YTTL: Y hải cầu nguyên 5

Y hải cầu nguyên (tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học) nên lên những quy luật chung nhất về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu.

Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 5: Tạng phủ
Phế chủ bì mao, tâm chủ huyết mạch, can chủ gân màng, tỳ chủ bắp thịt, thận chủ xương tủy.
  • Phế thuộc kim, chủ khí mà bảo vệ bên ngoài, cho nên chủ bì mao.
  • Tâm thuộc quẻ Ly, ở giữa rỗng tức là chân âm, là gốc của huyết, cho nên chủ về huyết mạch.
  • Can thuộc mộc có cong có thẳng, làm mầm mống để phát sinh, cho nên chủ gân màng.
  • Tỳ thuộc thổ, thổ sinh vạn vật, hợp với đức “khôn nhu” cho nên chủ bắp thịt.
  • Thận thuộc quẻ Khảm, là âm, chìm nặng mà chứa tinh cho nên chủ về xương tủy.
Hay ợ do tâm, hay nói do can, hay ho do phế, hay rên do thận, hay nuốt do tỳ.
Đó là 5 thứ bệnh của ngũ tạng.
  • Tâm thuộc hỏa, hỏa tức là khí, khí uất thì ợ để thoát khí.
  • Can chủ phong, lại thuộc tướng hỏa, phong và hỏa hiếu động và phát ra lời nói.
  • Phế chủ khí, khai khiếu ở hầu họng, là đường trong trẻo, có chút gì vướng vít thì không chịu được mà bắt ho.
  • Thận ở vào chỗ “chí âm” là nguồn để nạp khí, khí không trở về được thì hay ngáp và rên, mới biết khí từ dưới rốn đưa ngược lên.
  • Tỳ khai khiếu ở miệng, vị khai khiếu ở họng ăn, cho nên để nuốt vào, phàm ở trong có bệnh ắt thể hiện ra ngoài.
Tâm ghét nóng, phế ghét lạnh, can ghét phong, tỳ ghét thấp, thận ghét táo.
Đó gọi là 5 cái ghét của ngũ tạng (ngũ ố).
  • “Nóng” thì thần mờ tối, tâm chứa thần cho nên ghét nóng.
  • Khí hư thì “lạnh”, phế chủ khí cho nên ghét lạnh.
  • “Phong” làm ráo huyết, can tàng huyết mà ghét phong.
  • Thổ hư thì sinh thấp ướt, cho nên tỳ thuộc thổ mà ghét thấp.
  • Thận chủ 5 chất dịch cho nên ưa nhuận mà ghét táo, đó là 5 cái ghét của ngũ tạng.
Thận thủy suy thì can mất chỗ tư dưỡng mà sinh ra huyết táo.
Thận thủy hư thì thủy không trở về nguồn được mà sinh ra đờm ở tỳ.
Thận thủy thiếu thì tâm thận không giao nhau mà thần sắc suy bại.
Thận thủy thiếu thì rút hao phế khí mà ho hắng.
Thận thủy thiếu thì dương lẻ loi không có chủ mà hư hỏa bốc lên.
  • Thận thủy suy, không nuôi dưỡng được mộc mà can huyết bị táo, đó là nghĩa “ất” với “quý” cùng một nguồn (ất Mộc quý Thủy).
  • Thủy là mẹ của huyết. Thận thủy suy không sinh được huyết, thủy tràn ra mà thành đờm và thủy hại được thổ mà đờm ở tỳ sinh ra.
  • Tâm chứa thần, thận chứa tinh, phần âm ở trong tâm không giáng xuống, phần dương ở trong thận không đưa lên, cho nên thần sắc suy bại. (Bổ thần)
  • Kim là mẹ của thủy, con suy yếu thì rút ngầm khí của mẹ (phế khí) mà sinh ho.
  • Thận thủy suy, hỏa không có gì kiềm chế, âm hư dương không có chỗ nương tựa, hỏa “long lôi” phù việt mà hư hỏa bốc lên, do đó thấy rõ tạng thận là ông tổ của khí tiên thiên, cơ bản của tính mạng, nguồn gốc của sinh hóa, tác dụng kỳ diệu của thần minh.
  • Nội kinh nói: “gặp chứng hư phải bảo vệ ngay thận thủy để bồi bổ sinh mạng”. Phàm chứng hư lao, nếu không tổn thương đến căn bản, sao có nguy nặng đến thế?
  • Nghĩa là người ta sở dĩ sống được không ngoài thủy và hỏa, mà người hiếu sự đặt thành tên riêng của ngũ lao, lục cực, thậm chí có 72 loại chứng trạng khác nhau, xuyên tạc đến thế chỉ làm cho người học hoang mang chẳng ích lợi gì cả.
  • Vị mạnh thì thận đầy đủ mà tinh khí vượng.
  • Vị bại thì tinh tổn thương mà dương sự suy yếu.
  • Vị là cái bể chứa thủy cốc, đầy tinh khí, vận chuyển vào tỳ, truyền đưa đến mọi tạng cho nên nói 5 tạng thịnh mới có thể tiết ra mà chuyển về thận, cho nên nói thận là chỗ đô hội để chứa tinh. Nếu vị bị bệnh thì nguồn sinh hóa suy yếu, làm sao tinh có thể dồi dào được; Vả lại dương minh (vị) là nơi tông cân tụ hội, “dương sự” không suy sao được. Sách nói: không có thủy cốc thời lấy đâu ra mà thành hình vóc khỏe mạnh, lại nói: bể chứa tinh huyết tất phải nhờ hậu thiên cung cấp.
Phần thận âm bị hư, thì tinh không chứa giữ được.
Phần can dương lấn mạnh thì khí không vững được.
  • Thận chủ bế tàng, can chủ sơ tiết, bế tàng được là nhờ tính yên tĩnh của phần âm, sơ tiết được là vì tính hiếu động ở phần dương; nghĩa là thận thuộc hành thủy, ứng với mùa đông, chức năng là bế tàng. Can thuộc hành mộc, ứng với mùa xuân, tác dụng phát sinh thoải mái, đó là sự kỳ diệu khi mở khi đóng của máy âm dương.
Vị không hòa thì nằm không yên.
  • Tỳ vị chủ tay chân sinh ra huyết. Can tàng chứa huyết, tỳ hư không sinh được huyết. Can hư thì không chứa được huyết mà can khí bị ráo, trở lại lấn át trung châu (tỳ vị) cho nên nằm không yên.
Tỳ là căn bản của ngũ tạng; thận là nguồn sinh hóa của ngũ tạng.
  • Tỳ vị là cái bể chứa thủy cốc, hàng ngày sinh ra tinh ba, ngũ tạng đều bẩm thụ ở đó cả; Thận là bể của tinh huyết; ngũ dịch của ngũ tạng đều thâu nhận vào đó cả. Vì tỳ là nguồn sinh hóa của hậu thiên, thận là tổ khí của tiên thiên, cũng như loài cây có gốc rễ, không vun xới thì không đứng vững, không tưới bón thì không thể tốt tươi. Vậy thì tưởng tượng tới mấy chữ “căn bản và nguồn sinh hóa” đều có quan hệ trọng đại trong đời sống không nên thiên lệch. Trong sách nói: bổ tỳ không bằng bổ thận, lại nói: bổ thận không bằng bổ tỳ, nói thế chưa bao gồm được hoàn toàn, vì không có tinh huyết thì lấy gì xây dựng được cơ sở cho hình hài, không có thủy cốc thì lấy gì làm sức mạnh cho hình thể. Tôi đã bàn kỹ: “có khi bổ tỳ không bằng bổ thận, cũng có khi bổ thận không bằng bổ tỳ” ở trong cuốn Đạo lưu dư vận.
Chính lệnh của thận hết thảy đều ở mệnh môn, vì mệnh môn là then chốt, cũng như sao Bắc đẩu giữ quyền bính của âm dương.
  • Mệnh môn là nơi xung yếu của sinh mạng, là “Thái cực” của toàn thân thể, ở khoảng giữa hai quả thận, phàm hết thảy các công việc của thận, khôn khéo mạnh dạn, biến hóa ra tam tiêu đều nghe lệnh của mệnh môn, bên trái là chân thủy, bên phải là chân hỏa, để giữ quyền bính về âm dương, làm chủ cho tam tiêu, làm nguồn cho 12 kinh mạch, làm gốc cho ngũ tạng lục phủ, ví như sao Bắc đẩu ở một chỗ mà tất cả mọi vì sao đều phải quy phục. (Các tư kỳ sở nhi chúng tinh cũng chi).
Tâm và thận không giao nhau, tinh thần tan rã, vượt lên thì sinh chứng quyết nghịch.
  • Tâm chứa thần, thận chứa tinh.
  • Tâm thuộc quẻ Ly, chân âm trong quẻ Ly giáng xuống; thận thuộc quẻ Khảm, chân dương trong quẻ Khảm đưa lên thì thủy hỏa giao nhaugọi là “ký tế”.
  • Nếu hỏa ở trên thủy ở dưới không giao nhau gọi là “vị tế” thì tinh thần lìa tan, trong dương không có âm, trong âm không có dương mà thành ra chứng quyết nghịch.
Mệnh môn là cái bể chứa tinh huyết, tỳ vị là cái bể chứa thủy cốc.
  • Mệnh môn ở khoảng giữa hai quả thận, phàm tinh ba của ngũ tạng cùng chuyển về thận.
  • Trong sách nói: Ngũ tạng đầy mới có thể tiết ra; lại nói: thận là nơi đô hội để chứa tinh, cho nên bảo thận là cái bể chứa tinh huyết.
  • Chất ăn uống vào vị, tỳ vận hóa mà chuyển đưa đi, ngũ tạng đều nhận lấy, cho nên bảo vị là cái bể chứa thủy cốc.
Thận là cửa của vị, là cửa ngõ để củng cố toàn thân.
  • Thận chủ bế tàng.
  • Nội kinh nói: “sắc đen Bắc phương vào thông với quả thận, khai khiếu ra tiền âm với hậu âm”.
  • Phàm khi vị nhận được thủy cốc, truyền xuống tiểu trường, tiểu trường gạn lọc tách ra, thủy thì xuống bàng quang, cốc thì vào đại trường, mà thoát ra ở tiền âm, hậu âm, đó là thủy cốc lưu thông gạn lọc đều nhờ tướng hỏa ở hạ tiêu; cho nên bảo thận là cửa ngõ của vị, thực là cửa ngõ để giữ vững toàn thân.
Dưới tim nhảy động hồi hộp không yên là khí không về với tinh.
  • Phế chủ khí, thận chứa tinh, phế đưa khí ra, thận nạp khí vào.
  • Tâm thống suất huyết mà chứa thần.
  • Huyết sinh tinh, tinh sinh khí, khí sinh thần, nếu khí không tàng nạp ở thận thì tinh huyết, thần khí đều bị bệnh, thể hiện chứng dưới tim đập mạnh hồi hộp không yên.
Thận chủ thủy, nhận tinh ba của ngũ tạng lục phủ mà chứa giữ lấy.
  • Ngũ tạng, lục phủ đều có tinh ba của nó. Khi đầy thì chuyển đưa về thận.
  • Sách nói: chứa đựng mà không đầy, cho nên ngũ tạng đầy thì tiết ra.
Vị là cái bể chứa thủy cốc, nguồn lớn của lục phủ.
  • Phàm đồ ăn uống đều vào vị, cho nên nói vị là cái bể chứa thủy cốc.
  • Lục phủ đều bẩm thụ khí đó rồi chuyển vận đi, cho nên vị là nguồn lớn của lục phủ.
Thận hư không thể hóa được chất ăn, ví như nước với gạo trong nồi, mà dưới nồi không có lửa thì làm sao mà chín cơm được.
  • Vị nhận lấy thủy cốc ở trung tiêu, ví như cái nồi, toàn nhờ tướng hỏa ở hạ tiêu để làm lửa nấu dưới nồi.
  • Sách nói: kinh Túc thái âm tỳ bị hư, nên bồi bổ cho kinh Túc thiếu âm thận để sinh hóa nó. Phàm chứng hiện ra muốn ăn mà ăn không được, ăn được mà không tiêu hóa là mệnh môn hỏa suy.
Thận giữ việc bế tàng, can chủ sơ tiết.
  • Thận chủ việc bế tàng cũng như thời lệnh mùa đông, nhất dương đã chớm sinh mà đóng kín.
  • Can ứng sinh mộc, cũng như thời lệnh mùa xuân, tam dương phát sinh mà sơ tiết.
Vị lạnh quá thì sinh ra nôn ọe, nóng quá thì sinh ra sợ.
  • Trong vị không có hỏa thì thu nạp sao được, sẽ sinh ra đối kháng mà nôn ọe.
  • Trong vị có hỏa trở lại tổn thương thận khí (hỏa thịnh thì sinh ra thổ vượng mà khắc thủy). Thận chủ về sợ do đó mà sinh ra sợ.
Tà khí ở phế thịnh, thì tà khí cấp bách mà không nằm ngay được.
  • Lá phổi vốn thòng xuống, khi cảm phải hỏa tà thì nó theo hỏa xông lên mà phồng lên, phồng lên thì khí đầy tức ở giữa lồng ngực (nơi Đản trung), nằm ngữa khí bị ngăn tức không phân bố được nên không nằm ngay được.
Tạng tỳ là ông tổ của toàn thân, nguồn suối của các mạch, có bệnh thì 12 kinh đều bị bệnh.
  • Tỳ vị là cái bể chứa thủy cốc, là nguồn sinh hóa của hậu thiên, ngũ tạng lục phủ đều được tưới nhuần, chân tay xương cốt đều được nuôi dưỡng, thực là tạo hóa của thân thể.
Vị là nguồn của phần vệ, Tỳ là gốc của phần vinh.
  • Vị chủ dương khí hậu thiên, tỳ chủ âm huyết hậu thiên.
  • Cho nên thanh khí của thủy cốc là phần vinh, hãn khí của thủy cốc là phần vệ, vì thế vệ thuộc dương chủ khí, vinh thuộc âm chủ huyết.
Tỳ ưa ráo mà ghét ướt, vị vốn ưa ướt mà ghét ráo.
  • Tỳ thuộc kinh Thái âm, thuộc “Kỷ” là âm thổ mà ưa ráo.
  • Vị thuộc kinh Dương minh, thuộc “Mậu”, là dương thổ mà ghét ráo.
  • Nếu chỉ biết dùng thuốc cay thơm để làm kiện tỳ, thì trái lại đến nỗi làm khô ráo vị, thành ra chứng “quan cách”
Vị là tổng quản của lục phủ, Tâm là chủ tể của thần minh.
  • Vị là dương khí của hậu thiên, lục phủ đều thuộc dương, cho nên vị là tổng quản, vả lại tạng khí đều thụ khí ở vị.
  • Tâm là chức vụ quân chủ mà chứa thần, chủ về tác dụng sáng suốt, cho nên làm chúa tể cho thần minh.
Can hỏa lấn lên là do thận âm kém.
  • Vì Ất với Quý cùng một nguồn, cho nên bệnh can với thận thường chữa chung.
  • Can có lôi hỏa, thận có chân thủy, thủy không kiềm chế được hỏa, vì thủy kém cho nên thấy hỏa lấn lên.
Tâm là chủ thanh âm, phế là cửa ngõ của thanh âm, thận là gốc của thanh âm.
  • Tâm thuộc hỏa, hỏa tức là khí, khí sẽ thành ra tiếng, vả lại cái lưỡi là mầm của tâm, tiếng nói mạnh hay yếu là do lực của tâm, không phải tâm là chủ của thanh âm hay sao? Phế thuộc kim, kim loại rỗng thì kêu, vả lại phế ở thượng tiêu, chủ đưa khí ra, là phần ngọn của khí, không phải phế là cửa ngõ của thanh âm hay sao? Thận chủ bế tàng mà ở hạ tiêu, cốt để nạp khí vào, là tổ của khí, không phải thận là gốc của thanh âm hay sao?
Phế chủ khí, khí nghịch lên làm ho.
Thận chủ thủy, thủy ứa lên thành thanh âm hay đờm.
  • Phàm chứng ho không tách rời khỏi phế, vì phế chủ khí, khí thuận thì làm tròn chức năng điều tiết, khí nghịch lên thì ho suyễn; thận chủ thủy, thủy suy không sinh được huyết mà lại sinh đờm, vả lại thận chủ ngũ dịch là gốc của đờm.
Tâm vốn nhiệt bị hư thì lạnh, Thận vốn hàn bị hư thì nóng.
  • Tâm thuộc hỏa, hỏa hư thì thủy lấn mà sinh lạnh; Thận thuộc thủy, thủy hư thì hỏa bốc mà sinh nóng, đó là lẽ âm dương lấn nhau, thủy và hỏa cùng hơn kém nhau.
Vị đầy đủ thì phần vệ chắc chắn.
  • Vị là dương khí của hậu thiên, là cái bể chứa thủy cốc, là nguồn của vệ khí. Nội kinh nói: được khí của ngũ cốc thì mạnh. Khí của ngũ cốc thịnh thì vệ khí đầy, mà dương khí chắc chắn; vệ khí tức là dương khí.
Tâm biết việc tương lai, Thận nhớ điều dĩ vãng.
Chứng hay quên là do tâm và thận không giao nhau (quan hệ qua lại với nhau).
  • Tâm chứa thần, chủ về tác dụng sáng suốt, cho nên thấy trước được việc tương lai, nhưng tâm sáng suốt cũng do dương tinh cung cấp lên.
  • Thận chứa giữ chí, làm chức vụ tác cường cho nên phải ghi nhớ được việc đã qua, nhưng thận nhớ được đều là do âm tinh đưa xuống.
  • Phàm ăn uống sinh hoạt như thường mà hay quên, há không phải là thủy và hỏa chưa quan hệ qua lại với nhau mà trí nhớ có bệnh hay sao?
Phế là nơi giữ gìn mọi khí; Vị là cơ sở của nguồn sinh hóa.
  • Phế chủ khí của toàn thân, tổng quản các tổ khí của tiên thiên, sinh khí của hậu thiên, vị khí, vệ khí, dinh khí và tông khí.
  • Vị là cái bể chứa thủy cốc, ngũ tạng lục phủ đều nhờ nó tưới bón, nó sinh ra huyết, ra tinh, ra khí, ra thần, là cơ sở của nguồn sinh hóa.
Thận là nơi đô hội để chứa giữ tinh, theo mệnh lệnh của tâm chủ.
  • Thận là cái bể của tinh huyết, đó là ngũ tạng đầy đủ mới tiết ra mà đưa về thận, nghĩa là trong tạng thận hội họp tinh ba của ngũ tạng mà chứa giữ lấy, không phải riêng gì của thận.
  • Tâm là quân hỏa, thận là tướng hỏa, quân hỏa không chính thức làm việc, tướng hỏa nghe theo mệnh lệnh của quân chủ mà làm thay.
Vị ưa uống đồ mát mà ghét đồ nóng.
Đại tiểu trường ưa uống đồ nóng mà ghét lạnh.
  • Vị vốn ướt mà ghét ráo cho nên ưa đồ mát.
  • Đại tiểu trường chủ gạn lọc thủy cốc, có nóng thì khí hóa tốt mà thấm đưa ra, cho nên ghét lạnh.
Vị là con của nguyên dương.
  • Theo lẽ ngũ hành, thì thổ sống gởi theo hỏa nguyên dương là quân hỏa của hậu thiên thuộc kinh Thủ thiếu âm tâm, Túc dương minh vị thổ là con, còn kinh Túc thái âm tỳ thổ lại do tướng hỏa của kinh Túc Thiếu âm thận sinh ra.
  • Cho nên vị thổ hư thì bổ tâm hỏa, tỳ thổ hư thì bổ thận hỏa, trong đó đã có phân tích, không nên dùng lẫn lộn.
Tâm nhiệt thì miệng đắng.
Can nhiệt thì miệng chua.
Tỳ nhiệt thì miệng ngọt.
Phế nhiệt thì miệng cay.
Thận nhiệt thì miệng mặn.
Vị nhiệt thì miệng nhạt.
  • Đây là nói ngũ vị ngũ hành ứng với ngũ tạng.
  • Ngũ tạng nhận khí ở vị; vị khai khiếu ở miệng, có bệnh thì báo hiệu ở đó, chỉ có vị nhạt là tính của thổ cho nên không xuất hiện ra ngũ vị.
Tỳ là then chốt của nguồn sinh hóa, gốc của phần vinh, thống suất của phần huyết.
  • Tỳ là âm khí của hậu thiên, nhờ khí của thủy cốc mà sinh ra huyết, nguồn của huyết vốn ở tỳ.
  • Huyết sinh tinh, tinh sinh khí, khí sinh thần, thực là then chốt của hóa nguyên.
  • Vinh thuộc về huyết cho nên tỳ là gốc của phần vinh.
Tâm và phế bị tổn thì thần suy, can và thận hư thì hình vóc hỏng.
Tỳ và vị bị tổn thì ăn uống không sinh ra khí huyết.
  • Tâm chứa thần, phế chủ khí, khí sinh ra thần, khí bị tổn thì thần phải suy.
  • Can chủ cân, thận chủ xương, can chứa huyết, thận chứa tinh, tinh huyết hư thì hình vóc hỏng.
  • Thức ăn uống vào vị, tràn sang tỳ đi về phế, phế chủ khí; chất ăn vào vị, tinh tán vào can chứa huyết, can bị tổn thì không sinh ra khí huyết.
Vị khí nóng thì tiêu chất ăn mà hay đói; vị khí nghịch lên thì trong vị lạnh cho nên không thèm ăn.
  • Vị vốn ướt mà ghét ráo, nếu hỏa tà ẩn núp ở vị sinh táo nhiệt quá lắm, thì tiêu chất ăn mà hay đói, trong sách gọi là “hỏa tà sát cốc” lại gọi là tiêu trung.
  • Vị chủ về thu nạp thủy cốc, nếu hàn tà ẩn núp ở vị làm ướt lạnh quá, thì khí nghịch lên mà không muốn ăn.
  • Sách nói: “Vị nhiệt mà nôn ọe thì ít, vị hàn mà nôn ọe thì nhiều”.
Vị khí nghịch lên thì nôn ra nước đắng.
  • Nội kinh nói: “Vị nhiệt thì miệng nhạt, nhưng vị khí hàn thì không thu nạp được nghịch lên mà nôn ọe”.
  • Vị khí hàn thì có mùi đắng, cho nên nôn ra nước đắng.
Đởm có bệnh thì hay thở dài.
  • Thở dài là khí chứa lại mà xả ra, cho nên lo sầu thì khí uất thì hay thở dài, phàm uất thì tổn thương can, can và đởm cùng thông nhau.Can có bệnh thì đởm cũng có bệnh, đởm là phủ trung tinh (thanh hư) vốn không bị tà bao giờ.
Thổ là nguồn gốc của muôn vật, vị chủ về nuôi sống.
  • Kinh Dịch nói: Rộng lớn nhất là đức tính của đất (Khôn nguyên), hóa sinh muôn vật, nghĩa là muôn vật sinh thành đều gốc ở đất.
  • Vị nhận lấy thủy cốc, hóa sinh ra tinh ba của ngũ tạng lục phủ đều tự nó tưới bón, tưới nhuần các bắp thịt, nuôi dưỡng xương cốt là của rất quý cho sự sống.
Sắc đen của phương Bắc hợp với thận, khai khiếu ở tai.
Sắc đỏ của phương Nam thông với tâm, khai khiếu ở tai.
  • Thận thuộc quẻ Khảm, Vị trí của quẻ Khảm ở phương Bắc.
  • Tâm thuộc quẻ Ly, vị trí của quẻ Ly ở phương Nam.
  • Tâm và thận đều khai khiếu ở tai, riêng đồng tử thuộc thận, mà thực ra thì tâm làm chủ.
  • Phàm tai nghe được rõ, mắt nhìn được sáng là do tâm chủ thần minh, có tác dụng sáng suốt.
Tâm bị tổn thương thì thần mất mà chết.
  • Tinh, Khí, Thần là 3 thứ quý báu (Tam bảo) của con người.
  • Tâm chứa thần, tâm là quân chủ của toàn thân.
  • Nội kinh nói: quân chủ (tâm) không sáng suốt thì 12 cơ quan sẽ nguy hại, cho nên có màng bao bọc bên ngoài làm thành quách, tà không phạm vào được.
  • Phàm nói đau tim là đau tâm bào, nếu thực là đau tâm thì sáng phát bệnh là chiều chết, vì tâm bị tổn thương thì thần minh không có chủ mà tinh và khí bị mất.
Tâm là quân hỏa, Thận là tướng hỏa, tâm bị động thì thận bị cảm ứng theo.
  • Nội Kinh nói: Quân hỏa sáng suốt, tướng hỏa yên vị; quân hỏa không làm việc, tướng hỏa thay quân chủ để thi hành mệnh lệnh, là khí của tâm và thận giao nhau.
  • Trong Sách nói: quân hỏa bốc nóng thì tướng hỏa cũng bốc nóng. Đó là hữu hình kích thích liên cập đến vô hình.
Bệnh do can sinh ra là són đái (di niệu) và bí tiểu tiện đái khó (lung bế).
  • Can chủ về cân; ngọc hành là tông cân; và can chủ sơ tiết, đấy là can khí thịnh quá, nếu huyết hư thì sinh chứng bí đái (lung bế) cho nên phương pháp dùng thang Tứ vật gia thêm Sơn chi là có ý nghĩa rất sâu sắc.
Thận khí hư tất nhiên tỳ khí cũng yếu.
Tỳ khí yếu tất nhiên thận khí cũng hư.
Vì thận là tổ khí của tiên thiên, tỳ là sinh khí của hậu thiên, mà sinh khí tất phải dựa vào tổ khí.
  • Trong Sách nói: Con người sinh ra trước hết bẩm thụ ở nguồn tinh huyết, khi đã được sinh ra rồi, thì do ở thủy cốc nuôi dưỡng.
  • Thận là cái bể của tinh huyết, vị là cái bể chứa thủy cốc, vì khí của thủy cốc hàng ngày sản sinh ra tinh ba, chuyển đưa về thận để làm tinh huyết.
  • Tướng hỏa trong thận ngày đêm đi ngầm nấu chín thủy cốc, ngũ vị do đó mà sinh ra; cho nên nói cái bể chứa thủy cốc, vốn nhờ tiên thiên làm chủ, cái bể của tinh huyết lại phải nhờ ở hậu thiên cung cấp.
Tâm chủ việc sáng suốt.
Phế có công dụng lắng xuống.
Can có khả năng sơ tiết.
Tỳ có tác dụng vận hành.
  • Nhận xét: câu văn trên, chỉ nói bốn tạng mà không nói tạng thận, là sao?
  • Là vì thận là cơ bản của tính mạng, thủy tổ của sinh hóa, gốc của tạng phủ, không phải như các tạng có riêng trách nhiệm từng mặt.
  • Tâm tuy là chủ thần minh, mà không có chân dương cung cấp lên thì lấy gì mà sáng suốt?
  • Phế tuy là chủ việc trị tiết, nếu không có sinh khí của “thiếu hỏa” thì lấy gì mà lắng xuống?
  • Can thuộc hành mộc, nếu không có thận thủy hàm dưỡng thì sơ tiết ra mà khí càng thịnh!
  • Tỳ vốn hay vận hóa, nếu không có tướng hỏa sinh ra thổ thì sức mạnh bỏ mất mà bị thấp làm khốn.
Tâm và Thận cùng bắt rễ với nhau. Âm và Dương cùng tác dụng lẫn nhau.
  • Tâm ở trên, Thận ở dưới cách nhau rất xa, làm sao mà bắt rễ với nhau được?
  • Vì tâm thuộc quẻ Ly rỗng giữa tức là chân âm, mà có thể giao thông xuống dưới; Thận thuộc quẻ Khảm, quẻ Khảm đặc ở giữa tức là chân dương, mà có thể cung cấp lên trên được.
  • Đấy là trong dương có âm, trong âm có dương, thủy hỏa cùng bắt rễ với nhau, âm dương cùng tác dụng với nhau.
Tâm lao thì hại đến huyết, thận lao thì hại tinh.
  • Tâm thống quản huyết, thận tàng chứa tinh, tâm lao vì lo nghĩ thì hại huyết, thận lao vì sắc dục thì hại tinh.
  • Chẳng những thế, tâm biết được việc tương lai, thận nhớ được điều dĩ vãng, như cha mẹ là chủ của gia đình, tâm lo việc ngoài, thận giữ việc trong ứng phó và tiếp xúc với sự vật nhiều quá, đều bị thương tổn cả.
Ngũ hành đều thuộc thổ, muôn vật đều trở về tỳ.
  • Đào đất lấy vàng (kim), chọn đất trồng cây (mộc), đào ao chứa nước (thủy), tro than thành ra đất (hỏa) đó là ngũ hành đều không tách rời hành thổ.
  • Trong 4 mùa thì thổ ở về tứ quý; ngũ tạng lục phủ của con người nhờ thổ để sinh, nhờ thổ để hóa, không gì là chẳng bẩm thụ ở tỳ.
Đói quá thì kho tàng trống không, tất nhiên tổn thương vị khí.
No quá thì vận hóa không kịp, tất nhiên tổn thương tỳ khí.
  • Vị làm chức vụ kho tàng, tỳ chủ việc vận hóa; phàm no đói quá mức đều có thể gây nên bệnh; tỳ và vị chủ về tay chân, thường thấy khi quá no quá đói thì tay chân mình mẩy uể oải mà mỏi mệt.
  • Con người có tỳ vị cũng như quân đội có quân lương, một khi quân lương khô cạn, thì quân binh tức khắc tan rã, tỳ vị bại hoại thì thuốc gì cũng khó chữa.
  • Con người lấy tỳ vị làm gốc, làm then chốt sinh hóa của hậu thiên, có nó thì sống, không có nó thì chết, cho nên chữa bệnh trước tiên phải để ý đến vị khí, vị khí không tổn thương thì bệnh gì cũng không đáng ngại.
  • Phàm bệnh đến lúc vong dương, thì chỉ có Sâm, Truật, Phụ mới có thể vãn hồi. Tôi đã có bài luận về “Bổ thận không bằng bổ tỳ” chính là vì lẽ đó.
Trăm bệnh đều phát sinh ở tâm và đều bắt rễ ở thận.
  • Tâm là chủ của toàn thân, là vật thể của thần minh, tác dụng của sự sáng suốt, tiếp ứng với sự vật, manh mối đều do tâm gợi ra, cho nên nội thương thất tình thì tâm chịu đựng trước, nhưng ngũ tạng bị thương cuối cùng cũng về đến thận cả, vì thận là cơ sở của chân âm chân dương, là căn cứ của khí huyết, là nguồn gốc của sinh mệnh, thận là yếu lĩnh của tất thảy các thứ bệnh.
  • Đau thắt lưng ngang sườn là can thận hư, đau khớp xương là thận hư âm tổn, thận chủ xương, thắt lưng và sườn là ngoại phủ của can thận.
Phàm tỳ thổ không có hỏa của mệnh môn tướng hỏa thì không sinh được cho nên ưa táo mà ghét thấp.
  • Tỳ thổ ở Trung châu, được táo thì sống, ngộ phải “quá thấp” thì có bệnh.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.