì khí bị đình trệ, khí tụ lại thì nước bị tràn lên, nước và khí đồng loại với nhau, cho nên nói cửa đóng thì không thông lợi, nước do đó sẽ đình tụ mà sinh bệnh)
  • Thủy dịch trên dưới tràn đầy ra da dẻ cho nên sinh bệnh phù thũng, phù thũng là do nước tích tụ lại mà gây nên. (Trên là phế, dưới là thận, phế thận cùng đầy tràn, cho nên nước tích tụ ở trong bụng mà sinh ra bệnh phù thũng).
Hỏi: Nói như vậy thì nhất thiết nguồn gốc của bệnh phù thũng đều xuất xứ từ thận chăng?
Đáp: Thận thuộc âm, phàm khi địa khí bốc lên đều thuộc thận, vì khí hóa mà sinh ra thủy dịch, cho nên gọi là chí âm. Nếu như người sức khỏe mà động tác quá sức thì mồ hôi ra là do ở thận, khi mồ hôi ấy ra mà gặp gió độc, lỗ chân lông bít lại, mồ hôi ra không thấu suốt, trở về nội tạng cũng không đến, bài tiết ra ngoài bì phu cũng không được. Vì đó lớp mồ hôi ấy đình trệ ở lỗ chân lông, lưu lại ở trong da, cuối cùng hình thành bệnh phù thũng. Nguồn gốc bệnh này là thuộc thận, nhưng vì cảm phải gió mà gây nên cho nên gọi là Phong thủy. (Ỷ sức khỏe mà động tác quá sức là nói người dâm dục quá độ, lao động quá mức. Đổ mồ hôi thì lỗ chân lông mở ra, gặp phải gió độc thì lỗ chân lông bít lại. Lỗ chân lông bít lại thì mồ hôi đọng lại tại da thửa mà hóa ra nước. Từ phong (gió) đến thủy (nước) cho nên gọi phong thủy gốc từ thận truyền về phế).
Hỏi: Về du huyệt dùng chữa thủy thũng có 67 chỗ, cứu cánh là do tạng nào chủ quản?
Đáp: Thận du có 57 huyệt, đấy là nơi âm khí tích tụ, cũng là nơi thủy dịch ra vào, từ xương đì đổ lên có 5 hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, 55 thành 25 huyệt, đây là những huyệt do thận tạng chủ quản. (Du huyệt vùng lưng có 5 hàng, ngang ở hàng giữa là nơi khí mạch Đốc phát ra, còn 4 hàng hai bên đều là mạch khí của kinh Thái dương).
  • Cho nên thủy thế lan tràn từ bán thân trở xuống thì thấy phù thũng và bụng căng to lên, từ bán thân đổlên thì thấy thở gấp. (Thủy thế bên dưới ở thận thì phù thũng từ chân đến bụng dưới, bên trên ở phế thì thở gấp, nghịch lên thì thở to).
  • Không thể nằm ngửa được, đấy là gốc và ngọn cùng phải bệnh cả. (Nói gốc ngọn thì phế là ngọn mà thận là gốc, phế thận cùng bị thủy dịch gây nên bệnh cả).
  • Thở gấp thuộc phế, thủy thũng thuộc thận. Phế bị thủy khí nghịch lên bức bách thì không thể nằm ngửa được. Phế thận cùng bị bệnh mà bệnh khí của phế và thận cùng thông đồng với nhau, đấy là quan hệ của thủy và khí ngưng đọng. (Phân vùng của thủy mà gọi tên, đó là bệnh khí cùng thông đồng với nhau, gốc của nó là bệnh và khí đều do thủy đọng cả).
  • Trên huyệt Phục thỏ, mỗi bên đều có hai hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, bốn hàng thành 20 huyệt, đó là đường đi của thận khí. (Du huyệt chính của vùng bụng gồm có 5 hàng sát hai bên rốn. Là chỗ phát ra của mạch khí kinh túc Thiếu âm thận và mạch khí của mạch Xung rồi đến hai bên là chỗ phát ra của mạch khí kinh túc Dương minh, bốn hàng huyệt này ở trên huyệt Phục thỏ).
  • Cùng giao kết với hai kinh mạch can và tỳ ở trên chân, trên mắt cá trong của mỗi chân đều có một hàng, mỗi hàng có 6 huyệt, hai hàng thành 12 huyệt. Đấy là bộ phận dưới của kinh mạch gọi là huyệt Thái xung. 57 huyệt kể trên gọi là âm lạc của âm tạng, cũng là chỗ thủy dịch rót tới. (Nội kinh gọi 57 huyệt là từ xương đì đổ lên đếm có 5 hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, đó là du huyệt của thận, hàng chính giữa chỉ liên hệ với một đường kinh mạch Đốc, 4 hàng hai bên thì liên hệ với kinh túc Thái dương bàng quang, vì thận và bàng quang có liên quan biểu lý với nhau. Trên huyệt Phục thỏ mỗi bên đều có hai hàng, mỗi hàng 5 huyệt, đó là đường của mạch thận thông ra tức là chỗ giáp với mạch Nhâm ở hàng giữa và mạch Xung ở hai bên. Vả lại chỗ giao nhau của túc Tam âm kinh tất phải giao ở chân chỗ trên mắt cá trong ba thốn. Đó là huyệt Tam âm giao, là chỗ giao nhau của ba kinh can, tỳ, thận. Trên mắt cá trong của mỗi bên chân có một hàng, mỗi hàng có 6 huyệt là đường của mạch thận đi qua gọi là huyệt Thái xung. Vì thận và mạch Xung đều đi xuống dưới chân hợp lại mà thịnh vượng cho nên gọi là Thái xung, huyệt của nó ở trên mắt cá trong. 57 huyệt này đều là âm lạc của âm tạng là chỗ thủy dịch rót tới cho nên chữa bệnh thủy thũng là phải dùng các huyệt này).
Xin cho biết cơ chế của bệnh như thế nào?
  • Các chứng bệnh về phong đầu lắc, mắt hoa, đều thuộc về can. (Phong (gió) tính động, mộc khí theo phong).
  • Các chứng bệnh về hàn, co rút đều thuộc về thận.
  • Các chứng bệnh về khí như suyễn thở, tức ngực, thở không được, đều thuộc về phế. (Phế thuộc về mùa thu, khí mát, sương móc sa nhiều. Khí có mát thì nhiệt khí trở lại, quá lạnh thì nhiệt khí tiêu hết, nghiệm ở các hình tượng là có thể biết được. Tác dụng của khí uất, kim khí cũng giống thế).
  • Các chứng bệnh về thấp, phù thũng, trướng đầy đều thuộc về tỳ. (Đất mỏng thì nước cạn, đất dày thì nước sâu, đất bằng thì khô, đất thấp thì ẩm ướt, tác dụng của thấp khí và thổ khí cũng thế).
  • Các chứng bệnh về nhiệt như thần chí hôn mê, chi thể co quắp đều thuộc về hỏa. (Đó là tượng trưng của hỏa).
  • Các chứng đau ngứa lở đều thuộc về tâm. (Tâm yên thì bệnh nhẹ, tâm táo thì bệnh nặng, trăm mối gây bệnh đều từ tâm sinh ra, đau ngứa, chốc lở đều từ tâm mà sinh ra).
  • Các chứng quyết nghịch, đại tiểu tiện không thông, hoặc đi tháo dạ, đều thuộc về hạ tiêu. (Hạ tiêu là can khí, thận khí, giữ gìn ở hạ tiêu là thận khí, khóa kỹ cửa ngõ lại là can khí. Cho nên các chứng quyết nghịch, đại tiểu tiện không hoặc đi tháo dạ đều thuộc về hạ tiêu. Các chứng khí nghịch lên, đại tiểu tiện bế hoặc tháo, xuất nhập vô độ, lúc thấp lúc táo thất thường đều là do chức năng phòng thủ của hạ tiêu).
  • Các chứng bại (suy), suyễn nghịch ụa mửa, đều thuộc về thượng tiêu. (Thượng tiêu là tâm khí, phế khí. Nóng bốc lên hun đốt là khí của tâm, nhân nóng mà phân hóa ra là khí của phế. Nhiệt uất biến hóa cho nên bệnh thuộc về thượng tiêu, như thế đều là bệnh của ngũ tạng, cơ chế của bệnh là do sự biến động bên trong mà sinh ra).
  • Các chứng cấm khẩu không há miệng được, hàm run cầm cập, thần chí bất an đều thuộc hỏa. (Do nhiệt bốc bên trong)
  • Các chứng co cứng như cứng gáy đều thuộc về thấp. (Kinh Thái dương bị thương tổn vì thấp).
  • Các chứng khí xông lên đều thuộc về hỏa. (Tính chất và tác dụng của hỏa là bốc lên)
  • Các chứng trướng đầy bụng to đều thuộc về nhiệt. (Nhiệt uất ở trong sinh ra phế trướng).
  • Các chứng cuồng táo chực chạy đều thuộc về hỏa. (Nhiệt thịnh ở vị và chân tay).
  • Các chứng bỗng nhiên cứng đờ đều thuộc về phong. (Dương bị uất bên trong mà âm hành động bên ngoài).
  • Các chứng có tiếng, gõ vào kêu như tiếng trống đều thuộc về nhiệt.
  • Các chứng phù nề, nhức nhối, kinh hãi đều thuộc về hỏa.
  • Các chứng chuyển gân, vọp bẻ, đái ra toàn nước đục đều thuộc về nhiệt.
  • Các chứng đái ra nước trong mà lạnh đều thuộc về hàn.
  • Các chứng nôn ra nước chua, ỉa tháo dạ, đều thuộc về nhiệt (Đây là tà của 12 kinh lạc, cơ chế của bệnh là do ngoại tà xâm nhập).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.