YTTL: Khôn hóa thái chân 3

Khôn hóa thái chân (những điểm trọng yếu về hậu thiên tỳ vỵ) nói về cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa, hầu hết vận dụng Bổ trung ích khí, Tứ quân, Tứ vật, Bát trân, Thập toàn, Quy tỳ, Nhân sâm dưỡng vinh.

KHÔN HÓA THÁI CHÂN
Phần 3
Bàn về khí huyết
  • Phế là cơ quan chủ khí, Thận là cơ quan chứa khí; vì vậy nên khí xuất phát từ Phế mà lại thu nạp về Thận. Tâm là cơ quan chủ huyết, Can lại là cơ quan tàng chứa huyết; vì vậy nên huyết xuất phát từ Tâm mà lại thu nạp về Can.
  • Trong thân con người có Tôn khí (Mệnh môn hỏa), Doanh khí, Vệ khí (Tôn khí là nguồn chính của nguyên khí, tức là Đại khí phát sinh tại Đan điền thuộc tiên thiên, thứ khí nổi ra ở bên ngoài không đi theo vào Kinh là Vệ khí, nó có tác dụng gìn giữ nơi “biểu”, ngăn ngừa bên ngoài, vận hành mạnh mẽ Dương khí ở khắp thân thể. Thứ “thanh khí” vận hành ở trong kinh gọi là Doanh khí, giữ gìn bộ phận Doanh, bền chặt bên trong tức là một thứ Dương khí căn bản.
  • Trong khoảng trời đất, chỉ có khí là có tác dụng thăng giáng; còn “thủy” thời phải theo khí để đi. Sách nói: “...trời bọc ngoài nước, nước trôi trên đất. Cái khí “nhất nguyên” thăng giáng ở trong khoảng thái hư, trong thân con người cũng lấy khí làm chủ, còn huyết thời cũng như thủy, không thể nhận huyết làm Doanh khí được...”. Linh Khu cũng nói: “...Doanh lại hóa huyết để nuôi dưỡng sự sống...”. Như vậy thời chỉ có Doanh khí mới hóa được huyết, sao lại có thể bảo huyết là Doanh được?).
  • Nguyên khí, Trung khí, Cốc khí, Thanh khí, Chân khí, Dương khí, khí êm hòa, khí xuân thăng, v.v... đều là cái biệt danh của Vị khí cả (con người nhờ cái khí của thủy cốc để sống, cái tên Nguyên khí, chính là một thứ “tinh” ở trong con người, chỉ có Vị khí mới đủ thấm nhuần nó. Xem chữ Tinh (精) một bên là chữ Mễ (米), một bên là chữ Thanh (青) thời đủ biết cái “tinh” là do cái khí trong sạch (thanh) của cơm nước sinh ra.
  • Tiêu hóa chuyển vận là nhờ nguyên khí, sinh ra khí huyết nhờ sự uống ăn, ở con người từ khí Tam tiêu và mạch của năm Tạng sáu Phủ đều khơi nguồn từ Vị , cho nên một khi Vị mắc bệnh, thời nguyên khí ở mười hai kinh lạc đều kém, tân dịch không lưu hành nữa, tay chân và các cơ quan khác đều mất sự che chở, chín khiếu cũng do đó mà không thông, mọi tật bệnh sẽ lần lượt phát sinh. Cho nên về phương pháp trị bệnh, bao giờ cũng chú trọng vào Tỳ Vị , nhất là đối với hai loại Nội Ngoại thương cần phải chú ý bổ Tỳ.
  • Phàm hiểu biết phương pháp chữa Tỳ Vị , nên yêu tiếc khí, khí đã mạnh thời thăng giáng đúng mức, nếu khí yếu thời bị ngưng trệ ngay. Bởi Tỳ Vị một khi bị thương, trung khí sẽ không đầy đủ, cốc khí không vận hành được để nuôi Tâm Phế, lại dồn xuống lấn vào Can Thận, sẽ là cái mầm mống gây nên các chứng Nuy, Quyết và Nghịch. Thận bị thấp của Tỳ làm vít lấp ở dưới, m hỏa ở Thận sẽ thừa hư xông lên Tâm Phế, mà Tôn khí bao giờ cũng vẫn ở địa vị chủ tể. Đến khi mắc bệnh, thời sẽ biến ra các chứng lãnh khí, trệ khí, thượng khí, nghịch khí và khí hư, v.v...
  • Kinh nói: “...Các tạng phần uất đều thuộc Phế...” và “...Giận thời khí dồn lên; mừng thời khí chậm chạp; thương (bi) thời khí tiêu tan; sợ thời khí dồn xuống; hàn thời khí thu lại; nhiệt thời khí tiết ra; kinh (khiếp) thời khí rối loạn; lao (nhọc) thời khí hao mòn; nghĩ thời khí kết lại...”. Tuy chín khí không giống nhau, nhưng các tật bệnh phần nhiều phát sinh bởi nó.
  • Con người sở dĩ sống, chỉ nhờ thứ khí đó thôi. Nó phát nguyên từ Trung tiêu và tập trung lên cả Phế, ngoài gìn giữ nơi biểu, trong dẫn đi phần lý, chu lưu khắp thân thể, lên xuống trong phút chốc, thăng giáng suốt ngày đêm, có làm hại người bao giờ đâu. Đến khi bảy tình dồn ép, năm chí làm bừa, trái ngược mất thường, khiến cho thứ trong hóa đục, đường đi phải ngừng, ngoài biểu mất sự gìn giữ mà không hòa, trong lý mất sự doanh vận mà không thuận, khí vốn thuộc về Dương, tới lúc thiên thắng thời biến thành hỏa. Lưu Hà Gian nói: “...Năm chí quá mức đều là hỏa...”. Đan Khê cũng nói: “...Khí có thừa sẽ thành hỏa...” đều là lẽ đó.
  • “Vinh” là chất tinh ba của thủy cốc, nó điều hòa ở năm Tạng, thấm nhuần tới sáu Phủ, bấy giờ mới thu vào các mạch, sinh hóa ra từ Tỳ. Thống suất vốn từ Tâm, tàng chứa ở Can, phân phối nhờ Phế, thị tiết bởi Thận, rồi phân chia ra khắp kinh lạc để nuôi nấng các bộ phận trong con người.
  • Cho nên mắt nhờ huyết mới trông được, tai nhờ huyết mới nghe được, ngón tay nhờ huyết mới cầm được, bàn tay nhờ huyết mới nắm được, chân nhờ huyết mới đi được, các Tạng nhờ huyết mới thu rút lại được, các Phủ nhờ huyết mới tiết được...
  • Tóm lại, do sự ra, vào, thăng, giáng, nhu nhuận, tuyên thông, lọc lấy chất nước cốt rồi biến ra sắc đỏ mà thành huyết. Huyết rót trong mạch, nếu đầy thời là thực, nếu ít thời sẽ sít lại. Nó thịnh vượng thời các kinh nhờ để nuôi nấng, suy yếu thời các mạch sẽ thành rỗng không; chạy càn lên trên thời thành chứng thổ huyết và nục huyết, chạy bậy xuống dưới thời thành chứng đại tiện ra huyết (trường phong); khô cạn ở bên trong thời thành hư hao, khô khan ở bên ngoài thời thành gầy còm; dồn nhiệt xuống Bàng quang thời thành chứng tiểu tiện ra huyết; âm hư Dương lấn thời thành chứng băng huyết; khí thấp nung nấu, khí nhiệt ứ đọng thời thành kiết lỵ; “hỏa cực tợ thủy” thời sắc phần nhiều đỏ sẫm; nhiệt thắng hơn âm thời phát sinh mụn lở; thấp khí ngưng trệ trong huyết phận thời thành chứng n chẩn (mày đay tịt cục), sút huyết ở bộ phận trên thời thành chứng chóng quên; Sút huyết ở bộ phận dưới thời như người rồ; tụ đọng lại ở bì phu thời thành chứng lạnh và tê đau; bị ngã hoặc vấp ngã tổn thương thời huyết ứ tụ lại ở bên trong... Đó đều là do âm khí bị thương mới biến ra nhiều chứng như vậy.
  • Huyết là “Vinh”, tinh khí của thủy cốc. Vinh vận hành ở trong mạch, có ý nghĩa làm cho tươi tốt. Khí là “Vệ” khí mạnh của thủy cốc. Vệ dẫn đi ngoài mạch, có ý nghĩa là gìn giữ hộ vệ, hai khí Vinh, Vệ lưu hành không ngừng thời còn khí nào sinh ra tật bệnh; một khi nó bị nghẽn tắc, thời mọi bệnh sinh ra ngay. Cho nên huyết cần phải “dưỡng” mà khí cần phải “ôn”.
  • Tâm chủ huyết mà Can nơi tàng huyết; Phế chủ khí mà Thận là nơi tàng khí. Người ta chỉ biết huyết phát ở Tâm mà không biết huyết chứa về Can; chỉ biết khí phát ở Phế mà không biết khí nạp về Thận, do đó khi dùng thuốc mới thường xảy ra tình trạng “đầu Ngô mình Sở”!
  • Sách nói: “... huyết ví như nước, khí ví như gió”. Gió lướt đi ở trên mặt nước, có các hiện tượng như khí huyết. Khí là “tướng soái” của huyết, khí vận hành thời huyết cũng vận hành, khí ngừng lại thời huyết cũng ngừng; khí ấm thời huyết trơn chảy, khí lạnh thời huyết ngừng. Bệnh phát sinh ra ở huyết, điều trị khí có thể làm cho thuyên giảm, nếu bệnh phát sinh ở khí mà cứ khu khu điều huyết thời không ăn thua gì.
  • Còn như huyết bị ứ đọng ở các kinh, làm vít lấp đường lối, thời phải trừ bỏ ứ huyết ấy trước rồi điều huyết sau. Tuy nhiên, bài thuốc “điều khí” dùng để “điều huyết” thời được cả hai mặt, còn những bài thuốc điều huyết mà đem điều khí thời lại sai trái. Đó là bởi không có Dương thời m không sinh ra được. Suy đó thời biết khí dược có công năng sinh ra huyết, huyết dược thời không có công năng giúp ích cho khí, tức là cái nghĩa Dương có thể kiêm được m mà m thời không kiêm được Dương. Thí dụ những loại thuốc như Mộc hương, Quan quế, Tế tân, Hậu phác, Ô dước, Hương phụ, Tam lăng, Nga truật, v.v... dùng để trị khí cũng được mà trị huyết cũng được; còn như Đương quy, Địa hoàng đem mà chữa vào huyết chứng thời đúng, nhưng cái tính nê trệ của nó rất dễ làm sa sút Vị khí, Vị khí sa sút thời khí của năm Tạng sáu Phủ cũng cập lụy mà sa sút theo, cho nên người biết dùng thuốc tất phải hợp các vị thuốc có tính chất giúp ích cho Vị khí. Sách nói: “... phương pháp bổ huyết thường nhờ các vị bổ Vị mới thu được kết quả...” chính là nghĩa đó.
(Tôi có bài: “Luận về khí hư, hỏa hư, huyết hư và thủy hư, chứng trạng phát sinh hơi giống nhau, phương pháp điều trị có thể thông dụng...” chép trong tập “Đạo lưu dư vận”, nên tham khảo).
2. Luận về hậu thiên âm huyết
a/. Âm
Nói về Thực
Mạch: Không phù, không Trầm, hòa hoãn có thần, chủ yếu là bộ Quan và bộ Thốn bên tả.
Hình: Ngoài da mát lạnh, dù mùa nóng nực cũng không lúc nào rời mền áo, uống ăn phải thức mát lạnh thời đau bụng đi tả ngay, các vị Sâm, Truật, Khương, Phụ có thể uống luôn được, một khi đụng đến việc buồng the là đã mỏi mệt rên rỉ mãi.
Chứng:
  • Không sốt mà ớn lạnh (bệnh phát sinh tại Âm và Lý) sớm nhẹ, tối nặng (vì âm thực, gặp âm thời mạnh;
  • Nếu lúc sốt lúc không, hoặc ngày đêm không nhất định, đó là chính khí không làm chủ được, khiến cho Âm Dương thắng bại lẫn lộn, không hẳn về mặt nào); phát sinh chứng lạnh ở bên trong (do âm thịnh, âm dồn về âm phận)
Phép chữa: Dùng thuốc phát hãn thời khỏi; dùng thuốc hạ thời chết.
Nói về hư
Mạch: phù, Sác không có lần lượt nào, hoặc Khâu mà Huyền Cấp.
Hình: Hơi hít vào khó (do âm vi), không ngửa lên được (vì bệnh thuộc âm).
Chứng:
  • Phát sinh chứng nóng trong (nội nhiệt – âm vốn hàn, nhưng âm hư thời Dương lấn lên. Kinh nói: Nhiệt thời thương âm)
  • trước nhiệt thời sau hàn (do âm không đầy đủ)
  • ban ngày thời hàn, ban đêm thời nhiệt (do âm hư hỏa động) hư nhiệt, hai gò má đỏ (do âm hư ở dưới, dồn Dương lên trên)
  • lòng bàn chân nóng như đốt (do hư hỏa đốt cháy âm phận)
  • Nhiệt huyết (do âm khí suy ở dưới)
  • Khí không giáng xuống được sinh ra Nấc cụt
  • tay chân co quắp (do âm cấp)
  • tại khoảng rốn có động khí (chứng chân âm hư, rất kỵ Bạch truật)
  • bệnh thế phát sinh chậm, thời giảm bớt cũng chậm (đó là chính thức âm bệnh)
  • thường là khi lên cơn vào buổi sớm, về đêm thì yên (do âm hư nên ưa được âm giúp, nếu do thực tà làm hại thời trái lại);
  • nửa đêm mắc bệnh, đúng trưa thì khỏi (bệnh do âm không hòa, gặp được Dương thời hòa)
Phép chữa: Chứng Hậu thiên âm hư, nên bổ Tâm, Can. Phàm hậu thiên âm hư phát sốt, đều nên dùng các bài Quy tỳ, Dưỡng vinh, v.v...
b/. Huyết
Nói về thực
Mạch: bộ Quan và Thốn bên tả có lực, bộ Quan bên hữu hòa hoãn có thần.
Hình: Tóc rậm, nhuận và bóng láng, tiếng nói to có vang; thân thể mập mạp; gân xương rắn chắc; mắt sáng, nhớ lâu.
Chứng: Phần nhiều là thực nhiệt, đổ máu mũi, uống nước nhiều, đau chỉ nhất định một chỗ (đó là đau bởi huyết, huyết thực thời ứ đọng, vừa rắn vừa đau).
Nói về hư
Mạch: Quan, Thốn bộ bên tả không có lực, hoặc Khâu hoặc Sác.
Hình:
  • Gày còm và đen; da xám xịt hoặc vàng úa; hoặc mặt tái xanh không có sắc huyết; tóc khô vàng, móng tay khô trắng
  • tính nóng nảy hay nổi giận
  • hay khát mà không uống mấy (Sách nói: “chứng thuộc về huyết thì không hay uống nước”; lấy cớ rằng bệnh phát sinh ở hạ tiêu huyết phận; nhưng huyết cũng là thủy, thủy đã kém thời lẽ tất nhiên phải có khát)
  • hoặc phiền khát, uống vặt luôn, không đi lâu, trông lâu, ngồi lâu, đứng lâu được
  • ưa ăn đồ chua, đại tiện táo bón; trong mình có nơi bị tê liệt (các nơi bị đau đều ưa đấm bóp)
Chứng
  • Phần nhiều nóng âm hầm hập, chóng mặt, mắt mờ, nhức đầu, mình mẩy nặng nề, các khớp xương đau nhức, vọp bẻ, da thịt tê dại (bởi huyết hư);
  • khí nghịch dồn lên nôn khan,
  • chập chờn khó ngủ (do không có huyết hàm dưỡng tâm);
  • mồ hôi trộm, sợ sệt, trong lòng xao xuyến;
  • miệng thường ứa nước dãi, cổ khô, họng đau, hoặc trong cổ nghẹn hột mơ, thổ ra không được, nuốt vào không trôi.
  • Đàn bà thời phát sinh chứng kinh bế, huyết ít và kinh nguyệt không đều, hoặc kết thành hòn cục, v.v... Bệnh đêm nặng hơn ngày... Các chứng kể trên phần nhiều do bệnh ở huyết... Tỳ âm hư.
Phép chữa
  • Tâm Can huyết hư thời nên dùng những vị có tính chất nhu nhuận để bổ, như Đương quy, Sinh địa và Bạch thược, v.v... Nhưng dùng âm dược cần phải dùng kèm Dương dược để làm tá mới có thể sinh huyết được, như các vị Sâm, Kỳ, v.v...
  • Lại nên chú trọng tới những thứ tinh huyết của loại “hữu tình” như Lộc nhung, Lộc giao, Hà xa và Nhân nhũ v.v...
  • Tuy vậy, cũng cần phải chú trọng tới năm vị trong thức ăn hàng ngày, năm vị có điều hòa, huyết mới sinh ra được, đồng thời cũng phải lưu ý tới Vỵ khí để giúp thêm cho nguồn sinh hóa (Huyết bệnh kỵ dùng phong dược, vì nó có thể làm hao huyết)
3. Luận về hậu thiên dương khí
a/. Dương
Nói về thực
Mạch: Quan và Thốn bộ bên hữu hòa bình, có lực và có thần.
Hình:
  • Ngoài da thường nóng (dương thịnh), tuy tháng mùa đông cũng không cần mặc áo lạnh,
  • Uống nước nhiều, ưa cử động, sắc dục vô độ, đại tiện vài ngày mới đi một lần, uống nhiều các vị Cầm, Liên, Tri, Bá cũng không hề chi.
Chứng
  • Phát sốt, sợ nóng (phát sinh tại dương phận tức là biểu); ngày nặng, đêm nhẹ (do tà thực và Dương gặp Dương thời vượng)
  • (Nếu lúc sốt lúc không hoặc ngày sốt đêm khỏi, đó là chính khí với tà khí không hơn không kém, cùng nhau rối loạn)
  • Sinh ra nóng ở bên ngoài (do dương thịnh về dương phận) cho uống hạ thì khỏi, nếu phát hãn thì chết.
Nói về hư
Mạch: Bộ Quan và Thốn bên hữu đều suy, hoặc Đoản và Sắc.
Hình: Không thở ra được (do dương suy), cúi xuống khó (bệnh thuộc dương), ưa yên lặng.
Chứng
  • Bên ngoài thường lạnh (Dương vốn nhiệt, dương hư thời âm lấn qua. Kinh nói: lạnh thời thương dương, trước hàn sau nhiệt (do dương không đầy đủ), hàn quyết (Dương suy ở bộ phận dưới) tay chân bủn rủn, dương sự suy kém (trách tại Vỵ), Kinh nói: Vỵ mắc bệnh thời tinh bị thương); khí không giáng xuống được, gây thành chứng Cách
  • Bệnh phát sinh chóng, chữa khỏi cũng chóng. Đêm nặng ngày nhẹ (dương hư ưa được dương giúp, nếu là chứng hậu thực tà thời trái lại). Giữa trưa mắc bệnh, đến nửa đêm sẽ khỏi (dương không hòa, gặp được âm thời hòa)
Phép chữa
  • Hậu thiên dương hư thời bổ Vỵ khí (Vỵ khí mắc bệnh thời dương hư).
  • Hậu thiên dương hư, hỏa biểu hiện ra ngoài, nên dùng bài Tứ quân gia Quy Kỳ, hoặc Bổ trung thang gia Ngũ vị, hoặc Lý trung, v.v... Không nên dùng âm dược trệ Tỳ hại Vỵ (Chứng âm hư hỏa động dùng bài Tứ vật để tư âm, lại gia thêm Huyền sâm và Tri, Bá, đó là phép thường.
  • Ở đây, chứng dương hư hỏa biểu hiện ra ngoài, không dùng phương pháp tư âm mà lại dùng dương dược, bởi nơi “ẩn tàng” của hỏa không ra ngoài được thủy, thổ... mà chứng trên là do thổ hư không tàng được dương, cho nên mới dùng dương dược để bổ Tỳ Vỵ)
b/. Khí
Nói về thực
Mạch: Bộ Quan và Thốn bên hữu thịnh và có thần.
Hình:
  • Thân thể béo tốt khỏe mạnh, màu da đen và nhuận; lông tóc đen mượt; xương thịt rắn chắc
  • Nói to có âm vang; hơi thở to và mạnh
  • Chịu được nắng rét
  • Tiểu tiện đi thưa và thông lợi; đại tiện nhiều và rắn
  • Ưa ăn nguội, uống lạnh
  • Nguyên khí nhiều hơn cốc khí, người như vậy thường gầy mà sống lâu.
Chứng
  • Đau không nhất định chỗ nào (Phàm khí thống đều không ở hẳn chỗ nào), các bệnh uất (nếu có bệnh uất nên dùng thứ thuốc khai uất hành khí); tà khí mới phát (bệnh tà mới phát sinh, rất kỵ các loại thuốc bổ).
Nói về hư
Mạch: Thốn bộ hữu vô lực, bộ Quan Trì, Đoản và Sắc.
Hình
  • Da tái xanh (một thuyết nói: sắc vàng), mặt trắng bóng, hốc hác, thân thể hư yếu;
  • Con ngươi lóng lánh
  • Nói năng nhỏ nhẹ chậm chạp; chỉ có tiếng nói mà không có tiếng vang; hoặc tiếng nói nhỏ, hơi ngắn, tính chậm chạp, tay chân yếu
  • Lông tóc thưa khô, hay rụng; da nhăn, răng khô; ngủ không nhắm mắt, cổ lồi cục a đam
  • Ngoài sợ phong hàn, trong xương sống lạnh; dễ đầy, dễ tả; thịt xương lỏng lẻo, mình mát hơi thở lạnh
  • Con đẻ ra phần nhiều là gái
  • Hay cáu giận (do Dương bị âm thắng; Dương thì hay vui vẻ. Âm nhiều thời hay cáu giận)
  • Cốc khí hơn Nguyên khí thì béo (Kinh nói: Cốc khí hơn nguyên khí, người ấy sẽ béo và chết non)
Chứng
  • Thổ hư không tàng được dương, sinh ra chứng nhiệt lâu, gân lỏng lẻo (vì không có khí) mà tê dại (khí hư thời tê dại), đêm yên ngày nặng (do khí mắc bệnh hoặc Tỳ khí hư).
Phép chữa
  • Tỳ Phế khí hư thời nên dùng những vị cam ôn để ích khí, như Sâm, Kỳ, Linh, Truật, v.v... Khi mắc bệnh kiêng dùng các vị hương (làm háo khí) táo (ráo huyết).
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.