Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 7: Cơ chế hóa sinh
1. Một mình dương lẻ loi thì không thể vượng được, hỏa không có căn gốc thì không sáng mãi được.
- Không có dương thời âm không lấy gì mà sinh được, không có âm thời dương không lấy gì mà hóa được, ấy là âm dương có tác dụng lẫn nhau. Trong âm không thể không có dương, trong dương không thể không có âm, nhưng tính dương là hỏa thích đi lên, âm giằng giữ cho dương, âm là cơ sở của dương và là vật ràng buộc dương. Nếu trong phần dương không có âm thời là cô dương, ấy là hỏa vô căn há lại sáng mãi được ư! Vì tính hỏa cháy bốc lên, cháy hết thì thôi, thôi thời tắt ngay.
2. Mồ hôi của phần dương, như nước mưa của trời đất.
- Vì mồ hôi ra từ phần dương bên ngoài, mà vốn là thuộc loại âm thủy, cho nên ví như nước mưa của trời đất, mưa tuy là âm, không có khí dương của trời đưa xuống thời không mưa; biết được ý nghĩa mưa, thời biết được duyên cớ mồ hôi. Ví như đương khi nóng nực, được mưa thì mát mẻ; bệnh dương uất nhiệt làm cho ra mồ hôi mà ngoài da khỏi nóng, ấy là điều cốt yếu để chữa nhiệt tà. Tuy dùng cách tán biểu là mau chóng, nhưng phép cho ra mồ hôi có khi phải thăng dương để giải biểu; có khi phải tư âm để cho có mồ hôi. Chứng dương uất so với chứng âm hư khác nhau nhiều lắm, thầy thuốc không thông suốt lẽ ấy cũng là một đầu mối hại người. Vốn là phát biểu không tách xa được thuốc nhiệt, nhưng cứ chấp nhất dùng phong dược tính vị cay thơm thời huyết càng khô, mồ hôi càng sít lại, tráng hỏa bốc cháy, mồ hôi khô cạn, phần âm tiêu vong ở dưới, phần dương thoát ly ở trên, đến nỗi không cứu được.
3. Các chứng ỉa chảy thời tiểu tiện không lợi.
- Phàm cơm nước vào dạ dày, truyền vào tiểu trường, đến đầu dưới tiểu trường (lan môn) thời gạn lọc tách ra phân, cặn bã vào đại trường, phần nước ngấm ra mà vào bàng quang. Nếu hỏa ở hạ tiêu suy không thể gạn lọc được thủy cốc, dồn xuống cả ở đại trường mà thành chứng ỉa chảy, cho nên hễ chứng ỉa chảy thì thấy tiểu tiện không lợi. Vì được chỗ này sẽ mất chỗ kia.
4. Khoảng rốn có khí động lụp bụp là dấu hiệu chân âm hư.
- Chứng này thấy thuốc phần nhiều không biết, là khoảng rốn có khí động lục bục hình như có tiếng giống như sôi bụng mà không phải sôi bụng, chỉ ở ngoài màng trong da, duy người bệnh biết rõ, nhưng không đau khổ gì nên cũng không nói với thầy thuốc. Ấy là chân âm cực hư, vì chân thủy suy, hỏa không còn sức trở về nguồn gốc cho nên theo khí lan tràn ở hạ tiêu, rất kiêng dùng vị Bạch truật có tính táo. Thầy thuốc khám bệnh biện chứng nên suy xét cẩn thận, đó là một đầu mối giữ gìn sức khỏe.
5. Trong năm chứng đoạt, duy chứng ỉa chảy là đoạt nhanh nhất.
- Năm chứng đoạt là huyết, hãn, thủy, thổ, tả, còn về chứng tả là do âm dương bạo vong. Vả lại tỳ vị là chủ của hậu thiên, là bể chứa thủy cốc, có tác dụng giúp sự sống, các tạng phủ đều hấp thụ khí ở đó. Tỳ vị mà mắc bệnh thời 12 kinh đều bệnh. Mạch kinh nói: “Có vị khí thời sống, không vị khí thời chết”, tả thời tỳ bại, cho nên trong năm chứng đoạt duy chứng tả là đoạt nhanh nhất.
6. Hình tượng chứng nấc cụt, như sấm trong mưa, như bọt trong nước, dương bị âm ngăn cho nên thành sấm, khí bị nước trùm cho nên nổi bọt. Vì thế nói chứng nấc cụt xông lên đều thuộc chứng hỏa.
- Hỏa tức là khí, khí tức là tiếng, càng uất thời càng phát, cũng như tiếng pháo giấy nổ vang khắp xa gần. Hỏa bị ngăn cản như thuốc pháo bị giấy bao bọc làm cho hỏa bốc ngược, hễ bị ngăn cản thời càng bốc dữ, cho nên chữa chứng hỏa uất chỉ nên phát tán, nhất thiết không được làm giáng xuống, càng làm giáng xuống thời càng uất.
7. Các bệnh, hễ tiểu tiện ít thời bệnh càng tiến.
- Khí đất bốc lên, khí trời đưa xuống thời thịnh vượng. Kinh Dịch nói: “Khí trời đất giao hòa mà vật thông”, ở trong thân người, tỳ là khí đất, phế là khí trời, tỳ khí đưa lên thu vào phế, phế chủ việc điều tiết, làm cho các đường thủy đạo lưu thông chuyển xuống bàng quang, thời người mạnh khỏe làm gì có bệnh. Nếu nước tiểu ít là khí đất không bốc lên, khí trời không đưa xuống, thời người suy yếu. Kinh Dịch nói: “Trời đất không giao hòa thời vạn vật không thông”. Đấy là vì tỳ khí không đưa lên, phế khí không đưa xuống, thời bệnh càng tiến.
8. Phiền táo tuy tựa như chứng nhẹ, thực ra là triệu chứng tinh thần hao kiệt.
- Phiền xuất từ tâm, táo xuất từ thận, tâm là chủ của thần minh. Thận là bể của tinh huyết, đều là nguồn gốc của sự sống. Bệnh mà ở nguồn gốc thì thế rất dễ phát sinh ra khô mục há không phải là triệu chứng tinh thần hao kiệt đó ư! Tôi thăm bệnh nhân thấy thế, thật rất đáng sợ, phải chuẩn bị chữa nhanh, họa may mới cứu vớt được, nếu để đến khi tay chân quờ quạng, bắt chuồn chuồn thời không còn làm gì được nữa.
9. Người ta sở dĩ sống lâu là nhờ khí thủy cốc của hậu thiên sinh ra, tân dịch kết lại thời sinh bệnh, tân dịch hết thời chết.
- Đó là lời của Chu Gia Ngôn. Vì tỳ vị là nguồn sinh hóa của hậu thiên, đồ ăn vào dạ dày chuyển thâu tinh ba, hóa sinh tân dịch, ấy là khí nhất chân, nhà đạo dẫn gọi là huyên tương ngọc dịch, lại gọi là hoa trì thủy, thực là linh đan trong cơ thể, sinh ra tinh, khí, thần cũng là một chất ấy, há nên thiếu ư?
10. Trẻ không nên có chứng bệnh nhược, già không nên có bệnh sốt rét.
- Phàm người trai trẻ đang độ âm sinh dương trưởng, mang lớn, gánh nặng, bước đi như bay, ăn không biêt no, đói không biết mệt, ham đi ham chạy. Nếu ăn ít, muốn nằm, trẻ mà suy yếu như thế thời không có dấu hiệu sống lâu. Nội kinh nói: “Con người đến bốn mươi tuổi, khí âm giảm sút mất một nửa”, thế thời âm đã hư tất dương cũng suy, mới 50 tuổi còn như thế huống chi cảnh già. Vả lại bệnh sốt rét là cơ chế âm dương đều bệnh, dương hư phát rét, âm hư phát sốt, tuổi cao mà mắc bệnh ấy há không phải là cái họa đã hư còn hư thêm đó sao?
11. Chứng di mộng tinh, sách thuốc gọi là chứng tẩu dương.
- Tinh và huyết đều thuộc về âm, nhưng huyết đục là âm, tinh trong là dương; huyết có thể sinh tinh. Tâm biết việc tương lai, thận nhớ điều dĩ vãng, tâm thận không giao nhau thì việc biết, việc nhớ đều kém mà sinh mơ mộng. Vả lại tâm thống huyết, thận chứa tinh, tâm hư không thống quản được, thận hư không tàng chứa được, mới sinh ra mơ mộng, mới di tinh, đó là chứng chân dương ly thoát.
12. Tinh và thần tiềm tàng ở trong, thì còn chỗ nào bệnh len vào được, nếu có chỗ tắc trở thì bệnh do đó mà sinh ra.
- Tinh, khí, thần là ba vật báu trong nhân thể, tâm chứa thần, thận chứa tinh, tâm thận giao nhau mà làm cho thủy hỏa giúp đỡ nhau, trong lỗ chân lông đầy đủ thời trăm tà ở ngoài bị ngăn ngừa, không có chỗ hở để len vào, thời bệnh tới sao được. Nếu như âm thịnh dương hư, có khi thủy trong âm hư, ấy là chính khí không thể chủ trì giữ gìn, tà khí mới có thể thừa hư mà vào được.
13. Thiên khí thông vào phế, địa khí thông vào họng, phong khí thông vào can, lôi khí thông vào tâm, vũ khí thông vào thận.
- Con người ở khoảng âm dương hai khí giao nhau, chạm tới là cảm, phế thuộc quẻ càn mà ứng với thiên khí (dương). Cuống họng thuộc vị mà ứng với địa khí (âm). Can thuộc mộc mà ứng với phong khí (gió), tâm thuộc hỏa mà ứng với lôi khí (sấm), thận thuộc thủy mà ứng với vũ khí (mưa). Cho nên có thể nói là trăm chứng bệnh, thời lục dâm chiếm tới một nửa.
14. Mạch là phủ của huyết, các mạch đều thuộc về mắt, cho nên hễ trông lâu thời hại huyết.
- Nội kinh nói: “đồ ăn vào dạ dày tán tinh sang can, mới thành huyết mạch”; Can chứa huyết thống quản gân cho nên huyết lấy mạch làm phủ; Can khai khiếu ở mắt, cho nên các mạch thuộc mắt; huyết theo khí để vận chuyển; nếu mắt cứ chăm chú trông vào vật gì thời khí ủng tắc mà huyết thương tổn.
15. Sáukinh là sông, trường vị là bể.
- Sáu kinh là 3 kinh âm, 3 kinh dương; trường vị là đại tiểu trường với dạ dày, mười hai kinh mạch đều bẩm thụ ở vị, cũng như trăm con sông đều đổ ra bể.
16. Ở vật thể gọi là tâm, ở ý nghĩ gọi là ý, lưu ý vào việc gì gọi là chí, nhân chí mà biến hóa ra gọi là nghĩ, nhân nghĩ mà ao ước cao xa gọi là lo, vì lo mà xử trí được sự vật là trí (khôn).
- Bảy thứ tình chí vốn không có hình để trông thấy mà có thể dễ đề phòng. Nếu người ta không chính tâm để tiết chế đi, thời họa hoạn nổi ngay ở bên cạnh làm tiết chế mất tinh khí thì hại rất nặng. Sách nói: “Bệnh ở tinh thần tư tưởng thời không thuốc men nào chữa tới được”, có phải là bệnh ngoại lai do lục dâm khách tà đưa lại đâu mà, chữa khỏi ngay được, đó là cái hại bên trong, nguy hơn cái hại bên ngoài. Người biết quý sinh mệnh cần phải phòng xa.
17. Mừng giận tổn thương khí, hàn thử tổn thương hình.
- Mừng quá thời tổn thương tâm, giận dữ thì tổn thương can, tâm là quân hỏa, can là tướng hỏa ấy là tổn thương khí; hàn hay làm ngưng huyết, nhiệt hay làm tổn thương huyết, huyết là thịt, thịt là hình, ấy là tổn thương hình.
18. Đồ uống vào dạ dày tinh khí lan tràn thụ dẫn lên tỳ, tỳ khí đem chất tinh vi đưa lên phế làm cho đường thủy lưu thông dẫn xuống bàng quang, tinh ba của thủy tràn ra khắp nơi, năm kinh đều vận hành.
- Đồ uống là khí vô hình, cho nên sự phân bố của nó đều theo khí hóa, làm sinh khí trước.
19. Đồ ăn vào dạ dày, tán tinh ra can, dâm khí vào gân, trọc khí vào tâm, tinh ba ngấm vào mạch, mạch khí lưu thông ra kinh, khí trở về phế.
- Đồ ăn là chất hữu hình, cho nên sự truyền đạt đều theo hình hóa, mà thành huyết trước.
20. Nguyên khí thắng cốc khí thời người gày mà sống lâu, cốc khí thắng nguyên khí thời người béo mà chết yểu.
- Dương chủ sự sống, âm chủ sự chết, khí là dương, huyết là âm, thịt vốn là huyết sinh ra, người gày thời dương thắng âm mà sống lâu, người béo âm thắng dương mà chết yểu.
21. Rồng lặn dưới đáy biển, rồng nổi lên thời hỏa theo, khí nguyên dương chứa ở khảm phủ (thận), khí vận dụng ứng với ly cung (tâm), ấy là căn bản của sự sống con người.
- Rồng (long) là mệnh môn hỏa tức là nguyên dương; Thận là đáy bể, cho nên nói: “Khí nguyên dương chứa ở khảm phủ”, rồng nổi lên thời quân hỏa, tướng hỏa, tam tiêu hỏa, ngũ tạng hỏa đều theo mà đốt cháy cỏ cây, làm thành long lôi tướng hỏa. Mệnh môn hỏa là tướng hỏa, thay tâm làm mệnh lệnh của quân hỏa. Tâm thuộc quẻ ly, cho nên nói vận dụng ứng với ly cung. Gọi mệnh môn là cửa ngõ của tính mệnh, là căn bản của sự sống.
22. Ở trên thịnh thời nằm mộng thấy mây bay, ở dưới thịnh thời nằm mộng thấy bị té ngã.
- Khí huyết trôi chảy khắp trong thân người thời vinh vệ khoan khoái, khí huyết điều hòa mà âm thăng bằng dương kín đáo, nào có chia ra trên dưới. Vì trên thịnh dưới suy, tinh thần vượt lên mà nằm mộng thấy mây bay; dưới thịnh trên hư, tinh khí bị hãm xuống mà nằm mộng thấy té ngã.
23) Vinh là khí tinh ba của thủy cốc, vệ là khí dũng hãn của thủy cốc.
- Vinh vốn thuộc âm, vệ vốn thuộc dương, thanh khí là dương, trọc khí là âm, khí tinh ba là khí thanh, khí dũng hãn là khí trọc. Làm sao vinh âm lại là khí thanh, vệ dương lại là khí trọc. Vì một hào [104] âm trong quẻ Ly, tức là dương huyết trong tim, cho nên khí thanh là vinh. Một hào dương trong quẻ Khảm, tức là sinh khí của thận, cho nên trọc khí là vệ. Phàm thủy cốc vào vị, khí thanh trong chất thanh thu vào tỳ mà làm ra vinh huyết; khí thanh trong chất trọc chạy xuống bàng quang mà làm vệ khí; Cho nên nói: Tỳ là gốc của Vinh, vị là nguồn của Vệ, mà tỳ là chủ âm huyết của hậu thiên mà thận là chủ dương khí của tiên thiên.
24. Cơm ăn vào dạ dày đường mạch mới vận hành, nước vào kinh mới thành ra huyết.
- Can chủ cân mạch, tỳ chủ huyết mạch, cơm ăn vào dạ dày tán tinh sang can, cho nên đường mạch vận hành, uống vào dạ dày tinh khí lan tràn, cho dẫn vào tỳ, tỳ chủ huyết cho nên huyết mới thành.
25. Ngủ không yên giấc là huyết không chạy về can, vệ khí không thể vào phần âm được.
- Âm chủ tĩnh, dương chủ động, phần âm ra phần dương thời thức, phần dương vào phần âm thời ngủ. Phàm người ta nằm thời huyết đổ về chứa ở can, phần dương vào phần âm mới có thể nhắm mắt, cho nên người không ngủ được đi tiểu tiện luôn vì can không có huyết để nuôi mà phải làm việc sơ tiết.
26. Không nằm được mà thở là khí dương minh đi ngược lên.
- Nội kinh nói: “Vị không hòa thời nằm không yên”, tỳ vị chủ tay chân, mà vị là dương khí của hậu thiên, khí nghịch lên không tản ra khắp cho nên thở.
27. Sinh hoạt vẫn bình thường nhưng thở là mạch lạc của phế nghịch lên.
- Kinh lạc của phế gọi là hư lý, ở khoảng giữa hai vú, chỗ chứa khí ở huyệt Đản trung. Vả lại phế chủ quản các khí, hễ nghịch lên thời khí không khoan khoái mà thở hổn hển.
28. Ở khoảng trên cách hoang, trong đó có cha mẹ.
- Tâm phế ở thượng tiêu cho nên nói ở khoảng trên cách hoang, phế chủ khí, tâm chủ huyết, khí là vệ, huyết là vinh, vì ngoài có thể hộ vệ xương cốt, trong thời vinh dưỡng cơ nhục, cũng như cha mẹ nuôi nấng con cái, cho nên gọi là cha mẹ.
29. Túc thái âm tỳ kinh là nguồn sinh huyết.
- Sách nói: “Tỳ là gốc của vinh, lại là nguồn của xương cốt”, tỳ là chủ của huyết, cho nên gọi là đầu các kinh âm. Can chứa huyết, khai khiếu ở mắt, các huyết mạch đều dồn lên mắt, cho nên mắt nhờ huyết mới trông được, nên gọi mắt là tổ huyết mạch.
30. Tỳ là gốc của tinh dịch, là tổ của dương khí.
- Khí thủy cốc của hậu thiên sinh ra tân dịch mà thành huyết, huyết sinh ra tinh cho nên tỳ là gốc của tinh dịch. Gọi là nguyên khí, là dinh khí, là vệ khí đều là tên riêng của vị khí thực là tổ của dương khí.
31. Thần của thân người, cần phải được giấu kín mà tác dụng ngầm ở trong, nếu hiện ra ngoài thời trong phải hư.
- Nhà xem tướng nói: “Mặt mơn mởn như hoa đào, mắt long lanh như nước hồ thu ấy là thần không giấu kín, phần nhiều chết yểu”, lại nói: “hình dung cổ quái, bộ mặt gân guốc, mới thấy đáng khinh đáng ghét, trong khi thời nghiễm nhiên có thần, ấy là tướng thượng cách, sang và sống lâu”. Cho nên có thể biết rằng thần sắc của con người không nên lộ ra ngoài. Ba thứ báu của người ta là tinh, khí, thần làm chúa tể cho thân thể, nó ở trong tâm, hiện ra ở mặt. Nội kinh nói: “Quân chủ không sáng suốt, thời 12 cơ quan đều nguy”, đó là thần không giữ được vị trí. Tại sao mà nhà làm thuốc biện chứng rất sơ sài. Tôi thường thấy chứng chết đột ngột, do tinh thần đã thoát trước rồi, rất đáng sợ. Vì thế mới lập thành bài luận Bổ thần, không phải muốn vẽ rắn thêm chân, cốt để mở một con đường giữ gìn sức khỏe đó (Xem ở quyển Đạo lưu dư vận).
32. Mười hai đường kinh mạch, ba trăm sáu mươi lăm lạc mạch, khí huyết đều đưa lên để nuôi ở mặt mà chạy ra các khiếu.
- Ấy là tinh ba khí huyết của ngũ tạng đều dồn lên mặt, cho nên mắt trông được, tai nghe được, miệng có thể nếm biết năm vị, mũi có thể ngửi biết mùi thơm thối. Nói tóm lại sở dĩ được như thế là cốt nhờ khí huyết chạy lên.
33. Tiên thiên như triều đình, hậu thiên như chức ty đạo [105], giữ chính quyền thời ở tiên thiên, thi hành chính sách thời ở hậu thiên.
- Tiên thiên là mệnh môn hỏa ở trong thận. Phương thư nói: “Trời không có thứ hỏa ấy thời không thể sinh được muôn vật, người không có thứ hỏa ấy thời không thể sống được”. Nó là khí thái cực trong thân người, căn bản của sự hô hấp; nguồn gốc của tam tiêu, thủy tổ của 12 kinh mạch, thật là vị chân chủ tể của toàn thân; Ví như triều đình giữ chính quyền, phàm hậu thiên như tỳ hay vận hóa, vị hay thu nạp, phế điều tiết được, tâm sáng suốt được, thận có kỹ xảo, can có mưu mô, đởm có quyết đoán, đại tiểu trường truyền tống được, bàng quang khí hóa được, tam tiêu thăng giáng được, không tạng phủ nào là không bẩm thụ ở mệnh môn, rồi sau mới làm tròn chức vụ mình, cũng như chức ty đạo thi hành chính sách của triều đình.
34. Hình là chất của khí, sắc là vẻ của thần, có ở trong thời hiện ra ngoài.
- Muốn xét nguyên khí hư hay thực, tất phải xem hình, muốn nghiệm tinh thần thịnh hay suy, tất phải xem sắc. Khí thực thời hình mạnh, khí hư thời hình mệt, thần vượng thời sắc sáng, thần suy thời sắc tối, ở trong có hay không tất ứng hiện ra ngoài.
35. Tâm là chủ của ngũ tạng lục phủ, mắt là nơi tông cân tụ tập, là đường lưu thông của chất dịch ở thượng bộ, cho nên bi thương lo sầu thời tâm động, tâm động thời ngũ tạng lục phủ đều cảm động, cảm động thời cân mạch thịnh (căng), thịnh thời đường dịch mở ra, cho nên khóc thời chảy nước mắt nước mũi.
- Xét bài trên là lời vấn đáp của Hoàng Đế và Kỳ Bá, người sau diễn giải thêm ra; lại nói tâm động thời hỏa bốc lên, hỏa bốc lên thời thủy tụ lại mà chảy nước mắt nước mũi. Có chỗ nói: “thương xót thời hại phế”, kim sinh thủy, nên mỗi khi khóc thì chảy nước mắt. Lại có chỗ nói: “nước ở mật tràn lên, nên mỗi khi khóc thì chảy nước mắt”. Mấy ý đó hình như không hợp với ý nghĩa của Nội kinh.
36. Tinh tán thời mắt lóa, mắt lóa thì thấy một vật thành hai.
- Ấy là triệu chứng thủy suy âm hư, tinh thanh thuộc dương trong dương, không có âm mà nổi vượt lên, trong hỏa không có thủy mà bốc lên cao. Cứ trông người bệnh nặng khi mới khỏi với người già yếu thời sẽ biết.
37. Người ta khi bốn mươi tuổi thời khí âm suy mất một nửa.
- Một nửa tức là nói suy kém. Sách nói: “10 tuổi thích chạy, 20 tuổi thích đi nhanh, 30 tuổi thích đi, 40 tuổi thích ngồi”. Như thế biết được khí âm đã suy kém một nửa.
38. Người mới kết thai thành tinh, tinh thành rồi não tủy sinh.
- Thai kinh nói: “Một tháng như giọt sương đọng, hai tháng như hoa đào, một điểm chân khí ấy là mệnh môn; từ vô cực mà thành thái cực; hai quả thận sinh ra”. Sách nói: “Người mới kết thai trước sinh hai quả thận, thận chứa tinh, chủ xương; xương hóa mà tinh thành; tinh thành thời não tủy mới sinh”.
39. Vị cay làm tán khí, mặn làm rửa huyết, đắng làm mềm xương, ngọt làm nhão thịt, chua làm gân chùn lại, đó là sự kiêng kỵ trong năm vị.
- Cay làm tán khí cho nên thấy cay thời hắt hơi nhảy mũi, mặn làm rửa huyết cho nên ăn mặn thời khát nước, đắng làm mềm xương cho nên ăn đắng thời hại răng, ngọt hay làm chậm tiêu cho nên ăn ngọt thời đầy bụng, chua hay thu liễm cho nên ăn chua thời gân chùn lại. Vì thế bệnh phế kiêng cay, bệnh tâm kiêng mặn, bệnh thận kiêng đắng, bệnh tỳ kiêng ngọt, bệnh can kiêng chua.
40. Sợ hãi són đái là tâm khí kém, liên quan xuống tới can thận mà sinh ra.
- Tâm chủ mừng, thực thời mừng, hư thời kinh sợ, cho nên tâm hư thời kinh sợ. Việc thình lình tới thời kinh, việc xảy ra rồi thời sợ, kinh cũng là đầu mối của sợ; Sợ thời hại thận, thận hư không thể bế tàng được; thủy đã hư thời mộc không có gì nuôi mà can làm chủ tôn cân; thận với bàng quang cùng biểu lý với nhau, cho nên sợ hãi thời són đái.
41. Thần hữu dư thời cười mãi không thôi, thần bất túc thời bi thương.
- Cười thuộc tâm, tâm chứa thần, thần là dương, tâm thống quản huyết mà chủ hỏa, tính hỏa cháy bốc lên, cười là tượng trưng của hỏa. Huyết sinh tinh, tinh sinh khí, khí sinh thần, huyết hữu dư thời thần hữu dư, thần hữu dư thời hỏa thịnh mà cười mãi không thôi. Bi thương thời hại phế, phế chứa phách, phách là âm, thần bất túc vốn ở huyết hư, huyết hư thời âm hư, âm hư thời phách cũng hư mà sinh bi thương.
42. Sắc đen của phương bắc thông vào trong thận, khai khiếu ở hai đường âm (tiền hậu âm).
- Phương bắc vị trí về quẻ Khảm, thuộc hành thủy, sắc đen, về thân người thời ứng với thận. Giữa hai quả thận có mệnh môn hỏa ấy là hai hào âm bọc một hào dương, tượng quẻ Khảm, khai khiếu ở tiền âm và hậu âm. Cho nên hễ tiểu tiện lợi hay sáp, đại tiện bí kết đều nên trách cứ ở thận.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.