YTTL: Đạo lưu dư vận 2

Đạo lưu dư vận (bàn thêm về y lý) biện luận và bổ sung những điểm y lý tồn tại mà các sách xưa chưa nói rõ hoặc chưa bàn đến.

ĐẠO LƯU DƯ VẬN
Phần 2
1. Thái cực trong cơ thể con người
  • Trong khoảng trời đất các loài sinh con hay đẻ trứng, đều do hình hóa hay khí hóa (loài có răng để nhai là hình hóa, loài không có răng để nuốt là khí hóa). Các loài côn trùng, thảo mộc có cảm giác, có sinh sống, loài người là Linh hồn, muôn vật là Giác hồn, thảo mộc là Sinh hồn. Tuy mỗi loài bẩm thụ một khác, nhưng đều phải có một điểm Thái cực sẵn có đầy đủ ở trong, thì sau mới có thể hóa được, có thể sinh được, và thành ra những vật có hình có chất được.
  • Huống chi “thân thể con người là một vũ trụ thu nhỏ lại”, bẩm thụ được toàn thể Âm Dương, có đủ sinh hóa của Ngũ hành. Như thế há lại không có một điểm Thái cực đã nghiễm nhiên đã được thành lập từ trước, để làm căn bản cho sự phát sinh hay sao?
  • Từ chỗ lập luận của sách Nạn kinh nhận lầm rằng mệnh môn đóng ở quả Thận bên phải, đã làm cho người sau hoang mang, không biết Thái cực là gốc ở sự lập mệnh, lại đem cái địa vị rất tôn quý ấy đặt ở chỗ khác. May sao! Xuất hiện các vị hậu hiền sửa sai đính chính, khiến cho kẻ dưỡng sinh, kẻ chăm sóc tính mạng của con người biết mà thận trọng.
  • Nội kinh nói: “Gặp chứng hư nên bảo hộ phương Bắc (Thận) để bồi bổ cho sinh mạng”. Lại nói: “Vị trí của mệnh môn cũng như vị trí của sao Bắc đẩu, các vì sao khác đều hướng về đó”. Như thế càng nêu rõ Thái cực ở giữa Thận là đúng lắm.
  • Phương thư nói: “Người làm thuốc không biết chân thể của Thái cực, không xét rõ tác dụng kỳ diệu của Thủy Hỏa vô hình, không biết trọng dụng các bài Lục vị, Bát vị thì về mặt Y lý còn thiếu sót quá nửa”. Thật có ý nghĩa, bài Bát vị hoàn của Trọng Cảnh cũng như Bát trận đồ của nhà binh, nối liền, liên lạc, vào đâu cũng thế, không có chỗ nào là không dùng được. Thực rất quý báu cho sự bảo vệ đời sống, là thuốc thần cho tính mạng. Người ta muốn được sống lâu lại có thể vượt ra ngoài tễ thuốc đó sao!
2. Phép chữa thông dụng
  • Khí hư - Hỏa hư - Huyết hư - Thủy hư: Chứng bệnh thấy hơi giống nhau thì phép chữa có thể thông dụng
  • Xét xem phép xưa: Khí hư thì dùng những bài Tứ quân, Bổ trung mà chữa; Huyết hư thì dùng những bài Tứ vật, Quy tỳ, Dưỡng vinh, Khí Huyết lưỡng hư thì dùng những bài Bát trân, Thập toàn. Hỏa hư thì dùng bài Bát vị, Thủy hư thì dùng bài Lục vị, Thủy hỏa đều hư thì dùng bài Bát vị. Đó là phép xưa tùy chứng mà chữa khác nhau.
  • Tôi thường xét thấy trong các phương thư có nói: Hậu thiên Tỳ phế khí hư, thì thấy các chứng tiếng nói nhỏ nhẹ, chân tay mất sức, hình thể gày yếu, sắc mặt trắng khô, da nhăn, lông rụng, ngoài sợ phong hàn, trong sợ thức ăn sống lạnh; cùng với các chứng Thổ hư không thể giữ được dương mà phát sốt lâu ngày, hoặc hay ỉa lỏng, hay đầy trướng. So với chứng Tiên thiên Hỏa hư thì Thận hư không nạp được khí, khí không đủ sức về nguyên chỗ, cũng thấy khí hư mà nói năng nhỏ nhẹ; Mệnh môn hỏa suy ở dưới không đủ sức để làm chín nhừ thức ăn, mà cái chức trách vận chuyển thâu nạp của Tỳ Vỵ đều bị hỏng, thì làm sao tránh được chân tay mất sức, thân thể gày yếu.
  • Con hư thì cướp hại khí của mẹ, cho nên Phế hư thì sắc mặt trắng khô, da nhăn, lông rụng. Nhân hỏa không thể đầy đủ ở trong, cho nên dương hư mà sợ phong hàn, trong sợ thức ăn sống lạnh. Hỏa hư không thể yên vị được. Thiếu hỏa biến đổi thành Tráng hỏa tràn ngập lên Tam tiêu, há không thành chứng sốt lâu ngày hay sao?
  • Tỳ ưa ấm ráo ghét thấp, dưới không có sức của hỏa thì lấy gì mà làm cho ấm và ráo Tỳ được, cho nên hay thấy đầy trướng, ỉa lỏng.
  • Đó là Khí hư, Hỏa hư thì thấy các chứng hơi giống nhau. Còn Hậu thiên Tâm, Can huyết hư thì thấy các chứng sốt âm hâm hấp, hình thể đen gày, buồn phiền khát nước uống luôn, đầu mắt tối tăm choáng váng, nặng mình khớp xương đau mỏi, khí xông ngược lên, nôn khan, trong lòng buồn bực, trong miệng đầy nhớt dãi, họng khô mà đau, hoặc trong họng vướng mắc như có hạt mơ khạc không ra, nuốt không xuống, cùng với các chứng phụ nữ tắt kinh vì thiếu máu v.v... So với chứng Tiên thiên thủy hư, thì Thủy không thể chế được hỏa, hỏa mới chạy càn, đó là Lôi hỏa. Cho nên sinh ra hâm hấp sốt âm, vinh vệ khô khan mình mẩy đen gầy. Thận chủ về năm thứ dịch, tân dịch khô hao cho nên buồn phiền khát nước phải uống luôn. Đó là thủy ở trong phải cầu thủy ở ngoài để tự cứu.
  • Còn như đầu mắt mờ tối choáng váng, mình nặng khớp xương đau mỏi, khí xông ngược lên, nôn khan, trong lòng buồn bực, trong miệng đầy dãi, họng khô và đau, đó là triệu chứng của hư hỏa bốc lên. Trong họng như có hạt mơ vướng mắc, khạc không ra, nuốt không xuống, cũng là giả tượng của âm hỏa, cũng là giả tượng của âm hỏa bốc lên, chứ thực không phải là chứng đờm ngáng trở.
  • Thận thủy suy không thể sinh được huyết mà sinh ra đờm, cho nên phụ nữ tắt kinh và thiếu máu. Đó là Huyết hư và Thủy hư thì chứng trạng thấy hơi giống nhau.
  • Tôi mỗi khi gặp chứng đó, chỉ lấy mạch làm bằng tựa hồ mới có thể phân biệt được. Nếu Thốn, Quan bên phải vô lực thì biết Tỳ Phế khí hư; nếu Thốn, Quan bên trái vô lực thì biết là Tâm, Can huyết hư. Mạch Xích bên trái vô lực là Thủy hư, mạch Xích bên phải vô lực là Hỏa hư. Nhưng mạch là đợt sóng của khí huyết, nếu tự mình không lãnh hội sâu sắc thì làm sao tránh khỏi những sai lầm.
  • Nếu theo chứng dùng thuốc, thì chứng nọ lại giống chứng kia rất khó phân biệt được rõ. Tôi có phương pháp kinh nghiệm trong bốn điều tự có thể chữa thông dụng được.
  • Tại sao? – Vì Chân hỏa là cha của Dương khí, Chân thủy là mẹ của âm huyết. Phương thư có nói: “Làm đầy đủ chỗ trống rỗng của khí huyết, mà sinh hóa ra khí huyết là Thủy hỏa”. Lại nói: “Chữa mọi bệnh lấy Thủy hỏa là căn bản, lấy Khí huyết làm công dụng”.
  • Kinh Dịch có nói: “Thái cực động thì sinh Dương, tĩnh thì sinh âm”. Và câu: “Thiên nhất sinh Thủy, Địa nhị thành Chi”. Người ta sinh ra là nhờ có Chân âm, Chân dương, gọi tiên thiên làm căn bản của sinh mệnh, là một cơ chế vô hình. Chân âm, Chân dương tức là Chân Thủy, Chân Hỏa. Âm Dương là thể chất, Thủy Hỏa là công dụng. Cho nên nói: “Thủy Hỏa là dấu hiệu của Âm Dương”. Còn Khí Huyết là Hậu thiên, Huyết Khí hữu hình, lại làm công dụng cho Thủy Hỏa.
  • Phương Thư nói: “Bệnh nhẹ tất do Khí Huyết sinh ra, bệnh nặng tất do Thủy Hỏa làm hại”. Chữa bệnh nhẹ mà bỏ Khí Huyết; chữa bệnh nặng mà bỏ Thủy Hỏa thì cũng như trèo cây tìm cá vậy. Cho nên dùng thuốc chữa khí huyết mà không thấy khí huyết mỗi ngày một mạnh lên, chính là vì không biết đến cái gốc sinh ra khí huyết. Nghĩa là phải biết bổ Thận Thủy, trọng dụng Thục địa, mà không dùng Khung Quy. Bổ Mệnh môn hỏa là Nhục Quế chứ không phải Hoàng kỳ, Bạch truật.
  • Cớ sao các nhà dưỡng sinh lại toàn lấy Khí huyết làm âm dương, Thủy hỏa là Tâm, Thận, dùng bài Tứ vật để bổ huyết tư âm; bài Tứ quân để bổ khí điều dương; bài Khảm ly hoàn để điều Thủy hỏa. Nhưng không hiểu Khung Quy là loại thuốc cay bốc, chỉ có thể điều hòa vinh huyết, chứ khó mà bổ được Chân âm, Chân thủy. Sâm, Linh, Truật, Thảo chỉ có thể bổ ích cho vệ, chứ khó mà bổ được Chân dương, Chân hỏa. Tôi gặp chứng ấy vài chục năm nay, đêm ngày suy nghĩ tìm tòi được một tâm pháp rất ổn thỏa, hòa bình, nhanh chóng, có thể là một cương lĩnh quan trọng để khởi tử hồi sinh.
  • Đại phàm chữa các bệnh nhẹ, bệnh mới mắc, bệnh hơi hư nên dùng thuốc khí huyết mà chữa. Còn như chữa các bệnh nặng, bệnh lâu ngày, bệnh đại hư, nên dùng thuốc Thủy Hỏa mà chữa.
  • Lại như dùng loại thuốc Thủy Hỏa mà đem chữa bệnh Khí Huyết tuy chưa kiến hiệu ngay trước mắt, nhưng nguồn gốc đã được bồi đắp, một bệnh chính đã khỏi thì trăm bệnh khác cũng bớt theo, lại được bổ ích thêm nữa.
  • Nếu đã dùng thuốc khí huyết mà chữa bệnh thủy hỏa, thì chỉ bớt tí chút hoặc không bớt tí nào, nên sửa đổi lại gấp, cốt sao tìm cho ra nguồn gốc của bệnh rồi dùng loại thuốc Thủy hỏa mà chữa, thì không có trường hợp nào là không có hiệu quả tốt.
  • Phương Thư nói: “Thà dùng thuốc chữa bệnh bất túc mà chữa chứng hữu dư thì có thể được; nếu lấy phép hữu dư mà chữa bệnh bất túc thì không thể được”. Chính là ý nghĩa như vậy đó.
  • Còn như các chứng bệnh nổi lên lung tung kỳ hình quái trạng thật khó mệnh danh, nhưng mà gốc bệnh vốn thuộc loại đại hư thì nhất thiết không nên câu nệ vì bệnh nhiều khía cạnh, và chỉ nên dùng loại thuốc chữa Thủy hỏa thật thích đáng thì các hình chứng giả ấy sẽ mất đi, như tuyết tan ngói vỡ, rồi những hiện tượng thật của chứng hư không tìm ra mà tự thấy. Thật là một phương pháp cứu người rất nhạy bén.
3. Âm hư phát sốt, dương hư hạ hãm
  • Âm Dương là chữ hư danh (vì có tên, mà không có hình), còn Hàn Nhiệt là dấu hiệu của Âm Dương. Dương vốn có tính thuộc nhiệt và hay thăng lên. âm vốn tính thuộc hàn và hay giáng xuống.
  • Khi có bệnh thì âm mất tính vốn hàn mà phát nhiệt; Dương mất cái tính vốn thăng mà giáng xuống. Như vậy há chẳng phải vì sự thiếu thốn mà mất đi cái tính thường vốn có đi hay sao? Bởi vì nếu trong thân thể con người mà âm thăng bằng, dương kín đáo thì tinh thần yên ổn, bệnh tật không do đâu mà sinh ra được; nếu có sự thiên lệch tí chút, thì cái này mạnh cái kia yếu mà sinh ra âm dương lấn nhau.
  • Âm tính vốn hàn, cớ sao lại làm cho chứng nhiệt? – Là vì âm đã suy yếu thì dương đến lấn ngay, Dương muốn đốt âm mà hóa ra nhiệt cả. Dương vốn tính hay thăng, lại chịu ép ở dưới sao? – Là vì dương không được vững chắc thì âm đến lấn ngay, muốn kèm dương cùng quay xuống dưới.
  • Nội kinh nói: “Trọc khí ở trên thì sinh đầy trướng, Thanh dương ở dưới thì sinh ỉa sống phân”. Những câu những chữ ấy đều có ý nghĩa sâu xa. Nên ngẫm nghĩ thật kỹ thì tự khắc hiểu được cái nghĩa: Dương lấn âm và âm hãm Dương.
  • Bởi vì, một khi trọc âm bị dương đến lấn, mà Dương vốn thuộc nhiệt, thuộc hỏa. Nhiệt thì bị khí uất lên sinh ra đầy trướng. Còn thanh khí bị hãm xuống mà âm thuộc hàn thuộc thủy, vì hàn thì không có hỏa mà sinh ra ỉa sống phân. Chu Đan Khê chữa chứng âm hư nội nhiệt, hoặc sinh đầy trướng dùng bài Tứ vật để tư âm, dưỡng huyết, lại sợ nhiệt lâu thì thương tổn đến âm, nên gia Hoàng bá để giáng hỏa, Huyền sâm để phạt hỏa, khiến cho nhiệt lui, âm mạnh lên, đầy trướng tự khắc tiêu hết.
  • Lý Đông Viên chữa chứng khí hư hạ hãm, dùng Sâm Truật để bồi bổ trung châu (Tỳ Vị), lại e rằng dương mà ở dưới hay sinh ra ỉa sống phân, nên dùng Thăng ma và Sài hồ để phát động và cổ vũ cho hợp với thời lệnh của mùa Xuân, làm cho Tỳ khí phân tán được chất tinh ba, Phế khí điều tiết được thủy đạo mà chứng ỉa sống phân tự khỏi.
  • Nếu không biết như vậy, hễ thấy âm hư phát nhiệt, đầy trướng là dùng ngay thuốc tiêu đạo hành khí, không hiểu rằng loại thuốc ráo hay làm cho hao huyết, mà âm càng bị hao tổn thì đầy trướng càng nặng thêm. Vì thế nói: lấy huyết dược mà chữa đầy trướng thì ít người biết được, cũng như chứng âm hư nội nhiệt mà công hạ nhầm thì âm mất đi, càng chóng chết.
  • Khi thấy chứng dương hư sinh ra ỉa sống phân mà chuyên dùng loại thuốc thấm lợi là không hiểu rằng thủy không có khí thì không vận hành được, nếu cứ dùng thấm lợi mãi, thì việc điều tiết càng yếu đi, thủy đạo càng bế tắc lại. Cần phải làm thế nào cho địa khí thăng lên, thiên khí giáng xuống thì không chữa mà hóa ra chữa vậy.
  • Lại như chứng dương hư sợ lạnh dùng nhầm thuốc phát tán thì dương càng hư, âm càng thoát đi. Đến nỗi gây thành âm dương đều mất cả.
  • Quan hệ thay cái lẽ huyền diệu của âm dương lẫn nhau và cái hình tượng chân giả lẫn lộn của hàn nhiệt! Nếu làm thuốc không tìm ra nguyên nhân thì khó lòng tránh khỏi sự câu chấp, phiến diện và cục bộ.
4. Bệnh đới hạ
  • Bệnh nguyên - bệnh chứng - bệnh danh và những ý chỉ của phép chữa bệnh đới hạ
  • Xét về môn Đới hạ, Phương thư có nói tới Xích đới và Bạch đới. Lại nói đến Xích trọc, Bạch trọc, Bạch dâm mà thông thường cùng chép vào môn Đới hạ; còn bệnh tình thì lẫn lộn không có phân biệt, khiến cho người học hoang mang nhiều ngả, khi chữa bệnh không có hiệu quả. Lấy các bài thuốc chữa Bạch đới mà chữa bừa các chứng Bạch trọc; đem cái nguồn di tinh mà gọi chung là bệnh Đới hạ, thì cũng như người đi săn thỏ mà không biết con thỏ như thế nào?
  • Trong Nội kinh có nói: “Mạch Đới là một trong tám mạch Kỳ kinh, đi quanh mình một vòng như cái dây nịch, ràng buộc mọi mạch không cho chạy càn, tóm giữ loại thủy vô hình trong cả cơ thể. Nếu khí của Thận ở hạ tiêu bị hư tổn, thì mạch Đới rỉ xuống mà thành bệnh cho nên gọi là bệnh Đới hạ”. Người không biết thấy từ niệu đạo chảy ra thì gọi là Đới hạ. Chứng gốc của bệnh này không phải là do mạch Đới có bệnh, mà là do bệnh của mạch Nhâm.
  • Nội kinh nói: “Mạch Nhâm bắt đầu từ phía dưới huyệt Trung cực, lên chỗ mao tế (chòm lông dưới bờ xương mu), đi vào trong bụng, lên huyệt Quan nguyên đến họng, lên hàm, qua mặt”. Mạch Nhâm lại còn từ Bào cung lên qua mạch Đới, rỉ rỉ chảy xuống cho nên gọi là bệnh Đới, có chất trắng đục đặc dính gọi là Đới hạ, thuộc về Thủ quyết âm tâm bào và Thiếu dương; từ Bào cung chảy ra chất dư của tinh khí (cho nên rỉ ra đặc dính), cũng vì Tỳ Thận hư hoại mà sinh ra.​
Tôi đã khảo nhiều sách của các nhà:
  • Lưu Hà Gian nói: “Thấp nhiệt ở trung tiêu tiết ra chất khí không trong gọi là Bạch đới”.
  • Đan Khê nói: “ Đỏ là thuộc huyết, trắng là thuộc khí”.
  • Trọng Cảnh nói: “Trắng là khí hư, đỏ là có hỏa, nhưng trắng thì nhiều, đỏ thì ít”.
  • Đông Viên nói: “Băng huyết lâu ngày thì dương khí mất cho nên chảy ra chất trắng nhờn, chứ chưa chắc đã hoàn toàn do ở mạch Đới”.
  • Cẩm Nang nói: “Phụ nữ (từ âm đạo) có chất đỏ trắng đặc dính chảy ra gọi là Bạch dâm, cùng với chứng Bạch trọc của đàn ông đều thuộc về tướng hỏa, như sấm chớp xáo lộn thì mất sự trong trẻo, thuộc về Túc Thái âm và Thái dương, cách chữa nên dùng phép thăng bổ làm chủ”.
Lại nói: “Vì nghĩ ngợi viễn vông, ước mong không được mãn nguyện, ý tưởng đam mê sắc dục, cùng với phòng lao quá độ, phát ra Bạch dâm, thời rỉ ra chất trắng nhơm nhớp như tinh khí, đàn ông nhân khi tiểu tiện chảy ra; đàn bà từ trong âm đạo liên miên rỉ ra”.
  • Cảnh Nhạc nói: “Bạch dâm, Bạch trọc là thủy trọc từ Bàng quang chảy ra, chất chảy ra đó không đặc dính lắm, phần nhiều do thấp nhiệt ở Bàng quang”.
  • Sách Y học chính truyền nói: “Chất trắng tiết ra như tinh khí không nên nhận lầm là Bạch đới”.
  • Bảo Nguyên nói: “Phụ nữ rỉ ra một chất không dính đặc lắm là Bạch dâm, cùng với chứng Bạch trọc của đàn ông giống nhau”.
  • Sách Y yếu nói: “Chứng Dâm, Trọc với chứng Đới hạ khác nhau, chứng Đới thuộc về tinh, chứng Dâm, Trọc thuộc về thủy”
  • Sách Giản dị nói: “Bệnh Trọc thì trong ngọc hành đau như dao cắt, như lửa đốt mà tiểu tiện thì trong. Đó là đầu lỗ đái (niệu khiếu) có uế vật rỉ ra không ngớt, đại khái vì bại tinh thì nhiều, vì thấp nhiệt thì ít”.
  • Sách Tam thư của Sĩ Lâm nói: “Bệnh Trọc có chia ra Xích và Bạch là tại sao? – Tinh do huyết hóa ra, bệnh trọc ra nhiều quá, tinh không hóa kịp, sắc đỏ chưa hóa thành trắng, cho nên sinh ra Xích trọc, là một chứng hư nhiều lắm, tóm lại là do Tâm Thận bị thương tổn vì sắc dục”.
  • Bài Thuyết ước trong sách Y tôn nói: “Tiểu tiện ra như nước vo gạo, đó là chứng của Tam tiêu; như mủ mà hôi tanh quá là chứng thấp nhiệt”.
Tôi xét thấy các bậc tiên triết mở đầu bàn bạc có chỗ giống nhau, dạy người quá nhiều ngả.
  • Đại khái bệnh của nữ giới gọi là Đới hạ, Bạch dâm; hoặc Xích đới, Bạch đới. Tóm lại là một chứng có hiện tượng rỉ ra một chất đặc dính là đúng. Còn bệnh của nam giới thì gọi là Di tinh, Bạch trọc; hoặc là Xích trọc cũng rỉ ra chất không dính đặc lắm là đúng.
  • Cách chữa, nếu vì căn bệnh do tư tưởng viễn vông, uất mãi không giải được, cùng với phòng lao quá độ mà sinh ra.
  • Tóm lại là vì mệnh môn không bền chặt: Thận là cửa ngõ của vị, là bể của tinh huyết, là trụ sở của âm dương, phàm sinh bệnh ấy thì tinh khô huyết kiệt, âm bị đốt cạn, dương bị tiêu hao, bệnh căn sâu nặng, cho nên thuốc men chạy chữa không thể thắng được tính tình, vì thế bệnh Đới trọc thành ra khó chữa.
  • Vả lại, phụ nữ thường hay khó tính, hay lo nghĩ uất giận, làm Tâm Tỳ bị thương tổn; Can hỏa bốc lên, huyết không quy kinh, cho nên mắc bệnh Xích, Bạch đới hạ. Phép chữa phải làm cho mát ở trên, vững chắc ở dưới, để cho chất trong đục tự đi riêng ra, điều hòa Tỳ, bổ dưỡng huyết thì thấp nhiệt tự khắc giải được. Đồng thời bổ cho âm ở hạ nguyên, khiến cho thủy lên hỏa xuống mà chứng Đới hạ tự khỏi.
  • Người không biết cứ nệ theo lề thói thường mà chữa, dùng các loại Mẫu lệ, Long cốt, Địa du, A giao, Ngải cứu để cố sáp, lại hợp với bài Tứ vật, gia thêm các vị thăng đề. Nào có biết căn bản đã bị tổn thương, mới gây thành chất thối nát. Nếu cố sáp thì càng sinh trệ; nếu thăng đề thì càng thêm uất, duy chỉ có cách dùng đúng thuốc của thủy hỏa mà chữa.
  • Nếu mạch Xích bên trái nhược là chân âm, chân thủy kiệt, nên dùng bài Lục vị hoàn gia thêm các vị thuốc bổ cố sáp để cứu lấy tinh huyết của tiên thiên, cùng uống xen với bài Quy tỳ thang để bồi bổ Tâm Can của hậu thiên. Nếu bộ Xích bên phải nhược là chân dương, chân hỏa hư suy, nên dùng bài Bát vị hoàn gia thêm thuốc bổ sáp, để cứu lấy âm dương của tiên thiên, đồng thời uống xen với bài Bổ trung ích khí thang để tư bổ Tỳ Phế của hậu thiên. Hư quá nhiều thì dùng các thuốc bổ tinh huyết, cứ thế kiên tâm điều dưỡng không cần lấy kiến hiệu ngay.
  • Đừng có nay thay thầy này, mai thầy khác mà thêm nghi ngờ. Đó là tôn chỉ tôi đã chữa bệnh đạt nhiều hiệu quả. Phép dùng rất thích đáng mà công hiệu lại nhiều. Lại còn phải cầu cạnh những bài hay thuốc lạ nơi đâu mới có thể chữa được bệnh hay sao?
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.