YTTL: Đạo lưu dư vận 6

Đạo lưu dư vận (bàn thêm về y lý) biện luận và bổ sung những điểm y lý tồn tại mà các sách xưa chưa nói rõ hoặc chưa bàn đến.


ĐẠO LƯU DƯ VẬN
Phần 6
1. Bổ Thận, bổ Tỳ
Về ý nghĩa, có lúc bổ thận không bằng bổ tỳ, có khi bổ tỳ không bằng bổ thận.
  • Xét lời Tiên triết nói: Bổ Thận không bằng bổ Tỳ, bởi vì cho Tỳ Vỵ là bộ máy tiêu hóa của hậu thiên, là cái bể của thức ăn uống. Năm tạng sáu phủ đều được nhờ sự tưới nhuần của Tỳ Vỵ. Vỵ có bệnh thì 12 kinh đều có bệnh.
  • Cho nên nói: Muốn xét bệnh nên xét vị khí trước; muốn chữa bệnh nên chiếu cố đến vị khí trước. Vị khí không tổn thương thì mọi bệnh đều không đáng lo, mà chữa cốt chú trọng ở tỳ nữa.
  • Lại nói: Bổ tỳ không bằng bổ Thận. Bởi vì cho Thận là căn bản của tiên thiên, chân âm chân dương đều ở đấy; là nền tảng của sự sống; là cái gốc sinh ra thân thể; là tác dụng của thần minh; là tổ của tạng phủ; là cội rễ của 12 mạch; là chủ của sự hô hấp; là nguồn của Tam tiêu.
  • Cho nên nói: Gặp chứng hư thì kíp giữ gìn phương Bắc để bồi bổ cho sinh mạng mà cốt chú trọng ở thận. Đó là tiên triết nhìn sâu vào ý nghĩa của Nội kinh, phát triển lẽ huyền bí để thức tỉnh những kẻ u mê.
  • Những người thông suốt nghĩa lý thì ít, cố chấp một mặt thì nhiều, chưa tránh khỏi được đằng nọ, mất đằng kia. Kẻ để ý đến Tỳ Vỵ thì chuyên lấy Sâm, Kỳ, Quy, Truật làm tốt; kẻ lưu tâm đến Thủy Hỏa thì chỉ lấy Địa, Thù, Quế, Phụ làm hay, khiến cho cái kỹ thuật cứu sống người khó được hoàn toàn.
  • Theo ý kiến nông cạn của tôi thì thầy thuốc chữa bệnh thấy có chứng bệnh nào thì dùng loại thuốc ấy. Dù là thuốc đại hàn hay đại nhiệt đều có thể giúp ích cho người. Hai tạng Tỳ và Thận đều có tác dụng cho nguồn sinh hóa và phát sinh từ lúc phôi thai, có khi có thể giao trách nhiệm nặng nề cho Tỳ; có khi có thể quy công riêng cho Thận. Sao không thấy sách nói rằng: Vị mạnh thì Thận đầy đủ mà tinh khí vượng; Vị yếu thì tinh khí bị hại mà dương sự suy kém, lúc đó nên trao trọng trách cho Vị.
  • Lại nói: Người ta không có một điểm hỏa khí của tiên thiên thì không lấy gì để vận hành tam tiêu cho sự biến hóa được linh diệu, tất cả chỉ là một đống tro tàn, lúc đó hoàn toàn nhờ vào công năng của Thận. Phương Thư nói: Thân thể con người có Tỳ Vỵ cũng như quân đội có kho lương. Kho lương mà cạn muôn quân sẽ tan rã ngay; Tỳ Vỵ đã hỏng thì trăm thứ thuốc cũng không dùng được. Đó là trăm bệnh đều lấy Tỳ Vỵ làm chủ.
  • Lại nói: Thận hư không thể tiêu hóa được thức ăn, ví như trong nồi đầy gạo nước mà dưới nồi không có lửa, thì liệu cơm có thể chín được không? Hỏi lấy gì mà tưới nhuần, mà bẩm thụ cho tạng phủ. Như thế thì bộ máy tiêu hóa lại phải chú trọng đến thận mà lấy thận làm chủ vậy.
  • Lại như lúc âm mất dương thoát, chỉ nên dùng Sâm Phụ cho nó hồi lại, nếu Vỵ hư quá nên gia ngay Bạch truật để giữ vững trung khí, chớ có cho lẫn vào một tý âm dược. Dẫu bài Quế Phụ, rốt cục cũng chỉ là vai trò thần sứ mà thôi. Gặp lúc chân dương như sợi tơ sắp đứt thì nên cứu Vị hay nên cứu Thận?
  • Lại như dùng thuốc khí huyết lâu ngày mà không thấy khí huyết vượng lên, đó là không hiểu đến căn bản và cha mẹ của khí huyết. Chân âm là mẹ của huyết, chân dương là cha của khí. Gốc rễ không vững vàng thì mong gì cành lá tươi tốt được.
  • Vậy chủ yếu để tìm nguồn gốc, bù vào chỗ trống, thêm vào chỗ thiếu là ở tiên thiên hay là ở hậu thiên. Cho nên tôi nghĩ có lúc bổ Thận không bằng bổ Tỳ, có lúc bổ Tỳ không bằng bổ Thận. Người làm thuốc cần phải tùy cơ, không nên cố chấp về một mặt. Phép bổ hư có chia ra: đại hư và tiểu hư. Trong khi bổ Tỳ nên nghĩ tới Thận, trong lúc bổ Thận nên xem Vị khí. Vì Tỳ Thận đều là gốc của tinh huyết; khi đã sinh ra rồi thì lại nhờ vào sự nuôi dưỡng của cơm nước. Không có tinh huyết thì không lấy gì mà xây dựng cái hình thể, không có cơm nước thì không lấy gì làm cho hình thể được khỏe mạnh.
  • Vả lại, cái bể chứa cơm nước vốn nhờ có tiên thiên làm chủ động; cái bể của tinh huyết lại phải nhờ đến hậu thiên bồi dưỡng cho. Há có thể bên khinh bên trọng được sao?
2. Bổ âm tiếp dương và bổ dương tiếp âm
  • Phép bổ tiếp thực là một phép rất hay để phò nguy cứu thoái, mà trong các sách chưa từng bàn đến. Phùng tiên sư mới phát sinh được ý nghĩa đó. Người nói: khi mà nguyên dương muốn thoát đi thì phải dùng thuốc bổ ích ngay. Nhưng tính chất của thảo mộc cũng phải dựa vào chính khí của con người, mới có thể phát huy được khả năng của nó. Nguyên khí đã bị hư, dù có được bồi bổ mạnh, cũng vượng lên một chút rồi lại suy đi, suy đi thì lại bổ mạnh vào, cần phải tiếp tục chớ để gián đoạn; dương mạnh cứu âm, âm mạnh cứu dương, không thể thiên lệch một chút hoặc trì hoãn một tí. Cần làm cho được dương sinh trước mà âm lớn sau, chớ để cho khí âm thắng mà khí dương sẽ mất đi. Đó là then chốt huyền bí của việc chữa bệnh, là phép rất tốt để đổi chết lấy sống.
  • Tôi theo đó mà làm, hiểu được vào lòng mà ứng ra tay, mới đổi thành những phép riêng gọi là Bổ âm tiếp dương và Bổ dương tiếp âm. Tuy không dám tự cho rằng màu xanh do màu chàm mà ra, nhưng bảo là cái thuật để giữ gìn sức khỏe thì cũng không thiếu sót gì nữa.
  • Vì người ta sinh ra là nhờ bẩm thụ được toàn thể khí âm khí dương thì mới sống được. Nếu âm dương mất thăng bằng thì sinh bệnh, âm dương lìa nhau thì nguy, đoạn tuyệt thì chết. Vả lại, cái lẽ của âm dương là cùng bắt rễ ở nhau, trong dương không thể không có âm, trong âm không thể không có dương.
  • Như căn bệnh ở dương hư mà âm trọn vẹn, thì bổ dương khiến cho dương thăng bằng với âm. Bệnh ở âm hư mà dương trọn vẹn, thì bổ âm khiến cho âm khăng khít với dương còn là chuyện dễ. Nếu âm dương riêng bị suy tổn, sắp tách rời nhau, dương riêng bị suy thì cứu dương trước, chờ dương vượng thì mới lại tiếp bổ cho âm, vì e rằng không có âm thì không lấy gì để thu hút dương lại; âm bị hại riêng, thì cứu âm trước, chờ âm vượng rồi, mới lại bổ tiếp cho dương, vì e rằng không có dương thì không lấy gì cai quản khí âm. Điều đó nên để tâm xét rõ, lưu ý điều hòa thì mới nên việc được.
  • Nếu nhằm lúc cả hai hư quá, âm tan rã ở dưới, dương chực thoát ở trên. Tình thế lúc đó rất khó nỗi điều bổ cho một bên nào, dùng thuốc cũng khó nỗi dùng kèm. Muốn bổ dương phải cần đến vị thuốc thơm ráo, thì âm tinh, âm huyết chịu sao nổi được sức thuốc tiêu hao nung đốt ấy; muốn bổ âm phải dùng đến các vị thuốc nhu nhuận, thì nguyên dương, chân hỏa lại càng bị khốn đốn về nỗi âm hàn. Thực là gặp cả hai sự khó khăn: đã khiếp nóng lại sợ lạnh.
  • Muốn làm tròn kế hoạch thì hoặc dùng mạnh dương dược, nhưng còn phải chiếu cố tới phần âm; hoặc là dùng nhiều thuốc bổ âm, nhưng cũng phải để ý đến phần dương, khiến cho trong âm có dương, trong dương có âm mới trọn cả hai mặt. Nhưng phải chọn thuốc khí vị hợp nhau nhập vào một đội, mới có thể thành công. Tôi mới chế ra bài Bổ dương tiếp âm và Bổ âm tiếp dương có thể chữa kèm cả hai phương diện.
  • Đại khái giữ gìn dương khí 10 phần, mới có thể tiếp bổ cho âm huyết 7 – 8 phần. Vì không có dương thì âm không thể sinh được. Sách nói: “Một phần dương khí hãy còn thì chưa chết”. Cho nên phương pháp bổ huyết thường dùng thuốc bổ vị mà thu công. Đó là cái đức lớn nhất của dương sinh, lẽ nào lại không quý trọng.
  • Nếu bổ phần dương trội lên vài ba phần cũng không hại gì, thế mà bổ phần âm trội lên một hai phần là sinh hại lớn. Đó là cái lẽ âm sinh dương sát vậy.
  • Tôi thường gặp những chứng nguy, chỉ lấy phép cứu dương cứu âm làm chủ, cốt sao cho âm dương không tách rời, không chênh lệch; dương hộ vệ cho âm, âm giữ gìn cho dương, cùng bắt rễ với nhau, cùng tác dụng lẫn nhau; cho thăng bằng, cho kín đáo. Đó là những điều tôi thấu hiểu được lý lẽ ngoài phép tắc. Xin đem công bố cho hết lòng với Y đạo.
3. Kinh nghiệm về tạng phủ theo chỉ dẫn của Nội cảnh đồ
(Phế kinh, Tâm kinh, Can kinh, Tỳ kinh, Đại trường, Tiểu trường, Đởm kinh, Vị kinh, Bàng quang, Tam tiêu).
  • Xét trong Nội cảnh đồ chỉ dẫn về tạng tượng và nói rõ mỗi tạng phủ vào đâu, ứng vào đâu thì rất tinh vi, đầy đủ. Còn như cơ chế về bệnh hư hay thực, cũng như việc dùng thuốc hình như lẫn lộn; tạng này có chứng ấy; cho vào bên tả cũng được, cho vào bên hữu cũng được, đã cho là hư lại cho là thực, cũng như cách dùng thuốc ôn, lương, bổ tả, khí vị ngang trái, không sát với bệnh tình. Nhưng vì là sách vở của các bậc hiền triết đời xưa nên không dám soạn gọn lại.
  • Tôi nhờ gom góp kinh nghiệm đã lâu ngày, nên hễ thấy cơ chế bệnh đã hiện ra rõ ràng, thuốc sát với chứng bệnh, thì không e dè sự vẽ rắn thêm chân, đem trình bày hết, để người đọc có chỗ chủ định, khỏi bị nhiều ngả dễ lầm.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.