Phần 11: Cách xem mạch
1. BỐN MẠCH GỐC
- Trong 12 kinh đều có động mạch, mà tại sao lại chỉ căn cứ vào thốn khẩu để quyết đoán sống chết lành dữ của ngũ tạng lục phủ. Bởi vì thốn khẩu là nơi các mạch tụ hội, là chỗ động mạch của kinh Thủ thái âm phế.
- Mỗi bên mạch có 3 bộ là Thốn, Quan, Xích; mỗi bực có 3 bộ là phù, trung và trầm; 3 nhân với 3 thành 9 bậc. Phù là chủ về ngoài da để xem biểu và phủ. Trung là chủ về phần thịt và xét vị khí; Trầm là chủ về gân xương để xem phần lý và tạng.
- Song các tạng không thể tự dồn đến được Thái âm nên phải nhờ có Vị khí làm trung gian mới đến được. Lại nói: Thốn, Quan tuy không có mạch, nhưng mạch Xích vẫn còn đi lại điều hòa thì không lo ngại gì. Lấy điểm đó mà suy xét, thì phế là chủ khí, mạch là thể chất của khí, mà vị là tác dụng của khí, thận là cơ bản của khí, có lẽ nào lại chỉ quý trọng riêng một tạng phế hay sao.
- Phù thái quá là mạch đại, là trường, là thực, là khẩn, là huyền, là khâu, là hoạt.
- Trung là Vị khí; những mạch không đại, không tế, không trường, không đoản, không trầm, không phù, không hoạt, không sác, sờ tay vào thấy trung bình điều hòa, cảm thấy rất là đều đều êm ái, như vậy là có vị khí.
- Mạch trầm mà không đủ là mạch tế đoản, nhu, nhược, trầm, sắc, phục. Song phù với khâu, khâu với hồng, huyền với khâu, hoạt với sắc, cách với lao, lao với thực, trầm với phục, vi với sắc, nhuyễn với nhược giống nhau; nay đem tóm lại thì chỉ có 4 mạch phù, trầm, trì, sác là 4 mạch gốc (7 mạch biểu, 8 mạch lý đều bao gồm ở 4 mạch này).
- Muốn biết được chủ mệnh của phong hàn, lạnh nhiệt thì mạch phù mà hữu lực là phong, vô lực là hư. Trầm mà hữu lực là tích, vô lực là khí. Trì mà hữu lực là đau, vô lực là lạnh. Sác mà hữu lực là nhiệt, vô lực là mụn nhọt.
- Sau lại chia ra làm 3 bộ, để xem mạch thấy hiện ở bộ nào. Như thấy ở bộ thốn là chủ về bệnh ở thượng tiêu, trên lồng ngực và trên đầu mặt. Thấy ở bộ quan là chủ về bệnh ở trung tiêu, tỳ vị và quãng bụng. Thấy ở xích thì chủ về bệnh ở hạ tiêu, bụng dưới và lưng chân. Như vậy để biết trong khắp ngũ tạng, lục phủ, chỗ nào bị bệnh.
1.1. Mạch Phù là ấn nhẹ đã thấy: mạch nổi mà hoãn là mạch phù; phù mà ở giữa trống rỗng là mạch khâu. Phù mà hữu lực là mạch thực. Phù mà thấy cuồn cuộn như sóng cồn là mạch hồng, phù mà dài vằng vặc mà to là mạch trường.
1.2. Mạch Trầm ấn mạnh tay mới thấy: Mạch chìm sâu xuống hữu lực là mạch trầm; Trầm mà rất nhỏ bé là mạch vi, yếu hơn mạch vi là mạch nhược. Để tận xương mới thấy là mạch phục (vô lực nhưng to hơn mạch vi mạch nhược, mạch phục là hư).
1.3. Mạch Trì là ấn trung bình sẽ tìm thấy: Một hơi thở mạch đập 3 lần là mạch trì, tuy rằng vô lực nhưng vẫn còn chịu sức ấn tay. Nếu không chịu sức ấn tay là mạch nhu. Nhanh hơn mạch trì một chút là mạch hoãn. Mạch đi không lưu lợi là mạch sắc. Nếu đã là mạch hoãn lại thấy 3 lần động, hoặc 5,7,9 lần động rồi lại ngừng, lại có số nhất định gọi là mạch kết. Nếu ngừng lại không có số nhất định gọi là mạch đại.
1.4. Mạch sác là ấn cả 3 bậc (phù, trung, trầm) đều như nhau: Cứ một hơi thở đập 6,7 lần và tùy theo hữu lực hay vô lực mà định là hư hay thực; Mạch sác hữu lực mà cứng thẳng là mạch huyền. Tựa như giằng dây thừng từ hai bên vặn lại là mạch khẩn; Đi lại trơn tru là mạch hoạt. To là mạch đại.
2. MẠCH THẤT BIỂU
2.1. Mạch phù
- Ấn tay xuống thì thấy mạch chạy yếu, nâng tay lên thì thấy mạch chạy nhanh (là bệnh ở biểu. Phù là mạch dương, khi ấn nhẹ tay thì thấy đập ở đầu ngón tay rất rõ ràng đầy đủ; ấn nặng tay thì kém hẳn, Lại có chỗ nói: mạch phù sờ là thấy ngay).
- Bộ thốn phù chủ cảm phong tà và bị đau vì nóng. Mạch quan phù chủ về vị khí hư yếu, trong bụng trướng đầy. Bộ xích phù, là tà phong vào phế kinh, đại trường khô táo khó đi đại tiện.
2.2. Mạch khâu
- Là mạch rỗng ở giữa chỉ thấy động ở xung quanh (là bệnh huyết, khâu thuộc dương, mạch này nổi to mà mềm, ở giữa rỗng, 2 bên chắc, ấn ngón tay xuống thì thấy động ở hai bên còn giữa thì không có gì).
- Mạch bộ thốn khâu là trong bụng có tích huyết hoặc là chứng thổ huyết, chảy máu cam. Bộ quan khâu, chỉ về đường ruột có nhọt máu mủ, đại tiện ra máu. Bộ xích khâu, chủ về thận hư tiểu tiện ra máu.
2.3. Mạch hoạt
- Hình thể nó cảm thấy tròn tròn như hạt châu ở giữa có lực (là bệnh thổ, mạch hoạt thuộc dương, mạch đi trơn tru lanh lẹ như hạt châu lăn trên mâm, ấn vào không thấy sít, không tiến, không thoái, chạy rất đều. Một thuyết nói rằng mạch chạy bon bon hơi giống với mạch sác. Một thuyết nói tựa như mạch phù mà hữu lực. Một thuyết nói mạch vun vút như sắp thoát).
- Bộ thốn hoạt, chủ về chứng mửa xốc có đờm ẩm. Bộ quan hoạt, chủ về vị nhiệt không ăn uống được, ăn vào sẽ mửa. Bộ xích hoạt, là chủ về tiểu tiện đỏ ít khó đi, đau buốt trong ngọc hành.
2.4 Mạch thực
- Cuồn cuộn như mạch trường và chắc (là bệnh nhiệt, thực thuộc dương, mạch tới đẫy đà, mạch hữu lực mà có vẻ dài. Một thuyết nói: Phù trầm mà đều hữu lực là tà khí thực, chính khí hư nên cần phải cho giải tà khí ra).
- Mạch thực ở thốn, chủ về bệnh lồng ngực đầy tức khó chịu. Thực ở quan, là trường vị trung tiêu đau nhói. Thực ở xích, chủ về bụng dưới đầy, đái gắt, đau buốt.
2.5. Mạch huyền
- Như sờ vào dây cung là thuộc hàn.
- Mạch huyền là dương, ấn vào căng thẳng như ấn vào dây cung, thỉnh thoảng kèm thấy sác. Một thuyết nói: mạch huyền ấn nhẹ không thấy gì. Lại có thuyết nói: Phù khẩn là mạch huyền; khí huyết bị thu liễm, trong dương có phục âm.
- Bộ thốn huyền, chủ về nhức đầu, trong bụng đau gấp.Bộ quan huyền, chủ về vị hàn đau bụng. Bộ xích huyền, chủ về đau ruột và đau gò dưới rốn.
2.6 Mạch khẩn
- Như xoắn dây thừng chằng chéo, là hàn, là thuộc dương, ấn vào thấy trường, mới đặt tay vào thấy tựa như xoắn dây thừng chằng chéo. (Một thuyết nói: tựa như xoắn dây thừng từng lúc, đó là tà khí va chạm, ẩn náu ở khoảng vinh vệ làm cho bị kích động).
- Bộ thốn khẩn, chủ về phong tà công lên đầu mắt làm đau nhức. Bộ quan khẩn, chủ về lồng ngực đau. Bộ xích khẩn, chủ về dưới rốn trướng đầy và đau.
2.7. Mạch hồng:
- Ấn nhẹ hay ấn nặng đều rất to (là bệnh trướng, mạch hồng thuộc dương, thuộc loại mạch đại (to) ấn vào rất to, nhẹ tay thì sức dồi dào, mạch tới thì trường. Một thuyết nói: mạch phù đại là hồng. Đó là cả vinh lẫn vệ đều rất nóng, khí huyết bị nung đốt, nóng ở cả biểu và lý).
- Bộ thốn hồng, chủ về thượng tiêu, trong lồng ngực có nhiệt. Bộ quan hồng, chủ vị nhiệt nôn mửa và phiên vị. Bộ xích hồng, chủ về nhiệt ở hạ bán thân, đại tiện khó và đi ra huyết.
3. MẠCH BÁT LÝ
3.1. Mạch vi lờ mờ tựa như có, như không
- Đó là chứng hư, mạch vi thuộc âm là loại mạch tiểu, đặt tay vào tìm thấy mạch chạy rất nhỏ, tìm thật kỹ thì thấy tựa như có tựa như không. Lại nói: mạch vi là mạch rất mềm nhỏ, phù, trầm đều như nhau. Lại có thuyết nói: đặt tay xuống thấy mạch động lăn tăn nhanh. Có thuyết nói: Phù mà mong manh. Có thuyết nói: ấn nặng tay vào như muốn hết. Đó là ra huyết không chỉ, mặt đỏ không có sắc sáng, nhuận, đều về loại bệnh khí huyết cùng hư.
- Bộ thốn mạch vi, chủ về vinh khí suy kém, thiếu huyết. Bộ quan mạch vi, chủ về khí kết, tỳ vị hư yếu đau bụng. Bộ xích mạch vi, chủ về dưới ruột có tích, thân thể lạnh, đau ngầm ở bụng dưới.
3.2. Mạch trầm ấn nhẹ không thấy gì, ấn nặng tay mới thấy
- Đó là bệnh ở lý, trầm thuộc âm, mạch lẫn ở dưới thịt, ấn nhẹ không thấy gì, ấn nặng tay mới thấy. Có chỗ nói: ấn nặng tay vào mới thấy mạch, chủ về khí trướng đầy và đau sườn, chân tay lạnh, là chứng bệnh dương nghịch âm uất.
- Bộ thốn trầm, chủ về trong lồng ngực có đàm. Bộ quan trầm, chủ về bụng trên có khí lạnh, trung tiêu bị đầy và đau. Bộ xích trầm, chủ về lưng gối nặng mỏi đau, đái gắt, hay đi vặt.
3.3. Mạch trì là một hơi thở mạch đập 3 lần
- Trì là có hàn đau; mạch trì là thuộc âm, mạch đến chậm chạp không mau, mỗi hơi thở mạch đập 3 lần. Một thuyết nói: cất nhẹ tay thì thấy mạch yếu. Ấn mạnh vào thì rất chắc, là chứng hậu âm thịnh dương hư, hoặc tỳ hư, hoặc vị hàn, là chứng hư yếu. Mạch Phù Trì là ở biểu có hàn. Trầm Trì là lý có hàn).
- Bộ thốn trì là ở quãng lồng ngực có hàn. Bộ quan trì là trong vị có hàn, đau bụng chân tay lạnh. Bộ xích trì chủ về nguyên dương ở hạ bán thân hư lạnh.
3.4. Mạch hoãn là trong một hơi thở mạch đập thong thả
- Là bệnh hư yếu; hoãn là thuộc âm, mạch đi lại thong thả, hơi thở từ từ không gấp lắm. Một thuyết nói: Mạch hoãn nhỏ hơn mạch trì. Lại nói: to hơn mạch nhuyễn. Đó là khí huyết đều hư cho nên mạch tới thong thả. Hoãn là chủ về thận hư. Tai ù; phong tà tích khí ở sau lưng là bệnh tê thấp, bệnh tê dại không có cảm giác, yếu sức đau nhức là khí không đầy đủ, là bệnh chóng mặt, phần ở trên thì cứng gáy, phần ở dưới thì yếu chân. Mạch phù hoãn, trầm hoãn quá là khí hư yếu.
- Bộ thốn hoãn, chủ về phong tà công hại lên trên làm chứng co quắp gân gáy đau cứng. Bộ quan hoãn, chủ về khí kết ở tỳ vị, đau bụng trướng đầy khó co duỗi. Bộ xích hoãn, chủ về có chứng lạnh kết tụ lại, thận bị hư, hạ nguyên lạnh.
3.5. Mạch sắc tựa như dao cạo nhẹ lên ống tre.
- Là bệnh thiếu máu, mạch sắc là mạch thuộc âm; không lưu lợi trơn tru tròn trịa. Mạch chạy hư nhỏ mà chậm, đi lại rất khó khăn, khi 5 khi 3 không đều, gọi là mạch rít sắc, hình trạng như hạt mưa thấm trên cát, như dao cạo ống tre. Một thuyết nói: một lần ngừng rồi lại đến. Lại thuyết nữa nói: mạch phù mà đoản. Lại nói: mạch đi đoản mà tựa như muốn ngừng lại. Lại nói là mạch tán. Đó là khí nhiều huyết ít, là chứng tinh huyết bị thiếu thốn.
- Bộ thốn mạch sắc chủ về khí hư huyết ít. Bộ quan mạch sắc chủ về can huyết hư thiếu bị tán loạn. Bộ xích sắc chủ về tinh huyết suy kém; thận hư sôi bụng, ở dưới lạnh có chứng hư lao rất nguy.
3.6. Mạch phục ở sâu tận trong xương, sâu hơn mạch trầm
- Là có chứng hoắc loạn, tích tụ, âm độc. Mạch phục thuộc âm thuộc tạng; mạch phục lẫn ở dưới thận không hiện lên trên, ấn nhẹ tay không thấy gì cả, ấn nặng tay vào thì thấy sát ở tận xương. Một thuyết nói: ấn vào thì không thấy rõ, ấn nhẹ thì không thấy gì. Một thuyết nói: Trên bộ quan mạch trầm không nổi ra, gọi là mạch phục. Một thuyết nói: ấn tay xuống mới thấy động, đó là ở phần âm, phần dương có khí độc ẩn nấp, là chứng trạng bệnh quan cách bế tắc.
- Bộ thốn phục chủ về có tích tụ trong lồng ngực. Bộ quan phục chủ về chứng trường tịch, chỉ muốn nhắm mắt lim dim. Bộ xích phục là có thức ăn ứ đọng không tiêu, bệnh trưng hà đau đớn và tiết tả.
3.7. Mạch nhu: ấn nhẹ thì thấy, ấn nặng thì tan mất
- Đó là mạch hư, nhu là thuộc âm, mạch không có lực mà mềm nhỏ, ấn vào không thấy gì, để nhẹ tay thì thấy phù nhỏ bé mà mềm, phải đặt nhẹ tay mới thấy, như bông ngâm trong nước và nổi vật vờ trên mặt nước. Nếu lấy tay ấn xuống thì sẽ theo tay mềm tan ngay, sức đập không được thấy rõ ở tay, đó là tượng mạch nhu. Nội kinh gọi mạch này là mạch phù mà nhuyễn. Họ Vương nói: Mạch này là mạch không có dương, là chứng khí huyết không điều hòa.
- Bộ thốn nhu chủ về váng đầu, đổ mồ hôi. Bộ quan nhu chủ về khí suy ít, tinh thần bị tan tác. Bộ xích nhu chủ về khí ở hạ nguyên hư lạnh, sợ lạnh, đi ỉa chảy.
3.8. Mạch nhược: là mạch trầm vi, nhẹ tay thì không thấy
- Mạch này thuộc hư. Nhược là mạch âm, là không khỏe mạnh, mạch đập rất nhỏ và mềm, ấn vào còn có thể tìm thấy, nhẹ tay không thấy gì, như sờ vào bông nát, nhẹ tay thì không thấy, do chứng khí huyết thiếu thốn, cho nên mạch yếu đuối không dậy lên được. Đó là chứng ở hạ nguyên bị hư hao khô lạnh gây nên.
- Bộ thốn nhược chủ về dương khí suy kém. Bộ quan nhược chủ về chứng khí hư suyễn gấp. Bộ xích nhược chủ về âm khí kết tụ, dương khí thiếu kém và nóng trong xương. Lại có thuyết nói là chứng huyết ít, khí ở hạ nguyên bị quá hư, trong xương thịt đau buốt.
4. MẠCH THẤT TUYỆT (Bảy mạch chết)
4.1. Mạch tước trác:
- Mạch đập liền 5, 3 cái lại nghỉ.
- Mạch này tựa như chim sẻ mổ thóc, mổ liền liền bỗng nhiên ngừng lại, lâu lâu rồi lại động, đó là can tuyệt.
4.2. Mạch ngư tường:
- Tựa như có tựa như không.
- ựa như cá lượn dưới nước, đầu thì yên lặng mà đuôi sẽ vẫy mạnh như có như không, đó là tâm tuyệt.
4.3. Mạch ốc lậu:
- Lâu lâu mới nhỏ xuống một giọt.
- Tựa như nhà nát dột xuống, thỉnh thoảng mới nhỏ xuống một giọt rất nhẹ, đó là vị tuyệt.
4.4. Mạch hà du:
- Là đương yên lặng bỗng dưng nhảy lên một cái.
- Tựa như tôm bơi, mạch ở trong da, lúc đầu thì lẳng lặng không thấy gì rồi khẽ động một cái lại mất, lâu lâu lại động một cái, đó là khí đại tràng tuyệt.
4.5. Mạch đàn thạch
- Sờ vào thấy cứng rắn, ấn nặng tay thì mạch lại tan đi mất.
- Mạch chạy sờ vào rắn chắc tựa như tay đụng vào đá ở sát trong gân xương, nhưng ấn nặng tay hơn để tìm thì tan đi mất, đó là thận tuyệt.
4.6. Mạch giải sách
- Đặt tay vào thì tán loạn lờ mờ.
- Tựa như sợi dây thừng đương bị tháo ra, sờ thấy dưới tay có vẻ tan tác rối loạn, không trở lại thứ tự, khi thưa, khi nhặt, đó là tỳ tuyệt.
4.7. Mạch Phũ khí
- Mạch này cảm thấy như nước sôi trong nồi.
- Mạch nổi ở trên da, chỉ thấy cái tượng đùn ra mà không thấy lặn vào, đùn lên tựa như nồi canh sôi, sủi màng ở trên, đó là phế tuyệt.
- Mạch này nếu xem thấy buổi sáng thì chiều sẽ chết, buổi chiều nếu xem thấy thì sớm sau chết không thể chữa được. (Cũng có những thứ mạch vẫn còn mạch khí, mà mạch chạy 3, 4 cái hoặc 5, 6 cái lại ngừng một lần, như vậy tất nhiên có bị thương tổn về tinh huyết, bởi sự phòng dục quá độ mà gây ra; hoặc trong người có chất đàm dính đặc làm ngăn trở cho khí nghịch lên, không nên công kích. Nếu không phải vì sự trác táng thì do sự trèo cao bị ngã, hoặc đòn đánh bị thương, làm cho huyết ứ tích lại không tan đi được mà sinh ra như vậy. Hoặc vì thất tình lo nghĩ làm ra hư, hoặc vì hay ăn chất cao lương để bổ làm cho tích thực hóa đờm, bế tắc các kinh lạc tạng phủ mà có thứ mạch này; như vậy thì chưa có thể xếp vào loại mạch chết. Nhưng cũng là cái dấu hiệu không còn được hưởng thọ lâu dài nữa.
- Nếu mạch bộ thốn có, bộ xích không có; bộ xích có, bộ thốn không có là sẽ chết. Mạch đại sẽ chết. Ba thứ mạch kết, xúc, đại cũng đều có ngừng. Song mạch xúc, mạch kết tuy có ngừng nhưng sau trở lại như cũ thì sống. Mạch đại ngừng rồi không trở về được như cũ cho nên chết.
5. MẠCH SỐNG - MẠCH TỔN
5.1. Cách nhận mạch sống (sinh mạch)
- Một hơi thở ra mạch đập 2 lần là mạch bình. Ba lần đập là mạch ly kinh. Bốn lần đập là mạch đoạt tinh. Năm, sáu lần thì chết.
5.2. Cách nhận mạch tổn (tổn mạch)
- Một lần thở ra hít vào là một hơi thở mạch đập 4 lần là mạch Bình, đập 3 lần là Trì, 6 lần là Sác. Nếu đến có 2 lần là tổn, đến 1 lần là bại, như vậy là sẽ chết.
6. MẠCH HỮU LỰC - VÔ LỰC
- Ấn nhẹ tay vào thấy có mạch phù, lại ấn trung bình vẫn còn mạch y như trước là mạch hữu lực; tức là ấn nhẹ tay vào thấy mạch to, ấn vào trung bình cũng thấy to như vậy. Nếu ấn trung bình lại kém đi, như thế là mạch vô lực, đó là xét theo sức đập ở đầu ngón tay từ trên xuống dưới.
- Ấn nặng sâu tay xuống thấy có mạch trầm, ấn trung bình cũng thấy mạch nguyên như thế là hữu lực, tức là ấn nặng tay thì mạch to, khi ấn trung bình cũng thấy to như trước, nếu ấn trung bình thấy kém trước là mạch vô lực. Đó là xét theo sức mạch đập từ dưới lên trên.
6. MẠCH NHÂN NGHINH - KHÍ KHẨU
- Ba bộ bên tay trái là bộ vị của tâm và tiểu trường, can và đởm, thận và bàng quang. Trước bộ quan tay trái một phân là nhân nghinh, chỗ đó là bộ vị của can đởm để xem xét mức độ nhiễm vì lục dâm, sự sinh hoạt mất bình thường hay cảm phải thời khí trái mùa. Nơi đó thấy hiện mạch khẩn quá là thương hàn, đều thuộc về chứng ngoại cảm, là tà khí hữu dư.
- Ba bộ bên tay phải là bộ vị của phế, đại tràng, tỳ vị mạch môn, tam tiêu, trước bộ quan tay phải một phân là khí khẩu là bộ vị của tỳ vị, để xem xét sự thương tổn vì thất tình, phòng dục, làm việc mệt nhọc, hoặc ăn uống mất điều độ. Mạch chỗ này thấy khẩn quá là do thương thực, đều là chứng nội thương hay suy kém.
7. MẠCH NAM, PHỤ, LÃO, ẤU, NGƯỜI GẦY, BÉO
7.1. Mạch người già
- Cần hoãn, nhược, vượng quá là có bệnh. Nếu mạch vượng mà không vội vàng là hiện tượng sống lâu. Nếu mạch chạy vội vàng chỉ nổi ở ngoài biểu, còn ấn sâu vào không thấy gì là sắp chết.
- Phép xem mạch phải nên tùy theo người gầy người béo. Người béo thì mạch trầm tế; người gầy thì mạch phù trường; trẻ em thì mạch nhanh, người già thì nhu, tùy theo từng vóc người thấp nhỏ mạch đoản, người cao lớn mạch trường, không nên cho là mạch bệnh.
7.2. Mạch nam giới
- Ở trên bộ quan mạnh; Mạch nữ giới ở bộ xích hay phù hồng; Mạch theo từng mùa, xuân huyền, hạ hồng thu mao, đông thạch. Mạch những tháng cuối mùa thì hòa bình là vị khí thịnh vượng, (Bốn mùa đều cần phải có vị khí làm căn bản).
- Cứ xem bốn mạch Phù, Trầm, Trì, Sác cũng bao quát được các bệnh, không cần phải phân biệt nhiều tên mạch quá. Mạch Phù mà sờ thấy tan tác; mạch Trầm mà ấn vào không tìm thấy đâu, mạch Trì mà một hơi thở mới động một lần; mạch Sác mà động liền liền không thể đếm kịp đều là chứng chết cả. (Người trẻ khỏe mạch phải đầy chắc, nếu quá yếu là bệnh).
8. NHẬN BIẾT SỰ THUẬN NGHỊCH
- Cách nhận xét mạch bình thường của các lớp người: lớn, bé, cao, thấp, nam nữ để nhận biết sự thuận nghịch
- Phép xem mạch nên nhận xem người lớn hay bé; người cao hay thấp và tính nết ôn hòa hay nóng nảy. Mạch nhỏ, to, mau, chậm, ngắn, dài nếu hợp với hình thể thì tốt, nếu không hợp là mạch nghịch. Mạch ba bộ đều nên được thuận.
- Chỉ có mạch người nhỏ bé, đàn bà thì mạch mềm nhỏ. Trẻ em 4, 5 tuổi mạch đập 8 lần trong một hơi thở là tốt.
- Sách Thiên Kim nói: “Người bé nhỏ mà mạch to, người béo mà mạch hư, người lao lực mà mạch thực, người nóng tính mà mạch hoãn, người tính hoãn mà mạch cấp, người khỏe mà mạch tế; người yếu đuối mà mạch to, đều là mạch nghịch, bệnh rất khó chữa”. Trái với những điểm đó là mạch thuận, dễ chữa.
- Phàm mạch đàn bà thường nên nhu nhược hơn mạch đàn ông, trẻ con 4, 5 tuổi thì mạch chạy nhanh, một hơi thở mạch đập 8 lần là trung bình.
9. SO SÁNH CÁC LOẠI MẠCH GIỐNG NHAU
- Mạch Hồng với mạch Hư cũng đều đi nổi lên (phù) (Phù hữu lực là Hồng, vô lực là Hư)
- Trầm với Phục đều là mạch đi chìm xuống (trầm) (mạch Trầm đi ở khoảng gân, ấn nặng tay vào thì thấy. Mạch Phục đi sát trong xương, ấn nặng tay cũng không thấy; phải đẩy gân ra một bên, ấn sát vào xương mới thấy).
- Sác với Khẩn đều là mạch nhanh (Mạch Sác đi nhanh một hơi thở đập 6 lần, nên gọi là sác; mạch Khẩn thì không cứ phải đủ 6 lần, duy thấy mạch huyền mà cấp bách và đạp chằm chằm bên này bên kia giống như chiếc dây xoắn).
- Trì với Hoãn cũng đều là mạch chậm (Trì thì đập từ từ, một hơi thở 3 cái, hoãn thì nhảy thong thả, một hơi thở 4 lần).
- Thực với Lao cũng đều kiêm cả 4 mạch: huyền, đại, thực và trường (Mạch thực tìm ở ba mức phù, trung, trầm đều như nhau, nhưng mạch lao thì phải ấn sát tay mới thấy).
- Hồng với Thực đều là mạch hữu lực (Hồng thì khi ấn nặng thấy giảm sút, thực thì dù ấn nặng mạch vẫn mạnh).
- Cách với Lao cũng đều to và một dạng với mạch huyền (Cách thì ấn nhẹ tay là thấy, lao thì ấn nặng tay mới thấy được).
- Nhu với Nhược đều nhỏ bé cả (Nhu thì ấn nhẹ tay mới thấy, ấn nặng tay sẽ không thấy, nhược thì ấn nặng tay mới thấy, ấn nhẹ tay sẽ không thấy).
- Đoản với Động đều là không đầu không đuôi (Đoản là âm mạch, đi lại thấy chậm chạp, động là dương mạch, đi lại thấy nhanh nhảu).
- Sác mà thỉnh thoảng ngừng một cái gọi là Xúc Hoãn mà thỉnh thoảng ngừng một cái gọi là Kết Đi lại vướng mắc tựa như muốn ngừng mà không phải ngừng gọi là mạch Sắc.
- Động mà nửa chừng thấy ngừng rồi không thấy tiếp tục như cũ, khi ngừng có số nhất định gọi là mạch Đại
10. LỜI BÀN
- Nội kinh nói: “Mạch có sức dồi dào mà thân hình khí lực suy kém cũng sống được”. Có chỗ nói: “bắp thịt teo róc hết, thì tuy rằng chín hậu mạch vẫn còn điều hòa, cũng chết”. Như thế là chỗ trọng về mạch, chỗ trọng về hình trái ngược nhau chăng? Không phải như vậy đâu, vì rằng mạch khí hữu dư, phần lý không có bệnh nặng, hình khí có suy kém, nhưng bắp thịt chưa đến nỗi teo róc hết thì chết sao được? Nếu đến lúc bắp thịt teo róc hết thì tất nhiên có bệnh nặng đã lâu, khí huyết suy kém, cho nên chín hậu mạch nhỏ bé như sợi tơ, nên tựa như có vẻ hòa hoãn. Song bắp thịt đã teo róc hết là tỳ đã tuyệt, thì còn sống sao được?
- Người ta có mạch xích không khác gì như cây có cội rễ, vì rằng thủy là sự phát sinh đầu tiên của thiên nhất, là cội rễ sinh mệnh của tiên thiên, Vương Thúc Hòa nói: “Mạch bộ thốn, bộ quan tuy không thấy nhưng mạch bộ xích vẫn còn chưa hết, như thế thì không chết được”. Nội kinh nói: “Các mạch phù không có căn đều chết”, là chỉ có biểu mà không có lý, như vậy gọi là một mình dương thì không sinh được. Vì hai bộ xích là bộ vị của thận; cả 6 bộ mạch trầm cũng đều thuộc thận. Mạch 2 bộ Xích vô căn và 6 bộ ấn trầm đều vô căn, là thuộc về thận thủy bị tuyệt. Cho nên nói rằng: Mạch cốt yếu phải có thần, tức là ấn nặng chìm xuống thấy có căn gọi là mạch có thần, ví như cái cây khi cội rễ đã bị thối nát rồi, dù có vun xới cũng vô ích. Cho nên biết rằng mạch chân tạng là mạch không thể chữa được. Bởi vì người ta lấy vị khí là căn bản mạch. Vì đập vào tay cảm thấy đều đặn hòa nhã, có ý êm ái du dương không thể hình dung được. Thái quá hay bất cập đều có bệnh. Nhưng hễ thấy mạch chân tạng, không có vị khí thì chết.
- Mạch Xung dương là mạch của Vị, ở chỗ động mạch trên mu bàn chân, cách huyệt Hãm cốc 3 thốn. Bởi vì thổ là gốc sinh ra vạn vật, mạch Xung dương không suy kém thì vị khí vẫn còn, tuy bệnh có nguy mà có thể cứu sống.
- Mạch Thái khê là mạch của thận ở trên xương gót chân, phía sau mắt cá trong có động mạch đập vì thủy là nguồn của thiên nhất, mạch Thái khê chưa suy thì thận chưa tuyệt, tuy rằng bệnh nguy vẫn còn có cơ sống. Người ta ai cũng biết rằng, dương thực thì mạch hồng đại, nhưng thực tới cực độ mạch lại ẩn phục. Đó là hiện trạng hào Thượng cửu quẻ Càn găng thịnh quá thì không tốt. Người ta ai cũng biết rằng âm hư thì mạch vi tế nhưng hư cực độ thì mạch lại nhanh hơn, đó là hiện tượng hào Thượng lục của quẻ Khôn găng thịnh quá thì không tốt. Đây là lẽ âm dương lấn át lẫn nhau, người nhận định sáng suốt sẽ thấy rõ. Những bệnh mạch thuộc âm, có mạch trầm, mạch khẩn, mạch sác, mà Trọng Cảnh chỉ nói chung là mạch Vi Tế, bởi vì mạch trầm thì phải ấn nặng tay mới tìm thấy, thì Khẩn Sác cũng chỉ nằm trong cái Trầm Tế; nó không giống cái Khẩn Sác trong mạch phù đại của dương chứng.
- Tiết Lập Trai nói: “Người ta chỉ biết sác là nhiệt, không biết rằng trong Trầm Tế mà thấy sác là rất hàn”. Chứng chân âm chân hàn mạch thường đập 7, 8 lần trong một hơi thở nhưng ấn vào vô lực mà sác, những chỗ này phải suy xét kỹ. Cho nên nói mạch Sác là nhiệt; Phù Sác là biểu nhiệt; Trầm Sác là lý nhiệt. Sác mà hữu lực là thực nhiệt, huống hồ mạch tế sác thì còn nhiệt sao được? Mạch Thượng ngư là mạch lên ngang tới trấy tay; nhiều người hay có thứ mạch ấy. Mạch giống nhau, bệnh khác nhau, thì không thể luận trị như nhau được. Có khi mạch ở hai tay đều lên đến trấy tay, có khi chỉ một tay lên tới trấy tay. Nếu người bình thường, thần khí sung túc mà có loại mạch như vậy là bẩm chất dồi dào, nguyên thần đầy đủ, mạnh dần đến trấy tay, là người đó sẽ thọ. Nếu người vẫn không có mạch ấy, mà bỗng dưng thấy mạch động lên trấy tay là mạch bệnh. Nạn kinh nói: “Trước bộ quan là chỗ dương động, mạch chỗ ấy phải phù tới 9 phần, kém như vậy là bất cập, quá như vậy là thái quá”. Lên đến trấy tay là mạch dật là nội quan ngoại cách, là mạch âm lấn dương.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.