YTTL: Khôn hóa thái chân 6

Khôn hóa thái chân (những điểm trọng yếu về hậu thiên tỳ vỵ) nói về cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa, hầu hết vận dụng Bổ trung ích khí, Tứ quân, Tứ vật, Bát trân, Thập toàn, Quy tỳ, Nhân sâm dưỡng vinh.
KHÔN HÓA THÁI CHÂN
Phần 6
1. Bài thuốc Tứ vật thang
  • Chu Đan Khê chú trọng vào âm huyết của Hậu thiên, nên lập ra bài này, thật là “yếu tễ” về lý huyết và dưỡng huyết.
    • Đương quy: 4 đồng cân (quân)
    • Sinh địa: 3 đồng cân (thần)
    • Bạchthược: 2 đồng cân (tá)
    • Xuyên khung: 1 đồng cân (sứ) Các vị trên, hợp làm một thang, sắc uống hơi nóng.
  • Bài này chữa hết thảy các chứng hậu thiên huyết hư, ngày gần tối sốt nóng, hoặc sốt nóng về chiều, hoặc nóng âm hầm hập, lòng bàn chân nóng (âm huyết không đủ thời sinh nhiệt. Kinh nói: “huyết cần phải làm cho thấm nhuần".
  • Nội dung bài này đều là những vị nhu nhuận, nên mới làm chủ dược của huyết phận). Đàn bà hai mạch Xung, Nhâm bệnh, kinh nguyệt không điều, huyết đen thành cục, bụng và xung quanh rốn đau (Nguyệt kinh hành trước kỳ là do hàn, do hư, do uất, do đàm).
  • Đan Khê nói: kinh thủy tức là âm huyết, âm tất phải theo dương nên mới sắc đỏ, trên ứng với mặt trăng, bài tiết có thường độ nên gọi là nguyệt tín. Nó sánh với khí, nhờ khí để lưu hành. Nếu thành cục là do khí ngưng (khí không vận hành được bị tụ lại), khi sắp hành kinh mà đau bụng là do khí trệ. Sau khi hành kinh mà lại đau là khí huyết đều hư, sắc huyết nhạt cũng là hư, huyết ra bừa bãi không có kỳ hạn là do khí loạn, sắc huyết đỏ sẫm là do khí nhiệt, sắc đen là nhiệt quá.
  • Người đời nay mỗi khi thấy huyết sắc đen và thành khối, phần nhiều cho là phong hàn lọt vào, liền cho uống loại thuốc ôn nhiệt, chết dễ như chơi.
  • Kinh nói: “Lấn lên lắm thời hại, cái thừa tiếp sẽ ức chế lại” nhiệt quá thời háo thủy, vì thế nên nhiệt thời sắc “sẫm”, mà nhiệt quá thời sắc đen.
  • Hoặc có người nói phong hàn, tất phải do từ ngoài... chứng đó thỉnh thoảng cũng có nhưng rất ít. Hàn thời ngưng lại mà không dẫn thoát được. Đằng này đã dẫn thoát mà sắc lại sẫm mà đen, nên không phải là hàn. Băng huyết, rong huyết, điều lý là không đúng, khiến cho thai động không yên, huyết ra không dứt... và sau khi sinh phong hàn thừa hư lọt vào, máu hôi không ra được, bụng dưới cứng rắn và đau, thỉnh thoảng phát sinh nóng lạnh.
  • Bài này lại là một điều ích vinh vệ và nhuần nuôi khí huyết, đàn ông tinh huyết hư tổn, sinh chứng sốt nóng... cũng đều dùng được (đàn bà lấy huyết làm chủ, mà khí lại là gốc của huyết, vậy khí thuận thời huyết lưu hành không vướng mắc, nếu khí trệ thời huyết bại, cho nên muốn cho huyết lưu hành tốt, trước phải lý khí). Đàn ông lấy tinh làm chủ, mà huyết lại là gốc của tinh, huyết nhiều thời tinh mạnh, huyết kém thời tinh suy, cho nên muốn được ích tinh, trước hết phải bổ huyết. Vì lẽ đó bài này nam nữ đều dùng được.
2. Ý nghĩa
  • Tứ vật thang là một bài chữa về Thủ Thiếu âm, Túc Thái âm và Túc Quyết âm (Tâm thống huyết, Tỳ sinh huyết, Can tàng huyết).
  • Đương quy bổ suốt cả Tỳ, Tâm và Can, vị tân, ôn khổ và cam dùng làm quân, nó là chủ dược của các loại thuốc về huyết. Vì cái tính và vị tân, khổ, cam, ôn đó có tác dụng sinh huyết, hòa huyết, làm mấu chốt cho cơ năng nhiếp huyết, có khả năng nhuận trung và trừ chứng đau nhói như dùi dâm. Một củ quy chia làm 3 bộ phận khác nhau, nấu dùng toàn cả củ (Toàn quy) sẽ làm cho hoạt huyết, kinh nào về kinh đó.
  • Sinh địa khí vị cam hàn, vào Tâm, Thận nhuần cho huyết làm thần. Nó có tác dụng thông Thận và suốt vào Tâm kinh; là một yếu dược chữa về huyết. Do khí vị cam hàn làm khỏi chứng đau ở rốn, bổ âm, mát huyết, giội vào tận nguồn của huyết, có thể sinh được chân âm sau khi bị hư. Có thuyết nói: thủy là nguồn của huyết, nên lấy nó làm quân. Nêú muốn bổ mạnh vào tinh huyết nên đổi dùng Thục địa.
  • Bạch thược khí vị toan, hàn, dẫn vào Can, Tỳ, thu liễm khí âm làm tá. Nó là một vị có tác dụng thông vào âm phận của Tâm, Can và Tỳ. Do tính vị toan, hàn, nên chủ về làm dịu các cơ năng bên trong phá huyết khỏi đau bụng, bổ Tỳ âm, liễm Can huyết, điều hòa mọi loại huyết và chữa chứng huyết hư.
  • Xuyên khung khí vị tân, ôn thông suốt trên dưới, để dẫn hành phần khí ở trong huyết, dùng làm sứ, dẫn vào quyết âm Tâm bào và Can kinh. Trên thời lên tới đầu và mắt, dưới thời xuống tới huyết hải. Nó là một vị khí dược ở trong huyết dược, có tác dụng cổ vũ các loại âm dược dẫn trở lên. Do khí vị tân tán, nên mới khỏi được chứng đau ở xung quanh rốn, làm mát khí dương điều hòa mọi loại huyết, và làm cho các huyết trệ ở trong khí lưu hành được dễ dàng.
  • Trên đây chỉ là vì bệnh ở huyết, nên mới tìm những loại huyết dược để điều trị. Nếu khí hư huyết ít, lại nên theo phương pháp “huyết hư lấy Nhân sâm để bổ” của ông Trường sa... Dương đã vượng thời sẽ sinh được âm huyết. Những vị làm phụ tá trong bài này, như huyết trệ thời nên dùng những vị như Đào nhân, Hồng hoa, Tô mộc, Đan bì, Huyết kiệt. Huyết băng thời nên dùng những vị như Bồ hoàng, A giao, Địa du, Bách thảo sương, Tông lư khôi v.v... Huyết hư thời nên dùng những vị như: Thung dung, Tỏa dương, Ngưu tất, Câu kỷ, Quy bản, Hạ khô thảo v.v... Huyết thống thời nên dùng những vị như Nhũ hương, Một dược, Ngũ linh chi, Lăng tiên hoa v.v... Huyết táo thời nên dùng những vị như Sữa, Huyết kiệt, Súc sa v.v... Còn huyết hàn thời dùng Khương, Quế v.v... Huyết nhiệt dùng Khổ sâm, Sinh địa trấp v.v...
  • Trên đây chỉ là nêu cái đại cương, nếu biết suy loại này ra loại khác, sẽ thích ứng được vô cùng.
  • Đan khê chữa chứng âm hư, trong huyết dược như bài Tứ vật cũng chia ra âm dương. Huyết động là thuộc dương, lấy Khung, Quy làm chủ, huyết tĩnh là thuộc âm, lấy Thục, Thược làm chủ. Nếu phần âm của huyết không đầy đủ dù tân ôn như Khung, Quy cũng không dùng, phần dương của huyết không đầy đủ, tuy tân nhiệt như Khương, Quế cũng dùng. Về phương pháp tả hỏa “chính trị” với “tòng trị” cũng giống nhau.
  • Ngô Hạc Cao nói: “Theo quy luật tự nhiên thì dương thường có thừa, âm thường không đủ”, ở con người cũng vậy. Huyết là một vật khó sinh ra mà dễ hao mất. Cỏ cây vốn là loại vô tình sinh huyết sao được? Chỉ vì Địa, Thược có tác dụng nuôi được âm của năm tạng, Khung, Quy có tác dụng điều khí ở trong dinh, âm dương điều hòa thời huyết tự sinh ra, còn như gặp chứng mất huyết quá nhiều chỉ còn thở thoi thóp thì không nên dùng bài đó nữa. Bởi bài Tứ vật thuộc âm, âm là một thứ khí “bế tàng” của trời đất, không phải là loại sinh ra mọi vật. Cần phải trọng dụng Sâm, Kỳ để bảo tồn lấy cái khí sắp tuyệt. Cho nên nói: “huyết thoát cần phải ích khí...”. Nếu không nhận rõ điểm đó mà dùng bừa bài này, thời Xuyên khung là một loại khí vị thơm ngát, rất làm hại khí, nó sẽ làm cho khí và huyết cùng thoát mà chết. Cho nên phàm người mắc thoát chứng hư tổn, Vị khí hư yếu, đều không nên dùng.
  • Hoặc có người hỏi: Tứ vật là một bài chuyên dược của phụ khoa có tác dụng gì với Tỳ Vị không? Dương Tử đáp: trong bài Tứ vật có ngụ cả phương pháp chữa Tỳ Vị , nghĩa đó rất ít người hiểu. Tỳ là một kinh rất ít huyết nhiều khí; Đương quy, Địa hoàng có tác dụng sinh huyết để thấm nhuần cho Tỳ, Tỳ thổ sợ “tặc tà”, tức là mộc tới sẽ khắc thổ. Thược dược có tác dụng tả mộc để bổ Tỳ. Can có tính muốn được sơ tán nên mới dùng vị tân của Xuyên khung để làm cho tán. Như vậy chẳng phải là chế mộc để bổ Tỳ Vị đó sao.
  • Hoặc có người hỏi: Thược dược, sau khi sanh, có cần phải kiêng không?
  • Xin trả lời: khi mới sinh, khí huyết còn chưa yên, nếu dùng Bạch thược thời sợ tính vị “toan thâu” của nó gây nên đau bụng. Nhưng Thược dược lại có tác dụng chuyên chữa khí huyết thống... Sau khi sinh chính là lúc khí huyết suy yếu, nếu đem tẩm rượu sao qua thời có hề chi. Lại như chứng huyết kết thành hòn cục ta không nên quá tin thuyết “sau khi sinh đại bổ khí huyết” mà dùng. Chỉ nên cho uống bài "Ngọc trúc tán" theo đúng nghĩa dồn cũ gây mới. Như vậy cũng là một phương pháp bổ. Khá tiếc chỉ vì câu “sau khi sinh đại bổ khí huyết” mà từ xưa đến giờ đã có bao người vì uống nó đến nỗi “kinh huyết đều bại”, rồi thiệt mạng.

3. Gia giảm bài Tứ Vật thang:
Dưới đây đều là những phương pháp cổ đã chép sẵn trong sách. Xin ghi cả để tiện chọn lọc. Nhưng tựu trung còn nhiều điểm lẫn lộn, không đúng với bệnh tình, bạn đọc nên suy xét kỹ, không nên vội ấn định làm thành pháp.
  • Huyết nhiệt muốn được thanh, ở Tâm thời gia Hoàng liên, ở Can thời gia Hoàng cầm, ở Phế thời gia Khô cầm, ở Đại trường thời gia Thực cầm; ở Đởm thời gia Hoàng liên, ở Bàng quang thời gia Hoàng bá, ở Tỳ thời gia Sinh địa, ở Vỵ thời gia Đại hoàng, ở Tam tiêu thời gia Địa cốt bì, ở Tâm bào lạc thời gia Đơn bì, ở Tiểu trường thời gia Sơn chi, Mộc thông.
  • Muốn cho mát khí (thanh khí) Tâm với Tâm bào lạc thời gia Mạch đông; Phế thời gia Chỉ xác; Can thời gia Sài hồ và Thanh bì; Tỳ thời gia Bạch thược; Vỵ thời gia Cát căn, Thanh cao; Đại trường, Tam tiêu thời gia Liên kiều; Tiểu trường thời gia Xích phục linh; Bàng quang thời gia Hoạt thạch, Hổ phách.
  • b/. Gia giảm bài Tứ Quân cổ
    Dưới đây đều là những phương pháp cổ đã chép sẵn trong sách. Xin ghi cả để tiện chọn lọc. Nhưng tựu trung còn nhiều điểm lẫn lộn, không đúng với bệnh tình, bạn đọc nên suy xét kỹ, không nên vội ấn định làm thành pháp.
  • Người bị lao tâm và tình dục quá độ hại đến chân âm, âm huyết đã bị thương, dương khí sẽ thiên thắng mà biến thành hỏa, gọi là tâm hư hỏa vượng, tức là bệnh lao, nên gia Hoàng bá.
  • Huyết hư thời gia Quy bản.
  • Huyết táo thời gia Sữa người (hòa vào nước thuốc cho uống).
  • Huyết ứ gia Đào nhân, Hồng hoa, Cửu trấp (giã lá Hẹ, vắt lấy nước hòa vào nước thuốc) và Đồng tiện (cũng hòa vào nước thuốc) để cho huyết lưu hành.
  • Bỗng dưng thổ huyết hoặc hạ huyết rất nhiều thời ra Huyền sâm hoặc Bạc hà để cho tán.
  • Huyết ra mãi không dứt, gia Bồ hoàng (sao), Mực tàu (mài vào nước thuốc). Nếu vẫn chưa khỏi lại gia Thăng ma cho dẫn huyết về kinh.
  • Người béo có đờm, gia Bán hạ, Nam tinh, Quất hồng.
  • Người gày có hỏa, gia Bắc chi tử, Tri mẫu, Hoàng bá.
  • Chứng uất gia Mộc hương, Sa nhân, Thương truật, Thần khúc.
  • Huyết trệ, gia Đào nhân, Hồng hoa, Huyền hồ, Nhục quế.
  • Khí hư, gia Nhân sâm, Hoàng kỳ.
  • Khí thực, gia Chỉ xác.
  • Chứng phong, gia Khương hoạt, Phòng phong.
  • Huyết táo, gia Thiên môn đông để làm cho nhuận.
  • Huyết hư, bụng đau, hơi có mồ hôi, sợ gió, gia Nhục quế.
  • Âm hư hỏa động, gia Tri mẫu, Hoàng bá.
  • Khí hư nằm dậy khó khăn, mà nguyên nhân bởi uất trệ gây nên thời gia Hậu phác, Trần bì.
  • Dương hư các loại âm dược nên giảm bỏ?
  • Sốt nóng, phiền táo không ngủ được, gia Hoàng Liên, Chi tử. Các chứng âm hư nên dùng loại thuốc khí vị yên tĩnh, bỏ Xuyên khung, Bạch thược dùng nhiều gấp đôi.
  • Hư hàn, mạch vi, tự đổ mồ hôi, hơi thở khó khăn, nước tiểu trong gia Can khương, Phụ tử.
  • Trúng thấp, mình mẩy nặng nề, sức yếu hoặc mình mát, hơi có mồ hôi gia Bạch truật, Phục linh.
  • Khí huyết dồn lên, tâm phúc dưới sườn đầy tức, gia Binh lang, Mộc hương.
  • Dưới khoảng rốn lạnh, bụng đau, eo lưng đau tức, gia Khổ luyện, Huyền hồ.
  • Hư lạnh, sốt cơn gia Sài hồ, Địa cốt, Phục linh, Cam thảo, Hoàng cầm, Tần giao.
  • Hư hàn, hợp với bài Sâm tô ẩm, có sốt cơn, gia Hoàng cầm, Địa cốt, Sài hồ.
  • Chứng huyết phong, đau ở hai bên sườn như dùi đâm, hoặc trong bụng kết thành hòn, gia Đại hoàng, Tất bát, Nhũ hương.
  • Huyết yếu sinh phong, tay chân tê đau, đi lại khó khăn, gia Nhân sâm, Một dược, Nhũ hương, Xạ hương, Cam thảo, Ngũ linh chi, Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong, Kinh giới, Địa long, Nam tinh, Phụ tử, Trạch lan... Tất cả các vị tán bột, luyện với mật làm viên, uống với nước muối.
  • Nôn ọe, không ăn uống được, gia Bạch truật, Đinh hương, Chích thảo, Nhân sâm, Sa nhân, Ích trí, Hồ đào.
  • Ho, gia Tang bạch bì, Bán hạ, Nhân sâm, Ngũ vị, Sinh khương và Cam thảo.
  • Sốt nóng về chiều, gầy còm, mỏi mệt gia Sinh khương và Bạc hà.
  • Nước đọng dưới tâm, nếu hơi có thổ nghịch, gia Trư linh, Phục linh, Hoàng kỳ.
  • Trường phong hạ huyết, gia Hòe giác, Hòe hoa, Chỉ xác, Kinh giới, Hoàng cầm, Đại phúc bì, Bạch kê quan hoa... Các vị đều tán bột, hòa với nước muối loãng cho uống.
  • Các chứng thấp đau, gia Bạch truật làm quân, Thiên ma, Phục linh, Xuyên sơn giáp làm tá, sắc lẫn với rượu.
  • Đàn bà gân xương và các khớp xương đau nhức, không thể chịu được, bỏ Địa hoàng, gia Can khương.
  • Chân sưng đau, gia Đại phúc bì, Xích tiểu đậu, Phục linh bì và Sinh khương bì.
  • Muốn bổ huyết, cho khỏi băng huyết, gia Bách thảo sương, Thỏ ty, Bồ hoàng, Long cốt.
  • Muốn trừ bỏ bại huyết, sinh ra tân huyết, gia Cam thảo (nửa lạng) cùng tán bột, luyện với mật làm hoàn, đun giấm thanh làm thang.
  • Đàn bà mắc bệnh thương hàn sau khi hãn và hạ, uống ăn kém sút, mà huyết hư hợp với bài Tứ quân làm thang cho uống.
  • Buổi chiều sốt nóng, tay chân mỏi mệt, kinh nguyệt không thông, gia Sinh khương, Bạc hà.
  • Kinh nguyệt màu sẫm đen là huyết nhiệt, gia Hoàng cầm, Hoàng liên.
  • Kinh nguyệt sắc nhạt là huyết hàn, gia Quan quế, Đại phụ.
  • Kinh nguyệt không đều, đau nhiều phía dưới rốn, gia Hoàng cầm và tăng số lượng Bạch thược.
  • Kinh nguyệt tới kỳ, bụng đau như thắt thuộc về huyết sáp (sít), gia Huyền hồ, Mộc hương, Binh lang, Khổ luyện (vị này phải sao cháy và giã nát).
  • Bụng đau và sôi, kinh nguyệt không đều, kinh hành khó, Thục địa tăng lên gấp đôi, Quế tâm tăng lên gấp rưỡi.
  • Kinh nguyệt ra nhiều như tháo, bụng đau, gia Hoàng cầm, Hoàng liên, nếu màu kinh nhạt, mạch trì là thuộc hàn, gia Quế, Phụ.
  • Kinh nguyệt màu đen sậm và mạch Sác, hoặc thấy trước kỳ là huyết nhiệt, gia Hoàng cầm, Hoàng liên.
  • Kinh nguyệt không đều, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trước hoặc sau, nôn ọe, bụng to, gia Trần bì, Hoàng kỳ.
  • Kinh nguyệt ứ trệ, bụng đau, gia Nga truật, Quan quế, Ngũ linh chi.
  • Kinh bế, gia Chỉ xác, Đại hoàng, Mộc hương, Sơn chi, Xa tiền, Kinh giới.
  • Huyết hàn, gia Cam thảo, Ô mai, Sài hồ, Liễu chi, Đào chi.
  • Kinh bế lâu ngày, gia Nhục quế, Cam thảo, Hoàng kỳ, Táo tử, Khương hoàng, Mộc thông, Hồng hoa.
  • Kinh ra đầm đìa mãi không sạch, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trắng hoặc đỏ, hoặc rong (tức là lậu) gia Hoàng kỳ, Bách diệp, A giao, Cam thảo, Tục đoạn.
  • Đàn bà có thai bị thương hàn, trúng phong, lý hư, tự ra mồ hôi, nhức đầu, cổ cứng, mình nóng, sợ lạnh, gia Quế chi, Địa cốt bì.
  • Đàn bà có thai bị thương hàn, trúng phong, nhức đầu, mình nóng, không có mồ hôi, gia Ma hoàng, Tế tân.
  • Đàn bà có thai bị thương hàn, mình phát ban, nổi mẩn từng đám đỏ, gia Thăng ma, Sài hồ, Hoàng cầm.
  • Đàn bà có thai bị thương hàn, đại tiện bí, tiểu tiện đỏ và đục, gia Đại hoàng và Đào nhân.
  • Đàn bà có thai bị thương hàn, súc huyết, gia Sinh địa và Đại hoàng (dùng ít).
  • Đàn bà có thai bị chứng hàn, mặt xanh ủ rũ, không thiết ăn uống, gia Trần bì, Chỉ xác, Phục linh, Cam thảo.
  • Chứng thai lậu ra huyết, gia A giao, Ngải cứu, Cam thảo, Bồ hoàng (sao).
  • Thai động không yên, huyết ra mãi không dứt, gia A giao, Ngải diệp, Thông bạch, Hoàng kỳ.
  • Thai tiền khái thấu, gia Chỉ xác, Cam thảo, Khoản đông hoa, Bán hạ, Mộc thông, Nhân sâm, Cát cánh, Mạch môn.
  • Thai khí xông lấn can, eo lưng và chân đau, đi lại khó khăn, gia Chỉ xác, Mộc thông, Liên kiều, Kinh giới, Địa hoàng, Khương hoạt, Sơn chi, Cam thảo, Đăng tâm, uống lúc đói.
  • Có thai ra huyết mãi không dứt, nhức đầu, nóng lạnh, tai ù... do khí huyết lao thương gây nên, gia Hoàng kỳ, Sinh địa, Kinh giới, Xích thược, Can khương.
  • Muốn làm cho ấm hạ nguyên, gia Can khương, Chích thảo.
  • Dưới rốn có khí động, bụng dưới đau gia Huyền hồ.
  • Hư nhiệt, miệng khô, gia Mạch môn, Hoàng cầm.
  • Hư khát, gia Nhân sâm, Cát căn, Ô mai, Hoa phấn.
  • Hư mà nhiều mồ hôi, gia Mẫu lệ (nung), Ma hoàng căn.
  • Tay chân sưng đau, không giơ lên được, gia Thương truật.
  • Huyết hư táo kết, hợp với bài Điều vị thừa khí thang.
  • Vì nhiệt sinh phong, bội Xuyên khung, gia Sài hồ, Phòng phong.
  • Can kinh huyết nhiệt, gia Kinh giới, Sài hồ.
  • Chứng huyết phong, bụng trướng to, gia Mộc hương, Chỉ xác, Tử tô.
  • Nôn ọe, gia Bạch truật, Sinh khương, Nhân sâm.
  • Nôn mửa, mãi không dứt gia Hoắc hương, Nhân sâm, Bạch truật.
  • Nóng lạnh, gia Can khương (?), Đan bì, Sài hồ.
  • Lúc hàn lúc nhiệt, gia Bào khương, Đan bì.
  • Khát quá, gia Tri mẫu, Thạch cao.
  • Bụng trướng đầy, gia Chỉ xác, Thanh bì.
  • Mồ hôi nhiều, gia Phù tiểu mạch.
  • Đau đầu cứng gáy, gia Nhân sâm, Hoàng cầm.
  • Hư hàn, chứng hậu giống thương hàn, gia Nhân sâm, Sài hồ, Phòng phong.
  • Bại huyết, dùng Quy vĩ, Bạch thược đổi làm Xích thược.
  • Đàn bà nóng âm ỉ ở trong xương, gia Đan bì, Địa cốt.
  • Xích bạch đái, gia Quế chi, Hương nhu.
  • Huyết băng, gia Sinh địa, Bồ hoàng.
  • Huyết ra thành từng cục, gia Sinh địa, Ngẫu tiết.
  • Hư lãnh, huyết ra mất quá nhiều, gia A giao, Ngải cứu.
  • Huyết tích, gia Tam lăng, Nga truật, Quan quế, Can tất.
  • Kinh huyết ít và nhiều, gia Quỳ hoa, Hồng hoa.
  • Kinh huyết ít mà sắc bình thường, bội Đương quy, Thục địa.
  • Kinh huyết như nước đậu đen, gia Hoàng cầm và Hoàng liên.
  • Kinh huyết quá nhiều, không chứng gì khác, gia Hoàng liên.
  • Kinh huyết ra mãi không dứt, gia Gương sen sao.
  • Huyết trệ gia không dứt, gia Đào nhân, Hồng hoa.
  • Kinh huyết không thông, gia Ngưu tất, Hồng hoa, Tô mộc và Hương phụ.
  • Có thai bị thương hàn, ho mãi không khỏi, gia Nhân sâm, Ngũ vị.
  • Có thai tâm phiền, gia một nắm Tinh tre.
  • Sau khi sinh bị hư lao lâu ngày hợp với bài Tiểu sài hồ thang.
  • Sau khi sinh hư yếu mỏi mệt, phát sốt, phiền muộn, vị Sinh địa dùng nhiều gấp đôi.
  • Sau khi sinh đau bụng, gia Chỉ xác, Nhục quế.
  • Sau khi sinh nóng rét qua lại, gia Sài hồ, Mạch đông.
  • Sau khi sinh bực dọc, rối loạn, gia Phục linh, Viễn chí.
  • Sau khi sinh máu hôi không ra, đau bụng mãi không dứt, gia Đào nhân, Tô mộc, Ngưu tất.
  • Sau khi sinh bụng đau, huyết kết thành hòn, cồn lên đau như đâm, gia Ngải cứu, Một dược, pha thêm vào nước thuốc một ít rượu ngon.
  • Sau khi sinh bị sợ khí trệ, và mọi thứ tích trệ khác, kết hợp với bại huyết gây nên bệnh, hoặc đau bụng phát trướng, nghẽn đầy, hoặc nóng lạnh, tay chân đau nhức, gia Huyền hồ, Một dược, Bạch chỉ... Các vị cùng tán bột, hòa với rượu nhạt cho uống.
  • Sau khi sinh huyết phong thừa hư gây nên bệnh, hoặc chứng thương phong nhức đầu, hoặc chứng sốt nóng đổ mồ hôi, khớp xương đau nhức... gia Kinh giới tuệ, Thiên ma, Hương phụ, Hoắc hương.
  • Sau khi sinh sốt cơn, gia Xích thược, Sài hồ, Mẫu đơn, Địa cốt bì.
  • Sau khi sinh bị đau mắt, gia Tế tân, Khương hoạt, Kinh giới, Cúc hoa, Cam thảo, Mộc tặc, Thảo quyết minh.
  • Sau khi sinh bị phù thũng, hơi thở gấp, trong cổ có tiếng khò khè như tiếng gà, gia Mẫu đơn, Kinh giới, Bạch truật, Tang bạch bì, Xích tiểu đậu, Đại phúc bì, Hạnh nhân, Bán hạ.
  • Sau khi sinh bị mất tiếng, không nói được, gia Kha tử, Đường cát, Nhân sâm.
  • Sau khi sinh bị kiết lỵ, gia Nhũ hương, Long cốt, Ngô thù du và Mộc hương, Nhục quế, Thương truật, Mẫu đơn, Bạch vi, Nhân sâm, Cam thảo, Trạch lan, Hồi hương. Bấy nhiêu vị cùng tán bột, luyện mật làm hoàn, sắc nước Mộc qua làm thang, nuốt với thuốc.
4. Biến pháp bài Tứ vật thang
4.1. Tri bá tứ vật thang
  • Chữa chứng âm hư có hỏa
  • Tức là bài Tứ vật gia Hoàng bá và Tri mẫu
4.2. Khảm ly hoàn
  • Chữa chứng âm hư có hỏa và thổ huyết
  • Tức là bài Tứ vật gia Tri mẫu, Hoàng bá, Mạch môn, Ngũ vị, đổi Sinh địa làm Thục địa... Các vị cùng tán bột, luyện mật làm hoàn
4.3. Tư âm giáng hỏa thang
  • Chữa chứng âm hư có hỏa
  • Tức là bài Tứ vật gia Tri mẫu, Hoàng bá và Huyền sâm
  • Chu Đan Khê bàn chứng lao trái chủ về âm hư, bởi từ giờ Tý đến giờ Tỵ thuộc dương, từ giờ Ngọ đến giờ Hợi thuộc âm. Âm hư thời phát sốt vào khoảng trước hai giờ Tý Ngọ, thức thuộc dương, ngủ thuộc âm. Âm hư thời mồ hôi trộm ra lúc ngủ.
  • “Thăng” thuộc dương, “giáng” thuộc âm, âm hư thời khí không giáng, đờm dãi nghẽn lên, nhổ ra mãi không hết.
  • Âm hư thời mạch phù, đã nhẹ tay thời hồng đại, nặng tay thời không, hư nên dùng bài Tứ vật gia Trúc lịch, Hoàng bá (sao) và Quy bản... để bổ âm giáng hỏa. Lại cần phải giảm bớt “thị dục”, ăn uống thanh đạm, tĩnh tâm điều dưỡng để giúp thêm sức cho thuốc.
  • Sách Chứng trị chuẩn thằng nói: Đan Khê bàn chứng lao chủ về âm hư, dùng bài Tứ vật gia Tri, Bá. Người đời dùng theo, trăm người không khỏi một..., là vì sao? Bởi âm hư hỏa bốc lên, Đương quy khí vị tân ôn, không phải là loại thuốc giáng hỏa tư âm. Xuyên khung có tác dụng dẫn lên, không hợp với chứng hậu “hư viêm” và sức yếu. Thục địa làm trệ hung cách, không hợp với chứng vị yếu, đờm nhiều và ăn ít, Tri, Bá tân khổ, đại hàn, tuy nói là tư âm nhưng thực ra thời làm ráo huyết, tuy nói là giáng hỏa nhưng uống lâu thời làm “tăng khí” và càng giúp hỏa. Không những thế nó còn làm hại cho Vỵ nữa là khác.
  • Chỉ bằng dùng mấy loại thuốc như Ý dĩ nhân, Bách hợp, Thiên môn, Thanh bì, Địa cốt, Đơn bì, Toan táo, Ngũ vị, Tỳ bà... Rồi phối hợp thêm với Sinh địa trấp, Ngẫu trấp, Nhân nhũ và Đồng tiện v.v...
  • Nếu khái thấu thời dùng nhiều Tang bì, Tỳ bà, có đờm thời gia Bối mẫu, có huyết thời gia thêm Ý dĩ nhân, Bách hợp, A giao, nhiều nhiệt thời tăng Địa cốt, ăn ít lại thêm Ý dĩ nhân lên tới 7,8 đồng cân, mà lại phải thường lấy Mạch môn làm chủ để bảo vệ Phế kim, và thấm nhuần cho hóa nguyên... Đều có thể thu được công hiệu rất chóng.
  • Sách Chứng trị chuẩn thằng lại nói: Bệnh hư lao Tâm Phế đều không hư, nếu không dùng những vật có tính chất “dính đặc”, không sao làm cho đầy lại được, tinh huyết đã khô cạn, không dùng những vật có tính chất “nhu nhuận”, cũng không làm sao cho dịu lại được.
  • Nên dùng những vị như Sâm, Kỳ, Địa hoàng, Mạch môn, Thiên môn và Câu kỷ... nấu thành cao, lại dùng Thạch cao, Ý dĩ nhân nấu riêng thành cao, rồi hợp với cao trước, đồng thời lại hợp với Lộc giác giao, Lộ thiên cao..., cùng hợp làm một, nấu cho tan để uống.
  • Đại khái dùng các vị Ý dĩ nhân, Bách hợp v.v... là để chữa Phế hư, dùng các vị Sâm, Kỳ, Sinh địa v.v... là để chữa Thận hư. Bởi tâm can thuộc dương, phế thận thuộc âm cho nên bổ thận tức là bổ âm, chứ không phải dùng các vị thuốc như Tri, Bá mà có thể bổ âm được.
4.4. Ngọc chúc tán
  • Ý nghĩa tên bài này dựa theo ý câu: “bốn mùa khí hòa gọi là ngọc chúc” ghi trong thiên Nhĩ nhã. Bài này có tác dụng chữa chứng kinh bế đau bụng, thân thể gày còm và chóng đói.
  • Tức là bài Tứ vật, vị Đương quy đổi làm Quy vĩ, Bạch thược đổi làm Xích thược, gia Đại hoàng, Mang tiêu và Cam thảo.
4.5. Nhị liên tứ vật thang
  • Chữa hư lao huyết hư, ngũ tâm phiền nhiệt và nhiệt nhập huyết thất, phát nhiệt về âm phận (buổi chiều đêm). Huyết thất tức là Xung mạch, cũng tức là huyết hải, ngày yên đêm nóng, dương hãm vào âm nên mới gọi là nhiệt nhập huyết thất).
  • Tức là bài Tứ vật gia Hoàng liên và Hồ hoàng liên.
4.6. Tam hoàng tứ vật thang
  • Chữa chứng âm hư triều nhiệt.
  • Tức là bài Tứ vật gia Cam thảo, Hoàng bá và Hoàng cầm.
4.7. Tam hoàng bổ huyết thang
  • Chữa vong huyết và huyết hư, sáu bộ mạch đều Đại, ấn tay xuống thấy không hư.
  • Tức là bài Tứ vật gia Thục địa, Hoàng kỳ, Mẫu đơn, Thăng ma, Sài hồ.
  • Hai vị Sinh, Thục có tác dụng bổ huyết. Đan bì mát huyết, Hoàng kỳ bổ khí; Thăng Sài thông được khí dương. Khí đã vượng thời sinh được huyết, dương đã sinh thời âm sẽ trưởng.
4.8. Nguyên nhung tứ vật thang
  • ( Đào hồng Tứ vật thang)
  • Chữa đại tiện bí hoặc kết, hoặc bị ngã thành ứ huyết.
  • Tức là bài Tứ vật gia Đào nhân, Hồng hoa.
4.9. Trị phong lục hợp thang
  • Bài này tán bột luyện mật làm viên, gọi là Bổ can hoàn (Can lấy tán làm bổ).
  • Tức là bài Tứ vật gia Khương hoạt, Phòng phong.
4.10. Trị khí lục hợp thang
  • Chữa huyết hư khí trệ, hoặc huyết khí xông lên.
  • Tức là bài Tứ vật gia Mộc hương, Binh lang.
4.11. Thần ứng dưỡng chân đan
  • Chữa Can kinh bị phong, hàn, thử, thấp... sinh ra “than hoán”, nói năng khó khăn, và chứng huyết hư cước khí.
  • Tức là bài Tứ vật gia Thiên ma, Khương hoạt, tán bột, luyện hồ làm hoàn.​
4.12. Hoạt lạc tứ vật thang
  • Chữa chứng bán thân bất toại, hỏng ở bên trái là thuộc về ứ huyết, không khu trục được thời huyết mới không sinh ra. Cho nên dùng Đào nhân, Hồng hoa để hoạt huyết trừ đờm, gia Trúc lịch, Khương trấp là để dẫn đi khắp mọi nơi để trừ đờm, vì đờm thời bên nào cũng có.
  • Tức là bài Tứ vật gia Đào nhân, Hồng hoa, Trúc lịch, Khương trấp.
4.13. Phòng phong đương quy tán
  • Chữa vì phát hãn quá nhiều mà thành chứng kinh (sốt nóng, thân thể cứng đờ. Có hai loại cương kinh và nhu kinh khác nhau cần phân biệt), cần phải trừ phong dưỡng huyết mới khỏi.
  • Tức là Tứ vật bỏ Bạch thược gia Phòng phong.
4.14. Tứ thần thang
  • Chữa đàn bà huyết hư, thỉnh thoảng đau bụng như cắt.
  • Tức là bài Tứ vật bỏ Địa hoàng gia Can khương.
4.15. Giao ngải thang
  • Chữa đàn bà hai mạch Xung, Nhâm bị hư tổn, kinh huyết ra dầm dề hoặc huyết hư kiết lỵ
  • Tức là bài Tứ vật gia A giao, Ngải diệp và Cam thảo.
4.16. Ngải phụ noãn cung hoàn
  • Chữa tử cung hư hàn.
  • Tức là bài Tứ vật gia Ngải diệp, Hương phụ (Hương phụ tẩm đồng tiện, nước muối, rượu, dấm thanh... mỗi thứ tẩm hai đêm rồi mới sao), cùng tán bột, luyện với dấm thanh làm hoàn.
4.17. Phụ bảo đan
  • Chữa đàn bà mắc chứng nóng âm ỉ trong xương và hư hàn. Nếu kinh nguyệt không đều thời gia thêm Đan bì, Địa cốt bì
  • Tức là bài Noãn cung hoàn gia A giao.
4.18. Phật thủ tán
  • Bài này còn một tên là Nhất kỳ tán, lại một tên là Quân thần tán. Chữa sau khi đẻ huyết hư đau bụng, hoặc động thai ra huyết. Uống bài này thì tử cung yên ngay, dù thai bị chết cũng ra được.
  • Tức là bài Tứ vật giảm bỏ Địa hoàng, Bạch thược, rồi tán bột cho uống.
4.19. Tam hợp tán
  • Chữa sản hậu lâu ngày thành hư lao
  • Tức là bài Tứ vật hợp với hai bài Tứ quân và Tiểu sài.
4.20. Sinh địa hoàng liên thang
  • Chữa đàn bà bị huyết phong, huyết ra quá nhiều, thành khô kiệt, sinh chứng “mân áo sờ giường”, biểu hiện sự hôn mê quá độ... mắt nhắm, tay đưa lên không liên tục gọi là bắt chuồn chuồn... hoặc đập tay, đập chân, nói năng lẫn lộn, mất hết tinh thần. Đàn ông mất huyết quá nhiều cũng phát sinh chứng này.
  • Tức là dùng bài Tứ vật 7 đồng cân, gia Phòng phong 1 lạng, Chi tử, Hoàng cầm, Hoàng liên mỗi vị 3 đồng cân, cùng tán bột, mỗi lẫn uống 5 đồng cân, nếu mạch thực thời gia Đại hoàng.
​Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.