3. Kiêm trị tạng phủ
- Tâm thông với đởm: Ví như bệnh tâm hồi hộp nên dùng Ôn đởm thang làm chủ, nếu bệnh đởm làm run sợ thì phải bổ tâm là chính.
- Phế thông với bàng quang: Nếu phế bị bệnh thì nên khơi thông bàng quang, rồi sau dùng phép gạn lọc chất trong đục. Nếu bàng quang bị bệnh thì nên thanh phế khí làm chủ, kiêm dùng thêm phép thổ. Nếu phế bị bệnh ọe khan, thì chữa ở bàng quang làm cho tiểu tiện thông lợi là chính, nghĩa là làm cho phế khí giáng xuống thì khí không nghịch. Nếu bàng quang bế tắc thì bổ phế khí làm cho tiểu tiện thông, bởi vì phế chủ về việc điều hòa tiết chế.
- Thận thông với tam tiêu: Nếu bệnh thận thì nên điều hòa tam tiêu là chính. Nếu bệnh tam tiêu thì nên bổ thận là chính.
4. Hàn - nhiệt
- Hàn là thuộc loại âm, hoặc nội hàn, hoặc ngoại hàn, hàn phần nhiều là hư.
- Nhiệt là thuộc loại dương, hoặc nội nhiệt, hoặc ngoại nhiệt, nhiệt phần nhiều là thực.
- Hàn thì làm tổn thương hình thể, hình là chỉ về phần biểu.
- Nhiệt thì làm tổn thương khí, khí là chỉ về lý.
- Hàn thì vệ khí không thông lợi, nhiệt thì vinh khí ở trong bị tiêu hao. Hỏa vượng về mùa hạ, dương khí có thừa sinh ra bệnh nhiệt, thủy vượng về mùa đông, dương khí không đủ thì phát sinh bệnh hàn.
5. Hư - Thực
- Hư là chính khí không đủ, bệnh từ trong ra, phần nhiều là chứng hư. Thực là tà khí có thừa, bệnh từ ngoài vào, phần nhiều là chứng thực.
- Nội kinh nói: “Tà khí thịnh thì thực, tinh khí bị đoạt thì hư”. Phàm nói đến bệnh hư thực, nghĩa là tinh khí bị đoạt là hư, đoạt đồng nghĩa như bị thất thoát, ở trong không giữ vững được, chính khí bị uy hiếp. Thực nghĩa là tà khí thịnh thì thực. Đã gọi là bệnh, sao lại còn bảo là thực, đó là do tà khí ở ngoài vào làm ra thực. Tà khí là Lục dâm: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa.
- Tinh khí tức là chính khí, là chất tinh vi do cơm nước hóa sinh ra. Thịnh thì thực nghĩa là: Tà khí đương ở thời kỳ găng thịnh thì gọi là chứng thực, mạch ba bậc phù, trung, trầm đều hữu lực, gọi là mạch thực, thực thì nên tả, nặng thì cho phát hãn, cho hạ, nhẹ thì cho thanh hỏa, giáng khí là đủ. Hao tinh mất huyết, dùng sức quá độ, tinh thần mệt quá làm cho hư yếu ở trong gọi là nội đoạt, do sử dụng thuốc hãn, thổ, hạ, thanh lương nhiều quá, làm hư hao ở ngoài gọi là ngoại đoạt. Khí kém tinh thần mỏi mệt gọi là chứng hư. Mạch ba bậc phù, trung, trầm đều không có lực gọi là mạch hư, hư thì nên bổ, nhẹ thì dùng ôn bổ, nặng thì dùng nhiệt bổ. (Ví như bệnh nhiệt không sợ gió lạnh, không muốn đắp mền mặc áo, tiếng nói mạnh, hơi thở to, thích uống nước lạnh, ưa chỗ sáng, ghét chỗ tối, tiểu tiện đỏ ít, đại tiện táo bón, hoặc có các chứng no hơi, ọe mửa, đau sườn, bí đái, đều là chứng thực nhiệt, còn hư thì theo đó mà suy ra).
- Nếu bệnh hư thì sợ lạnh, muốn đắp mền mặc áo, biếng nói, ít hơi, uống nước nóng, ưa yên tĩnh, ghét tiếng động, tiểu tiện trong dễ đi, đại tiện lỏng, hoặc đầy hơi trướng và các chứng hư bế đều là hư nhiệt, còn thì theo đó mà suy ra.
- Chứng thực quá tựa như hư, hư quá tựa như thực. Nếu chứng không đủ bằng cứ thì nên xem mạch, mạch còn chưa rõ lắm thì phải xem mạch trầm và xem lâu. Các chứng giả đều phát hiện ra ngoài biểu, cho nên xem mạch phù thì mạch cũng sẽ giả. Các chứng thật đều ẩn núp ở trong lý, phải xem mạch trầm thì mới phân biệt được. Vả lại mạch thực thì trước sau như một, mạch hư thì bỗng khi to khi nhỏ, gặp khi to thì sẽ cho là thực, gặp khi nhỏ sẽ cho là hư, như vậy rất dễ lầm, cho nên phải xem đi xem lại thật lâu, thì thực hư chân giả sẽ phân được rõ ràng. Song khi biện mạch đã rõ rồi, cũng chưa nên vội chắc, còn phải xét xem khí bẩm mạnh hay yếu, vóc người hư hay thực, chứng bệnh lâu hay mới, có bị uống lầm thuốc hay không? Nhận xét về mọi mặt như vậy thì sẽ thấy được đầy đủ.
- Mình lạnh, mạch tế, đại tiểu tiện bình thường và những khi bệnh mới khỏi và chứng ra mồ hôi biếng ăn là hư, nếu mình nóng, mạch đại, tiểu tiện không thông lợi, ăn được, tinh thần mờ mịt, buồn bực, vật vã khát nước nhiều là chứng thực. Đại tiện ra sắc xanh, vị và đại trường hư lạnh, gặp mùa đông thì cảm lạnh, mùa hè thì cảm nóng, khí bẩm yếu đuối, đó là âm dương đều hư, nói được là hư, không nói được là thực. Tiểu tiện bí không thông là hư, gắt đau là thực. Các chứng đau ở trong bụng ngoài da, ấn vào thấy dễ chịu là hư, ấn vào lại càng đau dữ dội là thực. Tam dương thực, tam âm hư thì mồ hôi ra không ngớt. Ra là hư, vào là thực, hoãn là hư, cấp là thực.
6. Bổ - Tả
Những vị thuốc tính ôn, giống như thời tiết mùa xuân cho nên nó sinh hóa được vạn vật. Thuốc tính lương (mát) ví như thời tiết mùa thu, nó làm cho vạn vật se sắt. Thuốc tính hàn (lạnh) ví như thời tiết mùa đông, cho nên sát phạt vạn vật. Nguyên khí suy kém lấy những thuốc cam ôn để bổ, khác nào như mùa xuân tới thì khí sinh cơ đầy dẫy chứa chan
a. Nguyên khí suy kém mà đến nỗi hư quá, như vậy là hỏa hư có kèm theo hàn tà, cho bổ bằng loại thuốc tân nhiệt, như gặp thời tiết nóng nực sinh khí thoải mái. Khí nóng có thừa dùng thuốc cam lương để thanh giải, như mùa thu gió mát thổi tới thì nóng bức tiêu tan, tà khí thịnh quá thì phải ức chế, nên dùng những vị thuốc khổ hàn để tả, như gặp thời tiết mùa đông giá lạnh thì dương khí sẽ ẩn nấp. Cho nên dùng những loại thuốc ôn nhiệt, đều là thuốc để bổ cho chứng hư. Loại thuốc hàn lương là loại thuốc tả các chứng thực.
b. Nhưng nguyên khí đã bị hư thì chỉ có khí heo hắt của mùa thu, mùa đông, mà ít có cơ sinh trưởng của mùa xuân, mùa hạ. Đã hư thì không tránh khỏi có nhiệt, nếu không xét hư hay thực, mà đem cho uống thuốc hàn lương, như vậy thì bệnh đã làm cho hao mòn rồi thuốc lại làm hao mòn thêm, liệu bệnh nhân có thể sống được lâu chăng?
- Cho nên nói không có dương thì âm không dựa vào đâu mà sinh, không có âm thì dương không lấy gì hóa được. Bởi vì vạn vật sinh ra không phải do âm mà do ở dương, tựa như mùa xuân mùa hạ thì nảy nở, mùa thu mùa đông thì hao mòn, khác nào hoa cỏ có ánh mặt trời thì sẽ tươi tốt, ở chỗ im rợp thì dễ bị héo tàn.
- Nội kinh nói: “Lẽ cốt yếu của âm dương là cần được dương khí kín đáo thì mới bền vững, mà phải nên chú trọng về dương”. Lại nói: “Dương khí ví như trời và mặt trời, nếu bị hao tổn thì sẽ bớt tuổi thọ mà không khỏe mạnh”. Thánh hiền đời xưa ai cũng đều ưa thích dương mà không ưa thích âm. Tức như Chu Đan Khê chủ trương bổ âm, cũng đã nói: “Thực hỏa nên tả bằng những loại thuốc như Hoàng cầm, Hoàng liên, hư hỏa nên bổ bằng những loại thuốc như Nhân sâm, Hoàng kỳ”.
Người đời nay chỉ biết có hỏa mà không biết chia ra hư hay thực, thích dùng những vị hàn lương thì có khác gì đem mùa thu mùa đông làm ra thời tiết sinh trưởng, mùa xuân mùa hạ lại làm ra thời tiết sát phạt, như vậy chẳng làm giảm tuổi thọ và mất sức khỏe của người hay sao?
- Thấy có bệnh nhiệt, nên xét căn nguyên của nó, nếu đúng là hỏa thực thì lấy vị khổ hàn, hàm hàn để tả, nếu là hư thì dùng vị cam hàn, toan hàn để thu nhiếp
- Thấy bệnh hàn cũng phải xét rõ bệnh nguyên, nếu là hàn từ ngoài vào, thì lấy những thuốc tân ôn, tân nhiệt để giải tán, hàn do ở trong, thì lấy vị cam ôn để bổ ích, thêm vào những vị tân ôn, tân nhiệt để giúp sức.
- Nội kinh nói: “Ngũ tạng tàng trữ tinh mà không tả”, cho nên nói tuy đầy nhưng không đầy chặt, (thực) vì vậy chỉ có bổ mà không nên tả đó là lẽ tất nhiên. Khi tạng bị phải tà khí, hễ tả hết tà thì thôi, đó là tả tà khí chứ không phải tả tạng khí, khi tạng không có tà khí chớ nên xâm phạm vào.
- Cho nên nói tà khí quá thịnh hơn khí bản tạng thì đem phép tả làm bổ, đó là trong phép tả có ngụ ý bổ, khi bản tạng suy yếu quá thì đem phép bổ để làm phép tả, cũng là ý nghĩa trong bổ có tả.
Người ta cho rằng không có phép bổ can, như thế là sai. Lục phủ là để truyền dẫn những chất tiêu hóa và chất cặn bã, cho nên nó chứa chất vào nhưng không thể đầy chặt. Tà ở ngoài lấn vào sinh bệnh thì phải nên công phạt, đúng bệnh bớt rồi thì thôi, không nên uống hết cả thang. Bệnh ở kinh thì trị ở kinh, bệnh ở lạc thì nên công ở lạc, kinh đi thẳng, lạc đi ngang, hai cái đó có liên hệ lẫn nhau.
- Bệnh ở phần khí thì chữa khí, nếu hư thì bổ dưỡng, thực thì làm cho điều hòa.
- Bệnh ở phần huyết thì chữa vào huyết, hư thì bổ cho tâm, can, tỳ; thực thì nhiệt là ứ, nếu nhiệt thì phải thanh giải, ứ thì cần làm cho lưu hành. Vì bệnh ở khí mà lụy cập đến huyết thì trị khí trước. Bệnh ở huyết mà lụy cập đến khí thì chữa huyết trước
- Ngũ tạng đều có tinh, khi tinh ở ngũ tạng đầy đủ rồi mới truyền được về thận, thận chỉ là cái nơi tụ tập chứa đựng. Cho nên Nội kinh nói: “Ngũ tạng có đầy đủ thì mới tả ra được”. Nếu tinh ở trong một tạng nào không được đầy đủ thì tinh khí do thức ăn hàng ngày sinh ra chỉ đủ cung cấp cho bản tạng ấy thôi, làm gì còn thừa mà truyền sang thận được. Cho nên phép bổ cần phải điều chỉnh cho tạng khí điều hòa, thì cái nguồn sinh hóa cho thận sẽ dồi dào. Nội kinh nói: “Hình vóc suy yếu thì bổ bằng khí, tinh suy yếu thì bổ bằng vị”, khí là chất trong và nhẹ tựa như khí trời, vị là chất nặng và đục tựa như đất.
- Bổ nghĩa là xem trong cơ thể bị sút kém về cái gì thì ta bổ cho cái đó, tức là bồi bổ vào chỗ thiếu thốn
- Khí là nói những vị thuốc trong và nhẹ và vị nó nhạt như Hoài sơn, Phục linh.
- Vị là những vị thuốc nặng đục mà vị đượm như Câu kỷ, Thục địa. Thế mà tại sao người ta muốn bổ mạnh cho thận, thì dùng những vị như Ngưu tất, Đỗ trọng để dẫn khí thuốc xuống, còn e rằng chưa đủ sức, mà trở lại gia Cam thảo để hòa hoãn ở trung tiêu làm cho sức thuốc không dẫn xuống được, lại trệ đọng ở trung quản?
- Hư thì nên bổ, thực thì nên tả: Bổ cho chứng hư nhiều thì phải cần sức thuốc mạnh và tính ôn, nếu hòa giải hoãn thì không công hiệu, công phạt chứng bệnh rất thực thì phải cần mạnh và mau, chậm thì sẽ sinh biến chứng. Hư ít thì dùng bảy phần bổ ba phần công, là mở ra một đường để đuổi tà. Bệnh hơi thực thì dùng bảy phần công ba phần bổ, để phòng sự bất trắc có thể xảy ra
7. Tiêu-Bản
- Chữa bệnh cần phải biết tiêu bản. Đem toàn thân thể con người mà nói, thì ngoài là tiêu, mà trong là bản, dương là tiêu, mà âm là bản. Lục phủ thuộc dương là tiêu, ngũ tạng thuộc âm là bản. Mười hai kinh lạc ở ngoài là tiêu, ngũ tạng lục phủ ở trong là bản; Đem bệnh tình mà nói, thì nguyên khí là bản, bệnh mắc sau là tiêu.
- Bệnh ở biểu không nên công phạt ở lý, không nên làm hư tổn ở biểu;
- Nơi nào có tà khí thì công nơi đó, nơi bị tà khí phát sinh là bản, chứng trạng biểu hiện ra là tiêu. Năm chứng hư là bản, năm tà khí là tiêu.
- Như chứng đầy bụng do thấp thì phát sinh sẽ chóng, nên trừ thủy tà và thấp tà thì chứng đầy sẽ hết, đó là tiêu gấp hơn bản, phải trị tiêu trước; vì tỳ hư thì dần dần sinh đầy trướng, đêm nặng ngày nhẹ là bệnh thuộc âm, nên bổ tỳ âm, ngày nặng đêm nhẹ là bệnh thuộc dương, nên bổ tỳ dương. Đó là bệnh sinh ra từ bản, là bản gấp hơn tiêu, phải nên trị ở bản.
- Người giàu sang dâm dục quá độ, nghĩ ngợi quá nhiều, thì phần bị tiêu hao đều là chất màu mỡ của tâm thận.
- Người nghèo khó ít bực tức và ít dục vọng, ý muốn dễ thỏa mãn, nên phần bị tiêu hao chỉ là khí huyết hàng ngày. Cho nên bệnh của người giàu sang phần nhiều chữa vào bản, bệnh của người nghèo khó phần nhiều chữa vào tiêu.
- Nghề làm thuốc là nhân thuật vì quý trọng sinh mệnh của con người mà chữa bệnh, cho nên chỉ trọng về bản mà coi nhẹ về tiêu, người đời nay chỉ biết chữa bệnh, không biết chiếu cố tới sinh mệnh, thường thường quên gốc mà nắm lấy ngọn. Nếu phân biệt được rõ ràng chỗ hư thực, hàn nhiệt, tà chính thì khi bổ ích cho tâm dương thì hàn tà cũng phải khỏi. Bồi dưỡng cho thận âm thì nhiệt tà cũng khỏi. Làm cho dương khí thư thái mới sản sinh ra âm tinh. Tư bổ cho âm tinh để hóa sinh dương khí, hoặc nuôi dưỡng chính khí thì tà sẽ trừ hết, hoặc xua đuổi được tà rồi chính khí mới hồi phục, hoặc nhân phép công làm phép bổ, hoặc mượn phép bổ làm phép công, chữa muôn ngàn loại bệnh nhưng tóm lại cũng không ngoài lẽ âm dương.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.