YTTL: Đạo lưu dư vận 3

Đạo lưu dư vận (bàn thêm về y lý) biện luận và bổ sung những điểm y lý tồn tại mà các sách xưa chưa nói rõ hoặc chưa bàn đến.

ĐẠO LƯU DƯ VẬN
Phần 3
1. Bổ thần
  • Trong Đạo kinh: “Giáp, Mậu, Canh là ba thứ kỳ diệu (tam kỳ) của trời. Tinh, Khí, Thần là ba vật báu (tam bảo) của người. Lấy tinh huyết đối với nhau mà nói thì tinh là dương mà huyết là âm. Lấy Thần khí, Tinh huyết đối với nhau mà nói thì Thần khí là dương, Tinh huyết là âm. Lấy sự khinh trọng của Thần Khí đối với nhau mà nói, thì Thần giữ việc biến hóa, Khí chủ việc ra vào. Không có biến hóa thì hết cả ra vào”.
  • Nội kinh nói: “Chân thần thất thủ mà không trong sáng thì mệnh trời ngắn ngủi, Thần lại còn trọng hơn Khí. Còn như cái nguồn hóa sinh thì huyết sinh ra tinh, tinh sinh ra khí, khí sinh ra thần. Vì thế, tinh là tinh ba của âm huyết hóa sinh ra; thần là chân tướng của nguyên dương, nguyên khí kết tụ lại. Nhưng huyết không có tinh khí không hóa được, tinh không có khí thì không hành được, khí không có thần thì không có tác dụng. Cho nên mới lấy thần làm chủ tể”.
  • Nội kinh lại nói: “Quân chủ không sáng suốt thì 12 khí quan nguy” cũng là ý đó thôi. Thử xem một người bỗng nhiên chết đột ngột, tuy trước đó vẫn ăn như thường, hình dung béo khỏe, nhưng mà tình chí mơ hồ trước rồi. Đó là chân thần đã lìa tan trước, mà âm tinh cũng đã kiệt hết, đến nỗi một khi cảm bệnh đột ngột dữ dội thì sẽ như đàn đứt dây. Phàm thấy chứng buồn phiền vật vã chính là cơ chế của tinh thần hao kiệt, dần dần sẽ sinh ra chân tay quờ quạng, nói năng lẫn lộn, tinh thần mê loạn thời không thể chữa được nữa.
  • Phong Giám gia nói: “Con ngươi đờ ra như mắt con cá thời kỳ chết đến nơi”. Lại nói: “Cất bước thì đầu lao đi trước, bước chân loạng choạng bước dài, bước ngắn không đều, thần không dựa thể, kỳ hạn chết gần kề”. Như thế có thể nhận thấy sự thọ yểu của con người ta đều cốt ở thần mà ra cả. Huống chi người thầy thuốc là giữ gìn tính mệnh cho người ta. Liệu có thể không lấy việc bảo hộ chân thần làm quý trọng, và là việc đầu tiên của phép dưỡng sinh hay sao?
  • Xét thấy người xưa lập ra bài thuốc chỉ có bổ tâm an thần, dưỡng tâm an thần mà thôi. Bởi vì Tâm chứa Thần, nên bổ Tâm cũng là bổ Thần. Vả lại Tâm cai quản huyết, nên bổ Tâm thì huyết vượng, mà có thể sinh ra Tinh, sinh ra Khí, sinh ra Thần. Còn cách dùng thuốc thì không ngoài mấy vị như Phục thần, Viễn chí, Táo nhân, Bá tử, Liên nhục, Thần sa, Chu sa mà thôi. Nếu bệnh chưa nặng lắm thì mấy loại thuốc đó có thể dùng để an thần, tàng thần và ôn thần được. Nhưng nếu cơ chế bệnh đã đến lúc âm vong dương thoát, thần mất hồn lìa, tính mệnh sắp nguy, mà đem dùng mấy loại thuốc tầm thường như thế để muốn cứu được mệnh thì chưa từng có được.
  • Khi lâm sàng tôi thường thấy các chứng nguy đến tính mệnh người ta một cách mau chóng thì không một chứng nào không do chân thần đã mất trước từ những ngày thường. Phương thư nói: “Thần không có hình thể cho ta trông thấy được, nhưng mắt là chỗ để xem thần, nếu trừ mắt ra thì không còn chỗ nào để thần được nữa”. Nói như thế không đúng, vì thân thể người ta không một chỗ nào là không có thần: như lông tóc có thần thì óng mượt, mềm mại mà không khô cứng ngắn đỏ; da dẻ có thần thì sáng tươi mà nhu nhuận không sùi vẩy, vàng vọt; răng có thần thì sáng bóng tươi trong; tiếng nói có thần thì âm vận du dương; móng chân móng tay có thần thì tươi sáng hồng hoạt.
  • Sách Mạch phổ nói: “Bệnh dù nguy nặng mà mạch có thần thì có thể chữa được”. Đó là thân thể con người, ngoài hình hài, trong đến kinh lạc không chỗ nào là không trọng vào thần cả.
  • Vậy then chốt của nhà làm thuốc há có thể chỉ lấy tinh huyết làm trọng, mà coi thường chân thần là cửa ải của sự sinh tử được ư?
  • Tôi ngày đêm suy nghĩ tìm tòi, ngoài tinh huyết ra, vẫn trịnh trọng chú ý tới thần, nhưng muốn bổ thần mà chưa tìm được thuốc. Ngẫu nhiên đọc ở Phương thư thấy nói: “Thủy Hỏa là gốc của thân thể, là tác dụng của thần minh”. Lại thấy thiên Lý lao luận sách Cảnh Nhạc nói: “Thủy Hỏa không giao nhau thì thần sắc bại hoại”. Lúc ấy mới tỉnh ngộ mà nghĩ rằng: Tâm tuy tàng thần nhưng nếu không có âm tinh phụng dưỡng thì Thủy Hỏa không giao nhau, thần minh sẽ bị mờ tối, rối loạn; những bài thuốc Trấn tâm, Dưỡng tâm, Bổ tâm chỉ làm một kế an thần, chẳng qua chỉ ức chế được cái quá căng và giúp đỡ được cái chênh lệch mà thôi.
  • Nếu đến lúc chân thần suy bại, gần tới chỗ nguy hiểm mà không tìm ngay đến phép: Âm bắt nguồn từ Dương, Dương bắt đầu từ Âm và dùng các bài bổ Hỏa trong Thủy, bổ Thủy trong Hỏa thì lấy gì để khiến cho chân thận đầy đủ, có thể chứa giữ vào tâm để làm căn bản cho sự lập mệnh được.
  • Người lưu tâm đến tính mệnh của con người, cần phải thăm dò đến tận gốc nguồn, nhận kỹ bệnh cơ cho chính xác, đào sâu nghĩa lý tinh vi để bảo dưỡng chân thần, suy thời bổ, thoát thời níu lại, mất thì giữ lại, để làm cương lĩnh cần thiết cho việc tế sinh.
2. Bàn về Long Hỏa
Long là vật thuộc dương, vốn hay sợ hàn mà bốc lên, sao còn sợ nhiệt mà chạy nữa
  • Phương Thư nói: “Long tức là Hỏa, hỏa có tính nhiệt, đến tiết Hạ chí nhất âm sinh, dưới đáy nước lạnh mà trên trời nóng. Long là vật thuộc dương, cho nên theo khí dương bốc lên mà có sấm sét vang động”.
  • Đến tiết Đông chí thì nhất dương sinh, trong giếng, suối nước đều ấm mà trên trời lạnh, cho nên Long cũng lại theo dương mà nép xuống, đồng thời sấm sét cũng im lặng.
  • Thân thể người ta, trong Thận có tướng hỏa cũng giống như thế (chỉ vì hai chữ tướng hỏa đã làm cho nhiều người nghi hoặc). Ngày thường không biết tiết chế tình dục đến nỗi mệnh môn hỏa suy mà trong Thận âm thịnh, Long không có chỗ ẩn thân mà bay vọt lên trên, không về nguyên chỗ được, vì thế các chứng phiền nhiệt hiện ra ở thượng tiêu. Người chữa bệnh giỏi lấy bài Bát vị là thuốc ấm thận, theo cái tính nhiệt của nó mà dẫn dụ cho nó về nguyên chỗ, tức là thi hành được cái thời lệnh dương khí ẩn núp của Thu Đông mà Long về biển cả. Như thế thật là chí lý, không còn dị nghị gì nữa.
  • Lại thấy Phương thư nói: “Chứng âm hư hỏa vượng là vì ở trong Thận chân âm suy kém, chân thủy khô khan, hỏa không có thủy ức chế, tướng hỏa bốc lên, người chữa bệnh giỏi thì bổ thủy để phối hợp với hỏa, dùng bài Lục vị chủ yếu làm cho thủy mạnh lên, để trấn áp dương xuống, hỏa tự phải tắt. Đem so với câu trên, rất đáng nghi ngờ. Đã gọi là âm hư hỏa vượng, tức là không có thủy, lúc đó trong Thận toàn nhiệt thôi. Trước đây cho tướng hỏa là Long, thì Long gặp nhiệt tức là cùng loại theo nhau, tất lưu luyến sự thịnh vượng mà nằm yên trong sào huyệt, sao lại sợ nhiệt mà bốc lên? Há có phải cùng một Long ấy, khi thì sợ nhiệt bốc lên, khi lại sợ hàn mà chạy hay sao? – Không phải thế đâu, làm cho mọi người ngờ vực chỉ tại câu: “trong Thận có tướng hỏa cũng giống như thế”. Đây chỉ là một câu bàn về âm hư hỏa vượng, khiến cho người ta hiểu lầm tướng hỏa là Long.
  • Mấy năm đầu tôi đọc về Thủy Hỏa luận, tôi thường lấy làm thắc mắc trong lòng như xem bóng hoa, bọt nước. Đến khi ngó tới Nội cảnh đồ thấy có một điểm Thái cực tức là Mệnh môn ở giữa, bên trái một chấm đen là huyệt Chân thủy; bên phải một chấm trắng là huyệt của Tướng hỏa, mới hiểu rõ được ý nghĩa. Tự nghĩ Mệnh môn mới thật là một thái cực vô hình của nhân thân. Giữa hai quả thận là sào huyệt của nó, ví như vua chúa không trực tiếp hành động mà vẫn trị an. Khiếu bên phải là tướng hỏa, cũng là loại hỏa vô hình, tức là Thiếu hỏa, cũng như Tể tướng thay vua làm việc, vận hành khí hóa ở Tam tiêu, đó là thần sứ, theo mệnh lệnh mà làm chu lưu không ngừng, trong khoảng năm phủ sáu tạng.
  • Còn khiếu bên trái là chân âm, chân thủy, cũng là loại thủy vô hình. Nó đi lên giáp xương sống vào trong tủy để làm thành bể tủy (tủy hải), tiết ra tân dịch, rót vào trong mạch để vinh dưỡng tứ chi, rót vào ngũ tạng lục phủ để thích ứng với số của thời khắc. Lại theo tướng hỏa đi ngầm khắp cơ thể không lúc nào ngừng. Như thế là hiểu được trong thân thể có Tướng hỏa và Chân thủy là Âm Dương bắt nguồn với nhau. Hỏa làm chủ Thủy, Thủy làm nguồn của Hỏa, chỉ có thể cùng hợp mà không thể chia lìa; cần được thăng bằng không nên chênh lệch. Cũng như cán cân, bên nặng bên nhẹ là mất thăng bằng. Cho nên nói: Thủy không đủ thì Hỏa có thừa; Hỏa có thừa là do Thủy không đủ. Phương Thư nói: “Chân dương gọi là nguyên dương, tức là tên riêng của Mệnh hỏa”. Trước nói: trong Thận mà âm thịnh thì Long sợ hàn mà bốc là chỉ vào Mệnh hỏa mà nói, chứ không phải là nói về Tướng hỏa ở khiếu bên phải. Vì nếu không cho Mệnh hỏa là Long hỏa thì sao Phương thư lại nói: Vị thuốc bổ Mệnh hỏa là Nhục quế chứ không phải là Hoàng kỳ, Bạch truật.
  • Sau nói: Thủy suy thì Hỏa bốc lên là sự thăng bằng không cân đối, có chênh lệch. Đó là nói về Chân thủy và Tướng hỏa, chứ không phải là nói về Mệnh hỏa. Có lẽ nào cùng một loại hỏa mà dùng Bát vị ấm thận nó cũng về nguồn hay sao? Bởi vì nghĩa lý huyền vi khó hiểu, lại dùng lời văn rườm rà không giải thích rõ được, khiến cho người học tìm hiểu nhiều ngả mà lẫn lộn.
  • Đại khái đọc sách hiểu nghĩa thì không khó, mà phân biệt được lý lẽ mới khó. Nhưng phân biệt lý lẽ cũng chưa khó mà thu được những ý kiến bóng bẩy ở ngoài lý lẽ mới càng khó hơn.​
3. Chứng Can nhiệt, nuốt chua, đau điếng
Về Can nhiệt nuốt chua đau điếng. Mỗi chứng đều có ý nghĩa sâu sa của nó
  • Người xưa lập ra lời nói ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng người học hiểu lơ mơ không chịu đào sâu, tìm kỹ nghĩa lý. Như Phương Thư nói: Oan nhiệt cũng như phiền nhiệt nhưng mức độ nặng hơn, nghĩa là khi phát sốt thì buồn rầu, ủ dột, uất ức không thoải mái như tình trạng một kẻ bị hàm oan không thanh minh ra được.
  • Bài phú Thương hàn trong sách Y học nói: “Di nhiệt truyền vào Thủ kinh như thể oan gia với nhau”. Câu đó không lấy gì làm bằng cứ. Phương Thư nói về bệnh Nuốt chua thì bàn về bệnh chứng và cách chữa rất rõ, nhưng mà bệnh trạng lại không tra xét vào đâu được.
  • Chỉ có Cảnh Nhạc nói: “Chứng mửa chua là trong thấp sinh ra nhiệt, còn nuốt chua là do hư hỏa ở trong uất lại đưa lên”. Tôi mới hiểu rõ.
  • Bởi vì, nuốt chua là do hư hỏa xông ngược lên, khí theo hỏa bốc lên mà sinh ợ, nước vị toan cũng theo khí tràn lên cuống họng, không thể nôn ra được, đành phải nuốt đi và thấy vị chua của nó. Người không hiểu, hễ thấy người bệnh nuốt cũng thấy chua thì cho là “Thôn toan”, không biết Nội kinh có nói: “Gọi là năm loại bệnh: Tâm nhiệt thì miệng đắng, can nhiệt thì miệng chua, tỳ nhiệt thì miệng ngọt, phế nhiệt thì miệng cay, thận nhiệt thì miệng mặn”. Nếu cho đó là “Thôn toan” thì sao không có đủ các tên bệnh như: Nuốt đắng, Nuốt cay, Nuốt ngọt, Nuốt mặn.
  • Phương thư nói đến tiếng đau điếng, đau xót lấy ý nghĩa của chữ “Toan” thật là sâu sắc. Các mục nói về cơ chế bệnh trong sách thuốc hoặc có khi viết thành chữ “toan” là chua xót, đó là không nghiên cứu ý nghĩa chữ toan là chua, mà lại gán ghép với chữ toan là một loại bệnh.
  • Lúc ban đầu, tôi cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa ấy ra làm sao, ngẫu nhiên vì chạy nhanh vấp phải khúc gỗ chắn ngang mà ngã nhào, đau cắn đến xương tủy, đau dở khóc dở cười, rất là đau đớn khó chịu như người ăn của chua, vừa khoái vừa ghê răng, sởn cả lông tóc, lúc bấy giờ mới ngầm hiểu được nghĩa lý của chữ đau điếng là thế đấy.
  • Hoặc có người nói: cái ấy hình như không quan hệ đến ý nghĩa trong kinh điển lắm, chỉ hiểu qua loa cũng xong chuyện, hà tất phải tìm tòi sâu sắc. Tôi nghĩ không phải như vậy. Phàm người trí thức khi đọc sách cần tóm được những ý ở ngoài lý, không thể không lưu tâm nghiên cứu từ ngọn nguồn đến đầu sông, gặp việc suy rộng ra, biết một lẽ suy ra muôn lẽ. Nếu chỉ hiểu lơ mơ mà cho là xong chuyện rồi thì như: có chứng nóng âm ỉ trong xương; có chứng nóng hâm hấp ngoài da; có chứng tâm hư khi hóng khi mát, có chứng bức dương trên nóng dưới lạnh, liệu có thể cùng nhập vào với chứng nóng oan nhiệt vì hỏa uất sinh ra được không?
  • Còn như chứng ợ chua, nuốt chua (thôn toan) vốn là do hư hỏa uất ở trong bốc lên, liệu có thể cùng liệu ví với chứng vì can nhiệt động nuốt tí gì cũng chua được không?
  • Đau điếng, đau xót (Toan thống) là bệnh ở tinh tủy, không thể cho như “phong làm tổn cân, hàn làm tổn huyết, nhiệt làm tổn khí, thấp làm tổn nhục” (thịt) được. Bởi vì các thầy thuốc chữa bệnh, học hành chưa đến nơi đến chốn, kiến thức hẹp hòi, biết thuốc mà không biết bệnh tình, chữa bệnh không biết biến hóa. Biết chứng bệnh mà không biết hình thái, nên không biết hết mọi chứng trạng. Như thế liệu có thể lấy sự hiểu biết lơ mơ mà làm được việc hay sao?
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.