Cây lá lốt - Cây thuốc vườn nhà

Cây lá lốt là cây gia vị không thể thiếu đối với một số món ăn ngon trong dân gian, cây còn được nhân dân sử dụng hiệu quả trong việc chữa các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp khi trời lạnh, cảm mạo, thương hàn , đau răng, viêm lợi ... và một số bệnh thông thường khác . Hãy cùng thuochay.net tìm hiểu cây thuốc vườn nhà dễ trông và dễ sử dụng này.

LÁ LỐT
Tên thường gọi: Cây lá lốt, cây tất bát, cây lá lốp, lá nốt (địa phương)
Tên khác: Piper lolot L
Họ thực vật: Thuộc họ Hồ tiêu - Piperaceae

1. Mô tả, phân bố
a/. Mô tả:
  • Thân cỏ hay bụi nhỏ, đồng chu, cao 30-40 cm, có mùi thơm.
  • Thân màu xanh lục sậm, ở các đốt của lóng phù to, tròn, có rảnh nhỏ và lông mịn.
  • Lá đơn mọc cách, phiến lá gồm 2 dạng, phía dưới rộng hình bầu dục, 2 – 5 cm dài, mặt trên mịn láng, mặt dưới màu xanh lục nhạt có lông mịn trên gân, phiến lá không đối xứng 10-12 cm dài, 8-11 cm rộng, mép lá nguyên, gân lá hình chân vịt với 5 gân gốc, các gân đều cong hướng về ngọn lá.
  • Cuống lá 2-5 cm, hình trụ, lõm ở mặt trên, ở gốc mở rộng, lá bắc rụng sớm, hình tam giác, màu xanh lục, có 2 dạng : một phiến mỏng bao chồi hay là 2 phiến mỏng dài 1-1,5 cm, dính 2 bên đáy cuống rụng sớm để lại một vết sẹo.
  • Cụm hoa, gié hoa cái mọc đối diện với lá, hình trụ, màu trắng, dài 10-12 mm, 3 mm đường kính.
  • Cuống cụm hoa màu xanh lục, hình trụ, dài 10-12 mm, 1-2 mm đường kính, có lông miịn màu trắng.
  • Hoa rất nhỏ, hoa trần, đơn tính.
  • Hoa cái, xếp khích nhau, áp vào trục, lá bắc là phiến tròn nhỏ, bấu noản 3 đến 4 dính nhau tạo thành bầu noản chứa 1 noản, đính ở đáy, hình trứng màu trắng, vòi nhụy như không có nướm 3 ít khi 4 hoặc 5.
  • Trái, quả mộng, chứa một hạt, cô lập như trái tiêu Piper nigrum.L
b/. Phân bố:
  • Đây là loại cây đặc hữu của Ðông Dương mọc hoang và cũng được trồng lấy lá làm rau gia vị và làm thuốc trồng bằng mấu thân, cắt thành từng khúc 20-25cm, giâm vào nơi ẩm ướt.
2. Bộ phận dùng, thu hái
a/. Bộ phận dùng
  • Rễ, cành , lá
b/. Thu hái
  • Có thể thu hái cây quanh năm,đem rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi nắng hay sấy khô dùng dần.
3. Thành phần hóa học:
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại của cây lá lốt và thân cây có chứa :
  • Những alcaloides,
  • Những flavonoides,
  • Và tinh dầu.
Lá và thân chứa các alcaloïdes và tinh dầu, có thành phần chủ yếu là beta-caryophyllen; rễ chứa tinh dầu có thành phần chính là benzylaxetat
Dung dịch trích méthanolique từ lá lốt, đã cho ta thấy hoạt động ức chế kết tập các tiểu cấu ( plaquette ) gây ra bởi acide arachidonique (AA) và là tác nhân kích hoạt tiểu cầu (PAF), đã đưa ra một hoạt động bởi sự cô lập mang lại 12 alcaloïdes amines mới :
  • Piperlotine AL (1-12), cùng với 29 hợp chất được biết đến.
Cấu trúc của lá lốt đã được biết rõ trên căn bản phân tích quang phổ spectroscopique. Những thành phần đã được thử nghiệm để biết hoạt động ức chế kết tập tiểu cầu ở loài động vật thỏ:
  • Các hợp chất piperlotine A,
  • Piperlotine C,
  • Piperlotine D,
  • Piperlotine E,
  • 3-phenyl-1-(2,4,6-trihydroxyphenyl) propan-1-one,
  • 3 - (4-methoxyphenyl) -1 - (2,4,6-trihydroxyphenyl) propan-1-one,
  • 1-trans-cinnamoylpyrrolidine,
  • Sarmentine,
  • Pellitorine,
  • Methyl 3 - phenylpropionate,
  • (10S)-10-hydroxypheophorbide,
  • Một este methyl cho thấy hoạt động mạnh kết tập tiểu cầu
4. Công dụng, cách dùng
Theo y học cổ truyền:
  • Lá lốt có vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống), chỉ thống (giảm đau) yêu cước thống (đau lưng, đau chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu…
  • Lá lốt có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm sưng, giảm đau, chống phong hàn ở mức thấp,tay chân lạnh, tê tê, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu (có lẽ vì thế mà được dùng với thịt bò nướng vốn khó tiêu),đau đầu vì cảm lạnh, đau bụng, tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, chảy nước mũi hôi,
  • Một số nghiên cứu cho thấy đã hỗ trợ trong công tác trị liệu bệnh goutte thống phong. Đến nay chưa thấy một tài liệu nào ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng trong tất cả các thuốc chữa trị sử dụng bằng lá lốt.
Cách dùng
  • Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung… sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, mụn nhọt, đau đầu, đau răng…
Một số bằng chứng cho thấy chữa trị có hiệu quả :
  • Trường hợp đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân, bị mụn nhọt, đau đầu, đau răng.
  • Bệnh thống phong goutte có thể sử dụng lá lốt để chữa trị.
  • (Những thông tin mà người ta nhận được, tin rằng ăn lá lốt có thể điều trị thống phong goutte hoặc giảm đau, cách chữa trị này chỉ có thể tìm thấy ở kinh nghiệm dân gian địa phương hoặc kết quả một số nhất định của bệnh nhân, cần nghiên cứu tiếp.)
  • Lá lốt còn được dùng để nấu nước ngâm tay chân cho người bị bệnh tê thấp, hay đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân.
  • Gần đây, trong y học dân gian người ta sử dụng rất nhiều để điều trị viêm đã được xác nhận của khoa học trong khi những hợp chất trong lá lốt đã được tìm thấy có khả năng ức chế sự kết tập tiểu cầu, một giai đoạn cần thiết trong việc giảm viêm.
Liều dùng:
  • Ngày dùng 6-12 g dạng thuốc sắc.
5. Ứng dụng lâm sàng
a/. Bài thuốc dùng độc vị lá lốt:
  • Chữa đau răng, viêm lợi: Cành lá sắc đặc ngậm trong miệng.
  • Chữa say nắng, giải độc: Lá lốt tươi 50g, lá khế 50g, đậu ván trắng 50g tất cả giã nát, thêm chút nước gạn uống.
  • Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân:
    • Lá lốt tươi 30g, nước 01 lít, đun sôi, thêm chút muối rồi để nguội để ngâm hai bàn tay và chân trong khoảng 3 -5 phút, ngâm trước khi ngủ từ 05 đến 07 ngày.
    • Lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 300ml nước còn 100ml . Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.
  • Chữa tay chân tê ngứa mỏi do phong thấp: Lá lốt 100g sắc nước uống thường xuyên.
  • Chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không đau bụng: Dùng một nắm lá lốt từ 50-100g sắc nước uống ngày 3 lần (Nam dược thần hiệu Tuệ Tĩnh)
  • Chữa đau nhức xương, khớp khi trời lạnh: Lá lốt khô 15g (hoặc 25 – 30g lá tươi), nước 500ml sắc còn 150 ml, uống trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối. Mỗi đợt uống khoảng 10 ngày.
  • Chữa đau bụng do nhiễm lạnh:
    • Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
    • Lấy 5 – 10g lá lốt phơi khô hay 15 - 30 gr lá lốt tươi, sắc kỹ với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Uống liền một tuần.
  • Chữa đau lưng nhức mỏi cơ khớp: Lá lốt rang nóng với muối đầm vào túi vải chườm.
  • Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: Lá lốt tươi 30g tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt uống trong ngày. Dùng bã đun sôi 5 phút với 3 bát nước. Vắt để riêng bã sang bên, dùng nước đó rửa vào chỗ bị tổ đỉa, lấy bã đắp lên rồi băng lại. Làm liên tục 5 đến 7 ngày và 2 lần mỗi ngày.
  • Chữa viêm xoang, nước mũi đặc: Lá lốt 15g, rửa sạch bằng nước muối pha loãng, vò nát rồi nhét vào mũi, ngày làm từ 1 – 2 lần. Làm liên tục hàng ngày sẽ giúp trị chứng viêm xoang, nước mũi sẽ nhanh chóng giảm bớt.
  • Kiết lỵ: Lấy một nắm lá lốt sắc với 300 ml nước, chia uống trong ngày.
b/. Bài thuốc có vị thuốc lá lốt
  • Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt khi trời lạnh: Rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc với 500ml nước còn 300ml, chia uống 3 lần/ngày. Uống trong 07 ngày.
  • Đầu gối sưng đau: Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau, mỗi đợt điều trị là 10 ngày.
  • Chữa phong thấp, đau nhức xương khớp khi trời lạnh:
    • Rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc với 300ml nước còn 150ml uống.
    • Lấy 20 gr lá lốt, 12 gr thiên niên kiện, 16 gr gai tầm xoang, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, chia uống trong ngày. Uống liền trong 1 tuần.
  • Chữa phù thũng do suy thận: Lá lốt 20g, rễ tầm gai, cà gai leo, lá đa lông, mã đề, rễ mỏ quạ mỗi thứ 10g. Tất cả cho vào ấm sắc với 500ml cho đến khi còn 150ml chia uống sau bữa ăn trong ngày, liên tục 3-5 ngày.
  • Chữa đau nhức cơ khớp: Toàn cây Lá lốt, phối hợp Cỏ xước, cây Xấu hổ, tất cả sao vàng mỗi vị 10-15g sắc nước uống nhiều ngày (Bài thuốc kỵ thai).
  • Trị mụn nhọt vỡ mủ lâu ngày không liền miệng: Lá lốt, tía tô, thân cây chanh, lá chanh, lá ráy, mỗi vị 15g. Bỏ vỏ ngoài thân cây chanh, vỏ trong mang phơi khô, giã nhỏ, lấy phần bột mịn rắc vào vết thương. Những dược liệu còn lại rửa sạch, giã nhuyễn, đắp lên chỗ mụn nhọt và băng lại, mỗi ngày đắp 1 lần, trong 3 ngày.
  • Chữa viêm nhiễm âm đạo, ngứa và ra nhiều khí hư: Cho lá lốt 50g, nghệ 40g, 20g phèn chua vào nồi rồi đổ khoảng 1,5l nước, đun lửa nhỏ 10 – 15 phút. Lấy 1 phần nước sắc pha ấm để rửa âm đạo. Phần còn lại đun sôi để xông hơi vào âm đạo rất hiệu quả
  • Chữa viêm tinh hoàn: Lá lốt 12g, bạch truật 12g, lệ chi 12g, bạch linh 10g, trần bì 10g, sinh khương 21g, phòng sâm 6g, sơn thù 6g, hoàng kỳ 5g, cam thảo (chích) 4g. Sắc với 600ml nước còn 200ml, chia ra uống nhiều lần trong ngày.
  • Giải cảm, chữa thương hàn: Hái khoảng 10g lá lốt già thái sợi, nửa củ hành tây, 5 nhánh hành hương nhỏ, 1 tép tỏi, gừng thái mỏng 2g, 50g gạo vo sạch. Cho vào 250ml nước nấu thành cháo, tắt bếp rồi cho vào 1 quả trứng gà khuấy đều để ăn. Sau khi ăn, lau sạch mồ hôi và tránh gió.
  • Giải độc, rắn cắn, say nấm: Lá lốt, lá đậu ván trắng, lá khế rửa sạch, mỗi loại 50g, giã nát, thêm chút nước rồi vắt lấy nước cốt, cho người bị rắn cắn uống, uống ngay trong lúc đang chờ đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế, bệnh viện.
c/. Món ăn chế biến cùng lá lốt
Trong nghệ thuật nấu ă, lá lốt sử dụng nhiều hình thức, chúng có thể dùng chưng với tất cả thứ gì ăn được, lá lốt không dừng lại ở sự tưởng tượng của người đầu bếp nấu ăn.
Lá lốt sống hầu như không có mùi vị gì, mùi hương thoảng chỉ phát triển khi được nấu chín. Những món ăn với thịt bò, như là lá lốt cuốn chung quanh thịt bò khi nướng, thịt bò sẽ có mùi thơm đặc biệt, món ăn đặc sản ở Việt Nam, gọi là bò cuốn lá lốt, và những thức ăn khác với lá lốt …..chiên xào, nướng, nấu canh, hoặc cắt nhỏ xào với thịt bò, heo …..
  • Món cháo: 30g cành nụ lá lốt khô, 30g hồ tiêu, 12g quế mang tán mịn mỗi lần dùng 9g bột. Nấu nước hành hành tươi, gạt bỏ bã, cho gạo tẻ vào nấu cháo. Cho bột thuốc vào lúc cháo chín và ăn khi đói. Món cháo này giúp chữa đầy bụng khó tiêu, trị hàn thấp, hư hàn.
  • Món đầu chân dê hầm: 4 cái chân dê, 1 cái đầu dê làm sạch nấu chín với nước. Cho vào 30g lát lốt, 30g gừng tươi, 50g hành trắng, 10g hạt tiêu, đậu xị lượng vừa đủ, gia vị và muối ăn. Để nhỏ lửa nấu chín nhừ, chia ra ăn nhiều lần trong ngày. Món này tốt cho cơ thể suy nhược, đau quặn bụng, tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng, chậm tiêu, kém ăn, bệnh mạn tính.
  • Sữa bò sắc lá lốt: 200ml sữa bò, 30g lá lốt tươi thái nhỏ, cho vào nấu lên uống khi đói. Món ăn này tốt cho người trung tiện nhiều lần trong ngày hay bị đầy trướng bụng tăng sinh hơi.
  • Chả thịt: Khi làm chả rán, cho thêm ít lá lốt băm cùng thịt, dùng lá lốt cuốn ngoài thịt khi rán. Món ăn này rất thơm ngon và được nhiều người ưa thích.
  • Món om: Khi nấu om cá, thịt, chuối hay cà cho thêm lá lốt vào khiến món ăn thêm thơm đậm đà rất hấp dẫn.
  • Bên cạnh những món ăn trên, lá lốt còn để chế biến rất nhiều món ăn khác như ghẹ kho, gà cuộn, cà pháo xào, trứng rán, thịt viên chiên, thịt heo mọi xảo sả ớt, cá linh cuốn lá, gần bò, thịt bò xào, rạm rang, canh trai, thịt trâu xào, chứng vịt chiên, thịt heo rừng xào, thịt mọi nướng, chả ốc, cá gói lá chiên không dầu, canh mít non, mực hấp gừng lá, món canh thịt bò, nấm tràm xào, nem, chứng cá chiên, canh ốc nấu khế, cà tím xào, canh lòng me, ếch xào măng, ốc om chuối đậu,… và rất nhiều món khác nữa.
Lời tâm sự:
  • Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
  • Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
  • Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
  • Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Nguồn: Tổng hợp
Bùi Gia.