YTTL: Khôn hóa thái chân 7

Khôn hóa thái chân (những điểm trọng yếu về hậu thiên tỳ vỵ) nói về cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa, hầu hết vận dụng Bổ trung ích khí, Tứ quân, Tứ vật, Bát trân, Thập toàn, Quy tỳ, Nhân sâm dưỡng vinh.
KHÔN HÓA THÁI CHÂN
Phần 7: Bài thuốc chính chữa hậu thiên khí huyết
1. Bổ trung ích khí thang
Lý Đông Viên chế ra bài này, vốn do bài Chỉ truật hoàn của Khiết Cổ lão nhân mà biến hóa ra. Các phép gia giảm đều có ý nghĩa rất tinh vi và quy tắc rất nghiêm. Nếu bệnh biểu hư, sợ phong hàn, nên tăng phân lượng vị Hoàng kỳ.
  • Nộn Hoàng kỳ: (tẩm mật, nướng) 1 đồng 5 phân
  • Nhân sâm: (dùng Bố chính sâm) 1 đồng cân
  • Trần bì: (để xơ trắng, sao giòn) 7 phân
  • Kê cước truật: 1 đồng 5 phân
  • Quy thân: (rửa rượu, tẩm mật đồ) 1 đồng cân
  • Thăng ma: (chọn thứ xanh, chất nhẹ) 1 đồng cân
  • Sài hồ: (chọn thứ nhỏ, chất nhẹ) 5 phân
  • Cam thảo: (tẩm mật nướng) 5 phân
  • Sinh khương: 3 nhát
  • Giao táo: 2 quả
Bấy nhiêu vị hợp làm một thang, sắc uống nóng
  • Chữa các chứng nội thương phát sinh bởi nhọc mệt, bảy tình và uống ăn (Tạng, Phủ, Chi, Thể đều nhờ khí của Tỳ, Vị. Làm lụng nhọc mệt và uống ăn quá độ làm thương đến Tỳ Vị, thời các cơ quan khác mất khí bồi dưỡng mà sinh ra tật bệnh); mình nóng, tay chân mỏi mệt mà nóng (Tỳ chủ tứ chi, nóng tức là chứng “Ngũ Tâm phiền nhiệt”)
  • Tính của hỏa dẫn trở lên; nếu bị uất không đạt lên được thời cháy ráo chân âm, do đó da, thịt, gân xương đều phát nóng. Nếu các thứ ăn uống nén lấp bộ phận chí âm, thời khí thanh dương không dẫn lên được, nên không phát triển được nhiệm vụ truyền hóa
  • Kinh nói: “... hỏa uất thời làm cho nó phát ra...”. Bởi cái tính của hỏa, khêu lên thời sáng, nén xuống thời tắt, giờ bị thức ăn chèn nén, thời cái cơ năng sinh hóa hầu như không còn nữa. Nếu làm cho khí thanh dương được tiết lên khiếu trên, khí trọc âm sẽ tự nhiên giáng xuống khiếu dưới, thời sự tiêu hóa không bị chèn ép nữa
  • Lý Đông Viên hiểu rõ cái nhiệm vụ của Tỳ Vị, nên lập ra phương pháp chữa nhằm đúng hướng “thăng dương”. Các ông lang băm chỉ biết làm cho giáng mà không biết làm cho thăng, như vậy là vô tình dập tắt bỏ Thiếu hỏa, còn mong sống sao được?
  • Hoặc bì phu không chịu được phong hàn mà phát sinh chứng hàn nhiệt, trong tâm bực dọc không yên (dương khí giáng xuống thời âm hỏa lấn lên, cho nên nhiệt và bực dọc, nhưng không phải là thực nhiệt đâu); nhức đầu (đầu là nơi tụ hội của các khí dương, khí thanh dương không thăng lên được thời khí trọc âm sẽ dồn ngược, nên mới nhức đầu; chứng nhức đầu này lúc nhức lúc không, khác với chứng nhức đầu ngoại cảm, nhức liên miên không dứt),
  • Sợ lạnh, đổ mồ hôi (dương hư không vệ ngoài được nên mới có hiện tượng đó), biếng nói (do khí hư), cử động thì mệt, thở, sợ ăn (Tỳ hư); mạch hồng, đại mà hư hoặc vi, tế, nhuyễn, nhược; hơi thở mạnh, suyễn (vì Tỳ hư, hỏa phạm lên Phế cho nên suyễn), hoặc khát nước không ngừng (kim bị hỏa đốt không sinh ra thủy được, cho nên khát nước); hoặc nội nhiệt (nóng bụng) và mình đau; hoặc dương hư biểu nhiệt nên uống bài này gia Ma hoàng căn, Phù tiểu mạch; Thăng, Sài đều tẩm mật sao qua, ý muốn cho nó dẫn Sâm, Kỳ tới bộ phận Biểu).
  • Có thuyết nói: Thăng Sài chỉ nên dùng ít thôi, nên tẩm mật sao thì ngọt và chậm, đạt biểu sao được? Đông Viên nói: lấy tay rờ mà ngoài da nóng là chứng đạt biểu, chỉ dùng nguyên bài này, bệnh nặng uống luôn một ngày hai thang, ra được mồ hôi dâm dấp thì thôi; đó không phải là phương pháp chính làm cho ra mồ hôi, chỉ vì biểu nhiệt, khi âm, Dương được điều hòa thời tự nhiên mồ hôi toát ra. Đó là chủ về sự lao lực hoàn toàn làm thương khí, khiến cho cơ biểu không có mồ hôi thì nên chữa như vậy.
  • Lại một phép: khẽ rờ tay vào thời thấy nóng, ấn tay mạnh xuống thì không thấy nóng, đó là nhiệt ở bộ phận bì mao huyết mạch.
  • Nếu ấn tay mạnh xuống sát gần xương mới thấy nóng hầm hập, nhấc tay nhẹ lên thời không thấy nóng nữa, như vậy là nóng trong xương tủy.
  • Nếu khẽ rờ tay vào da thời không thấy nóng, ấn nặng tay xuống thời thấy hơi nóng. Không ấn nặng tay mà thấy nóng, là nhiệt ở phía trên gân xương; phía dưới bì phu huyết nhục, là nóng tại khoảng cơ nhục. (Nóng tại khoảng cơ nhục chính là chứng nhiệt do nội thương nhọc mệt mà phát sinh),
  • Hoặc trung khí hư không giữ được huyết thì huyết đi càn, sẽ phát sinh các chứng thổ huyết, tiện huyết, hoặc chứng sốt rét lâu ngày (khí huyết đều hư thời nhiệt không dứt)
  • Hoặc Tỳ hư sinh ra tả, lỵ lâu ngày (do khí thanh dương hãm xuống); và hết thảy các chứng thanh dương hạ hãm, trung khí không đầy đủ, no đầy khó chịu, bĩ, tích, quan cách và phúc thống, v.v ... (Có thuyết nói: chữa cả đàn bà con gái kinh nguyệt không đều, là một phương pháp lớn “huyết thoát thời ích khí”).
2. Công năng
  • Kinh nói: “... có trường hợp vì nhọc mệt, khiến cho hình khí kém sút, cốc khí không thịnh, tại thượng tiêu không dẫn tới, tại hạ quản không lưu thông, phát sinh chứng Vị khí nóng, khí nóng đó hun lên trong ngực, cho nên thành chứng nội nhiệt...”
  • Thiên Điều khí nói: “... lao thời khí háo”; vì lao thời suyễn và mồ hôi ra; trong ngoài đều vượt ra nên mới thành khí háo, mừng giận không dè dặt, khởi cư không đúng mức, làm lụng quá độ, phạm phải một điềm nào đó đều tổn đến khí. Khí suy thời hỏa vượng, hỏa vượng thì lấn tràn tới tỳ thổ. Tỳ chủ tứ chi, cho nên tứ chi mới mỏi mệt và nóng, không có khí lực để cử động, biếng nói, làm lụng thời mệt và thở suyễn; biểu nhiệt sợ lạnh, đổ mồ hôi, tâm phiền không yên (đó tức là lao dịch thương).
  • Trong khi mắc bệnh, nên tĩnh tâm ngồi lặng, trước hãy nuôi lấy khí, rồi dùng các vị cam hàn để tả nhiệt hỏa, lại dùng các vị chua để thu liễm cái khí đã tan ra, rồi dùng các vị cam ôn để bổ ích cho trung khí. Kinh nói: “... lao thời nên ôn, tổn thời phải ích...” tức là nghĩa đó. (Người thường mạch đại là lao, mạch cực hư cũng là lao. Bệnh lao, mạch phù đại, tay chân phiền nhiệt, Xuân Hạ nặng, Thu Đông bớt. nên điều trị bằng bài Hoàng kỳ kiến trung thang, đó cũng là theo cái nghĩa “làm cho ôn” đó. Bài Bổ trung ích khí thang của Lý Đông Viên, một vị Đương quy cũng làm theo cái nghĩa của bài Kiến trung, một vị Hoàng kỳ là theo cái phép của bài Bổ huyết.
  • Vỵ là cái bể chứa cơm nước; uống ăn vào Vỵ tinh khí tràn lan, trên thời đưa lên tâm phế, dưới thời dồn xuống Bàng quang. Nếu uống ăn không dè dặt, lạnh nóng không chừng mực, Tỳ, Vị sẽ bị thương.
  • Mừng giận, lo sợ làm tổn nguyên khí Tỳ, Vỵ, khí đã lui, nguyên khí không đủ, thời hỏa sẽ độc thịnh. Cái hỏa đó là âm hỏa, phát sinh từ hạ tiêu, là kẻ thù của nguyên khí. Tráng hỏa thì tổn hại khí, Thiếu hỏa thì sinh khí. Hỏa với nguyên khí không thể cùng tồn tại, một bên được thời một bên thua
  • Tỳ, Vỵ hư thời dồn xuống can, thận (dần đi đến các chứng nuy, quyết và khí nghịch) gọi là “Trùng cường”. Âm hỏa lấn được lên thổ vị, do đó mới phát sinh các chứng hậu của tỳ như: hơi thở mạnh mà suyễn, mình nóng mà phiền, mạch hồng đại mà nhức đầu, hoặc khát mãi không dứt, bì phu không chịu được phong hàn mà phát sinh nóng lạnh, ...
  • Bởi cái khí của Tỳ, Vỵ dồn xuống, khiến cho cốc khí không thăng phù lên được, do đó cái quy luật xuân sinh không phát triển, sẽ không có dương để giữ gìn Vinh vệ, nên mới không chịu nổi phong hàn mà có hiện tượng nóng lạnh. Đó đều là do khí của Tỳ, Vỵ không đầy đủ mà gây nên.
  • Tuy nhiên, đem mà so sánh với chứng Ngoại cảm thời có vẻ giống nhau mà thực là khác. Chứng nội thương Tỳ, Vỵ là thương ở “khí”, còn chứng ngoại cảm phong hàn là thương tới “hình”.
  • Thương vào bộ phận ngoài là “hữu dư”, hữu dư thời nên tả. Thương vào bộ phận trong là “bất túc”, bất túc thời nên bổ. Các phương pháp như hãn, thổ, hạ, v.v.. đều là tả; các phương pháp như ôn, hòa, điều dưỡng, v.v... đều là bổ.
  • Bệnh nội thương bất túc nếu lầm là ngoại cảm hữu dư, dùng phương pháp để tả, thời đã hư lại làm cho hư thêm. Chỉ nên dùng những bài khí vị cay, ngọt, ấm để bổ trung khí, cho dương thăng lên thời sẽ khỏi. Kinh nói: “...Khí vị cam ôn có tác dụng trừ được đại nhiệt”, rất kỵ khổ hàn, vì nó có thể làm tổn Vị khí.
  • Bốn tạng có sự nhọc, đều gây nên nội thương, vậy mà bài Bổ trung chỉ chuyên chủ về Tỳ Vỵ, bởi Tỳ Vị là cái gốc của hậu thiên nguyên khí (Thận là gốc của Khí, Phế là chủ của Khí, Vị là nơi sinh ra khí). Nhưng nếu không nhờ được cái khí của Tiên thiên thời không lưu hành được.
  • Bài thuốc này chỉ vì khí đó do nhọc mệt mà hãm xuống, ở bộ phận Can, Thận, thanh khí không lên, trọc khí không xuống, cho nên trong các vị thuốc lấy thăng làm giáng. Thăng rồi giáng, giáng rồi thăng, để bổ ích Tiên thiên ở trong Hậu thiên (Tâm, Phế ở trên; Can, Thận ở dưới, Tỳ, Vị ở khoảng giữa làm chủ cho khí của cả bốn tạng.
  • Thứ khí vô hình ở trung tiêu có tác dụng làm ngấu nhừ cơm nước và thăng giáng xuất nhập...nó chính là khí của Tiên thiên, cho nên dùng Thăng ma khiến cho nó từ phía dưới nách bên hữu mà dẫn lên. Nhưng nếu không nhờ cái sức của Sâm, Kỳ thì không đủ sức dẫn lên được. Nên chỉ bài thuốc này mới có công năng bổ Tiên thiên ở trong Hậu thiên).
  • Trong thân thể con người, lấy Tỳ, Vị làm chủ, Vỵ giữ chức năng thu nạp, Tỳ giữ chức năng vận hóa; một bên nạp, một bên vận hóa sinh tinh khí; Tân dịch thăng lên, cặn bã giáng xuống, đều được như vậy sẽ không mắc bệnh.
  • Uống ăn vào Vị, cũng như cơm nước ở trong nồi, không có lửa thời không chín được; Tỳ tiêu hóa được thức ăn, đều nhờ Thiếu dương Tướng hỏa là vật vô hình ở Hạ tiêu làm ngấu nhừ mới có thể vận hóa được.
  • Gặp chứng hậu như vậy nếu cho uống loại thuốc hàn lương, thời các thức ăn uống kia không tiêu hóa được nữa. Bởi cái hỏa ở trong Tỳ Vị tức là cái hỏa ở trong Thổ, ở phương pháp nạp âm, gọi là “lửa ở trong bếp lò”; Lửa trong bếp lò phải năng thêm củi, ủ luôn để giữ lấy than thời lửa mới còn, nếu tưới nước lạnh vào thời lửa sẽ tắt ngay, còn lấy gì để nấu cho nhừ cơm nước; còn lấy gì để gây thành ánh sáng, mở mắt chung quanh khác chi quang cảnh địa ngục. Vậy ta lại không nên chú trọng đến cái nghĩa “ôn dưỡng” đó sao?
  • Nghĩa chữ “Bổ trung” tức là bổ trung châu, mục đích để bồi đắp thêm vào cái gốc của Hậu thiên nguyên khí. Các chứng hư không đầy đủ, trước phải bồi bổ trung châu đã. Người ta từ năm mươi tuổi về sau, khí giáng thường nhiều, khí thăng thường ít, nếu là người khí bẩm vốn yếu, nội thương nguyên khí, thanh dương bị sụp xuống thời bài này là thánh dược.
  • Ty, Vị thuộc Thổ, là bể của thủy cốc; sự sinh thành của năm tạng đều phải nhờ nó, là nhờ cái khí sinh phát của nó để vận chuyển đi lên, cho nên từ Vị sang Tỳ, từ Tỳ tới Phế rồi sinh trưởng muôn vật, thấm nhuần toàn thân... dù là thổ của trời đất, khí cũng như vậy.
  • Phàm thổ ở mùa Xuân, Hạ sở dĩ có tác dụng sinh trưởng, là vì nó nhờ được dương khí mà bốc lên, bốc lên thời sẽ hướng về sự “sinh”. Thổ ở mùa Đông không có tác dụng sinh trưởng, vì nó chịu ảnh hưởng của âm khí mà giáng xuống, giáng xuống thời sẽ hướng về sự “tử”. Cho nên bài Bổ trung dùng hai vị Thăng, Sài là để giúp cho cái khí thăng lên; dùng Sâm, Kỳ, Quy, Truật là để giúp cho Dương khí. Đó là cái dụng ý của Đông Viên, dùng khí vị cam ôn để bổ mạnh cho khí và nâng cái khí bị sa dãn kia lên
  • Vả các tạng có âm dương; âm là huyết, Dương là khí, khí hư không “liễm nạp” được nguyên dương của trung cung tức Tỳ, Vị, huyết hư không đè nén được lôi hỏa ở hạ tiêu... đều thuộc về hư nhiệt, nên chỉ cần dùng các vị cam ôn, không nên dùng các vị khổ hàn, sẽ làm hại Vị khí.
  • Phàm sự uống ăn không dè dặt, khởi cư không giờ giấc, làm lụng không điều độ, dương khí trong Vỵ sẽ bị hư; Vỵ tổn thì không thể thu nạp, Tỳ tổn thì không thể tiêu hóa. Tỳ Vỵ đều tổn, nạp hóa đều khó, nguyên khí sẽ yếu, mọi bệnh dễ sinh...
  • Chân dương hãm xuống thời hỏa hư sẽ lấn lên. Do đó mới phát sinh chứng nhiệt và phiền, nhưng không phải là thực nhiệt. Như chứng hạ hãm phát nhiệt, đó là do dương hư mà tự sinh ra bệnh, sao người đời lại nhận lầm là ngoại cảm, mà dùng phương pháp phát tán, đã hư lại càng hư thêm? Đó là không nhận rõ phong, hàn, thử ... đối chứng để điều trị. Cứ thấy phát sốt, cho ngay là ngoại cảm, rồi dùng bừa phương pháp biểu hãn... Có biết đâu rằng: “tà đã phạm vào được, tất do chính bị hư”.
  • Cho nên chứng nội thương nhiều mà ngoại cảm ít. Đôi khi cũng có chứng ngoại cảm, nhưng cũng là tà nó thừa hư mà vào, chỉ cần bổ bộ phận trung châu và ích khí thời tà sẽ lui. Thảng hoặc có chứng ngoại cảm mà nội thương không nặng lắm, thời chỉ cứ bài này mà gia thêm một vài vị đối chứng, tà cũng tự giải.
  • Cho nên Lý Đông Viên lập ra bài này, chuyên bàn về các chứng Tỳ, Vị, no đói, làm lụng vất vả mà phát sốt v.v... Dù cho nội thương giống hệt thương hàn, cũng phải kiêng hẳn phương pháp hãn, hạ.
  • Nếu nội thương nhiều, ngoại cảm ít, chỉ nên ôn bổ, không cần phát tán.
  • Nếu ngoại cảm nhiều, nội thương ít, thời trong bài bổ chỉ nên thêm ít vị phát tán, lấy bài Bổ trung ích khí làm chủ.
  • Nếu nội thương kiêm hàn thì gia Ma hoàng; kiêm phong thì gia Quế chi; kiêm thử gia Hoàng liên; kiêm thấp thì gia Khương hoạt... Thật là sự lợi ích vô cùng cho cả muôn đời. Đó là Lý Đông Viên đã phát minh hẳn ra một nền tảng cho chứng “Dương hư phát sốt
  • Nhưng chứng âm hư phát sốt có tới sáu, bảy phần mười, cũng giống với Thương hàn. Người đời nay lầm dùng phát tán mà chết, lại phàn nàn rằng: “.., phương pháp chữa Thương hàn đã hết...” Có biết đâu chứng trạng của âm hư phát sốt, sốt nhiều, mặt đỏ, miệng khát, phiền táo, cho uống một thang Lục vị địa hoàng hoàn thì khỏi ngay. Nếu hạ bộ sợ lạnh, chân lạnh, thượng bộ khát nhiều và cuồng táo, hoặc uống vào mà lại thổ, thời vẫn dùng bài Lục vị gia thêm Nhục quế, Ngũ vị..., nặng lắm thời gia cả Phụ tử, sắc để nguội cho uống, đều được sống cả.
​​3. Ý nghĩa
Nhận xét: Bài Bổ trung thang, chuyên chữa các chứng đói no thất thường, làm lụng quá sức tổn thương đến Tỳ, Vỵ... Hoặc nhân uống ăn không đều; hoặc nhân lao lực quá độ; hoặc sau khi quá đói, quá no lại thêm sự nhọc mệt; hoặc sau khi làm lụng nhọc mệt lại bị quá đói, quá no... đều là chứng nội thương.
  • Tỳ, Vị bị lao thương, tâm hỏa sẽ quá, lấn lên thổ vị, tiếp đến là Phế khí bị tà. Phế là gốc của khí, cho nên dùng Hoàng kỳ để bổ Phế và bền chặt ngoài biểu làm Quân. Tỳ, Vị một khi bị hư, Phế khí sẽ bị tuyệt trước, vị Kỳ sẽ giúp ích bì mao, vít chặt da thửa, không để cho đổ mồ hôi làm tổn thương nguyên khí nữa.
  • Tỳ là gốc của Phế, Tỳ Vị đã hư thời phế kim cũng mắc bệnh, cho nên dùng Sâm, Thảo để bổ Tỳ, ích khí, hòa trung, tả hỏa làm thần; thở suyễn, ngắn hơi, nguyên khí bị tổn dùng Sâm để bổ. Tâm hỏa lấn Tỳ thổ, dùng vị cam ôn của Chích thảo để tả hỏa nhiệt và bổ khí trung châu của Tỳ Vị. Sách chép: “vị cam ôn có tác dụng trừ được chứng đại nhiệt”. Bổ thổ cho khí dương có nơi chứa mà chứng sốt tự lui, không dùng vị Cam thảo đạt sao được cái công năng bổ Tỳ và tả hỏa đó? Nếu gặp chứng Tỳ Vị đau gấp và đại hư, trong ruột nghe như co dúm lại, càng nên dùng nhiều vị đó, duy có chứng bụng đầy mới nên giảm bớt.

  • Lý Đông Viên nói: “Sâm, Kỳ, Thảo là thứ thánh dược để tả hỏa”. Bởi phiền lao thời hư mà sinh nhiệt, được vị cam ôn để bổ nguyên khí thì chứng hư nhiệt sẽ lui, cho nên cũng gọi là “tả”.
  • Truật có công năng làm ráo khí thấp và khỏe tỳ, Quy có công năng làm nhuận thổ và hòa huyết, dưỡng âm làm tá... Phàm bổ dương bao giờ cũng phải kiêm cả hòa âm, nếu không thời dương sẽ quá găng. Kinh nói: “Cấp thời làm cho hoãn”. Truật vị khổ và cam ôn, trừ được nhiệt ở trong vị, thông lợi được huyết ở giữa khoảng eo lưng và rốn.
  • Tỳ Vị khí hư không thăng phù lên được, bị âm hỏa làm hại đến cái khí “phát sinh”. Vinh huyết bị sút nhiều, kinh khí phục ở trong đất, âm hỏa bốc nóng, hàng ngày nung nấu khiến cho khí huyết giảm dần. Xem như tâm chủ huyết, huyết giảm bớt thời tâm không có gì nuôi, phát sinh chứng tâm phiền mà loạn, bệnh danh là “Mỗi”. Mỗi là một trạng thái phiền muộn không yên, cho nên gia các vị tân ôn, cam ôn để sinh dương khí.
  • Huyết hư lấy Nhân sâm để bổ, dương vượng thời sẽ sinh được âm huyết. Lại dùng thêm vị Đương quy để hòa huyết, gia thêm một ít Hoàng bá sao khô để tả âm hỏa... Như vậy mà vẫn còn phiền nhiệt không dứt, thời gia Thục địa để bổ thận thủy thời hỏa sẽ giáng. Đó là một phương pháp dùng vị cam ôn để sinh âm huyết rất hay (Tôi có bài luận về bài “Bổ trung dùng vị Sâm, Quy, v.v...” chép trong tập Đạo lưu dư vận nên tham khảo)
  • Dùng vị Thăng ma để làm cho thanh khí của Dương minh thăng lên (thăng lên bên hữu rồi quay về bản vị); dùng vị Sài hồ để cho thanh khí của Thiếu dương lên (vòng sang bên tả mà thăng lên). Dương thăng thời muôn vật sinh, thanh thăng thời trọc âm giáng... Hai vị đó đều “đắng, bình”, là một loại vị “bạc”, dương ở trong âm, dẫn thanh khí ở trong Vị cho lên dương đạo và các kinh, thanh khí của Vị hãm xuống bộ phận dưới, nhờ Thăng, Sài để dẫn lên; lại dẫn cả khí cam ôn của Kỳ, Thảo lên để bổ cho cái khí rã rời phân tán của Tỳ Vị đồng thời lại làm cho dầy đặc ngoài biểu và làm dịu được sự gò bó của Đới mạch.
  • Tỳ là Khôn thổ để ứng với địa khí. Nếu địa khí thăng lên thời cái khí hậu “phát trần” sẽ tung ra, địa khí giáng xuống thời cái khí hậu “khắc nghiệt” sẽ thi hành. Nhọc mệt thương tỳ, thổ hư hạ hãm... Kinh nói: “...Giao thông không lợi, cây cối sẽ chết, mưa móc không xuống, khô héo không tươi”, đó là nói về cái khí hậu “khắc nghiệt” gây nên hiện tượng “bĩ”. Con người ứng theo khí đó, biến chứng cũng sẽ phát sinh rất nhiều. Đông Viên hiểu thấu lẽ đó, nên mới lập ra bài thuốc khí vị ôn hòa, ôn hòa thời hợp cái khí của mùa Xuân và là đạo dưỡng sinh. Chỉ dùng vị Thăng ma nâng lên cái khí hãm xuống ở bên hữu của Tỳ, lại do bên hữu mà thăng, khí đất đã thăng, khí trời tất giáng. Hai khí giao thông thành ra mưa móc, đó là bổ khí mà sinh khí không bị kiệt nữa.
  • Trong bài dùng Thăng, Sài chính là để thăng phát cái khí Tiên thiên ở trong Tỳ thổ, xem trong bài “Tỳ Vị luận” cũng nói “lấy tiên thiên vô hình làm chủ” ví như con người nhờ cái khí thủy cốc mà sống. Như những tên Thanh khí, Doanh khí, Vệ khí, Nguyên khí, Cốc khí và Khí xuân thăng v.v... đều là cái biệt danh của Vị khí... thời đủ rõ cái tính chất quan trọng của Tỳ Vị.
  • Trong bài Bổ trung mà có vị Thăng, Sài cũng như trong bài Bát vị có Linh, Trạch. Theo như nghĩa “âm dương thăng giáng” để lập phương, ý nghĩa rất sâu, ít người hiểu thấu.
  • Gia Trần bì cho tháo bớt khí... Trần bì dùng chung với các vị thuốc bổ thời bổ, dùng một mình thời tả. Phàm những người Tỳ khí rối loạn ở trong hông ngực là do khí trong với khí đục làm xáo lộn, cho nên dùng Trần bì không cạo bỏ xơ trắng ở bên trong để cho nó điều chỉnh lại; hơn nữa, nó còn có tác dụng giúp thanh khí dẫn lên để làm cho thăng tán bỏ khí trệ, giúp các vị tân, cam cũng làm việc. Do đó, khí trong thăng lên, khí đục sẽ giáng xuống.
  • Khương vị tân ôn, Táo vị cam ôn, dùng để hòa vinh vệ, mở tấu lý và gây thêm tân dịch. Khương, Táo là chính dược của Tỳ Vỵ, Táo lại có tên là quả, cho nên trong những bài thuốc chữa về Tỳ Vỵ, tất phải dùng tới Khương, Táo... Các bài thuốc cổ phần nhiều dùng Khương, Táo là có ý giúp Vỵ để dẫn hành dược lực.
  • Nghĩ như Tiên thiên với Hậu thiên, không thể chia rẽ làm hai đường. Nguyên khí ở thượng tiêu mà bất túc là do hãm xuống ở trong thận; cần phải dẫn nó lên từ dưới bộ phận Chí âm, Hạ tiêu chân âm bất túc là do nó bay bổng lên bộ phận trên, lại không dẫn cho nó trở về nguồn được sao? Vì cớ đó, bài Bổ trung thang với Thận khí hoàn rất nên sử dụng, sớm uống để bổ dương, tối uống để bổ âm, cùng nương tựa để cùng bồi dưỡng​
4. Gia giảm bài thuốc
a/. Gia giảm bài Bổ trung ích khí theo sách cổ
  • Huyết không đủ, bội Đương quy
  • Tinh thần kém sút, bội Nhân sâm, gia Ngũ vị
  • Buốt trong óc, gia Cảo bản, Tế tân
  • Nhức đầu, gia Mạn kinh tử, đau lắm thời lại gia Xuyên khung.
  • Bụng trướng, gia Chỉ thực, Sa Nhân, Hậu phác, Mộc hương
  • Dạ dày lạnh, khí trệ, gia Thảo khấu, Mộc hương, Ích trí
  • Mùa đông sợ lạnh, phát sốt không có mồ hôi, mạch Phù khẩn, gia Ma hoàng, Quế chi; Nếu có mồ hôi, mạch Phù hoãn, gia Quế chi, Thược dược
  • Ho nóng phổi, bỏ Nhân sâm, gia Tang bạch bì
  • Họng khô, gia Cát căn (phong dược phần nhiều táo, Cát căn có tác dụng dẫn thanh khí trong Vỵ lên Tỳ để sinh âm)
  • Mùa đông sợ lạnh, phát sốt, mạch Phù khẩn, không có mồ hôi, gia Ma hoàng 5 phân, Sâm, Kỳ mỗi vị 1 đồng cân
  • Hai khí phong thấp cùng chèn ép lẫn nhau, khắp mình đều đau gia Khương hoạt, Phòng phong, Cảo bản sắc riêng lấy một nước để uống, nếu bệnh đã giảm, thời thôi không uống tiếp nữa vì e phong dược làm tổn mất nguyên khí. Nếu có đờm, gia Bán hạ, Sinh khương
  • Nhức đầu và có đờm, mình mẩy nặng nề, là chứng “Thái âm đàm quyết” gia Bán hạ, Thiên ma
  • Bụng đau, dùng Cam thảo nhiều gấp đôi và gia Bạch thược. Nếu sợ lạnh, đau lạnh, gia Quế tâm; sợ nóng, ưa uống nước mát thuộc về nhiệt chứng, bỏ Quế, gia Hoàng liên
  • Bụng đau sợ lạnh mà mạch huyền, là do mộc khắc thổ, dùng bài Tiểu kiến trung thang mà chữa. Bởi Thược dược vị chua có tác dụng tả mộc ở trong thổ, nên dùng làm quân. Nếu mạch trầm tế mà bụng đau, thời dùng bài Lý trung thang, lấy vị Can khương tính nhiệt, có tác dụng tả thủy trong thổ làm chủ
  • Đau ở phía dưới rốn, gia Thục địa. Nếu vẫn không phải là do hỏa bị hàn, gia thêm Nhục quế.
  • Phàm đau ở bụng dưới, phần nhiều thuộc về chứng “thận tích bôn đồn”, nên mới gia vị như vậy
Tôi xét: bài này là Tỳ dược mà muốn kiêm chữa cả thận e không hợp, “táo” với “nhuận” có thể nào lại chung vào cùng một bọn, mà “thăng” với “giáng” tránh sao khỏi giằng co lẫn nhau? Huống đã nói là: “thận tích bôn đồn”, mà lại dùng dược làm cho “thăng đề”, thời sao khỏi tăng thêm thế dồn ngược
  • Nếu đã lấy bụng dưới thuộc Thận, mà chuyên dùng Thục, Quế, sao không lấy ngay chính phương của Thận, như bài Bát vị, rồi gia thêm các vị “liễm nạp”, như vậy thời hạ tiêu sẽ được ấm mà khí tự trở về
  • Đến như bài Bổ trung mà dùng xen Thục địa, có lẽ còn có hàm nghĩa gì khác chăng? Xin cứ chép vào đây để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu
  • Có thuyết nói: bài Nhất khí thang dùng Bạch truật hợp với Thục địa thì sao? Có biết đâu rằng Nhân sâm hợp với Đại phụ đã có tác dụng ở phần dương, lại có tác dụng ở cả phần âm; Mạch môn, Ngưu tất vốn có tác dụng thấm nhuần phần âm, nhưng lại có tác dụng trở về phần dương... Như vậy thời dùng chung làm một thang để dìu dắt lẫn nhau, còn lo gì không hợp?
  • Đau ở sườn, hoặc đau rát ở dưới xương sườn cụt, đều nên giảm Thăng, Sài gia Bạch thược
  • Đau ở cuống họng, gia Quế, có hàn gia Phụ tử
  • Chứng ho hắng, mùa Xuân thì gia Toàn phúc hoa, Khoản đông hoa, mùa Hạ thì gia Mạch môn, Ngũ vị, mùa Thu thì gia Ma hoàng và Hoàng cầm, mùa Đông thì gia Ma hoàng để cả mắt
  • Thấp khí nhiều hơn, thì gia Thương truật
  • Có âm hỏa, gia Hoàng bá, Tri mẫu
  • Đại tiện bí, gia Đại hoàng (tẩm rượu sao)
  • Tiết tả, bỏ Đương quy, gia Phục linh, Thương truật, Ích trí
  • Sợ lạnh và lạnh nhiều, gia Can khương, Phụ tử (có ý làm cho ấm Vị khí, rồi Vệ khí nhờ đó cũng ấm)
b/. Những phép gia giảm ở các sách, có điểm nào trái với ý nghĩa của bài Bổ trung và khí vị không hợp thời lược bỏ. Cuối cùng sẽ phụ thêm “kinh nghiệm” của tôi.
  • Bệnh nhân khí trệ, đau ở eo lưng, nên bội dụng Thăng ma (chứng này là do lao lực, khí trệ ở trung tiêu. Sách chép: “... Khí trệ thì eo lưng đau...”, cần dùng Thăng ma để thăng đề khí trệ thời bệnh sẽ khỏi. Có nhiều các phương thư gia Đỗ trọng là không hợp)
  • Tỳ hư, đại tiện lỏng, bỏ Đương quy gia Bạch thược, Phục linh (Bạch thược có tác dụng thu liễm, Linh có tác dụng thấm thấp. Nhưng nếu Tỳ âm yếu quá, thời vẫn phải để Đương quy mà phải tẩm rượu, sao kỹ tới ba lần cho thật khô)
  • Tỳ hư ăn vào không tiêu, nhưng chứng hậu chưa đến nỗi là do Tiên thiên hỏa hư, nên bội dùng Bạch truật gia thêm một ít Can khương, Phụ tử để giúp thêm sức vận hóa; đồng thời cấm hẳn các vị Chỉ xác, Thần khúc, Sơn tra, Mạch nha (Sách chép: Tỳ lấy tiêu hóa thức ăn làm nhiệm vụ, giờ cơ quan đó bị bệnh thời nên bồi bổ thêm vào, không nên dùng những thứ “khắc phạt...”).
  • Từ quá trưa trở về chiều phát sốt nóng, bụng hư trướng...đó là Hậu thiên thổ hư không chứa được hỏa, (hỏa tức là khí), gia Phụ tử, Ngũ vị để liễm khí “tàng dương”, thời chứng nhiệt chướng sẽ khỏi (chứng nhiệt này, Hoàng bá không thể chữa khỏi; mà chứng chướng này Trầm hương cũng không thể giáng được).
  • Đại tiện khô và cứng, tiểu tiện ít và đỏ, miệng nhạt và lở, trong bụng có nóng nảy, ăn nhiều chóng đói, hay uống nước vặt, gia Mạch môn, Ngũ vị và thêm gấp đôi Thục địa, Can khương
  • (Lý Thời Trân nói: “Thục địa là vị thuốc chính của Tỳ...”. Câu này là một phát minh rất có giá trị. Nhưng xem các bài thuốc cổ, những bài bổ Tỳ vị này ít thấy trọng dụng. Ngay như trong Kim quĩ, phàm những bài bổ tỳ Vị mà có Thục đều thấy giảm đi một nửa... Đó có lẽ là vì thổ hư mà ngại chăng?
  • Riêng tôi đối với các bài thuốc bổ Tỳ, đem Thục địa sao cho thật khô, bốc mùi thơm, rồi mới dùng... Sách chép: “... Tỳ ưa mùi thơm...” cho nên phàm các vị thuốc có mùi thơm đều dẫn về tỳ trước, vì cớ đó mà mỗi khi tôi dùng Thục địa sao thơm đều thu được công hiệu rất chóng.
  • Do đó ta nhận thấy: các loại âm dược, nếu dùng lâu tất hại Vị khí, chỉ có chứng Vị hỏa bốc lên quá mạnh, thời dùng hẳn Sinh địa làm tá, để giúp thêm cho công dụng “khôn nhu”, và bổ thêm khí âm cho Tỳ. Đó là tôi dựa theo phát minh của Lý Thời Trân mà sáng tạo ra cách bào chế như vậy, xin ghi để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu).
  • Những người hư yếu bị cảm mạo, không thể phát hãn, tuyệt đối không nên dùng phong dược. Nếu muốn cho có mồ hôi, nên dùng Hoàng kỳ tẩm rượu sao. Bạch truật tẩm mật và rượu sao, lại gia thêm một ít Phụ tử để giúp về phần khí hóa. Muốn cho mồ hôi không ra nữa thì giảm Đương quy (vì mồ hôi sinh ra từ huyết); và gia Bạch thược, Ngũ vị (Đây chỉ là đối với người hư yếu mà cảm mạo, nên mượn các vị đó để “phát” hoặc “thu”. Nếu vệ khí hư quá thời không dùng được. Chỉ nên đổi theo phương pháp “dùng âm dẫn dương” mới có thể được).
  • Người “hư vừa” mà cảm mạo, lại kèm thêm chứng nội thương vì uống ăn, nếu muốn phát hãn dùng Hoàng kỳ sống (rửa qua rượu) và Bạch truật không sao (bài Bổ trung chủ yếu là “trợ dương”, chứ không phải là thuốc phát hãn. Nhưng muốn “dùng âm dẫn dương” sẽ thu được kết quả “không tán mà tự tán”, điểm này rất ít người hiểu).
  • Sốt rét, sốt rét kinh niên hư yếu, rét nhiều nên dùng Nhân sâm gấp đôi và gia thêm một ít Phụ tử. Nếu sốt nhiều, nên dùng Đương quy gấp đôi và gia thêm ít Nhục quế đồng thời châm chước gia thêm ít Bán hạ. Nhưng đều dùng vị Hà thủ ô làm chủ dược, và gia Gừng nướng, Đại táo, Thường sơn, Thảo quả để chặn hẳn bệnh tà, công hiệu rất chóng (Trên đây là tâm đắc của tôi).
  • Người cảm mạo phong hàn, không chịu đựng được thuốc tán biểu, hoặc vì “phòng lao” rồi lại tiếp luôn đến “lao dịch” mà cảm mạo, hoặc sau khi lao dịch bị cảm mạo rồi lại tiếp luôn đến “phòng lao”... nếu sợ lạnh, nên kíp gia Phụ tử; sợ nóng nên kíp gia Chi tử.
  • Dạ dày táo trướng (thực), ăn uống không tiêu, đại tiện táo kết... Y giả dùng bài Tứ quân gia thêm các vị “hành trệ”, thời “trướng, thống” hơi bớt, mà táo kết lại càng tăng. Lại dùng bài Lục vị gia thêm các vị hoạt huyết để nhuận táo... chứng táo tuy hơi bớt mà chứng “trướng” lại trở lại. Nên dùng bài Bổ trung, bội dụng Thăng, Sài gia Mộc hương để “thăng đề” dương khí.
Trên đây là một số tâm đắc của tôi, xin tường thuật để các đồng nghiệp cùng tham khảo

5. Chống chỉ định
  • Lãn tôi xét: Bài Bổ trung ích khí thang do Lý Đông Viên đặt ra, mục đích để điều trị chứng dương hư phát sốt, và người vốn hư lại cảm mạo, nội thương kèm với ngoại cảm, v.v...
  • Dương hư thời hãm xuống (cũng như âm hư thời bốc lên), tà khí liền thừa hư mà vào cho nên chủ chốt bài này là “thăng đề dương khí”, khiến “trung khí” vượng thời tà sẽ không cần đánh mà tự lui... Vốn không phải có tác dụng bổ khí huyết, cũng không phải một bài có thể uống lâu.
  • Khá tiếc có nhiều người không chịu xét rõ âm dương hư thực và nội thương ngoại cảm... Hễ thấy phát sốt là dùng ngay bài Bổ trung, và tự cho là ổn đáng, thật quá sai lầm !
  • Xem nội dung bài thuốc: Bạch truật bổ dương khí của Vị ; Sâm, Kỳ bổ Tỳ mà kiêm bổ Phế; Quy bổ âm huyết của Tỳ, khiến cho thổ đầy đủ đức “khôn nhu” mới có thể sinh ra được mọi vật; Chích thảo có tác dụng ôn trung và làm điều hòa các vị kia, cho “trung châu” được nhờ sự bổ ích; lại e tính các vị bổ phần nhiều nê trệ, cho nên lại dùng Trần bì cho nó dẫn; gia chút ít Thăng, Sài làm sứ, một mặt để dẫn cái sức của Sâm, Kỳ, đồng thời cũng lại làm cho khí dương hạ hãm được thăng lên.
  • Nếu dùng bài Bổ trung mà lại bỏ hai vị Thăng, Sài thời thật là không hiểu rõ ý nghĩa của Bài bổ trung.
Dưới đây xin lược thuật một số chứng bệnh thích hợp với bài Bổ trung để các đồng nghiệp cùng nhận xét:
  • Người hư yếu cảm mạo, nên châm chước nặng nhẹ mà gia thêm thuốc giải biểu.
  • Vì làm lụng vất vả, đến nỗi tổn thương mà sinh bệnh, không có chút ngoại tà nào, nên lượng gia thêm các loại thuốc lý khí, lý huyết.
  • Nội thương về ăn uống, lại kèm thêm ngoại cảm, nên phân tích bệnh thuộc “ngoại” hay “nội” đằng nào nặng hơn, để gia giảm sử dụng.
  • Người hư yếu bị thương thực, nên lượng gia loại thuốc tiêu đạo mà vừa bổ vừa tiêu. Nếu là người khỏe mà bị thương thực, thời đã có sẵn bài Bình Vị tán đủ khả năng điều trị, không cần dùng bài này.
  • Người ốm mới khỏi, vì làm lụng mệt nhọc mà ngã bệnh lại, nên tùy từng chứng biểu hiện mà gia các vị thích hợp, mượn “bổ” làm “công”sẽ thu được kết quả.
  • Người bị bệnh “âm dương dịch” nên chia hàn nhiệt mà chữa; hàn gia Phụ tử, nhiệt gia Hoàng liên.
  • Các chứng “hạ thoát hạ hãm”, như tiết tả, đi tháo hoặc ra như tháo nước; hoặc bị “kiết lỵ” lâu ngày mà thành “lòi trôn trê”, đi đái vặt luôn; sẩy thai, băng huyết và sau khi đẻ bị sa dạ con... nên gia giảm sử dụng, nhất là vị Thăng ma nên dùng nhiều gấp đôi, còn Sài hồ thời vẫn để nguyên số lượng cũ.
Những điểm nói trên đều là đối chứng dụng dược. Nhưng lại còn có khi bệnh ở trên chữa ở dưới, bệnh ở dưới chữa trên, hoặc lấy bổ làm công, lấy công làm bổ, v.v... Đó lại là “pháp ở ngoài pháp” cốt ở khi lâm sàng tùy cơ ứng biến, nói không thể xiết.
Chứng chống chỉ định
  • Về chống chỉ định dùng bài Bổ trung, sách xưa tuy cũng có nói nhưng còn rất sơ sài. Trên kia tôi đã tường thuật về các chứng chỉ định, ở đây tôi lại tường thuật về các chứng chống chỉ định, vạch rõ các lý lẽ để hoàn thiện phương pháp sử dụng bài Bổ trung.
  • Những chứng đờm nôn ọe, phát sinh tại Thượng tiêu, và những chứng thấp nhiệt thương thực, đầy tức ngực... phát sinh tại Trung tiêu v.v... đều không nên dùng (Đờm, ẩm thấp và nhiệt đều kèm có Tướng hỏa, tính của hỏa đã bốc lên, lẽ nào lại còn cho nó thăng lên nữa. “Đầy” tức ngực ắt do trung tiêu bị uất cũng không nên cho thăng).
  • Nhiệt lỵ khi mới phát sinh mà đã “vội đi mót rặn” (hậu trọng) không nên dùng (Hậu trọng là do trệ khí ở dưới, nên làm giáng xuống, không nên cho thăng lên, vì thăng thời càng uất trệ. Giờ làm cho giáng xuống chủ yếu là để hành trệ, trệ hành được thời bệnh sẽ khỏi).
  • Các chứng thuộc về thấp nhiệt không nên dùng (Khí thấp nhiệt ảnh hưởng tới nội tạng, phần nhiều ở bộ phận dưới, nếu làm cho thăng lên, có khác gì rước voi về dày mồ. Muốn chữa chỉ nên dùng phương pháp thấm lợi, hút bỏ chất ẩm chất nóng ra đường tiểu tiện sẽ khỏi).
  • Các chứng bệnh của trẻ em, dùng bài Bổ trung phải nên thận trọng (trẻ em còn thuần dương, tính của dương ưa bốc lên, giờ nếu lại cho uống loại thuốc thăng đề, tất sẽ gây thành “trạng thái dương trơ trọi” rất tai hại).
  • Những người nguyên âm trong Vị hư, không nên dùng (Tỳ Vị ưa ngọt mà ghét đắng, ưa bổ mà ghét công, ưa ấm mà ghét lạnh, ưa thông mà ghét trệ, ưa thăng mà ghét giáng, ưa cao mà ghét thấp... Rất hợp với tính vị của bài Bổ trung. Nhưng dùng vào trường hợp khí nguyên dương của Tỳ Vị không đầy đủ thời rất đúng. Nếu dùng vào trường hợp khí nguyên âm của Tỳ Vị không đầy đủ, thì e không hợp. Vì trong bài đó khí dược nhiều, huyết dược ít, lại có những vị có tác dụng thăng đề và cay, nếu là người âm hư thời phù hỏa dễ bốc lên, mà hư khí lại càng dễ nghịch).
  • Những người da thịt sưa hở, mà mồ hôi cứ ra mãi không cầm được, không nên dùng (Chứng này phát sinh do Vị khí hư, lẽ nào lại dùng Thăng, Sài cho thăng tán nữa. Cho nên cần phải nhận rõ: Bổ trung không phải là bài thuốc liễm hãn. Những người nông nổi thấy trong bài có vị Hoàng kỳ, liền đem Thăng, Sài tẩm mật sao để uống, chẳng những không ăn thua gì mà lại còn gây thêm cái vạ “tẩu tiết” rất tai hại. Tình trạng này thì trông thấy khá nhiều. Nên biết rằng, muốn cầm mồ hôi, nên chọn những vị có tính chất nhuần tĩnh, còn những loại thuốc có tính kích thích, thời không nên dùng).
  • Những người không có biểu tà, mà dương hư phát sốt không nên dùng (âm hư thời không nên giúp dương... Phương chi tính của hỏa là bốc lên, lẽ nào lại còn dùng Bổ trung cho nó thăng đề lên nữa).
  • Những người dương khí đã mất nơi căn bản, mà phát sinh các chứng “đới dương” hoặc “cách dương” không nên dùng (Dương đã mất nơi căn bản, nếu lại uống loại thuốc thăng đề như bài Bổ trung có khác chi lửa đã cháy lại tưới thêm dầu, càng làm cho chóng vong thoát).
  • Người Tỳ Phế yếu mà thở gấp và suyễn, không nên dùng (Chứng này do khí hư không còn đủ sức về nguồn... Trong lúc âm dương còn đang lẫn lộn, lẽ nào còn dùng bài này để cho phát tán?).
  • Người Mệnh môn hỏa suy, mà hư hàn, ỉa chảy mãi không cầm... không nên dùng (Lúc này ở Hạ tiêu chỉ còn một chút dương mong manh, nếu không cố ghìm nó lại mà lại còn làm cho nó thăng đề, tất phải đi đến tình trạng hết sạch. Sở dĩ có người dám dùng liều như vậy, chỉ vì nhận lầm câu trong Nội kinh “... tả lâu thời thăng đề lên...”. Chính tôi đã trông thấy nhiều trường hợp như vậy, hết sức can ngăn mà không được, thật đáng ngán!).
  • Những người thủy kém hỏa bốc... mà sinh ra thổ huyết và nục huyết... không nên dùng (trong lúc huyết dẫn đi càn, chỉ nên dùng các dược vật có tính chất yên tĩnh, mới nén nó xuống được. Nếu lại dùng bài có tính chất thăng đề như Bổ trung, có khác chi lửa đã cháy lại tưới thêm dầu, còn sống sao được).
  • Người tay chân giá lạnh, dương khí muốn thoát không nên dùng (Bệnh thế đến lúc này là rất nguy, chỉ nên kịp thu hồi lấy dương khí cho bền vững, đừng thấy trong bài này có Sâm, Truật mà bỏ quên tác dụng “sơ biểu” của Hoàng kỳ, và “tiết khí” của Trần bì cùng các loại thuốc thuộc về âm như Quy, và các loại thuốc thăng tán như Thăng, Sài)
  • Những người trung khí hư quá, biến thành nhiều tạp chứng không nên dùng (Công năng của bài Bổ trung là chủ về các chứng nhọc mệt mà cảm hàn với dương hư (cai ngược: sốt rét cách nhật)... là nên sử dụng
  • Lại như người dương khí hư lắm, bên ngoài hoàn toàn không có chứng hàn, chứng nhiệt phát sinh bởi biểu tà... thời những vị như Thăng, Sài dùng rất không hợp. Bởi hai vị đó đã khổ hàn, tính lại chuyên sơ tán. Tuy có thuyết nói: “Thăng vào Tỳ Vị , Sài vào can đởm...” có khả năng dẫn thanh khí đi lên nhưng phải là có “tà” mới nhân các tác dụng đó để làm cho tan đi, nếu không có tà, há lại không vì thăng tán mà làm hao tổn mất trung khí hay sao? Dù cho bài Bổ trung lấy bổ ích làm chủ, nhưng lại phải nhờ Thăng, Sài để dẫn đạt thanh khí, nếu chỉ hư vừa thôi, còn có thể tạm bợ đôi chút, nhược bằng hư quá, quyết không thể mượn cá nấu canh như thế được.
  • Gặp trường hợp đó, dù cho toàn dùng thuốc bồi bổ, còn e không kịp, nếu lại còn xen vào những vị thuốc sơ tiết thời còn khỏi sao được? Vả lại những bài thuốc bổ dương phần nhiều có tác dụng làm cho thăng lên, vì cái bản tính của dương là thăng. Chỉ dùng tác dụng “thăng” mà không dùng tác dụng “tán” mới đúng với đại pháp bổ dương. Trong đó tự có hàm nghĩa riêng, hà tất phải dùng Thăng, Sài.
  • Sách chép: Những người bị năm chứng lao, bảy chứng thương, rất kỵ Sài hồ... Bởi nó đã có tác dụng “tán” thời không khi nào có thể “tụ” được, đã có tác dụng “tiết” thời cũng không khi nào có thể “bổ” được; cho nên đến cả cái tính vị khổ hàn cũng quyết không phải là một vị có công năng “phù dương”.
  • Người xưa có câu: dương hư quá, không thể dùng tiết, âm hư quá, không thể dùng thăng, chân hỏa suy vi cũng không thể dùng thanh lương... Tôi có bài luận về sự dùng nhầm bài Bổ trung chép trong tập Đạo lưu dư vận, nói rất kỹ, xin đồng nghiệp hãy cùng tham khảo.
6. Biến pháp của bài Bổ trung ích khí
6.1 Sâm truật ích vị thang
  • (Biến pháp thứ nhất của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa nội thương nhọc mệt, táo nhiệt, hơi thở ngắn, miệng khát, ăn không ngon, đại tiện lỏng nát. (Có chỗ chép đại tiện lỏng và vàng).
  • Tức là bài Bổ trung dùng Thương truật nhiều gấp đôi, gia Bán hạ, Hoàng cầm và Ích trí, mỗi vị 3 phân
6.2 Thăng dương thuận khí thang
  • (Biến pháp thứ hai của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa chứng do ăn uống và làm lụng quá độ mà phát sinh bụng đầy khó chịu, hơi thở ngắn, không thiết uống ăn, ăn không biết ngon, thỉnh thoảng sợ lạnh.
  • Tức là bài Bổ trung bỏ Bạch truật, gia Thảo đậu khấu và Thần khúc, Bán hạ, Hoàng bá.
Ngô thị nói:
  • Thăng, Sài vị tân cam, làm cho khí thanh thăng lên, dương khí sẽ được thuận
  • Hoàng bá vị khổ hàn, làm cho khí trọc giáng xuống, âm khí sẽ được thuận
  • Sâm, Kỳ, Quy, Thảo để bổ hư, được bổ thời chính khí sẽ được thuận
  • Bán hạ, Trần bì có tác dụng lợi ngực, lợi thời đờm khí sẽ được thuận
  • Đậu khấu, Thần khúc làm cho tiêu thức ăn, tiêu thời cốc khí sẽ được thuận
  • Thăng, Sài vị bạc, tính thuộc dương, làm cho Tỳ Vỵ hướng về dương phận để phát triển khí xuân hòa, đồng thời dẫn Sâm, Kỳ đi lên làm dày đặc tấu lý, khiến cho vệ khí được bền.
  • Phàm những loại thuốc bổ Tỳ Vỵ, thường hay dùng những chữ “thăng dương” và “bổ khí” làm đại danh từ, chính là nghĩa đó.
Vương thị nói:
  • Chỉ nói bổ bằng những vị thuốc có khí vị tân, cam, ôn, nhiệt và vị “bạc”, tức là những loại phong dược có tác dụng ích khí thăng phù, như hai mùa Xuân Hạ..., ở trong con người tức là Can và Tâm.
  • Chỉ nói tả bằng những vị thuốc có khí vị toan, khổ, hàn, lương và có tính chất “đạm thẩm”, có tác dụng ích khí trầm giáng như hai mùa Thu Đông, ở trong con người tức là Phế và Thận
6.3 Ích vị thăng dương thang
  • (Biến pháp thứ ba của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa đàn bà kinh nguyệt không đều, hoặc sau khi bị thoát huyết, ăn ít và ỉa chảy.
  • Tức là bài Bổ trung gia Hoàng cầm (sao) và Thần khúc.
  • Phàm thoát huyết thời ích khí, là phép rất hay của người cho nên bổ Vỵ trước để giúp sự phát triển của Sinh khí.
6.4. Điều trung ích khí thang
  • (Biến pháp thứ tư của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa Tỳ Vỵ không đều, ngực đầy, tay chân mỏi, ăn ít, hơi thở ngắn, miệng ăn không biết ngon (Tâm hỏa điều hòa thời ăn biết ngon) và chứng ăn vào lại thổ ra.
  • Tức bài Bổ trung bỏ Đương quy, Bạch truật, gia Mộc hương và Thương truật.
6.5. Điều trung bổ khí thang
  • (Biến pháp thứ năm của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa chứng khí hư ra nhiều mồ hôi, còn các chứng khác đều giống chứng của bài Điều trung ích khí thang.
  • Tức là bài Bổ trung gia Bạch thược, Ngũ vị (bài Bổ trung dùng toàn vị Cam ôn, tức là theo cái nghĩa: ... Nhọc thời nên ôn, tổn thời nên ích.... Bài này lại gia thêm các vị “toan” là Bạch thược và Ngũ vị để thu hồi cái khí bị hao tán. Có “phát” lại có “thu” đó là Đông Viên lại đặt ra một phép nữa cho rộng con đường phát triển của bài Bổ trung)
6.6. Bổ trung gia hoàng bá, địa hoàng thang
  • (Biến pháp của Lưu Thảo Song)
  • Chữa chứng âm hỏa “lấn” lên dương, phát nhiệt, ngày nặng, tự ra mồ hôi, hơi thở ngắn, miệng khát, ăn không biết ngon.
  • Tức là bài Bổ Trung gia Hoàng bá và Sinh địa
  • Lãn Ông tôi xét: chủ yếu của bài này ở hai chữ “âm lấn” và chứng hậu biến hiện “ngày nặng”. Nếu dùng cả bài đó e có hơi ngại, nên bỏ Thăng ma, Sinh địa gia Mẫu đơn và gấp bội Sài hồ, gia Bạch thược tẩm đồng tiện sao. Sở dĩ bỏ vị Thăng ma e nó giúp thêm chứng “lấn lên trên”, sở dĩ lại bỏ Sinh địa là e nó giúp thêm thế lực cho âm, gấp bội Sài hồ vì để cho thăng dương, đồng thời có thể bình được Can, gia Mẫu đơn để mát huyết, dẹp hỏa, gia Bạch thược sao để liễm âm thanh hỏa. Tôi thường dùng như vậy thấy rất ổn đáng.
6.7. Thuận hòa khí trung thang
  • (Biến pháp của Bảo Giám).
  • Bài này chữa chứng khí thanh dương không thăng lên, phát sinh nhức đầu, sợ gió, mạch Huyền, Vi, Tế...
  • Tức là bài Bổ trung gia Bạch thược, Tế tân, Xuyên khung, Mạn kinh tử.
6.8. Điều dinh dưỡng vệ thang
  • (Biến pháp của Đào Tiết Am).
  • Chữa lao lực thương hàn, nhức đầu nóng người, sợ lạnh, hơi khát nước, đổ mồ hôi, đau mình, mạch phù vô lực.
  • Tức bài Bổ trung gia Khương hoạt, Phòng phong, Tế tân, Xuyên khung.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.