Cây gừng - Cây thuốc vườn nhà

Gừng được trồng để làm cây gia vị cho các món ăn, làm thuốc trị được nhiều bệnh thường ngày,nôn ói, lạnh bụng, kích thích tiêu hóa chống đầy hơi và hỗ trợ bệnh viêm khớp, dùng làm thảo dược chống nhức đầu chóng mặt. Ngoài ra, gừng còn được trồng chậu làm cây cảnh trong sân vườn.

CÂY GỪNG
Tên thường gọi: Cây gừng, Sinh khương, Can khương, Bào khương
Tên khác: Zingiber
Họ thực vật: Zingiberaceae

1. Mô tả, phân bố:

  • Gừng là cây thân thảo lớn không có hình dạng nhất định, có thể cao đến 1,8m; đây là cây sống đa niên thân ngầm dưới đất. Thân rễ thường phân nhánh dài từ 3-7cm, dày 0,5-1,9cm; nhánh xòe ra như hình bàn tay gần trên cùng một mặt phẳng. Rễ lấy chất dinh dưỡng từ đất,còn lại tích trữ dạng phình to ra tạo thành củ. Củ gừng có màu vàng, mặt ngoài củ có màu trắng tro , trên thân củ có đốt tròn và vết nhăn dọc rõ rệt. Củ gừng có mùi thơm, vị cay.
  • Lá gừng mọc so le, không có cuống, lá có dạng hình mác với gân giữa hơi trắng khi vò có mùi thơm.
  • Cây gừng có cán hoa dài khoảng 21cm, mang cụm hoa hình bông gồm nhiều hoa mọc sít . Tràng hoa màu vàng xanh, có thùy gần bằng nhau, cánh môi của hoa ngắn hơn các thùy của tràng có màu tía . Nhị hoa có màu tím. Sau tàn, cây gừng sẽ đậu quả, dạng quả mọng.
  • Cây được trồng khắp nơi để làm gia vị và làm thuốc

2. Bộ phận dùng, thu hái
  • Bộ phận dùng làm thuốc của cây Gừng là thân rễ (rhizome Zingiberis).
  • Thu hoạch vào mùa đông. Đào lấy những củ gừng già, loại sạch đất cát, củ giống cùng rễ con.
  • Nếu dùng tươi gọi là sinh khương, dùng gừng khô gọi là can khương (độ ẩm không quá 13%, tro toàn phần không quá 6%, tạp chất không quá 2%).
  • Gừng đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002)
3. Thành phần hóa học
  • Gừng chứa tinh dầu (2-3%), nhựa dầu (4,2 – 6,5%), chất béo (3%) và chất cay: Zingerol, zingeron, shagaol v.v…
  • Tinh dầu gừng là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, d30: 0,868 – 0,880, nD30: 1,4890 – 1,4894, D30: – 280, đến – 450.
  • Tinh dầu gừng có mùi đặc trưng của gừng nhưng không chứa các chất cay. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: -zingiberen (35,6%, ar-curcumen (17,7%), – farnesen (9,8%); ngoài ra còn có chứa một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic: geraniol (1,4%), linalol (1,3%), borneol (1,4%) v.v…
  • Nhựa dầu gừng có chứa 20 – 25% tinh dầu và 20 – 30% các chất cay. Các chất cay chính có công thức:
  • Các thành phần beta-sesquiphellandrene và (-) - zingi berene cao nhất trong gừng tươi, và phân hủy khi sấy và lưu trữ. Điều này lý giải vì sao y học cổ truyền Trung Quốc ưu tiên dùng thân rễ tươi trong điều trị cảm lạnh thông thường. Các gingerols dần dần phân hủy thành shogaols.
4. Công dụng, cách dùng
  • Gừng tươi được sử dụng như một gia vị trong bữa ăn hàng ngày, dùng để chế biến các sản phẩm gừng mặn, mứt gừng và chè gừng.
  • Gừng khô dùng để chế biến gia vị (bột Cary), dùng làm chất thơm trong kỹ nghệ thực phẩm và trong kỹ nghệ pha chế đồ uống.
  • Tinh dầu gừng làm chất thơm trong kỹ nghệ thực phẩm và kỹ nghệ pha chế đồ uống, thường cho vào nhựa dầu gừng để giảm độ cay của nhựa dầu.
  • Nhựa dầu được dùng làm chất thơm và cay trong kỹ nghệ thực phẩm, pha chế đồ uống.
Theo y học cổ truyền:
  • Gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.
  • Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống. Ngoài tác dụng hạn chế bớt tính lạnh của các vị thuốc hàn, cách phối hợp này còn giúp cho tỳ vị dễ hấp thu thuốc và người bệnh khỏi nôn ra đối với những thuốc khó uống.
  • Tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau. Gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, có thể làm ấm tỳ vị. Gừng đốt cháy tồn tính còn gọi là hắc khương. Hắc khương có vị đắng, thường được tẩm đồng tiện, có thể làm ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu.
  • Trong kỹ thuật bào chế, gừng cũng có thể giúp cho thầy thuốc đạt được một số mục đích quan trọng. Sinh địa nấu với gừng sẽ hạn chế bớt tính mát. Bán hạ chế với gừng để giải độc. Một số loại thuốc khác như sâm, đinh lăng... cũng thường được tẩm gừng, sao qua để tăng tính ấm và dẫn vào phế vị, đem lùi: ổi khương...
Sinh khương: củ gừng tươi
  • Có chứa tinh dầu, thành phần trong dầu là: Zingiberol, zingiberene, nonanal, borneol, chavicol, citral, methyheptenone.
  • Tính cay ấm. Có tác dụng tăng cường tuần hoàn huyết dịch, kích thích tiết dịch vị, hưng phấn ruột, xúc tiến tiêu hóa, chữa cảm lạnh, buồn nôn, ho do lạnh.
  • Liều dùng: mỗi lần dùng 4 - 10gr.

Can khương: gừng khô

  • Là củ gừng phơi khô, tính cay ấm.
  • Có tác dụng làm ấm dạ dày, thường dùng để trị tỳ vị hư hàn, trướng bụng đau bụng, thổ tả, ho do đàm lạnh.
  • Liều dùng: mỗi lần dùng 2 - 6gr

Ổi khương, Thán khương

  • Củ gừng đem lùi hoặc nướng thành than tồn tính (bên ngoài cháy đen nhưng bẻ ra thấy trong ruột còn màu nâu vàng và mùi gừng),
  • Tính đắng ấm có tác dụng chỉ huyết (cầm máu) đường ruột.
  • Liều dùng: mỗi lần dùng 2 -4gr

Khương bì: Vỏ gừng khô

  • Là vỏ củ gừng phơi khô, kết hợp bốn loại vỏ khác như trần bì (vỏ quýt), phục linh bì (vỏ nấm phục linh), đại phúc bì (vỏ cau), ngũ gia bì (vỏ cây chân chim) phối thành thang ngũ bì ẩm nổi tiếng chuyên chữa phù thũng có thể dùng được cho cả phụ nữ có thai bị sưng hai chân

5. Một số bài thuốc

  • Điều trị cảm cúm, sốt, nhức đầu, ho hen, đau mỏi khắp người: Gừng tươi giã nát, thêm chút rượu trắng, xào nóng đánh khắp người, xát vào chỗ đau mỏi. Làm cách trên ngày khoảng 2 lần sẽ có hiệu quả ngay.
  • Điều trị chứng hen suyễn: Bán hạ chế 35g, sinh khương 15g, sắc với 3 bát nước, sắc cạn còn 2 bát chia ra 3 lần uống trong ngày.
  • Điều trị chứng buồn nôn do tỳ vị hư: Can khương 10g, trích cam thảo 4g. Đun với 2 bát nước, đun cạn còn 1 bát chia 2 lần uống trong ngày.
  • Đi tả ra nước: Can khương (Gừng khô) tán thành dạng bột, hòa nước cơm uống ngày 2 lần, mỗi lần dùng 3g – 5g bột can khương mà uống.
  • Đi cầu ra máu: Củ gừng khô nướng cháy, tán bột. Mỗi ngày uống với nước cơm 3 tới 5 lần, mỗi lần 2g-4g.
  • Điều trị huyết áp thấp: Dùng củ gừng tươi (hoặc củ khô) pha trà uống hàng ngày, đặc biệt vào lúc bụng đói.​
Nguồn: Tổng hợp
Lời tâm sự:
  • Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
  • Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
  • Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
  • Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Bùi Gia.