YTTL: Y gia quan miện 7

Y gia quan miện (những vấn đề mấu chốt của nhà y) phân tích, tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học bệnh lý và trị pháp.

Phần 7: Cách sử dụng thuốc
Thuốc có chia ra quân, thần, tá, sứ, có phép tòng trị, nghịch trị, phản trị, chính trị, có vị đậm, vị nhạt, vị nhẹ, vị nặng, có vị sợ nhau, ghét nhau, phản khắc nhau. Quân tức là đầu vị, thần là vị thuốc giúp sức cho đầu vị, tá là hỗ trợ, sứ là để sai khiến, đấy là căn bản của phép chế phương. Nghịch là công phạt thẳng vào bệnh, tòng phải thuận theo chiều bệnh, phản là phép chữa trái ngược lại, chính là phép chữa chính thường, đó là phép chữa bệnh.
  • Đầu vị phải là hàn, phải là nhiệt, hoặc tán hoặc thu là quân, còn như vị thuốc không chịu trách nhiệm chính mà chỉ giúp đỡ là thần, làm cho các vị chịu đựng nhau, chia xẻ nhau, hòa hợp với nhau là tá, hoặc công kích hoặc phát tiết hoặc dẫn lối đưa đường là sứ.
  • Phá chứng hàn phải dùng thuốc nhiệt, đuổi chứng nhiệt phải dùng thuốc hàn, trừ chứng táo phải dùng thuốc nhuận, trừ chứng thấp phải dùng thuốc tiết lợi, đó là nghịch trị, nghĩa là công phạt lại bệnh tà. Chữa chứng động kinh nên bình can, chữa chứng tổn thương nên ôn bổ, chữa chứng kiết kỵ ỉa chảy thì nên thu sáp, chữa chứng tích rắn thì nên phá vỡ, đó là phép tòng là thuận theo.Bệnh nhiệt dùng thuốc hàn để chữa nhưng muốn dẫn thuốc hàn để công nhiệt, thì phải mượn sức nhiệt. Như bệnh Dương minh bốc nóng, đại tiện táo bón, dùng Đại thừa khí thang đem Đại hoàng chế với rượu và uống nóng. Bệnh hàn dùng thuốc nhiệt để chữa, nhưng muốn dẫn thuốc nhiệt vào để trừ hàn, thì phải mượn chất hàn, như bệnh Thiếu âm đi tiêu chảy, uống những loại Phụ tử, Can khương không khỏi, phải dùng Bạch thông thang gia thêm nước tiểu và mật heo. Loại bệnh bế tắc cần chữa bằng thuốc khơi thông, nhưng muốn trừ tắc phải mượn những thứ tắc, như chứng lồng ngực và bụng buồn phiền hoảng sợ, tiểu tiện không lợi, dùng Tiểu sài hồ gia Long cốt, Mẫu lệ. Bệnh thông dùng thuốc tắc để chữa, nhưng muốn đem chất tắc để vít bệnh thông, thì phải mượn chất thuốc thông, như chứng bệnh Thái dương trúng phong dưới tâm bĩ kết tức cứng thì dùng loại thuốc như Thập táo thang, đó là phép chữa trái ngược lại.
  • Chữa bệnh sâu xa thì dùng tễ lớn, bệnh gần dùng tễ nhỏ. Chữa chủ bệnh thì nên thong thả (hoãn tễ), chữa khách tà phải nên chữa mau (cấp tễ). Đó là phép chữa chính thường.
  • Chất trong nhẹ thành ra tượng, chất nặng đục thành ra hình, chất thanh dương phát ra tấu lý (thớ thịt, lỗ chân lông), chất trọc âm trở về ngũ tạng. Chất trong nhất ở phần trong để nuôi tinh thần. Chất đục nhất ở phần đục làm vững mạnh gân xương. Vị tân cam (cay ngọt) phát tán là dương. Vị khổ toan (đắng chua) làm cho mửa tháo là âm.
  • Khí là dương, khí nồng là dương trong dương, khí nhạt là âm trong dương, khí nhạt thì làm cho phát tiết ra ngoài, khí nồng thì làm cho bốc nóng.
  • Vị là âm, vị đậm là âm trong âm, vị nhạt là dương trong âm, vị nhạt thì làm khơi thông, vị đậm thì thấm nhuần tùy theo từng loại, loại nào theo về loại ấy.
  • Vị sợ nhau (úy) tức là vị này sợ vị kia, ức chế lại nó làm cho nó không tự ý phát triển được tính năng.
  • Vị ghét nhau (ố) là vị này ghét vị kia, trái lại với nó làm cho không được tự nhiên. Song trong những vị sợ ghét nhau là nhờ khi chế phương khéo xếp đặt số lượng nhiều ít nhẹ nặng được thích hợp.
  • Còn đến những vị phản khắc nhau tức là có tính chất thù địch không dùng chung với nhau được. Song những bệnh có nhiều độc tà thì phải dùng chất thuốc có nhiều độc để công phạt cho mau chóng, tuy rằng tính nó phản nhau nhưng cũng có cái hay là giúp nhau thành công được, linh động ở chỗ đó, thầy giỏi thì dùng thế nào cho thích đáng.
  • Những thứ thuốc tuy có sức rất mạnh, song chẳng qua chỉ là cái tinh hoa của cây cỏ, tất nhiên phải nhờ vào chính khí của con người thì mới vận chuyển và đạt kết quả được. Nếu khí trung tiêu thiếu quá, dẫu có uống Đại hoàng, Phác tiêu cũng không thể hạ được, âm dịch khô cạn, tuy rằng cho uống Cửu vị Khương hoạt hay Ma hoàng thang cũng không ra được mồ hôi. Khí nguyên dương đã thoát hết, thì mặc dù uống thuốc nhiệt cũng không thấy nóng. Chân âm khi đã hao kiệt thì dẫu cho uống thuốc hàn cũng không biết gì là lạnh.
​Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.