13. Bệnh sốt rét. Uống Bát vị xen với Thập toàn.
- Chữa cho ông Tường Sinh bị bệnh sốt rét, lúc nóng thì lợm giọng, ngực trướng quá chừng (thầy thuốc cho là sốt rét do đờm do đồ ăn, dùng thuốc tân nhiệt, cho uống trong khi đang nóng dữ, không biết ông này vốn có chứng nục huyết, chảy máu vài đấu, mê man bất tỉnh, ra mồ hôi lạnh đông thành hạt, chân tay cũng lạnh), mạch vi muốn tuyệt, vẫn dùng Độc sâm hơn 1 lạng, sắc lấy nước giỏ vào miệng, hơi tỉnh nhưng lại nấc liên thanh, vẫn phải trọng dụng thuốc ôn bổ mới dần dần khỏi, rồi tiếp cho Bát vị hoàn uống xen với Thập toàn đại bổ hơn một tháng là khỏi.
14. Chứng sốt rét nặng. Uống Bát vị bội Thục địa gia Ngưu tất, Ngũ vị.
- Chữa cho bà cụ họ Hàn đau bệnh sốt rét rất nặng, nóng dữ, không có mồ hôi, sáu mạch hồng đại mà hư. Hễ mồ hôi là sinh ở phần âm, thận chủ 5 chất dịch, nay sáu mạch có dương không có âm há lại phát hãn được nữa ư, để đẩy cô dương vượt ra mất hết, vẫn cứ cho uống bài Bát vị thang (gia Ngũ vị, Ngưu tất, mỗi tễ dùng Thục địa 3 lạng, sắc còn hơn 1 bát cho uống luôn 1 lần), để tư dưỡng phần thủy, tức là để cho ra mồ hôi, quả là ra mồ hôi rồi khỏi, sau uống tiếp Thập toàn thang (bỏ Khung, Thảo gia Táo nhân, Ngũ vị dùng Sinh địa thay Thục địa) vài thang thì tinh thần khoan khoái bội phần.
15. Chứng Hồng bạch lỵ. (đi ra máu mủ). Dùng thang Bát vị sắc Sâm hòa vào mà uống.
- Chữa cho cụ họ Trần đi lỵ ra máu mủ rất gấp, hai mạch thốn hơi hồng, hai mạch xích và mạch quan bên tả rất nhược, lưỡi có rêu đen, đó là do can không sơ tiết được, thận không đóng kín được, chân âm ở dưới rất thiếu, tân dịch ở trên khô kiệt, thủy lấn sang vị trí của hỏa, cho nên lưỡi đỏ biến ra đen, mất hẳn sắc hồng bản chất của nó, nhất thiết không nên cho uống Hoàng liên làm cho thêm hại, vẫn dùng Bát vị sắc Sâm hòa vào, uống một thang to thì khỏi.
16. Chứng kiết lỵ kéo dài. Uống bài Bát vị Nhân sâm sao với gạo cũ làm thang tống.
- Chữa cho người cháu ông cụ họ Phùng bị chứng ỉa chảy đến nửa năm, bắp thịt gày róc, uống mãi thuốc chữa tỳ vị hậu thiên (Tứ quân, Tứ vật) không có hiệu quả, đó là vì đi lỵ kéo dài không khỏi, trung khí của hậu thiên vẫn hư mà hạ nguyên của thận cũng không đủ giữ việc bế tàng tròn chức trách, đừng có chăm chú ở tỳ mà cốt chữa ở thận, liền cho uống Bát vị hoàn dùng Nhân sâm sao với gạo cũ rồi sắc chung cho tan mà uống, không đến một tháng thì khỏi.
17. Suyễn thở. Uống Bát vị hoàn dùng bài Sinh mạch mà chiêu.
- Chữa cho người cháu ông cụ họ Phùng, tuổi lên ba, bình thường sắc mặt trắng bợt, hở mỏ ác (thóp), xương sọ không khít, vô cớ một đêm bỗng nhiên phát suyễn thở nhẹ, dần dần suyễn thở nặng, thở ra nhiều mà hít vào ít, hai mắt dớn dác, đáng lý nên dùng phép “Bệnh trên chữa dưới”, vẫn dùng bài Sinh mạch để chiêu hoàn Bát vị, 4 – 5 ngày thì bệnh yên, lại cứ theo đấy để điều lý, được hai tháng thì thóp và sọ lớn đầy, mới thấy được cách dùng thuốc dẫn. Cũng một bài Bát vị mà một đằng thì dùng Nhân sâm sao với gạo cũ để dẫn đến hai tạng tỳ thận mà khí dương sinh ra, một đằng thì dùng Sinh mạch ẩm để dẫn đến hai tạng phế thận mà khí âm sinh ra, công hiệu khác nhau cho nên cho nên nói thuốc dẫn cổ nhân nhấn mạnh cái nghĩa mà đặt thành tên, người đời nay không nhìn đến tên mà nghĩ đến nghĩa ư?
18. Bệnh đờm: Uống bài Lục vị gia Trần bì, Mạch môn, Ngũ vị.
- Chữa cho ông cụ họ Hồ, 60 tuổi, mắc bệnh hơn một năm, 6 mạch hồng đại hữu lực giống không phải là dương hư, lúc ấy đang tháng hè nóng nực, ra mồ hôi, sợ gió, ăn uống như thường, tinh thần ngày càng uể oải, đờm nhiều, nghẹt mũi, nửa năm trở lại cứ vơ vẩn suốt ngày, đó là âm hư không thu liễm được dương đến nỗi dương bốc lên, âm tẩu tán ra không phân được thanh trọc, tà hỏa tiêu cơm nước sinh đờm mà không sinh được huyết, đáng lý dưỡng âm thì dương có chỗ dựa, vẫn dùng Lục vị thang gia thêm muối sắc với Trần bì, Mạch môn, Ngũ vị mà uống, không hết ba thang mà tinh thần đã tỉnh táo trở lại, cụ ấy tạ ơn nói: “Chứng trầm trọng gia 10 tháng mà chỉ có 3 thang thuốc trở nên lành như cũ”.
19. Chứng lậu máu (huyết lâm). Uống Bát vị gia Thăng ma, Mạch môn, Hồng hoa.
- Chữa cho ông cụ họ Lý 60 tuổi, đau lậu hai năm, có lúc ra nhiều, ra luôn mà lại chóng, có lúc nhỏ giọt khó thông, đau buốt như dao cắt, nước tiểu như mỡ như dầu, hoặc thành dây máu tía, người bệnh có lúc muốn tự tử (một ông thầy lập hai phương thông lợi và chỉ sáp, lúc sáp thì lợi, lúc lợi thì sáp, cả thầy thuốc và người bệnh nhìn nhau mà bực tức).
- Xét về mạch thì hai bộ thốn hồng đại, các bộ khác đều vô lực, riêng bộ can và thận thì càng vô lực hơn, đó là can chủ sơ tiết, thận chủ bế tàng, sơ tiết hay bế tàng đều có chuyên trách riêng thì còn phải dùng đến dược lực làm chi. Nay vì can thận đều bệnh, đều bỏ chức năng của nó, hễ cho lợi thì càng làm hư cho bệnh đã hư, cho sáp thì càng làm thêm trệ, chỉ có điều bổ can thận để cho nó đều gắng sức làm chức vụ của nó thì bệnh tự nhiên lành. Vẫn cho uống Bát vị gia Mạch môn 2 đồng, Thăng ma 8 phân, Hồng hoa 4 phân, sắc xong hòa vào nước Sâm mà uống, khiến cho khí trong đi lên, khí đục đi xuống, chỗ ứ hóa tan, trung khí một khi đã đủ thì tự có thể lên xuống, can thận đã điều hòa thì sự mở hay đóng được đúng lúc, uống thuốc sẽ yên dần dần, sau dùng bài Sinh mạch chiêu với Bát vị hoàn, chiều đến uống xen với Quy tỳ gia giảm mà khỏi.
20. Bệnh lúc có mang. (Đau bụng, đi ỉa lúc mờ sáng, trên nóng dưới lạnh). Uống Bát vị hoàn để bổ âm dương.
- Chữa cho một người đàn bà có mang, mạch bộ thốn cường, bộ xích nhược, đau bụng đi ỉa lúc mờ sáng, hư hỏa bốc lên, miệng khô, buồn bực vật vã, ăn uống khó tiêu, ngang lưng nhức, đùi mềm, trên nóng dưới lạnh, vẫn dùng Bát vị hoàn cho uống rồi lành, mẹ con đều yên, đấy là đúng như câu: “cần phạm thì cứ phạm, tựa hồ như không phạm”. Nếu nệ với câu: “Quế Phụ làm sẩy thai” mà trở lại dùng thuốc khổ hàn thì chẳng lầm hay sao? Làm thuốc không nên câu nệ phương, thực là lời cách ngôn. Hai phương Lục Bát vị dùng chữa bệnh có mang để bổ âm dương, sách Y quán đã căn dặn rõ ràng, huống chi “thuốc hoàn có nghĩa là hoãn”, hàng ngày chiêu dần, tạng phủ sẽ quen dần với thuốc, vả lại có Thục Thù để ủng hộ, Quế Phụ chỉ có ích lợi về mặt ấm nhuần, nuôi lớn phục vụ cho thượng bán thân, nào có lo gì đến việc sẩy thai, hại thai (Duy mạch Hồng đại hữu lực, huyết nhiệt, vị khỏe mà sinh bệnh thì nên dùng loại Xa tiền, Ích mẫu, Điều cầm, nhất thiết phải kiêng dùng thuốc cay nóng, cay ấm, trăm bệnh đều thế há chỉ bàn riêng về chữa bệnh có mang đâu), vì thuốc cực lạnh, cực nóng, cực bổ, cực công nếu dùng được đúng thì có thể cứu người, nhưng chứng nóng giả, thực giả mà cho uống nhầm thuốc hàn lương để công phạt thì giết người không thể cứu vãn kịp, còn chứng hàn giả, hư giả mà dùng nhầm thuốc ôn bổ thì chỉ làm tăng thêm cái bứt rứt buồn bực mà thôi. Cho nên bậc hiền triết ngày xưa có nói: “Dùng phép chữa bất túc đem chữa chứng hữu dư thì được, dùng phép chữa hữu dư đem chữa chứng bất túc thì không được”, cũng có căn cứ.
21. Bệnh lúc có mang. Uống Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất.
- Chữa cho một cô dâu, trước bị chứng thổ huyết, đêm nóng, từ khi có mang trở đi uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, ngày nào cũng uống không gián đoạn, đến khi đẻ nước nguồn (ối) đã chảy ra vài ngày mà chưa đẻ, 6 mạch hồng huyền mà hơi cứng, ấy là đường âm khô kiệt không được lưu thông cho uống thuốc dưỡng huyết bổ khí, thôi sinh, mạch hậu vẫn như cũ, tất là chân âm chân dương, chân khí thiếu quá, phải làm cho điều bổ khí huyết không đủ để giúp đỡ cho chỗ rất thiếu, rất hư, mới đơn thuần dùng Thục địa 3 lạng, sắc đặc cho uống 3 lần, mạch mới hồng hoãn mà nhuyễn nhưng vài ngày thì tinh lực của mẹ lẫn con đều kiệt, không nghe động chút nào, ngờ là thai đã chết, cũng cho Nhân sâm 5 đồng sắc đặc, dùng Nhục quế tốt (sắc tía, vị ngọt, khí thơm) tán nhỏ hơn một đồng hòa vào cho uống. Sau đó bụng đau thai trụt xuống được một chút lại cho uống nữa cũng thấy như thế liền cho uống luôn 3 – 4 thang mới đẻ được, đứa bé khóc được một vài tiếng nhưng không động đậy gì, mọi người đều cho là khó sống, đem để xuống đất, chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu tới. Hắt hơi cất tiếng khóc mà sống, cũng ví như cái gương lấp lánh ở trong nhà mới nhờ được mặt trời phản chiếu đến liền từ chỗ vô hình hóa ra hữu hình. Lại sực nhớ trong thiên Dưỡng sinh nói: “Hỏa là truyền mãi không lúc nào hết được”, từ xưa đến nay chỉ thứ hỏa ấy truyền mãi mà sinh mạng cứ tiếp tục là do bổ dưỡng được đúng mức. Đáng tin thay thủy hỏa là căn bản nuôi sống con người mà chỗ gần tuyệt lại sống lại được.
22. Cầu tự. Uống Bát vị bội Thục địa.
- Chữa một người hiếm hoi, mạch hữu xích ấn mạnh thì vô lực, là do chân dương không đủ, tả xích không trầm không như thạch là vì chân thủy lại hư, mới cho uống Bát vị hoàn, nhưng vì chân âm thiếu quá, phải nấu riêng hơn 1 cân Thục địa, ngào thành cao 3 lạng, để thay mật làm viên. Tinh ba của ngũ tạng đều thu nạp về thận, thận là nơi tụ hội của các cơ quan. Nhưng tinh sinh ở huyết, huyết kém thì làm gì sinh được tinh, tâm chủ huyết cho nên không con thì trách cứ vào tâm, bạc đầu thì trách cứ vào thận, cho nên người xem trọng việc cầu tự thì chẳng những phải bổ thận mà càng nên dưỡng tâm, lại nên điều hòa ngũ tạng, làm cho tinh khí của ngũ tạng thường thịnh vượng luôn, mà tràn đầy tới thận được dồi dào, phỏng như bốn tạng không được tươi nhuận thì còn lấy gì mà thu về thận được. Cho nên tâm thuộc hỏa mà sánh với quẻ Ly, Ly là âm, thủy ở trong tâm là chân thủy; thận thuộc thủy mà sánh với quẻ Khảm, Khảm là dương, hỏa ở trong thận là chân hỏa, tâm thận đều bắt rễ lẫn nhau, thủy hỏa mà được “ký tế” thì khí xông bốc mới ngưng tụ lại mới hình thành thai nghén. Lại dùng thuốc dưỡng vinh ích vệ, tư nhuận ngũ tạng làm viên để dùng lẫn.
Phương thuốc cao viên
- Nộn Hoàng kỳ 4 lạng, sao mật cùng với Nhân sâm bổ khí làm quân, khiến cho âm theo dương mà lớn, vô hình sinh ra hữu hình.
- Đương quy 3 lạng, sao rượu, dưỡng huyết, thông huyết, khiến cho phần vinh điều hòa, theo phần khí mà phát sinh ra, dùng làm thần.
- Táo nhân 5 lạng, sao chín, đến khi nấu giã cho nát, sắc đỏ tượng quẻ Ly, khí thơm vào tỳ, vị chua vào can cho nên yên tâm, bổ can cho nên nuôi cả tỳ thổ, dùng chung với Đương quy thì Đương quy nuôi huyết ba tạng. Táo nhân bổ khí ở ba tạng, dùng làm thần.
- Thục địa 6 lạng, dùng dao đồng thái phiến, tính trọng trọc, tượng trưng cho khí đất, ngọt ấm nuôi khí âm, đã tư bổ chân thủy lại nhuận các kinh, cùng với Bạch truật hợp lại một thang thì Truật bổ tỳ khí để giữ tính táo của thổ, Thục địa bổ thêm sự nhu nhuận cho tỳ âm để giúp cho sự hóa dục của thổ, một vị táo, một vị nhuận, thổ là mẹ của muôn vật, lại cũng dùng làm thần.
- Bạch truật 4 lạng, sao với sữa cho vàng, khí vị thơm hòa bình được chính khí của âm dương, ngọt ấm, khí mạnh, bổ trung khí tỳ nguyên và cùng với Thục Thược hợp thành một thang thì Thục đã chuyên công về mạnh thủy lại tư nhuận được tỳ thổ. Bạch truật chuyên bổ tỳ dương, Bạch thược chuyên bổ tỳ âm, khiến cho tỳ thổ mạnh mà không táo mới làm tròn chức năng thấm nhuận, dùng làm thần.
- Viễn chí 2 lạng, sắc nước Cam thảo tẩm, dùng thứ nhục bao lấy ruột mà sắc vàng, cho nên an tâm dưỡng thần mà sinh được tỳ thổ, vị cay mà nhạt nhạt cho nên trừ được khí âm ế, chân tinh mới sinh ra được, cay thì tán được đờm dãi khiến cho chỗ tâm được sáng suốt không u tối giúp cho thận khí, khiến cho chân tinh chứa kín không sót, dùng chung vào với thuốc chữa ba kinh tâm, tỳ, thận, vị này vị nọ giúp nhau mà thành công, dùng làm tá.
- Mạch môn 3 lạng, sao với gạo cũ, vì thủy thiếu thì kim càng táo, mẹ con mất tình nghĩa sinh nuôi nhau, chiếu cố nhau, cho nên cùng với Thục Truật hợp làm một thang thì trên có thể thừa tiếp khí mẹ mà không hết, dưới có sinh được khí con mà có thừa, nhưng tính hơi hàn nhu không kiêm chữa được cả hai tạng tỳ phế cho nên cùng sao với gạo, khiến cho thổ và kim đều được bổ ích, để làm tá.
- Bạch thược 2,4 lạng, sao với mật rượu, ngọt lạnh vào tỳ, chua liễm vào can, đã giúp cho Đương quy hòa can huyết lại giúp cho Bạch truật dưỡng tỳ âm, có thể thành công giúp đỡ, dùng làm tá.
- Đỗ trọng sao 3 lạng, sao rượu, trước đã đại bổ vinh vệ, nhưng khí huyết đã đầy ở trong há không nên đưa vị này để vận hành kinh lạc, khiến cho gân xương được khỏe mạnh ư? Cho nên dùng vị này để vận hành, bổ ích chỗ khoảng đốt xương, lại có thể tiếp dẫn các vị thuốc đi sâu vào thận, và cùng với Tục đoạn bổ nốt khoảng đốt xương thì thân thể được nhẹ mạnh hẳn.
- Tục đoạn 3 lạng, Thục địa chuyên bổ thận tinh, Đỗ trọng chuyên bổ thận khí, lại bổ được khoảng gân xương. Tục đoạn điều lý ở trong đốt xương, đều được lợi ích cả, dùng làm sứ.
- Ngưu tất 3 lạng, sấy rượu, dẫn các thuốc xuống làm cường tráng hạ nguyên, vả lại khiến cho trọc âm đi xuống, thì thanh dương đi lên được, nhưng sợ chạy xuống nhanh quá, chưng với rượu để cho dịu đi, dùng làm sứ.
- Liên tử 3 cân, bỏ tim bỏ lụa. Đổ nước hơn 30 bát, sắc lấy nước bỏ bã, cho thuốc trước vào sắc chung, lấy 3 nước, bỏ bã, ngào thành cao, lại cho thuốc tán sau này vào.
- Nhân sâm 5 lạng, tính vị hòa bình, đại bổ nguyên thần, có thể bổ âm có thể bổ dương, dùng để làm quân, cùng Hoàng kỳ để điều nguyên khí ở phần biểu và lý, cùng Quy Truật để bổ ích âm dương, hợp với Táo nhân để yên tâm, cùng với Thục địa để bổ thận, đi tới đâu cũng được.
- Bạch phục linh, Phục thần đều 3 lạng, tán nhỏ, vị Phục linh thấm nhạt, giúp Bạch truật để dưỡng tỳ, Phục thần có thể giữ vững, giúp Táo nhân để yên tâm, đều dùng làm sứ. Hòa vào cao làm viên, lúc đi ngủ uống một viên chừng 4 đồng cân với nước sôi, hoặc nhai với nước bọt mà nuốt. Do đó mà xem, một mặt dùng Bát vị để bổ phần thiếu kém của tiên thiên, một mặt dùng thuốc cao viên để bổ phần phát sinh của hậu thiên, thì con cái sẽ đông đúc.
23. Cầu tự. Uống Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị (Trước đó có bệnh đờm hơn một năm, uống ba thang thì lành).
- Chữa ông lão họ Hồ, tuổi già hiếm con dùng bài Vọng định hoàn. Nguyên ông lão này mạch thuần dương nên cho uống thuốc thuần âm, âm dương đã hòa là nhất định có con, vẫn dùng Lục vị hoàn gia Mạch môn, Ngũ vị là đủ, được vài tháng người vợ lẽ có thai, miệng nhạt lạ thường, trong ngực buồn bực bối rối, mạch thì hai bộ thốn và bộ hữu quan rất hồng, tả xích thì hữu lực, ấy là tinh ba dồn xuống để nuôi thai, chỉ nên dưỡng âm để giúp thêm chứ không có hại gì. Đến 5 tháng bụng tuy hơi lớn, ấn vào rất mềm vả lại lúc bên tả lúc bên hữu, khoảng ngang lưng thường động; ngang bụng thì không chút ảnh hưởng gì (thầy thuốc cho là quái thai, muốn công trục ra, tiên sinh cố sức can ngăn), đến ngày tháng bụng dạ không đau mà bỗng muốn sinh, lão Hồ cho là mạng mẹ khó bảo toàn, nhiều lúc phàn nàn hối hận, không hiểu được cái lẽ “Quả chín thì hương thơm, dưa chín thì cuống rụng”, chín quá thì trụt xuống, không đau mà sinh cũng là lẽ thường, chi thể đẫy đà, nước ối có thừa, cho nên ngang rốn và bụng thì không rõ rệt, hai bên ngang lưng máy động không phải thai là cái gì? Tinh khí sinh ra hàng ngày xuống nuôi thai khí, trong vị không có tân dịch cho nên thấy miệng nhạt còn đáng ngờ, nói vừa dứt lời thì có người chạy đến thưa rằng đã sinh một cậu con trai rồi. Lúc ấy không còn gì nghi ngờ nữa, ông lão quỳ gối tạ rằng: “ông chữa được bệnh nặng của lão, bản thân lão đã được bổ ích, lại còn bảo vệ được con nối dõi của lão, tổ tiên lão cũng được chịu ân nữa”.
24. Chứng thạch thư. Uống bài Bát vị xen với thuốc bổ khí huyết.
- Chữa cho bà cụ họ Triệu 70 tuổi, má bên trái sưng rắn, lan đến cằm, gáy, sau tai một đám cứng ngắt, không nóng không lạnh, hơn hai tháng uống bao nhiêu thuốc giải độc, thuốc công, thuốc thác lý đều không được một chút hiệu quả gì, dần dần đến trong miệng ra mủ, răng cắn chặt không hở, ăn uống giảm sút, tinh thần ngày càng suy, mạch hồng đại mà rỗng, đó là khí huyết đại suy, âm hàn tụ lại. Sách gọi là chứng Thạch thư, nếu không được khí dương hòa thì làm sao mà giải ra được, vỡ ở trong thì ắt thủng hầu loét má thì không chữa được nữa. Vả trong Sách nói: “Người già khí huyết suy thì không chữa được”, mới dùng mỡ heo giã nhừ để chữa máu thịt, lấy nghĩa đồng khí tương ứng với nhau, dùng Nhục quế tán nhỏ khiến cho kích động phần huyết, dùng Củ hành có thể thông được khiếu, muối ăn có thể làm mềm chất rắn, đem giã chung thật đều trát đầy vào chỗ đau rồi dùng bài Sinh mạch nấu ra để chiêu thuốc Bát vị hoàn, xa bữa ăn dùng Sâm, Kỳ, Quy, Truật, Thược, Linh, Bạch Quế, Giác thích, Kim ngân sắc uống xen kẽ khiến cho chân dương một khi đã được hồi phục thì âm hàn tự giải, khí huyết xung hòa tự có thể đuổi được độc, điều trị năm ba ngày thì chỗ lạnh rắn hóa ra nóng mềm, chỗ sưng lan nhòn lại cao u lên, chỗ tê dại đã thấy nhức đau, chỗ tía đã thấy đỏ trơn, ăn uống tiến bộ, khí huyết sinh trưởng thêm, độc ra ngoài sưng thành mủ, không tới hai tuần thì khỏi. Mới biết rằng mọi bệnh đều lấy khí huyết làm công dụng, thủy hỏa làm căn bản, mà sưng mủ hóa thành, bỏ khí huyết thủy hỏa đi thì lấy gì làm cái công dụng để thác lý hay gây mủ được.
26. Chứng nội thương. Uống bài Bát vị bỏ Phụ tử gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
- Chữa cháu bé của cụ Bành mới 3 tuổi, tuy mới nóng mà thần khí mệt nhừ, mạch sờ vào thì vô lực, da thịt trắng bợt, hai má hơi đỏ hồng, mình tuy nóng mà ấn lên thì bình thường, hơi đổ mồ hôi, ấy là bẩm thụ rất bạc nhược, ngoại cảm nhẹ mà nội thương nặng. Tiên sư bàn rằng: “Chỉ bổ ở trong, thêm nguyên khí thì tà tự nhiên lui”, nhưng nhà bệnh không theo, họ cho uống nửa chén nước củ hành rồi chùm chăn lại quả nhiên mồ hôi toát ra mãi không ngưng, tay chân rời rạc, mặt xanh mắt nhắm, không bú nghiến răng, đã thành ngoại chứng thế nguy cấp, lại đến mời thầy, thầy bảo: “Em bé này tiên thiên bất túc, chứng ngoại cảm ít mà nội thương nhiều, theo phép phải ôn bổ mà lại hãn thì dương phải vong cho nên tay chân rời rã bất tỉnh, mồ hôi tức là máu, mồ hôi và máu đã mất ở trong, âm bị hao kiệt, răng thuộc về thận âm, nghiến răng không thôi là thận sắp bại hoại, kíp phải nên bổ mạnh vào thận thủy để bổ chân dương, họa chăng bảo toàn được tính mạng, mới cho uống bài Bát vị bỏ Phụ tử gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, sắc ba đồng Sâm hòa vào mà uống, uống rồi hiệu nghiệm nhanh như tiếng dội. Mới thấy rằng chứng nội thương nhận là ngoại cảm cho uống hành đắp chăn mà suýt nữa còn làm tổn thương sinh mạng, huống chi là dùng thuốc phát tán khắc phạt hàn lương nữa ư? Đứa bé đương thuần dương còn thế, huống chi là người nguyên khí đã tàn lụi thì sao?”.
27. Chứng bí đái. Uống Bát vị bội Thục địa, Mạch môn, Ngũ vị, tái phát lại cho uống bài Sâm, Quế.
- Chữa người cháu gái cụ họ Vương, 13 tuổi, vì lúc nhỏ bà vú em sợ đái dầm trên giường, thường đánh thức luôn cho nên vài năm sau mỗi ngày đi 7 – 8 lần, đêm đi 7 – 8 lần, liền có hình trạng giống như chứng lậu mà không phải chứng lậu, lúc ấy vừa đầu tháng hè mới đến nỗi không thông, nguy cấp quá, ông ngoại đứa bé cho uống Đạo xích tán để thông lợi, lúc đầu uống hơi đỡ, lâu rồi một giọt cũng không thông, sáu mạch hồng sác, sờ lâu thì vô lực, mới biết lúc mơ màng khiếp sợ, gắng gượng đi đái càng làm hao tổn chân âm, 5 tạng đã khô thì tân dịch còn sinh sao được, tuy có khí hóa dẫn đến chỉ tổ làm thêm đầy buồn, vẫn dùng Bát vị làm thang gia Mạch môn, Ngũ vị, mỗi thang thêm hai lạng Thục địa (lấy ý nghĩa là tiết mùa thu đi xuống, móc trắng sinh ra) cho uống hai thang để thêm cho chất nhờn béo trong ngũ tạng, để làm manh mối cho tiểu tiện ra, lại còn nhai bã, móc cổ cho mửa, khiến cho thượng khiếu mở ra thì hạ khiếu thông suốt, quả nhiên uống vài lần thì khỏi. Sau vì mất sự điều dưỡng, chính vì mùa nắng dữ, chứng ấy lại phát ra, ông ngoại nó lại cứ theo phương pháp cũ mà cho uống, lúc đầu chỉ có chỗ bụng dưới đầy tức muốn tuyệt. Mửa được một lần thì tức ngực khó chịu. Thầy nói: “Khi đau về tháng đầu hè khí chưa thương tổn lắm, huống chi bệnh mới phát thì thần khí chưa suy, cho nên đau là vì chất nhờn béo ở ngũ tạng không đủ, thêm các vị thuốc béo nhờn đủ giúp sức rồi”. Nay đang buổi nắng, khí bị thương tổn quá, huống chi ngày đêm buồn đầy, bỏ cả ăn ngủ, mồ hôi nhiều, tim đập mạnh, tinh lực đã mệt quá tuy có thuốc mát để bổ thêm thủy nhưng không có trung khí để vận hành thì cũng chẳng giúp ích gì, vả lại sáu mạch nay lại càng hồng đại mà trống rỗng hơn là ở trong đã khô quá, uống vài thang trọc âm để bổ căn bản cho chất béo nhờn là nhất thiết không bớt được, còn phải kế tiếp giúp trung khí để vận động thì khí ở trung tiêu đi lên đi xuống được, thang thuốc mới có thể vận hành, mới uống liên tiếp hai thang, quả nhiên trên dưới đều đầy tức thêm, mới cho Sâm một lạng, Phụ 3 đồng, sắc đặc còn một chén cho uống âm ấm, giây lát thì từ ngực đến bụng dưới có tiếng rong róc, liền đi đái vài lần là khỏi. Đáng tin rằng làm thuốc chớ nên nệ phương, phải nhận chứng mà lập phương cho đúng.
28. Bệnh lâm: Uống Bát vị hợp Nhị diệu thang. Lại uống Bổ trung ích khí bỏ Trần bì, Sài hồ, gia Hoàng cầm, Phòng phong
- Chữa một người trẻ tuổi lao tâm, sắc dục quá độ, bị chứng tiểu tiện nhỏ giọt, đầy trướng quá mà nhức, vả lại hai đường đại tiểu tiện đau giằng với nhau, mạch hai bộ thốn trầm vi, hữu quan hơi hoạt sắc, hai mạch xích huyền, ấy là khí tâm phế không đủ, cho nên một đằng thì không sơ tiết (can), một đằng thì không đóng kín được (thận), trung khí đã hư thì khí thanh dương không đi lên được mà uất trệ lại ở trung cung, nung nấu làm thấp nhiệt, thấm vào bàng quang, nhân thế mới thành bệnh lâm, hai đường tiện đau giằng như chứng hà tiết ra, buổi sáng mới cho uống bài Bát vị hợp Nhị diệu thang, khiến cho sự nóng và lạnh hướng đạo lẫn nhau, trừ thấp nhiệt đi để cho nguồn được trong, giữa trưa xa bữa ăn, dùng bài Bổ trung ích khí thang, nhưng tâm khí rất hư hao sao còn dám tả khí nữa, mới bỏ Trần bì. Can khí đã yếu sao còn dám tả can nữa, mới bỏ Sài hồ. Còn bã thì đến chiều sắc uống, móc họng cho mửa ra trọc khí ủng tắc xuống dưới tất phải có vị thuốc thấm nhạt, mới gia Phục linh, nhưng sợ bỏ Sài thì Thăng ma một mình không đủ sức nâng lên, mới gia Phòng phong non sao rượu để giúp sức, Phòng phong sao rượu là để bỏ tính tân tán mà thêm sức bốc lên của nó, còn bã sắc uống móc cổ cho mửa ra là vì thấp với nhiệt với uất một khi được thăng phát lên thì tự nhiên tan, phương chi thượng khiếu mà thông thì hạ khiếu tự lợi, quả nhiên uống rồi rất hay.
Bát vị hợp Nhị diệu thang
- Thục địa 8 đồng Sơn thù 2 đồng
- Mẫu đơn 2 đồng
- Trạch tả 1,5 đồng
- Sơn dược 2 đồng Phụ tử 1 đồng
- Phục linh 2 đồng Liên tử 10 hạt
- Bấc đèn 10 cọng
- Hoàng bá (sao muối rượu cho biến sắc xám lên) 8 phân
Đổ nước sắc lấy 8 phân, uống vào lúc đói.
Gia giảm Bổ trung thang
- Sâm 3 đồng Kỳ 2 đồng
- Táo nhân 2 đồng
- Bạch truật 1,5 đồng
- Phục linh 2 đồng
- Quy thân 1,5 đồng
- Cam thảo 8 phân
- Thăng ma sao rượu mật 4 phân
- Phòng phong sao rượu 3 phân
Thêm gừng táo, sắc uống.
29. Chứng bán thân bất toại (thiên khô). Uống Bát vị hoàn gia Ngũ vị, Ngưu tất.
- Chữa cho bà họ Vũ làm nghề tiếp viên, tính rất đa tình đến nỗi tâm thần trung khí ngày càng hư, vì thế mà mắc phải bệnh này, cánh tay phải sưng thũng, hoặc tê dại hoặc đau, hai chân đứng khó khăn. Phải biết, thổ hư nên không thể kiện vận được, tân dịch sẽ ngưng trệ mà thành đờm, vả lại thủy không thể về được nguồn thì âm càng hao, có thể tiêu đi được đâu? Thế mà thầy thuốc bảo là đờm, là hỏa, là phong, thầy nào cũng cho uống thuốc thanh lương, công phạt phát tán, mà bà ta cứ thường đem mình thử thuốc, bỗng dưng một hôm bị hôn mê bất tỉnh, đờm suyễn kéo lên, mồ hôi toát ra, 6 mạch trầm vi, đó là trung khí hư đã lâu, không bổ cho mạnh mà tự ý làm hao mòn quá, một khi nước cạn thì đá lòi ra, chứng đại hư hiện ra tất cả, nên cứu vãn gấp, vẫn dùng Nhân sâm 6 lạng, Bạch truật 4 lạng sao vàng, Sinh Phụ tử bỏ vỏ nướng gừng, sắc lấy một chén đổ cho uống rồi mồ hôi thu dần, mạch lên dần, suyễn yên, thần tỉnh táo, phong đờm vì hỏa đưa lên thì dùng bài Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất dẫn xuống mà thu nạp lại, kế tiếp cho uống bài Quy tỳ bỏ Lộc nhung gia Quế, Ngũ vị để điều bổ, mỗi sáng sớm lại uống Thập bổ hoàn, từ đó không những đi đứng nhẹ nhàng, lại sinh được một người con rất khỏe, ấy là sức của Quế Phụ trong hai năm, ông cụ Vũ mới giác ngộ được chí lý.
30. Chứng sán thống. Uống Lục vị thang gia Quất hạch, Phụ tử, Hoàng bá.
- Chữa cho ông họ Vương, đau sán thống rất nguy, mạch ba bộ bên tả huyền hồng mà sắc, ấy là âm rất không đủ, bộ quan bộ xích bên hữu hồng đại, sờ mạch thì hữu lực, ấy là vì ăn đồ ngon béo, rượu chè, sắc dục quá độ, chân thủy bị tiêu hao, mặc cho thấp nhiệt chảy xuống, can mộc không được vinh dưỡng, gân không được vinh nhuận, thấp nhiệt công kích ở trong, âm hàn ngăn cản ở ngoài mới kích thích hỏa uất át của mộc, cho nên làm thành đờm thành trướng, không thể chịu được, vẫn dùng bài Lục vị gia Thục địa 2 lạng, Sơn thù 3 đồng để tư nhuận can thận, Mẫu đơn 2 đồng, Phục linh 3 đồng, Trạch tả 1,5 đồng để tiêu thấm thấp nhiệt đi, gia Quất hạch 3 đồng để sơ thông can uất, Chế phụ tử 1,5 đồng, Hoàng bá sao sém 1,2 đồng khiến cho thuốc hàn làm hướng đạo cho thuốc nhiệt, thuốc nhiệt làm hướng đạo cho thuốc hàn đo đó mà ngoại hàn tan đi, ngoại nhiệt trừ đi, chân thủy sinh, lôi hỏa tắt mà chứng sưng nhức tự khỏi.
31. Chứng đau trong xương (Cốt thống). Trước uống Dưỡng huyết khu phong thang, sau dùng bài Sinh mạch làm thang tống Bát vị hoàn gia Ngũ vị, Ngưu tất, Đỗ trọng, Lộc giao.
- Chữa cho ông Thành Chương, bỗng nhiên đốt xương chân tay bên trái đau nhức dần dần đến thế đau như dao cắt, ngày đêm rên la, kế đó đau chạy sang chân tay bên phải đều đau khắp, thầy thuốc cho uống thuốc khu phong hoạt lạc đều không công hiệu, lại thấy miệng khô họng ráo (nhầm cho là hỏa bốc nên dùng thuốc mát) thần khí uể oải, 6 mạch hồng huyền. Phải biết, trong gân xương mà được sự tư dưỡng đầy đủ thì huyết tự dinh dưỡng trong mạch, khí tự hộ vệ ngoài mạch, dẫu có tà mạnh cũng đâu có thể vào sâu được, nay chất mỡ dầu không đủ, gân xương không được vinh dưỡng, khí huyết hư lâu, vinh vệ mất chức năng, há không nghĩ đến mắt sở dĩ trông được, tay sở dĩ cầm nắm được, chân bước đi được, đều là nhờ có huyết, cho nên phần trên phần dưới chỗ nhỏ chỗ to trong nhân thể cái gì cũng nhờ huyết mới làm tròn nhiệm vụ, nay không có huyết ấy nuôi thì trăm việc đều bỏ bể, mặc cho hư hỏa xông đốt, càng nhức mà hỏa càng lên thì đau càng dữ, rên la thì tổn thương khí, nhịn đau thì tổn thương huyết, nhất định sẽ đến tình trạng tê dại, chân tay bại liệt, tê liệt nửa người rồi mới thôi. Chỉ nên dùng mạnh Thục, Quy, Thược làm quân, Ngân hoa, Tần giao làm thuốc nhuận trong loại thuốc phong để làm thần, mượn thế phong để dẫn sức thuốc suốt tới gân xương. Lại dùng Ngưu tất, Đỗ trọng, Tục đoạn làm tá sứ để điều hòa chỗ gân xương đang đau, lại dùng Quế chi, Tùng tiết để dẫn đưa tính thuốc đi ngang ra hai tay, uống rồi nhức đau hơi đỡ mà tinh thần ngày càng mỏi mệt, gia Sâm Truật để giữ vững trung tiêu bồi bổ nguyên khí, điều trị nửa tháng thì các chứng đều lành. Lại bảo cứ mỗi sáng dùng thang Sinh mạch để chiêu Bát vị hoàn gia Ngưu tất, Ngũ vị, Đỗ trọng, Lộc giao, trưa vẫn uống thuốc sắc. Được hai tháng sau thì đi đứng như thường. Mới biết rằng khí huyết điều hòa, thông đạt được khắp nơi khoan khoái đều là nhờ một điểm nguyên dương ấy ở chỗ đan điền vận hóa mới được vậy. Cho nên hễ bệnh cảm hàn, trúng hàn mà vào thẳng được phần lý là vì phần lý không có hỏa, hỏa tức là nguyên dương. Phương thư nói: “Phải nên ôn bổ ngay, không thể để chậm tý nào, vì hỏa còn ít ỏi mà không bổ gấp để giữ lấy thì sẽ bị âm hàn dập tắt rất chóng”, cớ sao người đời lại lấy hai chữ phong hàn gọi luôn một tiếng, cho là chứng hữu dư. Ban đầu dùng thuốc tân ôn để phát tán rồi tiếp dùng cách sơ lợi để mở toang, cuối cùng thuốc hàn lương để thanh phần lý, không kể dương phong hay âm hàn, không xét tà chính thực hư, không tường hỏa chân hay giả, tiếng là vệ sinh mà kỳ thực là thương sinh (hại sinh mạng). Cổ phương dùng Toàn yết, Xạ hương, Cương tàm đều là loại thuốc mạnh dữ làm thuốc đối chứng, tất phải là người khỏe mạnh, tà thực, hoặc có thể sống tạm, nếu không phân hư thực mà cứ cho uống bừa, bệnh nhẹ thì làm tổn thọ, bệnh nặng thì làm vong mạng. Phương thư nói: “Trị phong trước phải trị huyết, huyết vận hành thì phong tự hết”. Lại nói: “Khu phong chớ làm quá táo”, cho nên trước tiên là trọng dụng huyết dược rồi tìm vị nhuận ở trong loại phong dược làm tá.
32. Chứng lại sang (cùi hủi). Uống Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị.
- Chữa người cháu thứ hai vì mẹ nó bị chứng âm hư phát nhiệt lâu ngày khi sinh được hơn trăm ngày thì khắp mình lở láy, đau đớn buồn bực, khóc không lúc nào nín, mới dùng một đại tễ: Sinh địa, Đương quy, Đan bì, Xích thược, Tỳ giải, Thủ ô, Thổ phục linh, Mộc thông, Ngân hoa, Liên kiều, Thảo tiết, Bối mẫu, Miết giáp, Hồ ma tử, ngày đêm cho người mẹ uống, vài mươi thang thì thấp nhiệt đưa dồn xuống, hai chân chảy nước trong đầm đìa, móng chân đều rụng, ai ở gần đều bị truyền nhiễm, ấy là thai khí tiên thiên đã ra hết. Lại ở sau tai kết lại một nhọt độc to, đó là âm thiếu mà hỏa vô căn thừa hư ngưng tụ ở đấy. Vẫn dùng Bát vị thang gia Ngưu tất, Ngũ vị uống vài thang rồi thấy chỗ sưng vỡ mủ mà rút khỏi. Sau khi khỏi, khí huyết tân dịch suy khô, sang đóng vảy khô khốc, cái khỏi cái mọc ra khó lòng giữ cho khỏi công vào trong. Vẫn dùng thịt dê 4 lạng (tinh không đủ dùng vị mà bổ) nấu nước cho Sinh kỳ vào 4 lạng, Quy thân, Ngân hoa đều 3 đồng, Thăng ma sao mật, rượi 4 đồng, gừng sống 3 nhát, Táo 2 quả sắc uống, mười thang thì lành hẳn, mới biết khí huyết hư mà biến hiện ra các chứng không thể gọi tên và hình dung được, cho nên người chữa mà nhận kỹ được chân tình hư thực của khí huyết, công dụng biến hóa của âm dương, huyền vi chân giả của mạch khí, thì tuy bệnh trạng biến hiện nhiều đường, tóm lại không ngoài âm dương, khí huyết hư thực vì nó tổng quát tất cả. Tuy các chứng sang, các chứng sưng thũng, có khi ở tạng hoặc có khi ở phủ, chẳng chứng nào là không do âm dương khí huyết ngưng trệ mà sinh ra, khí huyết có thừa thời sưng đỏ nổi cao mà làm dương độc, khí huyết không đủ thời tẹt thấp, bằng lõm mà làm âm độc (Đơn Khê nói: “m trệ ở phần dương, dương trệ ở phần âm, trăm bệnh đều do đó, không những chỉ ung nhọt mà thôi, gọi là độc là khí huyết không hòa”). Cho nên sưng to, độc lớn, phát ở xương tủy, kinh lạc, tức phải tìm ngay ở tiên thiên thủy hỏa, chân âm chân dương là được, đến như các chứng sang lở, mụn nhỏ lại phải tìm ngay ở hậu thiên khí huyết mới được. Sao mà thầy thuốc gần đây hễ mỗi khi gặp chứng sang thũng liền cho là độc hữu dư, dùng thuốc hàn lương thanh giải nhẹ thì còn khá, nặng thì khí huyết lại càng thương tổn, phần nhiều thường công vào trong không cứu chữa được.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.