Tổng hợp về vi khuẩn kháng kháng sinh

Thế nào là kháng kháng sinh, cơ chế hoạt động của vi khuẩn kháng kháng sinh, vì sao vi khuẩn kháng kháng sinh lại là mối đe dọa cho loài người thêm một lần nữa...Hãy cùng thuochay.net tìm hiểu về vấn đề này.

I. CƠ CHẾ KHÁNG KHÁNG SINH CỦA VI KHUẨN

Kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng không những tồn tại mà còn sinh sản ra những thế hệ vi khuẩn mới, cũng có đặc tính kháng thuốc và hóa chất điều trị nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh hoạt động như thế nào?
Kháng sinh hoạt động để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Chúng là những sinh vật đơn bào có kích thước vài phần nghìn milimét, sinh sống và gây viêm nhiễm ở đâu đó trong cơ thể chúng ta. Khi được đưa vào cơ thể, kháng sinh sẽ tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh theo các cơ chế chính:
- Tấn công trực tiếp thành tế bào, khiến chúng mất khả năng tự bảo vệ khỏi môi trường
- Can thiệp vào quá trình tổng hợp protein
- Tàn phá các quá trình trao đổi chất
- Ngăn chặn sự tổng hợp DNA và RNA
Khi một vi khuẩn kháng thuốc, chúng có khả năng vô hiệu hóa một phần hoặc toàn bộ các cơ chế này của kháng sinh theo các cách dưới đây:
1. Xây dựng hệ thống phòng thủ
- Khi không muốn gặp một ai đó, bạn tránh mặt họ, chặn số điện thoại và mọi hình thức liên lạc khác. Vi khuẩn kháng thuốc sử dụng một chiến lược tương tự đối với kháng sinh. Chúng thay đổi tính thẩm thấu của màng tế bào. Bằng cách này ngăn chặn hoàn toàn hoặc hạn chế cho phép kháng sinh xâm nhập được vào trong tế bào để phá hủy tổ chức của chúng.
- Một chiến lược khác của vi khuẩn là chúng cho phép kháng sinh vào bên trong. Nhưng sẽ tạo ra một số phân tử giống như vệ sĩ gác cửa. Chúng sẵn sàng tống cổ kháng sinh ra khỏi tế bào ngay khi bước vào. Một số vi khuẩn sử dụng các máy bơm, lấy năng lượng ATP để bắn thuốc kháng sinh ra khỏi cơ thể chúng.
2. Ngụy trang mục tiêu
- Nhiều kháng sinh làm việc bằng cách chọn một mục tiêu cụ thể của vi khuẩn, ví dụ như bộ phận sản xuất protein của chúng. Sau đó, kháng sinh cô lập bộ phận này khiến vi khuẩn không thể sử dụng chúng và chết vì thiếu nguồn cung protein.
- Để đối phó với diễn biến này, vi khuẩn thay đổi cấu trúc của các bộ phận mục tiêu để kháng sinh không còn nhận ra nó. Về cơ bản, dù cho kháng sinh có vào được tế bào, nó cũng không biết làm gì khi các mục tiêu đã được ngụy trang và không nhận ra nổi.
3. Phản công lại kháng sinh
Đây là chiến thuật kháng kháng sinh cực đoan nhất. Thay vì chỉ sử dụng hệ thống phòng thủ và ngụy trang, vi khuẩn sản xuất một số loại enzyme để chiến đấu trực tiếp với kẻ thù của mình. Chúng làm giảm hoặc bất hoạt hoàn toàn tính kháng khuẩn của thuốc. Ví dụ như enzyme beta-lactamse được sản sinh bởi một số vi khuẩn đã đánh bại hoàn toàn penicillin.

Tất cả những chiến thuật trên đều rất tinh tế, nhưng làm thế nào mà vi khuẩn có thể học được điều này?
Trên thực tế, đội quân vi khuẩn có số lượng rất lớn và không phải con nào cũng giống con nào. Tuy nhiên, phân tử thuốc kháng sinh thì giống hệt nhau, chúng không đạt đến sự đa dạng như vi khuẩn. Trong hàng triệu vi khuẩn, có xác xuất tồn tại một vài cá thể tự nhiên có khả năng sử dụng một trong số 3 chiến thuật trên để kháng thuốc.
Khi kháng sinh đã tiêu diệt hết toàn bộ những vi khuẩn nhạy thuốc, các cá thể vi khuẩn kháng thuốc tiếp tục tồn tại và sinh sản. Thế hệ sau của chúng sẽ thay thế những vi khuẩn đã chết và chúng hoàn toàn kháng thuốc.
Dù vi khuẩn học được cách kháng thuốc theo hình thức nào, chúng cũng sẽ truyền lại khả năng này cho thế hệ tiếp theo.
- Một kịch bản khác, vi khuẩn có thể học được các chiến thuật trên bằng cách truyền cho nhau những đoạn mã DNA. Trong đó có chứa cách để ngụy trang một cơ quan hay tạo ra enzyme chống lại kháng sinh.
- Một vi khuẩn thông thường có thể nhận gen mã hóa này thông qua nhiều cách. Ví dụ, trong quá trình biến nạp, chúng nhận DNA trần từ một vi khuẩn khác. Hoặc khi một vi khuẩn kháng thuốc chết và nổ tung, chúng giải phóng các mảnh DNA vào môi trường. Các vi khuẩn khác sẽ “nhặt” chúng lại và tái tạo thành các gen kháng thuốc.

- Không may rằng dù cho vi khuẩn có học được cách kháng thuốc theo bất kì hình thức nào, chúng cũng sẽ truyền lại khả năng này cho thế hệ tiếp theo. Đó là hệ quả cơ bản của ý tưởng chọn lọc tự nhiên trong thuyết tiến hóa của Darwin được gọi là “sự sống sót của kẻ thích nghi tốt nhất”.
- Kết quả cuối cùng là chúng ta phải chiến đấu với một quần thể vi khuẩn kháng thuốc, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các công ty dược phẩm e dè trong việc phát triển kháng sinh mới, bởi cứ sau một vài năm vi khuẩn kháng thuốc bắt đầu xuất hiện.
- Tuy nhiên, không phải vậy mà con người sẽ thua trong cuộc chiến này. Hiện tại, chúng ta đang có khoảng 100 loại thuốc kháng sinh khác nhau. Hiểu rõ cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn, các nhà khoa học một mặt vẫn sẽ tiếp tục điều chế thêm các loại kháng sinh mới. Mặt khác, họ cũng đang đi tìm những phương pháp tiêu diệt vi khuẩn “nhờn thuốc”, ví dụ như sử dụng công nghệ nano hứa hẹn đưa nhân loại ra khỏi cơn ác mộng của kháng kháng sinh.
II. KHI CHƯA CÓ THUỐC KHÁNG SINH, CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO ?
Bạn đau họng, bạn tìm ngay đến kháng sinh để uống. Vậy bạn có tưởng tượng ra cảnh không tồn tại kháng sinh để chữa bệnh đau họng hay bât kì bệnh nào khác? Cảnh đó tệ hại hơn bạn tưởng nhiều.
- Một tương lai đen tối ám đầy mụn nhọt và ho lao, những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục sẽ giết chết bạn và những bệnh tật hiếm thấy xuất hiện sẽ hoành hành trở lại.
- Một báo cáo cho thấy rằng các bệnh nhiễm trùng đang dần kháng được mọi loại thuốc kháng sinh mà chúng ta vẫn sử dụng. Chúng ta càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, vi khuẩn sẽ càng nhanh tiến hóa để thích nghi và chống lại những loại kháng sinh này. Và cứ như vậy, những con vi khuẩn tiến hóa này sẽ tiếp tục lan truyền bệnh, bên cạnh đó chúng sẽ “dạy lại” những con vi khuẩn khác phương pháp phòng vệ để chống lại các loại kháng sinh.
Vậy thì trước đây, cuộc sống của con người ra sao khi chưa tồn tại thuốc kháng sinh?
- Ngày nay, những bệnh lây truyền qua đường tình dục thì có thể được giải quyết đơn giản bằng một chuyến đi tới phòng khám và một đơn thuốc kháng sinh. Nhưng trong quá khứ, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Những bệnh như thế không hề có thuốc chữa và thường dẫn tới tử vong.
- Chữa bệnh lao bằng phương pháp chuẩn mực nhất: đó là hít khí trời.
- Bệnh lao truyền nhiễm qua việc người bệnh ho hoặc hắt hơi, phát tán vi khuẩn ra không khí. Căn bệnh lao quái đản này đã từng lây lan rất mạnh tại Vương quốc Anh.
- Chủ yếu bệnh lao sẽ tấn công vào phổi của bệnh nhân nhưng nó cũng có thể để lại di chứng trên rất nhiều bộ phận khác, gồm có các tuyến (tuyến nội tiết, tuyến giáp, …), xương và cả hệ thần kinh.
- Nhờ có thuốc kháng sinh, mà bệnh lao không còn hoành hành ở thời điểm hiện tại nữa.
Vào cái thời “hỗn mang” đó, một vết giấy cắt cũng có thể gây chết người, bất kì vết thương hở nào cũng có thể nhiễm trùng, thậm chí cả việc làm phẫu thuật tưởng chừng như cứu sống được bệnh nhân cũng có thể khiến bệnh nhân chết vì nhiễm trùng.
- Trong một tương lai có vẻ cũng nguy hiểm như quá khứ không có thuốc kháng sinh, bât kì một hành động thúc đẩy hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ đều rất nguy hiểm. Ví dụ như việc điều trị ung thư bằng phóng xạ hay việc ép thuốc kháng sinh vào hệ miễn dịch mỗi khi thực hiện những ca phẫu thuật ghép tạng.
- Việc sinh đẻ cũng cực kì nguy hiểm, trước khi thuốc kháng sinh ra đời.
- Việc các bà mẹ và những đứa trẻ mới sinh thiệt mạng là chuyện không hiếm gặp, cho đến những năm 1930, khi mà kháng sinh ra đời. Ngày nay, nguy cơ phụ nữ tử vong trong lúc sinh con đã giảm đi 40 tới 50 lần so với 60 năm về trước.
Việc không có thuốc kháng sinh quả là cực kì nguy hiểm, vậy có cách gì cứu vãn không?
- Tất nhiên là có. Các công ty dược đang liên tục cố gắng sản xuất ra những loại thuốc kháng sinh mới. Mặc dù mọi chuyện không dễ dàng như thế, từ những năm 1980 cho tới nay, vẫn chưa có một loại thuốc kháng sinh mới nào ra đời.
- Nhưng có vẻ như có một chút kì vọng ở loại thuốc kháng khuẩn mới. Các nhà khoa học đang tạo ra một loại hợp chất hữu cơ kháng khuẩn, thậm chí một số còn được tạo từ các loài côn trùng!
- Và bên cạnh đó còn có những tia hy vọng từ công nghệ nano, những cỗ máy siêu nhỏ sẽ thâm nhập vào cơ thể ta và tiến hành loại bỏ vi khuẩn.
- Bên cạnh sự cố gắng của các bác sỹ, những người nông dân chăn nuôi cũng góp phần vào cuộc chiến chống kháng kháng sinh này. Châu Âu đã cấm việc cho gia súc và gia cầm sử dụng thuốc kháng sinh để kích thích tăng trưởng. Mặc dù vậy việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn xảy ra trên toàn cầu, đó là một trong những lý do tại sao siêu khuẩn kháng kháng sinh đã xuất hiện tại Trung Quốc.
- Các bác sỹ đang chịu áp lực cực lớn khi mà không được phân phát thuốc kháng sinh với số lượng lớn cho bệnh nhân, điều mà mọi bác sỹ vẫn làm “như cơm bữa” trước đây. Kháng sinh được đưa vào sử dụng kể cả đối vỡi những trường hợp nhiễm bệnh do virus, mà những bệnh do virus gây ra thì không thể chữa khỏi bằng kháng sinh được.
Bản thân mỗi chúng ta đều có thể làm nên sự khác biệt, khi bác sỹ khuyến cáo bạn hãy sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều lượng đúng số ngày yêu cầu, bạn hãy tuân thủ theo đúng những gì bác sỹ dặn. Đừng dừng lại ngay khi bạn thấy khỏe hơn, việc đó sẽ giúp ngăn chặn việc vi khuẩn phát triển khả năng kháng lại thuốc.
- Và nếu bạn không muốn những loại vi khuẩn đó tấn công mình, hãy nghiêm ngặt với bản thân hơn về vấn đề vệ sinh cá nhân. Bắt đầu bằng hành động nhỏ nhất là rửa tay trước khi ăn.

III. Trước khi có thuốc kháng sinh, loài người đối phó với vi khuẩn bằng cách nào?
Thực tế, việc điều trị nhiễm trùng đã được thực hiện từ thời cổ đại, nhưng chắc chắn chúng không thể hiệu quả như cách điều trị bằng kháng sinh hiện đại.
- Rất nhiều chuyên gia y tế đã công nhận rằng sự phát triển của kháng sinh và các liệu pháp kháng sinh khác được cho là thành tựu lớn nhất của y học hiện đại. mặc dù vậy, việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích của kháng sinh đã dẫn đến kháng thuốc ở không ít chủng vi khuẩn và virus nguy hiểm ví dụ như Staphylococcus aureus kháng methicillin, Enterococcus kháng vancomycin và Enterobacteriaceae kháng carbapenem.
- Thực tế, việc điều trị nhiễm trùng đã được thực hiện từ thời cổ đại, nhưng chắc chắn chúng không thể hiệu quả như cách điều trị bằng kháng sinh hiện đại. Tuy nhiên, trước tình hình vi khuẩn tỏ ra lì llờm hơn với hầu thế các loại kháng sinh thông dụng, không ít người đã đề nghị quay lại với những cách đối phó vi khuẩn kiểu truyền thống. Vậy việc xử lý nhiễm trùng trước khi kháng sinh phát triển trong những năm đầu thế kỷ 20 như thế nào?
1. Máu, đỉa và dao
- Chích máu đã được sử dụng như là một phương pháp điều trị phổ biến trong hơn 3.000 năm qua. Phương pháp này có nguồn gốc từ Ai Cập vào thời điểm khoảng năm 1000 TCN và được sử dụng cho đến giữa thế kỷ 20.
Thực tế, hầu hết các văn bản y tế từ thời cổ đại cho đến những năm 40 của thế kỷ trước đều ghi nhận chích máu đã được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là những viết thương có nguy cơ nhiễm trùng trong những cuộc chiến. Cuối năm 1942, Sir William Osler - một bác sỹ nội khoa có tiếng thời đó - đã đề cập đến phương pháp chích máu đối với điều trị viêm phổi trong ấn phẩm tái bản lần thứ 14 mang tên "Các nguyên tắc và thực hành y học", cuốn sách giáo khoa ưu việt mang tính lịch sử của ngành y tế.
- Phương pháp chích máu dựa trên một lý thuyết y học cổ đại cho rằng cơ thể con người sẽ có trạng thái thể chất tốt nhất nếu 4 chất dịch cơ bản gồm máu, đờm, mật đen và mật vàng có được sự cân bằng. Các trường hợp nhiễm trùng vốn được cho là do sự dư thừa của máu trong cơ thể, do đó máu phải được lấy từ người bệnh nhân để đảm bảo tính cân bằng đó.
Một trong những cách thức thực hiện phổ biến nhất là sử dụng dao để mổ một vết ở tĩnh mạch hoặc động mạch, nhưng đây không phải là cách duy nhất. Bên cạnh đó, giác hơi cũng là một phương pháp quen thuộc với những nền văn minh như Trung Quốc hoặc Việt Nam, khi đó các ly thủy tinh nóng được đặt trên da, tạo ra một chân không, phá vỡ các mạch máu nhỏ và làm chảy máu dưới da các vùng lớn. Thậm chí, một số thầy thuốc hồi đó còn sử dụng đỉa để hút máu cho dù cách này được đánh giá là khá ghê rợn.
- Một điều khá kỳ lạ là mặc dù việc chích máu phải do các bác sĩ khuyến cáo và xác nhân nhưng công đoạn thực hành lại được thực hiện bởi các thợ cắt tóc. Thời đó, chích máu luôn được coi là một phương pháp chống nhiễm trũng rất hữu ích, ít nhất là đối với một số loại vi khuẩn xuất hiện trong giai đoạn đầu của quá trình nhiễm trùng. Nhiều vi khuẩn cần sắt để nhân rộng, và sắt được vận chuyển trên huyết sắc tố, một thành phần của hồng cầu. Về lý thuyết, ít hồng cầu dẫn đến thiếu sắt để duy trì sự lây nhiễm của vi khuẩn.
2. Giang mai và thủy ngân
- Giang mai (syphilis) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) gây ra. Đường lây truyền của bệnh giang mai hầu như luôn luôn là qua đường tình dục, mặc dù có những ca thí dụ về bệnh giang mai bẩm sinh do truyền từ mẹ sang con trong tử cung hoặc khi sinh.
Mặc dù được chứng minh là một chất kịch độc, thủy ngân và không ít loại hóa chất khác đã được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng vết thương và bệnh giang mai. Điển hình như iodine, bromine và các hợp chất chứa thủy ngân được sử dụng để điều trị vết thương bị nhiễm trùng và hoại tử trong cuộc nội chiến Mỹ.
Đặc biệt, bromine được sử dụng thường xuyên nhất, nhưng gây ra cảm giác rất đau đớn đối với binh sỹ khi bôi tại chỗ hoặc tiêm vào vết thương, thậm chí cách thức này có thể gây tổn thương mô. Những phương pháp điều trị này có tác dụng gây ức chế quá trình sao chép ADN của tế bào vi khuẩn, nhưng chúng cũng có thể gây tổn hại cho các tế bào bình thường của con người.
- Thủy ngân và hợp chất của nó vốn được sử dụng để điều trị bệnh giang mai trong khoảng thời gianh từ năm 1363 đến năm 1910. Chúng có thể được dùng để đắp vào da, uống hoặc tiêm. Dĩ nhiên, thủy ngân là chất kịch độc nên các tác dụng phụ của nó gồm: viêm da, viêm niêm mạc, tổn thương thận và não, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, các hợp chất thạch tín như Arsphenamine cũng được sử dụng trong nửa đầu thế kỷ 20, mặc dù có hiệu quả nhưng tác dụng phụ gồm: viêm thần kinh thị giác, co giật, sốt, tổn thương thận và phát ban.
- Rất may là vào năm 1943, loại kháng sinh đầu tiên của thế giới - penicillin đã thay thế các phương pháp điều trị này và hiện là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh giang mai ở tất cả các giai đoạn.
3. Thuốc hay trong vườn nhà
- Trải qua nhiều thế kỷ, các loại thảo dược luôn được đánh giá là có khả năng điều trị các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhưng vẫn chưa có một đánh giá tổng quát thực sự thông qua các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát trên cơ thể người mà chủ yếu dựa vào kinh nghiêm sử dụng.
- Một trong những hợp chất có nguồn gốc thảo dược dùng để điều trị nhiễm trùng nổi tiếng là quinine, được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét. Nó được tách từ vỏ cây cinchona có nguồn gốc ở Nam Mỹ. Ngày nay chúng ta sử dụng một dạng tổng hợp của quinine để điều trị căn bệnh này. Trước đó, vỏ cây cinchona được sấy khô, nghiền thành bột và trộn với nước để uống. Việc sử dụng vỏ cây cinchona dùng làm thuốc để điều trị sốt đã được mô tả bởi các giáo sĩ truyền đạo trong những năm 1600, mặc dù có thể nó đã được sử dụng sớm hơn nhiều bởi những người bản địa.
- Bên cạnh đó, hợp chất artemisinin, được tổng hợp từ cây Artemisia annua (ngải tây ngọt), cũng có khả năng điều trị sốt rét rất hiệu quả. Nhà khoa học người Trung Quốc, Tiến sĩ Youyou Tu, đã phân tích các tài liệu y học của Trung Quốc từ thời cổ đại để xác định rằng các chất chiết xuất từ ​​cây Artemisia annua có tác dụng ức chế sự sao chép ADN của ký sinh trùng sốt rét ở động vật rất hiệu quả. Thậm chí, tiến sỹ Youyou Tu đã nhận giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2015 cho việc phát hiện ra artemisinin.
IV. CHÚNG TA SẼ RA SAO KHI VI KHUẨN KHÁNG KHÁNG SINH ?
Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới.
- Năm 1928, penicillin, loại kháng sinh đầu tiên được tìm ra bởi một nhà sinh học người Scotland, Alexander Fleming. Ông được coi là người đã mở ra kỷ nguyên vàng của kháng sinh trong y học. Nó được gọi là thần dược của tây y, khi đã cứu hàng triệu người bệnh mỗi năm khỏi cái chết gây ra bởi nhiễm khuẩn.
- Tuy nhiên, câu chuyện tuyệt vời ấy dường như đang đi đến hồi kết. Sau hơn 70 năm kháng sinh được đưa vào y học, thời đại hoàng kim của nó đã không còn được duy trì. Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới. Cơn ác mộng này mang tên "kháng kháng sinh", và xuất phát từ chính sự lạm dụng thuốc của con người.
1. Tại sao kháng kháng sinh là một cơn ác mộng với loài người?
- Nếu bạn quay lại trước những năm 1943, khi thuốc kháng sinh chưa xuất hiện, mọi cái chết xung quanh chúng ta không đến từ ung thư hay bệnh tim mạch. Con người sẽ chết vì các vết thương khi bị ngã, trúng đạn, tai nạn lao động… Phần lớn những vết thương dẫn đến nhiễm trùng và kết thúc cuộc sống của một ai đó.
- Tuy nhiên, tất cả thay đổi sau khi Fleming tìm ra penicillin. Nhiễm trùng được coi là án tử, đột nhiên lại có thể chữa trị chỉ sau "một cái búng tay" với kháng sinh. Giống như một phép lạ vậy, điều đó mở ra một kỷ nguyên vàng son cho thuốc tây y. Những viên kháng sinh được coi là thần dược.
- Cho tới nay, đã hơn 70 năm trôi qua, và chúng ta nghi ngờ rằng có mấy khi một thời kỳ vàng son của điều gì có thể kéo dài đến vậy. Chẳng còn sớm nữa để nghĩ về sự sụp đổ của thời đại kháng sinh, khi vi khuẩn đang ngày càng kháng thuốc:
Nói về một nền văn minh hiện đại, chúng ta hay tưởng tượng đến nhà máy điện, máy vi tính, thiết bị cầm tay… Nhưng mấy ai biết rằng kháng sinh là một trong những trụ cột đang chống đỡ thế giới ấy. Nếu thời đại kháng sinh sụp đổ, nền văn minh sẽ rung chuyển như thế nào?
- Đầu tiên, chúng ta sẽ mất hết lá chắn phòng vệ cho những người có hệ miễn dịch yếu. Họ bao gồm bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV, trẻ em đẻ non… Điều này đồng nghĩa với cái chết của tất cả những con người này.
- Tiếp đến, kỹ thuật phẫu thuật của loài người bị vô hiệu hóa. Nhiều ca phẫu thuật được yêu cầu sử dụng kháng sinh phòng ngừa. Khi kháng sinh mất tác dụng, phòng phẫu thuật của bệnh viện như không có mái che.
Chúng ta sẽ không thể mổ tim, ghép thận, đưa ống thông cho bệnh nhân đột quỵ… Chúng ta không thể phẫu thuật dù chỉ đơn giản là chỉnh lại khớp gối. Không thể đẻ mổ, và dù cho trong những bệnh viện hiện đại nhất, cứ 100 sản phụ sẽ có 1 người tử vong.
- Nhiễm trùng gây ra nỗi sợ hãi từ những bệnh tầm thường. Viêm họng liên cầu gây suy tim. Viêm phổi giết chết 3 trong 10 trẻ em mắc bệnh. Nhiễm trùng da đồng nghĩa với phẫu thuật cắt bỏ chi. Hãy nhớ lại trường hợp đầu tiên được điều trị penicillin. Albert Alexander trước đó đã mất một con mắt trong tình trạng da đầu rỉ mủ, chỉ bắt đầu từ việc bị gai xước vào mặt trong khi làm vườn.
- Rồi thì bạn còn dám làm gì nữa khi mà bất cứ tổn thương nào cũng có thể giết người. Bạn có dám đi xe máy, trượt patin, trèo thang để sửa mái nhà hay đặt con bạn chơi đùa dưới sàn nhà?
2. Bao giờ thì những điều này xảy ra?
- Bạn có giật mình không khi biết rằng chúng ta đã ở trong cơn ác mộng này rồi?
- Cho tới ngày hôm nay, loài người có trong tay trên dưới 100 loại kháng sinh. Con số không khác biệt là mấy từ những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng năm 2000, một bệnh nhân người Mỹ đầu tiên được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng ngừa Hoa Kỳ (CDC) xác nhận kháng tất cả các kháng sinh, chỉ trừ hai loại.
Năm 2008, các bác sĩ Thụy Điển phải đối mặt với trường hợp một bệnh nhân Ấn Độ nhiễm trùng mà kháng toàn bộ kháng sinh chỉ trừ 1 loại.
- Nhưng bạn đừng nghĩ đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Mỗi năm, riêng Hoa Kỳ và Châu Âu có khoảng 50.000 người chết vì nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Một dự án được tài trợ bởi chính phủ Anh mang tên “Chương trình Đánh giá Kháng kháng sinh” ước tính tổng số ca tử vong loại này trên thế giới là 700.000 người mỗi năm. Năm 2050, con số sẽ lên đến 10 triệu ca với tốc độ kháng kháng sinh phát triển như hiện nay.
- Bỏ qua những con số, bạn cũng có thể biết được cơn ác mộng đã đến với chính mình và người thân. Thời gian trước đây, triệu chứng tiểu buốt do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng một đơn kháng sinh ngắn ngày. Bây giờ, bạn có thể phải dùng đến vài ba loại thuốc.
- Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng con bạn có nguy cơ nằm trong 25% trẻ em nhiễm trùng đường tiết niệu phải sử dụng 3 loại kháng sinh khác nhau. 25% còn lại phải điều trị với 2 loại thuốc và chỉ còn một nửa trẻ em có thể trị khỏi bằng một loại thuốc duy nhất.
- Ngày 30 tháng 4 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố trong một báo cáo rằng nhân loại thực sự đang ở trong cơn ác mộng của kháng kháng sinh. Nó là một mối đe dọa nghiêm trọng và thách thức y học trong thời điểm này. WHO nói “không hành động ngay hôm nay, tương lai chúng ta sẽ chẳng còn thuốc chữa bệnh”.
Fleming đã biết trước mọi thứ

Alexander Fleming, nhà sinh học người Scotland được coi là cha đẻ của kháng sinh khi ông phát hiện ra penicillin vào năm 1928. Năm 1943, những liều penicillin thương mại đầu tiên được tung ra. Hai năm sau đó, Fleming nhận giải Nobel cho phát hiện của mình.
- Nhưng ngay trong buổi phỏng vấn sau đó, ông đã cảnh báo đến viễn cảnh không vui khi vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. “Những người lạm dụng penicillin ngày hôm nay, họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng penicillin sau này”, Flenming nói. “Tôi hy vọng điều nguy hiểm này có thể được kiểm soát”.
- Và rồi đúng như vậy. Năm 1943, penicillin được tung ra thì năm 1945, vi khuẩn kháng penicillin xuất hiện. Con người lại đi tìm những loại kháng sinh mới. Năm 1972, vancomycin được điều chế, kháng vancomycin xuất hiện năm 1988.
Imipenem ra đời năm 1985 thì đến năm 1998, kháng imipenem xuất hiện. Một trong những loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, daptomycin ra đời năm 2003 thì chỉ 1 năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó.
- Điều này được ví như trò chơi nhảy cừu. Thuốc ra đời, vi khuẩn kháng nó và rồi chúng ta lại đi tìm loại thuốc mới. Nhưng có vẻ như loài người đang hụt hơi khi mà một chủng vi khuẩn mới sinh ra cứ mỗi 20 phút, các công ty dược phẩm thì cần đến cả thập kỷ đế nghiên cứu một loại kháng sinh.
3. Chúng ta có thể làm gì?
- Trước hết, hãy nói về nguyên nhân tại sao vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. Xét dưới góc độ tế bào, nó là việc vật chất di truyền DNA của vi khuẩn được biến đổi để: tránh sự xâm nhập của kháng sinh vào chúng, giúp vi khuẩn tổng hợp enzyme gây bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh, thay đổi con đường chuyển hóa và chúng thải được kháng sinh ra khỏi tế bào.
- Bỏ qua những điều phức tạp này, bạn nên biết đến chính con người đã tiếp tay cho vi khuẩn biến đổi gen của chúng. Đó là những hành động được gọi chung cái tên: lạm dụng thuốc kháng sinh.
Bạn có bao giờ dùng kháng sinh để điều trị bệnh cúm mà không biết nó gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn? Bạn có bao giờ tự ý giảm liều lượng hay thời gian điều trị kháng sinh của bác sĩ xuống một nửa mà không biết điều đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sống sót và tạo gen kháng thuốc?
- Rồi khi chúng ta sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y, sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp, đó là điều kiện cho những vi khuẩn ở động vật kháng thuốc rồi ảnh hưởng tới cả con người. Sử dụng chất diệt khuẩn trong lau rửa thường xuyên cũng tạo ra những dòng vi khuẩn kháng thuốc.
- Cho tới nay, kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề toàn cầu chỉ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt nhưng ai cũng làm thường xuyên như vậy. Những giải pháp toàn cầu cũng sẽ phải được đặt ra. Có thể là chúng ta nên nghiêm cấm hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và ngư nghiệp. Thiết lập một cổng kiểm soát kê đơn kháng sinh để tránh lạm dụng bừa bãi hay xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo kháng thuốc sắp xảy ra…
- Nhưng rồi đó là những điều quá to lớn và cần một nguồn tài trợ không hề nhỏ. Tại sao chúng ta không bắt đầu bằng những hành động của từng cá nhân?
Bằng cách đọc bài viết này, bạn cũng đã góp phần vào nguy cơ giảm kháng kháng sinh xảy ra trong tương lai. Nếu bạn thực sự muốn chung tay cùng nhân loại chiến đấu trong cơn ác mộng chung, dưới đây là một số khuyến cáo mà nên được thực hiện và chia sẻ với mọi người:
a. Đừng bao giờ tự ý sử dụng kháng sinh. Ví dụ như bệnh cúm thông thường do virus, bạn có uống kháng sinh cũng không thể hiệu quả được.
b. Nói chuyện với bác sĩ nếu họ kê đơn kháng sinh cho bạn. Hãy hỏi họ xem liệu có thể điều trị ngoài kháng sinh hay không? Và nếu bắt buộc, loại kháng sinh đó có phù hợp với cơ thể bạn?
c. Tuân thủ nghiêm ngặt liều và thời gian điều trị với kháng sinh của bác sĩ, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã tốt hơn hoặc đã khỏi bệnh. Giảm liều hay dừng điều trị sớm tạo điều kiện cho vi khuẩn tồn tại kháng thuốc và tái nhiễm.
d. Đừng tiết kiệm kháng sinh đã điều trị ở đợt trước để dùng lại. Vứt bỏ chúng, bởi lần sau có lẽ chúng sẽ mất tác dụng.
e. Cùng một bệnh nhưng đừng sử dụng đơn thuốc của người khác. Như đã nói không phải kháng sinh nào cũng phù hợp với bạn.
f. Bỏ ngay thói quen yêu cầu bác sĩ kê kháng sinh cho mình. Họ là những người có kinh nghiệm và nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm trùng, điều trị các triệu chứng với thuốc ngoài kháng sinh là đủ.
V
. KHI NÀO THÌ BẠN CẦN DÙNG TỚI THUỐC KHÁNG SINH - KHI NÀO THÌ KHÔNG ?

Bạn đang ốm. Chẳng rõ mình bị làm sao, nhưng rõ ràng bạn muốn cơn đau đầu và ho dai dẳng này biến mất ngay lập tức. Nên bạn đã tới gặp bác sĩ.
Cho dù những nghiên cứu gần đây đã cảnh báo, bác sĩ vẫn sẽ kê cho bạn kháng sinh, cho dù họ biết rõ nó chẳng hề khiến bạn khỏe lại nhanh hơn.
“Việc sử dụng kháng sinh quá mức đã dẫn tới ‘siêu vi khuẩn,’ và mức độ kháng thuốc của vi khuẩn ngày càng tăng cao,” trích lời Amanda Helberg, một trợ lý bác sĩ tại Phòng khám Scott & White Lago Vista tại Texas.
Ngay trong tuần vừa qua, Tiến sĩ Tom Frieden, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã công bố ca siêu vi khuẩn kháng Colistin đầu tiên tại Mỹ, Colistin được cho là kháng sinh cứu cánh của rất nhiều bác sĩ. Được thông qua sử dụng vào thập kỷ 1950, nhưng bác sĩ đã dừng sử dụng nó vào thập niên 1970 bởi tác dụng phụ rất mạnh.
Tuy đây là trường hợp đầu tiên tại Mỹ, chủng loại vi khuẩn này vốn được phát hiện trong cơ thể con người ở rất nhiều nước Châu Âu, cũng như Canada và Trung Quốc. Frieden đã cảnh báo rằng ta nên sẵn sàng cho nhiều trường hợp nữa trong tương lai và những loại thuốc mới cần phải được phát triển nhanh chóng.
“Một vài bệnh nhân đã không còn thuốc chữa,” Frieden nói. “Ta phải hành động cấp bách nếu không mọi thứ sẽ kết thúc tại đây.”
Mỗi năm, ít nhất 2 triệu người tại Mỹ bị nhiễm những loại vi khuẩn kháng kháng sinh, và có ít nhất 23.000 người tử vong từ những lây nhiễm đó.
“Nghiên cứu đã cho thấy những lây nhiễm thường gặp vốn không cần tới kháng sinh. Tuy nhiên thì ta vẫn luôn dùng chúng,” Helberg nói.
Một điểm mục vào năm 2014 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy số lần bác sĩ kê kháng sinh cho những ca viêm phế quản cấp tính lên tới gần 70%, mặc cho minh chứng hàng thập kỷ đã cho thấy những loại thuốc này không có tác dụng với bệnh hô hấp.
“Cho dù có bằng chứng rõ ràng, chủ trương, đánh giá chất lượng và hơn 15 năm nỗ lực trong giáo dục để chỉ ra rằng tỉ lệ kê đơn kháng sinh nên bằng 0… bác sĩ vẫn tiếp tục kê hàng loạt những loại kháng sinh đắt tiền,” Tiến sĩ Michael Barnett và Jeffrey Linder đã viết.
Hãy bảo vệ ví tiền của bạn bằng việc hiểu biết rõ những loại bênh thông thường nào cần tới kháng sinh và loại nào không:
Cảm lạnh và cúm
Nhiễm trùng đường hô hấp trên, cúm là do virus gây ra. Kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn.
“Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng và không cần tới” cho cảm cúm, trích lời Tiến sĩ John Joseph, một bác sĩ y khoa gia đình tại Phòng khám Scott & White Killeen, Texas.
Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm theo CDC là tiêm vắc xin hằng năm. Nếu bạn bị cúm, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống virus để tăng tốc độ hồi phục.
Cảm lạnh thường kéo dài từ bảy tới 10 ngày, và sẽ tự khỏi nếu bạn nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bạn có thể sử dụng những loại thuốc thông dụng để làm giảm mốt số triệu chứng.
Viêm phế quản
“Nếu một người trưởng thành khỏe mạnh bị viêm phế quản cấp tính thì kháng sinh vốn không cần dùng tới,” Joseph nói.
Nhưng vẫn có ngoại lệ. “Bệnh nhân với những yếu tố phức tạp như khí thủng phổi hay bênh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể sẽ cần tới kháng sinh khi những bệnh nhân đó dễ gặp phải những bệnh nhiễm khuẩn thứ phát,” ông nói.
Nhiễm trùng tai
Tốt nhất nên để bác sĩ của bạn kiểm tra nhiễm trùng tai.
Nguyên nhân có thể đến từ virus hoặc vi khuẩn, và “phương pháp nhanh gọn nhất để xác định nguyên do của nhiễm trùng tai là xét nghiệm chất lỏng trong tai như máu hay mủ tai,” Joseph nói. Tại Mỹ, hầu hết các bác sĩ đều kê đơn kháng sinh thay vì xét nghiệm.
Một vài bác sĩ khuyên rằng nên đợi một thời gian xem nhiễm trùng có tự khỏi hay không, nhưng số khác lại lo ngại rằng không xử lý vi khuẩn có thể gây ra nhiều tổn thương hơn.
Viêm phổi
Viêm phổi có thể do rất nhiều thứ gây ra: vi khuẩn, virus và nấm. Kháng sinh sẽ có tác dụng nếu như bác sĩ đã xác định được chủng loại vi khuẩn gây ra lây nhiễm. Thuốc chống virus cũng có thể được dùng để điều trị viêm phổi do nhiễm virus.
Viêm xoang
Khi xoang bị viêm, lây nhiễm có thể đến từ vi khuẩn, virus hay nấm, hay do dị ứng. Hầu hết trường hợp viêm xoang là do virus, Joseph nói, và không cần tới kháng sinh. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ.
Bác sĩ vẫn có thể kê kháng sinh nếu có những triệu chứng nghiêm trọng bao gồm sốt cao cùng với ngạt mũi và ho có đờm. Kháng sinh cũng cần thiết nếu như bạn cảm thấy ổn nhưng rồi những chiệu trứng lại xuất hiện hoặc lây nhiễm kéo dài hơn một tuần.
Viêm họng
Viêm họng là một loại lây nhiễm do vi khuẩn, vì vậy, ta sẽ cần phải dùng kháng sính. Nhưng chỉ có rất ít trường hợp đau họng là viêm họng thực sự, nên hãy chắc chắn rằng bác sĩ của bạn chẩn đoán đúng.
Lời cuối
“Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn có bệnh,” Helberg nói. “Đừng dùng thuốc cũ cho một bệnh lây nhiễm mới, không dùng chung kháng sinh, và đừng sử dụng kháng sinh cho virus.”
Nguồn: Tổng hợp
Bùi Gia.
Các tin khác: