YTTL: Y hải cầu nguyên 6.1

Y hải cầu nguyên (tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học) nên lên những quy luật chung nhất về sinh lý, bệnh lý và nguyên tắc trị liệu.


Y HẢI CẦU NGUYÊN
Phần 6: Cơ chế bệnh 1
Con người lúc mới phôi thai bắt nguồn từ tinh huyết, lúc đã sinh ra là nhờ đồ ăn dinh dưỡng.
Không có tinh huyết thì không tạo được hình thể, không có đồ ăn thì hình thể không cường tráng.
  • Mệnh môn trong thận là khí thái cực của con người, ở đàn ông thì chứa tinh, ở đàn bà thì chằng giữ dạ con, nên thận là cái bể của tinh huyết, người ta sinh ra là bẩm thụ tinh huyết của cha mẹ để thành hình, cho nên nói tinh huyết là cơ sở của hình thể, là căn bản của sinh mệnh.
  • Đến khi đã chào đời, chỉ nhờ ăn bú mớm cơm để nuôi dưỡng, cho nên nói đồ ăn làm cho hình thể cường tráng, là nguồn gốc của việc sinh hóa.
Bể chứa cơm nước ắt phải nhờ tiên thiên làm chủ, mà bể chứa tinh huyết lại phải nhờ hậu thiên để bồi dưỡng.
  • Tỳ vị là bể chứa cơm nước, cốt nhờ chân dương chân hỏa trong thận làm cho ngấu nhừ thức ăn, cho nên nói muốn bổ Thái âm tỳ thổ thì phải bổ thiếu dương tướng hỏa.
  • Thận là bể chứa tinh huyết, tất phải nhờ khí của cơm nước, ngày ngày sinh thêm tinh huyết để luân chuyển nuôi thân thể, cho nên nói: Vị mạnh thì thận đầy đủ mà tinh khí sung túc.
Thương phong phần nhiều sinh thổ tả, vì phong mộc hay xâm phạm vào tỳ thổ.
  • Nội kinh nói: “phong vào can trước”, hễ thương phong thì can chịu đựng trước, phong động thì can mộc mạnh và khắc tỳ thổ, tỳ hư thì không vận hóa được mà thành bệnh tả.
  • Vị hư không thu nạp được thành bệnh nôn mửa.
Bệnh khỏi rồi mất tiếng là chứng thận yếu.
  • Thận là cái bể chứa tinh huyết, là nguồn gốc phát ra thanh âm.
  • Sau khi khỏi bệnh, tinh huyết bị thiếu, nguồn gốc bị thương mà thanh âm khan tuyệt.
Ngực bụng trướng đầy là tỳ khí hư tổn.
Nhiều đờm là tỳ khí không vận hóa.
Tê tay tê chân là tỳ khí không lưu thông đến.
  • Công năng của tỳ là vận hóa thức ăn, trướng đầy bụng ngực là tỳ không vận hóa, không vận hóa được thì tân dịch ngưng kết mà thành đờm.
  • Tay chân thuộc tỳ, tỳ dương chủ khí, tỳ âm chủ huyết, nếu khí huyết không chu lưu đến thì tê tay tê chân, các vị Chỉ xác, Thần khúc, Sơn tra, Mạch nha dùng phải thận trọng.
  • Nên dùng thang Bổ trung thang gia Bán hạ, Phục linh là rất hay.
Mửa đờm về sáng là tỳ hư không vận hóa được.
  • Sau giờ tý (khoảng 1 giờ khuya) thì khí nhất dương sinh các mạch đều hướng về phổi; Tỳ hư không thu nhiếp được đờm dãi, nó tràn lên phổi, cho nên về sáng thì mửa đờm.
  • Sách nói: Tỳ là nguồn sinh đờm, phế là đồ vật chứa đờm.
Ăn không vào được là có hỏa, ăn vào mửa ra là không có hỏa.
  • Ăn không vào được là vừa mới nuốt vào khỏi họng lại mửa ra ngay ấy là vì trong vị có hỏa ngăn trở.
  • Nội kinh nói: “Các chứng ói ngược lên đều thuộc hỏa”; ăn vào mửa ra là ăn vào không giữ lại lâu mà lại mửa ra, đó là vì mệnh môn hỏa suy, phần dưới không có sức nóng để làm cho ngấu nhừ thức ăn, tỳ không vận hóa, vị không thu nạp cho nên sinh ra thế.
Bệnh ngũ tâm phiền nhiệt là tâm hỏa hãm vào trong tỳ thổ.
  • Ngũ tâm là chỗ dưới tâm và hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân.
  • Tỳ chủ tay chân, tâm chủ nhiệt; trong tỳ thổ có phục hỏa thời hiện ra chứng ngũ tâm phiền nhiệt, nên dùng Tứ vật thang gia Nhị liên.
Bệnh bạo phát chết đột ngột đều thuộc về hỏa, Đông Viên cho là do khí hư.
  • Nội kinh cho là do hỏa, Đông Viên cho là do khí, vì hỏa với khí cùng loại mà khác tên.
  • Phàm người bị bệnh bạo phát chết đột ngột, không phải do nguyên nhân gần mà là do nguyên nhân xa, thân thể đã bị trác táng, xíu quách đã kiệt hết rồi chỉ còn một chút dương trơ trọi thì ngọn lửa vô căn ấy không thể cháy lâu được, đến khi nguyên khí vụt tắt đi thì chết.
Chứng loại trúng phong, Đông Viên cho là khí hư, Hà Gian cho là hỏa, Đan Khê cho là đờm.
  • Các vị tiên triết ấy bàn luận tuy khác mà căn bản thì giống nhau. Vì khí hư thì hỏa vô căn bốc lên, đờm xốc ngược lên mà sinh ra, một đường thì nói về gốc, một đường thì nói về ngọn.
Hay đói mà ăn nhiều là phong mộc thái quá lấn mạnh đến tỳ thổ.
Tỳ thổ bị hư đòi ăn để cầu cứu.
  • Hay đói là công năng của hỏa, vì mộc thịnh thì sinh phong, phong khơi động cho hỏa bốc lên.
  • Ăn nhiều là tỳ hư cầu giúp. Có chỗ nói “hay ăn mà gày” cũng là lẽ đó.
Phong là đầu mối của các bệnh, hàn là khí sát hại.
  • Phong là dương tà, di chuyển nhanh hay biến động, không chỗ nào mà nó không thấu suốt, là đầu mối của các bệnh.
  • Hàn là âm tà, chủ về thời lệnh của mùa thu, mùa đông, heo hắt bế tàng, thực là thứ khí sát hại.
  • Tuy vậy phong và hàn vốn là đồng khí, hàn nhẹ thì là phong, phong nặng thì là hàn. Lời nói ấy của Cảnh Nhạc thực là đã cởi mở được cái lẽ chưa hiểu biết từ ngàn xưa.
Hàn tà ở phần biểu ắt mình nóng không có mồ hôi, bởi vì tà vít lấp bì mao.
  • Đã nói hàn tà ở phần biểu, mà mình lại nóng. Vì nóng tức là hỏa ở trong thân thể, ngoài bị hàn tà bưng bít không phát ra được, quay trở lại dần dần hóa ra nhiệt cả.
Thương thực thì ghét ăn.
Thương phong thì ghét gió.
Thương hàn thì ghét lạnh.
vì nó làm tổn thương tất nhiên phải ghét nó.
  • Bệnh thương thực vì tỳ vị không thể thâu nạp chuyển vận nên ghét ăn là rất phải.
  • Phong hàn vốn là khí mát, lẽ nào thương phong không ghét lạnh, thương hàn không ghét gió ư?
  • Những lời cách ngôn của bậc tiên triết không phải nói vu vơ, nên kết hợp với tình hình mà suy tìm chân lý, bút mực không thể tả hết được.
Tiểu tiện trong bệnh không ở lý.
Tiểu tiện lợi bệnh không ở khí.
  • Tà còn ở biểu, chỉ biểu bị bệnh mà lý vẫn điều hòa, cho nên tiểu tiện trong.
  • Phế chủ khí làm lưu thông đường thủy đạo, dẫn dồn xuống bàng quang. Phần khí vô bệnh cho nên tiểu tiện vẫn lợi.
Phong là chủ tướng của hàn, phong đưa hàn tới, hàn theo phong vào, thấu xương phạm da.
Phong với hàn vốn là đồng khí, cho nên hàn vào nông tức là thương phong, phong vào sâu tức là thương hàn.
  • Đây là Cảnh Nhạc phát hiện ra điều mà ngàn xưa chưa phát hiện ra được.
  • Sách thuốc cho mạch Phù Sác là thương phong, phù khẩn là thương hàn, chứng thương phong tự đổ mồ hôi, chứng thương hàn không có mồ hôi, lập cục chia phương, phân chia ra nhiều phép chữa, chỉ làm rối tai mắt người ta, mà không có ích gì cho việc chữa bệnh.
Phần biểu không có hàn tà sao có thể thành chứng sốt rét (ngược).
Phần lý không có hàn tà sao có thể thành chứng lỵ.
  • Sốt rét (ngược) và kiết lỵ tuy là hai chứng, kỳ thực một nguồn.
  • Hàn tà ở ngoài không tan thì thành chứng ngược, hàn tà ở trong dằng dai thì thành chứng lỵ, đó là gốc của ngược, lỵ đều ở tỳ.
  • Phương thư nói: “không đờm không thành chứng ngược, không tích không thành chứng lỵ”, vì tỳ hư mà gây nên.
  • Nội kinh nói: “tỳ hư thì phát sốt, vị hư thì phát rét”.
  • Phàm chữa ngược chữa lỵ mà không chiếu cố đến tỳ vị thì chữa không đúng phép, tuy có hàn tà cũng chẳng qua là đầu mối phát bệnh đó thôi.
Tự đổ mồ hôi thuộc dương hư, đổ mồ hôi trộm thuộc âm hư, nhưng vị tất đã như thế. Phải xem xét có hỏa hay không có hỏa.
Vì hỏa thịnh mà mồ hôi ra là hỏa thiêu đốt phần âm, thì biết là âm hư; không có hỏa mà mồ hôi ra là khí ở phần biểu không vững, thì biết là dương hư.
  • Thức thì khí vận hành ở phần dương, ngủ thì khí vận hành ở phần âm; dương ở ngoài là vệ, dương hư không bảo vệ được, mà tự ra mồ hôi, âm ở trong là vinh, âm hư không vinh dưỡng được mà ra mồ hôi trộm, đó là phép xưa.
  • Nếu dựa ở chỗ có hỏa, không hỏa để chia âm dương thực là lý luận cốt yếu mà ngàn xưa chưa phát minh được.
  • Có người nói: chứng mồ hôi trộm không khỏi mà có hỏa thời là âm không tự giữ được, không có hỏa thời là dương không củng cố được, cũng là lẽ ấy.
Nôn rồi mới khát ấy là bệnh muốn khỏi.
Khát rồi mới nôn, ấy là thủy tà đình tích ở dưới tâm.
người bệnh nôn vốn phải khát, nay lại không khát là vì dưới tâm có thủy ẩm đọng lại.
  • Lời bàn này thật chí lý, rất có ý tứ sâu sắc, vì nôn thời tân dịch bị khô kiệt mà khát, khát thời nước đình tích mà phát nôn, nếu nôn không khát thời biết rằng dưới tâm có thủy ẩm đọng lại.
Bệnh ỉa chảy thuộc hư hàn, không phải là thủy có thừa mà thực ra vì hỏa không đủ.
Nước tiểu không thông vốn không phải thủy không thông lợi mà chính vì khí không lưu hành.
  • Hễ vì hàn mà sinh ỉa chảy là do hỏa ở mệnh môn suy không thể bốc lên tỳ thổ, thổ vốn ưa ráo mà ghét ướt cho nên thổ hư là hỏa hư, hư thời không vận hóa được, cơm nước dồn xuống đại tràng mà thành ra ỉa chảy, ấy là hỏa không đủ, chứ không phải thủy có thừa.
  • Thủy mà không có khí thời không lưu hành được. Phế chủ điều tiết phần khí lưu thông thủy đạo dẫn xuống bàng quang. Nếu phế khí không thông xuống thời thủy đạo bị tắc nghẽn ấy chính vì “mẹ” của thủy mất chức năng, chứ không phải “con” của kim bị ngừng trệ.
  • Bài Ngũ linh thang mà dùng Quế là có ý chuyên trọng phần khí, không phải một mình thuốc lợi tiểu tiện (thấm lợi) mà có thể thành công được.
Vị vốn thuộc thổ, không có hỏa thì không sinh được, không có khí ấm nóng thời không hóa được.
Thổ hàn tức là thổ hư, thổ hư tức là hỏa hư, cho nên tỳ thích ấm ghét lạnh, thổ ghét ướt mà thích ráo.
Cho nên vì hỏa mà nôn thời ít, vì hàn mà nôn thời nhiều, vị thực mà nôn thời ít, vị hư mà nôn thời nhiều.
  • Nội kinh nói: “Các chứng ói ngược xông lên đều thuộc hỏa”; nhưng hỏa có hư hỏa, có thực hỏa; thực là nhiệt, hư là hàn.
  • Cho nên nói ăn không vào được là có hỏa, ăn vào nôn ra là không có hỏa.
Hư mà khát nhiều là thận thủy kém, đòi nước để tự cứu.
  • Hễ nhiệt thịnh thời tân dịch tiêu hao, không thể không khát; nhưng hình hư mạch hư, tuy khát mà không uống được, hoặc uống được mà không uống nhiều, ấy là khô chứ không phải khát, vì nhiệt thời hại phần âm, chân âm thiếu thốn, huyền phủ (thận) khô khan, cần nước ở ngoài để tự cứu.
Hư mà suyễn gấp là âm hư phế cách trở, khí không về được.
  • Phế chủ phát khí ra, thận chủ nạp khí vào, phế là chủ của khí, thận là gốc của khí.
  • Hư mà suyễn là chân âm của thận hư, không nạp được khí, khiến cho khí không có sức trở về nơi căn bản, cho nên chạy ngược lên.
Hầu khô, họng đau là chân thủy ở dưới kém, hư hỏa bốc lên.
  • Chân thủy kém thời tướng hỏa nóng bốc lên cổ họng, ví như ống khói ở nhà bếp, lửa cháy thời khói bay ra, cho nên hầu khô, họng đau.
Không ngủ được mà tinh thần hoảng hốt là huyết không dưỡng được tâm, thần không có chỗ nương náu.
  • Hễ người ta nằm xuống thời huyết đổ về can, vệ khí nhập vào phần âm nên ngủ được, và thần yên thời ngủ yên.
  • Tâm tàng thần, thống huyết, huyết hư không thể nuôi được tâm, thần không có chỗ dựa cho nên bốc lên mà hoảng hốt.
Thường thường hay phiền táo là trong phần dương không có âm, là nhu không ức chế được cương.
  • Phiền thuộc dương, táo thuộc âm, âm dương tác dụng lẫn nhau, trong dương không thể không có âm, trong âm không thể không có dương, cương nhu cùng giúp nhau.
  • Nếu phiền táo lúc phát lúc khỏi là trong dương không có âm, vì dương chủ động mà âm chủ tĩnh.
Dễ sinh giận dữ hoặc gân rút nhức đau là thủy kém, mộc táo, can không có chỗ nương tựa.
  • Can chủ sự giận dỗi, gân thuộc về can, can chứa huyết, huyết nuôi gân do thận thủy sinh ra, nếu thủy kém thời can mất chỗ nhờ mới sinh ra chứng ấy.
  • Nội kinh nói: “Huyết thực thời mừng, huyết hư thời giận”, cũng là lẽ ấy.
Ăn uống không ngon, bắp thịt teo dần, là tỳ bị suy kém, cơ năng sinh hóa mỗi ngày một hư hỏng.
  • Tỳ chủ về ngũ vị, chủ về bắp thịt, khi ăn uống vào vị, tỳ chủ việc vận hóa để sinh huyết sinh tinh mà các xương được nuôi dưỡng.
  • Là nguồn gốc sinh hóa của hậu thiên tỳ thổ, mà suy kém thời hình thể gày yếu, cơ năng sinh hóa ngày một bại hoại cho nên hễ thấy bắp thịt gày róc quá mau đều là chứng không chữa được, đó là vị đã bại rồi.
Thận hư mà nhiều đờm hoặc như nước trong, hoặc nhiều bọt dãi ấy là nước tràn lên thành đờm, tỳ hư không ức chế được thủy.
  • Phàm thận thủy suy không sinh được huyết, nước tràn lên thành đờm, đờm trong loãng mà nhiều dãi, nhưng cũng vì tỳ thổ hư, không ức chế được thủy, cho nên nói: “đờm hóa ở tỳ, gốc ở thận”.
Xương đau như gãy là chân âm đã bại liệt.
  • Thận chủ xương, Sách nói: “Xương của con người chỗ nào cũng thuộc thận”, chân âm trong thận là nguồn gốc của tinh tủy, hư thời tủy kiệt xương khô mà đau.
Đầu gối trở xuống lạnh là mệnh môn suy kiệt, hỏa không về được nguyên chỗ.
  • Mệnh môn chủ về hạ bộ; chân là bộ phận chí âm; mệnh môn hỏa hư thời hỏa không về được nguyên chỗ; trong phần âm không có dương mà dưới gối lạnh.
  • Cho nên hễ bệnh lạnh quá đầu gối ấy là cơ chế vong dương.
Nước tiểu vàng gắt bí rỉ, ấy là chân âm hao kiệt, khí không hóa được thủy.
  • Thủy không có khí thời không lưu hành, khí không có thủy thời không hóa sinh.
  • Khí tức là hỏa, chân âm suy kiệt, dương không có chỗ dựa là khí không có thủy, cho nên không thể hóa được.
Gan bàn chân nóng như cháy bỏng là hư hỏa thiêu đốt chân âm, huyệt Dũng tuyền bị khô kiệt.
  • Chân là nơi chí âm, huyệt Dũng tuyền ở gan bàn chân là đường đi ngầm của thủy.
  • Âm hư thời hỏa lấn đốt phần âm làm cho thủy kiệt, cho nên gan bàn chân nóng như cháy bỏng.
Đờm sinh hóa ra là do ở tỳ, căn bản của đờm là do ở thận.
Hễ là chứng đờm không ở tạng nọ thì ở tạng kia.
  • Vị thu nạp cơm nước, tỳ biến hóa ngũ vị, chất trong là tinh huyết, chất đục là đờm dãi, cho nên nói đờm mượn chất dịch ở ngũ vị, ấy là đờm hóa ra ở tỳ.
  • Thận thuộc thủy làm chủ cả ngũ dịch, cho nên nói thận thủy hư mà thủy tràn lên thành đờm, ấy là gốc của đờm ở thận.
Bệnh đờm của tỳ, có hư có thực; thấp trệ thái quá là tỳ thực.
Thổ hư không ức chế được thủy là tỳ hư.
  • Phép chữa đờm, thực thời công, hư thời bổ, nhưng công phải có thứ tự, bổ phải theo từ chỗ hóa nguyên mới là đúng phép.
  • Vì hỏa thực thời nên tiêu, nên trục; thủy hư thời hành khí giáng hỏa; hỏa hư thời bổ thiếu hỏa để sinh thổ, khiến cho việc kiện vận như thường, mà đờm tự khắc tiêu đi.
  • Tôi xét trong sách nói: “Chữa đờm không có phép bổ”.
  • Các nhà bàn luận đều bài bác, sao không xem 370 vị thuốc của Thần Nông tuyệt nhiên không có vị nào dùng để trợ đờm, huống chi là bổ. Nếu muốn bổ cũng không có thuốc.
  • Nhưng bệnh đờm phần nhiều do hư, hư mà không bổ thì còn đợi gì.
  • Tôi đã bàn về chữa đờm không có phép bổ, cũng không có phép công ở quyển Đạo lưu dư vận rất kỹ, nên tham khảo thêm.
Đờm là biến chất của tân dịch, cũng như sương mù ở không gian.
  • Người ta sở dĩ sống được là nhờ khí của cơm nước, khí ấy sinh ra tân dịch, ngưng kết lại thành bệnh, hao kiệt hết thời chết.
  • Đờm là biến chất của tân dịch, cũng là một vật để dưỡng sinh.
  • Không gian có thể không có sương mù được chăng? Người ta có thể không có đờm dãi được chăng?
  • Phương thư nói: “người hư yếu không nên làm cho tiêu hết đờm” chính là có ý thận trọng như thế đó.
Đờm của thận tạng đều là hư, vì hỏa không sinh ra được thổ tức là hỏa không chế được thủy, dương không thắng được âm ắt thủy xâm lấn tỳ ấy là hỏa trong phần âm bị hư.
Nếu hỏa thịnh đốt cháy phần âm, thời tinh không yên chỗ, tân dịch khô kiệt thời kim thủy tàn sát lẫn nhau, đều là thủy trong phần âm bị hư.
Đó là nói chứng hư thực của tỳ thận không giống nhau, phải nên phân biệt cho rõ.
  • Thận là nơi chí âm, bên tả với bên hữu có hai khiếu là chân thủy và chân hỏa.
  • Sách nói: Thận hư có hai chứng tức là chứng thủy của chân âm bị hư và chứng hỏa trong phần âm bị hư.
  • Thủy hư nên phải bổ thủy để chế ước cái chói sáng, hỏa hư thời bổ hỏa để tiêu tan mây mù vẩn đục; ấy là thuốc hay để bổ thủy hỏa, phép giỏi để điều hòa âm dương.
Đờm vốn là tân dịch trong nhân thể, nó tùy theo vị trí tà cảm vào mà thành ra tên bệnh.
  • Đờm là biến chất của tân dịch, cùng loài mà khác tên, người ta nhờ vào tân dịch mới sống được. Khí của các chất ăn uống sinh ra thứ tân dịch ấy.
  • Vì chính khí bị hư không có sự cai quản, tà thừa hư lẻn vào, khích động cho ra đờm chứ không phải vì đờm mà sinh ra bệnh, thực ra vì bệnh mà sinh đờm.
Đờm ngưng tụ thời khí bế tắc, hỏa thịnh thời âm kém.
  • Đờm ngưng tụ lại thì tắc họng thành khí không thể đưa lên thì khí bế tắc.
  • Nhiệt thịnh làm tổn thương âm huyết, huyết càng tổn thời hỏa càng thịnh mà chân âm suy kém.
​Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.