Húng chanh là vị thuốc quý đơn giản giúp trị cảm cúm, sốt cao, viêm họng, khản tiếng, chảy máu cam,…rất hiệu quả trong những ngày trở gió. Hãy cũng thuochay.net tìm hiểu về vị thuốc quý vườn nhà dễ kiếm, dễ sử dụng này.
CÂY HÚNG CHANH
Tên thường gọi: Húng chanh, Rau tần, Tần dày lá, Rau thơm lông, Dương tô tử, Sak đam ray
Tên khác: Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng (Coleus amboinicus Lour.),
Họ thực vật - Lamiaceae.
1. Mô tả, phân bố:
- Mô tả: Cây húng chanh là một cây thuốc nam quý. Dạng cây thảo có thể sống nhiều năm, cao 20-50cm, phần thân sát gốc hoá gỗ. Lá mọc đối dày mọng nước, hình trái xoan rộng, dài 3-6cm, rộng, mọc thành bông ở ngọn thân và đầu cành, gồm những vòng hoa dày đặc, cách quãng nhau. Quả nhỏ, tròn, màu nâu, chứa 1 hạt. Toàn cây có lông rất nhỏ và có mùi thơm như mùi chanh. Mùa hoa quả tháng 4-5.
- Phân bố: Cây có gốc ở quần đảo Môluýc (miền Malaysia) và đã có mặt nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipin…Cây được trồng nhiều tại Việt nam dùng làm gia vị và làm thuốc.
2. Bộ phận dùng, thu hái:
- Bộ phận dùng: Lá và ngọn non - Folium et Gemma Plectranthi.
- Thu hái: Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi, dùng đến đâu hái đến đó. Lúc trời khô ráo, hái lá bánh tẻ, loại bỏ các lá sâu hay lá già úa vàng, đem phơi nắng nhẹ hay sấy ở 40-45oC đến khô ( lá tươi được khuyến khích dùng nhiều hơn)
3. Thành phần hóa học:
- Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol;
- Còn có một chất màu đỏ là colein, có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột
4. Tác dụng dược lý
- Tinh dầu có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn. Năm 1961 phòng đông y Viện vi trùng có nghiên cứu tác dụng khánh sinh của tinh dầu húng chanh đối với các loại vi khuẩn theo phương pháp Rudat và thấy tinh dầu húng chanh có tác dụng khánh sinh mạnh đối với vi trùng Staphyllococcus 209 P. Salmonella typhy, Shigella flexneri – Shigella sonnei, Shigella dysenteria (Shiga) Subtilis, Coli pathogene, Coli bothesda, Streptocuccus, Pneumocuccus, Diphteri và Gengou (Y học thực hành, 11-1961).
- Cao nước có tác dụng ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn và tụ cầu vàng.
5. Vị thuốc húng chanh
- Tính vị: Húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc.
- Quy kinh: Vào 3 kinh tì, phế, vị.
- Tác dụng: Ôn phế, trừ đàm, tân ôn, giải biểu.
- Công dụng: Phát tán phong hàn, lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, làm thông hơi, giải độc, hành khí, thanh nhiệt, tiêu viêm, hóa thấp, cầm ói. Colein trong lá có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.
- Lá và ngọn non thường được dùng trị cảm cúm, ho hen, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi, nôn ra máu, đổ máu cam, còn dùng chữa viêm họng, khản tiếng
- Liều lượng: Lá tươi 15 - 20g cho sắc uống, hoặc xông, hoặc vắt lá tươi uống. Thường dùng lá tươi.
6. Một số bài thuốc độc vị dùng húng chanh:
6.1. Nước ép lá trộn với đường là một loại thuốc gây trung tiện mạnh, cũng dùng trị ho và chứng khó tiêu.
6.2. Chữa cảm cúm, ho, viêm họng, khản tiếng:
- a/. Lá húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt, thêm chút muôi rồi uống.
- b/. Lá húng chanh 20g, giã nát hoặc thái nhỏ, đường phèn 20g, chưng cách thủy lấy nước uống làm 2 lần trong ngày.
- Đối với trẻ em, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.
- Mỗi ngày uống một thang, liên tục trong 3 - 5 ngày.
6.3. Chữa các chứng cảm hàn, ho, đau đầu, đau gáy, miệng đắng, sốt không ra mồ hôi.
- Lá húng chanh tươi 40 - 60g, rửa sạch, băm nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng vào vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín.
- Nấu nồi nước xông thật sôi, khi nước sôi độ hai phút mới cho bát húng chanh vào, đậy kín vung, nấu sôi, đem cho bệnh nhân xông; khi xông chùm chăn kín, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác, nằm nghỉ ở chỗ kín gió.
- Chú ý: chỉ dùng cho người lớn, không nên dùng cho trẻ em dễ bị bỏng.
6.4. Chữa đau bụng do lạnh:
- Lá húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.
6.5. Chữa ong đốt sinh đau nhức: H
- Húng chanh 20g, muối ăn vài hạt, tất cả đem giã nhỏ, nuốt ít nước, bã đắp vào chỗ ong đốt.
6.6. Chữa dị ứng nổi mề đay:
- Cho 15g lá húng chanh, giã nát thêm một chút muối, lấy ít nước uống, còn lại đắp hoặc sát lên chỗ bị dị dứng (kinh nghiệm dân gian).
7. Một số bài thuốc có vị thuốc húng chanh:
7.1. Chữa sốt cao, không ra mồ hôi:
- Lá húng chanh 20g, lá tía tô 15g, gừng tươi 5g cắt lát mỏng, cam thảo đất 15g. Sắc 500ml nước còn khoảng 300ml, uống nóng cho ra mồ hôi. Ngày uống 01 thang.
7.2. Chữa chảy máu cam:
- Lá húng chanh 20g, lá trắc bá sao đen 15g, hoa hòe sao đen 10g, cam thảo đất 15g. Sắc với 500 ml nước còn khoảng 300 ml, uống ngày một thang. Lá húng chanh đem vò nát, nhét vào bên mũi chảy máu.
7.3. Hen suyễn có đờm:
- Húng chanh 10g, lá cây bỏng 10g, cả 2 loại lá này đem ép nước uống khi đi ngủ.
8. Cách dùng húng chanh ở một số nước
8.1. Ở Philippines
- Lá húng chanh tươi, giả nát đắp bên ngoài vết phỏng. Những lá chết thâm tím dùng trường hợp bò cạp hay rết chích. Ngoài ra còn dùng đắp trên màng tang và trán chữa trị nhức đầu, sử dụng dùng băng lưới ( bandage ) để giử khỏi rơi. Lá ngâm trong nước sôi hay dưới dạng nước đường sirop dùng như : chất mùi và thuốc tống hơi, dùng cho chứng khó tiêu ,và cũng là toa thuốc cho bệnh hen suyễn.
8.2. Ở Trung Quốc
- Những người Trung hoa sử dụng nước ép lá húng quế với đường, chữa trị : ho cho trẻ em, suyễn và viêm phế quản, động kinh, các rối loại co giật . Lá được nhai ngậm trong miệng chữa trị : vết nứt ở góc của miệng, tưa miệng hay đẹn đau đầu, chống sốt như xoa bóp. Dùng để chữa trị đau bàng quang và đường tiểu và tiết dịch âm đạo.
8.3 Ở Ấn Độ
- Người dân dùng húng chanh như lá gia vị Người dân Ấn dùng húng chanh làm gia vị thức ăn, lá húng chanh có hương vị rất mạnh và có tác dụng bổ sung gia vị tuyệt vời cho thịt và gà …. Lá húng chanh thái nhỏ, có thể sử dụng cho những món ăn đặc biệt nhất là thịt bò, thịt cừu và thịt heo rừng.
- Ở Ấn Độ, lá Húng chanh dùng chữa bệnh về đường tiết niệu và rỉ nước âm đạo. Nước ép lá trộn với đường là một loại thuốc gây trung tiện mạnh, cũng dùng trị ho và chứng khó tiêu.
8.4 Ở Malaixia
- Ở Malaixia, người ta dùng lá nấu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ nóng, lá tươi giã ra lấy nước cốt cho trẻ em bị sổ mũi uống. Dùng ngoài lấy lá giã ra đắp trị nẻ môi, đau bụng, đau đầu và dùng xoa lên người khi bị sốt.
Nguồn: Tổng hợp
Lời tâm sự:
- Bạn đọc thân mến, sức khỏe là điều đáng quý, hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những căn bệnh thông thường do sự thay đổi của thời tiết gây ra. Một số bệnh có thể đến rồi tự đi, một số bệnh được chữa rất đơn giản chỉ bằng những cây thuốc vườn nhà dễ kiếm, những bài thuốc dân gian rất hiệu quả, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc tốt mà chi phí thấp, ai cũng có thể chú ý làm được.
- Hãy cùng thuochay.net chia sẻ, đóng góp cho nền y dược nước nhà những cây thuốc hay, những bài thuốc quý, những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc hiệu quả như vậy, vì sức khỏe thế hệ con cháu chúng ta, và cũng vì một nền y dược Việt Nam lành mạnh, nghiêm túc.
- Kiến thức y học là vô hạn, trong quá trình soạn thảo và biên tập, chúng tôi không khỏi thiếu sót. Rất mong những bài viết, chia sẻ, góp ý của bạn đọc gửi tới để chúng tôi hoàn thiện hơn, hiện thực hóa thành những kiến thức, tri thức để lại cho sau này, và để cho chúng ta ai cũng có thể tìm được khi cần.
- Tri thức được chia sẻ là tri thức tồn tại mãi, bằng tất cả lòng chân thành, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có, để cho dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Trân trọng !
Bùi Gia.