YTTL: Y hải cầu nguyên 6.4

Y hải cầu nguyên (tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học) nên lên những quy luật chung nhất về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu.

Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 6: Cơ chế bệnh 4
Khí ở 6 kinh dương tuyệt thời âm với dương lìa nhau, đã lìa nhau thời tấu lý sơ hở, tuyệt hãn chảy ra cho nên sớm thấy chiều chết, chiều nay thấy sớm mai chết.
  • Các kinh thủ tam dương, túc tam dương gọi là sáu kinh dương, còn như chủ chốt nhất là nguyên dương ở vị làm sinh khí của hậu thiên.
  • Chân dương ở thận làm tổ khí của tiên thiên.
  • Đại phàm đạo lý âm dương, âm bắt rễ ở dương, dương bắt rễ ở âm, tác dụng lẫn nhau.
  • Người ta nhờ đó để sống, chỉ có âm thăng bằng, dương kín đáo, tinh thần mới yên.
  • Nếu âm dương tách rời, thì tinh thần sẽ mất, cho nên dương tuyệt thời âm cũng vong, âm tách rời thì dương cũng thoát, còn mong gì sống được.
Lao lực thời đổ mồ hôi, trong ngoài đều bốc ra cho nên hao khí.
  • Nội kinh nói: “Thân thể làm việc nhọc thời dương khí càng thịnh, tinh thần yên tĩnh thời âm khí sinh”.
  • Cho nên làm việc nhọc thời hỏa động, hỏa khắc kim, phế khí bị thương, vệ khí hư mà đổ mồ hôi thời chân khí theo đó mà hao tán.
Mùa hè nắng nực nên cho đổ mồ hôi mà không nên giữ lại.
  • Tháng trưởng hạ khí thử thấp lưu hành, ra được mồ hôi thời khí độc tà thử nhiệt đều tan mà không lưu lại ở da dẻ, cho nên đừng dùng quạt và hóng mát để giữ nó lại.
  • Nội kinh nói: “Mùa hạ nắng nực, mồ hôi không ra được, đến mùa thu sinh ra chứng phong ngược” cũng là lẽ ấy.
Tàng chứa ở trong tâm là huyết, phát ra ngoài là mồ hôi là chất dịch của tâm.
Chưa có chứng tự đổ mồ hôi nào là không do tâm thận hư mà sinh ra.
  • Đấy là câu khuôn phép của Chu Đan Khê, vì mồ hôi là tên riêng của huyết, tâm thống quản huyết, mồ hôi vẫn là chất dịch của tâm, nhưng thận chủ ngũ dịch lại chủ việc bế tàng mà làm thành chân dương chân thủy.
  • Chứng tự đổ mồ hôi phần nhiều thuộc dương hư, tuy do ở tâm nhưng còn quan hệ ở thận nữa.
Ngũ tạng không hòa, thời chín khiếu không thông.
Lục phủ không hòa, thời kết lại thành ung nhọt.
  • Ngũ tạng thuộc âm, âm giữ gìn dương, lục phủ thuộc dương, dương giúp đỡ âm.
  • Âm chủ huyết, huyết tán thời khí không thống nhiếp được mà không thông.
  • Dương chủ khí, khí trệ thời huyết ngưng trệ lại mà sinh ra ung nhọt.
Vị chua chạy vào gân, ăn nhiều vị chua làm cho tiểu tiện bí.
Vị mặn chạy vào huyết, ăn nhiều vị mặn làm cho người ta khát nước.
  • Vị chua chạy vào can, can chủ về gân, ngọc hành thuộc tông cân, can ưa sơ tiết cho nên can hư mà sinh bí tiểu tiện.
  • Vị mặn vào thận chủ thủy, thủy cũng là loại huyết, thủy suy hỏa bốc cho nên chứng thận hư phần nhiều khát nước.
Sau khi thổ tả quá nhiều phần nhiều bụng trướng, ấy là chứng trạng tỳ khí đại hư.
  • Vị không thể thu nạp được thời mửa, tỳ không thể vận hóa được thời tả.
  • Chứng trạng thổ tả quá nhiều không còn một chút gì trong bụng mà bụng còn trướng tất là vì tỳ khí không vận hành, khí bế tắc lại mà thành chứng trướng giả tạo đó thôi.
  • Chớ nên nhận lầm là còn có ứ tích, mà dùng thuốc tiêu nữa.
Nôn ra vị chua là trong thấp sinh nhiệt, nuốt chua là hư hỏa uất bên trong, đều là thuộc tỳ vị hư hàn.
  • Chứng nôn ra vị chua ai cũng dễ hiểu, chứng nuốt chua người rất khó hiểu, tôi đã nói kỹ ở quyển Đạo lưu dư vận.
  • Vì nôn ra chất chua là nôn ra vị chua, còn nuốt chua là khi ợ hơi lên dịch vị sẽ tràn theo lên họng, mửa không ra được, bất đắc dĩ phải nuốt đi, thấy mùi chua chua là mùi vị của thấp uất, thổ ghét thấp thời thổ hư hỏa uất, cho nên nói là tỳ vị hư hàn.
Tỳ thổ mà không có hỏa ở mệnh môn là không thể sinh được.
Phế khí không có thủy ở mệnh môn thì không thể hóa được.
  • Người ta ai cũng biết có thổ ức chế thủy, mà không biết được dương ức chế được âm, ai cũng biết khí hóa ra tinh mà không biết tinh hóa ra khí.
  • Mệnh môn là khí thái cực của nhân thể, trong thận là chỗ chứa khí thái cực, vì quả thận bên trái là chân âm, chân thủy để hóa ra phế khí, quả thận bên phải là chân dương, chân hỏa để sinh ra tỳ thổ.
  • Người ta ai cũng biết tỳ thổ chế ước được thận thủy, mà không biết chân hỏa chế ước được âm thấp ở tỳ thổ mà sinh thổ.
  • Người ta biết được phế khí hóa thủy làm tinh mà không biết chân thủy là nguồn gốc của âm tinh mà lại chứa tinh.
Chứng tích do hàn lưu trệ lại, lưu trệ lâu thời hàn phần nhiều sinh nhiệt.
Phong gây thành chứng tích, tích thành thời bệnh lại không phải là phong.
  • Tỳ thích ấm mà ghét lạnh, ấm thời vận hành, lạnh thời ngưng trệ, cho nên sở dĩ thành bệnh tích là gốc bởi vì tỳ hư hàn, hàn khí uất lâu thời trở thành nhiệt, cho nên nói: bắt đầu là hàn trung, cuối cùng là nhiệt trung.
  • Nhưng đầu mối phát bệnh phần nhiều do phong gây thành chứng tích.
  • Vì phong hay xâm phạm tỳ thổ, tỳ hư thời đờm với máu ứ nhân gặp chỗ trống mà ngưng lại thành tích.
  • Chứng tích đã thành rồi, thì cốt lấy tỳ vị làm căn bản để trị tích, không can gì đến phong nữa.
Ai cũng biết chứng tức đầy (bĩ mãn) là do khí không vận hành, chỉ có Lý Đông Viên thì nói là do bệnh ở huyết.
  • Tỳ không thể vận hành thời ngưng tụ thành chứng tích đầy, ai cũng biết dùng thuốc cay thơm hành khí để chữa.
  • Chỉ có Lý Đông Viên thì cho là bệnh ở huyết, đem thuốc âm dược để chữa, đó là một ý kiến sâu sắc. Vì trọc khí ở trên thì sinh ra đầy trướng.
  • Nội kinh nói: “ăn uống không điều độ, sinh hoạt không chừng mực thời phần âm chịu đựng trước”.
  • Cho nên chứng quan cách thường do ở vị khẩu khô khan, hễ lấy khí dược chữa bệnh đầy mà bệnh càng tiến là không biết ý nghĩa ấy.
  • Cho nên nói bệnh ở phần âm chớ bổ ích phần dương. Dương vượng thời âm mòn.
Tháng trưởng hạ hay sinh bệnh ỉa chảy (tháo dạ) là chứng hàn trung.
  • Tiết tam phục nung nấu, khí thấp nhiệt lưu hành, nhiều người nhận là bởi nắng dữ làm ra nhiệt.
  • Nhưng trên chữ nhiệt có chữ thấp, vì tiết hạ chí nhất âm sinh, tức là phục âm của mùa hạ ngoài nhiệt mà trong hàn, cây trên rừng chảy nhựa, cho nên nói nắng là âm tà, ý nghĩa rất sâu xa.
Đi tả nhiều thời vong dương, là nói vong dương ở trong âm.
  • Tả ra ở dưới, dưới là phần âm cho nên nói: “tả thời thương tổn huyết”. Nói vong âm tức là nói đại khái.
  • Nhưng sau khi đi tả tổn thương vị khí, dương khí bị hãm xuống, âm khí thoát, nặng quá thời tay chân giá lạnh mà vong dương, phép xưa dùng Phụ tử lý trung thang để chữa tả, có phải đó là âm dược ư? Có thể gọi đó là âm vong được ư?
  • Nên nói là vong dương ở trong âm, ấy là có ý nghĩa sâu sắc, cũng như mồ hôi ra nhiều thời vong dương, nên nói là vong âm ở trong dương.
  • Tôi đã bàn kỹ điểm này trong quyển Đạo lưu dư vận. (Chứng đơn nhiệt)
Khô họng và khát nước rất không giống nhau, khát là hỏa táo hữu dư, khô là tân dịch bất túc.
  • Vì khát của chứng thực hỏa là hỏa hữu dư, khát của chứng vong âm là thủy bất túc.
  • Khát thời uống nhiều mà không chán, tạng phủ cháy khô đòi nước ở ngoài để tự cứu.
  • Khô thời thường uống mà không uống nhiều, tân dịch hao kiệt, muốn được thấm nhuần chỗ khô táo.
  • Thực hỏa nên tạm dùng hàn lương làm dịu sức cháy dữ.
  • Vong âm nên tráng thủy để chế dương quang.
Tặc phong hư tà thời phần dương bị cảm trước.
Ăn uống không điều độ, làm lụng nghỉ ngơi không chừng mực thời phần âm bị tổn thương trước.
  • Tặc phong hư tà là bệnh ở ngoài tới, cho nên phần dương bị cảm trước.
  • Ăn uống làm lụng nghỉ ngơi là bệnh từ trong phát ra, cho nên phần âm bị tổn thương trước, ấy là dương chủ ngoài, mà âm chủ trong.
Đàn bà vì thai khí, kinh nguyệt làm phần âm hao tổn rất nhiều cho nên phần nhiều bị đau ngang lưng và nhức chân.
  • Thận chứa tinh, can chứa huyết, thận chủ xương, can chủ gân.
  • Ngang lưng là bộ vị của thận, chân là phủ của can, tinh hư thời xương bại, huyết suy thời gân khô, tinh huyết là âm, âm hao tổn cho nên lưng đau chân nhức.
Đau là hàn khí nhiều, có hàn cho nên đau.
  • Hàn làm sít huyết, huyết ngưng thời kinh lạc kết lại mà đau.
  • Cho nên nói: “hàn thời thương tổn thân hình”.
  • Lại nói: “hàn thời thương tổn phần dương, dương hư thời huyết kết, khí kết thời huyết trệ mà đau”.
Tinh ba của ngũ tạng lục phủ đều dồn lên mắt mà làm tròng mắt.
Tinh ba của xương làm thành con ngươi.
Tinh ba của gân làm thành tròng đen.
  • Nhà chuyên môn nhãn khoa có chia ra làm ngũ luân bát quách thuộc ngũ tạng lục phủ chỉ làm cho rắc rối, tóm lại tinh ba khí huyết của con người đều dồn lên mắt, cho nên mắt mới sáng, nhưng căn bản chỉ ở hai tạng can và thận thôi.
  • Can thuộc lòng đen, thận thuộc con ngươi. Can chủ huyết, thận chủ tinh.
  • Thần quang, thần cao, thần thủy đều là tên gọi riêng của tinh huyết.
  • Lại có điều trọng yếu nhất, là chỉ có thận chủ chân âm, chân dương, hỏa để soi sáng, thủy để thấm nhuần nuôi dưỡng.
Con ngươi lồi là thái âm kém, mắt nhìn ngược là thái dương tuyệt.
  • Con ngươi thuộc thận.
  • Âm thiếu thời dương thừa, tính hỏa bốc lên mà lồi ra.
  • Mạch kinh thái dương theo xương sống đi lên tiếp vào mắt, mắt nhìn ngược là dương đã tuyệt khí thoát mà chết.
Trẻ con thủy ở phần trên, hỏa ở phần dưới cho nên mắt sáng.
Người già hỏa ở phần trên, thủy ở dưới cho nên mắt mờ.
Không thể trông xa được là khí dương thiếu, không thể nhìn gần được là khí âm thiếu.
  • Kinh Dịch nói: “Sự sáng của trời đất chỉ có mặt trời với lửa”, nhưng mắt mờ hay sáng không đơn thuần chỉ có hỏa mà phải có cả thủy.
  • Sách nói: “âm không đưa được sáng lên mắt”, ấy là âm không nuôi dưỡng thời không sáng được.
  • Tôi đọc sách nhãn khoa thấy có chỗ nói: “dương thiếu âm thừa, thời trông gần được không trông xa được; âm thiếu dương thừa thời trông xa được”, thật đáng buồn cười, trông gần được, không trông xa được đó là lẽ thường chứ trông xa được mà không trông gần được thật là vô lý.
  • Thường thấy người âm hư phần nhiều nghiêng đầu nhìn sát, tròng mắt xếch nghiêng, trông gần để phân biệt mọi vật còn như thế, huống hồ lại nhìn xa được.
  • Nội kinh nói: “khí ở phần trên kém, não vì thế mà không đầy; đầu vì thế bị lệch nghiêng, mắt vì thế mà phải nhìn sát, đó là khí kém”, có thể nói đó là dương thừa được không?
  • Xét trong Nội kinh chỉ nói dương thiếu âm thiếu, mà không nói trông xa trông gần, sao không nghiên cứu lại nói càn là âm thừa, dương thừa.
  • Lời bàn tuy thuận mà nghĩa trái ngược; thực là sai hẳn ý nghĩa của Nội kinh.
  • Bệnh hay nghẹt mũi là nhiều hỏa, bỗng nhiên bị nghẹt phần nhiều là phong hàn.
  • Phế kim chủ khí, khai khiếu ở mũi, hỏa khắc kim tổn thương phế khí, cho nên mũi thường bị nghẹt vì hỏa.
  • Phế chủ bì mao, phong hàn trước xâm nhập vào bì mao, phế khí bị thương ở trong, nên mũi nghẹt đột ngột.
  • Tinh là gốc nuôi sống con người, cho nên mùa đông mà giữ gìn được nó thời mùa xuân không mắc bệnh ôn.
  • Tiết Đông chí nhất dương sinh, người ta ẩn nấp được kín đáo, thì hàn tà không làm tổn thương được.
  • Vì làm lụng nhọc mệt, trong ngoài đều sơ hở, da thửa không vững kín bị hàn phạm vào; hàn có thể làm ngưng huyết, huyết là để sinh tinh, tinh huyết đều thuộc âm.
  • Đến mùa xuân khí thiếu dương lưu hành thịnh vượng, mộc không có thủy nuôi dưỡng, tướng hỏa đi càn mà sinh ra bệnh ôn nhiệt, ấy là chân âm không thể tư dưỡng ở trong, chân dương không thể tươi tốt ở ngoài được.
Trước sang rồi sau hèn mà sinh bệnh gọi là “thoát dinh”.
Trước giàu rồi sau nghèo mà sinh bệnh gọi là “thất tinh”.
  • Người sang thường mong muốn được trọng vọng, tiếp xúc với sự vật hàng ngày rất nhiều, hay lao tâm.
  • Người giàu thì ý đồ hay vụ lợi, một tý cũng không cho tốn, phần nhiều hại chí.
  • Khi đắc chí đã hơi hao tổn rồi, lúc thất chí càng nguy hại hơn, vì rằng tâm tàng chứa thần, thống quản huyết, mà huyết nói cách khác là dinh cho nên gọi là bệnh thoát dinh.
  • Thận chứa tinh, chứa chí cho nên gọi là bệnh thất tinh.
Tinh liệt thời âm hư, âm hư thời không có khí đến nỗi thành lao thành tổn.
  • Tinh là âm, khí là dương, tinh sinh ra khí; chân tinh đã kiệt, chân âm tất hư.
  • Khí không có gì sinh ra mà phải suy bại, tạng phủ trống rỗng, tân dịch kết đọng mà thành chứng lao tổn.
Chất nước tiểu ở trong người nhờ 2 hai khí tâm thận truyền tống.
  • Tâm với tiểu tràng có tương quan biểu lý với nhau.
  • Thận với bàng quang cũng có tương quan biểu lý với nhau.
  • Tiểu tràng thấm ra, bàng quang thấm vào mà thành đường tiểu tiện.
  • Vậy nên nước thấm ra thấm vào, không nhờ khí hóa của tâm thận sao được, không phải chỉ riêng phế điều tiết mà thôi.
  • Sách nói: “thủy không có khí thời không hóa”, tâm là quân hỏa, thận là tướng hỏa, hỏa cũng là khí.
Giả nhiệt ở phần trên là do chân hàn ở phần dưới.
  • Đó là lẽ âm bức dương.
  • Trọng Cảnh nói: “Chứng dương hai gò mà đỏ là âm hư ở dưới bức dương bốc lên”.
  • Sách nói: “âm thịnh quá thì đẩy dương khí ra”.
  • Lại nói: “thủy mà cực thịnh thì sẽ giống như hỏa”, là cùng một ý như thế.
  • Vì khí dương bốc ngược lên có khí âm hút mà không lên được, nếu khí âm đã hư không đủ sức hút khí dương, khí dương bốc lên tự do mà sinh ra nóng dữ, thông thường gọi là bức dương chứ không phải âm đuổi dương.
Nhiệt cực thời tổn thương âm, tân dịch không lưu hành mà tiểu tiện bí.
  • Nhiệt là hỏa, âm là thủy, hỏa bốc thời thủy kiệt, cho nên nhiệt cực thời tổn thương âm.
  • Âm tổn thương thời huyết tổn thương, huyết tổn thương thời thủy suy, thủy suy thời tân dịch kiệt mà đường thủy không lưu thông, nhưng cũng còn có lẽ do nhiệt mà khí bí.
  • Vì nhiệt làm hại khí, phế chủ khí, việc điều tiết không làm được mà đường tiểu tiện không thông, điều đó không thể không biết được.
Bị chứng trúng hàn, có thể thấy là phần lý không có hỏa.
  • Gọi rằng “thương” có nghĩa là mức độ nhẹ, mà “trúng” là mức độ nặng.
  • Vì sao cảm hàn tà ở mùa đông gọi là thương hàn mà ở các mùa khác thì gọi là trúng hàn?
  • Vì mùa đông có khí phục dương hàn tà không thể vào sâu được cho nên gọi là thương hàn.
  • Còn trúng hàn là hàn tà xâm nhập thẳng vào không kiêng nể như vào chỗ không người, như thế thì chân dương chân hỏa trong người có hay không có thể biết ngay được.
  • Cho nên chữa bệnh này phải dùng gấp thuốc ôn để điều hòa chân dương.
Trời nắng mà hay cảm hàn thì có thể biết là khí ở phần biểu không vững.
  • Mùa hạ khí dương của trời bốc ra ngoài đất, khí dương của người bốc ra ngoài da, nóng nực nung nấu, da dẻ uất nhiệt mà lại hay cảm hàn, há không phải nguyên dương đã suy yếu đó ư?
Bị nhiệt lâu ngày tổn thương phần âm.
  • Hễ nhiệt thời huyết khô thủy kiệt, tân dịch tiêu hao phần âm không thương tổn sao được.
  • Vì âm hư thời nhiệt càng bốc mạnh, càng nhiệt thời âm càng thương tổn, âm càng tổn thương thời càng nhiệt.
  • Sách nói: “Chữa thương hàn cốt nhất là cứu âm”, thâm ý là như thế.
  • Song Nội kinh nói: “nhiệt thời thương khí”, ấy là nhiệt đã hay làm tổn thương âm, lại hay làm tổn thương khí.
  • Nhiệt làm nên bệnh, há không phải là âm dương đều thương tổn đó ư?
  • Lúc đầu tiên thấy tựa như chữa rất thông thường, nhưng nghĩ sâu thời trong đó có phân tích.
  • Nội kinh nói: “Nhiệt thương phần khí là nhiệt đã lâu, nhiệt ở trong phát ra”.
  • Sách nói: “Nhiệt bạo phát không phải là âm, nhiệt lâu ngày không phải là dương”, cũng lẽ ấy.
  • Thường thấy các phương chữa trúng thử không dùng huyết dược, vì cớ không phải thương âm.
  • Tôi được nghe câu cách ngôn trong gia đình nói: “Nhiệt bạo phát thời hại phần dương, nhiệt lâu ngày thời hại phần âm” và có một đoạn bàn ở quyển Đạo lưu dư vận, khiến cho người xem biết bệnh nhiệt mới phát và bệnh nhiệt lâu ngày có khác nhau, để khi lâm chứng khỏi hàm hồ
Các chứng ban chẩn, huyết thịnh khí mạnh thời sắc hồng mà đỏ tấy lên, khí hư huyết yếu thời sắc trắng mà lờ mờ, chớ độc tà của ban chẩn không có gì là nặng nhẹ.
  • Những phương luận về ngoại khoa đều nhấn mạnh nhiệt là độc khí.
  • Đại thể là khí huyết không hòa thì tự sinh ra bệnh, há phải trong khí huyết còn có thứ độc gì lưu lại nữa ư?
Tuy có chứng tự đổ mồ hôi và đổ mồ hôi trộm có khác nhau nhưng đều là người hư cả.
  • Mồ hôi là chất dịch của tâm thận, là tên riêng của huyết, dương hư thời tự đổ mồ hôi, âm hư thời đổ mồ hôi trộm.
  • Nếu không phải âm dương vốn đã hư, thời đổ mồ hôi sao được, cho nên bệnh đổ mồ hôi đều là chứng hư cả.
Tà khí của kinh Túc thái âm bốc ngược lên thời thành chứng hoắc loạn.
  • Túc thái âm là kinh của Tỳ.
  • Tỳ là đầu các kinh âm, mạch các kinh âm bắt đầu từ huyệt Dũng tuyền, trong âm không có dương thời tà khí bốc ngược lên, âm lấn sang dương, âm dương rối ren mà thành chứng hoắc loạn.
  • Thận hư thời tân dịch kiệt mà đại tiện táo.
  • Thận chủ 5 chất dịch, hư thời tân dịch kiệt mà đại tiện táo.
  • Có sách nói: “Đại trường vong huyết thời táo” cũng là gốc ở thận hư, vì thận chủ thủy, thủy là chất sinh ra huyết.
Bệnh thương hàn mà tiểu tiện lợi phần nhiều là tốt.
  • Phàm bệnh thương hàn thời đầu tiên cảm vào bì mao, phế khí bị trước.
  • Phế chủ việc trị tiết, lưu thông thủy đạo, nếu phế khí không bị tổn thương thời giữ được việc trị tiết, thủy đạo tự lưu thông, cho nên thấy tiểu tiện lợi là tốt.
  • Cũng như sách nói: “chứng thương hàn thấy ho là nhẹ” vì phế chủ phần biểu, chủ việc ho, ấy là tà còn ở phần biểu thời phần lý tự khoan khoái cho nên nhẹ cũng là lẽ ấy.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.