YTTL: Đạo lưu dư vận 5

Đạo lưu dư vận (bàn thêm về y lý) biện luận và bổ sung những điểm y lý tồn tại mà các sách xưa chưa nói rõ hoặc chưa bàn đến.

ĐẠO LƯU DƯ VẬN
Phần 5
1. Tâm là quân chủ
  • Tôi thấy sách Y quán của họ Triệu nói rằng: “Trong thân thể có một vị chúa tể riêng biệt mà không phải là Tâm”, điều này được chứng minh cụ thể ở câu nói của Nội kinh: "quân chủ không sáng suốt thì 12 cơ quan đều nguy". Như thế là Tâm cũng chỉ là một trong 12 khí quan mà thôi.
  • Nếu cho tâm là chúa tể thì sao không nói là: 11 khí quan nguy. Hơn nữa, như điện Hoàng cực của Triều đình là nơi mà hàng ngày nhà vua ra ngự; cung Càn thanh là nơi ban đêm vua nghỉ. Cho nên nếu chỉ vào điện Hoàng cực mà bảo rằng chính nhà vua đó liệu có được không? Nguyên dương quân chủ mà có được tác dụng ứng tiếp mọi sự vật là do tâm trổ tài tháo vát, cho nên lấy tâm làm chủ.
  • Còn như giữ được chân âm chân dương, nuôi được hơi thở, làm gốc cho việc sinh sinh hóa hóa, thì chỉ chứa chệt ở giữa hai quả Thận, cho nên cần chú trọng đến Thận. Nhưng thật ra chẳng phải Thận mà cũng chẳng phải Tâm.
  • Theo Tôi nghĩ là họ Triệu lập luận tráo trở, chỉ tôn riêng Mệnh môn là quân chủ. Qua mọi sự trình bày về cội rễ của khí huyết, cửa ngõ của sự sống chết, cái gốc sinh ra người, cái nguồn để bảo vệ tính mạng, các hiện tượng thực giả, cái khổ công nghiên cứu để giúp đời phát triển hết, Phùng tiên sư cực lực bài bác thuyết này.
  • Ông nói: “Từ xưa thánh hiền đều cho Tâm là quân chủ, bởi vì, bảo là mọi sự sáng suốt của muôn vật đều do thần minh của Tâm tạo ra. Nhưng Thận là chủ về trí, Tâm chủ về nghĩ. Khí của Tâm bắt nguồn từ Thận (khi ta nằm ngủ tức là vào phần âm, là Tâm thông với Thận, là Thủy Hỏa không lìa nhau. Tâm sáng suốt, nhưng nếu không có chân âm ở Thận lên nuôi dưỡng thì không làm nhiệm vụ tốt được. Như thế đủ biết Tâm là quân chủ, Thận là căn bản). Cũng ví như vua ở trên tất phải lấy dân làm gốc của nước, cái chức phận tôn ti của Tâm với Mệnh môn đã rõ rệt lắm rồi.
  • Theo ý riêng của tôi thì, thuyết của tiên sư tựa hồ như quá giữ đạo trung, nhưng cũng không nên câu nệ cái thuyết của họ Triệu. Vì chữ “quan” nói ở đây cũng chưa chắc chỉ rõ thế nào. Nếu nói: Tâm là khí quan quân chủ, tức là Tâm giữ cái chức trách quân chủ, cũng như Tỳ Vị giữ chức kho tàng, cùng với chức tướng quân của Can, chức trung chính của Đởm, chức truyền tống của Đại tràng, chức châu đô của Bàng quang, chức thần sứ của Tam tiêu. Mỗi cái đều giữ phận sự riêng, để làm sáng tỏ cái cơ năng của nguồn sinh hóa. Vậy thì “quân chủ” ở đây là chức trách, đâu có phải đã gọi là quân thì không thể gọi là quan được nữa.
  • Các bậc tiên triết lập ngôn vì sợ rằng người đời không hiểu rõ mà phải lấy việc đời làm ví dụ. Cũng như đồ Tiên thiên Thái cực, khi chưa sinh ra trời, hết thảy còn thuộc về vô hình, sao đã vẽ ngay một vạch (nhất cơ) và một vòng tròn (nhất khuyên) thì lại can thiệp đến hình tích. Đó là điều bất đắc dĩ phải gợi ý cho người hậu học mà thôi.
  • Tiên kinh nói: Thử hỏi thế nào Huyền tẫn? – Trẻ em khi mới bắt đầu thành hình, thì trước hết sinh hai quả thận, như thế là chưa có thân thể đã có ngay hai quả thận cho nên thận là gốc của tạng phủ, là cội rễ của 12 mạch, là chủ của việc hô hấp, là nguồn của Tam tiêu, mà con người nhờ vào đó để sống. Nếu không có thận thì không sống được.
  • Lại xem tạng phủ trong thân thể có sự phối hợp biểu lý với nhau như: phế với đại tràng; tâm với tiểu tràng; tâm bào lạc với tam tiêu; can với đởm; thận với bàng quang; tỳ với vỵ. Riêng mệnh môn là không có đối tượng phối hợp, thực là một sự hiểu biết vượt ra ngoài lý lẽ, ý nghĩa thật là vô cùng vô tận. Há chẳng nên có riêng một điểm đáng làm thủy tổ cho sự sống hay sao? Rồi bảo nó là quân cũng được, bảo nó là quan cũng được, vì nó hoàn toàn chỉ là một khối thịt mà thôi. Vậy ta chỉ cần hiểu rõ nghĩa lý, sao còn phải tìm tòi sâu xa ở đâu làm gì?
2. Dùng lầm bài Bổ trung thang
  • Tôi xét bài Bổ trung được đặt ra là để chuyên chữa cho người thể hư bị cảm. Vì rằng bổ trung châu, trung khí mạnh lên thì tà khí không có chỗ dung thân nữa. Đó là chính khí đủ sức, thì tự nó có thể đuổi được hàn khí ra ngoài. Lấy bổ làm công thật là chí lý.
  • Vả lại, người thể hư thì nguyên dương thường hay hãm xuống, dùng bài thuốc đó làm cho dương khí thăng lên, cũng có ý nghĩa thăng dương để giải biểu.
  • Lại còn chứng nhọc mệt thương tổn mà phát sốt cũng vì trung khí hư yếu, khí của cơm nước không vận hành, vị quản không thông mà sinh nội nhiệt (nóng bên trong). Dùng bài Bổ trung làm cho khí mạnh lên, sự chuyển vận được khỏe hơn thì chứng hư nhiệt tự khỏi. Đó cũng là một ý nghĩa bổ thổ tàng dương, thần diệu là làm ấm lại bếp lửa đã sắp tàn.
  • Cớ sao người nay dùng bài Bổ trung không phân biệt Âm hư hay Dương hư, nội thương hay ngoại cảm, chẳng hỏi đến hư thực, hễ gặp bệnh cần uống thuốc là nói ngay đến Bổ trung, rồi thầy thuốc với nhà bệnh tự cho là một phương pháp rất bình hòa, rất ổn thỏa. Sao không nghĩ tới những điều thích ứng cũng còn những điều phải cấm kỵ?
  • Lại còn có người không hiểu đến mức nhận lầm đó là một bài thuốc bổ hư, nên sau khi khỏi bệnh rồi dùng để điều bổ. Rồi người vô bệnh cũng hay dùng để làm cho mạnh tỳ, khỏe vỵ giúp sự ăn uống; nào có biết đâu càng làm thăng đề thì khí càng giáng xuống, càng giáng xuống thì khí càng hư; ngoài biểu không có khí hộ vệ, tạo môi trường cho phong tà nhiễm vào, ở trong lại bị khí âm lấn át thì dễ sinh bệnh ỉa sống phân.
  • Còn như cách gia giảm không biết từ nhà nào sáng lập ra: muốn cho hoàn toàn bổ thì bỏ Thăng ma, Sài hồ, sao không hiểu ý nghĩa của bài Bổ trung nhờ có Thăng, Sài để phát động sự tươi tốt của khí mùa Xuân, khiến cho cây cỏ nảy lộc đâm chồi, thì cái khí nhất dương sinh mới được thỏa mãn. Hoặc có người không dám bỏ thì lại tẩm mật sao lên làm cho cái tính khinh thanh của Thăng, Sài bị bùn ao quyện lại thì lấy gì giúp đỡ cho Sâm, Kỳ?
  • Lại có người dùng Bổ trung để chữa chứng âm hư hỏa vượng và các bệnh thực khí đưa ngược lên thành chứng nôn, nhưng vì sợ tính thuốc bốc lên nên lại gia thêm Ngưu tất và cho nó rút xuống, nào có hiểu rằng bài Bổ trung lấy thăng làm giáng, vì khí thanh dương bốc lên thì trọc âm tự phải giáng xuống. Nếu giằng co hai đầu, một lên một xuống thì đem Sâm, Kỳ đặt vào chỗ nào cho được.
  • Lại còn dùng chữa chứng âm hư nhiệt thịnh thì gia thêm Hoàng bá để tả âm hỏa, sao không hiểu Bổ trung vốn là phương thuốc để chữa dương hư, có can gì đến âm hỏa. Huống chi Hoàng bá tả Thận hỏa mà cũng tả cả Vị hỏa nữa. Vị gặp thuốc khổ hàn tất bị thương tổn, mà thổ hư thì không có chỗ dung thân.
  • Lại còn những người hễ thấy đau lưng thì gia bừa Đỗ trọng là thuốc bổ thận; thấy âm hư thì gia bừa Thục địa là thuốc bổ thủy; thấy gân co rút thì dùng bừa Mộc qua; Thấy chân đau thì gia bừa Ngưu tất. Như thế đều là trái với phương pháp, tự ý làm càn, khó mà kể ra cho hết được.
3. Dùng nhầm bài Tứ quân, Tứ vật, Bát chân
  • Phương Thư nói: Hậu thiên dương hư, làm bổ Tỳ Phế là bài Tứ quân; hậu thiên âm hư, làm bổ tâm can là bài Tứ vật. Mọi người đều cho hai bài thuốc đó là thuốc đầu để chữa các chứng bệnh về khí huyết, không chỗ nào là không thích hợp.
  • Đó là chưa thông suốt ý nghĩa của việc lập phương.
Theo tôi nghĩ thì trong đó mỗi bài đều có nhiều mối nên dùng và nên kiêng, đâu có thể chữa cả một loạt hay sao? Như chứng Vị hỏa mạnh mà thực làm cho Tỳ âm càng suy yếu, thì Sâm Truật không thể dùng, Nhân sâm tuy gọi là thuốc thánh để làm lui hư hỏa, nhưng nếu gặp người thể hư hỏa bốc lên, nhiệt nhiều hại khí thì việc dùng Nhânsâm cũng nên tạm hoãn. Chích thảo vốn là thuốc làm ấm trung tiêu, có thể giữ lâu các vị thuốc lại khiến cho thổ được bổ ích thêm. Nhưng nếu vì trung tiêu hư, khí không vận hành được thì cũng không nên dùng.
  • Lại nói bài Tứ quân là thuốc thánh để chữa bệnh Tỳ Vỵ cho trẻ em, nhưng bên cạnh sự bổ ích lại có ngay sự tổn thương kèm theo. Trẻ em sức yếu, chỉ có dương lẻ loi không có âm thì chịu sao nổi được lâu những vị Bạch linh hay thấm, Bạch truật hay táo. Huống nữa Thổ bị khô khan thì tích thành gò đống, tạo thành chứng cam.
  • Còn như huyết nhân hỏa động mà sinh ra thổ huyết, nục huyết lung tung, thì làm thế nào mà Xuyên khung có thể giữ lại được.
  • Nếu âm vong dương bại thì các chứng băng thoát rất khó chữa nổi, duy chỉ có dùng Độc sâm thang thì mới giữ được cái sắp đứt.
  • Nếu huyết vì gặp hàn mà trệ lại, muốn làm ấm lên thì không phải là cái sở trường của Thục địa, Bạch thược. Huyết nhân hư mà khô cạn muốn tư bổ thì lại là điều sở đoản của Xuyên khung.
Lại nói: “Bài Tứ vật là thuốc bổ huyết rất cần thiết”. Câu ấy hình như phải mà hóa ra không phải. Bởi vì đã gọi là âm dược thì chỉ có tính thuần tĩnh, nhu nhuận mới tốt, nếu khéo dùng thì khiến cho âm tĩnh mà sinh ra huyết. Đó là cách nuôi dưỡng cho âm mà huyết tự sinh ra vậy.
  • Như bài Tứ vật, bảo là dưỡng huyết thì được, nhưng bảo là sinh huyết thì không thể được. Muốn bổ huyết sinh tinh thì cao Nhung hươu, Nhung nai, rau thai nhi, sữa người, đều thuộc loại hữu hình mới có thể kiến hiệu được. Nhưng cái nguồn sinh hóa cũng nhờ vào năm vị mà ta ăn uống hàng ngày để sống, vì thế có câu: Muốn bổ huyết thường chỉ dùng thuốc bổ vị mà thành công. Câu nói ấy thật có ý nghĩa rất sâu sắc.
Lại nói Khí và Huyết cả hai đều hư thì dùng bài Bát trân thang. Nhưng nếu cố chấp dùng bừa thì kiến hiệu làm sao được. Nội kinh nói: “Không có dương thì âm không sinh được; không có âm thì dương không hóa được”. Nếu khí hư nhiều huyết hư ít thì dùng Sâm Truật làm quân, Quy Thục làm thần. Còn Bạch linh thì hại âm vì tính của nó thấm và tiết, Bạch thược thì chua, Xuyên khung thì có chất thơm hay bốc lên và hao khí. Bạch truật thì táo, Bạch linh thì thấm cũng nên tránh bớt.
  • Nếu khí và huyết cả hai đều hư ngang nhau, thì chỉ bổ khí nhiều hơn mà huyết tự tươi tốt. Bởi vì, khí dược mới có khả năng sinh huyết, còn huyết dược thì không có lý nào có ích cho khí cả. Đó vốn là tác dụng kỳ diệu của âm dương.
Tôi tự chế ra bài Bồi thổ cố trung, dùng để chữa các chứng thuần dương, rất bình hòa, rất ổn thỏa. Bổ vị khí mà không táo, nhuận tỳ âm mà không trệ, thực là một bài Tứ quân tử bổ âm, có thể cho uống mãi cũng được. Vả lại không có cái hại làm cho tăng khí.

Tôi cũng mới chế ra bài tiên thiên Lục vị và bài hậu thiên Bát vị cũng để bổ Tỳ Phế và Tâm Can của Hậu thiên. Cho vào phần khí thì không lo vị thuốc cay thơm hao tán; cho vào phần huyết thì không có tệ vì thuốc hàn lương làm cho khí âm ngừng lại.

Bài thuốc tuy nông cạn mà hiệu quả sâu xa, dùng thuốc giống nhau mà công năng có khác. Mong các đồng nghiệp lựa chọn mà dùng, đừng trách đã tôi khó nhọc đi tìm cái ngoài phương pháp.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.