DƯỠNG SINH
- Người đời thượng cổ ai cũng đều biết phép dưỡng sinh, thể theo quy luật âm dương điều hòa theo thuật số (Biết là biết phép tu dưỡng bản thân, âm dương là quy luật của trời đất, thuật số là cương kỷ của phép dưỡng sinh, cho nên người ta tu tâm dưỡng tính thì trước hết phải theo quy luật đó).
- Ăn uống có tiết chế, làm việc nghỉ ngơi có giờ giấc, không phí sức bậy bạ (Ăn uống là lấy vị để bồi bổ cho chỗ thiếu, làm việc nghỉ ngơi phải có chừng mực, ăn uống quá mức thì trường vị bị tổn thương. Thiên sinh khí thông thiên luận có nói: “Lúc làm việc nghỉ ngơi mà hoảng hốt thì thần khí bốc lên” đấy là nói không thích xúc động bừa bãi. Quảng Thành Tử nói: “Cần phải thanh tĩnh, không làm nhọc hình thể, không làm dao động đến tinh, thì có thể sống lâu”.
- Cho nên tinh thần và thể chất luôn luôn khang kiện, mà tận hưởng hết tuổi thọ, ngoài trăm tuổi mới có thể chết (Tinh thần và thể chất khang kiện, tận hưởng hết tuổi thọ là nhờ tu dưỡng cẩn thận mà nên. Sách Linh khu có chép: “Người sống đến trăm tuổi thì ngũ tạng đều hư, thần khí đều mất, chỉ còn cái xác mà chết”).
- Người đời nay thì lại khác thế, uống rượu như uống nước (Say mê trong việc ăn uống).
- Làm việc bậy bạ coi như sinh hoạt bình thường, say rồi nhập phòng (Sắc dục quá độ) dục vọng làm kiệt hết tinh khí, tan hết chân nguyên (Sắc dục quá độ thì kiệt hết tinh khí, trác táng luôn thì chân khí hao tán. Cho nên người thông minh biết tiết dục, bảo vệ tinh thì tủy đầy mà xương chắc).
- Không có ý thức bảo vệ tinh khí cho đầy đủ, thường hay sử dụng tinh lực quá nhiều (Nói hay tình dục quá độ, không gìn giữ tinh thần như bát nước đầy, nếu không thận trọng thì làm hao kiệt hết chân khí, thân thể chúng ta có thần mà không biết gìn giữ).
- Chỉ lo làm sao cho thỏa mãn dục vọng là trái với phép dưỡng sinh (Thỏa mãn dục vọng thì trái với cái thuật dưỡng sinh).
- Làm việc nghỉ ngơi không có giờ giấc cho nên nửa đời người thì đã suy nhược (Tách rời khỏi phép dưỡng sinh thì không thể tận hưởng hết tuổi thọ).
- Các bậc hiểu sâu đạo lý tu dưỡng đời thượng cổ thường dạy mọi người: “Về hư tà tặc phong của ngoại giới phải xa lánh kịp thời, đồng thời về mặt tư tưởng cũng phải ổn định, yên tĩnh, không nên có những tham vọng bậy bạ. Như thế thì chân khí trong người được hòa thuận, tinh thần được cố thủ mà không hao tán, thế thì bệnh tật không có ngõ nào mà len vào được” (Tà khí thừa hư mà đột nhập gọi là hư tà, làm hại khí trung hòa gọi là tặc phong. Sách Linh khu nói: “Một mình tà khí không thể làm hại người ta được, phải là người hư yếu thì tà khí mới ập vào được. Tư tưởng ổn định, yên tĩnh thì tinh khí sẽ cố thủ được ở trong, cho nên hư tà không thể làm hại được”).
- Cho nên ý chí của họ rất là an nhàn, ít có dục vọng, trong lòng của họ luôn luôn yên định, chẳng sợ sệt, tuy lao động mà không quá mỏi mệt (Trong lòng yên tĩnh thì ít ham muốn, bề ngoài không bị kích thích thì tâm yên, làm việc nghỉ ngơi vừa phải cho nên không mỏi mệt).
- Chí không có tham cho nên cái gì cũng dễ thuận, lòng tự thấy đầy đủ cho nên dễ được mãn nguyện, không đòi hỏi nhiều cho nên dễ đạt được (Lão Tử nói: “Tự thấy mình đầy đủ thì không tủi nhục, biết tiến thoái thì không gặp nguy nan mà có thể sống lâu”).
- Cho nên cái thị hiếu không chính đáng thì họ cũng không buồn nghe, không muốn thấy, những tà thuyết dâm loạn cũng không mê hoặc lòng họ (Lão tử nói: “Không thấy những điều ham muốn thì tâm không rối loạn”, lại nói: “Bậc thánh nhân người ta để ý ở tâm chứ không để ý ở mắt”).
- Cho nên về tuổi tác thì họ sống đến trăm tuổi mà động tác vẫn không suy kém chút nào, đấy là vì họ nắm vững toàn vẹn cái đạo lý dưỡng sinh, bởi thế họ mới không bị bệnh tật làm hại (Trang Tử nói: “Người giữ đạo thì phải nắm vững toàn vẹn đạo lý dưỡng sinh, nắm vững toàn vẹn đạo lý dưỡng sinh thì thân thể được toàn vẹn, thân thể được toàn vẹn đó là đạo của bậc thánh nhân).
Ba tháng mùa xuân là mùa vạn vật nảy nở, sinh khí trong khoảng trời đất phát động, vạn vật đều có hiện tượng tươi tốt (Khí trời ấm áp, khí đất phát sinh, ấm áp và phát sinh cùng hợp với nhau cho nên vạn vật đều tốt tươi).
- Ở con người nên ngủ muộn một tí, dậy sớm một tí, đi bách bộ trước sân, bỏ tóc xõa, nới dây nịch, mặc đồ rộng để cho ý chí tư tưởng phát sinh đầy đủ hoạt bát (Khí mùa xuân là đầu mối phát sinh ra vạn vật, cho nên bỏ tóc xõa, nới dây nịch, mặc đồ rộng để cho ý chí dễ phát sinh).
- Tựa như vạn vật lúc sơ sinh, chỉ ưng để cho sinh trưởng mà không nên sát hại, chỉ ưng phát triển mà không nên làm tước đoạt, chỉ ưng khen thưởng mà không nên đánh đập. Đấy là phép dưỡng sinh để thích ứng với đạo lý dưỡng sinh của mùa xuân (Khí mùa xuân phát ra là khí sinh dưỡng, con người phải gìn giữ nuôi dưỡng để thuận với thiên thời).
- Nếu như làm trái với lẽ trên thì sẽ làm hại can khí, đến mùa hè lại biến sinh ra bệnh hàn làm cho năng lực thích ứng của nhân thể đối với mùa hè bị giảm bớt (Làm trái là nói làm theo với thời lệnh mùa thu. Can tượng mộc, sinh ở mùa xuân, mùa xuân mà theo thời tiết của mùa thu thì can khí sẽ bị thương tổn. Mùa hè hỏa vượng thì mộc bị hại cho nên sinh bệnh về mùa hè. Mùa xuân sinh, mùa hè trưởng, trái với khí mùa xuân thì sẽ tổn can khí, cho nên không đủ năng lực để thích ứng với mùa hè).
Ba tháng mùa hè, là mùa vạn vật phát triển tốt tươi (Dương khí bắt đầu sinh ở mùa xuân, đến mùa hè thì thịnh vượng, vạn vật đều phát triển tốt tươi).
- Khí trời giáng xuống, khí đất bốc lên, khí trời và khí đất trên dưới giao hợp với nhau, vạn vật cũng đơm hoa kết quả (Tiết Hạ chí 45 ngày dương khí mới đi lên, âm khí mới giáng xuống thì khí của trời đất giao nhau. Dương khí hóa sinh, âm khí kết thành, hóa sinh và kết thành cho nên vạn vật sinh trưởng).
- Mọi người cần phải ngủ muộn dậy sớm, không nên chán ghét ngày dài và trời nóng của mùa hè, sao cho ý chí thoải mái không giận hờn, giống như thực vật có hoa lá xanh tốt, làm cho tốt tươi, làm cho dưỡng khí trong người được tuyên thông ra ngoài (Dương khí hòa hoãn thì vạn vật hóa sinh, ý chí khoan hòa thì khí tiết ra, vật biến hóa thì hoa lá tốt tươi, khí tiết ra thì bì phu tấu lý tuyên thông. Thời lệnh phát tiết ra cho nên thuận với dương khí mà thông đạt ra ngoài).
- Đấy là phép dưỡng sinh thích ứng với cái lẽ trưởng dưỡng của mùa hè, nếu như làm trái cái lẽ ấy thì tổn tâm khí, đến mùa thu sẽ phát sinh sốt rét. Do đó năng lực thích ứng với khí thu liễm của mùa thu bị giảm sút, đến mùa đông lại có thể phát sinh ra bệnh khác nữa (Làm trái là làm theo với thời lệnh của mùa đông. Tâm tượng hỏa, chủ mùa hè, mùa hè mà làm theo thời lệnh mùa đông thì tâm khí bị tổn thương, đến mùa thu kim khí vượng thì hỏa bị hại, cho nên sinh bệnh ở mùa thu. Mùa thu thu liễm, mùa đông bế tàng, trái với khí mùa hè mà tổn thương đến tâm khí, cho nên không đủ sức để thích ứng với khí thu liễm của mùa thu. Mùa đông thuộc hành thủy, thắng được hành hỏa cho nên mắc bệnh nặng về mùa đông).
Ba tháng mùa thu là mùa mà vạn vật thành thục, thu hái. Khí trời đã mát, tiếng gió ào ào, khí đất heo hắt, vạn vật biến sắc. Mọi người cần phải ngủ sớm, dậy sớm như gà (Sợ cảm phải sương lạnh cho nên ngủ sớm, muốn được yên tĩnh cho nên dậy sớm)
- Trời hửng sáng thì thức dậy, trời tối thì đi ngủ, làm cho ý chí được yên tĩnh, để làm hòa hoãn cái ảnh hưởng của khí hậu heo hắt của mùa thu đối với nhân thể (Ý chí đã táo cấp mà hành động không cẩn thận thời giúp thêm cho sự heo hắt của khí mùa thu, cần thuận theo khí sát phạt để dưỡng sinh, làm cho khí được yên ổn, làm dịu bớt khí heo hắt của mùa thu).
- Thu liễm thần khí, làm cho khí heo hắt của mùa thu được điều hòa (Thần không yên tĩnh thì dục vọng bốc lên, dục vọng bốc lên thì làm tổn thương đến hòa khí, hòa khí đã tổn thương thì thu khí không điều hòa, cho nên nói phải thu liễm thần khí để làm cho khí của mùa thu được điều hòa).
- Đừng để ý chí tản mạn làm cho phế khí giữ được sự thanh tĩnh (Như thế là thuận với khí thu liễm của mùa thu).
- Đây mới là phép dưỡng sinh thích ứng với cái lẽ điều dưỡng thu liễm của mùa thu, trái lại thì tổn đến phế mà sang đông thì sẽ sinh bệnh ỉa sống phân, làm cho năng lực thích ứng với khí tiềm tàng của mùa đông bị giảm sút (Trái lại là làm theo thời tiết của mùa hè thì tổn thương phế khí, mùa đông chủ thủy thì hành kim bị hại, cho nên bệnh phát về mùa đông. Trái với khí mùa thu thì tổn thương đến phế cho nên không đủ sức để thích ứng với cái khí bế tàng của mùa đông).
Ba tháng mùa đông là mùa mà vạn vật đều tiềm phục bế tàng (Cỏ cây rụng lá, côn trùng ẩn lánh hết, khí đất bế tàng, dương khí ẩn nấp).
- Cho nên nước đóng băng, đất nứt nẻ, đừng làm nhiễu động đến dương khí (Dương khí lắng xuống, nước đóng băng, đất nứt nẻ, cho nên phải giữ gìn dương khí cho kín đáo, không nên nhiễu động đến nó).
- Mọi người cần phải ngủ sớm mà dậy muộn, đợi mặt trời mọc hãy dậy, mặt trời lặn hãy ngủ, làm cho ý chí an tĩnh như cách mai phục bế tàng, tuồng như có tình riêng không thể nói cho người biết, tuồng như gặp được sự gì sung sướng bí mật (Không nên đi bừa bãi ra ngoài mà cảm phải khí lạnh).
- Tránh chỗ lạnh, gìn giữ sự ấm áp, không để da dẻ sơ hở, đổ mồ hôi làm ảnh hưởng đến dương khí bế tàng. Đấy mới là phép dưỡng sinh thích ứng với cái lẽ “bế tàng” của mùa đông, nếu như làm trái cái lẽ ấy thì tổn thận khí, đến mùa xuân năm tới sẽ phát sinh bệnh nuy, bệnh quyết [65] làm cho người bị giảm sút cái năng lực thích ứng với sinh khí mùa xuân (Tránh chỗ lạnh, gìn giữ sự ấm áp nghĩa là nên ở chỗ kín gió. Mùa đông dương khí ở phần trong xương, sâu bọ ẩn nấp, người biết giữ mình thì ở trong nhà. Không để da dẻ sơ hở nghĩa là không nên làm cho đổ mồ hôi, nếu đổ nhiều mồ hôi thì dương khí phát tiết mà hàn tà xâm phạm vào. Làm trái nghĩa là làm theo thời tiết mùa hè. Thận tượng thủy, chủ mùa đông, theo khí hậu mùa hè thì tổn thương thận khí, mùa xuân thì mộc vượng thủy suy cho nên bệnh phát sinh về mùa xuân. Trái với thời tiết mùa đông thì tổn thương thận cho nên không đủ sức để thích ứng với thời tiết mùa xuân).
Khí trời thì thanh tĩnh quang minh (Nói khí trời sáng mãi là do thanh tĩnh mà ra. So với người, ta sống lâu cũng là do động tĩnh mà có, ở đây lấy khí trời để chỉ người).
- Do trong khí hậu tự nhiên bao hàm có tác dụng thúc đẩy vạn vật và nhân loại sinh sinh hóa hóa mãi không ngừng, không tự phơi bày cái quang minh của nó cho nên muôn đời còn mãi mà không giáng xuống (Bốn mùa theo thứ tự mà đổi dời, bảy ngôi sao xoay chung quanh quả đất, đạo trời không thể lấy ngôn từ mà nói cho xiết cho nên nói tàng đức, đức ẩn tàng được thì ứng dụng dễ dàng cho nên không giáng xuống. Lão Tử nói: “Bậc thượng đức không nói đến đức nhưng thực đã có đức” là nói trời bậc chí tôn cao cả. Đức cũng có khí ẩn hiện, huống chi thuận với đạo dưỡng sinh mà không thuận với đạo trời).
- Nếu như trời không tàng đức, phơi bày hết cái quang minh của nó thì cuối cùng mặt trời mặt trăng sẽ không còn sáng; giống như cái lỗ khiếu của nhân thể bị tà khí xâm phạm, tạo thành hiện tượng âm dương hỗn loạn. (Trời sở dĩ tàng đức là muốn giấu kín cái sáng lớn, cho nên sáng lớn hiện ra thì sáng nhỏ bị tiêu diệt, cho nên đức của sáng lớn phải giấu kín, nếu như trời không tàng đức mà phơi bày hết cái sáng của nó thì sự sáng của mặt trời mặt trăng phải ẩn, ý nói chân khí của con người cũng không nên tiết hết ra ngoài mà phải giữ được thanh tĩnh để bảo vệ nó, nếu tách rời cái lẽ dưỡng sinh thì tà khí xâm nhập vào không khiếu.
Bậc thánh nhân về mùa xuân mùa hè thì nuôi dưỡng dương khí, mùa thu đông thì nuôi âm khí, để thuận với lẽ âm dương. (Dương khí bắt rễ ở âm, âm khí bắt rễ dương, không có âm thì dương không thể sinh, không có dương thì âm không thể hóa, âm cô độc thì dương không nảy nở được, dương lẻ loi thì âm không phát sinh được, nuôi mầm thì phải giữ vững gốc, chặt gốc ở dưới thì làm khô ngọn ở trên, cho nên phải điều tiết để thuận theo gốc âm dương).
- Trái với gốc rễ âm dương thì hại đến căn bản, hỏng mất thiên chân. Thánh nhân làm cái việc “Vô vi”, vui sống điềm đạm thỏa lòng trong việc giữ đạo hư vô cho nên thọ mệnh lâu dài sánh với trời đất, đó là phép dưỡng sinh của bậc thánh nhân. (Bậc thánh nhân không làm những việc vô ích để hại những điều hữu ích, không làm hại mà thuận theo tính cho nên thọ mệnh lâu dài sánh với trời đất).
- Cho nên nuôi dưỡng tinh thần phải biết đến hình thể béo gầy, vinh vệ khí huyết thịnh suy. Khí huyết là thần của con người cần phải bảo dưỡng cẩn thận. (Thần yên thì tuổi thọ được kéo dài, thần mất thì hình thể bị hủy hoại, cho nên cần phải cẩn thận nuôi dưỡng thần).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.