YTTL: Y hải cầu nguyên 6.2

Y hải cầu nguyên (tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học) nên lên những quy luật chung nhất về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu.

Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 6: Cơ chế bệnh 2
Chứng phiền thuộc dương, là hỏa hữu căn phần nhiều xuất phát từ tâm.
Chứng táo thuộc âm, là hỏa vô căn thường phát ra từ thận.
  • Rạo rực không yên cứ bần thần gọi là phiền.
  • Khoa tay múa chân, nằm ngồi không ổn gọi là táo.
  • Phiền là nhẹ, táo là nặng, phiền là thực nhiệt, táo là âm hư.
  • Đại để đều là cơ chuyển của tinh thần hao kiệt, rất đáng lo sợ.
Hỏa xâm vào phế thời sinh phiền, hỏa vào đến thận thời sinh táo.
Phiền là phiền nhiệt nhẹ, táo là táo nhiệt nặng.
Phiền đơn thuần không có táo là thực nhiệt, táo đơn thuần không có phiền là hư hàn.
  • Hễ chứng hiện ra phiền táo đều là dấu hiệu không tốt trong đó vẫn có chia ra nặng nhẹ, nóng lạnh.
  • Nói tóm lại phiền táo đều từ nhiệt phát ra.
  • Nếu táo mà mình nóng ấy là trong chân hàn mà ngoài giả nhiệt, nên dựa vào sắc và mạch mà phân biệt.
  • Nếu táo mà người mát ấy là âm mất trước rồi dương tuyệt sau, chỉ nên dùng Sâm, Phụ để cứu vãn lại cũng có thể sống được.
Tâm nhiệt thời phiền, thận nhiệt thời táo.
Phiền chủ ở khí, táo chủ ở huyết.
Phế chủ ở bì mao, khí nóng thời sinh phiền, thận chủ ở tân dịch, huyết nóng thời sinh táo.
  • Tâm thuộc hỏa, hỏa khắc phế kim. Phế chủ khí, cho nên khí nóng thời sinh phiền.
  • Thận thuộc thủy, thủy chủ tân dịch mà sinh ra huyết, thủy suy thời hỏa nóng bốc mà huyết khô cho nên huyết nóng mà sinh táo.
Trời đất không có nước chảy ngược, nếu thủy ngược là bởi vì gió.
Thân thể người ta không có đờm đi ngược, nếu trở ngược là bởi vì khí.
  • Đờm cũng là loại thủy, tính của thủy nhuận xuống, gió là khí âm dương trao đổi, khí của người cũng như gió của trời đất.
  • Cho nên hễ nước mà chảy ngược được, đờm mà trở ngược được tất vì phong vì khí làm nên như thế.
Bệnh bạo phát không phải chứng âm.
Bệnh lâu ngày không phải chứng dương.
  • Âm chủ tĩnh mà chậm, dương chủ động mà nhanh.
  • Vì bệnh bạo phát thì nguồn gốc không sâu, bệnh dây dưa kéo dài đều do ngoại tà dầm ngấm sâu.
Khí của lục phủ tuyệt ở ngoài thời tay chân lạnh.
Khí của ngũ tạng tuyệt ở trong thời đi ỉa không cầm.
  • Phủ thuộc dương, tạng thuộc âm, dương chủ ở ngoài, âm chủ ở trong.
  • Phủ tuyệt thời dương vong mà tay chân lạnh, tạng tuyệt thời âm vong mà đi ỉa không cầm.
Tà mới quyến rũ tà cũ ra, bệnh ngọn thúc đẩy bệnh gốc phát.
  • Như mùa đông bị cảm hàn, đến mùa xuân gặp phong tà thì phát ra bệnh ôn, đến mùa hè gặp thử tà thì phát ra bệnh nhiệt, đều là do hàn tà mùa đông năm ngoái truyền vào da dẻ, gặp thêm tà mới cảm vào rồi mới phát ra.
  • Lại còn bệnh cũ gần khỏi, gặp bệnh mới vào bệnh cũ lại phát ra.
Vấp ngã bị tổn thương, có một tia máu chạy vào tâm là chết ngay.
  • Tâm là chủ tể toàn thân, thần minh xuất xứ từ đó, cốt phải sáng suốt, ngoài có thành quách bao bọc, ngoại tà không thể xâm phạm vào được, phạm vào thì chết ngay.
  • Tâm chủ thống quản huyết, các huyết mạch theo lệnh của tâm để lưu hành, nếu không lưu hành mà trở về tâm, ấy là phạm vào tâm thì không nguy sao được; cũng như chứng chân tâm thống, hễ sớm phát thì chiều chết ngay.
Phong thắng thời động.
Nhiệt thắng thời thũng.
Táo thắng thời khô.
Hàn thắng thời phù.
Thấp thắng thời ỉa lỏng.
  • Phong động thời run giật co quắp, hình như cây thích lay động.
  • Nhiệt ủng tắc thời sưng tấy đỏ, hình như lửa cháy bốc lê.
  • Táo thắng thời khô khan sém cạn, giống như kim khí có tính se sắt.
  • Hàn nhiều thời sưng đầy phù nề, giống như nước đầy tràn trề.
  • Thấp thịnh thời ngấu nát mà thành ra ỉa lỏng.
Phàm các chứng tổn thương duy chứng phòng lao là nặng hơn, vì thần với hình đều bị mệt, tinh với khí đều bị tổn thương.
  • Các chứng ngoại lao nội thương vì bệnh mà bị hư tổn, cùng với người bẩm chất bạc nhược suy kém đến căn bản cũng phần nhiều hay bị tổn thương.
  • Sách nói: “các chứng ngũ lao lục cực duy đáng sợ là bệnh sắc dục làm hại tạng”. Vì tuổi trẻ cậy mạnh không tiết dục mà trác táng chiếm đến 8-9 phần mười.
  • Xung Phong nói: “Tu thân không gì bằng tiết chế tình dục” Thực là bài thuốc tiên để bảo vệ sinh mạng.
  • Nội kinh nói: “Tàng trữ được tinh khí thời mùa xuân không mắc bệnh ôn” cũng là đường lối bảo vệ sinh mạng đó.
Có khi vì:
Mệt nhọc hình khí suy kém.
Cốc khí không đầy đủ.
Thượng tiêu không vận hành.
Hạ quản không thông.
Vị khí nóng quá.
Nhiệt khí hun bốc ở trong ngực
cho nên sinh chứng nội nhiệt.
  • Đây là cơ chế vì mệt nhọc mà phát bệnh sốt.
  • Nội kinh nói: “Mệt thì dùng thuốc ôn”.
  • lại nói: “thuốc cam ôn có thể chữa được chứng đại nhiệt
  • lại nói: “Bổ tỳ thổ để chữa chân dương
  • Thang Bổ trung ích khí của Lý Đông Viên thực là lợi vô cùng cho muôn đời.
Cốc khí ở ngoài suy kém, da thịt hao hết.
Khí thiên chân ở trong suy kiệt, thân thể không bước đi được.
  • Phàm bệnh thấy ra thịt teo róc quá mau; tất đến chỗ không cứu được, đó là nguồn sinh hóa của tỳ vị đã tuyệt.
  • Vì tinh huyết là căn bản của da thịt, da thịt làm mạnh cho thân thể. Căn bản đã hư hoại còn mong gì sống được nữa.
Nhìn lâu hại huyết
Nằm lâu hại khí
Ngồi lâu hại thịt
Đứng lâu hại xương
Đi lâu hại gân
gọi là ngũ lao.
  • Huyết nhờ mạch làm nơi chứa đựng, các mạch đều thuộc vào mắt, cho nên nhìn lâu thời hại huyết.
  • Khí thuộc dương, dương chủ động, nằm lâu thời khí trệ mà hại khí.
  • Tỳ chủ phần da thịt, chủ vận động mạnh, ngồi lâu thời nê trệ tỳ mà hại thịt.
  • Xương mạnh thời đứng được, nếu đứng lâu thời hại xương.
  • Gân mạnh thì đi được, nếu đi lâu thời hại gân.

Hầu chủ về khí trời, họng chủ về khí đất, cho nên dương hay bị phong khí, âm hay bị thấp khí.
  • Hầu chủ về phế, phế thuộc quẻ càn mà ứng với khí trời.
  • Họng thuộc vị, vị thuộc quẻ Khôn mà ứng với khí đất.
  • Phong là dương tà cho nên phần dương bị cảm trước.
  • Thấp là âm tà cho nên phần âm bị cảm trước.
Thương về phong thời phần trên mình bị trước.
Thương về thấp thời phần dưới bị trước.
  • Phong là dương tà, nửa phần trên mình thuộc dương, cho nên phần trên bị trước.
  • Thấp là âm tà, nửa phần dưới mình thuộc âm, cho nên phần dưới bị trước.
Mồ hôi ra mà sốt không lui thì chết.
  • Mồ hôi cũng như trời mưa, nóng nực quá khí đất bốc lên thành mây thì mưa xuống. Mưa xuống thì mát, ấy là âm giúp cho dương.
  • Người ta bị bệnh nóng cũng như thế. Mồ hôi đã ra mà nóng không lui là khí âm đã tuyệt rồi, chỉ còn một mình dương (cô dương) nung nấu.
  • Nhưng tính lửa bốc lên, sức cùng phải tắt, thời dương vong mà chết.
Giận thời khí đưa lên.
Mừng thời khí dịu lại.
Thương thì khí tiêu hao.
Sợ thời khí nhụt xuống.
Lạnh thời khí thu rút lại.
Nóng thời khí phát tiết ra.
Sợ thời khí rối loạn.
Nhọc thời khí hao mòn.
Nghĩ thời khí kết lại.
cho nên nói trăm bệnh đều sinh ra ở khí.
  • Giận thời can hỏa thịnh mà khí bốc lên
  • Mừng thời tâm huyết hòa mà khí dịu lại.
  • Thương thời phế kim táo mà khí tiêu hao.
  • Sợ thời thận thủy hao mòn mà khí nhụt xuống.
  • Lạnh thời trăm mạch đều co mà khí thu rút lại.
  • Nóng thời trăm mạch đều giãn mà khí phát tiết ra.
  • Sợ thời thần hồn tán mà khí rối loạn.
  • Nhọc thời tinh huyết tổn mà khí hao.
  • Nghĩ thời tân dịch kiệt đi mà khí kết lại.
Làm đầy đủ cho những chỗ trống rỗng là khí huyết.
Hóa sinh ra khí huyết là thủy hỏa.
Thủy hỏa là căn bản của nhân thể, là tác dụng của thần minh.
  • Điền chỗ trống, bổ chỗ tổn, làm cho thân thể đầy đủ là bản năng tốt của khí huyết.
  • Chữa nên dùng bài Bát vị kiêm trị cả thủy hỏa.
  • Nếu khí huyết suy không thể tư dưỡng thời lại nên tìm ngay chân hỏa và chân thủy tức là những thức sinh ra khí huyết để sinh hóa ra khí huyết.
  • Chân thủy chân hỏa là thực thể của âm dương, căn bản của sự sống, tác dụng của thần minh.
Tinh thần bị hao tán ở trong thì tân dịch khí huyết của nhân thể không có chủ tể, có thể dấy lên ở trong làm hỏa làm đờm mà thành ra bệnh tà, còn phải đợi gì nguyên nhân ở ngoài đưa đến nữa.
  • Tâm chứa thần, thận chứa tinh, tinh thần là hai vật báu trong người.
  • Vì hỏa là nguyên khí trong thân, đờm là biến chất của tân dịch, bởi vì chính khí hư không tiếp nạp được, thì đã đủ tạo thành nguyên nhân bệnh, há còn đợi đâu bệnh tà ở ngoài tới, cho nên nói: bệnh do khí hư dẫn đến.
Biểu nhiệt phần nhiều do khí dương ở lý bốc ra ngoài.
Thượng nhiệt phần nhiều do hỏa ở dưới thừa hư bốc lên.
tuy có ngoại tà cảm xúc chẳng qua chỉ là đầu mối phát bệnh.
  • Khi hàn tà bao bó ở biểu thời hỏa uất ở lý, mới xuất hiện da dẻ nóng.
  • Vì hỏa ở trong thân người ta tức là nguyên khí, là nguyên dương, là mệnh hỏa; hỏa ở yên chỗ của nó thời muôn hiện tượng vui hòa, đó là tĩnh thì là thiếu hỏa để sinh khí; động thì là tráng hỏa để hại khí, cho nên có chứng âm hư hỏa động; có chứng thủy suy mà hỏa viêm (đốt) có chứng thận âm hàn mà hỏa bốc, đều là chứng thượng nhiệt.
  • Hễ hỏa hư thời phát lên, tuy có ngoại tà nhân lúc hư kích động mà phát ra, cũng chỉ là ngọn của bệnh.
Bệnh hư mà nhức đầu, không phải hư hỏa bốc lên thời là huyết hư sinh ra.
  • Đầu là chỗ hội tụ các kinh dương, hễ vì hỏa, vì phong, vì hàn, vì thấp, vì thử, vì thực, vì đờm mà nhức đầu đều là chứng thực tà.
  • Còn như bệnh vốn hư mà nhức đầu, thì duy có khí hư mà âm phạm vào bộ vị của dương, huyết hư mà âm hỏa bốc lên. (âm hỏa là hư hỏa).
Dương tà làm hại cực độ tất truyền tới âm kinh.
Ngũ tạng bị tổn thương cực độ tất truyền tới thận.
  • Dương là biểu, âm là lý, dương ở nông, âm ở sâu.
  • Tà mà xâm tới tất từ biểu vào lý, từ nông vào sâu, là cơ chuyển thâu nạp ứng tiếp.
  • Thận là hóa nguyên của ngũ tạng; là căn bản của 12 kinh bệnh đến khi tổn thương tất truyền tới gốc của tinh huyết; tới của hóa sinh, ấy là lẽ tự nhiên truyền tống cho nhau.
Điều kinh luận nói: “Dương thái quá thời kinh đến trước kỳ; âm bất cập thời kinh tới sau kỳ”.
  • Đây là chỉ nói riêng về bệnh kinh nguyệt đàn bà.
  • Nói thái quá, nói bất cập, thời âm dương hàn nhiệt hư thực đều ở trong đấy cả.
Phong là khí mát trong dương.
Thử là hàn tà trong nhiệt.
  • Hàn là âm tà, phong là dương tà, thấp là âm tà, thử là dương tà.
  • Nhưng phong là chủ tướng của hàn, tức là âm ở trong dương, cho nên nói là dương khí.
  • Mùa hạ có khí phục âm; tức là âm trong phần dương cho nên nói là hàn tà.
Chứng sốt rét (ngược) không tách rời kinh thiếu dương, cũng như chứng ho không tách rời phế.
  • Có chứng sốt rét mới phát (tân ngược), có chứng sốt rét đã lâu (cựu ngược), có chứng sốt rét vì đờm (đờm ngược), có chứng độc rét (đơn hàn), có chứng độc nóng (đơn nhiệt) đều không tách rời khỏi kinh thiếu dương, bán biểu bán lý, nóng rét qua lại, lên cơn sốt có định kỳ.
  • Có chứng ho từ ngũ tạng, có chứng ho từ lục phủ, có chứng ho vì phong hàn, có chứng ho vì hư lao, đều không vượt ngoài phế kinh. Phế chủ đưa khí ra là một dụng cụ chứa đờm.
Ỉa chảy bạo phát không phải âm chứng.
Ỉa chảy kéo dài không phải dương chứng.
  • Hễ bệnh bạo phát là dương chứng, vì tính hỏa thì cấp tốc; bệnh kéo dài là âm chứng, vì tính thủy thời trầm hoãn.
  • Trăm bệnh đều thế, không riêng gì bệnh ỉa chảy.
Nôn ói hại khí, ỉa chảy hại huyết, khí hư thời phát quyết, huyết hư thời phát nhiệt.
Khí huyết đều hư thời mình nóng mà tay chân quyết lạnh.
  • Chứng nôn mửa phát ra ở thượng tiêu mà hại phần khí.
  • Chứng ỉa chảy phát ra ở hạ tiêu mà hại phần huyết.
  • Khí hư thời dương thoát mà phát quyết lạnh.
  • Huyết hư thời hỏa lấn mà phát nóng.
  • Khí thuộc biểu, huyết thuộc lý, cho nên bệnh mà khí huyết đều hư thời tay chân quyết lạnh mà trong mình nóng.
Tinh thoát thời tai điếc, khí thoát thời mắt không sáng.
  • Thận khai khiếu ở tai, thận chứa tinh, cho nên tinh thoát thời tai điếc. Khí là dương, dương chủ hỏa, hiện tượng của hỏa là sáng, không hỏa thời mắt không sáng.
Sự hộ vệ xung hòa không ngừng thì gọi là khí.
Sự rối loạn vọng động bất thường thì gọi là hỏa.
  • Dương khí cũng là hỏa, hỏa cũng là dương khí.
  • Tĩnh là dương khí bình thường (thiếu hỏa) có thể tăng cường nguyên khí.
  • Động là dương khí quá thịnh (tráng hỏa) có thể tiêu hao nguyên khí.
  • Vì dương khí không được thăng bằng mà sinh ra bệnh, hỏa được yên chỗ thời mọi hiện tượng sẽ được điều hòa.
Hàn không tan hết thì đau trệ.
Hỏa bốc lên thì sinh ói ngược.
  • Hàn hay làm ngừng huyết, huyết ngừng thì mạch kết mà đau trệ; hỏa tính bốc lên, bốc lên thì khí đưa lên mà sinh chứng ói ngược.
  • Nội kinh nói: “hàn thì tổn thương hình thể”, lại nói: “các chứng ói ngược lên đều thuộc về hỏa” chính là như vậy.
Đau thời không thông, thông thời không đau.
  • Âm dương lên xuống, khí huyết chu lưu, còn có bệnh gì nữa!
  • Duy ngưng trệ không thông thời sinh đau, cho nên phép chữa đau, lấy vị cay thơm để hành khí thông huyết là việc hàng đầu
Âm hư có hai chứng:
Phần thủy trong âm hư thời bệnh ở tinh huyết.
Phần hỏa trong âm hư thời bệnh ở thần khí.
  • Thận ở chỗ chí âm, trong thận có chân thủy, chân hỏa.
  • Thủy hư thời tráng hỏa đốt ở trong, phần âm cháy khô mà tinh huyết suy tổn.
  • Hỏa hư thời hỏa nhiệt bốc lên, phần dương lạnh trệ mà khí mất, thần mệt.
Người béo thời thịnh ở ngoài mà kém ở trong.
  • Người béo thời huyết thịnh hơn khí, âm thịnh hơn dương, nguyên khí không thể làm chúa tể được ở trong cho nên ngoài tuy hữu dư mà trong thực bất túc.
Thần thương tổn vì tư lự thời thịt sút.
Ý thương tổn vì lo sầu thời chân tay rời rạc.
Hồn thương tổn vì thương xót thời gân co quắp.
Phách thương tổn vì vui mừng thời da dẻ khô.
Chí thương tổn vì giận giữ thời sống lưng khó cúi ngửa.
  • Tâm chứa thần và thống quản huyết, huyết chủ da thịt, tư lự thời thương tổn đến tâm.
  • Tỳ chứa ý và chủ tay chân, lo sầu thời thương tổn đến tỳ.
  • Can chứa hồn và chủ gân mạch, thương xót thời thương tổn đến can.
  • Phế chứa phách và chủ lông da, vui mừng thời thương tổn đến phế.
  • Thận chứa chí và chủ xương, eo lưng là huyệt Thận du, giận dữ thời thương tổn đến thận.
Hỏa với nguyên khí, thế không đứng sóng đôi được, cho nên hỏa thịnh tức là nguyên khí suy.
Nguyên khí là căn bản của thủy hỏa, sinh sản ra khí huyết, tuy là gốc của sự sống, thực là trống rỗng vô hình.
Hễ bị thương tổn phần nhiều là do bất túc, cho nên các bệnh thuộc loại hữu dư đều vì chính khí suy kém.
  • Dương khí tức là hỏa, hỏa tức là dương khí, nó là của rất quý báu trong nhân thể.
  • Hỏa ở nguyên vị của nó thời là thiếu hỏa để sinh nguyên khí, mất vị trí thời là tráng hỏa để hại nguyên khí, trở thành kẻ thù của nguyên khí.
  • Cho nên nói hỏa với nguyên khí, thế không đứng sóng đôi được, một bên thắng thời một bên thua, hễ tà phạm được vào thân thể tất là do chính khí bị hư.
  • Thấy tật bệnh hữu hình có thừa tức là nguyên khí vô hình không đủ.
Huyết bị hỏa đẩy thời đi lên, kèm có thấp thời đi xuống.
  • Huyết thuộc thủy, tính của thủy thấm nhuần xuống. Khí thuộc hỏa, tính của hỏa cháy bốc lên, khí đi thời huyết theo.
  • Hỏa tức là khí, hỏa bốc thời khí thăng mà huyết đi lên.
  • Thấp cũng thuộc loài thủy, được cùng loài với huyết mà đi xuống.
Người ta nhờ âm dương thủy hỏa mới sống được, mà thận là gốc của âm dương thủy hỏa.
  • Thận thuộc thủy mà chân thủy chân hỏa chứa ở đó, và chân âm chân dương ngụ ở đó.
  • Âm dương thủy hỏa là tác dụng của thần minh, nguồn gốc của sự sinh trưởng, cội rễ của tính mạng.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.