YTTL: Nội kinh yếu chỉ 2

Phần này nói về cơ chế chuyển hóa vạn vật theo nội kinh.
CƠ CHẾ HÓA SINH

- Thiên khí bất túc phía Tây Bắc, cho nên phía Tây Bắc thuộc âm mà ở con người thì tai mắt bên phải không sáng tỏ bằng tai mắt bên trái. (Tai mắt ở trên cho nên ứng với thiên khí).
- Địa khí bất túc ở phía Đông Nam cho nên phương Đông Nam thuộc dương mà ở con người thì tay chân bên trái không mạnh bằng tay chân bên phải. (Tay chân ở dưới cho nên ứng với địa khí).
- Phương Đông thuộc dương, thuộc dương thì tinh khí hợp lên trên, hợp lên trên thì trên thịnh dưới hư, cho nên tai mắt sáng tỏ mà tay chân không thuận lợi. Phương Tây thuộc âm, thuộc âm thì tinh khí hợp xuống dưới, hợp xuống dưới thì dưới thịnh mà trên hư, cho nên tai mắt không sáng tỏ mà tay chân thì thuận lợi. Nếu đầu cảm phải tà khí ở trên thì bên phải nặng hơn, ở dưới thì bên trái nặng hơn. Đó là vì âm dương của trời đất không toàn vẹn cho nên tà khí xâm lấn vào. (m dương ứng với trời đất cũng như nước chứa trong bình, bình cong thì nước sẽ cong. Khí huyết của con người ta cũng vậy, cho nên tùy chỗ bất túc của nó mà tà khí lấn vào).
  • Cho nên trời có tinh khí, đất có hình thể, trời có bát kỷ, đất có ngũ lý (Dương là trời giáng tinh khí xuống để gây hóa sinh, âm là đất phân bố hòa khí để thành hình. Ngũ hành là nguyên lý của sinh dục, Bát phong là cương kỷ của biến hóa. Bát kỷ là giường mối của bát tiết, ngũ lý là sự phát dục của ngũ hành).
  • Cho nên âm dương có thể là nguồn gốc của vạn vật. (Dương là trời để hóa khí, âm là đất để thành hình, ngũ lý vận hành, bát phong chuyển động, sinh trưởng thu tàng theo đúng thời tiết cho nên nói là nguồn gốc của vạn vật biến hóa).
  • Cho nên âm dương có thể là nguồn gốc của vạn vật (Dương là trời để hóa khí, âm là đất để thành hình, ngũ lý vận hành, bát phong chuyển động, sinh trưởng thu tàng theo đúng thời tiết cho nên nói là nguồn gốc của vạn vật biến hóa).
  • Khí thanh dương vô hình bốc lên làm trời. Khí trọc âm hữu hình giáng xuống làm đất. Cho nên sự vận động, sự ngừng lặng của trời đất là do sự biến hóa thần diệu của âm dương làm cương kỷ. (Khí thanh dương bốc lên, khí trọc âm lắng xuống, cho nên sự động tĩnh của trời đất là do sự biến hóa thần diệu của âm dương).
  • Thiên khí thông vào phế, địa khí thông vào họng. (Cũng giống như trời thu nạp khí thanh dương, đất thu nạp khí trọng trọc của thủy cốc).
  • Phong khí thông với can. (Theo lẽ ngũ hành phong sinh mộc). Lôi khí thông với tâm (Lôi là sấm, sấm là phát thanh của hỏa khí).
  • Cốc khí thông với tỳ. (Cốc là hang núi, hang núi trống rỗng cũng giống như tỳ làm chức năng thu nạp).
  • Vũ khí thông với thận. (Vũ là mưa, thận chủ thủy dịch, giống như nước chảy).
  • Lục kinh như giòng sông. (Trôi chảy không bao giờ ngừng).
  • Trường vị như cái bể. (Trường vị là nơi thu nạp cũng như bể).
  • Cửu khiếu trên dưới là nơi giòng nước dồn khí tới. (Trong sáng cũng như chất nước trong sáng bên trong, truyền tống cũng như nước chảy dồn đến).
  • Lấy hiện tượng trong trời đất so sánh với âm dương trong con người thì mồ hôi do dương khí phát ra, ví như mưa trong trời đất. (Mồ hôi của người phát ra ở bì phu là do dương khí mà phát tiết ra, hiện tượng này ví với hiện tượng trong trời đất thì cũng giống như mây bay bốc lên, mưa đổ xuống, dương khí phát tán, gió dữ lay động, cho nên tương ứng với nhau).
  • Khí giữ hình trạng cho sấm, khí nghịch lên hình trạng cho dương, cho nên chữa bệnh không theo quy luật tự nhiên thì sẽ nguy hại. (Trái với quy luật tự nhiên thì 6 kinh sẽ rối loạn, 5 khí bị tổn thương. Chân khí đã bị tổn thương thì tai hại xảy ra sẽ không thể lường được).
Về con gái (nữ):
  • Con gái lên 7 tuổi thận khí thịnh, răng thay tóc dài. (Số 9 là số chót của số lão dương, số 7 là số của thiếu dương. Con gái thuộc khí thiếu âm cho nên phối hợp với số thiếu dương. Khí âm dương hòa hợp sẽ có thể sinh thành hình thể, cho nên lên 7 thì thận khí thịnh mà răng thay tóc dài).
  • Đến 14 tuổi thì thiên quý sung túc, mạch Nhâm thông, mạch Thái xung thịnh, kinh nguyệt xuống đúng kỳ cho nên có thể có con. (Quý thuộc phương Bắc, hành thủy, là tên một thiên can, mạch Nhâm mạch Xung đều là mạch Kỳ kinh. Hai mạch này lưu thông thì kinh nguyệt dần đầy, đúng kỳ thì thấy, khí thiên chân giáng xuống cùng hòa hợp cho nên gọi là Thiên quý. Nhưng mạch Xung thuộc huyết hải, mạch Nhâm chủ bào thai, hai đằng giúp lẫn nhau cho nên có thể sinh dục. Kinh nguyệt lúc bình thường thì cứ 30 ngày là một chu kỳ hành kinh).
  • 21 tuổi thận khí đầy đủ, răng cấm (khôn) mọc mà thân thể cũng khỏe mạnh. (Răng khôn là răng cấm, mọc sau cùng. Thận khí đầy đủ mà răng khôn mọc, biểu hiện rằng răng là chất thừa của xương).
  • 28 tuổi gân cốt cứng cáp, tóc dài hết mức, thân thể cũng rất khỏe mạnh. (Số thiên quý của phụ nữ 49 tuổi thì hết, 28 tuổi thì khí lực được một nửa, cho nên thân thể rất khỏe mạnh vào thời kỳ đó).
  • 35 tuổi mạch Dương minh suy, sắc mặt bắt đầu khô, tóc bắt đầu rụng. (Mạch Dương minh làm tươi sắc mặt, đi lên mái tóc cho nên khí suy thì tóc rụng, sắc mặt khô sạm).
  • 42 tuổi, ba mạch ở trên suy, sắc mặt đều khô sạm, tóc bắt đầu bạc. (Ba mạch dương hội họp ở trên đầu, cho nên các mạch này suy thì sắc mặt khô sạm, tóc bạc. Sở dĩ suy yếu là vì đàn bà khí hữu dư mà huyết bất túc, vì hàng tháng kinh nguyệt thường thoát tiết ra).
  • 49 tuổi mạch Nhâm, mạch Thái xung suy kém, thiên quý khô kiệt, kinh nguyệt hết, cho nên hình thể suy yếu mà không sinh nở nữa. (Mạch Nhâm dứt nên kinh nguyệt hết, mạch Nhâm mạch Xung suy kém nên hình thể suy yếu mà không sinh nở nữa “Trích Thượng cổ thiên chân luận”).
Về con trai (nam):
  • Con trai 8 tuổi, thận khí đầy đủ, răng thay tóc dài. (Số 10 là số cùng của lão âm, 8 là số thiếu âm. Con trai thuộc khí thiếu dương cho nên phối với thiếu âm. Thiên Hệ từ Kinh dịch nói: Trời đến số 9, đất đến số 10 tức là số cùng).
  • 16 tuồi thì thận khí thịnh vượng, thiên quý đầy đủ, tinh khí đầy tràn, lúc đó âm dương giao hòa thì có con. (Con trai con gái bẩm thụ âm dương khác nhau, hình sắc tinh huyết cũng khác nhau. m khí tĩnh huyết hải đầy mà có kinh nguyệt, dương khí động giao hợp cho nên có thể sinh con. Thiên Hệ từ Kinh dịch nói: “Nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh”).
  • 24 tuổi thận khí đủ, gân cốt cứng cáp cho nên răng khôn mọc và thân thể lớn mạnh.
  • 32 tuổi gân cốt cứng cáp, bắp thịt rắn chắc. (Nam giới 64 tuổi thiên quý hết thì 32 tuổi là khí lực đã được một nửa).
  • 40 tuổi thận khí suy, tóc rụng răng khô. (Thận chủ xương, răng là chất thừa của xương, thận khí đã khô, tinh không được bổ dưỡng cho nên tóc rụng răng khô, huyết suy nên tóc rụng, xương hư hỏng nên răng khô).
  • 48 tuổi dương khí suy kiệt ở trên, sắc mặt khô sạm, tóc bạc hoa râm. (Dương khí là khí của kinh dương minh bắt đầu từ mũi, xuống cạnh miệng đi quanh môi, giao nhau ở huyệt Thừa tương, lên trước tai đến trán, mỏ ác (thóp). Cho nên suy ở trên thì sắc mặt khô sạm, mà tóc bạc hoa râm).
  • 56 tuổi can khí suy, gân không cử động được, thận khí nuôi xương, thận khí suy thì toàn thân đều mỏi mệt. (Can khí nuôi gân, can khí suy thì không cử động được, thận khí nuôi xương, thận khí suy thì toàn thân mỏi mệt, thiên quý đã hết thì tinh thiếu).
  • 64 tuổi tóc răng đều rụng. (Dương khí tuyệt, tinh khí suy cho nên răng tóc không mọc mà rụng).
  • Thận chủ thủy tiếp nhận tinh ba của ngũ tạng lục phủ mà tàng trữ bên trong, cho nên ngũ tạng thịnh vượng thì thận mới có thể tiết ra tinh khí được. (Tinh khí của ngũ tạng lục phủ đầy tràn, thấm nhuần sang thận, thận tiếp nhận mà tàng trữ lại, không phải chỉ một mình tạng thận có tinh khí, cho nên nói ngũ tạng thịnh vượng thì thận mới có thể tiết ra tinh khí được. Nay ngũ tạng đều suy, gân cốt rã rời, thiên quý hết cho nên tóc mai trắng, mình mẩy nặng nề, bước đi không vững mà không có con nữa. Một vật lớn lên rồi già là quy luật tự nhiên).

Có người đã già mà còn có con, đấy là vì bẩm thụ khác thường, khí mạch thường thông mà thận khí có thừa. (Bẩm thụ khí thiên chân rất đầy đủ).
Những người ấy tuy có con, nhưng những đứa con sinh ra thì trai không quá 64, gái không quá 49 mà tinh khí của họ đều khô kiệt. (Tuy già mà còn đẻ con, nhưng tuổi thọ của con cũng không quá số thiên quý. “Trích Thượng cổ thiên chân luận”).
  • Khí thanh dương bốc lên thành trời, khí trọc âm lắng xuống làm đất, hơi đất bốc lên làm mây, khí trời giáng xuống làm mưa, mưa xuất xứ từ hơi đất, mây xuất xứ từ khí trời. (Khí âm ngưng kết ở trên mà thành mây, khí dương tan ra đổ xuống mà thành mưa, mưa do mây chuyển hóa cho nên nói mưa xuất xứ từ hơi đất, mây nhờ có khí lạnh kết hợp cho nên nói mây xuất xứ từ khí trời. Lẽ trời đất là như vậy, thanh khí trọc khí trong thân thể cũng như vậy).
  • Cho nên khí thanh dương tiết ra ở khiếu trên, khí trọc âm tiết ra ở khiếu dưới. (Khí nào gốc ở trời thời đi lên, khí nào gốc ở đất thời đi xuống, đều tùy theo loại của nó. Khiếu trên là tai, mắt, miệng, mũi. Khiếu dưới là tiền âm, hậu âm).
  • Khí thanh dương phát ra ở da thửa, khí trọc âm dồn vào năm tạng. (Da thửa là nơi thấm tiết ra, cho nên khí thanh dương có thể phát tán. Năm tạng là nơi tàng chứa cho nên khí trọc âm có thể dồn vào).
  • Khí thanh dương làm cứng cáp chân tay, khí trọc âm quy về sáu phủ. (Chân tay cử động bên ngoài cho nên khí thanh dương làm cho cứng cáp, sáu phủ vận hóa bên trong cho nên khí trọc âm dồn về đó).
  • Thủy là âm, hỏa là dương. (Thủy vốn hàn mà tĩnh cho nên thuộc âm, hỏa vốn nóng mà động cho nên thuộc dương).
  • Dương là khí, âm là vị. (Khí chỉ phân bố ra cho nên thuộc dương, vị kết tụ thành hình cho nên thuộc âm).
  • Vị quy về hình, hình quy về khí, khí quy về tinh, tinh quy về hỏa. (Hình do vị nuôi dưỡng cho nên nói vị quy về hình, khí nuôi hình vóc cho nên nói hình quy về khí, tinh nuôi dưỡng khí cho nên nói khí quy về tinh, hỏa sinh ra tinh cho nên nói tinh quy về hỏa).
  • Tinh nhờ khí nuôi, hình nhờ vị nuôi. (Hễ khí hóa thời sinh tinh, vị hòa thời nuôi hình).
  • Hỏa sinh ra tinh, khí sinh ra hình. (Chất dịch tinh vi do huyết biến hóa mà thành, hình với khí giúp đỡ lẫn nhau. Khí vận hành, huyết xây dựng cho nên hai vật là để phục vụ cho sự sống. Tinh không phải tự sinh ra, mà nó sinh ra bởi sự vận hóa tinh khôn. Hình không phải tự nhiên sinh ra mà nó sinh ra bởi khí vô hình).
  • Vị làm tổn thương hình, khí làm tổn thương tinh. (Nghịch tiết tấu vậy).
  • Tinh hóa sinh ra khí, khí làm tổn thương vị. (Tinh nhờ sự biến hóa dinh dưỡng mới nuôi được khí. Nếu tinh không hóa sinh thời không nuôi được khí, do đó khi tinh huyết uất kết ở trong thành chất hôi thối cộng vào vị khí thời năm vị bế tắc không nạp vào đâu được, đàn bà có mang tinh biến hóa 100 ngày đều tổn hại vị khí).
  • Vị thuộc âm bài xuất ở khiếu dưới, khí thuộc dương bài xuất ở khiếu trên. (Vị có chất cho nên bài tiết theo đường đại tiểu tiện phía dưới, khí vô hình cho nên lên tiết ra theo đường hô hấp ở trên).
  • Vị hậu là âm, vị bạc là dương ở trong âm. Khí hậu là dương, khí bạc là âm ở trong dương. (Dương là khí, khí hậu là thuần dương. m là vị, vị hậu là thuần âm, cho nên vị bạc là dương ở trong âm, khí bạc là âm ở trong dương).
  • Vị hậu thời tiết ra, vị bạc thời sơ thông. Khí bạc thời phát tiết, khí hậu thời phát nhiệt. (khí nhuần xuống bên dưới cho nên vị hậu thời tiết lợi, dương khí hướng lên trên cho nên khí bạc thời phát tiết. Vị bạc là ít phần âm cho nên thông tiết, khí bạc là phần dương ít cho nên đổ mồ hôi, phát tiết là nói ra mồ hôi vậy).
  • Tráng hỏa làm chính khí suy, thiếu hỏa làm chính khí khỏe. (Hỏa quá mạnh thời chính khí tất suy, hỏa bình thường thời chính khí tất khỏe).
  • Tráng hỏa làm hại nguyên khí, nguyên khí cần được thiếu hỏa nuôi dưỡng. Tráng hỏa làm tán khí, thiếu hỏa thì sinh ra khí. (Khí sinh ra tráng hỏa cho nên nói tráng hỏa làm hại nguyên khí, thiếu hỏa thì bồi dưỡng nguyên khí cho nên nói nguyên khí cần được thiếu hỏa nuôi dưỡng. Vì tráng hỏa làm hại nguyên khí cho nên nói gặp phải tráng hỏa thì khí hao tán. Vì thiếu hỏa sinh ra khí cho nên nói khí được thiếu hỏa thì sinh trưởng).
Thông thường
  • 40 tuổi âm khí đã kém suy mất một nửa, sự sinh hoạt hàng ngày cũng giảm sút. (Con người đến 40 tuổi tấu lý bắt đầu sơ hở, vẻ tươi nhuận hơi kém, tóc bạc hoa râm, sự sinh hoạt kém dần là đến thời kỳ suy yếu).
  • 50 tuổi, mình mẩy nặng nề, tai không tỏ, mắt không sáng. (Đó là hiện tượng suy yếu dần).
  • 60 tuổi, liệt dương, khí kém, chín khiếu không thông lợi, trên thực dưới hư, nước mắt nước mũi đều chảy ra. (Đó là hiện tượng suy lắm rồi).
  • Cho nên nói: “Biết điều dưỡng thì khỏe mạnh, không biết thì già yếu. (Chữ “biết” ở đây là hiểu biết được cái lẽ thất tổn bát ích là phương pháp dưỡng sinh).
  • Người không biết điều dưỡng thì thường bất cập, người biết điều dưỡng thì thường hữu dư. Hữu dư thì tỏ tai sáng mắt, mình mẩy nhẹ nhàng, càng già càng khỏe mạnh, khỏe mạnh lại càng khỏe mạnh thêm.
  • Khí phương Đông sắc xanh, thông với can, khai khiếu ở mắt, tinh ba chứa ở can. Khí phương Nam sắc đỏ, thông với tâm, khai khiếu ở tai, tinh ba chứa ở tâm. Khí Trung ương sắc vàng, thông với tỳ, khai khiếu ở miệng, tinh ba chứa ở tỳ. Khí phương Tây sắc trắng, thông với phế, khai khiếu ở mũi, tinh ba chứa ở phế. Khí phương Bắc sắc đen, thông với thận, khai khiếu ở tiền âm và hậu âm, tinh ba chứa ở thận. Trời che đất chở vạn vật mới phát sinh được, lúc còn tiềm tàng chưa ra khỏi đất gọi là âm xử, mệnh danh là âm ở trong âm. (Vì ở trong phần âm cho nên gọi là âm xử, hình thể chưa phát hiện cũng gọi là âm, lấy nghĩa là âm đang còn ở trong âm nên gọi là âm trong âm).
  • Khi phát hiện ra khỏi đất gọi là dương ở trong âm. (Hình phát ra là dương, lấy nghĩa dương đang còn ở trong âm cho nên gọi là dương ở trong âm).
  • Dương là chính, âm là chủ. (Dương phát tiết ra sinh khí thì vạn vật mới sinh ra được, âm chủ trì thì vạn vật mới hình thành được).
  • Cho nên vạn vật sinh ra ở mùa xuân, lớn lên ở mùa hè, thu hoạch ở mùa thu, bế tàng ở mùa đông. Nếu trái với quy luật đó thì bốn mùa âm dương sẽ bế tắc. (Trái quy luật thì bốn mùa bế tắc, khí âm dương không vận hành được).
  • Trời lấy tiết độ 6.6 làm thành một năm, người lấy số 9.9 để phối hợp lại. Người ta cũng có 365 đốt xương để ứng với trời đất đã từ lâu rồi. (Bởi vì người cũng tương tự như trời đất. Tiết độ 6.6 là 60 ngày làm thành một vòng Giáp Tý. 6.6 là 6 vòng Giáp Tý (360 ngày) thành một năm. Người lấy số 9.9 để phối hợp lại, là người với đất lấy 9 châu, 9 khiếu làm chuẩn độ để phối hợp với tiết 6.6 của trời).
  • Tiết độ 6.6 phối hợp với số 9.9 là để xác định thiên độ và khí số. (Tiết độ 6.6 là độ của trời phối hợp với 9.9 là số của trời gọi là khí số tức là khí số sinh thành).
  • Thiên độ là chuẩn độ suy tính sự vận hành của mặt trời, mặt trăng. Khí số là giường mối nêu lên những tác dụng hóa sinh của vạn vật. (Chuẩn độ suy tính của mặt trời mặt trăng là để biết rõ sự vận hành nhanh hay chậm của mặt trời mặt trăng, nêu lên những tác dụng hóa sinh của vạn vật là để hiểu rõ đến mà thích ứng. Khí thích ứng không sai thì lẽ sinh thành không sai. Nhanh chậm theo mức độ thì tháng đủ tháng thiếu do đó mà tính ra. Cho nên ngày dài, ngày ngắn khác nhau. Tháng chuyển từ hàn sang nhiệt, sự sinh, trưởng, thu, tàng không sai với lẽ thường).
  • Trời là dương, đất là âm. Mặt trời là dương, mặt trăng là âm, vận hành có bộ vị, xoay chuyển có đường lối. Mỗi ngày đêm mặt trời đi một độ thì mặt trăng đi 13 độ có lẻ, cho nên có tháng đủ tháng thiếu, gồm 365 ngày làm thành một năm, tích các số lẻ mà thành ra tháng nhuận. (Mặt trời đi chậm cho nên một ngày đêm mới quay hết một vòng, thì 365 ngày mới quay khắp một vòng trời mà còn lẻ 1/4 của một độ. Mặt trăng đi nhanh nên một ngày đêm đi được 13 độ trong vòng trời mà 29 ngày đã đi khắp một vòng trời. Nói có lẻ là ngoài 13 độ ra còn đi được 7/19 độ cho nên nói mặt trăng đi được 13 độ lẻ, cứ 27 ngày mặt trăng đi khắp một vòng trời 361 độ. Trong 29 ngày thì mặt trời đi được 29 độ, mặt trăng đi được 387 độ, còn kém 7 độ mới tới kịp mặt trời. Đến 30 ngày thì mặt trời lại nhích lên tới 8/13 phần của một ngày thì mặt trăng mới kịp mặt trời, thế là vừa hết một tháng đủ. Đại khái, mặt trời nhích lên tới 13 phần của ngày là đầy tháng đủ, lên tới 5/13 hay 6/13 của ngày mới kịp mặt trời là hết một tháng thiếu. Cho nên nói tháng đủ tháng thiếu gồm 365 ngày thành một năm, tích các số lẻ thành ra tháng nhuận, vì các tháng đủ hay thiếu không đầy đủ được thiên độ).
  • Trước hết định tiết đầu năm, cắm cột nêu chính xác trên mặt đất để đo bóng mặt trời, suy tính khí thừa tháng nhuận. Như thế thì thiên độ có thể tính ra được. (Định tiết đầu năm là nói về đời nhà Chu lập ra phép đo bóng mặt trời, lấy ngày Đông chí làm ngày đầu năm, cắm cột lên trên mặt đất là lấy khí trung bình để định thời tiết, suy tính khí thừa tháng nhuận là tháng nào, thừa thì những ngày thừa dồn vào cuối năm, tích lại thành tháng nhuận cho nên tính được hết thiên độ).
  • Trời lấy số 6.6 làm thiên độ, đất lấy số 9.9 phối hợp lại. Trời có 10 ngày thiên can, 6 lần ngày thiên can là một vòng Giáp Tý. Khắp 6 vòng Giáp Tý làm thành một năm, tức là phép tính 360 ngày. (Mười ngày thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Số 10 là số chót của trời đất. Thiên Hệ từ Kinh dịch nói: “Trời số 9, đất số 10” tức là nghĩa ấy. 60 ngày là khắp một vòng Giáp tý, khắp 6 vòng Giáp tý là hết một năm. Đó là phép tính một năm 360 ngày).
  • Từ xưa những người thông hiểu thiên độ đều lấy âm dương làm gốc của sự sống, khí cửu châu của đất, cửu khiếu của nhân thể đều thông với thiên khí. (Thiên khí tức là khí thiên chân, hình thể nhờ địa khí sinh, tính mệnh bẩm thụ ở thiên khí. Cho nên khí nuôi dưỡng cho sự sống liên thông với không khí, bẩm thụ ở âm dương mà thành căn bản và nói là người sinh ra ở địa khí mà mệnh thuộc thiên khí. Thiên khí địa khí hợp lại thành người. Đất có 9 châu, người có 9 khiếu, tinh thần phảng phất, khí cùng với trời giống nhau).
  • Cho nên do 10 thiên can mà sinh ra ngũ hành, do 12 địa chi mà sinh ra tam khí (Hình thể tồn tại là nhờ có ngũ hành mà vận động, xét nguồn gốc trước tiên thì do tam khí mà sinh thành ra cho nên nói như thế).
  • Do tam khí mà thành thiên, tam khí mà thành địa, tam khí mà thành nhân. (Không phải chỉ riêng người mới nhờ tam khí mà sinh thành. Quy luật của trời đất cũng nhờ có tam khí, cho nên các quẻ Càn, Khôn trong Kinh dịch đều phải nhờ lấy số 3 mà quyết định).
  • Ba lần ba hợp lại thành 9 khí, phân tách ra ở đất có 9 châu, người có 9 tạng. (Nghĩa là 9 châu ứng với 9 tạng).
  • Bốn tạng tàng vật hữu hình, năm tạng tàng thần, hợp lại làm 9 tạng để thông ứng với số 6.6 của trời. (Bốn tạng tàng vật hữu hình, một là đầu trán, hai là tai mắt, ba là răng miệng, bốn là lồng ngực, vì hình hợp với bên ngoài cho nên đặt tên như thế. Tạng tàng thần là Can tàng hồn, Tâm tàng thần, Tỳ tàng ý, Phế tàng phách, Thận tàng chí).
  • Trời nuôi người bằng năm khí, đất nuôi người bằng năm vị. (Năm khí nuôi người là táo khí tụ ở phế, tiêu khí (khí cháy khét) tụ ở tâm, hương khí tụ ở tỳ, thấp khí tụ ở can, hủ khí (khí thối nát) tụ ở thận. Năm vị nuôi người là: chua vào can, đắng vào tâm, ngọt vào tỳ, cay vào phế, mặn vào thận. Vì thanh dương hóa khí bốc lên thuộc về trời, khí trọc âm thành vị lắng xuống thuộc về đất).
  • Năm khí vào mũi, tàng trữ ở tâm phế, làm cho ngũ sắc được tươi nhuận, thanh âm được rõ rệt. Năm vị vào miệng tàng trữ ở trường vị, năm vị để nuôi dưỡng năm khí, khí hóa thì sinh ra tân dịch, cùng với khí mà chế hóa thành, thần cũng từ đó mà sinh ra. (Tâm vinh nhuận ra sắc mặt, phế chủ về thanh âm. Cho nên khí tàng ở tâm phế làm cho ngũ sắc được tươi sáng, thanh âm được rõ rệt. Khí là mẹ của thủy, vị thì tàng trữ ở trường vị, nuôi dưỡng ngũ khí ở trong, ngũ khí điều hòa mới sinh ra tân dịch. Tân dịch và khí cùng chế ước chuyển hóa lẫn nhau mới sản sinh ra thần khí và mới có sự biến hóa trong cơ thể).
  • Tháng giêng, tháng hai thiên khí bắt đầu dậy lên, địa khí bắt đầu phát động, nhân khí thịnh ở can. Tháng ba tháng tư thiên khí đang mạnh, địa khí đang tốt tươi, nhân khí thịnh ở tỳ. Tháng năm tháng sáu thiên khí rất thịnh, địa khí lên cao, nhân khí thịnh ở đầu. Tháng bảy tháng tám, âm khí mới bắt đầu heo hắt, nhân khí thịnh ở phế. Tháng chín tháng mười, âm khí mới đóng băng, địa khí mới bế tàng, nhân khí thịnh ở tâm. Tháng một tháng chạp, nước đóng băng, dương khí phục tàng, địa khí đóng kín lại, nhân khí thịnh ở thận. (Đó là nói về thiên khí, địa khí và nhân khí)
  • Tháng giêng tháng hai là tháng Dần, Mão thuộc hành Mộc, hành Mộc chủ về phương Đông, thiên khí bắt đầu dậy lên, địa khí bắt đầu phát động, nhân khí thịnh ở can vì can thuộc phương Đông, hành Mộc.
  • Tháng ba tháng tư là tháng Thìn, Tỵ thuộc hành Thổ và Hỏa, chủ về phương Đông Nam, thiên khí đương mạnh, địa khí đã phát sinh, nhân khí thịnh ở tỳ vì tỳ thuộc thổ mà thổ lại sinh kim.
  • Tháng năm tháng sáu là tháng Ngọ, Mùi, thuộc hành Hỏa, hành Hỏa chủ về phương Nam, thiên khí rất thịnh, địa khí đã lên cao, nhân khí thịnh ở đầu, đầu thuộc phương Nam hành Hỏa.
  • Tháng bảy tháng tám là tháng Thân, Dậu thuộc hành Kim, chủ phương Tây, dương khí của trời đất đã giáng xuống, âm khí đã thăng lên bắt đầu hiu hắt, nhân khí thịnh ở phế vì phế thuộc phương Tây hành Kim.
  • Tháng chín tháng mười là tháng Tuất, Hợi thuộc hành thủy, âm khí bắt đầu đóng băng, địa khí bắt đầu bế tàng, nhân khí thịnh ở tâm là dương khí đi vào tạng.
  • Tháng một tháng chạp là tháng Tý, Sửu thuộc hành thủy, chủ về phương Bắc, nước đã đóng thành băng, địa khí đã hợp, nhân khí thịnh ở thận vì thận thuộc phương Bắc hành Thủy.
  • Các mạch đều thuộc mắt. (Mạch là nơi chứa huyết, trông lâu làm hại huyết chứng minh mọi mạch đều thuộc mắt).
  • Các chất tủy đều thuộc não. (Não là nơi chứa tủy, cho nên tủy thông lên não).
  • Các gân đều thuộc khớp xương. (Cân khí bám chặt đều nhau ở khoảng khớp xương).
  • Tất cả huyết đều thuộc về tâm. (Huyết ở trong mạch, thuộc tâm, khí huyết là thần của người, nhưng thần là chủ của tâm, vì thế nói là tất cả huyết đều thuộc tâm).
  • Tất cả khí đều thuộc phế. (Vì phế chủ khí).
  • Cho nên khi người nằm ngủ thì huyết chạy về can. (Can tàng huyết, tâm vận hành huyết. Động thì huyết vận hành ra các kinh, khi người nằm ngủ thì nó chạy về can vì can tàng huyết).
  • Can nhờ có huyết mà mắt trông được. (Đây là nói về công dụng của huyết, mắt là nơi khai khiếu của can, cho nên can nhờ huyết mà mắt trông được).
  • Chân nhờ có huyết mà đi được. (Khí hành thì huyết thông hành, cho nên chân nhờ huyết mà đi được).
  • Bàn tay nhờ huyết mà cầm nắm được, ngón tay nhờ huyết mà vận dụng được. (Đó là nói về công năng của ngón tay để cầm nắm các vật. Khí huyết là thần của con người, cho nên ngón tay nhờ có huyết mà vận dụng được).
  • Đồ ăn vào dạ dày, trọc khí chạy về tâm, thấm nhuần tưới bón chất tinh vi sang mạch. (Trọc khí tức là cốc khí, vì tâm ở trên vị cho nên cốc khí bốc lên tâm, vì tâm chủ huyết mạch cho nên chất tinh vi tràn sang mạch).
  • Mạch khí lưu thông ra các đường kinh, kinh khí ở các đường kinh đi lên phế, khí các mạch đều hướng về phế rồi vận chuyển chất tinh vi ra tới lông da. (Mạch khí chạy về 6 đường kinh, kinh khí dồn về phế, phế như cái ô (dù), bộ vị ở trên cao, sự điều tiết xuất xứ từ đó, cho nên các mạch đều hướng về phế rồi thì phân bố chất tinh vi ra tới da lông).
  • Mao mạch tụ hợp với tinh khí, vận hành ở phủ. (Phủ đây là cái bể tụ hội khí (khí hải) ở khoảng giữa hai vú, cũng gọi là Đản trung).
  • Tinh khí ở khí hải được linh hoạt tươi sáng thì lưu thông ra 4 tạng, sự phân bố của tinh khí cần được thăng bằng. (Khí ở Đản trung phân bố ra làm ba đường, đường dưới đi vào Khí nhai, đường trên đi lên Tức đạo, tông khí lưu thông đến nơi tụ hội ở ngực, gọi là Khí hải. Phân hóa như vậy thì bốn tạng được yên ổn, tam tiêu được quân bình, trên dưới trong ngoài đều được yên vị).
  • Sự thăng bằng của tinh khí phân bố được quân bình thì mạch sẽ thể hiện ra ở Khí khẩu tức là bộ Thốn, để quyết đoán sự sống chết. (Cách xem mạch xưa nay đều lấy 3 thốn chia làm ba bộ Thốn, Quan, Xích. Cho nên các bộ phận trong ngoài trên dưới là đầu mối của khí được quân bình thì mạch sẽ biểu hiện ra ở Khí khẩu tức là bộ Thốn. Khí khẩu là nơi rất trọng yếu, hết thảy các mạch đều tụ hội ở đấy, cho nên dựa theo đó mà quyết đoán sự sống chết).
  • Đồ uống vào dạ dày tinh khí của nó chuyển vận phân bố lên tỳ. (Nước uống vào, chảy xuống trung tiêu, hóa ra chất tinh vi, bốc lên thành mây mù ở trên, mây mù ấy biến hóa và phân bố sang tỳ, hơi nước ở thượng tiêu như sương mù, ở trung tiêu như bọt nước).
  • Tỳ khí khuếch tán chất tinh vi ấy chuyển lên phế, thông lưu đường thủy, chuyển vận xuống bàng quang. (Thủy thổ cùng hóa hợp nhau, tư nhuận lên phế kim, thông với thận cho nên điều hòa đường thủy, chuyển dồn xuống hạ tiêu thì bàng quang nhận lấy mà chuyển hóa làm thành nước tiểu, như ngòi lạch tức là nghĩa chỗ này).
  • Chất tinh vi của thủy dịch phân bố ra khắp nơi, vận hành ra khắp kinh mạch, phải phù hợp với âm dương của ngũ tạng, khí hậu của bốn mùa thì mới bình thường được. (Chất tinh vi của thủy dịch phân bố ra, kinh khí vận hành làm cho gân xương cứng cáp, khí huyết lưu thông, phối hợp với khí nóng khí lạnh của bốn mùa, hợp với chứng âm dương của ngũ tạng, san bớt những cái thừa thãi làm cho thăng bằng đúng với quy luật bình thường).
  • Trời ấm, ngày sáng thì huyết của người vận hành được trơn tru và vệ khí bốc ra ngoài cho nên huyết dễ tả ra, khí dễ lưu hành. Trời rét, ngày âm u thì huyết của người ngưng đọng mà vệ khí chìm vào trong. (Ngưng đọng ý nghĩa như tuyết để ở trong nước).
  • Đầu tháng trăng mới lưỡi liềm thì khí huyết người ta lưu thông, vệ khí bắt đầu vận hành; Khi trăng tròn, khí huyết đầy dẫy, bắp thịt rắn chắc; Khi trăng khuyết thì bắp thịt sút kém, kinh lạc rỗng, vệ khí suy, chỉ còn có hình thể, cho nên phải dựa vào thiên thời để điều hòa khí huyết.
  • Bát chính là để xem các thứ gió trái thường của tám phương theo thời tiết mà đến. (Bát chính là chính khí của 8 tiết, 8 thứ gió là: “Anh nhi phong” từ phương Đông, “Đại nhược phong” từ phương Nam, “Cương phong” từ phương Tây, “Đại cương phong” từ phương Bắc. “Hung phong” từ phương Đông Bắc, “Nhược phong” từ phương Đông Nam, “Mưu phong” từ phương Tây Nam, “Chiết phong” từ phương Tây Bắc. Hư tà là nhân lúc chính khí bên trong hư yếu mà nó lấn vào gây nên bệnh. Theo thời tiết mà đến là ứng với ngày sao Thái nhất rồi sang cung khác, tùy theo gió thổi vào cung giữa trước hay sau mà có biến đổi).
  • Xem bốn mùa là để phân biệt khí mùa xuân, hạ, thu, đông ở vào chỗ nào để tùy mùa mà điều dưỡng làm cho hư tà của tám phương có thể tránh khỏi mà không phạm phải. (Khí sở tại của bốn mùa là: Xuân khí ở kinh mạch, Hạ khí ở kinh lạc, Thu khí ở bì phu, Đông khí ở xương tủy. Cảm nhiễm phải hư tà thì tổn thương đến chân khí. Nếu tránh được mà không phạm phải thì không mắc bệnh. Thánh nhân xa lánh hư tà như xa lánh làn tên mũi đạn vì nó có thể làm tổn thương đến chân khí).
  • Tại sao tỳ không làm chủ riêng một mùa nào? (Can chủ mùa xuân, Tâm chủ mùa hạ, Phế chủ mùa thu, Thận chủ mùa đông, bốn tạng đều có chính khí mà tỳ không có chính khí).
  • Tỳ theo ngũ hành là thuộc thổ, phương vị ở trung ương. Nó dựa vào trong bốn mùa mà chủ về bốn tạng, mỗi mùa chỉ vượng có 18 ngày mà không chủ riêng về một mùa nào. Bởi vì công dụng thông thường của tỳ là chuyển vận chất tinh ba của cơm nước trong dạ dày; Mà sở dĩ nói thổ, ý nghĩa là nói thổ sinh vạn vật, ví cũng như trời đất vun bồi cho tất cả các loài sinh vật không khi nào thiếu. Cho nên nói từ trên đến dưới, từ đầu đến chân chuyển vận chất tinh ba của cơm nước đến các bộ phận trong toàn thân mà không thể chỉ riêng một mùa tiết nào.
  • Túc Thái âm tỳ kinh tức là tam âm, kinh mạch ấy thông suốt ở vị, liên thuộc về tỳ, vòng quanh cổ họng. Cho nên kinh mạch này có thể đem tinh ba của cơm nước ở trong vị chuyển vận đến 3 kinh âm. Túc Dương minh vị kinh là phần ngoài của túc Thái âm tỳ kinh, là căn cứ cung cấp và dinh dưỡng cho ngũ tạng lục phủ. Cho nên vị kinh cũng có thể đem khí Thái âm mà chuyển đến 3 kinh dương ở chân và tay.
  • Thiên khí bất túc về phía Tây Bắc, khí trời bên tả lạnh mà bên hữu mát. Địa khí bất mãn về phía Đông Nam, khí đất bên hữu nóng mà bên tả ấm. Tại sao vậy? Khí dương minh là địa lý cao thấp to nhỏ khác nhau. (Cao thấp là nói về địa hình, to nhỏ là nói về khí âm dương thịnh suy khác nhau. Địa hình ở đồng bằng thì phía Tây Bắc cao, phía Đông Nam thấp. Phương Tây mát, phương Bắc lạnh, phương Đông ấm, phương Nam nóng).
  • Phương Đông Nam thuộc dương, dương tinh giáng xuống dưới cho nên phía bên hữu nóng mà phía bên tả ấm. (Dương tinh giáng xuống dưới cho nên địa khí nhân đó mà điều hòa ở dưới. Dương khí sinh ở phương Đông mà thịnh ở phương Nam, cho nên phương Đông ấm mà phương Nam nóng, khí trời phương nào nhiều phương nào ít đã rõ ràng).
  • Phương Tây Bắc thuộc âm, âm tinh dâng lên trên, cho nên phía bên tả lạnh mà phía bên hữu mát. (m tinh dâng lên trên cho nên thiên khí nhân đó lạnh mà điều hòa ở trên, âm khí sinh ra ở phương Tây mà thịnh ở phương Bắc, cho nên phương Tây mát, phương Bắc lạnh).
    Bởi thế đất có cao thấp, khí có ấm mát, cao thì khí lạnh, thấp thì khí nóng. (Thiên Lục nguyên chính kỷ đại luận sách Tố Vấn nói: “Chỗ rất cao thường có khí mùa Đông, chỗ rất thấp thường có khí mùa Xuân”).
    Âm tinh dâng lên làm cho người ta sống lâu, dương tinh giáng xuống làm cho người ta chết yểu. (Chỗ cao âm tinh dâng lên, chỗ thấp dương tinh giáng xuống. Chỗ cao của âm phương thì dương khí không phát tiết bừa bãi, khí hàn giữ bên ngoài nên thường không bị trúng tà khí, chính khí giữ vững được cho nên sống lâu. Chỗ cao của dương phương, dương khí tán loạn, phát tiết không có chừng mực, thường trúng phải phong thấp, chân khí kiệt quá nên chết yểu. Ngay ở vùng đồng bằng, người phương Tây Bắc phần nhiều sống lâu, người phương Đông Nam thường là chết yểu. Trong đó nơi nào cũng còn có phân biệt hơn kém).
  • Khí của Tây Bắc gây bệnh, phải phát tán và làm cho mát đi, khí của Đông Nam gây bệnh phải thu liễm lại và gây ôn ấm lên, cho nên cùng một bệnh mà cách chữa khác nhau. (Người Tây Bắc da dẻ khít, lỗ chân lông kín, mọi người đều ăn đồ nóng cho nên dùng phép tán hàn. Người Đông Nam da dẻ thưa, lỗ chân lông hở, mọi người đều ăn đồ lạnh cho nên dùng phép thu phép ôn. Tán là tắm nước nóng để làm cho trong ngoài điều đạt, thu là làm cho ấm bên trong không phải giải tà bên ngoài).
Căn bản bên trong gọi là thần cơ , thần mất thì cơ năng sinh hóa đình chỉ. Căn bản bên ngoài gọi là khí lập, khí ngừng thì cơ chế sinh hóa tuyệt. (Phàm cái gì bẩm thụ ở trời thì lấy thần làm chủ, bẩm thụ ở đất thì lấy khí làm chủ. Tất cả các loại hữu hình thì nguồn sống căn bản ở trong đều liên hệ với thiên khí, sự vận động của nó đều do thần khí mà phát sinh, sự tác động của nó thì khó mà biết được, cho nên thần mất thì cơ năng hoạt động sẽ bị đình chỉ. Lại như căn bản của sinh khí là từ trong hình thể mà phát sinh, cho nên gọi những thứ mà căn bản ở ngoài thì nguồn sống liên hệ với địa khí. Cho nên cái lẽ sinh, trưởng, hóa, thu, tàng của nó đều là nhờ vào khí của tự nhiên giới thì nguyên nhân cấu tạo nên đó cũng khó mà biết được, cho nên khí mà bế tắc thì sự sinh thành cũng bị tiêu diệt, tuy thường tính của mộc, hỏa, thổ, kim, thủy là nhu, táo, thấp, kiên, dịch không thay đổi, song đến lúc mà ngoại vật mất, sinh khí lìa, nguồn gốc sự sinh hóa tuyệt thì hình thể tính chất và nhan sắc bình thường của nó đều bị biến dị cả).
  • Bắt đầu thụ khí rồi mới hóa sinh, khí khuếch tán ra mới thành hình thể, khí phân bố ra mới có sự nuôi dưỡng phồn thịnh, khí tuyệt thì sự vật sự biến đổi. (Khí bắt đầu động rồi mới sinh hóa, khí khuếch tán ra mới có hình thể, khí phân hóa rồi mới có kết thành, khí tột cùng thì vạn vật biến đổi).
  • Khí phản nhau thì bệnh ở trên chữa ở dưới, bệnh ở dưới chữa ở trên, bệnh ở giữa chữa hai bên. (Chữa ở dưới là quyết lạnh ở dưới mà nhiệt công ở trên, phần dưới không thông lợi, khí đầy lấp ở trên, thì làm cho ấm ở dưới để điều hòa. Chữa trên là hàn tích ở dưới thì làm cho ấm ở dưới chứ đừng khu hàn, vì tạng dương bất túc thì phải bổ dương. Chữa hai bên là khí tụ bên phải thì chườm bên trái, tụ bên trái thì chườm bên phải là để điều hòa).
- Số của trời đất bắt đầu ở thiên khí mà tận cùng ở địa khí, 6 tháng đầu năm thiên khí làm chủ, 6 tháng cuối năm địa khí làm chủ (Nửa năm lấy ngày lập thu làm ranh giới).
- Thiên khí và địa khí trên dưới giao nhau do khí giao làm chủ, quy luật khí hóa trong năm đều ở cả trong đó. (Thiên khí địa khí trên dưới giao nhau thì khoảng giữa khí thứ 3 thứ 4 tức là khí giao của trời đất làm chủ, như thế là hết một năm).
- Khí mùa xuân đi từ phương Đông về phương Tây, khí mùa hè đi từ phương Nam về phương Bắc, khí mùa thu đi từ phương Tây về phương Đông, khí mùa đông đi từ phương Bắc về phương Nam. (Xét về vạn vật sinh, trưởng, hóa, thu, tàng thì đúng như câu này).
  • Cho nên khí mùa xuân bắt đầu từ dưới đi lên, khí mùa thu bắt đầu từ trên đi xuống, khí mùa hè bắt đầu từ giữa đi ra, khí mùa đông bắt đầu từ ngoài vào trong. Khí mùa xuân bắt đầu từ phía trái, khí mùa thu bắt đầu từ phía phải, khí mùa đông bắt đầu từ phía bắc, khí mùa hè bắt đầu từ phía nam. Đó là quy luật khí hóa bình thường của bốn mùa. (Xem xét sự vật để chứng minh thì có thể biết được).
  • Cho nên chỗ rất cao thường có khí mùa đông, chỗ rất thấp thường có khí mùa xuân. (Trên đỉnh núi cao nói về mùa hè viêm nhiệt thường có băng tuyết chảy xuống sông ngòi, mùa đông giá rét thường có cỏ mọc là đủ chứng minh ý nghĩa trên. Khí mùa xuân hạ vốn chủ về phương Nam mà lại giáng xuống về phương Tây Bắc. Khí mùa thu đông vốn chủ về phương Tây Bắc mà lại đi lên về phía Đông Nam. Cho nên khí mùa xuân do khí đã giáng xuống từ năm trước mà dâng lên, khí mùa thu do khí đã thăng lên trong năm nay mà giáng xuống, khí mùa hạ do khí giữa chừng của năm nay mà thăng lên, cần phải xét kỹ).
Khí trời đất ôn hòa thì nước sông yên tĩnh, khí trời đất giá lạnh thì nước sông đông đặc, khí trời đất nóng bức thì nước bốc hơi lan tràn, gió dữ thổi lên thì nước sông nổi sóng. Tà vào kinh mạch, lạnh thì huyết ngưng đọng, nóng thì khí huyết trơn tru thông lợi, cho nên hư tà xâm lấn vào cũng như nước sông gặp gió dữ.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.