CÂY TÍA TÔ
Tên thường gọi: Tía tô còn có các tên như é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím).
Tên khác : Folium Perillae Fructescentis
Họ thực vật: Họ hoa môi (Lamiacae)
1. Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Tía tô không chỉ là cây gia vị mà còn là cây thuốc nam quý. Cây dạng thảo, cao 0,5- 1m. Lá mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám. Hoa nhỏ màu trắng mọc thành xim co ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối, 4 tiểu nhị không thò ra ngoài hoa. Quả bế, hình cầu. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông. Loài tía tô mép lá quăn (Perilla ocymoides L. var. bicolorlaciniata) có giá trị sử dụng cao hơn.
- Phân bố: Mọc hoang hoặc trồng nhiều nơi trong cả nước và châu Á. Cây ưa sáng và ẩm, thích hợp với đất thịt, đất phù sa. Tía tô ra hoa kết quả nhiều, sau khi quả già, cây tàn lụi, hạt giống phát tán ra xung quanh, đến mùa mưa ẩm năm sau mới nảy mầm. Cây được trồng bằng hạt. Mùa hoa tháng 7-9, mùa quả tháng 10-12
2. Bộ phận dùng, thu hái:
a/. Bộ phận dùng:
- Tô diệp: Lá cây tía tô sấy hoặc phơi khô
- Tô ngạnh: Cành già, cành non của Cây tía tô phơi khô
- Tô tử: Quả chín của Cây tía tô sấy hoặc phơi
- Lưu ý: Mỗi bộ phận có cách sử dụng và hiệu quả điều trị khác nhau.
b/. Thu hái
- Tô diệp (lá) : Thu hoạch vào mùa hạ, khi cành lá mọc xum xuê, bỏ lá sâu, để riêng lá hoặc nhánh non, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô. Loại bỏ tạp chất và cành già, phun nước cho mềm, thái vụn, phơi khô.
- Sau khi gieo hạt 2 tháng, có thể thu hoạch ( khoảng tháng 3,4). Lúc thu hoạch chỉ nên hái là già rồi sau đó hái lại sau 1 tháng.
- Sau khi hái lần 1 cần chăm bằng nước pha thêm nước tiểu, hoặc dùng dầu khô giã bé và bón vào gốc cây xới đất. Một cây chỉ nên hái 2,3 lần lá, sau khi hái giữ cây nguyên để sau đó có thể thu hoạch quả. Tuy nhiên những cây sau khi hái lá lại ít hạt hoặc hạt bị nhỏ và kém vì vậy những cây này thường được chặt sau khi được hái.Cành thu được sau khi chặt ra được dùng để làm thuốc gọi là tô ngạnh.
- Tử tô tử (quả) : Thu hoạch vào mùa thu, loại tạp chất, phơi khô.
- Quả tía tô sao: Lấy quả tía tô cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi có mùi thơm hoặc nổ đều, lấy ra để nguội, khi dùng giã dập.
Quả tía tô
3. Thành phần hóa học:
- Tía tô chứa 0,3-0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%.
- Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen, hydrocumin, còn có elsholtziaceton, β-cargophylen, bergamoten và linalool perillaldehyd. Hạt chứa nước 6,3%, protein 23,12%, dầu béo 45,07%, N 10,28%, tro 4,64%, acid nicotinic 3,98 mg/100 g.
- Thành phần dầu béo của hạt gồm acid béo chưa no 3,5-7,6%, oleic 3,9-13,8%, linoleic 33,6-59,4%, acid linolenic 23,3-49% (một số mẫu dầu còn chứa trên 70% acid linolenic).
- Trong cây tía tô có chất màu xám được gọi là este của xyanin clorit C27H31O16Cl. Ngoài ra trong tía tô còn có chất C5H5N5 là chất chứa adenin và acginin C6H14N4O2. Trong hạt cây có 45% đến 50% chất dầu lỏng, mùi vị giống dầu lanh (huilede lin) có màu vàng thuộc dòng dầu khô. Có chỉ số iốt rất cao khoảng 206, chỉ số xà phòng khoảng 189.6, tỷ trọng khoảng 0.93.
4. Công dụng, cách dùng:
- Theo y học cổ truyền: Tía tô có vị cay tính ấm. Quy kinh: vào kinh phế, tỳ
- Công dụng:
- Có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung; giải uất, hoá đờm, an thai, giải độc của cua cá.
- Cành không có tác dụng phát biểu, chỉ có tác dụng lý khí. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai, ngộ độc cua cá.
- Thông thường lá tía tô (tố diệp) có tác dụng là cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, còn có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá.
- Cành tía tô (tử tô tử) có tác dụng chữa ho trừ đờm, hen suyển, tê thấp. Liều dùng hằng ngày: Lá và hạt ngày uống 10g, cành ngày uống 6-20g dưới dạng thuốc sắc.
- Lượng thường dùng trong các bài thuốc từ 4-12g. Dùng độc vị và thuốc tươi có thể nhiều gấp nhiều lần tùy tình hình bệnh lý.
+ Nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, kích thích tiết mồ hôi. + Làm giảm chất xuất tiết của phế quản, làm giảm co thắt cơ trơn của phế quản. Có tác dụng cầm máu.
+ Chất tinh dầu làm tăng đường huyết. Aldehyt tía tô chống thối và ức chế trung khu thần kinh.
+ Nước ngâm kiệt lá tía tô có tác dụng ức chế các loại vi trùng như: Tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lî, trực khuẩn đại tràng.
5. Bài thuốc từ Cây tía tô:
a/. Hương tô tán – Bài thuốc nghiệm phương
Thành phần
- Lá Tía tô 8g
- Hương phụ 8g
- Trần bì 6g
- Cam thảo 4g,
- Gừng tươi 2 lát
Chủ trị: Giải cảm phong hàn: Trường hợp cảm mạo phong hàn sốt gai rét, đau đầu, ngực đầy tức
Cách dùng: Đem các nguyên liệu cùng 300ml nước, sắc lấy nước uống, có thể xông lúc thuốc đang nóng tác dụng làm ra mồ hôi.
b/. Tam tử dương thân thang – Bài thuốc nghiệm phương
Thành phần:
- Tô tử 6-12g
- La bạc tử 8-12g
- Bạch giới tử 6-8g
- Gia vị (thường kèm theo thuốc thanh nhiệt hoặc nhuận phế)
Chủ trị: Tiêu đờm giảm ho: Trường hợp ho do ngoại cảm phong hàn, chữa các chứng bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp mạn ho nhiều đờm.
Cách dùng: Đem các nguyên liệu cùng 300ml nước, sắc lấy nước uống.
c/. Tử tô ẩm – Bài thuốc nghiệm phương
Nguyên liệu:
- Tô ngạnh 8g - Đương qui 12g, - Bạch thược 12g
- Xuyên khung 8g, - Đảng sâm 12g, - Trần bì 8g,
- Đại phúc bì 8g, - Cam thảo 4g, - Sinh khương 8g
Chủ trị: Lý khí an thai: Trường hợp phụ nữ có mang thai động đau bụng, đau lưng ngực, buồn nôn dùng bài.
Cách dùng: Đem các nguyên liệu, sắc lây nước vừa đủ để dùng.
d/. Một số kinh nghiệm dùng Cây tía tô khác:
- Kiện vị cầm nôn: Trường hợp nôn ọe, ăn không tiêu, đầy bụng kèm nôn (dạng hư hàn) dùng nước sắc lá tía tô uống với viên Hương sa lục quân tử 6-8g có tác dụng cầm nôn, hết đầy bụng. Trường hợp nôn thai nghén dùng nước sắc Tô ngạnh uống tốt
- Giải độc cua cá: Giã lá tía tô vắt nước uống, hoặc nước sắc lá khô 10g uống lúc nóng. Thường ngày ăn ốc cua hoặc gỏi cá nên kèm ăn rau sống có lá Tía tô. Bài thuốc Tử tô giải độc thang gồm Lá tía tô 10g, Gừng tươi 8g, sinh Cam thảo nước 600ml, sắc còn 200ml uống nóng chia 3 lần trong ngày.
- Chữa sưng vú: Ngoài ra có kinh nghiệm dùng Lá tía tô chữa sưng vú (lá tía tô 10g sắc nước uống, bã đắp vú.
- Rửa bên ngoài trị chàm lở bìu dái hoặc dùng nước sắc lá tía tô còn nóng rửa trị chàm lở bìu dái.
- Chữa mẩn ngứa, làm đẹp da: Vò nát lá tía tô vào nước tắm, bã lá tía tô có thể đắp vào vùng da bị ngứa.
- Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.
- Chữa các chứng chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy: Lấy nhiều lá tía tô cho vào nồi đun gạn bỏ bã, cô đặc thành cao. Lấy một ít đậu đỏ rang vàng, tán nhỏ trộn với cao trên rồi viên thành từng hạt nhỏ để uống, mỗi lần 50 viên. Thuốc này sẽ hạn chế được phần nào sự chảy máu.
Lưu ý:
- Tía tô là vị thuốc được đông phương y dược xếp vào loại giải biểu (làm cho ra mồ hôi) thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh) cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.
- Lá tía tô có tác dụng giải cảm phong hàn, giải độc, cành có tác dụng như lá nhưng ít hơn, có tác dụng an thần, còn hạt (Tô tử) chủ yếu là hành khí hóa đờm. Trường hợp biểu hư tự ra mồ hôi không dùng.
Nguồn: Tổng hợp
Lời tâm sự:
- Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
- Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
- Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
- Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Bùi Gia.