YTTL: Đạo lưu dư vận 4

Đạo lưu dư vận (bàn thêm về y lý) biện luận và bổ sung những điểm y lý tồn tại mà các sách xưa chưa nói rõ hoặc chưa bàn đến.

ĐẠO LƯU DƯ VẬN
Phần 4
1. Bàn về Bổ trung thang có dùng Đương quy
  • Bài Bổ trung thang dùng toàn khí dược, trong đó xen vào một vị Đương quy là huyết dược, đời sau chú thích giải nghĩa nhiều ngả.
  • Duy có sách Di sinh nói: Phàm dùng khí dược, không thể không kèm dùng huyết dược. Câu đó chẳng qua chỉ như người mới ngó qua tường vách, chưa bước lên thềm để vào trong nhà.
  • Bởi vì, Đông Viên sáng chế ra bài Bổ trung là nêu lên cái kế hoạch làm tỉnh tỳ, dùng Bạch truật để bổ tỳ dương, nhưng lại e rằng vị dương mạnh quá trở thành miếng đất khô, cây cỏ không mọc được, cho nên dùng xen vị Đương quy vào để tư bổ tỳ âm, khiến cho “Thổ” (Tỳ) có đủ đức tính nhu nhuận của đất để giúp cho máy sinh hóa. Như thế mà dùng để thăng đề thì dương có âm, đất dương không tẩu tán; dùng để khu tà thì hàn không hại được âm.
  • Các bậc tiên triết lập ra phương thuốc là có âm dương dùng lẫn nhau; tinh diệu như thần, đều là như thế. Người sau học thuốc lại không thông suốt lẽ đó mà cứ dùng bừa hay sao?
2. Bổ hỏa lại trọng dụng Thục địa
  • Chữa chứng âm hư hỏa vượng dùng bài Lục vị bổ thủy để chế hỏa, đó là làm cho mạnh thủy lên để chấn áp dương quang (hỏa) là dĩ nhiên.
  • Tại sao chứng hỏa hư chạy càn, là do hỏa ở Mệnh môn suy, trong Thận nhiều khí âm hàn, hàn làm cho Long hỏa không có chỗ nương thân, sợ lạnh mà bốc lên. Vì thế dùng bài Bát vị bổ hỏa để đưa hỏa về nguồn, thì sào huyệt của nó được yên ổn.
  • Trong đó chủ yếu nhờ vào Quế, Phụ làm ấm Thận, làm cho Long thấy ấm áp mà trở về, đáng lẽ nên trọng dụng Quế, Phụ mới phải. Nay lại dùng Thục địa làm quân, Sơn thù, Sơn dược làm thần, mà Quế, Phụ lại bị hạ xuống làm sứ là tại sao? Nếu đã nói: Trong thận âm thịnh, lại còn nghiêng về bổ thủy e rằng sức nóng của Quế, Phụ không thể địch lại được; Thục địa, Sơn thù có tính âm nhu thì có tác ích gì cho tác dụng bổ hỏa?
  • Không phải thế. Cái lý của âm dương là dương bám víu vào âm, âm bám víu vào dương. Âm dương cùng dựa vào nhau mới nên tác dụng. Cho nên chân âm hư thì phải bổ thủy trong hỏa. Mệnh môn hỏa hư thì phải bổ hỏa trong thủy.
  • Phương thư nói: Bổ hỏa trong thủy thì sáng mãi không tắt, Bổ thủy trong hỏa thì nguồn không cạn. Huống chi Nhục quế có chất thơm hay bốc và hay cổ vũ, Phụ tử có tính thông kinh hoạt lạc, nếu không có Thục địa không chế, Sơn thù kìm hãm, thì nó có tính hoành hành biểu lý rất nhanh chóng, có sức mạnh phá ải cướp cờ rất ngang tàng, đâu chịu an tâm đi xuống thận để ức chế âm hàn, làm ấm sào huyệt của Long. Tạo nên hiện tượng như khí hậu của tiết Đông chí, để cho khí nhất dương có thể sinh ra được.
3. Các bệnh đều gốc ở thận
  • Nội kinh nói: “Biết được chỗ cốt yếu thì nói một lời là đủ, không biết được chỗ cốt yếu thì lan man vô cùng”. Vì “chỗ cốt yếu” tức là điểm cốt yếu để tìm ra nguồn gốc.
  • Lại nói: Bệnh nhẹ tất do sự chênh lệch của Khí Huyết; bệnh nặng tất do sự tác hại của Thủy Hỏa. Làm đầy đủ chỗ thiếu thốn là khí huyếtmà sinh ra khí huyết lại là Thủy Hỏa. Thủy hỏa là cội gốc sinh ra bản thân, là tác dụng cho thần minh. Cho nên nói: “Chữa mọi bệnh lấy Thủy hỏa làm căn bản, lấy khí huyết làm ứng dụng”. Mọi người đều bảo khí huyết là âm dương, thủy hỏa là Tâm Thận, nhưng nào ai đã biết: Khí huyết lại có gốc của khí huyết, Thủy hỏa lại có nguồn của Chân thủy, Chân hỏa, âm dương lại có chỗ của Chân âm, Chân dương.
  • Vì tiên thiên như triều đình, hậu thiên như ty đạo, nắm giữ chính quyền là do tiên thiên, thi hành chính sách là do hậu thiên. Lại nói: chính lệnh của thân thể đều thuộc cả về Mệnh môn. Mệnh môn là trung khu của sao Bắc đẩu, giữ gìn mấu chốt của âm dương. Do đó đủ biết, trăm bệnh của người ta tuy có ngoại nhân, nội tập nhiều loại khác nhau, nhưng chẳng qua là mối manh phát bệnh, đến khi thành thương tổn, rốt cục lại đều dồn vào thận.
  • Phương Thư nói: “Trăm bệnh sinh ra ở Tâm mà đều gốc ở Thận”. Cảnh Nhạc nói: “Dương tà phạm vào thì tai hại tất thuộc về Tâm; ngũ tạng tổn thương cuối cùng tất nhiên đến Thận”. Lời nói ấy thật không ngoa. Vả lại, bầu thái cực trong thân thể tức là một điểm Mệnh môn ở trong Thận. Bàn về Tiên thiên, Phương Thư lại nói: “Mệnh môn là cái cửa để lập mệnh, là vật rất quý báu của thân thể”. Người muốn tìm lẽ sống cần phải để ý đến chữ “Hỏa”, nếu người ta không có một điểm hỏa khí của tiên thiên thì hết thảy chỉ là một đống tro tàn.
  • Sách Y giám nói: Mệnh môn là chủ của 12 kinh. Thận không có nó thì không lấy gì làm khỏe mạnh, sự khôn khéo cũng không nẩy ra được; Bàng quang không có nó thì khí ở Tam tiêu không chuyển hóa được mà đường nước không thông; Tỳ Vỵ không có nó thì không thể làm cho chín nhừ cơm nước, mà năm tạng không được nuôi dưỡng; Đại trường, Tiểu trường không có nó thì sự biến hóa không làm được mà đại tiểu tiện đều bế tắc; Can Đởm không có nó thì tướng quân không quyết đoán được, mà mưu trí không nghĩ ra; Tâm không có nó thì thần minh tối tăm, mà muôn việc không thể ứng phó được; Phế không có nó thì công việc điều tiết không chạy mà trăm mạch không thể tưới nhuần tạng phủ được.
  • Rút cục công năng của tạng phủ không vượt khỏi Mệnh môn, tật bệnh của người ta tuy có truyền biến nhiều mối nhưng không thể vượt ra ngoài tạng phủ. Cho nên nói chữ đại bệnh mà bỏ Thủy Hỏa thực không khác gì leo cây tìm cá. Thận là màng lưới của trăm bệnh, đều do thận tổng quản cả là rất đúng. Bệnh nặng nhất trong các loại bệnh, không có gì bằng 4 chứng: Phong, Lao, Cổ, Cách. Nếu chân hỏa đóng vững ở Đan điền, thì hư phong không do đâu mà nổi dậy nhanh chóng được. Dùng thuốc cam ôn tư bổ tinh huyết thì chứng lao không có chỗ dung thân. Chân hỏa sẽ sung túc, nguyên khí tự lớn mạnh thì tiêu hóa như thường, còn lo gì sinh ra cổ trướng. Đáy nồi có lửa, tinh khí tràn đầy, tinh ba của thủy cốc rải khắp mọi nơi thì còn ngại gì phát sinh nghẹn tắc, táo bón.
  • Đó là những đại bệnh nguy hiểm đến sinh mạng, nếu biết dựa vào thủy hỏa mà chữa vẫn còn có thể cứu vớt được. Huống chi trăm bệnh hại người nếu nhằm vào thủy hỏa mà chữa, thì không đến nỗi khó lắm.
  • Sách Y quán ví Mệnh môn với cái đèn kéo quân như sau: “Nào người lạy, nào người múa, nào người đi, nào người chạy đều chỉ nhờ một ngọn lửa mà thôi. Lửa mạnh thì chuyển động nhanh, lửa yếu thì chuyển động chậm, lửa tắt thì muôn máy đều im lặng”. Thật là ví dụ rất hay, tả rõ được sự thật, từ đó tôi mới hiểu được chân thể của Thái cực tiên thiên, và hiểu sâu được tác dụng kỳ diệu của Thủy hỏa vô hình, mà trọng dùng các bài Lục vị, Bát vị đã chữa khỏi rất nhiều bệnh nặng một cách dễ dàng như trở bàn tay, cũng như các bệnh lạ vô hình, các giả chứng khó mà đặt tên, đều chỉ dùng đúng thuốc thủy hỏa mà chữa, hoàn toàn không để ý các chứng vụn vặt. Đào gốc tìm nguồn thì bệnh nào không bắt nguồn từ Thận.
  • Tiên sư nói rằng: “Lấy phép chữa một bệnh, mà suy rộng ra thì có thể chữa được trăm bệnh, lấy phép chữa trăm bệnh, rút cục lại cũng như phép chữa một bệnh”. Mong các đồng nghiệp ghi nhớ lời đó, để làm then chốt cho y gia, thì cái kế hoạch cứu người không có điều gì là uẩn khúc nữa.
4. Chữa đờm
Chữa đờm không có phép bổ cũng không có phép công
  • Xét thấy Phương Thư có nói: “Chữa đờm không có phép bổ”. Không biết đâu đó do tự người nào nói ra mà nghiên cứu sâu sắc đến thế! Tại sao những người bàn luận về sau không xét tới nguyên do, nhất khái cho là câu nói lơ mơ, thật là không chịu phân tích gì cả. Sao không xem hơn 300 vị thuốc của Thần Nông, tuyệt không có một vị nào dùng để trợ lực cho đờm, huống gì còn nói đến bổ nữa sao? Nếu muốn bổ đờm thì thực ra không có thuốc.
  • Hoặc có người nói: Phàm gặp chứng đờm, chỉ nên trừ đờm, trục đờm mà thôi. Nếu vậy, chỉ sợ rằng đờm chưa trừ hết mà thuốc cay thơm đã làm cho tan mất khí, thuốc nóng ráo đã làm cho hao mất huyết, thành ra khí huyết đều hư, đờm càng nặng thêm. Tôi nghĩ đó thực là câu nói chí lý vậy. Nếu như mà nhiều đờm, tình thế đó cần phải bổ thì tìm cái nguồn sinh hóa nó mà bổ. Vì hóa sinh ra đờm đều ở tỳ, nguồn gốc của đờm đều ở thận. Phàm có chứng đờm, thì không vì cái nọ thì vì cái kia, tỳ hư không vận hóa được, năm thứ dịch kết đọng lại thành đờm, phép chữa nên ôn bổ trung khí, làm cho tỳ vận hóa mạnh lên thì đờm tự nhiên tiêu đi hết. Thận hư, thủy không sinh ra huyết mà tràn lên thành đờm thì chỉ có cách bổ hỏa trong thủy, cầu thủy trong hỏa thì đờm tự hóa tan.
  • Có người lại nói: Như thế há chẳng phải đờm cũng có thể bổ hay sao? Còn phải bàn bạc gì nữa! – Tôi nói: không phải thế. Đó là cách nuôi dưỡng chính khí mà tà khí tự mất đi. Lấy phép bổ làm phép tiêu thật là đúng lẽ. Ở đây tôi chỉ muốn nói cho sáng tỏ ý nghĩa của sách vở. Người xưa nói chữa đờm không có phép bổ, nhưng thực ra thì cũng không có thuốc. Còn tôi thì tôi nói: “Chữa đờm không có phép công, chỉ muốn vỗ về khéo léo mà thôi”. Vì đờm là khí của tân dịch trong nhân thể hóa sinh ra, là từ các chất của cơm nước, nó cũng như nô tỳ của khí huyết, vốn sẵn có từ thủa sơ sinh, và nó cũng là một vật để nuôi sống nữa.
  • Phương Thư nói: chữa bệnh người già không được cấp tốc làm giáng đờm; chữa người hư không được trừ hết đờm, chính vì lẽ đó. Bởi đờm cũng ví như nhân dân, nếu chính trị khéo léo thì dân lành, chính trị không khéo léo thì sinh trộm cướp, đem giết cả đi, thì việc trị nước có thể không có dân được không?
  • Phương Thư nói: Đờm vốn không thể sinh ra bệnh, vì nhân có bệnh mới sinh ra đờm, lại nói: Đờm là tân dịch của người sinh ra, theo chỗ có mà thành ra tên bệnh. Duy có chứng trúng phong bỗng ngã lăn ra, đờm dãi kéo lên, chỉ nên tạm thời cho thổ đờm ra. Còn như người khỏe, khí mạnh, hỏa thực mà đờm thịnh thì cũng chỉ nên giáng hỏa, ức khí, khiến cho đờm tự tiêu đi, nhất thể cho rằng vì đờm sinh bệnh mà làm thổ, làm hạ, làm trục, làm công, cố tẩy cho kỳ hết không sót một li mới là khoái chí. Như thế có khác gì cái trí của kẻ muốn giết rận lại đem đốt áo, rận chết hết nhưng cái áo cũng thành tro.
  • Mong rằng người học thông hiểu nghĩa lý trong sách vở: "Chữa đờm không có thuốc bổ, mà có phép bổ là như vậy đó."
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.