YTTL: Y hải cầu nguyên 3

Y hải cầu nguyên (tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học) nên lên những quy luật chung nhất về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu.

Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 3: Khí huyết
Khí làm hướng đạo cho huyết, huyết làm chỗ dựa cho khí
Khí thuộc dương chủ động mà vận hành, huyết thuộc âm chủ tĩnh mà phụ vào. Tác dụng của khí vô hình là lưu thông, thể chất của huyết hữu hình là nương tựa và giữ gìn.
Cho nên khí hành thì huyết theo, âm là cơ sở của dương.
Huyết là ngọn của khí, khí là gốc của huyết
Khí là dương, dương chủ ngoài biểu, hộ vệ cho xương cốt.
Huyết là âm, âm chủ trong lý, vinh dưỡng cho da thịt.
Cho nên dương giúp đỡ cho âm mà huyết làm ngọn của khí; âm giữ gìn cho dương mà khí là gốc của huyết.
Khí không có huyết thì tan mà không có chỗ thống quản
Huyết không có khí thì ngưng lại mà chẳng lưu thông
Khí là dương, huyết là âm; dương chủ động, âm chủ tĩnh, âm dương nương tựa lẫn nhau, khí huyết tác dụng với nhau; âm giữ gìn cho dương, dương giúp đỡ cho âm. Vệ (khí) vận hành ở ngoài mạch, vinh (huyết) vận hành ở trong mạch.
Cho nên phàm trong khí không có huyết thì khí không có chỗ thống quản, trong huyết không có khí thì huyết chẳng lưu thông.
Tỳ vị là cha của khí huyết, tâm thận là mẹ của khí huyết
Can phế là nơi lưu trú của khí huyết
Vị chủ thu nạp, tỳ chủ vận hóa, chuyển đạt tinh ba của thủy cốc, làm nguồn sinh hóa cho khí huyết, cũng như cha đẻ vậy.
Chân âm trong trái tim, chân dương trong quả thận là căn bản của khí huyết, cũng như mẹ đẻ vậy. Can tàng huyết, phế chủ khí, chủ và tàng cũng có nghĩa là lưu trú.
Khí huyết con người cũng như nguồn suối, nhiều thì chảy khắp, ít thì ứ trệ.
Cho nên khí thịnh thì không ứ trệ
Sông ngòi của trời đất cũng như mạch lạc của con người; nguồn suối đầy thì lưu thông, khí huyết đầy thì truyền đi khắp, làm gì có ứ trệ.
Vinh huyết hư thì tê dại, vệ khí hư thì không cử động
Vinh là huyết, huyết hư thì không có khả năng tưới nhuần bắp thịt, cho nên không biết đau ngứa mà tê dại.
Vệ là khí, khí hư thì không có khả năng vận dụng đường gân cho nên nó không cử động được.
Khí bị hư thì tê dại, huyết bị hư thì cứng đờ
(ngoài da không biết đau là tê dại, trong gân không mềm dẻo là cứng đờ).
Khí là vệ, vệ vận hành ở ngoài mạch, khí hư không vận hành được mà tê, như người ngồi co, khí bị trệ thì tê, đến khi cử động khí hành thư thái mới khỏi.
Huyết là vinh, vinh vận hành ở trong mạch, huyết bị hư không tưới mát được bắp thịt, đường gân cứng đờ như gỗ.
Huyết là tinh của thủy cốc, cuồn cuộn lưu thông mà đầy dẫy
Huyết sinh hóa ở tỳ, thống quản ở tâm, tàng trữ ở can, phân phối ở phế, gạn lọc tiết ra ở thận, như vậy mới có khả năng tưới bón cho toàn thân
Thức ăn vào dạ dày, tinh khí đưa vào tỳ, đó là tinh ba của thủy cốc, hóa sinh ra khí huyết.
Trong quả tim có nước dịch đỏ là chân âm, quả tim thuộc hành hỏa, huyết chịu hỏa hóa mà màu sắc đỏ, cho nên quả tim thống quản huyết.
Thức uống vào dạ dày, tinh trấp phân tán vào gan; huyết cũng là chất nước, nước tưới sống được cây cỏ. Can chủ gân, huyết nuôi gân mà chứa đựng ở can.
Khí là tướng soái của huyết, khí đi thì huyết theo. Phế chủ về khí, chủ việc điều tiết huyết tuần hoàn, mà phân phối ở phế, nhưng đi khắp được kinh lạc là hoàn toàn nhờ một điểm chân dương của tiên thiên (ở thận), chính là ông tổ của khí, cho nên gạn lọc ở thận.
Song xét xem Cảnh Nhạc có nói: “Thận chủ về năm chất dịch, mà lại bảo rằng huyết không thuộc về thận thì tôi không tin”, cho nên phàm thận hư thủy kém thì không sinh được huyết mà tràn ra thành đờm; lại như chứng huyết khô kinh nguyệt bế, thì bổ thủy mà huyết tự sinh ra, vậy thì rõ là huyết gốc ở thận.
Huyết suy thì hình thể liệt yếu, huyết bại thì hình thể hủy hoại
Cho nên xương cốt có chỗ nào bị hư yếu thì thấy ngay bị bại liệt một bên
Bắp thịt được đầy đặn, xương cốt được tươi tốt là nhờ công dụng của huyết; cho nên nói thịt nhờ huyết mà thành hình.
Lại nói: huyết là cơ sở của hình thể, huyết theo khí chạy khắp các mạch tưới bón kinh lạc, nếu có chỗ nào không đầy đủ, thì co quắp run giật sinh ra chứng tê liệt không cử động được.
Nội kinh nói: mắt nhờ huyết mà thấy được, tay nhờ huyết mà cầm được, chân nhờ huyết mà đi được, là như vậy đó.
Thanh khí ở dưới thì sinh ra ỉa chảy
Trọc khí ở trên thì sinh ra đầy trướng

Thanh khí là dương, trọc khí là âm; dương vốn đưa lên, âm vốn lắng xuống; dương thuộc hỏa mà nóng, âm thuộc thủy mà lạnh.
Dương hư thì bị âm ép xuống dương mất khả năng ấm áp mà làm ra chứng ỉa chảy.
Âm hư thì dương bức bách mà đi lên, có hiện tượng âm ngừng trệ mà làm ra chứng đầy trướng, đó là dương hư thì hãm xuống dưới, âm hư thì bốc đưa lên.
Cho nên phàm chứng ỉa chảy do dương hư thì thuốc chữa chỉ có thăng đề tối kỵ dùng thuốc thấm lợi; chứng đầy trướng vì âm hư chỉ nên dùng huyết dược để tiêu đi, nhất thiết cấm dùng thuốc tân lương, song dùng huyết dược mà chữa đầy tức người đời ít biết, đó lại là phương pháp độc đáo của Lý Đông Viên.
Đại trường có huyết thì nhuận, mất huyết thì táo
Huyết là thủy, thủy chế được hỏa mà nhuần táo, huyết là âm, âm hư thì hỏa bốc càng nóng thì âm càng bị thương tổn, huyết khô mà càng táo.
Huống chi kinh đại trường nhiều huyết, huyết bị tổn thương thì đường đùn đẩy không nhuần ướt, đó chỉ nên bổ bằng thuốc âm nhu nhuần tĩnh, rất kiêng kỵ thuốc thông lợi nhanh chóng như dùng Mang tiêu, Đại hoàng để công trục.
Trong huyết không có khí thì bệnh thấy buông xuôi rã rời
Trong khí không có huyết thì bệnh thấy co quắp run giật
Huyết chủ việc nhu nhuận, khí chủ việc làm cho ấm, huyết là vinh để dinh dưỡng các kinh mạch, khí là vệ để bảo vệ xương cốt.
Cho nên trong huyết mà không có khí thì vệ khí không thể giữ gìn được mà sinh buông xuôi rã rời, trong khí mà không có huyết thì dinh khí không tưới bón mà sinh ra co quắp.
Sách chép: Gân rã rời thì trách bởi không có khí, gân co quắp thì trách bởi không có huyết là như thế.
Phế đưa khí ra, thận nạp khí vào, cho nên phế là chủ của khí, thận là gốc của khí
Phế ở trên chủ về dương; thận ở dưới chủ về âm; dương chủ đưa ra mà thở ra, âm chủ đưa vào mà hít vào.
Phế là nguồn của mọi khí, cho nên là chủ của khí.
Thiếu hỏa ở trong thận sinh ra khí, cho nên thận là gốc của khí.
Sách nói: phế là cửa ngõ của thanh âm, thận là gốc rễ của thanh âm, thanh âm tức là khí, cùng chung một loài.
Khí thực thì nhiệt, khí hư thì hàn.
Thực thì chịu được thuốc hàn, hàn thì chịu được thuốc nhiệt.
Khí tức là hỏa, khí có thừa thành ra hỏa đó là chứng thực nhiệt. Khí thuộc dương, dương hư thì âm lấn, đó là chứng hư hàn.
Người đã hư hàn thì hàn nhiều, cho nên chịu được thuốc nhiệt; người thực nhiệt thì nhiệt nhiều, cho nên chịu được thuốc hàn.
Chữa chứng thực thì dùng thuốc hàn để tả, chữa chứng hư thì dùng thuốc ôn để bổ. Nhưng chân hàn giả nhiệt thì nhiều, chân nhiệt giả hàn thì cũng có ít thôi.
Khí bị hư thì đau, hình bị hư thì sưng
Khí thuộc hỏa, khí uất thì hỏa nóng đốt mà đau.
Hình thuộc huyết, huyết tắc thì thịt nổi u lên mà sưng.
Sách nói: đau thì tổn thương khí, sưng thì tổn thương huyết.
Huyết có thừa thì hay giận, huyết không đủ thì hay sợ
Can chủ về giận, thận chủ về sợ.
Huyết chứa ở can mà dồn về ở thận, huyết có thừa thì can khí găng mà hay giận, huyết không đủ thì thận khí thiếu mà hay sợ.
Nội kinh nói: Can khí hư thì hay sợ, can khí thực thì hay giận là thế đó
Khí có thừa tức là hỏa, khí không đủ tức là hàn
Chu Đan Khê nói: khí có thừa tức là hỏa, vì hỏa là khí, khí là hỏa, hỏa đây tức là thiếu hỏa, cùng một vật mà khác tên, nếu không được thăng bằng thì thiếu hỏa biến thành tráng hỏa tản mát ra cả tam tiêu, do đó thấy được phần khí có thừa.
Cảnh Nhạc nói: Khí không đủ tức là hàn, nghĩa là dương không đủ thì âm lấn, cho nên dương hư thì phát rét, lại nói: vị hư thì hàn nổi lên đó là dương chẳng đủ thì sinh rét lạnh.
Người ta khi nằm thì huyết trở về can
Nội kinh nói: dương ra ngoài âm thì thức, dương vào trong âm thì ngủ.
Lại nói: ban đêm thì vệ khí đi vào trong phần vinh, dương tàng trong âm, thì huyết trở về can, phàm người ta đêm khuya không ngủ được là âm không giữ được dương, huyết không trở về can.
Phần can âm bị hư thì can khí lấn lên, chỉ chuyên làm việc sơ tiết nên thấy cứ đi tiểu luôn, đó là triệu chứng rõ vậy.
Khí nhiều thì huyết dễ đưa lên, huyết ít thì hỏa dễ bốc cháy
Khí thuộc hỏa, tính hỏa bốc lên, khí đi thì huyết theo, cho nên khí nhiều thì huyết dễ đưa lên.
Huyết thuộc âm, âm hư thì dương lấn, dương chủ hỏa cho nên huyết ít thì hỏa dễ bốc cháy.
Huyết thực khí hư, thì người dễ béo; khí thực huyết hư thì người dễ gầy
Khí thuộc dương, chủ xương tủy, huyết thuộc âm, chủ da thịt. Huyết hơn khí thì béo mập, dương hơn âm thì gầy guộc.
Cho nên người béo khí hư mình mát, người gày huyết hư mình nóng; người béo phần nhiều chết non, người gày phần nhiều sống lâu, cũng là cái lẽ dương sinh âm sát.
Khí hư, không liễm nạp được nguyên dương ở trung cung
Huyết hư không tiếp nhận được thận hỏa (Long hỏa) ở hạ tiêu, đều là chứng hư nhiệt
Sự tàng nạp hỏa không đi ra ngoài thủy và thổ; Khí tức là vị khí; nguyên dương ở trung cung tức là lửa ở trong lò.
Huyết thuộc về chất thủy, long hỏa ở hạ tiêu tức là hỏa ở trong thủy.
Nếu khí hư không liễm nạp được hỏa, là thổ hư không có khả năng để tàng dương; huyết hư không tiếp nạp được hỏa là thủy thiếu không có khả năng để chế hỏa, đều là chứng giả nhiệt.
Phép chữa nên bổ thổ để tàng dương, dùng những loại thuốc Sâm, Kỳ.
Nội kinh nói: thuốc cam ôn có khả năng trừ được đại nhiệt là thế; nên bổ âm để đẩy lui hỏa thì dùng các loại Thục địa, Sơn thù.
Sách nói: làm mạnh chân thủy để chế ước sự chói sáng là thế.
Bị mất huyết thì không có mồ hôi, bị mất mồ hôi thì không có huyết
Mồ hôi là chất dịch của tâm, tên riêng của huyết, như vậy mồ hôi tức là huyết, huyết tức là mồ hôi, cùng một vật mà khác loài, cho nên chứng âm hư cảm mạo thì phát hãn không ra được mồ hôi là vì huyết đã bị mất từ trước.
Chứng thổ huyết và chảy máu cam do huyết chạy loạn khó làm cho thanh nhiệt giáng hỏa thì cho phát hãn là huyết sẽ cầm.
Lại thấy sau khi ra nhiều mồ hôi, huyết hư mà tâm động, kinh sợ đánh trống ngực, cùng chứng sau khi sinh đẻ, sau khi ung nhọt, xuất huyết mà sinh ra co cứng là do tân dịch bị kiệt hết há chẳng phải huyết cùng loài với mồ hôi sao?
Khí thoát thì mắt không sáng
Khí là dương, là hỏa, chủ tác dụng của thần minh.
Sách Thiên Trung Ký nói: Sự sáng trong trời đất, chỉ có mặt trời và lửa; nếu ngọc hay đá ban đêm có phát sáng cũng là nhờ bẩm thọ được hỏa khí; huống chi con mắt người ta cũng như mặt trời đối với bầu trời, nếu khí đã bị thoát thì mắt mất sáng, cũng như bầu trời thiếu mặt trời thì ánh sáng không chói lọi nữa.
Khí huyết không điều hòa thì ngưng kết lại mà làm ung nhọt
Khí huyết cũng như nguồn suối, đầy đủ thì chảy lưu thông, ít thì ủng trệ, nghĩa là vinh huyết, vệ khí, cùng chân thủy chân hỏa đi ngầm chạy khắp các nơi, ngày đêm chẳng nghỉ, thì mọi đường kinh mạch điều hòa khoan khoái, làm gì có bệnh.
Nếu có ủng trệ chỗ nào thì sinh ra ung nhọt và sưng thũng. Nội kinh nói: “khí bị hư thì đau, huyết bị hư thì sưng”.
Tôi thấy khoa ngoại, dựa vào các kinh huyệt trong thân thể, để đặt tên cho ung nhọt, phân loại cho phương thuốc, đó há chẳng phải là phương pháp chạy chữa cục bộ hay sao?
Tóm lại, trăm thứ bệnh đều không vượt ra ngoài âm dương khí huyết, huống hồ là chứng ung nhọt sưng thũng.
Phàm huyết đầy đủ thì sưng đỏ thuộc dương chứng, dễ chữa; khí hư thì xẹp xuống đầu kết lại thuộc âm chứng khó khỏi; thuộc hư thì phải bổ, kết tụ lại thì làm cho tan, lưu ứ lại thì phải làm cho thông, cốt cho khí huyết điều hòa mới thôi, việc gì phải chia ra cục bộ trên, dưới, bên trái, bên phải chỉ làm rối tai mắt người ta!
Huyết thoát thì sắc mặt trắng bợt mà không nhuận mướt
Khí chủ hình, huyết chủ sắc, cho nên nói huyết làm tươi sáng sắc mặt; huyết thoát thì sắc mặt trắng như xương khô, không hồng hào, đó là đã mất vẻ hồng hào mà thành sắc trắng.
Nhưng khí bị hư mặt cũng sinh ra sắc trắng, nên làm thế nào để phân biệt?
Người đọc sách cốt tìm hiểu tình hình ở ngoài lý lẽ:
Khí là vô hình chất thanh, huyết là hữu hình chất trọc
Sắc trắng thuộc khí hư thì trắng bệch, trong màu trắng có vẻ trong, nổi gân trơ xương, trông thấy đã biết là hàn là lạnh.
Sắc trắng về huyết hư thì trắng khô, trong màu trắng có vẻ đục, như màu thiếc, màu tro, trông thấy có thể tưởng tượng là nhợt nhạt, đó là tôi nói sơ lược người mới học nên phối hợp tìm hiểu tìm hiểu sự thực.
Chính khí với tà khí, thế không thể sống chung với nhau, phải có một thắng một bại
Nội kinh có nói: “Tà sở dĩ lấn vào được, tất nhiên là chính khí đã hư”.
Lại nói: “giúp cho chính khí thì tà khí tự lui”, bên này nặng thì bên kia nhẹ, một bên thắng thì một bên bại.
Khí không có thủy thì không hóa được; tinh không có khí không vận hành được
Tạng phế thuộc khí, chủ về điều tiết, khơi thông đường thủy; nếu đường thủy không thông thì phế khí nghịch lên.
Nội kinh có nói: “Chứng nôn khan cốt làm cho lợi tiểu tiện” nghĩa là để cho phế khí giáng xuống, đó là khí không có thủy thì không hóa được.
Lấy tinh và huyết đối nhau mà nói, thì tinh là dương mà huyết là âm; Tinh huyết và thần khí đối nhau mà nói thì tinh huyết là âm, thần khí là dương; nếu tinh không có khí thì trong âm không có dương, lấy gì mà khua động cho nên không vận hành được.
Khí đi thì huyết cũng theo, dương bị hư thì âm cũng tẩu tán
Khí là thống soái của huyết, khí cũng như tướng, huyết cũng như binh, tướng đi đâu thì binh theo đó, khí đi đâu thì huyết theo đó.
Dương bảo vệ cho âm, dương ở ngoài âm ở trong, ngoài chẳng bảo vệ thì trong cũng phải tẩu tán; đó là theo chỗ của âm dương, nên cùng giữ gìn mà không nên cách ly nhau, cho nên dương vong thì âm cũng thoát, âm vong thì dương cũng bại.
Khí thịnh mà người lạnh là do thương hàn, khí hư mà người nóng là do thương thử
Hàn tà bó bên ngoài thì hỏa uất ở trong cho nên thể hiện khí thịnh mà người lạnh.
Thử tà gây nên nhiệt, nhiệt thì hại khí, cho nên thấy khí hư mà người nóng.
Nôn thời hại khí, khí hư thì hồi hộp đánh trống ngực
Xổ thì hại huyết, huyết hư thời kinh sợ

Thình lình gặp cái gì mà hồi hộp gọi là “húy”, vô cớ mà tự nhiên hồi hộp gọi là “kinh”.
Chứng nôn mửa xuất phát từ thượng tiêu, thuộc dương phận.
Nôn mửa do khí nghịch lên mà hại khí, phế chủ khí, khí hư thì phế không tàng được phách mà sinh ra hồi hộp.
Xổ thì bài tiết ở hạ tiêu, tâm thống quản huyết, huyết hư thì tâm không tàng được thần mà sinh ra kinh sợ.
Huyết chứng đều không uống nước
Khí chứng thì uống nước (huyết chứng cũng có khi uống nước)
Hạ tiêu thuộc âm phận, thuộc huyết; thượng tiêu thuộc dương phận, thuộc khí.
Phàm bệnh ở thượng bộ thì khát, bệnh ở hạ bộ thì không khát, đó là nói bệnh ở trên hay dưới; còn huyết bệnh do âm hư không khát sao được? vì huyết tức là tân dịch hóa sinh ra.
Sách nói: Bệnh khát thường phát sinh ở huyết hư.
Trung khí không đầy đủ thì nước tiểu vì đó mà biến màu
Nước tiểu biến màu là biến màu vàng, phàm trung khí đã hư là phế mất công năng điều tiết, đường thủy không điều hòa mà nước tiểu biến màu vàng.
Người không hiểu thì nói chung chung là nước tiểu màu vàng là có nhiệt ở trong mà dùng thuốc thanh nhiệt, làm cho hỏa suy và khí càng hư, thậm chí sinh ra chứng bí đái mà chưa tỉnh ngộ; trong bài Ngũ linh tán người ta dùng Nhục quế là bổ hỏa để thông phế khí.
Khí thượng bộ không đầy đủ thì óc do đó mà không đầy đủ
Đầu do đó mà ngả ngiêng, mắt do đó mà nhìn lệch
Khí thuộc dương, đầu là chỗ mọi kinh mạch dương hội họp, mắt là tinh ba của tạng phủ, khí không đủ thì dương không có chủ mà ngả ngiêng.
Óc không đầy thì chân tinh không đủ mà mắt nhìn lệch, phàm trẻ con bị nghẽo cổ là do dương hư.
Dương khí hòa thì thông lợi, chứa đầy ở tâm, ra ở mũi cho nên nhảy mũi
Dương là sinh khí, âm là sát khí; phế chủ về khí, khai khiếu ở mũi, nhảy mũi là dương khí lưu lợi, cho nên chứng trúng phong hễ nhảy mũi thì chữa được, chính là lẽ đó.
Khí huyết hư, biểu hiện ra các chứng tuy nhiều, nhưng tóm lại không ra ngoài phạm vi âm dương, khí huyết hư và hư thực
Phàm khí huyết đã hư mà sinh ra đủ các hư chứng không thể tả hết, người kém thì làm sao tránh khỏi cái tệ đau đâu chữa đó.
Sách Nội kinh chép: “Biết được cái cốt yếu thì một lời là đủ, không biết được cái cốt yếu thì lan man vô cùng”.
Sách có nói: “Chữa một bệnh thì mọi bệnh tiêu trừ, điều cốt yếu là ở trong âm dương khí huyết” chỉ có một mà thôi.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.