YTTL: Nội kinh yếu chỉ 4.2

Phần này nói về cơ chế gây bệnh, phát sinh bệnh tật theo nội kinh (tiếp theo phần 1)

CƠ CHẾ BỆNH BIẾN ( Phần 2)

TINH KHÍ CỦA NGŨ TẠNG CÙNG LẤN NHAU LÀM CHO PHÁT SINH BỆNH TẬT GỌI LÀ “NGŨ TÍNH” NHƯ:
  • Ở tâm lấn sang thì sinh vui mừng. (Tinh khí là tinh khí của người, phế hư mà tâm khí lấn sang thì sinh ra mừng. Sách Linh khu nói: “Vui mừng quá độ thì tổn thương phách” vì phách là thần minh của phế, nói tâm hỏa lấn phế kim).
  • Ở phế lấn sang thì sinh bi ai. (Can hư mà phế khí lấn thì sinh bi ai. Sách Linh khu nói: “Bi ai động ở trong thì tổn thương hồn” vì hồn là thần minh của can, bị phế kim lấn can mộc).
  • Ở can lấn sang thì sinh ra lo nghĩ (ưu). (Tỳ hư mà can khí lấn sang sinh ra lo nghĩ. Sách Linh khu nói: “Lo nghĩ không giải được thì tổn thương ý” vì ý là thần minh của tỳ, tỳ bị can mộc lấn).
  • Ở tỳ lấn sang thì sinh sợ sệt (úy). (Thận hư mà tỳ khí lấn sang thì sinh ra sợ sệt. Sách Linh khu nói: “Sợ sệt không giải được thì tổn thương tinh” vì tinh là thần minh của thận, bị tỳ thổ lấn sang thận thủy).
  • Ở thận lấn sang thì sinh ra kinh khủng. (Tâm hư mà thận khí lấn sang thì sinh ra kinh khủng. Sách Linh khu nói: “Kinh khủng thì tổn thương thần” vì thần là chủ của tâm, thận thủy lấn sang thì tâm hỏa bị hại. Đấy đều do chính khí không đủ mà thắng khí lấn sang).
TINH KHÍ CỦA NGŨ TẠNG THỪA HƯ LẤN NHAU MÀ SINH BỆNH
  • Năm cái ghét của ngũ tạng gọi “ngũ ố” là: Tâm ghét nhiệt (nhiệt thì mạch nổi lên bồng bột), Phế ghét hàn (hàn thì khí ngưng trệ), Can ghét phong (phong thì gân rung giật), Tỳ ghét thấp (thấp thì bắp thịt nhũn sưng), Thận ghét táo (táo thì tinh khô kiệt).
  • Năm cái cấm kỵ của ngũ vị gọi “ngũ cấm” là: Vị cay chạy vào khí, bệnh về khí thì không nên ăn nhiều đồ cay. Vị mặn chạy vào huyết, bệnh về huyết thì không nên ăn nhiều đồ mặn. (Vị mặn vào thận trước, ở đây nói chạy vào huyết là thận hợp với tam tiêu, huyết mạch tuy thuộc với tâm can, nhưng kỳ thực là nhờ đường lối của tam tiêu, cho nên vị mặn thì chạy vào huyết). Vị đắng chạy vào xương, bệnh ở xương thì không nên ăn nhiều đồ đắng. (Vị đắng chạy vào tâm, đây nói chạy vào xương là vì thủy hỏa giao nhau, khí trong xương thông với tâm). Vị ngọt chạy vào thịt, bệnh về bắp thịt thì không nên ăn nhiều đồ ngọt, vị chua chạy vào gân, bệnh về gân thì không nên ăn nhiều đồ chua.
  • Năm thứ phát sinh của bệnh gọi “ngũ phát” là: m bệnh phát ở xương, dương bệnh phát ở huyết, âm bệnh phát ở thịt. (Xương thịt thuộc âm, chủ tĩnh, cho nên dương khí theo đó. Huyết mạch thuộc dương, chủ động, cho nên âm khí thừa vào đó). Dương bệnh phát về mùa đông, âm bệnh phát về mùa hè. (Mùa hè dương khí thịnh cho nên âm bệnh phát về mùa hè. Mùa đông âm khí thịnh cho nên dương bệnh phát về mùa đông, đều là do khí của nó kém).
  • Năm thứ rối loạn do tà khí xâm vào gọi “ngũ loạn” là: Tà xâm vào dương phận thì phát cuồng, tà xâm phạm vào âm phận thì sinh tê. (Tà xâm vào dương mạch thì tay chân nóng dữ cho nên phát cuồng, tà xâm vào âm mạch thì kinh mạch bế tắc không thông cho nên sinh ra tê).
  • Tà kích động đến dương phận thì sinh bệnh ở đỉnh đầu; (Tà kích động đến dương phận ở trong thì mạch chạy nhanh, cho nên sinh bệnh ở đỉnh đầu), tà kích động đến âm phận thì sinh ra chứng câm; (Tà kích động đến âm phận ở trong thì huyết mạch không lưu thông cho nên sinh ra câm không nói được), tà từ dương phận vào âm phận thì tĩnh, tà từ âm phận ra dương phận thì sinh giận dữ. (Dương khí âm khí tùy từng lúc đi vào âm phận dương phận mà sinh bệnh).
  • Năm chứng vì nhọc mệt làm hại gọi “ngũ lao” là: Trông lâu quá hại huyết, (Vì lao thương đến tâm), nằm lâu quá hại khí, (Vì hại đến phế), ngồi lâu quá hại thịt, (Vì hại đến tỳ), đứng lâu quá hại xương (Vì hại đến thận), đi lâu quá hại gân (Vì hại đến can).
  • Muối vị mặn, có thể làm cho tân dịch chảy ra, (Mặn là do đắng mà sinh ra, thuộc thủy mà trong đó có nước thấm nhuần xuống dưới mà vị đắng tiết ra, cho nên có thể làm cho tân dịch thấm nhuần và tiết ra).
  • Đàn đứt dây thì tiếng rè, (Tiếng rè, tức là khác với tiếng cũ), cây xanh tốt thì lá phát sinh (Cây cằn cối thì lá rụng). Khi bệnh nặng thì sẽ có tiếng ọe, (Ọe tức là tiếng đục và nặng). Người có ba chứng trạng ấy thì gọi là “hoại phủ” (Ba chứng trạng đó là đàn đứt dây, lá rụng, tiếng ọe).
  • Thuốc uống không chữa được, châm cứu không dùng được, như thế là da thịt bại hoại, sắc máu biến thành đen. (Bệnh dồn lại ở trong cho nên thuốc uống không chữa được, châm cứu không dùng được, da thịt khí huyết đều tuyệt hết cho nên sắc máu biến thành đen. Ý nói muốn biết bệnh cần phải biết chứng trạng bệnh. Như muối ở trong cái lọ, tân dịch của nó tiết ra ngoài, thấy tân dịch mà biết muối có vị mặn. Nghe tiếng rè mà biết dây đàn sắp đứt, thấy lá rụng mà biết cây cằn cỗi sắp chết. Đem triệu chứng bại hoại của ba loại trên để ví với chứng trạng nghe tiếng ọe mà biết bệnh nặng cho nên dù châm cứu hay thuốc uống cũng không có tác dụng gì, vì da thịt và khí huyết đều bại hoại cả).
  • Hai kinh Thái âm và Dương minh là mạch Tỳ Vị, cùng tương quan biểu lý mà bệnh do hai kinh này sinh ra lại khác nhau, tại sao vậy? Kỳ Bá nói: Bộ vị hai kinh đó âm dương khác nhau, thay đổi nhau khi hư khi thực, khi nghịch khi thuận hoặc từ trong sinh ra hoặc từ ngoài xâm vào đều không giống nhau, cho nên tên bệnh khác nhau. (Tỳ là tạng thuộc âm, vị là phủ thuộc dương. Mạch dương đi xuống, mạch âm đi lên, mạch dương từ ngoài vào, mạch âm từ trong ra, cho nên nói là chỗ xuất phát không giống nhau mà tên bệnh khác nhau. Mùa xuân mùa hè thì dương minh thực, thái âm hư, mùa thu mùa đông thì dương minh nghịch, thái âm thuận, tức là thay đổi nhau khi thuận khi nghịch).
  • Dương thuộc thiên khí chủ bên ngoài, âm thuộc địa khí chủ bên trong, (Bộ vị âm dương khác nhau), cho nên dương khí thực, âm khí hư (thay đổi nhau về hư thực). Phạm phải tặc phong hư tà thì phần dương mắc bệnh, ăn uống sinh hoạt không điều độ thì phần âm mắc bệnh (Bệnh hoặc từ trong ra hoặc từ ngoài vào).
  • Phần dương mắc bệnh thì tà truyền vào ngũ tạng vào lục phủ thì người nóng không nằm được, khí nghịch lên thành suyễn thở, vào ngũ tạng thì đầy trướng, sinh ra ỉa sống phân, lâu ngày sinh ra kiết lỵ (Đó là chỗ xuất phát khác nhau thì tên bệnh khác nhau). Hầu chủ về thiên khí, họng chủ về địa khí, cho nên dương hay bị phong, âm hay bị thấp tà (Đồng khí tương cầu).
  • Cho nên khí âm từ chân đi lên đến đầu, lại đi xuống qua cánh tay đến đầu ngón tay, khí dương từ tay đi lên đến đầu lại đi xuống đến chân, (Sự thay đổi nhau về nghịch thuận sách Linh Khu nói: “Ba kinh âm tay từ nội tạng chạy ra tay, ba kinh dương tay từ tay chạy lên đầu. Ba kinh dương chân từ đầu chạy xuống chân, ba kinh âm chân từ chân chạy lên bụng, vì đường đi khác nhau cho nên thay đổi nhau khi nghịch khi thuận như vậy).
  • Cho nên bệnh ở dương kinh, đi lên đến tột độ rồi lại xuống. Bệnh ở âm kinh, đi xuống tột độ rồi lại lên. Cho nên cảm phải phong tà thì thượng bán thân bị bệnh trước, cảm phải thấp tà thì hạ bán thân bị bệnh trước; kinh mạch túc Dương minh bị bệnh thì sợ người và lửa, nghe tiếng gỗ khua thì giật mình kinh sợ. (Vì nhiệt uất ở trong vị cho nên sợ người và lửa, vị thuộc thổ cho nên nghe tiếng gỗ khua thì sợ).
  • Có khi bệnh dương minh nặng thì áo quần cũng không biết mặc, chạy càn nhảy càn, trèo cao ca hát, hoặc bỏ ăn mấy ngày mà lại có thể vượt tường cao, leo nóc nhà mà những chỗ leo trèo đó ngày thường không thể làm được mà khi có bệnh là có thể làm được là tại sao? Đáp: chân tay là gốc của các dương khí, hễ dương khí thịnh thì chân tay thực, chân tay thực cho nên có thể trèo cao (Phần dương thụ khí ở tay chân cho nên chân tay là gốc của các khí dương).
Hỏi: Nó không muốn mặc áo quần, chạy càn là vì sao?
Đáp: Thượng bán thân vì nóng dữ quá làm hại cho nên không muốn mặc áo quần, chạy càn nhảy càn.
Hỏi: Nó nói bậy, chửi mắng càn dở, không kể thân sơ, tự tiện ca hát là vì sao?
Đáp: Dương tà lấn lên quá làm cho thần chí mất bình thường, cho nên nói bậy nói càn, chửi mắng người mà không kể thân sơ; và chẳng biết muốn ăn gì, chẳng muốn ăn gì cho nên chạy càn. (Đây là nói bệnh ở dương minh vị kinh, sở dĩ không biết mặc quần áo, chạy càn nhảy càn, trèo cao mà hát, nói càn chửi bậy đều là do tà khí quá thịnh, tà khí quá thịnh cho nên nhiệt thịnh, nhiệt thịnh cho nên dương thịnh, ba chứng nói trên là vì lẽ ấy).
Hỏi: Khi có ôn bệnh thì mồ hôi ra rồi lại nóng mà mạch di động gấp, không vì ra mồ hôi mà bớt nóng, nói cuồng và không ăn được gọi là bệnh gì?
Kỳ Bá nói: Đấy là bệnh “âm dương giao ”, bệnh âm dương giao thì chết. (Giao nói đây là khí âm khí dương không phân biệt được).Người ta sở dĩ có ra mồ hôi đều là do cốc khi, cốc khí sinh ra chất tinh vi. (Ở đây nói cốc khí hóa thành tinh khí, tinh khí thắng mới sinh ra mồ hôi).
  • Nay tà khí giao tranh với nhau ở khoảng xương thịt mà lại có ra mồ hôi là tà khí lui mà tinh thắng. (ý nói lúc mới ra mồ hôi). Tinh thắng thì đúng lẽ ăn được mà không phát nữa, lại phát sốt là hãy còn tà khí. Mồ hôi ra là tinh khí thắng, không ăn được thì tinh khí không có gì để làm cho ra mồ hôi. (Cốc khí không hóa thì tinh khí không sinh, tinh không biến hóa lưu thông cho nên không ra mồ hôi được).
  • Bệnh giằng dai không khỏi thì sinh mệnh có thể nguy, mồ hôi ra mà mạch còn động gấp quá thì chết. (Mồ hôi đã ra được rồi thì mạch nên trì, tĩnh. Trái lại mạch động gấp là chân khí kiệt mà tà khí thịnh cho nên biết nhất định là phải chết).
  • Nay mạch và mồ hôi không tương ứng với nhau đó là tinh khí không thắng được thì chết. (Mạch không tĩnh mà động gấp là không thích ứng với nhau).
  • Nói cuồng là mất thần chí, mất thần chí thì chết. (Chí do ở tinh, nay tinh khí không sai khiến được thì chí không yên định, chí không yên định tức là mất chí).
  • Nay thấy ba phần chết, không thấy một phần sống, bệnh tuy bớt nhưng cũng sẽ chết. (Mồ hôi ra mà mạch còn động gấp là dấu hiệu chết, tinh khí không thắng được bệnh cũng là dấu hiệu chết, nói sảng mất thần chí cũng là dấu hiệu chết).
Hỏi: Thế nào là hư thực?
Đáp: Cái gọi là hư thực là so sánh tà khí và chính khí mà nói. Như tà khí đương thịnh đấy là thực chứng, bằng tinh khí không đủ đấy là hư chứng.
Không nằm ngửa được mà thở rộn lên là do khí của kinh mạch Dương minh nghịch lên. Khí của ba kinh dương chân từ đầu chạy xuống chân, nguyên lai là chạy xuống dưới, nay nghịch mà chạy lên cho nên thở rộn lên như có tiếng. Dương minh tức là kinh mạch của vị, vị là cái bể của lục phủ, vị khí cũng là đi xuống; nay khí của Dương minh mạch đi nghịch lên, vị khí sẽ không thể thuận theo đường lối của nó mà đi xuống cho nên không thể nằm ngửa được. Vị bất hòa thì nằm chẳng yên là ý nghĩa đó. Nếu ăn uống sinh hoạt bình thường mà thở rộn lên thì đấy là lạc mạch của phế không thuận; khí của lạc mạch không theo sự lên xuống như khí của kinh mạch. Khí ấy lưu lại ở kinh mạch mà không chạy ở lạc mạch nhưng bệnh ở lạc mạch tương đối nhẹ, cho nên tuy thở rộn lên như có tiếng mà ăn uống sinh hoạt như thường. Nếu không nằm được, nằm xuống thì suyễn thở là do thủy khí xâm phạm bên trong; thủy khí theo đường tân dịch mà lưu thông, thận là thủy tạng, chủ tân dịch, nay thủy khí tràn lên mà xâm phạm vào phế cho nên suyễn thở mà không nằm được. Cái thứ suyễn thở mà không nằm được này là thuộc về bệnh của thận.
Trăm bệnh sinh ra đều do ở khí. (Vì tác dụng của khí hư, thực, hoãn, cấp đều có thể sinh ra bệnh cho nên nói như vậy).
  • Giận thì khí nghịch lên, mừng thì khí thư hoãn, bi ai thì khí tiêu tan, sợ sệt thì khí tụt xuống, gặp lạnh thì khí thu liễm, gặp nóng thì khí tiết ra, kinh sợ thì khí rối loạn, nhọc mệt quá thì khí hao, lo nghĩ thì khí uất kết. Chín thứ khí khác nhau ấy sẽ sinh ra bệnh gì?
  • Giận thì khí nghịch lên, nặng lắm thì có thể trào máu miệng và ỉa sống phân, cho nên nói: “Giận thì khí nghịch lên”. (Giận thì dương khí nghịch lên, dương khí nghịch lên thì can khí lấn tỳ khí cho nên nặng thì trào máu miệng và ỉa sống phân).
  • Mừng thì khí điều hòa, ý chí thoải mái, vinh vệ thông lợi cho nên nói: “mừng thời khí hoãn”. (Khí mạch điều hòa cho nên ý chí thoải mái, vinh vệ thông lợi cho nên khí hoãn).
  • Bi ai thì tâm hệ căng thẳng, lá phổi dương lên mà thượng tiêu bế tắc không thông, vinh vệ không tán ra được, nhiệt khí uất ở trong ngực cho nên nói: “Bi ai thì khí tiêu tan” (Bi ai thì tổn tâm, tâm hệ căng thẳng thì động đến phế, phế liên hệ với các kinh, nghịch thì phổi xòe ra, lá phổi dương lên).
  • Sợ sệt thì tinh khí tụt xuống, tinh khí tụt xuống thì thượng tiêu bế tắc, thượng tiêu bế tắc thì khí luẩn quẩn dưới hạ tiêu, khí luẩn quẩn dưới hạ tiêu thì hạ tiêu thành trướng, cho nên “sợ sệt thì khí không lưu hành được”. (Sợ thì dương tinh vọt lên mà dưới không lưu thông. Cho nên tụt xuống thì thượng tiêu bế tắc, thượng tiêu bế tắc thì khí không lưu hành xuống hạ tiêu, âm khí ở hạ tiêu cũng luẩn quẩn ở đó mà không phân bố ra được, tụ lại mà thành trướng. Nhưng thượng tiêu bế tắc, khí luẩn quẩn ở hạ tiêu, mỗi thứ đóng lại một chỗ là khí không lưu hành được).
  • Lạnh thì có thể làm cho lỗ chân lông bế lại, khí vinh vệ không lưu hành, cho nên nói: “Lạnh thì khí thu liễm” (Mình lạnh thì vệ khí trầm lại, cho nên da dẻ lỗ chân lông bị bế lại mà khí không lưu hành được, vệ khí thu liễm ở trong mà không phát tán ra được).
  • Nóng thì lỗ chân lông mở ra, vinh vệ khai thông mà mồ hôi ra nhiều, cho nên nói: “Nóng thì khí tiết ra”. (Nóng thì da dẻ, lỗ chân lông mở ra, vinh vệ lưu thông, mồ hôi tiết ra cũng nhiều).
  • Kinh sợ thì tâm như không có chỗ dựa, thần chí không có chỗ về, trong lòng nghĩ ngợi liên miên cho nên nói: “Kinh sợ thì khí rối loạn” (Khí vượt lên trên cho nên không điều hòa được).
  • Lao lực quá sức thì phát thở mà đổ mồ hôi, bên trong bên ngoài đều vượt mức bình thường, cho nên nói: “Lao lực quá thì hao khí”. (Làm việc nhọc mệt thì khí chạy nhanh cho nên phát thở. Khí chạy nhanh thì dương khí vượt ra ngoài cho nên đổ mồ hôi, thở mà đổ mồ hôi là trong ngoài đều vượt mức bình thường cho nên hao khí).
  • Lo nghĩ quá nhiều thì tâm tư thường để ý vào công việc, thần không chỗ về làm cho chính khí ngừng lại không vận hành, cho nên “khí kết”. (Tâm hệ không phân tán ra được cho nên khí đình trệ).
Hỏi: Bị bệnh tý có người chết hoặc có người đau nhức lâu ngày không khỏi, có người rất chóng khỏi, sao vậy?
Đáp: “Bệnh tý mà truyền vào ngũ tạng thì chết, ngưng đọng dằng dai ở gân cốt thì đau nhức lâu ngày không khỏi, ngưng đọng ở bì phu thì chóng khỏi”. (Vào ngũ tạng thì chết là vì thần khí mất rồi, vào gân cốt thì đau nhức lâu ngày không khỏi là vì chỗ đau cố định, ở bì phu thì chóng khỏi là vì nó còn ở lớp ngoài, và có mức độ nông sâu khác nhau).
  • Vinh là tinh khí của thủy cốc hóa thành, thông thường là điều hòa với ngũ tạng, tưới nhuần cho lục phủ rồi mới đi vào trong mạch. (Thiên Chính Lý luận nói: “Đồ ăn vào dạ dày mà đường mạch lưu hành, đồ uống vào kinh mạch mà đường huyết mới vận hành).
  • Cho nên vinh khí theo đường mạch đi suốt trên dưới, khắp ngũ tạng, liên lạc với lục phủ. (Vinh đi trong mạch cho nên không chỗ nào mà nó không đến).
  • Vệ là thứ khí bốc mạnh của thủy cốc, khí ấy nhanh nhẹn trơn tru không thể đi vào trong mạch được. (Vì khí bốc mạnh cho nên nhanh nhẹn trơn tru, không thể đi vào trong mạch được).
  • Vệ khí đi vào khoảng giữa bì phu và thớ thịt, hun bốc lên cách mô (tức chẻn dừng) khuếch tán ra ngực bụng. (Khoảng giữa bì phu và thớ thịt là phần ngoài mạch, vì vệ khí bốc mạnh cho nên có thể khuếch tán ra khắp ở chỗ trống rỗng ở khoảng ngực bụng, hun bốc lên cách mô làm cho khí tuyên thông).
  • Nếu như vinh vệ mà trái nghịch với tình trạng bình thường thì sinh bệnh, vinh vệ thông lợi thì bệnh khỏi. Nói tóm lại vinh vệ không bị tà khí phong, hàn, thấp xâm nhập thì không bị tê thấp. (Trái với khí vinh vệ thì sinh bệnh mà thuận với khí vinh vệ thì khỏi bệnh, vinh vệ đều là khí nhưng không phải là vật hữu hình. Gân xương, bắp thịt, da mạch và ngũ tạng lục phủ, nó không bị ba thứ tà khí phong, hàn, thấp xâm nhập, cho nên vinh vệ ở trong người thì không sinh ra tê thấp).
  • Bệnh tý, hoặc đau hoặc không đau hoặc tê dại không cảm giác, hoặc hàn hoặc nhiệt hoặc táo hoặc thấp là tại sao? Đau là vì hàn khí thắng, có hàn khí thì đau; còn không đau tê dại không có cảm giác là bệnh đã lâu ngày, tình trạng đã ăn sâu. Sự vận hành của vinh vệ không thông lợi, kinh lạc có lúc sơ hở cho nên không đau; da dẻ mất sự dinh dưỡng cho nên tê dại không có cảm giác. (Tê dại không có cảm giác là tê mà cấu không biết đau).
  • Hàn thắng là dương khí ít, âm khí nhiều, âm khí cùng cấu kết với bệnh khí mà nặng thêm. Khí dương khi gặp âm khí nhưng âm khí không thắng nổi dương khí cho nên thành chứng nhiệt tê. (m khí không thắng nổi dương khí cho nên sinh ra nóng).
  • Có nhiều khi đổ mồ hôi ướt đẫm là vì cảm nhiều thấp khí quá, dương khí trong người không đủ mà âm khí có thừa. m khí cùng thấp khí cảm ứng nhau cho nên ra nhiều mồ hôi mà ướt. (Bệnh tê thấp sở dĩ đau là vì hàn khí thắng, có hàn khí thì đau, cho nên nói đau là do hàn khí, gọi là “Thống tý”).
  • Bệnh tê thấp sở dĩ không đau là vì bệnh lâu ngày tà khí càng ăn sâu vào, vinh vệ vướng mắc, kinh mạch có lúc sơ hở cho nên cũng không đau.
  • Bệnh tê thấp sở dĩ tê dại không cảm giác, là vì trong bì phu ít khí huyết dinh dưỡng để vận hành, cho nên da tê ngắt không hoạt động, sinh ra tê dại không cảm giác.
  • Bệnh tê thấp sở dĩ mình lạnh là vì vệ khí ít, vinh khí nhiều. Chỉ có vinh khí nhiều thì bệnh khí càng tăng cho nên hàn lạnh.
  • Bệnh tê thấp sở dĩ mình nóng là vì vệ khí nhiều vinh khí ít, cho nên tà khí thắng phong khí là dương. Dương và dinh khí gặp nhau mà âm khí không thắng nổi, cho nên sinh ra chứng nhiệt tê.
  • Bệnh tê thấp sở dĩ ướt là vì cảm phải nhiều thấp khí, vệ khí ít vinh khí nhiều. Thấp khí và dinh khí cùng cảm ứng nhau cho nên ra nhiều mồ hôi mà ướt.
  • Bệnh tê thấp sở dĩ táo tuy chưa nói đến nhưng theo chứng thấp mà xét mặt trái của nó vệ khí nhiều, dinh khí ít, gặp nhiệt nhiều quá, vệ khí cùng táo khí cùng cảm ứng nhau thì cũng có thể biết được là chứng táo.
  • Bệnh tê thấp có khi không đau là tại sao? Tê ở xương thì bệnh nặng nề, tê ở mạch thì huyết ngưng trệ mà không lưu thông, tê ở gân thì co lại mà không duỗi ra được, tê ở thịt thì tê dại không cảm giác, tê ở da thì hàn lạnh. Cho nên có đủ năm chứng trạng ấy thì không đau. Phàm bệnh tý hễ gặp hàn thì có cảm giác như kiến bò, gặp nhiệt thì mềm dãn ra.
Ngũ tạng đều có thể làm cho người bại, ý nghĩa là làm sao? (Bại tức là yếu liệt không có sức để vận động). Phế chủ bì mao, tâm chủ huyết mạch, can chủ màng gân (màng gân ở dưới da mà ở trên lớp thịt), tỳ chủ bắp thịt, thận chủ xương tủy (Mỗi tạng giữ một công việc khác nhau, bệnh bại phát sinh là có thể quy về chức năng sở chủ của nó).
Cho nên:
  • Phế bị nhiệt thì tân dịch tiêu hao, lá phổi khô héo, bì mao cũng biểu hiện trạng thái mỏng yếu, nhiệt khí lưu lại lâu ngày thì sinh ra chứng bại xụi (nuy tịch). (Tức là chân bại xụi không đi được vì phế nhiệt thì thận bị nhiệt, khí xâm phạm cho nên sinh ra như vậy).
  • Tâm bị nhiệt thì có thể làm cho huyết nghịch lên trên, gây nên trên thịnh dưới hư, huyết hư thì sinh ra chứng “mạch nuy”, khớp xương như cứng không cử động được, chân bại xụi không bước đi được. (Tâm nhiệt quá thì hỏa bốc lên trên, mạch thận thường đi xuống nay hỏa thịnh bốc lên, cho nên mạch thận cũng theo hỏa mà bốc lên. Dương khí nghịch lên, hỏa lại đốt ở trong, âm bị cách dương ở trên, không giữ được bản vị của nó ở dưới, tâm khí thông với mạch cho nên sinh chứng “mạch nuy”. Thận khí chủ về chân cho nên khớp gối, khớp cổ chân như gãy, gân ống chân mềm yếu mà không bước đi được).
  • Can bị nhiệt thì mật tràn lên mà thấy miệng đắng, gân mất sự dinh dưỡng cho nên khô, làm cho gân căng thẳng mà sinh ra bệnh “cân nuy”. (Mật nằm trong lá gan mà nước của nó rất là đắng, gan bị nhiệt thì nước mật sẽ chảy tràn ra cho nên miệng đắng. Can chủ về màng gân, can nhiệt thì màng gân bị khô làm cho gân căng thẳng mà yếu liệt).
  • Tỳ bị nhiệt thì làm cho tân dịch trong vị khô mà khát, da thịt tê dại cấu không biết đau, sinh ra chứng “nhục nuy”. (Tỳ và vị dính líu với nhau là nhờ màng gân, tỳ khí nhiệt thì tân dịch trong vị bị khô ráo mà khát nước, tỳ chủ bắp thịt, nhiệt bức ở trong bắp thịt tê dại mà sinh chứng “nhục nuy”).
  • Thận bị nhiệt thì tinh dịch kiệt hết, xương khô, tủy giảm mà eo lưng xương sống không cử động được sinh chứng “cốt nuy”. (Eo lưng là phủ của thận, lại thêm kinh mạch của thận đi lên bên trong đùi, qua sống lưng thuộc thận. Thận khí nhiệt, eo lưng và xương sống cứng đơ không cử động được. Thận chủ xương tủy, thận nhiệt thì xương khô, tủy cạn mà sinh ra chứng “cốt nuy”).
- Chứng quyết có hàn quyết, nhiệt quyết là tại sao? Dương khí suy kiệt ở dưới sinh ra hàn quyết, âm khí suy kiệt ở dưới sinh ra nhiệt quyết. (Dương là túc tam dương kinh, âm là túc tam âm kinh, ở dưới là dưới chân. Đây nói về chứng quyết mà phân ra hàn nhiệt là theo túc tam âm, túc tam dương kinh. Kinh khí của 6 kinh mạch này có lúc thiên thắng cho nên thể hiện như vậy).

- Bệnh nhiệt mà phát nhiệt phải từ dưới chân lên là tại sao? (Dương chủ bên ngoài mà chứng quyết ở trong cho nên nói thế).
  • Dương khí bắt đầu phía ngoài năm ngón chân, âm khí tập trung ở dưới chân mà tụ hội ở lòng bàn chân, nhiệt quyết là âm khí suy kiệt ở dưới mà dương khí thiên thắng, cho nên dưới chân phát nóng. (Kinh mạch túc Thái dương đi ra ở mé ngoài đầu ngón chân út, Túc Thiếu dương đi ra ở đầu ngón chân thứ tư. Túc Dương minh đi ra ở đầu ngón chân giữa và ngón chân cái, đều theo kinh mạch túc Dương minh mà đi lên. Mạch can, thận, tỳ tập trung ở dưới chân, tụ hội ở lòng bàn chân, âm khí suy kiệt ở dưới cho nên dưới bàn chân nóng tức là cái nóng của chứng nhiệt quyết ở âm phận vì dương thắng âm).
Bệnh hàn quyết mà lạnh toát bị từ năm ngón chân đi lên đầu gối là tại sao? (âm chủ bên trong mà quyết ở ngoài cho nên nói thế).
  • Âm khí bắt nguồn từ phía trong năm ngón chân, tập trung trên dưới mà tụ hội ở đầu gối. Bệnh hàn quyết là dương khí suy kiệt ở dưới (hạ bán thân) mà âm khí thiên thắng. Cho nên lạnh toát phải bắt đầu từ năm ngón chân chạy lên đầu gối, thứ lạnh toát này không phải do hàn khí từ ngoài xâm vào mà do dương hư từ bên trong gây ra. (Kinh mạch túc Thái âm bắt đầu từ giữa chòm lông chũm ở đầu ngón chân cái, mạch túc Thiếu âm bắt đầu từ dưới ngón chân út, xiên theo lòng bàn chân và theo mạch túc Thái âm kinh đi lên, men theo mé trong đùi vào bụng, cho nên nói tập trung dưới đầu gối mà tụ ở trên đầu gối. Đó là nói về chứng lạnh toát của hàn quyết lên đầu gối vì âm thắng dương).
Bệnh quyết hoặc làm cho người đầy bụng, hoặc làm cho người bỗng dưng bất tỉnh nhân sự, hoặc nửa ngày, thậm chí cả ngày mới tỉnh trở lại là vì sao? m khí thiên thịnh ở thượng bán thân thì hạ bán thân hư, hạ bán thân hư thì bụng đầy trướng. Dương khí thiên thịnh ở trên thì khí ở hạ bán thân lấn lên mà thành tà khí, tà khí nghịch lên thì dương khí rối loạn, dương khí rối loạn thì bỗng dưng bất tỉnh nhân sự (âm khí thiên thịnh ở trên thì bụng đầy trướng là hàn quyết, dương khí thiên thịnh ở trên thì bỗng dưng bất tỉnh nhân sự, đó là nhiệt quyết).
Hỏi: Có người bệnh nằm ngủ không được là tại sao?
Đáp: Không ngủ được là do quan hệ với nguyên nhân thất tình lao quyện làm tổn thương ngũ tạng mà ra, cần làm cho chỗ tổn thương đó được khôi phục, tinh thần có chỗ ký thác mới nằm ngủ được yên; cho nên thường không ai đoán được họ bị bệnh gì. (Nói có nằm mà không yên vì khí của nội tạng bị thương tổn và tinh khí hao. Vì ngũ tạng thuộc âm, mỗi tạng đều có tàng tinh của nó, nội tạng bị thương tổn thì tinh khí hao nên nằm chẳng yên. Tinh cần phải có chỗ tàng trữ, tinh nào ở tạng ấy mà không bị tổn thất, tổn thất thì nằm ngủ chẳng yên, ví như can tàng hồn, phế tàng phách v.v… Phàm nằm ngủ không yên là huyết không quy về can, vệ khí không nhập vào âm phận cho nên người ta không ngủ được).
Hỏi: Người ta không nằm ngửa được là tại sao?
Đáp: Vị trí của tạng phế ở rất cao, như cái ô dù che các tạng khác. Tà khí trong phế nhiều quá thì mạch đại, mạch đại thì không nằm ngửa được. (Tà khí thịnh đầy ở phế thì thở suyễn cho nên không nằm ngửa được).

Hỏi: Có chứng nổi giận phát cuồng là do đâu mà sinh ra?
Đáp: Sinh ở phần dương (Giận mà bất kể tai vạ cho nên gọi là cuồng). Dương khí bị uất quá mà khó giải được cho nên hay giận gọi là chứng “Dương quyết” (Ý nói dương khí bị uất tắc không thông hoặc thường bị uất ức nhiều không được thoải mái đều là do dương nghịch táo quá mà sinh ra, cho nên gọi là dương quyết).

Bệnh Dương quyết chữa như thế nào? Kiêng ăn thì khỏi. Đồ ăn vào phần âm, nuôi khí ở phần dương, cho nên kiêng ăn thì khỏi. (Ăn ít thì khí suy, cho nên tiết chế ăn uống thì bệnh khỏi). Cho uống vẩy sắt vụn, vẩy sắt vụn hay hạ khí uất. (Ý nghĩa kim bình can).

Người có mang được chín tháng mà nói không ra tiếng là tại sao? (Có mang chín tháng là mạch túc Thiếu âm nuôi thai). Lạc mạch của bào thai bị tắc nghẽn không thông (Lạc mạch tắc nghẽn không thông nên nói không ra tiếng được, không phải là khí thiên chân bị ngưng tuyệt). Lạc mạch này liên hệ với thận, kinh mạch túc Thiếu âm thận đi vào thận, liên lạc với cuống lưỡi cho nên không nói được. (Kinh mạch Thiếu âm thận vì khí không dinh dưỡng cho nên không nói được). Không cần chữa, khi đủ mười tháng cũng khỏi (Mười tháng thì đẻ, lạc mạch của bào thai lại thông, kinh mạch của thận dinh dưỡng lên trên cho nên nói lại được như cũ). Đừng làm tổn cái bất túc, mà tăng cái hữu dư, làm cho tăng thêm bệnh (Cách chữa trái với phương pháp ấy thì thai chết không ra và thành ra bệnh lâu ngày mà khô ráo).

Có người bị bệnh nhức đầu đã vài năm không khỏi, bệnh ấy là do đâu, gọi là bệnh gì? (Bệnh nhức đầu không nên kéo dài quá một tháng, vài năm không khỏi cho nên lấy làm lạ mà hỏi).
  • Đương lúc bị rét dữ phạm vào trong xương tủy, xương tủy của người lấy não làm chủ, não bị hàn khí nghịch lên cho nên nhức đầu và răng cũng đau. (Não chủ về tủy, răng là chất thừa của xương, não bị hàn khí nghịch lên, phạm vào thì xương cũng bị lạnh, làm cho nhức đầu và răng cũng đau). Bệnh gọi là quyết nghịch. (Người ta trước tiên sinh não, có não mới có xương tủy, răng gốc ở xương).
Miệng ngọt gọi là bệnh gì? Tại sao mà mắc bệnh ấy? Đó là tinh khí của ngũ vị tràn lên gọi là “Tỳ đản”. (Đản là chứng nhiệt, tỳ nhiệt thì bốn tạng kia cũng bị nhiệt, ngũ tạng càng bốc nhiệt lên. Vì thế mà sinh ra tỳ nhiệt cho nên gọi là tỳ đản).
  • Tuy ngũ vị ăn vào miệng, tàng trữ ở vị, nhưng cần được tỳ vận hóa chuyển thâu những tinh ba của đồ ăn ấy; nay tỳ vị bị nhiệt quá mà mất công năng bình thường do đó tân dịch ứ đọng ở tỳ làm cho miệng cảm thấy vị ngọt. (Tỳ bị nhiệt thấm vào trong, tân dịch của tỳ vị sau khi tiêu hóa cơm nước, tinh khí liền tràn ra, tỳ khí thông lên miệng cho nên miệng ngọt, tân dịch ở tỳ tức là tỳ bị thấp).
  • Đó là chứng bệnh do ăn nhiều đồ ngon béo mà sinh ra, những người này tất thường ăn nhiều đồ ngon béo, béo thì làm cho sinh nóng ở trong, ngọt thì làm cho bụng đầy, cho nên khí bị tràn lên mà sinh ra chứng tiêu khát. (Ăn thứ béo thì thớ thịt kín, dương khí không tiết ra ngoài được cho nên chất béo thì làm cho người ta nóng trong, vị ngọt tính khí hòa hoãn mà phát tán, nghịch lên làm cho người ta bụng ngực bị đầy. Nhưng chứng nóng trong thì dương khí bốc lên; bốc lên thì ham uống mà họng cứ khô, bụng ngực đầy thì khí tích trữ lâu ngày nhiều quá, nhiều quá thì tỳ khí tràn lên cho nên nói khí tràn lên, chuyển thành bệnh tiêu khát).
  • Cách chữa thì dùng cỏ Lan để trừ cái khí lâu ngày. (Ý nói cỏ Lan trừ chất ngọt béo lâu ngày không hóa được, là lấy ý nghĩa vị cay có thể phát tán).
Có chứng trong miệng đắng, châm huyệt Dương lăng tuyền mà miệng vẫn đắng, gọi là bệnh gì? Vì đâu mà mắc phải? Bệnh ấy gọi là bệnh “Đởm đản”. (Cũng gọi là bệnh nhiệt, nước mật đắng cho nên miệng đắng).
  • Can là chức vụ tướng quân, nó chịu sự quyết đoán của đởm, hầu họng chịu sự chi phối của can. (Can là chức vụ tướng quân, mưu lự do đó mà ra. Đởm là cơ quan trung chính, quyết đoán từ đó mà ra. Can hợp với đởm, tinh khí cùng thông cho nên tất thảy mưu lự quyết đoán là do ở đởm, họng và đởm cùng ứng với nhau, cho nên họng là chức vụ sai khiến của đởm).
  • Người có bệnh đởm đản vì thường là mưu lự không quyết đoán, tâm tình buồn bã. Bởi vì đởm mất công năng bình thường, nước mật tràn lên do đó mà miệng đắng, cần phải châm hai huyệt mộ và du của đởm kinh để chữa. (Ở vùng ngực bụng gọi là mộ, ở vùng lưng gọi là du. Huyệt mộ của đởm kinh ở hai gân dưới vú, cách dưới huyệt Kỳ môn nửa tấc đồng thân. Huyệt du dưới đốt xương sống thứ 14, mỗi bên ngang ra một tấc rưỡi).
  • Có người bị bệnh tiểu tiện lỉ rỉ không thông, mỗi ngày đi đái vài mươi lần, đó là hiện tượng bất túc, mình nóng như than, vùng cổ và vùng ngực có cảm giác vướng mắc không thông, mạch Nhân nghinh nhảy dữ, suyễn thở, khí nghịch lên, đó là chứng hữu dư. (Dương khí ở ngoài thịnh quá, vì âm khí bất túc cho nên dương khí hữu dư).
Mạch kinh Thái âm vi tế như sợi tóc, đó là chứng bất túc, bệnh này do đâu? Gọi là gì? (Vùng cổ với vùng ngực như ngăn cách là cổ và ngực như bị vướng mắc, không tương ứng với nhau. Mạch Nhân nghinh nhảy dữ là nói động mạch hai bên cổ họng thịnh, đầy mau, gấp quá, tức là mạch vị rất táo cấp. Mạch Thái âm nhỏ bé (vi tế) như sợi tóc là chỗ động mạch ở lồi xương quay, sau ngón tay cái một tấc, tức là mạch Phế, đó là nơi lưu hành khí mạch của kinh mạch thủ Thái âm, có thể thăm dò được ngũ tạng).
  • Bệnh ở kinh Thái âm mà thịnh ở vị và cũng ở phế, gọi là bệnh “Quyết” thì chết không chữa được. (Bệnh tiểu tiện không thông mà đái rắt, mình nóng như than, cổ ngực như vướng mắc, thở rược lên, đều do mạch thủ Thái âm, đáng lẽ hồng đại mà sác, nay lại nhỏ bé như sợi tóc là bệnh với mạch trái nhau, do đâu mà gây nên thế? Vì phế nghịch lấn lên vị làm cho mạch Nhân nghinh nhảy dữ cho nên gọi là bệnh ở kinh Thái âm mà thịnh ở vị. Vì suyễn thở, khí nghịch, cho nên nói là cũng ở phế, bệnh gọi là khí nghịch, mà chứng không ứng với bệnh cho nên gọi tên bệnh là “Quyết” thì chết không chữa được).
  • Đó là chứng bệnh ngũ hữu dư và nhị bất túc. Gọi là ngũ hữu dư tức là năm thứ bệnh khí hữu dư, gọi là nhị bất túc tức là bệnh khí bất túc. Nay ngoài thì mắc năm chứng hữu dư, trong thì mắc hai chứng bất túc đó là bệnh không thể dựa ở biểu, không thể dựa ở lý, cũng rõ ràng là chứng chết. (Năm chứng hữu dư ở ngoài là: mình nóng như than, cổ ngực vướng mắc, mạch Nhân nghinh nhảy dữ, suyễn thở, khí nghịch. Hai chứng bất túc ở trong là: tiểu tiện không thông, ngày đi vài mươi lần, mạch Thái âm vi tế như sợi tóc. Bệnh ở biểu thì bên ngoài mắc chứng ngũ hữu dư. Biểu lý đã không có thể dựa vào đâu, dùng phép bổ tả đều rất khó, cho nên nói bệnh này không ở biểu không ở lý rõ ràng là chứng chết).
​Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.