YTTL: Y gia quan miện 12

Y gia quan miện (những vấn đề mấu chốt của nhà y) phân tích, tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học bệnh lý và trị pháp.

Phần 12: Mạch bệnh và mạch ngũ tạng

I. MẠCH NỘI NHÂN - NGOẠI NHÂN
1. Mạch nội nhân
  • Mừng hại tâm thì mạch hư.
  • Nghĩ hại tỳ thì mạch kết.
  • Lo hại phế mạch thường sắc.
  • Giận hại can thì mạch nhu.
  • Sợ hại thận thì mạch trầm.
  • Kinh hãi hại đởm thì mạch trì trệ.
  • Xót thương quá tổn thương bào lạc thì mạch khẩn.
  • Đó là các mạch nội nhân vì thất tình báo hiệu ở khí khẩu.
2. Mạch ngoại nhân
  • Mạch khẩn thấy ở bộ thận là thương hàn.
  • Mạch hư tìm thấy ở bộ tâm bào là thương thử.
  • Mạch sắc thấy ở bộ phế là thương táo.
  • Mạch hoãn thấy ở bộ tỳ tế hoãn là thương thấp.
  • Bộ can phù thì thương phong.
  • Bộ tâm nhược thì thương hỏa.
  • Muốn xét tà lục dâm cảm vào người, thì nên nhận định như trên, để tránh khỏi sự nhận định hàn nhiệt lẫn lộn.
II. BÁT MẠCH KỲ KINH
1. Mạch Đốc: khởi đầu từ huyệt Hạ cực, theo trong xương sống lên đến huyệt Phong phủ, vào thuộc trong óc. Đốc nghĩa là đô hội, chỗ đô hội của các mạch dương, chủ về nam giới.
2. Mạch Nhâm: khởi đầu ở dưới huyệt Trung cực, đi lên đến chòm lông mu, theo vào trong bụng lên qua huyệt Quan nguyên tới yết hầu, lên tới cằm vào mắt, liên lạc vào lưỡi, nó là cái bể để chứa các mạch âm, nguồn gốc sinh đẻ ở đó, chủ về nữ giới.
3. Mạch xung: khởi đầu từ huyệt Khí nhai (khí xung) nơi phát nguyên của vị kinh cùng với Túc dương minh đi kèm bên rốn đến giữa ngực rồi tản ra.
4. Mạch Đới: khởi đầu từ dưới mạng sườn, vòng ngang lưng một vòng như cái dây nịt.
5. Mạch Dương kiểu: khởi đầu ở giữa gót chân, đi quanh ra mắt cá ngoài lên đến huyệt Phong trì, mạch đi đằng sau lưng, thuộc dương.
6. Mạch Âm kiểu: khởi đầu ở giữa gót chân đi lên mắt cá đến yết hầu giao với mạch xung. Mạch đi ở phía trước bụng, là thuộc âm.
7. Mạch Dương duy: khởi đầu ở nơi hội họp của các mạch dương.
8. Mạch Âm duy: khởi đầu chỗ giao nhau của các mạch âm, duy nghĩa là giằng giữ, vì âm dương không giằng giữ lấy nhau, cho nên phát ra bệnh. Song bệnh ở kỳ kinh không phải tự nó sinh ra, đều do các kinh kia tràn tới.
II. CHỦ BỆNH CỦA KỲ KINH
  • Bệnh của Dương duy hay có chứng nóng lạnh.
  • Bệnh của Âm duy hay có chứng đau trong ngực.
  • Bệnh của Dương kiểu thì dương khí cấp bách sinh ra mê cuồng chạy bậy.
  • Bệnh của Âm kiểu thì âm khí cấp bách hay chạy.
  • Bệnh của mạch Xung thì khí từ dạ dưới nghịch lên mà trong bụng trướng lên đau đớn.
  • Bệnh của mạch Đốc thì xương sống lạnh cứng, đau như gãy.
  • Bệnh của mạch Nhâm, về nam giới thì sinh chứng sán khí, về nữ giới thì sinh bệnh bạch đới hạ.
  • Bệnh của mạch Đới thì trong bụng đầy ăm ắp như trong có nước. Hai kinh mạch Xung, Nhâm của phụ nữ lại là nơi sinh ra sữa, huyết và kinh nguyệt, nam và nữ chỉ khác nhau chỗ đó
III. MẠCH NGŨ TẠNG
1. Mạch Tâm xuất hiện ở ba bộ (Sinh mạch)
  • Mạch 3 bộ đều sác là nhiệt ở tâm, trên lưỡi mọc mụn, ngoài môi nứt nẻ (Sác là hiện mạch của hỏa. Ba bộ đều sác là tạng tâm bị tà nhiệt nóng quá làm cho tâm bị nóng). Nên uống Thanh tâm liên tử thang. Miệng lưỡi mọc mụn, nên uống Toàn chân nhất khí thang gia Liên nhục, bội Mạch môn; hoặc Lục vị thang gia Ngưu tất, Ngũ vị, Mạch môn, Liên nhục.
  • Nói mê cuồng, nhắm mắt thấy quỉ, khát nước uống nhiều. Tiếng nói là tiếng của tâm, quỉ là âm khí của tâm, tâm nóng quá thì miệng sinh nói nhảm nói cuồng, nên uống Đạo xích tán, chữa Tiêu khát, nên uống Toàn chân nhất khí thang bội Mạch môn; hoặc Lục vị địa hoàng thang gia Ngũ vị, Mạch môn, Ngưu tất.
Mạch tâm
  • Tâm mạch khâu là dương khí bị uất sinh ra nói cuồng hoặc thường sinh ra đi lỵ và thổ ra huyết.
  • Mạch khâu chủ về huyết, huyết không được lưu lợi thì khí không được thông, cho nên dương bị uất, sinh nói cuồng. Mạch khâu ở bộ tâm là tích huyết ở trong lồng ngực; khí xông lên thì thổ, khí hãm xuống thì đi lỵ, thành ra vừa lỵ vừa thổ huyết.
  • Tâm đi mạch khâu nên uống: Đương quy 1 lạng, Cam thảo sống 5 phân, Hồng hoa, Tô mộc đều 1 đồng. Chứng huyết lỵ nên dùng Đương quy Thược dược thang gia Hòe hoa và Can khương sao đen. Nếu có cả chứng đi lỵ ra máu và chứng thổ huyết thì cho uống Bồi thổ cố trung thang gia Can khương sao đen.
  • Mạch tâm tràn qua bộ quan (dật quan) thì đau xương, lòng buồn bực vật vã, lại kiêm có chứng mặt đỏ bừng. Mạch dật quan là mạch đi tràn qua bộ quan lên mãi tới trấy tay, nóng bừng bừng đỏ dữ, xương đau, tâm buồn bực, nên bổ huyết làm mát tâm hỏa. Đầu mặt đỏ, nên uống Mạch vị địa hoàng thang bội Thục địa.
  • Mạch đại thực là vì có phong, mặt đỏ bừng sinh ra khô táo đau nhức. Bởi vì tâm có nhiệt, nhiệt thì sinh phong, cho nên biết rằng nó sinh chứng mặt đỏ mà trong mình có phong; có phong có nhiệt nên sinh bệnh táo, mặt đỏ bừng tức là đỏ gay, có phong có nhiệt mặt đỏ bừng nên uống Lục vị thang gia Sinh địa bội Mẫu đơn.
  • Mạch tâm vi là hàn, tâm bị hoảng sợ, có chứng nóng rét (mạch tâm nên phù đại mà tán, lúc suy kém thì hiện mạch vi). Mạch vi chủ về hàn và hoảng sợ, bệnh nóng lạnh nên uống Dưỡng vinh Quy tỳ thang hoặc Thập toàn bổ chính thang.
  • Mạch cấp thì trong tiểu tràng đau không thông (Thông Tân Tử nói: “Mạch sác quá là cấp, cấp tức là khí cấp. Tiểu tràng là phủ của tâm. Mạch tâm cấp là chủ về khí tiểu tràng cấp bách đau nhức, hai đường tiện không thông lợi”). Nếu tiểu tràng đau cấp, nên uống Tiểu kiến trung thang gia Trầm hương, Ô dược. Nếu trong ruột đau gò, đại tiểu tiện không thông lợi, nên uống Ngũ linh tán gia Mộc thông, Chỉ xác, Binh lang và chút ít Đại hoàng.
  • Mạch thực đại kiêm có mạch hoạt, lưỡi trơn, tâm thường bị kinh sợ, nói năng ngượng ngịu khó khăn. Nếu lưỡi trơn nói năng khó khăn thì nên uống Thanh tâm liên tử thang, hoặc Lục vị thang gia Liên nhục bội Mẫu đơn.
  • Chỉ có mạch hoạt là tâm nhiệt chứ không có bệnh (Khiết Cổ nói: Đó là tà). Nên uống Tứ vật thang gia Liên nhục, Đăng tâm.
  • Mạch tâm sắc không có lực, biếng nói (vì bản thân nó không đầy đủ cho nên vợ tới khắc chồng). Nên uống Quy tỳ thang bỏ Mộc hương.
  • Mạch tâm trầm khẩn là đau lạnh ở trong (gọi là tặc tà) nên uống Quy tỳ thang bội Quế, uống xen kẽ với Ngũ linh tán hoặc Ô dược Trầm hương hoàn.
  • Mạch tâm huyền trường là trong tâm khó chịu và có chứng tâm huyền.
(Đoạn này là nói tiếp với đoạn trầm khẩn) trong tâm đau lạnh mà huyền, trường là can tà vào tâm, làm cho tâm khó chịu và tâm huyền, đều là trỏ vào tặc tà của thủy đến khắc hỏa, cho nên chứng tâm huyền tựa như người bệnh đói. Linh khu nói: Thận kinh động thì bệnh, như mạch huyền khẩn có đới trầm là thận thủy khắc tâm hỏa, bộ tâm thấy mạch huyền là mẹ đến hại con, nên cho uống Quy tỳ thang gia Mẫu đơn, Bạch thược.
2. Mạch Can xuất hiện ở ba bộ
  • Ba bộ đều huyền là can khí có thừa, trong mắt đau nhức, bụng dưới kết đau. (Mạch huyền xuất hiện ở cả ba bộ là can khí có thừa. Can khai khiếu ở mắt, nên khi can khí có thừa thì mắt nhức đau; Đường kinh của nó thì đi quanh tiền âm, khí lên bụng dưới cho nên có bệnh thì đau trằn bụng dưới.
  • Khi giận bực trong lòng muốn thét to lên, mắt kéo màng che khuất con ngươi, nước mắt chảy ra. (Can khí có thừa thì hay giận bực, tức trong lòng thường muốn thét to lên. Can khí có thừa, khí sinh phong, phong nhiệt công lên trên mắt kéo màng che khuất con ngươi mà chảy nước mắt không ngớt, nên uống Tiêu giao tán gia Cúc hoa hoặc Lục vị thang gia Đương quy, Bạch thược.
​Mạch can
  • Nhuyễn và huyền là không có tà. (Đó là mạch hơi huyền gọi là can bình hòa, còn dưới đây đều là mạch can bệnh cả). Nên uống Lục vị gia Quế có tên là bài Thất vị.
  • Thấy mạch khẩn là có chứng gân căng cấp (thấy căng cấp) mà mạch tất thấy khẩn, mạch bộ can đi thẳng, nên cho uống bài Thất vị gia Mộc tặc.
  • Thấy mạch phù đại kiêm thực, mắt đỏ và mờ tối như có vật gì che lấp (Đó là trong mộc có hỏa) cho uống Tiêu giao tán gia Hoàng cầm hoặc uống Long đởm tả can thang.
  • Mạch Dật từ bộ quan dập quá thốn khẩu thì chóng mặt, mờ mắt, nặng đầu và đau gân (Mạch ở bộ quan lên đến trấy tay). Mạch tràn qua thốn khẩu là mộc thịnh mà phong nổi dậy. Gân thuộc mộc, thốn bộ là chỉ vào bộ phận trên có bệnh, chóng mặt, mờ mắt, nặng đầu và đau gân, nên uống Tiêu giao tán gia Thanh bì bỏ Bạch thược.
  • Thấy mạch khâu thì mắt mờ tối, hoặc thổ huyết, chân tay khó duỗi không đi được. (Mạch khâu chủ về huyết ngừng trệ không lưu hành; bộ can đi mạch khâu là can không đưa được huyết để nhuần tưới cho nên mắt tối, huyết ngưng trệ thì không về kinh được hoặc trào lên, hoặc thổ huyết mà không nuôi được gân, thì gân lợi không tự cầm giữ được, nên uống Lục vị thang gia Táo nhân để dẫn huyết về can kinh.
  • Can mạch sắc là vì huyết hư mà tản tác đi, sinh ra sưng gân, sườn đầy tức. (Mạch sắc thuộc kim; kim đến khắc mộc. Can hư không tàng được huyết, cho nên gân sưng, sườn đầy tức, sườn là thuộc bộ vị của can mà kinh của nó cũng ở chỗ đó, nên uống Lục vị thang).
  • Hoạt là can nhiệt, liên hệ tới đầu mắt. (Mạch can hoạt là can có nhiệt, can khí thông vào mắt, kinh nó lên đến đỉnh đầu, cho nên liên hệ tới đầu mắt). Can nhiệt nên uống Bát vị Tiêu giao.
  • Khẩn, Thực, Huyền, Trầm là có huyễn tích. (Bộ can thấy có bốn thứ mạch này, là có sinh ra bệnh huyễn tích. Huyễn là có khối mà ấn vào thì không có gì. Tích là trong ruột đau đi lỵ ra máu và đờm; đều là bệnh ở bụng dưới). Bộ can thấy bốn thứ mạch này thì nên uống Tiểu kiến trung thang.
  • Mạch vi nhược phù tán là can khí hư mắt mờ tối nẩy đom đóm, không nhìn lâu được. (Can khí bị hư nhìn lâu lóa mắt uống Định tâm thang kèm với Bát vị hoàn).
  • Mạch phù quá, gân yếu người không sức, gặp phải mạch này thì chân tay mềm yếu. (Mạch can phù quá là kim vượng mộc suy; mộc suy thì gân bị thương, mà không thể tự duy trì được vững chắc. Mạch can phù nên uống Tiêu dao tán. Nếu thấy bụng trướng nên dùng bài Gia vị Bồi thổ cố trung thang.
3. Mạch Thận xuất hiện ở ba bộ
  • Ba bộ đều trì là thận tạng hàn, da khô sít, lông tóc khô rom.
  • Mạch trì thuộc âm, trì quá thì tạng có hàn. Ba bộ đều trì nên uống Quế Phụ Lý trung thang.
Mạch thận
  • Mạch thận tán là ngang eo lưng có khí ngưng trệ; mạch sắc và hoạt đi đái nhiều, trong hai chứng mạch tuy có tụ và tán khác nhau nhưng không nên bằng vào những điểm đó, nên cho uống Bát vị hoàn. Mạch thực hoạt thì tiểu tiện đỏ ít, đau buốt trong ngọc hành, đó là hỏa tràn lấn vào vị trí của thủy. Trương Khiết Cổ nói: nên cho uống Bát chính tán.
  • Mạch thực đại là bàng quang có nhiệt, tiểu tiện gắt. Mạch thực đại là mạch dương. Thận ở bộ vị âm, mà thấy hiện mạch dương, là dương tràn vào âm, cho nên nóng ở dưới, bàng quang có nhiệt, cho nên tiểu tiện đỏ ít không thông. Mạch thận thực đại nên uống Bát vị tiêu dao tán, nếu không có công hiệu thì uống Lục vị thang.
  • Mạch hoạt huyền thì ở lưng sườn nặng trĩu. Mạch trầm khẩn thì lưng sườn bị đau. Hoạt huyền là mạch phong thấp; Trầm khẩn là mạch phong hàn. Phong thấp thì trệ cho nên nặng nề; phong hàn thì khí ngưng đọng cho nên đau. Mạch huyền hoạt là mạch phong thấp, cho nên uống Trừ thấp thang . Mạch trầm khẩn là mạch phong hàn, nên uống Phụ tử lý trung thang. Mạch thận trầm nhu mà hoạt. Nếu nó chỉ hiện ở bộ vị thận là bình thường là thuận, cho nên không có bệnh.
  • Mạch thận phù khẩn thì tai điếc. Thận có phong thì hiện mạch phù khẩn. Thận khí thông ở tai, bị bệnh phong hàn cho nên tai không nghe thấy gì, nên cho uống Lục vị gia Xương bồ.
4. Mạch Phế xuất hiện ở ba bộ
  • Mạch ba bộ đều phù là phế tạng có phong, hay chảy nước mũi và nhổ ra đờm đặc.(Ba bộ thốn, quan, xích đều phù, là hỏa đến khắc kim, nên uống Sâm tô ẩm.)
  • Nóng dữ, sợ lạnh, đau ngoài da thịt, trên trán khô, hai mắt đau chảy nước mắt (Phong tà chạm vào phế thì sợ lạnh, nóng dữ. Phong thắng được thấp thành ra bệnh táo nhiệt, cho nên đau ngoài da. Phế hệ chằng ở trán, khi phế bị bệnh thì trán khô. Kim bị suy không chế được mộc và hỏa đều thịnh, cho nên hai mắt đau nhức, chảy nước. Nên uống Tiêu giao tán hoặc Tiểu sài hồ thang.
Mạch phế
  • Mạch phế phù và thực là trong họng khô đau, đại tiện táo khó đi, mũi chẳng ngửi thấy mùi gì (Đường lạc của phế qua cuống họng, đại tràng là phủ; mạch của nó đổ lên mũi. Mạch phù và thực là dương kết cho nên có bệnh này. Nên uống Sài hồ thang.
  • Mạch thực đại kiêm có hoạt, thì khô lông chảy nước mũi đặc và trong họng khô rộp, nên phải tả trừ hỏa. (Mùa hè chẩn thấy loại mạch này ở bộ phế, và có chứng bệnh như vậy là trong kim có hỏa, kim bị hỏa khắc nên mất sức điều tiết; phải uống Cam cát thang gia Tang bì, Mạch môn, Hoàng cầm).
  • Mạch tràn lên đến trấy tay là trong ngực đầy tức, khí bị tiết ra, đại tràng sôi réo. (Mạch phế ở vào bộ thốn tay phải. Phù đại thì mạch tràn lên tới trấy tay, bởi vì khí không thuần nên trong ngực đầy tức, khí bị hãm xuống dưới; cho nên khí tiết ra mà đại tràng thường hay sôi réo. Nên uống Lục quân tử thang gia Thương truật).
  • Mạch hơi phù kiêm có mạch tán là mạch bản chất của phế. (Như thế là mạch bình thường của phế, tuy phế có bệnh không cần chữa cũng khỏi).
  • Mạch huyền trong ruột lạnh kết lại. (Mạch phế mà huyền là kim yếu bị mộc lấn tràn, bởi vì đại tràng lạnh mà thành ra kết. Phép chữa nên dùng loại thuốc ôn thì sẽ thông).
  • Mạch khâu thì không có chứng đau dữ. (Phế chủ khí, mạch khâu chủ huyết, kinh đó nhiều khí ít huyết, khí hành huyết cũng hành, cho nên không có chứng đau dữ dội bất thường).
  • Mạch trầm tế lại kiêm hoạt là có chứng cốt chưng (nóng âm ỉ trong xương), lông da đều khô ráp và bệnh nóng lạnh. Mạch phế phù sác mà đoản, là bên ngoài, ứng hợp với lông da, nay lại hiện trầm tế mà hoạt biết là bệnh ở trong xương, nóng ở trong mà không tiết được ra ngoài. Nóng ở trong, lạnh ở ngoài cho nên trong xương thì nóng, ngoài da thì khô, khi nóng khi rét. Mạch phế hiện trầm tế mà hoạt sác nóng âm ỉ trong xương nên uống Tứ vật thang gia Địa cốt bì. Nếu mạch trầm tế mà không sác, nên uống Tứ quân thang gia Hoàng kỳ, Hoàng cầm.

5. Mạch Tỳ xuất hiện ở ba bộ

  • Ba bộ đều hoãn là tỳ có nhiệt, miệng hôi thối, phiên vị, nôn mửa. (Hoãn là âm mạch, các âm chứng đều là hàn.
  • Nay thấy mạch hoãn ở ba bộ mà Vương Thúc Hòa cho là tỳ nhiệt là tại sao? Vì mạch hoãn thuộc thổ, thổ chế được thủy; Thủy bị suy thì riêng hỏa được tự do đốt cháy, cho nên tỳ có nhiệt.
  • Tỳ khí thông lên miệng; tỳ nhiệt thì miệng hôi thối. Tỳ với vị liên hệ với nhau, mà khi gặp có nhiệt ủng tắc lên trên nên vị khí nghịch lên thường hay có chứng mửa. Nếu thấy vị nhiệt, thối mồm, ọe mửa, mạch sác nên dùng Tứ quân tử thang gia Thục địa, Hoàng cầm. Mạch ba bộ đều hoãn, nên uống Sâm phụ thang, Truật phụ thang hoặc Phụ tử Lý trung thang không nên quá câu nệ vào câu này).
  • Sưng chân răng, chảy máu; hỏa khí lưu lại, nóng lạnh từng hồi, sức nhọc mệt. (Nướu và chân răng bị chảy máu là vị nhiệt, vì rằng kinh mạch của vị đi lên tới răng, nên chân răng sưng hư biết là vị nhiệt. Nhiệt ở da thịt hỏa khí vương vấn, hỏa đến khắc thổ cho nên thường hay phát cả nóng lẫn rét mà sức thì mệt mỏi cũng nên dùng theo phương thức trên).
​​Mạch tỳ
  • Mạch tỳ thực mà phù, là tỳ vị hư có chứng tiêu trung miệng khô ráo, thích uống nhiều nước, ăn nhiều mà bắp thịt vẫn gầy. (Mạch tỳ thực mà phù, là trong thổ có hỏa, hỏa hóa được vật cho nên thành chứng tiêu trung mà tỳ vị hư. Tỳ khí thông ra miệng, khi thổ bị hỏa tà, thì chất ẩm ướt hóa thành khô ráo, tuy uống nước nhiều mà miệng vẫn khô, ăn nhiều mà bắp thịt vẫn gày và vẫn hư yếu. Vì rằng thức ăn uống đó không tưới nhuần được cho thân thể cho nên như vậy. Nên uống Tứ vật thang nóng quá gia Hoàng cầm hoặc Bổ trung ích khí thang gia Hoàng cầm, Cát căn).
  • Mạch chỉ thấy hoạt là tỳ nhiệt, hơi thở phần nhiều to. (Vị nhiệt thì hơi thở to. Nay ở đây lại nói là tỳ, là vì lấy nghĩa tỳ vị thông với nhau, nên uống Thanh tỳ ẩm).
  • Mạch sắc là có bệnh, ăn nhiều mà không nên da nên thịt. (Sắc là mạch phế, thấy hiện ở tỳ, là con tới khắc mẹ; vì thực tà làm ra bệnh cho nên ăn nhiều, hoặc ăn nhiều mà da thịt vẫn gày, nên uống Bồi thổ cố trung thang gia Mạch môn).
  • Mạch hơi phù là khách nhiệt làm tổn thương, khi nóng khi lạnh mà thưa dần. (Mạch tỳ hiện hơi phù, là nhiệt ở kinh khác lấn tới, chứ không phải là bệnh chính của bản thân kinh ấy. Tuy rằng nóng đó cũng không ở lại lâu, hoặc khi lui khi tới rồi sau thưa dần, tỳ vị được an toàn thì khách nhiệt tự rút lui. Nên uống Tứ quân tử thang gia Sài hồ).
  • Mạch tỳ khẩn là có đau ở Tỳ kinh và kiêm có chứng gân co quắp, muốn thổ không thổ ra được, hơi xông lên trong lòng nôn nao. (Mạch khẩn là mạch can, mà thấy hiện ở bộ tỳ là mộc khắc thổ thành ra đau đớn. Thổ bị khắc thì suy, thổ suy thì mộc mất sự hàm dưỡng, cho nên bị co quắp, muốn mửa không mửa được là buồn nôn xốc lên; buồn nôn thì khí bị rồi loạn trong lồng ngực, mà làm cho trong lòng xót khó chịu, đau thì nên uống Bồi thổ cố trung thang gia Đương quy, Bạch thược, kiêm có chứng co gân, gia Câu đằng, Mộc qua; muốn thổ không thổ được gia Ngưu tất, Trần bì, Ngũ vị).
  • Nếu mạch huyền là can khí thịnh, làm trở ngại cho sự ăn uống là do can làm hại. (Bộ quan thấy mạch huyền là khí can mộc có thừa, đến khắc tỳ thổ, thổ suy thì không nhồi bóp được cơm nước, thở ngại cho việc ăn uống. Nên uống Tứ quân tử thang gia Bạch thược, Thanh bì).
  • Mạch đại mạch thực là đau trong tâm, làm như có ma tà gây ra bệnh. (Mạch tỳ đại thực là đau, trong thổ thấy hỏa; tính của hỏa hay bốc lên, vị trí của tâm ở trên tỳ cho nên trong tâm đau. Ít người biết rằng mạch tỳ thực đại là đau ở tâm. Nếu như có tà khí làm sinh bệnh, phải nên tả tỳ hỏa thì tâm đau sẽ khỏi. Nên uống Thanh tỳ ẩm cho bội Liên nhục).
  • Mạch tỳ tràn qua bộ quan (dật quan) là trong miệng chảy nước dãi, vì tạng tỳ trúng phong gọi là “cơ cô”. (Mạch tỳ tràn quan bộ quan lên tới thốn, chủ về bệnh chất dịch của bản tạng từ trong miệng chảy ra, vì tỳ bị trúng phong mà gây nên, cơ là buộc, tỳ là cô tạng, bị phong làm tổn hại cho nên gọi là cơ cô. Nên uống Tiêu dao tán bội Bạc hà, 3 nhát gừng).
​Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.