YTTL: Y gia quan miện 14

Y gia quan miện (những vấn đề mấu chốt của nhà y) phân tích, tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học bệnh lý và trị pháp.

Phần 14: Chẩn mạch

1. Cách chẩn mạch ở hai tay trái và phải
Đôi tay chẩn mạch bốn mùa
Bốn (mươi) lăm lần động là vừa một hơi (tức).
  • Ba tháng xuân 6 bộ mạch đều có đới huyền, ba tháng hè 6 bộ mạch đều có đới hồng, ba tháng thu 6 bộ mạch đều có đới mao, ba tháng đông 6 bộ mạch đều có đới trầm.
  • 45 lần động một lần ngừng (tức). Chữ “Động” là chỉ mạch đập, chữ “Tức” là chỉ mạch ngừng, không phải là hơi thở, 6 bộ mạch ở 2 tay, mỗi bộ khi đặt khẽ tay lên thì đều đập 5 lần, đặt vừa vừa không nhẹ không nặng, cũng đập 5 lần, khi đặt nặng tay mạch đập 5 lần, cộng cả thảy 45 lần động trong cả ba bộ mạch của mỗi tay, gọi là một hơi mạch nghỉ. Trong sách nói: 50 lần động vẫn không ngừng là trong người không có bệnh. Mỗi bộ có phản ánh cho một tạng phủ. Mỗi tạng phủ ứng hợp 10 tiếng đập, cộng 5 tạng là có 50 tiếng đập không ngừng.
Mạch tâm trên bộ thốn tay trái.
Ngón trỏ tay trái bộ tâm
Bốn nhăm động chẳng nghỉ chân đáng mừng.
(Tay trái là nói tay trái của người bệnh; ngón trỏ là nói ngón tay trỏ của thầy thuốc, khi đặt tay vào bộ vị của mạch).
Ba mươi lần động lại chìm,
Thoắt thôi rồi mới lại tìm ra ngay.
Xuân thấy vậy đáng lo thay,
Hạ mà thấy vậy thu này không yên

Thu mà thấy vậy cũng (như) trên,
Mùa đông lại đến, xuân liền chết ngay.
30 lần động một lần ngừng, là vừa luân chuyển tới phế, tới phế rồi thấy mạch trầm là kim sinh thủy, thủy dần dần thịnh mà hỏa bị giảm sút. Bất cứ mùa xuân, hạ, thu, đông gặp thấy loại mạch này, chỉ còn tồn tại được trong khoảng 3 tháng.

Mạch can ở ngón giữa tay trái.
Ngón giữa bên trái mạch can
Bốn nhăm lần động hoàn toàn chẳng chi
Hai sáu tiếng bỗng chìm đi.
Là can quá nhiệt, kiêm về có phong.
26 lần đập là mạch vừa tới vòng phế, mạch của phế bị trầm đi là có bệnh. Phế bị trầm không sinh được thủy để tưới cho mộc và chế bớt hỏa, cho nên biết là tạng can có phong nhiệt cao cực độ. Nên uống Sinh mạch tán gia Hoàng kỳ sao mật, hoặc Độc sâm thang; và uống xen với Lục vị hoàn. Ví như mạch phế trầm, mạch can trầm sác. Mạch hữu thốn phế trầm thì mạch tả can huyền sác, nên uống Thất vị hoàn gia Đương quy, Bạch thược, giảm Trạch tả, cho uống với thang bằng Nhân sâm hoàng kỳ thang.
29 động sít không thông
Tạng can ứ tắc bệnh cùng với gân.
Can bộ thấy mạch sắc là kim đến khắc mộc, xem thấy mạch can cả thốn trầm là tâm hỏa thiếu, không chế được kim, nên uống Quy tỳ thang uống xen kẽ với Bát vị hoàn. Ví như mạch phế phù hồng có lực, thì ho và thổ huyết, nên uống Tả tỳ tán. Nếu phù hồng không có lực; khi mới đặt nhẹ thấy phù hồng, nhưng khi ấn trung bình và ấn nặng lại kém hẳn trước, thì nên uống Thập toàn bổ chính thang.
19 động lại bặt đi
Đó là can tuyệt chữa đi được mà.
19 lần động cũng là luân chuyển tới vòng của can mạch, trầm sát đến gân xương. Bặt đi là trầm hẳn đi. Nên dùng Ôn tâm thang, Bổ can thang hoặc Noãn can thang gia Ngô thù.

Mạch thận trên bộ xích tay trái.
Mạch thận bên trái ngón ba
45 lần động vẫn là bình yên
Dưới tay động gấp mà huyền
Ấy là chứng mạch nhiệt liền với phong.
Mạch cấp tốc mà động là nhiệt, huyền là phong cho nên biết là có phong nhiệt. Mạch huyền là có nhiệt tà. Bắt đầu uống Tứ linh tán gia Sài hồ, Thanh bì. Nặng hơn thì uống Thất vị hoàn gia Đương quy, Bạch thược, Thanh bì, hoặc Tiêu giao tán cũng được.
Bỗng dưng mạch chạy lờ đờ
Là trong thận tạng bại hư đó mà,
Bởi vì hàn lạnh sinh ra,
Phải nên chú trọng liệu mà bổ kim.
Thổ khắc thủy thận sẽ bị hư hỏng, nên người bệnh thấy hiện mạch trì mình lạnh. Chẩn thấy mạch xích trì là tặc tà, nên uống Bát vị hoàn cho gấp bội Quế Phụ bỏ Phục linh; hoặc uống Bổ can thang.
25 lần động lại chìm
Là cơ thận tuyệt biết tìm thuốc chi
Suối và ngắt chẳng xa gì
Nếu mà còn nữa được thì bao lâu.
Mạch chìm đi rồi lại hiện ra, là cứ 25 lần động thì lại chìm, 25 động chính là ứng vào với thận. Bản chất mạch thận vẫn trầm, nay lại hiện trầm nữa, là mạch thận sắp hết (cho nên nói là thận tuyệt; nên uống Sâm phụ thang hoặc Độc sâm thang cũng được, hay là Bát vị hoàn.

Mạch phế trên bộ thốn tay phải.
Mạch phế tay phải ngón đầu
45 lần động trước sau yên lành.
(Tay phải là nói tay phải của bệnh nhân; ngón đầu là đầu ngón tay trỏ của thầy thuốc ấn vào chỗ bộ thốn.)
Trúng hàn mạch hiện rất nhanh,
27 lần động lại đình một phen.
Mạch đập rất nhanh là huyền sác, 27 lần động là đến vòng của mạch tâm, tâm thuộc hỏa, hỏa khắc kim. Nếu hỏa còn nhẹ thì sống, hỏa thịnh nhiều quá thì chết, nên uống Thanh tâm ẩm.
Bỗng nhiên đập chậm chẳng liền
Bởi phế phóng hỏa cho nên lạnh lùng,
Mạch phế chìm lặng như không,
Bệnh tình mệt mỏi trong lòng lao đao.
Phế đưa lên khí hư thì sinh hàn. Mạch trì là phế bị lạnh cho nên đáng lo ngại. Mạch phế căn bản là phù đại, nay thấy trầm là có bệnh. Mạch đã trầm rồi lại thấy trầm nữa là phế tạng đã tuyệt, nên uống Sâm phụ thang hoặc Sinh mạch tán gia Phụ tử, Can khương.
Mười hai động lại chìm đi,
Chứng ho ra mủ thuốc gì cho yên.
Tóc dựng đứng sắp quy tiên,
Dẫu tài Biển Thước khó nên chữa toàn.

Mạch tỳ ở ngón tay giữa bên phải.
Ngón giữa bên trái bộ tỳ,
Bốn mươi nhăm động vẫn thì vô can
Động nhanh tỳ nhiệt tràn lan,
Ăn không tiêu hóa nên bàn như trên.
Nên uống bài Bồi thổ cố trung thang (Hiệu phỏng/1) gia Bạch thược, hoặc Bổ trung thang (Khôn/1) gia Hoàng cầm.
Bệnh mà mạch chậm không nên,
Ấy là có lạnh trong mình gây nên
Quá trầm nôn mửa liên miên
Vì xông tâm khí mệnh liền nguy nan.
Muốn biết bệnh tật phần nhiều vì lạnh gây ra, vì mạch tỳ vốn đã hoãn, nay bị thương hàn lạnh, thì mạch lại càng chậm hơn, nôn mửa ho xốc quá 10 ngày không khỏi thì vị khí tất xung lên tâm, tâm bị thương chỉ trong nửa ngày là chết.

Nên dùng Phụ tử lý trung thang (Nhật/41), hoặc thấy mạch trầm vi quá thì gia bội Phụ tử.

Mạch mệnh môn ở bộ xích tay phải.

Ngón ba tay phải mệnh môn,
Bốn mươi nhăm động vẫn còn bình yên
Mười chín động mạch chìm liền.
Trăm bệnh chết cả không yên bệnh nào.
19 lần động là tới vòng bệnh Can. Can thuộc mộc, mộc là nguồn gốc của tướng hỏa. Mạch chìm xuống không ứng động vào tay, là mộc tuyệt thì hỏa cũng bị tuyệt, cho nên nói là sẽ chết. Nên uống thang Bát vị (Huyền/1) bội Quế, gia Ngô thù.

2. Mạch chứng hợp với phương thuốc thủy hỏa
  • Chứng giản tức phong xù thấy mạch hồng sác có lực, chỉ có hai bộ xích nhược là chân âm rất hư. Chân hỏa không có chỗ tựa, bốc lên trên mà sinh ra chứng ngã ngay đơ. Nên uống Bát vị hoàn (Huyền/1) gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
  • Chứng tích lâu ngày, bĩ rắn đã thành ra hoại chứng. Mạch thực hoặc có khi hồng huyền có lực, hoặc có khi hồng huyền không có lực. Đó là vì bị công phạt, chân khí ở trong rối loạn; chân âm chân dương đã hết; là hiện tượng ở trong trống rỗng đưa hết cả ra ngoài. Nên uống Bát vị gia Ngũ vị, Mạch môn, Ngưu tất.
  • Chứng bụng trướng cho nhầm những vị đốt cháy, mạch bỗng khi thực khi hư; mạch xích bên tả rất yếu, nên uống Bát vị bỏ Phụ tử, bội Thục địa gia Ngưu tất, Mạch môn, Ngũ vị để nhuận cho thủy và kim khỏi khô ráo, làm cho phế khí thông được xuống thận.
  • Chân bại liệt, 6 bộ mạch trầm tế và vi, nên uống Bát vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng.
  • Cánh tay trái đau cứng, đi ỉa như phân (cứt) dê, 6 mạch trì hoãn, lại không có thần có lực là trung khí hư đã lâu, vinh vệ không chu lưu khắp thân thể được mà thấy chứng hiện ra thiên khô, nên uống Bát vị hoàn gia Ngưu tất, Đỗ trọng, uống xen với thang Quy tỳ.
  • Bỗng gặp cơn chiêm bao ác mộng, sau rồi mình mẩy nặng nề, mệt mỏi; hai mạch thốn rất hồng có lực, mạch tả thốn càng to hơn, hai mạch bộ quan hồng đại kiêm có huyền, hai mạch xích tuy có hồng huyền nhưng không có lực; Đó là tâm thận suy yếu chỉ có hỏa bốc lên trên, không giao được xuống dưới. Thận lại bị hư, không đưa lên được mà thu liễm được chân âm đã ly tán. Nên uống Bát vị thang gia Ngưu tất, Ngũ vị dùng Đăng tâm, Liên tử làm thuốc dẫn đường, bốc đại tễ cho uống.
  • Hoặc khi khí lên hay khí xuống, làm cho hai khiếu âm đều bị nặng nề khó chịu. Trung tiện luôn, đại tiện tuy lỏng mà đi vẫn thấy không thông, mạch tế sác không có lực nên uống Bát vị gia Lộc nhung, Bổ cốt chỉ, Ngũ vị làm viên. Uống với nước Nhân sâm.
  • Bệnh lậu: có khi đi đái rất thông (nhiều), có khi không thông đi ra chất như dầu mỡ, hoặc ra nước, buốt đau như cắt, hai mạch thốn hồng đại, ngoài ra các mạch khác đều không có lực là tỳ thận đều bệnh. Nếu làm cho lợi thì càng thêm hư, làm cho sáp thì càng thêm trệ. Nên uống Bát vị (Huyền/1) gia Mạch môn 2 đồng, Thăng ma 8 phân, Hồng hoa 4 phân, sắc nước Sâm pha lẫn vào mà uống.
  • Đi tả lúc sáng sớm, mạch thốn quan ở hai bên đều trầm nhược không có lực, hai mạch xích lại càng trầm hơn. Nên uống Bát vị bỏ Đan bì, Trạch tả gia Bổ cốt chỉ, Thỏ ty tử, Ngũ vị.
  • Đi lỵ liên miên ra máu mủ, lưỡi có rêu đen, hai bên mạch thốn hơi hồng, hai mạch xích và tả quan rất yếu, đó là can không sơ tiết được, thận không bế tàng được mà đi luôn là chân âm suy hết, tân dịch khô khan, nên sinh ra lưỡi đen; không nên dùng nhầm Hoàng liên, phải nên dùng đại tễ Bát vị, sắc nước Nhân sâm pha vào cho uống.
  • Người có mang đau bụng đi tả về sáng sớm, miệng khát, buồn bực vật vã, ăn uống không tiêu, lưng đau chân yếu, trên nhiệt dưới hàn; mạch bộ thốn mạnh, bộ xích yếu, nên uống Bát vị hoàn.
  • Chứng sốt rét nặng không có mồ hôi, sáu mạch hồng sác mà rỗng không; Đó là vì mồ hôi sinh ra ở âm, mạch có dương không có âm, thì lấy đâu ra được mồ hôi. Nên uống Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, cho bội Thục địa, là có ý nghĩa tư bổ chân âm, để sinh mồ hôi.
  • Mùa nắng ra mồ hôi, sợ gió, ăn uống như thường, tinh thần ngày càng thêm mòn mỏi, đờm nhiều, mũi ngạt, sáu bộ mạch hồng đại có lực, là âm không đủ để liễm dương; đến nỗi dương bốc ra ngoài, âm bị tán loạn không chia ra trong đục, hỏa tà làm tiêu thức ăn hóa ra đờm mà không sinh ra huyết. Như vậy chỉ nên dưỡng chân âm, nên uống thang Lục vị (Huyền/2) gia Mạch môn, Ngũ vị, Quất bì (tẩm nước muối sao).
  • Những cháu thiếu nhi bẩm chất vốn hư yếu, phát nóng, tinh thần li bì, mạch không có lực; đó là ngoại cảm nhẹ, nội thương nặng. Chỉ bổ ở trong tăng khí lực là tà tự lui. Nên uống Bát vị thang, bỏ Phụ tử, gia Ngưu tất, Ngũ vị, Mạch môn; sắc nước Sâm pha ngoài cho uống.
  • Chứng sán thống đau rất nguy cấp, 3 bộ mạch bên trái huyền, hồng mà sác là chân âm hư thiếu rất nhiều. Mạch hữu quan và xích hồng đại mà ấn nặng thấy có lực, đều là vì rượu chè, sắc dục quá độ, chân thủy bị mất đi, thấp nhiệt đưa xuống, mộc mất sự hàm dưỡng, gân không được vinh nhuận, thấp khí lấn vào trong, âm hàn ngăn cản ở ngoài. Nên uống Lục vị (Huyền/2) cho bội Thục địa, bớt Sơn thù, Sơn dược, gia Quất hạch, Hoàng bá, Phụ tử.
  • Phụ nữ tiểu tiện không thông, quá nguy, sáu bộ mạch hồng sác, ấn lâu không có thần; vì cố gắng rặn khi đi tiểu tiện, tâm thận bị hư từ lâu, lại cho uống thuốc thông lợi đường thủy, chân âm càng bị suy thiếu. Nên cho uống Bát vị thang bội Thục địa, gia Mạch môn, Ngũ vị; uống rồi móc cổ cho mửa.
3. Những mạch cần uống toàn chân thang
  • Trẻ con phát sốt lên sởi, mới chợt ở trên mặt đã lặn; tinh thần mỏi mệt không muốn ăn, ói ra lãi, phát suyễn đi tả, miệng khô môi nứt, lòng bàn tay bàn chân và ngực nóng dữ, đầu ngón tay ngón chân đều lạnh, mạch chạy tế sác không có thứ tự; hai mạch xích càng yếu hơn, đó là dương hư không phát lên được, khí không nối tiếp làm cho lên suyễn. Tân dịch của tỳ cạn hết cho nên môi khô. Chân âm hư thiếu, hỏa nung đốt làm cho lòng bàn, tay bàn chân và ngực nóng. Bởi hỏa suy, tỳ không vận hóa, mà sinh tả, nên uống Toàn chân thang (Tâm đắc/1) bỏ Bạch truật, Ngũ vị gia Đơn bì để bổ hỏa ở trong âm, làm cho hỏa Long lôi thu liễm về nguyên chỗ.
  • Trẻ con nhân khi ngủ bị ngã, bại liệt nửa người, chân tay mềm nhũn không nhấc lên được. Mạch thấy hồng đại, ấn lâu thấy không có lực, là vì tiên thiên yếu kém, trong khi ngủ giật mình kinh sợ rồi ngã, làm cho khí huyết không chu lưu được nên sinh ra như vậy. Nên uống Toàn chân thang bội Sâm.
  • Bỗng dưng ngã quay không biết gì, đờm kéo lên, buồn bực vật vã, nhức đầu, mạch thì hai bộ thốn rất hồng đại, hai mạch xích và mạch hữu quan rất trầm vi. Đó là do dương lấn mạnh quá, chân âm không thu liễm được, vả lại thổ hư không chứa giữ được dương, cho nên dương vượt lên trên. Nên uống Toàn chân thang, Bạch truật sao sữa, làm cho thủy mạnh để chế hỏa; bồi bổ thổ để chứa giữ chân dương; bổ hỏa để hướng dẫn, thanh kim để thu liễm lại làm cho hỏa trở về nguyên chỗ để làm tròn trách nhiệm bế tàng.
  • Mình nóng chân tay giá lạnh, phát điên, nói sảng không ngủ, uống nước nhiều, đại tiểu tiện đều bí; Sáu bộ mạch trầm vi không có lực, đó là phục âm ở trong đẩy dương ra ngoài. Tân dịch không lưu hành nên bí tiểu tiện, kém ăn đã từ lâu, đại tiện táo bón, miệng khát không có tân dịch. Nên uống Toàn chân thang bội Thục địa để thu liễm, để cứu vãn lấy chân dương trong lúc sắp tắt.
  • Phát sốt, li bì mệt nhọc, họng khô, miệng nứt, buồn phiền nói nhảm, đại tiện lỏng, mặt đỏ, sắc tối sạm rầu rầu. Mạch thì hai bộ thốn hồng sác, bộ quan mạch nhược, bộ xích vi yếu quá. Đó là chứng lao thương phát nóng, nên uống Toàn chân thang (Khôn/1) bội gia Nhân sâm, Truật, Thục địa để nhuần tưới cho trung khí và tiết nạp những dương khí đã bị hư hao.
  • Trẻ em nóng dữ, mỏi mệt li bì, môi khô lưỡi nứt, ọc ra sữa, lòng bàn chân bàn tay và ngực nóng như hơ lửa. Mạch hồng sác mà huyền. Đó là sốt lâu thương tổn chân âm, âm đã bị suy hao phải mau thu liễm lại. Nên uống Toàn chân thang bội Thục địa, Bạch truật.
  • Mùa hè, người bệnh nóng dữ, nhức đầu, ho. Lỡ nhầm cho phát hãn, biến sinh ra cứng lưỡi, mồ hôi chảy như vỡ nước, tê dại, mạch hồng đại rỗng không, hoãn mà không có lực. Đó là chứng khí hư giống như trúng phong. Nên uống Toàn chân thang bội Thục địa.
  • Vất vả nhọc nhằn quá nhiều, nóng dữ nhức đầu, làm cho phát hãn, dần dần sinh mặt đỏ, buồn bực vật vã, tinh thần li bì không nói, chân tay quờ quạng, mạch tế nóng, nguyên dương vượt ra ngoài, nhầm phát hãn làm cho âm dương đều hao kiệt. Nên uống Toàn chân thang bội Sâm, Thục.
  • Chứng nhọc mệt, phát sốt, nhức đầu, ho đau sườn, nhầm cho phát hãn, lại càng sốt thêm, tinh thần mê mệt mơ mộng. Miệng khô khát nhiều, lưỡi đen, mình nặng, tay chân lạnh, không ngủ được. Mạch tế sác không có thứ tự, mạch vị khí rất kém yếu. Đó là chứng bệnh vì nhọc mệt phát sốt, càng sốt thì tinh thần càng mê mệt, âm dương sắp thoát mà thấy quái mộng, lưỡi đen, chân lạnh là âm dương đều hết, thận hư cho nên mình nặng. Nên uống Toàn chân thang bội Thục địa.
  • Chứng đau nhức chân không bước đi được, mạch hai bộ thốn hồng đại mà sác, hai bộ quan rất nhược; Đó là ở trên nhiệt, giữa hư, dưới hàn. Mạch đại mà sác là dương bốc ra ngoài. Mạch tế mà sác là âm kiệt ở trong đều không phải là chứng chân nhiệt. Nên uống Toàn chân thang gia Đỗ trọng.
  • Bỗng dưng chân tay tê dại không nhấc lên được, Mạch hồng đại rỗng không. Đó là huyết thoát mà hư rỗng. Nên uống Toàn chân thang bội Thục địa và Sâm.
  • Bệnh chân mới khỏi, đi đường gặp mưa, phát nóng tự ra mồ hôi, nhức đầu, ho, thổ huyết, biếng ăn. Mạch ở hai bộ thốn hồng đại mà sác, hữu quan và hai bộ xích đều yếu. Đó là nhọc mệt thương tổn đến trung khí, tỳ không giữ được huyết, hỏa nung đốt bốc thành ho. Dương bốc cho nên nhiệt, khí hư nên đổ mồ hôi, hỏa xông lên nên nhức đầu, cho uống Toàn chân thang cho bội Sâm, Thục, Bạch truật.
  • Sốt rét nặng, ho, thổ huyết, đi tả, kém ăn, trướng đầy trong ngực, mê man. Mạch hai bộ thốn tế sác, mạch tả quan huyền đại, mạch hữu quan rất vi (nhỏ); Hai bộ xích ấn nặng xuống không thấy đập rõ, nên uống Toàn chân thang cho bội Sâm.
  • Sốt rét lâu ngày thành chứng bĩ, thường phát ra đầy trướng khó chịu, lại phát nóng dữ và ho, mạch thì chỉ hai bộ thốn hồng, các bộ khác đều vi nhược, mạch hữu quan và xích càng vi nhược hơn. Đó là do thổ mất cái sinh ra nó, mẹ và con đều hư, thành ra cái giả tượng ở trong trống rỗng, bốc cả ra ngoài. Nên uống Toàn chân thang gia bội Sâm Truật.
  • Tỳ thận vốn hư yếu, nhân vì nhọc mệt quá nhiều, chóng mặt, choáng váng, ngã gục, bất tỉnh, mắt trông tai nghe đều không đúng sự thật, nói năng rối loạn. Mạch hồng sác không có thứ tự. Đó là chân âm chân dương đều suy kém đến cực độ. Nên uống Toàn chân thang bội Sâm Thục.
  • Đi đường cảm nắng, lại ban đêm nhọc mệt bốc nắng dữ, nhức đầu và ho, ọe khan, không ngủ, tinh thần li bì. Mạch hai bộ thốn đều hồng, hai bộ xích đều nhược; mạch hữu quan ấn nặng tay không thấy; mạch hữu xích nhược hơn mạch bên tả. Đó là phạm phải chứng bệnh không còn vị khí, nên uống Toàn chân thang bội Sâm Thục, uống xen với Bát vị hoàn (Huyền/1) bỏ Đơn bì, Trạch tả gia Mạch môn, Ngũ vị.
  • Miệng lưỡi, cổ họng nứt loét ra mà không đau, ngực bụng trướng đầy tức lên, không ăn không ngủ; Mạch ở thốn quan bên hữu hồng huyền đập mạnh, mạch ở thốn quan bên tả trầm vi như sắp tắt. Hai bộ xích ấn sâu xuống không thấy đó là do hỏa âm ế đóng ở yết hầu làm loét mà không đau, tức như những vật mất ánh sáng mặt trời. Nên uống Toàn chân thang bội Thục địa.
  • Trong người không có các chứng phát sốt nhức đầu. Nhưng ăn uống ngày một giảm sút, đại tiện nhỏ khuôn và rất khó đi, tiểu tiện rắt, đỏ, ít. Cứ cách 3 ngày về ban đêm khí lại xông lên, nghẹt lấp như muốn tắt thở, suốt đêm không ngủ, tinh thần mỏi mệt, thân hình khô khan, mạch tế sác, chỉ có quan xích là hơi hoãn mà không có lực. Đó là chân âm quá suy, cô dương không nơi nương tựa, nên uống Toàn chân thang bội Thục địa.
  • Phàm những chứng bệnh không thể nhận gọi được tên là bệnh gì, đều là do khí làm ra. Chỉ cứ theo vào căn bản mà chữa; khi căn bản đã được vững, nếu có ngoại tà cũng không thể lẩn tránh vào đâu được mà tự hiện ra ngoài.
  • Phát sốt dữ, nhức đầu, ho, ọe khan, không ngủ được, tinh thần mỏi mệt, dùng nhầm bài Bổ trung thang đến nỗi sinh ra mặt xanh, sưng nặng, bụng trướng rắn, vùng thượng vị tức đầy, ho, đau cổ họng, miệng có nhiều nước dãi ngọt, nóng dữ, buồn nôn, lòng bàn tay bàn chân và ngực nóng, hai chân lạnh. Mạch hai bộ thốn khi hồng khi sác; hai bộ quan không có lực; hai bộ xích lại càng vi hơn, mạch ở hai bộ quan xích bên hữu quá nhược. Đó là chứng tỳ thận đều hư yếu; trên thực dưới hư, ngoài nóng trong lạnh, chân hàn giả nhiệt. Nên uống Toàn chân thang uống xen với Thập bổ hoàn.
​Hết Y gia quan miện.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.