YTTL: Huyền tẫn phát vi 5

Huyền tẫn phát vi (nói rõ về âm dương thủy hỏa), nói về tiên thiên thủy hỏa mệnh môn, cơ năng sinh lý và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa cùng phép chữa, hầu hết vận dụng Lục Bát vị.

HUYỀN TẪN PHÁT VI
Phần 5
1. Bàn về Long Lôi tướng hỏa
  • Ất với Quý cùng một nguồn, cho nên gọi là Long lôi, căn cứ của nó ở mệnh môn, cũng gọi là thiếu hỏa, thiếu nghĩa là nhỏ, là hỏa ở trong thủy, là âm hỏa, là phục hỏa, gặp thủy lại càng bốc dữ, thận thuộc quẻ Khảm, tượng là rồng, can thuộc quẻ Chấn, tượng là sấm, rồng bay sấm theo thì tác dụng ở quẻ Chấn, sấm náu ở trong hồ thì chủ ở quẻ Khảm, cho nên một điểm chân dương ở trong thận gọi là hỏa Long lôi (rồng sấm) mà náu ở thận tác dụng ở can.
  • Hỏa có nhân hỏa tướng hỏa, nhân hỏa là hỏa cháy ở ngoài đồng, gặp cỏ thì nóng lên, gặp cây thì đốt cháy, có thể dùng chất nước mà dập lên, có thể đem nước mà tưới tắt, có thể dập trực tiếp, như loại Hoàng liên có thể ức chế nó được. Tướng hỏa là Long hỏa, gặp ướt thì bốc ngọn lên, gặp nước lại càng bùng cháy, thường đang lúc mây đặc mưa rào thì ngọn lửa lại càng bùng lên mạnh (có thể thấy lửa sấm đốt cháy cỏ cây, lấy nước tưới vào thì càng bùng cháy, chỉ có lấy lửa ném vào thì tắt ngay, xét đó thì biết), gỗ đá có thể nát mà không thể chống lại nổi, nếu trái tính nó mà đem Tri Bá để chữa, không biết tướng hỏa ấy ký tế ở khoảng can thận là hỏa trong thủy, là hỏa Long lôi, nếu dùng vị khổ hàn (đắng lạnh) chỉ là tổ làm cho ngọn lửa cháy rực trời, đến lúc sức cùng mới tắt, biết được tính nó đem lửa mà đuổi thì sức nóng cháy tự tiêu, ngọn lửa sẽ dập tắt được. Nội kinh nói: “Khi ánh mặt trời chiếu đến thì lửa tự tiêu diệt”, đó là một kinh nghiệm lửa gặp nước thì cháy mà gặp lửa thì tắt, phép tả hỏa của người xưa là ý như thế. Hỏa Long lôi sao lại đến tháng 5 tháng 6 thì hay bốc to lên, đến tháng 9 tháng 10 thì chứa kín lại. Vì mùa đông dương khí ở thủy thổ (nước đất), Long lôi theo hỏa khí mà ở dưới, mùa hè âm khí ở dưới, Long lôi không thể yên thân, sợ lạnh mà bốc lên trên, rõ được ý nghĩa ấy cho nên chỉ có bài Bát vị hoàn, Quế Phụ với hỏa cùng một khí, đi thẳng vào trong thân giữ lấy căn cứ của nó mà chiêu dụ nó trở về, đồng khí tương cầu sao lại không dẫn nó về nguyên chỗ được ư? Con người không có thứ hỏa ấy thì không thể sống được. Người đời đều nói giáng hỏa mà chỉ một họ Triệu là lấy Địa hoàng để dưỡng thêm cho hỏa ở trong thủy, người đời đều nói là phạt hỏa (trị hỏa) mà chỉ họ Triệu dùng Quế Phụ để ôn bổ hỏa thiên chân.
2. Bàn về Quân hỏa-tướng hỏa
  • Phùng tiên sinh cho tâm hỏa là quân hỏa hữu tình, mệnh môn là tướng hỏa vô hình, can, tam tiêu cũng là tướng hỏa hữu hình (Tam tiêu gọi là hỏa vì rằng nó bẩm mệnh ở tướng hỏa).
  • Cảnh Nhạc cho tâm là quân hỏa vô hình, mệnh môn là tướng hỏa hữu hình, ông lập luận rằng: “quân hỏa suy thì tướng hỏa cũng bại, ấy là bệnh ở chỗ vô hình mà truyền đến hữu hình”. Ví bằng vào câu của Nội kinh rằng: “quân hỏa phải sáng suốt, tướng hỏa phải có chức vị” vì đạo làm vua phải sáng suốt, tác dụng ở trí óc, đạo làm tướng phải lao lực tác dụng ở thực tế.
  • Sáng suốt là thần minh của chức vị, không sáng suốt thì sự ngấm ngầm không do đâu mà tỏ rõ, chức vị là căn bản của sự sáng suốt, không chức vị thì sự bừng sáng không do đâu mà phát sinh, tức là cho tâm biết được tương lai, giác ngộ, thông minh là chân quân hỏa, thận chứa điều dĩ vãng, chẳng qua làm tác dụng thần minh đóng kín đó thôi.
  • Theo tôi thấy thì hỏa hữu hình không thể buông trôi, hỏa vô hình không thể dập tắt nên bổ tâm chăng, nên bổ thận chăng? Dùng Quế Phụ mà bổ hỏa là bổ tâm hay bổ thận? Dùng Hoàng liên mà tả hỏa là tả tâm hay tả thận? Nghĩa trong kinh đã rõ rệt, lấy lý mà giải thì tự thấy rõ, làm sao cứ tưởng tượng mệnh môn.
3. Bàn về hỏa hậu thiên và tiên thiên không giống nhau
  • Loài người sinh ra ở hội Dần, Dần là hỏa, hỏa là thể chất dương. Vũ trụ lấy dương làm căn bản của sự sống, đời người lấy hỏa làm cửa của sinh mạng, cho nên đạo dưỡng sinh không gì cấp thiết hơn dưỡng hỏa, khí trời mở đầu ở hội Tý mà khí dương sinh thì tý là gốc của dương mà làm tiên thiên, người sinh ra ở hội Dần, hỏa gây nên thì Dần là mẹ Hỏa mà làm hậu thiên. Hỏa là căn bản của sự sống, dương là tác dụng của hỏa cho nên nói: “Trời không có hỏa ấy thì không thể hóa sinh muôn vật, người không có hỏa ấy thì không thể sinh sống được”.
  • Nhà Nho nói: “Trời mở đầu ở hội Tý thì thủy là đầu”. Nhà Y nói: “Người sinh ra thì thận thủy có trước”. Nào ai biết được Tý là hào dương đầu. Thận là tạng hỏa, một hào dương hãm ở khoảng giữa hai hào âm mà thanh mệnh môn, đó là hỏa mà thận thủy ở gởi vào, âm sinh ra ở dương cho nên thủy với hỏa đối lập với nhau về danh hiệu, mà không đối lập với nhau về thể chất, đối lập với thủy chỉ là hỏa hậu thiên, tức là Ly hỏa, không đối lập với thủy là hỏa tiên thiên tức là Càn hỏa, là thuần dương, là chủ của hỏa, là nguồn của thủy, cho nên năm vận chia cho năm hành, mỗi hành đều chủ một vận mà chỉ có hỏa là nói có quân có tướng mà hành khác thì không nói tới, vì rằng sinh khí ở khoảng trời đất gọi chung là nguyên khí, nguyên khí chỉ dương làm chủ tức là hỏa đó thôi.
4. Bàn về thủy hỏa cần nhờ nhau
  • Thủy hỏa là gốc sinh ra người, tác dụng của thần minh, thủy là nguồn của hỏa, hỏa là chủ của thủy, nguyên không tách rời nhau được cho nên nói thủy hỏa phải cân bằng mà không nên chênh lệch, nên giao hợp mà không nên phân chia, tính hỏa bốc lên, nên bắt cho đi xuống, tính thủy thấm xuống nên khiến cho đi lên, thủy lên hỏa xuống gọi là giao nhau, hỏa tức là dương khí, thủy tức là âm tinh, hai thứ ấy sánh đôi gọi là âm dương hòa bình, cũng gọi là thiếu hỏa sinh khí, thăng bằng thì thủy hỏa giúp nhau.
  • Hỏa tức là khí chân dương, khi chênh lệch thì dương khí bị kích thích mà thành ra hỏa, thủy với nguyên khí không cùng sánh đôi được mà sinh ra hiện tượng ngang trái. Nhưng trong thủy không có hỏa thì lạnh tới cực độ, lạnh cực độ thì vong dương. Ví bằng không khéo điều nhiếp, tình dục bừa bãi đến nỗi âm thủy suy kiệt thì hỏa thiên thắng, nên nói âm không đủ thì dương tất dồn lại, cốt phải bổ chân âm, nhưng người ta bẩm tính không giống nhau, người dương thịnh thì vẫn nên bổ âm, người âm thịnh thì càng nên chú ý bổ dương. Huống chi âm theo dương mà lớn lên, chỉ đơn thuần nuôi thêm phần âm thì chỉ làm hại vị khí, trở lại tuyệt nguồn sinh hóa của hậu thiên. Người đời thường chú trọng về dưỡng âm, thường bảo: Trong nhân thể thủy có một phần (thận) mà hỏa thì có hai (quân và tướng), dương thường có thừa, âm thường không đủ, từ trẻ đến già tật bệnh sinh ra không bệnh nào là không do chân âm kém. Lại như Đan Khê nói: “một thủy không thắng nổi năm hỏa” (Ngũ tạng đều có tướng hỏa. Nội kinh nói: “Dương đạo thực, âm đạo hư”, đó là số tổng quát của trời đất, chứng minh ở nhân thể mà nói rằng dương thường có thừa, âm thường không đủ, một thủy không thắng nổi năm hỏa thì không đúng) cho nên mọi bệnh tật phát sốt. Lại nói: “Trời bao lấy đất, phần dương thống nhiếp phần âm”. Cho nên thuốc bổ âm không thể gián được mà thuốc bổ dương thì khuyên nhủ dè dặt luôn, nhưng không biết được thuốc nhuần âm chỉ làm cho hao mòn khí bế tàng, nào có công năng gì đến khí dương hòa nuôi sống vạn vật. Hỏa có thừa là hỏa tà, nếu là chân hỏa thì hộ vệ hình hài, tưới nhuần tạng phủ hễ giữ được nó thì sống, làm mất nó thì chết, nó suy thì sinh bệnh, chân dương đâu có thừa. thủy không đủ, duy đàn ông đến 64 tuổi, đàn bà đến 49 tuổi, lúc ấy chân âm thường không đủ, như thủy với hỏa là do tác dụng lẫn nhau trong nhân thể, sao lại nói: “thường không đủ” được, vì mất sự điều nhiếp thì tinh khí khô kiệt, sốt cơn về chiều, gày yếu mà thành ra bệnh, chân thủy không đủ, tâm hỏa bốc cháy một mình đó thôi.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.