YTTL: Khôn hóa thái chân 5

Khôn hóa thái chân (những điểm trọng yếu về hậu thiên tỳ vỵ) nói về cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa, hầu hết vận dụng Bổ trung ích khí, Tứ quân, Tứ vật, Bát trân, Thập toàn, Quy tỳ, Nhân sâm dưỡng vinh.
KHÔN HÓA THÁI CHÂN
Phần 5:
1. Bài thuốc tứ quân tử thang
  • Chu Đan Khê chú trọng về dương khí của hậu thiên nên mới lập ra bài này, là một bài bổ Tỳ Vị rất có giá trị.
    • Nhân sâm: (bổ trung ích khí) 4 đồng cân
    • Bạch truật: (giúp Vị khỏe tỳ) 3 đồng cân
    • Phục linh: (dưỡng tâm lợi thủy) 2 đồng cân
    • Cam thảo: (hòa trung giáng hỏa) 1 đồng cân
    • (Thêm Gừng sống 3 lát, Đại táo 2 quả sắc uống hơi nóng)
  • Bài này chữa hết thảy các chứng hậu thiên dương hư, khí yếu, tỳ hư, phế tổn, không thiết uống ăn (Tỳ là mẹ của muôn vật, Phế là mẹ của khí)
  • Một khi Tỳ Vị bị hư, Phế sẽ bị sút trước. Vì Tỳ không kiện vận, nên không thiết uống ăn, do đó mình gầy, mặt vàng hoặc trắng bệch. (Đấy là do “vọng” mà biết được khí hư)
  • da nhăn, tóc rụng (vì Phế chủ bì mao), nói năng bợt bạt (Đây là do “văn” mà biết được khí hư)
  • tay chân bủn rủn (đấy là do “vấn” mà biết được khí hư)
  • mạch nhuyễn nhược (do Tỳ Phế đều hư nên mạch như vậy, đấy là do “thiết” mà biết khí hư).
  • Phàm những người hình thể bạc nhược, hơi ngắn, ăn ít, tiểu tiện đỏ và ít, đại tiện lỏng v.v... đều nên giúp Vị giáng hỏa (bài này chữa khí hư có nhiệt, lại là yếu dược chữa trẻ em Tỳ Vị không điều hòa)
2. Ý nghĩa
  • Đây là bài thuốc chữa hai kinh Thủ Thái âm Phế và Túc Dương minh Vị . Nhân sâm cam ôn, đại bổ nguyên khí làm quân, để bổ nguyên khí của cả năm tạng, khí mạnh thời Vị sẽ phát triển, khí hòa thời tỳ sẽ vận hóa.
  • Bạch truật khổ ôn, ráo tỳ, bổ khí làm thần, để bổ mẫu khí của năm tạng, vừa bổ tỳ, vừa tiêu thực, là một loại thuốc rất hay chữa mọi chứng hư của Tỳ Vị .
  • Phục linh khí vị cam đạm, tả nhiệt và thẩm thấp làm tá, để điều hòa thanh khí của năm tạng và giúp Vị , khỏe đại tiểu trường, nó lại còn có tác dụng giúp Sâm, Truật để hút bớt khí thấp của Tỳ Phế, dẹp “tà” của Can, Thận, khiến cho Mộc không khắc thổ, Thủy không lấn Thổ.
  • Cam thảo khí vị cam bình, bổ trung ích thổ làm sứ, để điều hòa những khí không được đúng mức của năm tạng, vừa ôn trung vừa khỏe Tỳ, lại có tác dụng làm cho tính chất của các vị kia êm dịu, cho Tỳ được bổ dưỡng một cách dần dà thấm thía.
  • Bốn vị trong phương này rất hòa bình, có thể giúp ích cho chứng dương hư, lại toàn là những vị cam ôn, có cái khí vị trung hòa như người quân tử, không chút thiên lệch cho nên mới đặt tên là Tứ quân tử.

3. ​Gia giảm bài Tứ quân tử thang
Dưới đây vừa là theo phép xưa, vừa là kết hợp với ý kiến của tôi
  • Tay chân không nhấc lên được, gia Trần bì, Bán hạ, Mạch môn và Trúc lịch.
  • Sợ sệt không ngủ được, gia Sinh khương, Toan táo nhân
  • Tiêu khát không ăn được, gia Mộc hương, Hoắc hương, Cát căn, Sài hồ, Ngũ vị.
  • Bại liệt nửa người bên hữu, với chứng “đờm quyết” chết ngất, gia Trần bì, Bán hạ, Trúc lịch, nước gừng.
  • Dương hư, gia Phụ tử.
  • Thổ, tả, gia Hoắc hương, Trần bì, Biển đậu. Nếu nội thương “đình ẩm” (nước ứ đọng không tiêu đi được), bỏ Sâm, giảm bớt Thảo, gia Nhục quế. Nếu tiết tả vẫn không khỏi, gia Kha tử và Đậu khấu.
  • Tỳ Vỵ hư yếu, gia Nhục quế, Đương quy, Hoàng kỳ.
  • Dạ dày lạnh, gia Phụ tử, Đinh hương, Sa nhân, vị Nhâm sâm thêm nhiều gấp đôi.
  • Bụng trướng không thiết ăn, gia Bạch đậu khấu, Chỉ thực, Sa nhân.
  • Bệnh chứng thuộc thực, ngực sườn đầy tức, thở suyễn, gia Chỉ thực, Bán hạ và Chỉ xác.
  • Ho, gia Tang bạch bì, Ngũ vị và Hạnh nhân.
  • Tâm phiền không yên, gia Thần sa, Táo nhân, Viễn chí.
  • Tâm phiền, miệng khát, vị Nhân sâm dùng nhiều gấp đôi và gia Hoàng kỳ.
  • Chỉ tâm phiền, ngoài ra không còn chứng gì khác, gia Mạch môn, Phục thần, Liên nhục.
  • Khí thống, gia Huyền hồ, Tiểu hồi, Đương quy
  • Khí kết lại thành hòn, gia Tam lăng, Nga truật, Hồi hương và Phụ tử.
  • Huyết thống, cũng gia như trên.
  • Đau bụng, gia Can khương, Xích thược, Nhục quế. Huyết thống cũng có thể dùng được.
  • Khí hư mà thành nuy (tay chân rã rời, lỏng gân, đi đứng khó khăn) gia Thương truật, Hoàng bá, Hoàng cầm (chứng thấp cũng dùng được).
  • Ngoại cảm hàn nhiệt, gia Ma hoàng, Quế chi.
  • Chứng cảm mạo phát sinh trong ba mùa xuân, hạ, thu, gia Phòng phong, Khương hoạt.
  • Chứng phong nhiệt, gia Kinh giới, Hoàng cầm, Bạc hà.
  • Bổ dưỡng sau khi mới ốm dậy, gia Trần bì.
  • Sốt cơn, gia Tiền hồ, Xuyên khung.
  • Khát nước, gia Mộc qua, Cát căn, Ô mai.
  • Chứng thấp nhiệt, miệng khát, cũng gia như vậy
  • Tiểu tiện không thông, gia Trạch tả, Mộc thông, Trư linh.
  • Đại tiện không thông, gia Binh lang, Đại hoàng.
  • Sau khi ốm dậy, mắc chứng hư nhiệt, gia Thăng ma, Sài hồ và Đương quy.
  • Đẻ khó, gia Xạ hương, Bạch chỉ, Bách thảo sương.
  • Trẻ em phong đờm, gia Bạch phụ, Toàn yết, Tế tân.
  • Sởi đậu đã mọc, nhưng chưa đều, gia Thăng ma, Cát căn.
  • Trẻ em yếu đuối, sắc xanh, dương hư, sau khi bị thổ tả, biến thành “mạn kinh”, gia Mộc hương.
  • Hư trướng, hư bĩ, phát sinh bởi bên trong bị lạnh, vị Bạch truật dùng nhiều gấp đôi, gia Bào khương, Phụ tử.
  • Có khí trệ, gia Mộc hương.​
  • Thổ hư, khí không thu liễm được, gia Ngũ vị, Đại phụ.
  • Nếu trướng, bĩ phát sinh từ âm phận, đó là bởi Tỳ Vỵ cơ năng bị suy kém, gia Đương quy, Bạch thược và Ngũ vị.
4. Biến pháp bài Tứ quân
4.1. Dị công tán
  • Bài này có tác dụng điều lý Tỳ Vỵ, làm tan khí nghịch
  • Tức là bài Tứ quân gia Trần bì.
4.2. Lục quân tử thang
  • Bài này chữa chứng khí hư có đờm, hoặc có trướng (bụng to như cái trống), ăn ít. Dùng thuốc bổ để chữa trướng đầy tức là theo cái nghĩa: Tắc “nhân” để chữa (Bài Tứ quân gia Mạch đông, Trúc lịch chữa được chứng chân tay không cử động được)
  • Tức là bài Tứ quân tử gia Bán hạ và Trần bì.
  • Vị Bán hạ có tác dụng làm ráo khí thấp, chữa từ nơi gốc sinh ra đờm. Trần bì có tác dụng hòa khí, bài tiết bỏ cái ngọn của đờm. Ngọn gốc cùng điều trị, công bổ đều thi hành tuy bổ không trệ, tuy công mà không mạnh, nên mới gọi là quân tử.
  • Kinh nói: người khỏe thời khí lưu hành không hề chi, người yếu thời khí nghẽn tắc mà sinh bệnh. Bài này chuyên về làm cho khí khỏe, khí đã khỏe thời “thăng giáng” sẽ được dễ dàng, thứ trong thời bốc lên trên, thứ đục thời lắng xuống dưới. Như vậy thời còn lo gì có vật ứ đọng bám vào trong nội tạng nữa.
4.3. Hương sa lục quân tử thang
  • Bài này chữa chứng hư làm Vỵ đau, hoặc đau bụng ỉa chảy.
  • Tức là bài Tứ quân gia Trần bì, Bán hạ, Hương phụ và Sa nhân (Có bản chép Sa nhân là Hoắc hương).
4.4. Thập toàn nhân sâm tán
  • Bài này chữa hư nhiệt, triều nhiệt và thân thể mỏi mệt.
  • Tức là bài Tứ quân gia Trần bì, Bán hạ, Sài hồ, Cát căn, Hoàng cầm và Bạch thược.
4.5. Tứ thú ẩm
  • Bài này chữa 5 tạng khí hư, bảy tình dồn dập, kết tụ thành “đờm ẩm” với “Vệ khí” cùng chèn ép lẫn nhau phát sinh “ngược tật”. Lại chữa cả sốt rét rừng.
  • Tức là bài Tứ quân gia Trần bì, Bán hạ, Ô mai, Thảo quả phân lạng bằng nhau, thêm Đại táo 3 quả, gừng sống 3 nhát cùng sắc uống.
4.6. Lục quân tử tiễn
  • Tức là bài Tứ quân gia Hoàng kỳ, Sơn dược.
  • Bài này dùng để điều dưỡng sau khi ốm dậy, cho được khỏe Tỳ ăn ngon, gia Sinh khương và Táo nhân (sao) chữa chứng sợ sệt, không ngủ được, gia Trúc lịch và Khương trấp chữa chứng bại liệt nửa người bên phải và chữa cả chứng “đờm quyết” chết ngất.
4.7. Thất vị bạch truật tán
  • Bài này chữa Tỳ hư da thịt nóng, tiết tả hư nhiệt và khát nước.
  • Ngũ vị, Sài hồ chữa chứng tiêu khát, không ăn được, Sâm, Truật, Cát căn đều sinh ra tân dịch.
  • Tức là bài Tứ quân gia Mộc hương, Hoắc hương, Cát căn
4.8. Tứ thuận thang
  • (Bài này có thể luyện với mật làm thuốc hoàn)
  • Chữa chứng dương hư mạch trầm, không có nhiệt, sợ ánh sáng, đau bụng, kiết lỵ. Nếu y giả chưa nhận được rõ chứng hậu thuộc âm hay thuộc dương, nên tạm cho uống bài này. Nếu là dương chứng thời sau khi uống thuốc sẽ phát sốt, âm chứng thời không.
  • Tức là bài Tứ quân, bỏ Phục linh gia Can khương.
4.9. Tam bạch thang
  • Bài này chữa hư phiền, tiết tả hoặc khát nước.
  • Bài này có khả năng chữa các chứng nội thương ngoại cảm rất hay.
  • Tức là bài Tứ quân bỏ Sâm gia Bạch thược.
4.10. Lục thần tán
  • (phụ bài Ngân bạch thang)
  • Chữa trẻ em sau khi biểu nhiệt đã khỏi, ít lâu lại phát nhiệt.
  • Tức là bài Tứ quân gia Hoài sơn, Biển đậu, Đại táo và Sinh khương.
  • Các thầy thuốc gặp chứng hậu trên, không hiểu tại sao, phần nhiều dùng lương dược hoặc giải biểu, lại còn có người cho là khó chữa. Chính thực thời nó là một chứng biểu lý đều hư, khí không về nguồn mà dương phù ra bên ngoài, nên mới lại phát sốt, nên uống bài này, gia thêm gạo tẻ (sao qua). Vỵ khí được hòa thời khí trở vào mà mình sẽ mát. Nếu nhiệt nhiều gia Thăng ma, Tri mẫu gọi là Ngân bạch thang
5. Chống chỉ định
  • Tứ quân là một bài thuốc chủ yếu chữa khí phận của Hậu thiên, người đời rất thường dùng nhưng phần nhiều chỉ biết những chứng hậu thích ứng của nó, còn những chứng cấm kỵ thì không biết. Dưới đây là những tâm đắc của tôi, xin trình bày để các đồng nghiệp tham khảo.
  • Các chứng âm hư hỏa động, nếu lại ăn uống kém sút, thế tất phải dùng bài này nhưng Bạch linh nên tẩm sữa, Bạch truật nên tẩm mật, mà chỉ uống tạm thời thôi. Bởi dương dược phần nhiều hương táo, chứng âm huyết rất kỵ. Hơn nữa dương vượng thời âm tiêu, không thể cùng đi đôi với nhau được. Tôi có bài bàn luận về “âm hư khó bổ” chép trong tập Đạo lưu dư vận, vừa cứu âm vừa tiếp dương, vừa phù dương tiếp âm, vẹn cả đôi đường, thật là một phương pháp vệ sinh rất hay.
  • Trẻ em thân thể gày còm, đen sạm, chỉ nóng hâm hấp, mà da vàng úa, tân dịch khô kiệt, bụng nóng, ăn chóng tiêu, mình như que củi, khát nước, phân táo, khóc không có nước mắt (vì trẻ vốn thuần dương vô âm) những chứng hậu ở trên, hoàn toàn do âm hư... Nếu chỉ tin thuyết “bài Tứ quân là thánh dược của trẻ em”... mà nhắm mắt cho uống thời chết rất dễ. Nên biết trẻ em “thuần dương” cần phải phối hợp với âm dược mới không hại. Ngoài những chứng Tỳ hư, thấp trệ, nhiều đờm, dễ trướng, dễ đi tướt, uống ăn kém sút v.v... thời dầu có dùng cũng phải cẩn thận, vì nó là dương dược, rất dễ làm ráo chân âm.
  • Trước kia, tôi thường bị sai lầm như vậy “Xe trước đã bị đổ, xe sau kịp phải thay chiều”, từ đó về sau, hễ chữa bệnh trẻ em, đều chú ý đến hai chữ “vô âm”, trước sau lúc nào cũng bảo toàn âm, khiến dương tự hóa... nhờ đó mà bảo toàn được trẻ bé khá nhiều. Tôi đã có bài bàn rõ chép trong Lạc sinh thiên, cuối tập Ấu Ấu.
  • Các chứng huyết hư, không nên uống chuyên bài này, e nó lại làm hao mất huyết (khí dược có tác dụng sinh được huyết, đó lại thuộc về một lý do khác). Có khi nào những vật khô khan như vậy, mà lại dung nạp được cái tính âm nhu? Tôi có bài bàn về “khí huyết cần phải phối hợp với nhau” chép trong Đạo lưu dư vận quyển một, phần nhiều là ý nghĩ.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.