MẠCH KINH (Phần 1)
- Mạch có mạch âm mạch dương, hễ biết được cái gì là mạch dương thì sẽ biết được cái gì là mạch âm; biết được cái gì là mạch âm thì sẽ biết được cái gì là mạch dương. (Biết rõ mạch âm dương thì biết được sự biến đổi của mạch).
- Mạch dương có 5 loại, tức là xuân huyền, hạ câu, trưởng hạ hoãn, thu mao, đông thạch, vì thế 5 mùa đều có dương mạch của 5 tạng, cho nên 5 mùa phối hợp với 5 tạng trở thành 25 thứ mạch dương. (Nói kinh dương có 5 câu, chính là lấy mạch của một phủ mà bao hàm mạch của 5 phủ, cho nên 55 thành 25 dương mạch. Từ đấy suy ra, thì trong một tạng bao hàm có mạch của 2 tạng, cũng là 25 mạch âm).
- Nói mạch âm là chỉ mạch đến không kiêm thấy vị khí, gọi là mạch “chân tạng”, mạch chân tạng là dấu hiệu vị khí đã bị bại hoại, dấu hiệu vị khí bại hoại đã thể hiện thì có thể quyết đoán rằng bệnh sẽ chết. (Nói mạch âm là nói đến chân mạch của ngũ tạng, mạch của chân tạng thể hiện thì biết tạng đó đã bại hoại, bại hoại thì phải chết, cho nên nói mạch chân tạng hiện ra là chết).
- Nói mạch dương, tức là chỉ mạch có vị khí. (Dương mạch của vị quản là khí của nhân nghinh, xét khí của mạch Dương minh động hay tĩnh, to hay nhỏ, có ứng với mạch khí khẩu hay không. Mạch Nhân nghinh ở hai bên yết hầu, mạch động thì ứng ở tay, mạch Nhân nghinh mà động thì thường thường bên tả nhỏ, bên hữu to. Mạch bên tả nhỏ là biểu hiện của tạng, mạch bên hữu to là biểu hiện của phủ, bởi vì vị là ông chủ của 6 phủ 5 tạng, tuy trong đó có 25 mạch khác nhau mà thực ra đều không ngoài sự biểu hiện của mạch vị quản, chứng lành là có vị khí, chứng không lành là không có vị khí).
- Phân biệt được mạch dương mà biết được bộ vị của bệnh, phân biệt được mạch âm mà biết được kỳ hạn sống chết. (Dương bảo vệ ở ngoài, gìn giữ cho âm, nhưng ngoại tà xâm phạm vào chỉ thấy ở dương phận thì biết được bộ vị của bệnh. m tàng thần mà giữ ở trong, nếu biết rõ được sự thành hay bại ở âm phận thì biết được kỳ hạn sống chết).
- Bộ vị quan sát của ba kinh mạch dương ở huyệt Nhân nghinh, chỗ hai bên yết hầu. Bộ vị quan sát của ba kinh mạch âm ở giữa mạch thốn khẩu sau trấy tay (ngư tế); nói chung trong trạng thái khỏe mạnh, mạch Nhân nghinh và thốn khẩu là nhất trí. (Ở vùng đầu là nói về mạch Nhân nghinh, ở vùng tay là nói về mạch khí khẩu, hai mạch ấy ứng với nhau nhịp nhàng như kéo sợi dây là mạch người bình thường, cho nên gọi là nhất trí. Mạch khí khẩu ở sau chỗ trấy tay một thốn, mạch nhân nghinh ở hai bên yết hầu một thốn 5 phân đều có biểu hiện khí của ngũ tạng).
- Cái gọi âm dương, thì mạch đi là âm, mạch đến là dương. Mạch tĩnh là âm, mạch động là dương, mạch trì là âm, mạch sác là dương. (Đó là nói về mạch thể của con người có chia ra âm dương, mạch có đi có lại, tức là trong sự đi lại có chia ra âm dương, mạch có động có tĩnh, tức là trong lúc động lúc tĩnh có chia ra âm dương, mạch có trì có sác, tức là trong lúc đi nhanh đi chậm có chia ra âm dương).
Cái gọi sinh dương tử âm, ví dụ can bệnh truyền sang tâm là “sinh dương”. (Còn dương thì sống, mất dương thì chết, cho nên nói sinh dương tử âm. Từ can truyền sang tâm là hàm nghĩa mộc sinh hỏa thì được sinh khí tức là sinh dương, bệnh không quá 4 ngày thì khỏi).
- Từ tâm truyền sang phế là “tử âm”. (Tâm truyền sang phế là hỏa khắc kim, cho nên nói là tử âm, bệnh không quá 3 ngày thì chết).
- Từ phế truyền sang thận là “trùng âm”. (Phế kim, thận thủy, tuy mẹ con cùng truyền nhau mà cả kim lẫn thủy đều mắc bệnh, thì là trùng âm mà dương đã tuyệt).
- Từ thận truyền sang tỳ gọi là “tịch âm”, là bệnh chết không chữa được. (Thổ vốn chế thủy mà trái lại thủy khinh nhờn thổ là tịch âm. Tịch âm là âm thiên lệch).
- Mạch Nhân nghinh một lần thịnh là bệnh ở Thiếu dương, hai lần thịnh là bệnh ở Thái dương, ba lần thịnh là bệnh ở Dương minh, bốn lần thịnh trở lên Cách dương. (Phép xem mạch dương thì Thiếu dương là mạch Đởm, Thái dương là mạch Bàng quang, Dương minh là mạch Vị. Sách Linh Khu nói: “Một lần thịnh mà đập nhanh là bệnh ở Thủ thiếu dương, hai lần thịnh mà đập nhanh là bệnh ở thủ Thái dương, ba lần thịnh mà đập nhanh là bệnh ở thủ Dương minh. Thủ Thiếu dương là mạch Tam tiêu, thủ Thái dương là mạch Tiểu trường, thủ Dương minh là mạch Đại trường. Một lần thịnh là mạch Nhân nghinh to gấp đôi mạch Thốn khẩu, các lần khác cũng như vậy, thịnh gấp 4 lần trở lên là dương thịnh đến cực độ, cho nên đối kháng mà không ăn vào được. Thiên Chính lý luận nói: “cách thì mửa vọt ra”).
- Mạch thốn khẩu một lần thịnh là bệnh ở Quyết âm, hai lần thịnh là bệnh ở Thiếu âm, ba lần thịnh là bệnh ở Thái âm, bốn lần thịnh là bệnh ở Quan âm. (Phép xem mạch âm, Quyết âm là mạch Can, Thiếu âm là mạch Thận, Thái âm là mạch Tỳ. Sách Linh khu nói: “Mạch khí khẩu một lần thịnh mà đập nhanh là bệnh thủ Quyết âm, hai lần thịnh mà đập nhanh là bệnh thủ Thiếu âm, ba lần thịnh mà đập nhanh là bệnh thủ Thái âm. Thủ Quyết âm là Tâm bào lạc, thủ Thiếu âm là mạch Tâm, thủ Thái âm là mạch Phế. Phép thịnh về âm mạch cũng giống như về dương mạch, gấp 4 lần trở lên thì âm thịnh đến cực độ, cho nên đường tiết niệu bế tắc mà không đái được. Thiên Chính lý luận nói: “bế tắc thì không đái được”).
- Mạch Nhân nghinh và mạch khí khẩu đều thịnh gấp 4 lần trở lên là chứng quan cách. Mạch quan cách thịnh là không thể hưởng hết được tinh khí của trời đất thì chết. (Sách Linh khu nói: “Mạch âm mạch dương đều thịnh không thể dinh dưỡng lẫn nhau được cho nên gọi là quan cách. Quan cách thì không hết kỳ hạn mà chết”).
Tại sao mạch khí khẩu lại chủ về ngũ tạng? (Khí khẩu là thốn khẩu, cũng gọi là mạch khẩu, vì mạch thốn khẩu có thể xét được sự thịnh suy của khí, cho nên gọi là khí khẩu, có thể xét được mạch động tĩnh cho nên gọi là mạch khẩu).
Vị là cái bể chứa cơm nước, là nguồn suối của 6 phủ. (Trong con người có 4 cái bể, bể chứa thủy cốc là một, chức năng của nó là thu nhận ngũ cốc để dinh dưỡng toàn thân, vì thế là nguồn gốc của sự vận hóa, cho nên nó là nguồn gốc của 6 phủ).
- Ngũ vị vào miệng, tàng trữ ở dạ dày để nuôi khí của ngũ tạng, Khí khẩu cũng là Thái âm. (Động mạch ở khí khẩu là chỗ đi lại của mạch khí của thủ Thái âm, cho nên nói mạch khí khẩu cũng là mạch thái âm).
- Bởi thế, khí vị của 5 tạng 6 phủ đều xuất phát từ dạ dày, biểu hiện ở khí khẩu, cho nên 5 khí vào mũi, tàng ở tâm phế, tâm phế có bệnh thì mũi không thông. (Đấy là nói rõ mạch khí khẩu chủ riêng về ngũ tạng, mạch khí khẩu là mạch thốn khẩu ở tay phải, tức là ở huyệt Thái uyên của kinh mạch thủ Thái âm phế.
Sách Linh khu gọi rằng mạch khẩu là vì mạch khí đều hội họp ở đó, gọi là thốn khẩu là lấy ở chỗ huyệt Thái uyên, cách trấy tay vừa vặn một thốn. Còn như mạch thốn khẩu bên tay trái thì các thiên trong Nội kinh đều gọi là Nhân nghinh, mạch động hay tĩnh, khí thịnh hay suy, người sống hay chết, tuy hiện ra ở thốn khẩu, nhưng thực ra là gốc ở tỳ vị.
- Vị là Túc Dương minh, tỳ là Túc Thái âm. Túc Dương minh là đầu của 6 phủ, Túc Thái âm là gốc của 5 tạng, vị chủ việc thu nạp, thủy cốc tụ hội ở đấy, vì vị là nguồn lớn của 6 phủ. Ngũ vị vào miệng, chứa ở vị, nhờ có tỳ để vận hóa, cho nên khí của 5 tạng đều phải nhờ đến vị để tu dưỡng. Như vậy, tỳ là túc Thái âm, phế là thủ Thái âm, khí của nó vốn lưu thông với nhau, cơm nước vào vị, khí truyền vào phế mà phế đi qua khí khẩu, cho nên nó biểu hiện ở khí khẩu.
- Thiên Ngọc cơ chân tạng luận nói: “Năm tạng đều bẩm thụ khí ở vị”. Vị là gốc của 5 tạng, tạng khí không tự đưa đến được kinh thủ Thái âm mà phải do vị khí đưa đi mới đến được, vì thế nói vị là phải nói đến tỳ, 5 vị vào miệng rồi vào 6 phủ, 5 khí vào mũi rồi vào 5 tạng, 5 tạng duy có tâm phế là ở ngực, mũi chịu lấy 5 khí, cho nên hễ tâm phế có bệnh thì mũi không thông. Nhưng nếu tỳ có bệnh thì làm sao phân biệt được ngũ vị của nó?).
Tiến hành chẩn mạch, tốt nhất là lúc sáng sớm.
- Bởi vì lúc ấy chưa có lao động gì, âm khí chưa bị quấy động, dương khí chưa bị hao tán, ăn uống cũng chưa từng có gì, khí của kinh mạch chưa lấn thịnh, khí của lạc mạch cũng điều hòa, khí huyết cũng chưa bị nhiễu loạn quá, hoàn cảnh ấy rất dễ chẩn mạch cho người bệnh.
- Khí của dinh vệ, ban ngày đi giữa dương phận, ban đêm đi ở âm phận, đến sáng sớm đều tụ hội nơi thốn khẩu, cho nên chẩn mạch thường chẩn vào lúc ấy, lúc ấy âm khí bình hòa mà chưa giao động, dương khí sắp thịnh mà chưa hao tán, chưa ăn uống gì dễ biết hư thực, kinh mạch chưa thịnh, lạc mạch điều hòa, khí huyết chưa làm việc mà rối loạn, mới có thể xem được mạch có bệnh.
Mạch là phủ của huyết. (Phủ là nơi chứa chất, ý nói nhiều hay ít đều chứa ở kinh mạch, cho nên nói mạch thực thì huyết thực, mạch hư thì huyết hư).
- Mạch Trường thời khí bình thường, mạch Đoản thời khí có bệnh, mạch Sác thời phiền loạn đến tâm, mạch Đại thời tà khí thịnh, bệnh tiến triển. (Mạch trường là khí hòa, cho nên bình thường, mạch đoản là khí bất túc, cho nên có bệnh, mạch sác là nhiệt, cho nên phiền loạn đến tâm, mạch đại là tà khí thịnh, cho nên bệnh tiến triển, mạch sác qua lại thoăn thoắt, mạch đại đi lại đầy tràn).
- Trên thịnh thì khí cao, dưới thịnh thì khí trướng, mạch đại thì khí suy, mạch tế thì khí kém, mạch sắc thì tim đau. (Trên là thốn khẩu, dưới là xích trung, thịnh là đầy tràn; mạch đại là mạch động mà đến nửa chừng thì đứng, không trở lại được; mạch tế là mạch động mà mềm mại; mạch sắc là mạch đi lại có lúc không lưu lợi mà sít).
- Mạch đi cuồn cuộn như suối tuôn ra là bệnh tăng mà sắc bại; mạch đi phần phật như dây đàn đứt thì chết. (Cuồn cuộn là nói mạch khí đục mà khí loạn; mạch Cách đến là mạch đến huyền mà đại, thực mà trường. Như suối tuôn là nói mạch đổ cuồn cuộn ra mà không trở lại; phần phật là nói có mà tựa như không; như dây đàn đứt là nói mạch bỗng nhiên đứt như dây đàn đứt. Những mạch như thế đều là mạch chết).
- Con người khi thở ra mạch động, hít vào mạch lại động. Mỗi hơi thở mạch động 5 lần là tốt, hơi thở đó là hơi thở của người bình thường không có bệnh. (Kinh mạch đi mỗi vòng khắp châu thân dài 16 trượng 2 thước, thở ra hít vào mạch đều động 2 lần, lúc nín thở thì mạch động có 1 lần, thở ra hít vào và ngừng thở mạch động 5 lần. Tính ra cứ 270 lần ngừng thở thì khí đi hết một vòng châu thân, và đi hết 50 vòng thì phải 13.500 lần ngừng lại, và khí đi hết 810 trượng, như thế là ứng với thường độ của thiên nhiên.
Mạch khí không thái quá không bất cập, khí tượng bình hòa là mạch của người bình thường, cho nên đem hơi thở của người bình thường để đo đạc hơi thở của người có bệnh. Thầy thuốc là người bình thường không có bệnh, đem hơi thở của thầy thuốc để đo đạc hơi thở của bệnh nhân.
- Như thế mỗi hơi thở mạch đến 5 lần là mạch người không có bệnh. Khi thở ra là “Hô”, hít vào là “Hấp”, hô hấp và lúc ngừng lại là một “tức”, nói là mỗi lần thầy thuốc thở ra thì mạch của bệnh nhân đập 2 lần, mỗi lần hít vào thì mạch của bệnh nhân đập 2 lần, mỗi khi thở ra, hít vào và ngừng lại, mạch đập 5 lần cũng như năm có tháng nhuận.
- Nhuận là lấy mạch thở của người khỏe tức là mỗi hơi thở mạch động 5 lần, như thế gọi là mạch của người bình thường không có bệnh. Bởi vì một hơi thở của thầy thuốc thì bệnh nhân cũng thở ra hít vào cho nên biết rằng mạch động 5 lần là mạch không có bệnh.
- Nên lấy mạch người không có bệnh để đo với mạch của người có bệnh, vì thầy thuốc tự mình không có bệnh cho nên muốn so sánh với người có bệnh thì phải điều hòa hơi thở của mình để xem xét, đó là phương pháp để chẩn mạch.
- Mạch của con người cộng có 16 trượng 2 thước, mỗi lần thở ra mạch đi 3 tấc, mỗi lần hít vào mạch đi 3 tấc, trong 135 hơi thở mạch đi 8 trượng 1 thước, trong 270 hơi thở mạch đi 16 trượng 2 thước là một chu kỳ, một ngày một đêm có 13.500 hơi thở, mạch đi 810 trượng là 50 chu kỳ, tức là cộng thành 16 trượng 2 thước mạch).
- Con người mà mỗi lần thở ra mạch chỉ động 1 lần, hít vào mạch chỉ động 1 lần là thiếu khí. (Mạch thở ra hít vào mà đều động 1 lần là giảm đi một nửa đối với mạch người bình thường, thì trong 270 lần ngừng thở, khí đi chỉ có 8 trượng 1 thước, cứ 13.500 lần ngừng thở thì khí chỉ đi có 450 trượng, như thế thì đúng là thiếu khí. Do đó có thể biết được rằng mạch một hơi thở 2 lần động là thiếu khí, đó là nói về mạch bất cập so với mạch bình thường).
- Người thở ra mạch động 3 lần, hít vào mạch động 3 lần là mạch sác, bộ xích nhiệt là bệnh ôn, bộ xích không nhiệt, mạch hoạt là bệnh phong, mạch sắc là bệnh tê. (Thở ra hít vào mạch động đều 3 lần, quá với người bình thường, tính ra trong 270 lần ngừng thở khí đi 27 trượng 3 thước, do đó biết rõ là dấu hiệu bệnh sống, bộ vị mạch xích ở phần âm, thốn ở phần dương, nhưng âm dương đều nhiệt là chỉ riêng về âm dương táo thịnh là phong trúng ở phần dương.
- Thiên Mạch yếu tinh vi luận nói: “Trúng phải gió độc thì dương khí bị tà”, mạch hoạt là dương thịnh cho nên bệnh thuộc phong, mạch sắc là huyết kém cho nên sinh tê dại. Đấy là nói về mạch nhất tức lục chí sẽ sinh ra mọi bệnh và nói về mạch thái quá so với mạch người thường).
Khí của người bình thường thì bẩm thụ ở vị, vị khí là nói về khí bình thường của người mạnh khỏe. (Khí bình thường của người mạnh khỏe là từ vị chuyển tới, cho nên nói ngũ cốc vào vị thì đường mạch sẽ lưu hành).
- Người không vị khí là nghịch, nghịch thì chết. (Mạch lấy vị khí làm gốc, không vị khí là nghịch, nghịch thì chết).
- Mùa xuân, mạch vị khí hơi huyền là bình thường. (Nói hơi giống mạch huyền, không phải mạch vi mà huyền).
- Mùa hè mạch vị khí hơi câu là bình thường, tiết trưởng hạ mạch vị khí hơi nhuyễn nhược là bình thường, mùa thu mạch vị khí hơi mao là bình thường, mùa đông mạch vị khí hơi thạch là bình thường. (Theo y văn trên mà nói, ngũ tạng đều lấy vị khí làm gốc).
- Mạch thuận với âm dương thì bệnh dễ khỏi, nghịch với âm dương thì bệnh khó khỏi. (Mạch và bệnh tương ứng với nhau là thuận, trái nhau là nghịch. Đó là nói mạch và bệnh phải thuận với nhau).
- Mạch thuận với bốn mùa thì bệnh không biến chứng, mạch trái với bốn mùa và không tương ứng với tạng thì khó chữa. (Mùa xuân mà thầy mạch mùa thu, mùa hè mà thấy mạch mùa đông, mùa thu mà thấy mạch mùa hè, mùa đông mà thấy mạch tứ quý đều là mạch trái với bốn mùa, khí không tương ứng với tạng.
- Gián tạng là như bệnh can đến lấn thổ, đáng lẽ truyền sang tỳ, mà lại truyền sang tâm là cách tạng nó thắng mà truyền sang tạng nó sinh. Sách Nạn kinh nói: “Mạch gián tạng thì sống” là ý nghĩa như thế. Và mạch không gián tạng thì đều gọi là mạch khó chữa. Đó là nói về mạch phải tùy thời mà thuận theo).
- Con người lấy thủy cốc làm gốc, cho nên người hết thủy cốc thì chết, mạch không có vị khí cũng chết. Mạch không có vị khí là chỉ thấy mạch chân tạng. Mạch không có vị khí là mạch can không huyền, mạch thận không thạch. (Không huyền, không thạch là nói không tương tự như mạch huyền, mạch thạch).
- Đàn bà mạch Thủ thiếu âm động mạnh là có mang. (Mạch Thủ thiếu âm ở chỗ lõm xương sau bàn tay, ngang với ngón tay động mà ứng với tay, Kỳ Bá nói: “Bị bệnh ở ngoài kinh này mà tạng không bị bệnh, cho nên chỉ lấy kinh này ở đầu xương cao (lồi xương quay) sau bàn tay, tức là nghĩa đó. Động là mạch động, mạch động to như hạt đậu mà động đậy. Mạch âm dương đều suy gọi là mạch động).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.