Cây húng quế - Cây thuốc vườn nhà

Húng quế nổi tiếng, được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong nấu ăn, tuy nhiên, húng quế còn là vị thuốc vườn nhà tuyệt với với các bệnh thông thường như đau đầu, đau bụng, đau răng, chóng mặt, và một số bệnh tiêu hóa…
Hãy cùng thuochay.net khám phá cây thuốc vườn nhà dễ trồng và dễ sử dụng này.


HÚNG QUẾ

Tên thường gọi: Còn gọi là Rau quế, Húng giổi, É quế, hay Húng chó, Rau é, É tía, Hương thái.

Tên khác: Ocimum basilicum.

Họ thực vật: Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae

1. Mô tả, phân bố

a/. Mô tả

  • Là một cây thảo, thẳng đứng, phân nhánh, có xu hướng tàng nhánh rậm rạp, nhất niên, cao khoảng 0,5 – 1m, thân vuông sống hằng năm, thân nhẵn hay có lông, thường phân cành ngay từ dưới gốc.
  • Lá mọc đối, phiên lá hình thuôn dài bầu dục - nhọn đầu, dài khoảng 2 đến 3 cm, có răng cưa, màu xanh nhạt hay đậm đôi khi màu tím ở một số loài, ít lông hay không, có mùi thơm.
  • Hoa nhỏ màu trắng hay hơi tía, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh với những hoa mọc thành vòng 5-6 hoa một.
  • Quả chứa hạt đen bóng, khi ngâm vào nước sẽ nở phù to ra và có chất nhầy màu trắng bao quanh. Hạt húng quế hay còn gọi là hạt é là một bộ phận của húng quế, hoa húng khi tàn, khô sẽ để lại những hạt, màu đen có kích thước nhỏ, nhưng khi ngâm vào nước thì hạt trương nước nở lớn, nguyên nhân là do lớp ngoại bì của hạt được bao bởi một lớp hoặc nhiều lớp tế bào có chứa nhiều chất nhờn « mucilage », đây là một chất đường polysaccharides được dự trử trong thành vách tế bào. Vì thế cho nên khi tiếp xúc với nước, chất nhờn trương nở, màng tế bào vở ra, chất nhờn được phóng thích tan trong nước.

b/. Phân bố

  • Người ta cho rằng cây này vốn nguồn gốc ở Ấn Độ và Trung Quốc, hiện nay được trồng ở nhiều nước nhiệt đới, ở miền Bắc nước ta được trồng làm gia vị, miền Nam người ta thu hái qủa để lan cho mát và giải nhiệt gọi là hạt é.

2. Bộ phận dùng, thu hái

a/. Bộ phận dùng

  • Để làm thuốc người ta chỉ hái lá và ngọn có hoa hoặc hạt, phơi hay sấy khô.
  • Để cất tinh dầu người ta hái toàn cây, cất tươi hay để hơi héo mới cất.

b/. Thu hái

  • Thu hái sau khi trông từ 40 -45 ngày, có thể thu hái quanh năm.

3. Thành phần hóa học

  • Toàn cây chứa tinh dầu (0,02 – 0,08%) có hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa. Tinh dầu có mùi thơm của sả và chanh. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol methyl – chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.
  • Mùi của húng quế rất hăng mạnh là do dẫn chất eugénol, hương vị húng quế phản ảnh phần lớn chất citral đã gây ra những hiệu ứng như trong nhiều loài cây thuộc họ Lamiaceae.
  • Húng quế ( origanum vulgaire ), chứa một lượng lớn (E)-béta-caryophyllène (BCP), có thể được sử dụng trong chữa trị « bệnh viêm sưng ruột » và viêm khớp

Trong 100g húng quế có:

Năng lượng

22 kilocalo

Chất xơ

1,6 gram

Protein

3,15 gram

Vitamin A

264 microgram

Riboflavin

0,076 miligram

Vitamin B6

0,155 microgram

Choline

11,4 miligram

Vitamin E

0,8 miligram

Canxi

177 miligram

Mg

64 miligram

Photpho

56 miligram

Natri

4 miligram

Carbohydrate

2,65 gram

Chất béo

0,64 gram

Nước

92,06 gram

Vitamin B1

0,034 microgram

Vitamin C

18 miligram

Vitamin K

414,8 microgam

Sắt

3,17 gram

Mangan

1,148 miligram

Kali

295 miligram

Kẽm

0,81 miligram

4. Công dụng, cách dùng

Theo y học truyền thống: Húng quế vị cay nóng, thơm dịu, có tác dụng

  • Điều chỉnh khả năng miễn dịch, chống ho (giúp kiềm chế trung tâm ho, hạn chế số lượng các cơn ho) và làm long đờm (giúp tống đẩy đờm ra khỏi ngực) là những công dụng giúp húng quế trở thành phương thuốc dân gian hiệu quả cho những căn bệnh như ho, cảm lạnh hay bệnh có liên quan đến đường hô hấp bao gồm viêm phế quản cấp tính và mãn tính.
  • Kháng khuẩn và chống nấm, giúp đánh bại tình trạng nhiễm khuẩn có liên quan đến các rắc rối ở đường hô hấp.
  • Làm dịu tình trạng sung huyết vì chúng có chứa những hợp chất như camphene, eugenol và cineole trong tinh dầu của mình.
  • Tác dụng chống dị ứng và kháng viêm còn hỗ trợ cho việc điều trị những căn bệnh dị ứng ở đường hô hấp. Húng quế là một trong những loại thuốc lợi tiểu và khử độc rất tốt cho thận. Chúng làm giảm lượng axit uric trong máu (một trong những lý do chính gây bệnh sỏi thận là do tình trạng dư thừa của axit uric trong máu), giúp làm sạch thận.
  • Lá húng quế có công dụng chống căng thẳng. Một kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ cho thấy húng quế giúp duy trì mức bình thường của cortisol - hormon gây stress trong cơ thể. Chúng làm dịu thần kinh, điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu và đánh bại các gốc tự do vốn là một yếu tố quan trọng gây stress. Giàu chất chống oxy hóa, húng quế được cho là có thể giúp làm ngừng quá trình phát triển của bệnh ung thư vú và ung thư miệng (do nhai thuốc lá). Những hợp chất có trong loại rau này sẽ ngăn máu chảy về các khối u bằng cách tấn công vào những mạch máu nuôi sống chúng.
  • Húng quế có khả năng sát trùng, diệt nấm mốc, kháng khuẩn hiệu quả nên có thể dùng để chữa bệnh sốt. Loại rau này có thể làm dịu nhiều kiểu sốt khác nhau, từ các cơn sốt có liên quan đến những căn bệnh nhiễm khuẩn thông thường đến bệnh sốt rét. Theo y học cổ truyền của người Ấn Độ, để cắt cơn sốt, người bệnh cần uống nước sắc từ lá húng quế.
​Nghiên cứu ngày nay cho thấy, húng quế còn có tác dụng
  • Chống co thắt hệ tiêu hóa mạnh, ( làm loãng 10% đến 20% tinh dầu húng quế trong dầu thực vật hạt dẻ noisette, dầu mè sésame …) xoa bóp trên nhóm tế bào thần kinh nằm giữa ức và rốn.
  • Làm tráng kiện sung sức và lấy lại sinh khí,
  • Thuốc bổ hệ thần kinh, (tonique du système nerveux)
  • Thuốc bổ hệ tiêu hóa, (Tonique digestif),
  • Thuốc bổ hệ gan-mật (hépato-biliare)
  • Chống viêm sưng (anti-inflammatoire)
  • Chống đau (Anti-douleur)
  • Kháng khuẩn trung bình
  • Chống siêu vi khuẩn mạnh (Antiviral puissant)
  • Chống co thắt mạnh mẽ,
  • Và các bệnh nhiễm nhiệt đới và virus viêm gan.
  • Gần đây, người ta có rất nhiều nghiên cứu vào sự lợi ích cho sức khỏe, bằng các loại tinh dầu được tìm thấy trong cây húng quế.

Những nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng hợp chất hóa học trong cây húng quế có đặc tính :

  • Chống oxy hóa mạnh,
  • Kháng siêu vi khuẩn virus,
  • Và có đặc tính kháng sinh,
  • Có tiềm năng để sử dụng trong chữa trị bệnh ung thư.
  • Hạt húng quế dùng làm nước giải khát tác dụng chữa chứng: rôm sảy, thanh nhiệt, thông tiện, thường chữa chứng ho khan, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt, có thể uống nhiều lần không độc.
  • Tinh dầu húng quế còn được sử dụng như là một liệu pháp dưỡng da và dưỡng ẩm tóc. Sử dụng tinh dầu húng quế còn rất hiệu quả trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá và bệnh vẩy nến

Cách dùng:

Húng quế được sử dụng để chủ trị các bệnh :

  • Hệ thần kinh : Nhức đầu, chóng mặt, căng thẳng thần kinh, cuồng loạn, lo lắng, mệt mỏi, chán nản, mất ngủ, trầm cảm, suy nhược, tinh thần giảm sút.
  • Hệ tiêu hóa và nội tạng : Chứng hành kinh khó, viêm gan bởi virus hépatites virales và tắc nghẽn gan congestions hépathiques, các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, nôn mửa, viêm dạ dày, chứng nuốt hơi
  • Hệ cơ và khớp : Chuột rút và vặn cơ, phong thấp, viêm khớp, viêm gân, bệnh giật cơ, đau cơ, chuột rút ở bụng dưới, co rút hệ tiêu hóa - gan- ruột.
  • Hệ hô hấp : viêm phế quản, ho, bệnh suyễn, vảy cá ở tròng mắt
Liều dùng:
  • Đối với hạt: từ 6-12g hạt vào nước thường hay nước đường , đợi cho chất nhầy nở ra rồi uống.
  • Đối với lá: từ 15 – 25g lá tươi, ăn sống hoặc sắc uống.

5. Ứng dụng lâm sàng của Húng quế

a/. Những bài thuốc dùng độc vị húng quế

  • Chữa đau bụng quặn thắt (do sự co bóp của dạ dày): Dùng 2 nhánh nhỏ, ngâm trong một tách ( chén ) lớn nước đun sôi, trong 10 phút., thêm đường mât ong vào. Uống 3 đến 4 tách / ngày.
  • Chữa mất ngủ, hồi hợp, lo âu, đau đầu, chóng mặt:: Lá và hoa khô húng quế khoảng 20g, hãm với 1 lít nước, ngày uống 2 – 3 chén, có thể pha thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống.
  • Chống lại chứng đau thận: dùng húng quế ngâm trong nước đun sôi, lúc bụng đói buổi sáng, uống thay thế cà phê ( nếu có uống ) trong thời gian khoảng 1 tháng.
  • Sử dụng bên ngoài cơ thể : dùng để xoa bên ngoài ( pha loãng 1% tinh dầu húng quế trong dầu thực vật):
    • Trường hợp dạ dày co thắt: xoa nhóm tế bào thần kinh nằm giữa ức và rốn
    • Trường hợp mệt mỏi, trầm cảm: xoa dọc theo đường xương sống
  • Giảm cholesterol: Húng quế tươi 5g, ăn sống với bữa cơm hoặc hãm với 100ml nước uống hằng ngày.
  • Chữa dị ứng, mẩn ngứa: hạt húng quế (hạt é) 3g – 6g ngâm nước cho hạt nổi nhầy, giã với 20 – 30g lá, lọc lấy nước uống, bã xoa chỗ ngứa.
  • Tăng tiết sữa: Lá húng quế 10g sắc với 1.000ml nước, làm nước uống hằng ngày.
  • Chữa đau răng, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy: 15g cành lá tươi húng quế sắc uống.
  • Phòng cảm cúm, đau nhức chân tay: ăn khoảng 3g rau húng quế với bữa cơm hằng ngày.
  • Sổ müi, khó tiêu, ỉa chảy: 15g cành lá Húng quế sắc với 300ml còn 150 ml, uống trong ngày.

b/. Bài thuốc có vị húng quế:

  • Chữa ho: Húng quế, húng chanh, xương sông, mỗi loại 5g. Giã giập với ít muối và ngậm.
  • Chữa táo bón: Hạt húng quế 5-10g, rau mồng tơi 50g, nấu với khoảng 1,5 lít nước, ăn như canh.
  • Viêm họng: Húng quế 20g, củ rẻ quạt 6g, gừng tươi 5 lát, đun nhanh với 350ml nước còn khoảng 250ml, và chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
  • Đầy bụng: Húng quế 20g, gừng tươi 5 lát, sắc lấy nước dùng trong ngày.

c/. Món ăn với rau húng quế

  • Húng quế loại rau ăn kèm phổ biến tại nước ta, mục đích ngoài tăng độ hấp dẫn, thơm ngon của món ăn, còn để làm tiêu và dịu những đồ ăn chiên xào, cay nóng, khó tiêu và đồ ăn nhiều đạm.
6. Lưu ý khi sử dụng vị thuốc húng quế
  • Dùng với số lượng lớn hạt húng quế có hại cho hệ thần kinh và não bộ.
  • Eugenol là thành phần chính trong rau húng quế, việc sử dụng quá nhiều húng quế có thể dẫn đến quá liều Eugenol, gây ngộ độc cho cơ thể với các triệu chứng ho, thở gấp và có lẫn máu trong nước tiểu.
  • Người bị tiểu đường hay có tiền sử bị hạ đường huyết, nên cân nhắc khi sử dụng rau húng quế, không nên ăn quá nhiều trong thời gian dài.
  • Người đang sử dụng thuốc chống loãng máu nên hạn chế ăn rau húng quế.
  • Phụ nữ mang thai nên hạn chế sử dụng, vì húng quế có thể có thể kích thích các cơn co thắt tử cung không mong muốn hoặc bỏ qua các cơn co thắt khi đến kỳ sinh nở.

Tinh dầu húng quế rất mạnh, cho nên :

  • Không dùng trực tiếp dầu nguyên chất trên da, có thể bị kích thích, đau, ngứa da ( dermocaustic ) ở dạng nguyên chất pha thật loãng với dầu thực vật khác.
  • Không sử dụng trong 3 tháng đầu mang thai và ở những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Không được uống tinh dầu nguyên chất.

Lời tâm sự:

  • Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
  • Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
  • Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
  • Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Bùi Gia.