Phần 10: Cách xem mạch
Phàm khi xem mạch, trước lấy đầu ngón tay giữa đặt vào chỗ đối chiếu với lồi xương quay sau cổ tay để định vị trí của bộ Quan, rồi đặt ngón tay trỏ và ngón tay vô danh xuống để định vị trí của bộ Xích và Thốn. Người bệnh cao lớn thì nên đặt ngón tay thưa, người thấp bé thì đặt ngón tay khít. Lúc đầu sờ nhẹ rồi sau ấn vừa vừa, sau cùng ấn nặng tay hơn để thăm bệnh (có 7 phép xem mạch).
- Tĩnh tâm, tập trung tư tưởng.
- Không lo nghĩ việc ngoài.
- Thở đều để định hơi.
- Đặt nhẹ ngón tay ở ngoài da để xem xét về mạch, gọi là phù.
- Ấn ngón tay hơi nặng ở khoảng da thịt để xem xét vị khí, gọi là trung.
- Đặt ngón tay vào sát gân cốt để tìm mạch tạng, gọi là trầm.
- Xem xét số mạch đập của bệnh nhân.
- Cứ một lần thở ra và một lần hít vào, gọi là một tức (hơi thở). Mỗi một tức mạch đập 4 lần là mạch trung bình. Người thầy thuốc phải tự thở hơi cho đều để xem mạch cho đúng.
- Mạch mùa Xuân thì huyền mà trường, mạch mùa Hạ thì phù đại mà tán, mạch mùa Thu thì hơi phù mà đoản, mạch mùa Đông thì trầm, nhu hoạt mà nhuyễn. Mạch trong 4 mùa thấy kiêm có sức hòa hoãn là có vị khí, như vậy là mạch không có bệnh (phàm phép xem mạch, nên xem vào buổi sáng sớm, khi đó khí âm chưa bị động, khí dương chưa bị tán loạn, chưa ăn uống gì, kinh mạch chưa đầy thịnh, lạc mạch còn điều hòa, khí huyết chưa bị rối loạn, cho nên có thể xem xét mạch có bệnh hay không).
- Mạch của nam giới về bên trái thường lớn hơn bên phải là thuận. Mạch của nữ giới về bên phải thường lớn hơn bên trái là thuận. Nam giới mạch xích yếu, mạch thốn mạnh là thuận và bình thường. Nữ giới mạch xích mạnh, mạch thốn yếu là thuận và bình thường.
- Nữ giới thấy hiện mạch như nam giới là mạch hữu dư. Nam giới mà hiện mạch như nữ là bất túc, Nam giới chủ về dương, hai mạch thốn thường mạnh hơn hai mạch xích. Nếu hai mạch thốn lại yếu, hai mạch xích mạnh là thận không đầy đủ. Nữ giới chủ về âm thì hai mạch xích thường mạnh hơn hai mạch thốn. Nếu xích yếu thốn mạnh là hiện tượng hữu dư, bất túc hay hữu dư đều là bệnh. Cho nên nói thái quá cũng như bất cập.
Cả 3 bộ thốn quan xích gọi chung là thốn khẩu, lấy ý nghĩa thốn là mỗi bộ phận đó phạm vi bằng 1 tấc, khẩu là chỗ giới hạn
BÀI CA TÓM TẮT XEM CÁC MẠCH
Tinh vi mạch lý khôn lường,
Bảy biểu, tám lý mọi đường phải tinh.
Ấy ai xem mạch phải rành,
Nên tường bốn chữ phân minh rõ ràng.
Đó là mạch yếu đại cương.
Phù, trầm, trì, sác, bốn đường phải phân. (4 mạch gốc)
Trầm chủ lý, trì chủ hàn,
Phù bệnh biểu, sác nóng ran trong lòng.
Lại xem hữu lực hay không,
Chia ra hư thực đôi dòng khác xa.
Biểu, lý, hàn, nhiệt, thực, hư.
Suy ra bốn chữ đều từ ở trong,
Phù mà hữu lực là phong,
Phù mà vô lực thuộc giòng khí hư.
Sác hữu lực, nóng đó mà,
Huyết hư vô lực mới là ung sang,
Trầm hữu lực tích rõ ràng,
Khí hư vô lực hoặc thường bốc xông.
Trì hữu lực đau khó dong,
Trì mà vô lực trong lòng lạnh thay.
Chủ bệnh của mạch phù ở sáu bộ.
Bộ tâm phù, thần chằng yên,
Nói năng lẫn lộn liên miên kinh hoàng.
Can phù tê dệt không an,
Quắp co, tức ngực, đau ran trong mình.
Tỳ phù bệnh lỵ, suyễn sinh,
Luôn luôn tiết tả, bệnh tình kém ăn.
Phế phù ho suyễn khó khăn,
Trường phong, nặng mặt, phế ung máu trào.
Thận phù thì thổ huyết nhiều,
Lưng đau răng nhức, trăm chiều gian truân,
Phù vô lực, nhọt gối chân,
Độc phù chủ bệnh phong hàn khí hư.
Chủ bệnh của mạch trầm ở sáu bộ.
Bệnh khí mạch bộ tâm trầm,
Là chứng băng đới, huyết bầm chảy ra.
Khạc ra huyết khí kết tà,
Đêm đêm khó ngủ mắt đà chăm chăm.
Giận thương can, mạch can trầm,
Đau gân, con mắt tối xâm nặng nề.
Bụng đầy trầm ở bộ tỳ,
Da vàng thổ tả, da tê dại dần.
Phế ung, nôn mửa mạch trầm,
Suyễn đờm mất tiếng gian truân quá chừng.
Bộ thận trầm, bệnh đau lưng,
Âm hao kinh bế bụng sưng trường bành.
Chủ bệnh của mạch trì ở sáu bộ.
Tâm trì đái vặt luôn luôn.
Bồi hồi, nôn mửa, đau buồn buốt ê.
Sán và tích, mạch can trì,
Đó là mộc khí đau về bên hông.
Tỳ trì là lạnh tổn thương,
Sôi vang trong bụng tả thường luôn luôn.
Phế trì khí ngắn hàn đờm,
Khí suy, ăn uống thường làm khó tiêu.
Hoạt tinh tiểu tiện đi nhiều,
Lưng đau gối mỏi, chiêm bao lội dòng.
Mồ hôi tự chảy ròng ròng,
Ấy là bộ thận ở trong mạch trì.
Chủ bệnh của mạch sác ở sáu bộ.
Bộ tâm mạch sác nói cuồng,
Lưỡi mồm lở nứt, đái thường không thông.
Mắt mờ đầu choáng nhiệt phong,
Vì can mạch sác phải thông chớ lầm.
Bộ tỳ mạch sác muốn nằm,
Miệng hôi, bụng xốn, chân răng sưng vều.
Bộ phế sác nhiệt thượng tiêu,
Đờm tanh ho hắng, tiện nhiều khó khăn.
Tướng hỏa vượng ráo chân âm,
Bàng quang bế tắc, đái dầm són ra,
Chỉ vì thận mạch nhanh mà,
Nữ nhi mạch ấy hẳn là có thai.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.