Y gia quan miện (những vấn đề mấu chốt của nhà y) phân tích, tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học bệnh lý và trị pháp.
Phần 3: Bát quái
- Càn liền 3 Khôn sáu hở
- Ly khuyết giữa Khảm đầy giữa
- Cấn chén úp Chấn chén ngửa
- Đoài khuyết trên Tốn dưới vỡ
- Đó là 8 hình tượng của bát quái.
- Càn Khảm Chấn Cấn là dương, Tốn Ly Khôn Đoài là âm, đó là cách chia bát quái ra làm âm dương (trong bát quái thì Càn và Khôn làm đầu, chủ về âm dương.
- Tại sao Khảm Chấn Cấn nhiều hào âm mà lại thuộc dương, Tốn Ly Đoài nhiều hào dương mà lại thuộc âm? Bởi vì dương ở trong âm là thiếu dương biến theo quẻ Càn, âm ở trong dương là thiếu âm hóa theo quẻ Khôn, cho nên lệ thuộc càn và khôn làm tiêu biểu cho âm dương, học giả thấy đó sẽ rõ.
- Càn số 1, Đoài số 2, Ly số 3, Chấn số 4, Tốn số 5, Khảm số 6, Cấn số 7, Khôn số 8 (đó là số quẻ của tiên thiên hà đồ). Càn số 6, Khảm số 1, Chấn số 3, Cấn số 8, Tốn số 4, Ly số 5, Khôn số 2, Đoài số 7 (đó là số quẻ của hậu thiên lạc thư).
- Dịch/ tiên thiên nói: “Thiên nhất sinh thủy là lấy theo số 1 của càn”. Dịch/ hậu thiên nói: “Địa nhị thành chi là theo số 2 của khôn”, đó là thủy hỏa vô hình của tiên thiên hậu thiên.
- Nhà Y cho rằng thận ở vào quẻ Khảm là vì một hào dương nằm giữa hai hào âm là mệnh môn hỏa, tức là thiên nhất sinh thủy nó thuộc về tiên thiên là thứ thủy hỏa vô hình, còn tâm, can, tỳ, phế, thận là hữu hình đều thuộc về hậu thiên.
- Càn Đoài sắc trắng thuộc về phương tây, Chấn Tốn sắc xanh thuộc về phương đông, Ly sắc đỏ thuộc phương nam, Khảm sắc đen thuộc phương bắc, Khôn Cấn sắc vàng thuộc trung ương, đó là bát quái thuộc vào ngũ sắc ngũ phương.
- Can thuộc quẻ Chấn (chấn là sấm cho nên gọi là lôi hỏa).
- Đởm thuộc quẻ Tốn (tốn là phong cho nên gọi là phong hỏa).
- Phế thuộc quẻ Càn (càn là trời, phế chủ về điều hòa tiết chế tựa như khí trời đưa xuống dưới).
- Tỳ thuộc quẻ Khôn (khôn là đất, tỳ khí đưa lên vào phế tựa như khí đất thông lên trời).
- Vị thuộc quẻ Cấn, tâm thuộc quẻ Ly (quẻ ly khuyết ở trong cho nên nói trong tâm có chất dịch đỏ tức là chân âm)
- Thận thuộc quẻ Khảm (khảm là rồng cho nên gọi là long hỏa, long hỏa ghé với can hỏa gọi là long lôi hỏa).
- Đại tiểu trường thuộc quẻ Đoài, đó là ngũ tạng quy nạp vào bát quái.
- Quẻ Khảm ở trên, quẻ Ly ở dưới là thủy hỏa ký tế, kinh Dịch nói: “Cương và nhu được bình thường thì địa vị đúng”, ở trong nhân thể khí thận thủy đưa lên tâm, khí tâm hỏa đưa xuống thận, là khí của tâm thận giao nhau gọi là “thủy hỏa ký tế” thì sẽ không có bệnh.
- Quẻ Ly ở trên, quẻ Khảm ở dưới là “thủy hỏa vị tế”. Kinh Dịch nói: “không đúng vào bản vị thì cương và nhu đều mất công dụng”. Tâm hỏa trong con người không giao xuống với thận, thận thủy không đạt lên trên với tâm, đó là khí của tâm thận chưa giao nhau, là “thủy hỏa vị tế”, như vậy thì phát sinh mọi bệnh.
- Quẻ Khôn ở trên, quẻ Càn ở dưới gọi là “địa thiên thái”, kinh Dịch nói: “Trời đất giao hòa thì vạn vật được hanh thông”. Trong nhân thể khí tỳ thổ đưa lên phế, khí phế kim đưa xuống tỳ thì các nước tinh vi phân bố mọi nơi khắp trong ngũ tạng là Thái. Đó là âm dương giao mà khí huyết điều hòa.
- Quẻ Càn ở trên, quẻ Khôn ở dưới là “thiên địa bĩ”. Kinh Dịch nói: “Trời đất không giao hòa thì vạn vật không thông”, ở trong nhân thể thì âm khí của tỳ không thăng lên tới phế, dương khí của phế không giáng xuống tới tỳ, âm dương cách trở nhau, trên dưới không thông với nhau là Bĩ. Đó là bệnh quan cách.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.