YTTL: Y hải cầu nguyên 6.3

Y hải cầu nguyên (tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học) nên lên những quy luật chung nhất về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu.

Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 6: Cơ chế bệnh 3
Mồ hôi là chất dịch của tâm, là biệt danh của huyết.
  • Chân âm trong quẻ Ly; tức là chất dịch đỏ trong tâm, được lệnh của tâm hỏa mà thành huyết. Người bị bệnh thương hàn, gọi máu mũi là mồ hôi đỏ.
  • Lúc trị chứng thực nhiệt mà sinh ra thổ huyết, nục huyết nên phát hãn, ấy là lẽ mất mồ hôi thời không có huyết.
  • Bệnh huyết khô thời da dẻ sạm khô, ấy là lẽ huyết bị đoạt thời không có mồ hôi. Vì mồ hôi với huyết cùng loại mà khác tên.
Lo nghĩ làm tổn hại nặng hơn tình dục.
  • Lo nghĩ thời tổn thương tỳ, hại đến huyết, tình dục thời tổn thương thận, hại đến tinh.
  • Nhưng huyết sinh ra tinh, thế thì huyết thực là gốc của tinh.
  • Sách nói: “không có con thì chữa ở tâm”; không chữa ở thận mà trách cứ ở tâm, là chữa ở gốc tinh.
  • Lo nghĩ thời gốc tinh bị tổn thương hại càng nặng.
Nhiệt thời tinh thần hôn mê, hàn thời tinh thần tỉnh táo.
  • Nhiệt thời hại khí, khí để sinh ra thần, khí bị bệnh thì thần cũng bị bệnh, thần minh lẫn lộn mà khí mờ loạn, như bệnh nguy ở vào tình trạng âm dương ly thoát, mà tinh thần còn thấy tỉnh táo, lời nói còn chưa mơ hồ, đấy là bên trong đã không còn dương nhưng vì thủy có thể hàm nhuận kim mà tinh thần còn tỉnh táo, người kém nhận lầm là dấu hiệu tốt.
  • Chứng khát uống nước có chia ra âm dương:
  • Dương thịnh âm hư thời uống nước đá cũng không biết lạnh.
  • Âm thịnh dương hư thời uống nước sôi cũng không biết nóng.
  • Đó là âm hư dương hư đều có thể sinh ra khát, chỉ dựa vào uống nóng uống lạnh để phân biệt.
  • Song lại có trường hợp giả âm giả dương, lại càng ảo diệu phức tạp.
  • Cho nên hễ khát mà không uống được tức là hiện tượng giả. Nên xem xét thêm các chứng trạng và mạch để xác định cho rõ.
Huyết mạch là sông ngòi trong nhân thể, cốt lưu thông mà không ngưng trệ.
  • Huyết mạch của nhân thể cũng như sông ngòi của trời đất, nước được lưu thông thời muôn vật tốt tươi.
  • Huyết mà vận hành thời toàn thân được tưới nhuần, bế tắc một tý thời vạn bệnh theo đó mà sinh ra.
Tai thuộc thận, dương khí thịnh thời thông lên mà tai tỏ, dương khí hư thời thoát xuống mà tai điếc.
  • Thận khai khiếu ở tai, chân dương ở trong thận, tức là chân hỏa làm thủy tổ của toàn thân.
  • Khí thịnh thời tai tỏ, khí hư thời tai điếc.
  • Sách thuốc lấy Xương bồ là vị thuốc chủ yếu chữa điếc, vì tính cay thơm dẫn khí lên khai thông khiếu.
Biểu tà truyền vào lý thì khí ở phần lý xốc ngược lên, cho nên chứng bán biểu bán lý phần nhiều thấy hay ói mửa.
  • Đây là chứng thiếu dương thương hàn, phần biểu không thể phát hãn; phần lý không thể hạ được, phải theo phép hòa giải.
  • Nhưng khí xốc ngược lên thành chứng mửa vẫn có trường hợp vì khí hư, khí thực không thể không cẩn thận
Nguyên khí hư nhược mà phát sốt, đều là vì trong chân hàn mà ngoài giả nhiệt.
  • Đây là bí quyết của Tiết Lập Trai chữa nhiệt, thực là một lời mở mang cho sự mờ tối đã giúp đời rộng rãi vô cùng.
  • Vì hư thời hàn, vì thực thời nhiệt; thực hay bị hàn, hư hay bị nhiệt.
  • Khi nguyên khí đã hư nhược mà phát sốt không phải âm hư dương lấn tức là thủy suy hỏa bốc, hoặc thổ hư không thể chứa dương, hoặc hỏa hư mà hư hỏa bốc lên làm ra chứng giả nhiệt, tuyệt đối không có lý thực nhiệt.
  • Thầy thuốc không xét kỹ chỗ ấy dùng lầm thuốc hàn lương thời giết người như trở bàn tay.
Đổ mồ hôi đầu có hai chứng:
Một là vì nhiệt tà vít lấp ở trong.
Hai là vì dương khí thoát ở trong.
  • Chứng nhiệt tà chia ra làm hai: như thấp nhiệt vít lấp lên trên mà đổ mồ hôi đầu thời đầu tất nặng; như phong hỏa xô đẩy nhau mà đổ mồ hôi đầu thời đầu tất mờ choáng.
  • Còn như dương hư mồ hôi thoát thời mồ hôi như hạt châu, nhờn như dầu, đọng mà không chảy là mồ hôi sắp tuyệt.
Phong là dương, hàn là âm, vệ là dương, vinh là âm.
Phong thời tổn thương dương, hàn thời tổn thương âm, vệ bị phong thời nhiệt, vinh bị hàn thời đau.
  • Khi khách tà phạm vào thân thể, đều theo loại của nó mà vào.
  • Dương tà phạm vào thì tổn thương phần dương, âm tà phạm vào thì tổn thương phần âm.
  • Vì phong có thể thổi hỏa bốc lên, phong hỏa đốt ở trong mà sinh nhiệt; hàn có thể ngưng đọng huyết, da thịt ngưng trệ mà thành đau.
Thương phong là biểu chứng, trúng phong là lý chứng.
  • Thương phong là biểu chứng do khách tà ở ngoài tới, vì dương khí không vững nên bị cảm, chữa chỉ nên tán biểu tà.
  • Trúng phong là lý chứng, do chính khí hư ở trong mà phát lên, vì âm hư suy kiệt mà phát bệnh, chữa nên bổ mạnh vào tinh huyết.
  • Cho nên nói: “chữa phong phải chữa huyết trước”.
Táo, thấp tuy là ngoại tà, cũng có chia ra chứng âm chứng dương, thấp theo phần âm là hàn thấp, thấp theo phần dương là nhiệt thấp.
Táo theo phần dương là vì hỏa đưa tới; táo theo phần âm là vì hàn đưa tới.
  • Dương minh táo kim, thái âm thấp thổ đều là khách khí trong lục dâm, nhưng thấp thì có âm dương, táo chia ra thủy hỏa, đó là hư thực ngụ ý ở trong.
  • Cho nên chữa chứng thấp nhiệt thời nên dùng thuốc thanh nhiệt, thuốc lợi tiểu (thấm thấp), chữa chứng hàn thấp nên bổ tỳ ôn thận.
  • Táo do ở dương thịnh mà đốt cháy âm, thời nên thanh hỏa; táo do ở âm hư mà hỏa động thời nên tư thủy (bổ thêm chân thủy).
Hàn tà bó ở ngoài thời không có mồ hôi.
Hỏa thịnh ở trong thời sinh mụn nhọt.
  • Mồ hôi là tên riêng của huyết, hàn có thể ngưng huyết, cho nên hàn tà bó lại thời không ra mồ hôi.
  • Các chứng mụn nhọt đều thuộc tâm hỏa nóng dữ làm thương huyết, cho nên sinh mụn nhọt.
Sưng đỏ chạy chỗ này sang chỗ khác, thì biết rằng vinh vệ có nhiệt.
Co quắp mà nhói đau, thì biết trong kinh lạc có hàn.
  • Tính của hỏa cháy và bốc lên; vệ đi ở ngoài mạch, vinh đi ở trong mạch, có nhiệt thời da thịt sưng đỏ, chạy chỗ này đến chỗ khác; hàn có thể thu dẫn mà ngưng huyết.
  • Đi thẳng là kinh, đi ngang là lạc, kinh lạc có hàn thời khớp xương chân tay nhói đau co quắp.
Đức Trọng Cảnh nói: “bụng đầy không bớt, bớt không đáng kể thời nên xổ; bụng đầy có lúc bớt rồi lại như cũ, ấy là hàn, nên cho uống thuốc ôn”.
  • Chứng đầy tuy là bệnh hữu dư nhưng phải phân biệt hư thực để bổ tả.
  • Vì bụng đầy không bớt, bớt không đáng kể thì chắc chắn đó là chứng đầy thuộc thực, nên phải xổ.
  • Còn như đầy có lúc bớt rồi lại như cũ là trường hợp khí tụ khí tan, đó là chứng đầy thuộc hư, phải nên điều bổ.
răm bệnh phát sốt không bệnh nào là không do mệnh môn hỏa lìa cung. Nếu hỏa ở yên chỗ thì mọi bệnh đều khỏi.
  • Phàm phát sốt tức là do hỏa ở trong mình ta, cho nên biểu nhiệt đều do dương ở phần lý bốc ra ngoài, nhiệt ở trên đều do hỏa ở dưới lấn lên, vì nguyên khí hư không thể tiếp nạp được.
  • Mệnh môn hỏa lìa cung biến thành tráng hỏa, diệt hết khí mà gây ra tổn hại. Nếu hỏa ở yên một chỗ lại là thiếu hỏa để sinh khí thì mọi hiện tượng đều vui hòa.
Ngũ tạng đều có tướng hỏa, duy có tướng hỏa ở can, khi lành thì sinh dưỡng can, khi dữ thì làm hại cơ thể hơn các tướng hỏa ở các tạng khác.
  • Tướng hỏa ở can gọi là Lôi hỏa, can ứng về phương đông, giáp ất mộc.
  • Bình thường thời là khí sinh dục ôn hòa làm cho đâm chồi nảy lộc, trái thường thì thúc đẩy Long hỏa trong thận ra đốt cháy tam tiêu, bốc ra ngoài da thịt làm tổn hao khí huyết không trừ chỗ nào.
Ăn quá no thì kinh lạc căng thẳng mà chân tay thân thể mỏi mệt.
  • Tỳ chủ huyết mạch, chủ về chân tay, vị thu nạp nhiều quá, tỳ không vận hóa kịp, khí hóa đình trệ lại cho nên kinh lạc căng thẳng mà chân tay mỏi.
Mùa đông cảm thụ hàn tà, đến mùa xuân thường hay phát ra bệnh ôn nhiệt.
  • Mùa đông cảm thụ phải hàn tà thời khí “nhất dương” chứa ở trong khảm phủ (thận) không thể vững kín.
  • Hàn hay làm ngưng huyết thì chân âm trong thận cũng hư, đến mùa xuân thì cây cối phát sinh dương khí hoạt động.
  • Vì chân dương không thể cổ vũ ở ngoài, chân âm không thể tư dưỡng ở trong, trong người chỉ còn có một chút dương mong manh thôi, mộc vượng thì hỏa giúp cho nên sinh bệnh ôn nhiệt.
Mùa xuân cảm phong tà thì mùa hè có thể sinh ra chứng ỉa chảy.
  • Mùa xuân cảm phải phong tà thời phong mộc thái quá mà mộc khắc được thổ.
  • Sách nói: “Phong mộc hay lấn sang tỳ thổ” thì tỳ thổ đã bị hại ngầm từ ba tháng xuân, đến mùa hè thời tiết ôn nhiệt lưu hành, tỳ ưa táo mà ghét thấp, cho nên sinh chứng ỉa chảy.
  • Nội kinh nói: “Thời tiết đến rồi mà khí hậu chưa đến gọi là bất cập, cái nó thắng thời làm càn, cái nó không thắng thì khinh lờn cái nó sinh ra thời bị bệnh” là nó như thế.
Mùa hè cảm phải thử tà, mùa thu có thể sinh ra bệnh sốt rét.
  • Mùa hè cảm phải thử tà, vì tháng trưởng hạ khí dương của người bốc ra ngoài da, dương khí vốn vì phát tiết mà hư hao, hỏa có thể khắc kim mà hại khí, khí lại càng hao, đến mùa thu khí heo hắt lại thịnh hành, khí huyết thu liễm lại, khí hư thời phát hàn, huyết hư thời phát nhiệt, khí huyết giao tranh, hàn nhiệt đều phát thành chứng sốt rét.
Mùa thu cảm phải thấp tà, mùa đông có thể phát bệnh ho.
  • Mùa thu cảm phải thấp tà vì khí mùa thu heo hắt, chất thu liễm đi xuống lại bị khí thấp nhiệt làm cho tổn thương, hỏa lại khắc kim mà phế khí bị tổn thương.
  • Đến mùa đông chủ việc bế tàng, khí thu về thận, vì khí hư không thể thu nạp được cho nên bị nghịch lên mà sinh ra chứng ho.
Mùa hè nóng bức mà mồ hôi không ra thì mùa thu có thể thành chứng phong ngược.
  • Về tiết tam phục, nắng nực nung nấu, dương khí phát tiết, đáng lý phải ra mồ hôi.
  • Nếu vì nhà cao cửa rộng, quạt nồng, hóng mát làm cho không ra mồ hôi được, độc nắng tích lại trong da thịt, đến mùa thu khí heo hắt thịnh hành thời sinh ra chứng phong nhiệt.
Mừng giận thất thường thời hại tạng, hại tạng thì bệnh phát ở phần âm.
  • Mừng thời hại tâm, tâm mừng thời tán khí lại hại đến phế.
  • Giận thời hại can, can giận dữ thời hại chí lại hại đến thận.
  • Uất giận còn hại tỳ.
  • Thế là mừng giận thời ngũ tạng đều bị thương.
  • Ngũ tạng thuộc âm cho nên phát bệnh ở phần âm.
Bệnh ở phần dương gọi là phong, bệnh ở phần âm gọi là tý (tê).
Âm dương đều bệnh gọi là phong tý.
  • Dương thuộc loại nhiệt, âm thuộc loại hàn, phong là dương tà, tý là âm tà, phong hàn đều có thể làm đau.
  • Âm dương đều bệnh, tìm loại mà theo nhau, cho nên gọi là phong tý.
Mồ hôi ra mà mình nóng là phong.
Mồ hôi ra mà phiền đầy không bớt là quyết.
  • Phong làm tổn thương phần vệ, khí ở phần biểu hư, cho nên bị thương phong thời có mồ hôi mà mình còn nóng, mồ hôi ra thời hỏa tán.
  • Chứng phiền thuộc hỏa thuộc khí, nay mồ hôi ra mà nhiệt không lui, phiền đầy không khỏi ấy là dương hư bị âm lấn tới mà phát ra chứng quyết.
Hình thể người ta thì xương là quân, thịt là thần.
Người béo thời nhu thắng hơn cương, âm thắng hơn dương, thịt là do huyết tạo thành, đều thuộc loại âm.
  • Người béo thì âm thịnh dương suy, cho nên khí đoản, da lạnh như nước đá, nhiều đờm, nhiều trệ, có thể biết là trung khí ở trong hư, cho nên ít con cái, ít sống lâu cũng là lẽ ấy.
Tiếng nói xuất từ phế mà gốc ở thận, hình mạnh ở huyết mà gốc ở tinh.
  • Phế chủ đưa khí ra, thận chủ nạp khí vào, cho nên phế là cửa của thanh âm.
  • Thịt là do huyết sinh ra, xương vốn là tinh tụ lại, cho nên hình thuộc huyết mà xương thuộc tinh.
Không nói được là bệnh ở phế thận.
Mờ choáng là bệnh của can tỳ.
  • Phế đưa khí ra, thận nạp khí vào, không nói được là vì khí yếu.
  • Can chứa huyết, tỳ sinh huyết, mờ choáng là huyết hư, vả lại ở trong hư thời sinh phong.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.