TỎI
Tên thường gọi: Tỏi còn được gọi là Hồ, củ của cây Tỏi được gọi là Đại toán
Tên tiếng Trung: 大蒜
Tên khác: Allium sativum linn.Alium sativum L
Họ thực vật: Thuộc họ Hành - Alliaceae.
1. Mô tả và phân bố
a. Mô tả:
- Cây thảo sống nhiều năm. Thân thực hình trụ, phía dưới mang nhiều rễ phụ, phía trên mang nhiều lá. Lá cứng, hình dải, thẳng dài 15-50cm, rộng 1-2,5cm có rãnh khía, mép lá hơi ráp.
- Ở mỗi nách lá phía gốc có một chồi nhỏ sau này phát triển thành một tép Tỏi; các tép này nằm chung trong một cái bao (do các bẹ lá trước tạo ra) thành một củ Tỏi tức là thân hành (giò) của Tỏi.
- Hoa xếp thành tán ở ngọn thân trên một cán hoa dài 55cm hay hơn. Bao hoa màu trắng hay hồng bao bởi một cái mo dễ rụng tận cùng thành mũi nhọn dài. Hoa tháng 5 và tháng 7, quả tháng 9 và tháng 10.
b/. Phân bố:
- Cây của miền Trung châu Á, được gây trồng ở nhiều nước ôn đới.
- Ở nước ta, cũng trồng nhiều, có những vùng trồng Tỏi có tiếng ở Quảng Ngãi, Bắc Giang, Hưng Yên... Tỏi là gia vị rất quen thuộc trong đời sống của nhân dân ta.
- Tại Việt Nam có nhiều vùng đất trồng tỏi nổi tiếng như: Lý Sơn, Phan Rang, và gần đây nhất là Bắc Giang.
- Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là vùng đất nổi tiếng nhất về việc trồng tỏi cô đơn (hay tỏi mồ côi). Mỗi củ tỏi mồ côi chỉ có một tép và khi ăn có mùi thơm rất đặc trưng.
- Tỏi Phan Rang được trồng trên vùng đất cát, dưới cái nắng, cái gió tạo nên tép tỏi nhỏ, săn chắc. Được sử dụng làm gia vị trong chế biến món ăn, hay làm nước mắm chấm và được dùng để ngâm rượu tỏi.
- Bắc Giang là một vùng đất trồng tỏi từ lâu vì điều kiện thiên nhiên, và địa chất đặc biệt của khu vực này cho chất lượng tỏi tốt.
Tỏi cô đơn lý sơn
2. Bộ phận dùng, thu hái:
- Thân hành (củ) - Bulbus Allii, thường có tên là Ðại toán, dùng củ to chắc, không ốp lép là được. Nguyên củ gọi là Độc toán càng tốt.
- Thường ta thu hoạch vào cuối đông, đầu xuân; có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
3. Thành phần hoá học:
- Tinh dầu chiếm 0,25 - 0,30% dược liệu tươi. Allicin là một kháng khuẩn, 1mg tương ứng với 15 đơn Vị Penicillin.
- Các chất chính trong củ Tỏi là tinh dầu, với các sulfur và polysulfur de vinyle; các vitamin A, B1, B2 và C, các chất kháng khuẩn, trong đó có allycin, allycetoin I và II, men allynin và acid nicotinic.
4. Công dụng, cách dùng :
Theo y học cổ truyền: Tỏi có vị cay, tính ấm. Quy kinh: vào kinh Tỳ, Vị, Phế.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Danh y biệt lục: vị cay, ôn, hơi độc.
- Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ: thuốc sống cay nhiệt, nấu chín ngọt ôn.
- Sách Bản thảo cương mục: nhập thái dương, dương minh.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc dương minh, thái âm, quyết âm kinh.
- Một số dân tộc trên thế giới tin rằng tỏi giúp họ xua đuổi tà ma, chống lại ma, quỷ, ma cà rồng...
Tác dụng:
- Chủ trị các chứng ung tiết, sang thũng, nấm ngứa ngoài da, phế lao, đôn khái, kiết lỵ, tiết tả, giun móc, giun kim, phòng trị cảm cúm.
- Có tác dụng hành khí, tiêu tích, tiêu sưng phù, sát trùng giải độc. Alliicin là hoạt chất có tác dụng nhiều nhất của Tỏi, có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn, các nấm gây bệnh.
- Nó lại có tính lợi tiểu là do các fructosan và tinh dầu
Tác dụng theo y văn cổ:
- Sách Danh y biệt lục: " tán ung thũng, trùng sang, trừ phong tà, sát độc khí".
- Sách Tân tu bản thảo: " hạ khí tiêu cốc, trừ phong phá lãnh".
- Sách Thực liệu bản thảo: " sát trùng".
- Sách Bản thảo thập di: " khử thủy ác chướng khí, trừ phong thấp, . huyền tích ( nổi hạch, bụng báng), phục tà ác, để tuyên thông ôn bổ, trị sang tiễn (chàm lỡ)".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " kiện tỳ, trị thận khí, trị chứng thổ tả rút gân, phúc thống, trị lao ngược. ôn dịch khí . rắn cắn.".
- Sách Bản thảo cương mục: " năng thông ngũ tạng, đến các khiếu trừ hàn thấp, đuổi tà ác, tiêu ung thũng, hóa trung tích nhục thực".
Tác dụng dược lý theo y học hiện đại:
- Tinh dầu tỏi, nước tỏi, dịch ngâm tỏi đều có tác dụng kháng khuẩn mạnh phổ rộng, kháng khuẩn và ức chế khuẩn.
- Tỏi vỏ tím có tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn tỏi vỏ trắng.
- Tỏi chế làm thuốc đều có tác dụng đối với các loại khuẩn kháng với streptomycin, penicillin, chloromycetin, aureomycin. Tỏi cũng có tác dụng ức chế nấm ở vùng sâu và nông của cơ thể, nồng độ của dầu tỏi có tác dụng đối với nấm là 1mcg/1ml.
- Tỏi có tác dụng chống ung thư, có khả năng làm giảm tỷ lệ phát sinh ung thư bao tử. Tỏi có tác dụng chống amip và trùng roi (trichomonas). Tỏi có tác dụng hạ lipid huyết, ức chế các mảng xơ cứng động mạch hình thành, tăng hoạt tính dung giải của fibrin, ức chế sự làm tăng ngưng tập tiểu cầu của ADP và Adrenalin, có tác dụng hạ áp.
- Tỏi có tác dụng làm tăng chuyển dạng lymphô bào, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Tỏi còn có tác dụng tốt như chống viêm, hưng phấn tử cung, hạ đường huyết và cải thiện tình trạng nhiễm độc chì mạn tính.
- Tỏi có tác dụng chống và phòng ngừa ung thư, có khả năng làm giảm tỷ lệ phát sinh ung thư bao tử.
- Tỏi có tác dụng chống amip và trùng roi (trichomonas).
- Tỏi có tác dụng hạ lipid huyết, ức chế các mảng xơ cứng động mạch hình thành, tăng hoạt tính dung giải của fibrin, ức chế sự làm tăng ngưng tập tiểu cầu của ADP và Adrenalin, có tác dụng hạ áp.
- Tỏi có tác dụng làm tăng chuyển dạng lymphô bào, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Tỏi còn có tác dụng tốt như chống viêm, hưng phấn tử cung, hạ đường huyết và cải thiện tình trạng nhiễm độc chì mạn tính.
Liều dùng:
- Dùng ngoài lượng vừa đủ giã nát, đắp, làm thuốc đạn, cứu tỏi.
- Uống trong mỗi lần 3 - 5 múi ( 3g đến 9g).
- Ăn sống, nấu chín, sắc nước, làm sirô, ngâm rượu, cất tinh dầu. thụt đại tràng.
Lưu ý khi dùng:
- Người âm hư: biểu hiện thể trạng gầy còm, miệng ráo họng khô, chóng mặt mất ngủ, triều nhiệt ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, về buổi chiều gò má đỏ, tiểu tiện lượng ít sắc vàng, đại tiện khô kết, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác không nên dùng.
- Người bị mồm lở không dùng, phụ nữ có thai không dùng thụt đại tràng, người say rượu không dùng.
- Thuốc đắp có thể phản ứng đỏ nóng tại chỗ, không nên đắp lâu.
- Tỏi là vị thuốc có độc, do đó nên tham khảo ý kiên bác sỹ hoặc lương y khi dùng với liều lượng quá 10g/ngày.
- Không ăn tỏi với trứng (đặc biệt là trứng ngỗng), thịt gà, các trắm, cá diếc và thịt chó.
- Ăn tỏi hôi mồm có thể ngậm quế hoặc Đương qui nhai hết hôi.
5. Một số bài thuốc độc vị của tỏi:
a/. Trị và phòng cảm cúm:
- Giã nát 3 tép tỏi, hãm trong 50g nước sôi khoảng nửa giờ.
- Chắt lấy nước, nhỏ vào mũi mỗi bên khoảng 2 hay 3 giọt, ngày 2 hoặc 3 lần. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
b/. Trị nấm phổi:
- Tỏi sống 6 - 9g, dùng nước lạnh rửa sạch, giã nát, cho vào nước sôi 60ml ngâm trong 1 giờ bỏ bã uống nước, chia nhiều lần uống trong ngày.
- Trên đây là liều lượng cho trẻ 1 tuổi, những lứa tuổi khác có giảm, trị 28 ca bình quân dùng thuốc từ 7 - 18 ngày khỏi ( Lưu vạn Triều, Báo cáo điều trị nấm phổi trẻ em bằng uống tỏi - Báo Trung cấp Y 1987,6:54).
c/. Trị rối loạn mỡ máu (lipid huyết cao):
- Dùng nang Tinh dầu tỏi, ngày 3 lần, mỗi lần 2 - 3 nang, lượng mỗi ngày 0,12g (tương đương thuốc sống 50g), một liệu trình 30 ngày.
- Đã trị 274 ca nhận xét thuốc có tác dụng hạ lipid huyết, tăng cao HDL cholesterol, giảm hàm lượng Fibrinogen trong huyết tương (Tạp chí Trung y năm 1985,2:42).
d/. Trị bụng ngực đau do lạnh: Tỏi ngâm giấm ngày ăn 2 - 4 tép. (Tập Giản Phương).
e/. Trị bắp chân đau, vọp bẻ: Tỏi xát vào lòng bàn chân cho nóng rồi ăn một múi với nước lạnh. (Tập Nghiệm Phương).
f/. Trị lãi kim, lãi móc câu, viêm âm đạo do trùng roi, lỵ trực khuẩn, lỵ amip:
- Tỏi 100g bỏ vỏ giã nát gia nước 2 lít, ngâm 24 giờ bỏ xác lấy nước mỗi tối rửa âm hộ và hậu môn, đồng thời dùng 10ml thụt lưu đại tràng, liên tục 7 ngày. Trị giun kim, ngứa âm đạo hậu môn.
- Có thể dùng nước tỏi tẩm gạc nhét vào âm đạo, đồng thời dùng nước loãng gấp đôi tẩm gạc đắp âm hộ và hậu môn. Trị viêm âm đạo do trùng roi.
- Ăn tỏi sống đồng thời dùng 5% dịch tỏi thụt lưu đại tràng. Trị lî trực khuẩn và lî amip.
g/. Chữa đầy bụng, đại tiểu tiện không thông: Giã Tỏi rịt vào rốn (cách ly bằng lá lốt hay lá trầu hơ héo), đồng thời lấy Tỏi giã giập bọc bông lại nhét vào hậu môn (Nam dược thần hiệu).
h/. Trị ung nhọt, sưng, chàm ngứa ngoài da: dùng 3 - 4 củ tỏi giã nát trộn với dầu mè đắp lên chỗ sưng tấy.
i/. Trị đau bụng, khóc dạ đề xanh mặt: Tỏi lớn 1 củ đốt nghiền phơi nắng, Nhũ hương 5 phân, đâm làm viên bằng hạt Cải lần uống 7 viên với nước sữa. (Thế Y Đắc Hiệu).
k/. Rượu tỏi:.
Cách 1:
- Tỏi khô bóc vỏ 40g thái nhỏ, ngâm với 100ml rượu trắng 40 – 45 độ, thỉnh thoảng lại lắc chai rượu, rượu chuyển từ màu trắng sang màu vàng, đến ngày thứ 10 thì chuyển sang màu nghệ và uống được.
- Mỗi ngày dùng 2 lần, sáng trước khi ăn, tối trước khi ngủ. Mỗi lần khoảng 40 giọt ( 01 thìa café). Uống liên tục hết đời.
Cách 2:
- Lấy 250g tỏi bóc vỏ, rồi đem ngâm với 500ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được.
- Mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 25-30ml.
Cách 3:
- Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi, rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho ngập tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu càng tốt.
- Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml để trong nhà dùng thường xuyên rất tốt cho sức khỏe.
Lưu ý:
- Thông thường, rượu tỏi được uống vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Có thể pha rượu tỏi cùng với nước cho dễ uống.
- Với một lượng rượu rất nhỏ của bài thuốc, người kiêng rượu hoặc không uống được rượu vẫn dùng được.
- Dùng rượu Tỏi không gây phản ứng phụ và lại có hiệu quả chữa bệnh cao
Thận trọng khi dùng:
- Với phụ nữ có thai thì không nên dùng.
- Những người đang bị mắc các bệnh về mắt như đau mắt hoặc viêm giác mạc không nên dùng rượu tỏi.
- Người đang bị bệnh về da liễu lở loét không nên dùng.
- Nếu bị loét dạ dày, tá tràng nặng không nên dùng. Chỉ dùng trong trường hợp bình thường bị đau lâm râm.
- Người đang trong tình trạng bị sốt xuất huyết không nên dùng rượu tỏi.
Rượu tỏi - bài thuốc quý
Công dụng:
- Ngày này người ta đã biết rượu Tỏi có tác dụng tốt đối với Thấp khớp (sưng khớp, vôi hoá các khớp, mỏi xương cốt), tim mạch (huyết áp thấp, Huyết áp cao, hở van tim, ngoại tâm thu), phế quản (viêm phế quản, viêm họng, hen phế quản), tiêu hoá (ăn khó tiêu, ợ chua, viêm tá tràng, loét dạ dày), Trĩ nội và trị ngoại, đái tháo đường.
- Ở nước ta, đã có nhiều người áp dụng bài thuốc rượu tỏi trên của WHO, nhưng liều lượng thì linh hoạt (thậm chí có người uống tới 3 thìa cà phê rượu tỏi/lần) nhưng không thấy phản ứng phụ. Những năm gần đây, các nhà khoa học ở nhiều nước đã nghiên cứu phát hiện nhiều đặc tính trị liệu quý của tỏi. Nổi bật là tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm.
6. Một số bài thuốc có vị thuốc Đại toán (tỏi)
a/. Trị ung nhọt, nhiễm độc thức ăn và rắn cùng các loại trùng thú cắn:
- Dùng cao Tỏi (lượng tỏi vừa đủ giã nát cho ít dầu mè hoặc các loại dầu thực vật khác) trộn đều đắp lên nhọt khô thì thay.
- Củ tỏi 3 - 10g, Sơn đậu căn 3 - 10g sắc uống, đồng thời dùng tỏi giã nát đắp ngoài. Trị rắn độc cắn và rết cắn.
- Tỏi sắc nước uống trị ăn phải cua độc.
b/. Trị các bệnh về phổi:
Trị lao phổi: dùng các bài:
- Đại toán hợp tễ: Tỏi 13 múi, Bạch cập 3g, Gạo nếp 30g. Nấu sôi tỏi 1 phút (tỏi nửa chín nửa sống, chín quá không tác dụng) lấy ra cho nếp vào nấu thành cháo, cho tỏi vào cùng bột Bạch cập vào khuấy đều cho uống một lần, mỗi ngày 1 lần, một liệu trình là 15 ngày. Thường dùng 1 - 3 liệu trình có kết quả.
- Dùng Tỏi bóc sạch vỏ 15g cho vào nồi chưng hết cay là được, chia ăn hết trong ngày. Đồng thời cho uống Rimifon 300mg/ngày, một liệu trình 2 tháng. Trường hợp nhiễm độc nặng gia uống bài thuốc chống lao ( Sinh địa, Huyền sâm, Bắc sa sâm, Bản lam căn, Trắc bá diệp, Hạ khô thảo). Đã dùng trị 19 ca bệnh nhân nhờn thuốc chống lao, kết quả rõ 74%, có kết quả 21%, không kết quả 5%; trong đó có 12 ca lao hang có 6 ca liền, 5 ca nhỏ lại và 1 ca không khỏi (Báo cáo của Đinh Đào Sanh về trị lao phổi thể thâm nhiễm bằng tỏi - Tạp chí Trung y Hà bắc,1987,9(5):28).
Trị ho gà:
- Toàn bộ hợp tễ (Tỏi vỏ tím, Bách bộ, Tử uyển đều 30g). Nước tỏi để nguội, sắc Tử uyển, Bách bộ lấy nước bỏ xác, cho đường cô thành sirô, giã nước tỏi uống.
c/. Trị viêm cầu thận cấp:
- Dùng Tỏi vỏ tím 250g bỏ vỏ, Dưa hấu chín 1 quả (khoảng 3 - 4kg) móc 1 lỗ miệng hình tam giác, cho hết tỏi vào đậy nắp lại, cắt bỏ vỏ cứng bên ngoài cho vào nồi nấu chín
- Ăn hết cả quả dưa và tỏi chia nhiều lần trong ngày, vỏ cứng sắc nước uống thay nước chè. Đã trị 21 ca: khỏi 14, tốt 5, không khỏi 2 (Báo cáo của Trương Học An, Báo Trung y Hồ bắc 1986,2:51).
d/. Trị sói đầu: Dùng nước tỏi vỏ đỏ tươi 3 phần, glycerin 2 phần (tỷ lệ theo trọng lượng 3:1), trộn đều xát vào chỗ bệnh, ngày 2 - 3 lần, uống thêm Bổ trung ích khí. Đã trị 856 ca khỏi trong thời gian từ 17 - 46 ngày uống thuốc ( Kim Trần Đồng, Báo Cát lâm Y học 1985,5:24).
e/. Kinh nghiệm dùng tỏi trị phù bụng, có nước, tiểu ít: dùng tỏi, ốc đồng, lá mã đề, đều giã nát đắp lên rốn, có kết quả.
Lời tâm sự:
- Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
- Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
- Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
- Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Nguồn: Tổng hợp
Bùi Gia.