10 căn bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa thu - đông

Giao mùa là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, dễ làm suy yếu hệ miễn dịch của con người và gây ra một số bệnh.

1. Đau họng
Do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
Triệu chứng: các triệu chứng thường xảy ra bất ngờ như: sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và hay thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amiđan sưng, đôi khi có hạch.
Cách chữa trị: cần đến bác sĩ để kiểm tra họng, chẩn đoán loại bệnh. Bác sĩ sẽ cho uống kháng sinh trong 10 ngày nếu do vi khuẩn. Ở nhiều trường hợp, học sinh có thể đi học sau 1 ngày uống thuốc.

2. Cảm cúm

Cảm cúm là chứng bệnh thường gặp nhất khi thời tiết thay đổi. Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi nóng lạnh, nắng mưa thất thường kéo theo hệ miễn dịch giảm sút khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Nếu thấy có hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt... thì chính là lúc cơ thể bạn đang nhiễm bệnh và cần được nghỉ ngơi.

Cảm cúm và cảm lạnh là hai chứng bệnh khác nhau, tuy nhiên để phòng tránh thì bạn cần tránh tiếp xúc với nguồn vi khuẩn gây bệnh, tăng cường tập thể dục và ăn các loại thực phẩm nâng cao hệ miễn dịch, không nên thay đổi nhiệt độ môi trường quá đột ngột....

3. Bệnh sốt phát ban

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em. Hầu hết trẻ mắc bệnh này trước khi học mẫu giáo, nhưng cũng có những trẻ gặp phải khi học tiểu học.
Triệu chứng: biểu hiện rõ nhất là trẻ sốt và nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.
Chữa trị: bệnh do lây nhiễm virus vì thế không thể làm được gì ngoài việc điều trị những triệu chứng. Con bạn có thể truyền bệnh khi mẩn đỏ chưa xuất hiện, còn khi đã có biểu hiện thì không lây sang người khác nữa.

4. Dị ứng, nổi mẩn

Thời tiết hanh khô cũng là tác nhân gây ra các chứng bệnh về da như khô nẻ, da dị ứng, nổi mẩn đỏ... khắp cơ thể. Sự thay đổi nhiệt độ khi giao mùa khiến cơ thể bạn chưa kịp thích nghi nên dễ mất thân nhiệt ổn định, cơ thể cũng vì đó mà dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh dị ứng khá phổ biến trong thời điểm giao mùa (Ảnh: Internet).
Để không bị bệnh lý về da trong thời điểm này, cần bổ sung axit folic, tránh tắm nước quá nóng và thường xuyên vệ sinh môi trường sống.

5. Viêm màng kết

Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.
Triệu chứng: mắt đỏ và cộm. Đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.
Chữa trị: cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do virus thì bệnh sẽ tự khỏi.

6. Viêm xoang, viêm mũi

Đây là một bệnh lý khá phổ biến, nhất là vào mùa thu. Khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong ra, gây hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau tai...

Tuy căn bệnh này không gây nguy hiểm nhưng thường khó chữa dứt điểm ngay nên sẽ hơi phiền toái và khó chịu với người mắc bệnh. Để phòng bệnh, chúng ta nên tránh hít luồng không khí lạnh, khô, đồng thời tránh không khí ô nhiễm. Nếu có các triệu chứng đau mũi, sổ mũi, nghẹt mũi nên điều trị sớm để tránh dẫn đến bệnh mãn tính.

7. Bệnh thủy đậu

Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này. Bệnh lây lan do người bệnh ho phát tán virus trong không khí và người lành hít phải.
Triệu chứng: triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện sau 10 - 21 ngày từ khi nhiễm virus. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.
Chữa trị: hầu hết các trường hợp mắc bệnh chỉ được điều trị các triệu chứng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chỉ định tiêm vắc-xin phòng thủy đậu.

8. Đau xương khớp

Ngày nay, không chỉ người già mới bị đau xương khớp mà số lượng người trẻ mắc căn bệnh này cũng đang tăng lên. Nguyên nhân có thể kể đến do tuổi tác, thay đổi thời tiết, ảnh hưởng của công việc hoặc chế độ dinh dưỡng thiếu hụt khiến xướng khớp yếu dần đi.

Bệnh đau xương khớp ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Bệnh đau xương khớp thường tái phát trong mùa lạnh với các triệu chứng khó cử động, các khớp xương bị cứng lại, kéo theo hiện tượng toàn thân mệt mỏi, sưng tấy, sốt cao...
Các cách để phòng chống bệnh đau xương khớp trong mùa lạnh đó là giữ ấm cơ thể, giữ cân nặng hợp lý, vận động vừa phải và uống nhiều nước. Không nên lạm dụng thuốc giảm đau tạm thời mà nên điều trị chuyên sâu để có cách chữa trị và vận động phù hợp.

9. Viêm phổi

Thời tiết hanh khô khi sang thu có thể làm phổi bị ảnh hưởng khiến các phế nang bị tổn thương. Lúc này, quá trình dưỡng khí đi vào máu sẽ bị ngừng lại nên ảnh hưởng trực tiếp lên vùng não đầu tiên. Các triệu chứng hay gặp nhất của căn bệnh này có thể kể đến như ho khan, ho khạc đờm, ho ra máu, đờm màu trắng đục, xanh, vàng...

Bệnh viêm phổi trở nặng thậm chí còn có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi. Tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn chặn khả năng viêm phổi do vi rút cúm là phương pháp tốt nhất để phòng bệnh. Ngoài ra nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể và môi trường, ăn những thực phẩm làm tăng sức đề kháng.

10. Bệnh tim mạch

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải làm quen với sự biến đổi khí hậu nên hệ thống tim mạch bị quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng tim, dẫn đến suy tim.

Những người có tiền sử bệnh tim mạch nên đặc biệt cẩn trọng trong thời điểm này trong năm. Cần giữ ấm cơ thể và tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe trái tim là điều cần thiết đối với hầu hết mọi người.
Nguồn: Tổng hợp
Bùi Gia.
Các tin khác: