Bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó diễn tiến âm thầm, ngầm phá hoại các cơ quan trong cơ thể, gây ra biến chứng tại tim, não, thận, mắt, mạch máu.

1. Cao huyết áp là gì?
  • Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, là một tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm tống máu đi quá cao. Nếu áp lực này tăng lên cao theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
  • Một số loại cao huyết áp chính bao gồm: Cao huyết áp vô căn (EHT), hay còn gọi là cao huyết áp tự phát; Tăng huyết áp thứ phát; Cao tăng huyết áp tâm thu; Tiền sản giật, hay được gọi là cao huyết áp thai kỳ.
Bệnh cao huyết áp có chiều hướng tăng lên ở người trẻ Việt Nam

2. Tác hại của cao huyết áp
  • Cao huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc.
- Ước tính, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị cao huyết áp. Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam (BV Bạch Mai), trong năm 2009 tại 8 tỉnh và thành phố, tỷ lệ cao huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên là 25,1% (tức là cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị cao huyết áp). Theo một số nghiên cứu gần đây, tỷ lệ này đang có khuynh hướng tăng lên một cách khá rõ.
- Điều đáng nói, người bị cao huyết áp không có biểu hiện triệu chứng, thậm chí không biết mình bị bệnh. Những con số đáng báo động như: có đến 51,6% người cao huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh; có 38,9% những người đã bị cao huyết áp nhưng chưa được điều trị và có đến 63,7% những người cao huyết áp được điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu < 140/90 mmHg (số liệu của Viện Tim mạch).

3. Huyết áp bao nhiêu là cao ?
Huyết áp được thể hiện qua 2 chỉ số:
  • Huyết áp tâm thu: Áp suất trong động mạch khi tim đang đập (có giá trị cao hơn).
  • Huyết áp tâm trương: Áp lực máu đo được giữa hai lần đập của tim (có giá trị thấp hơn).
- Ý nghĩa bệnh lý của huyết áp lại không chỉ tùy thuộc vào hai trị số vừa mô tả ở trên mà còn tùy theo khoảng cách biệt giữa hai trị số. Khoảng cách biệt này càng rộng càng an toàn cho người bệnh, càng hẹp thì nguy cơ do biến chứng càng trầm trọng.
- Theo GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, gọi là cao huyết áp khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/ hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg. Ở người cao tuổi có thể gặp hình thái tăng huyết áp tâm thu đơn độc, nghĩa là huyết tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg nhưng huyết áp tâm trương vẫn nhỏ hơn 90mmHg.
- Vì huyết áp có thể lên xuống trong những điều kiện nhất định nên để biết một người có bị cao huyết áp hay không thì không thể xác định qua một lần đo mà phải đo nhiều lần trong ngày, thậm chí là trong tháng. Khi đo, bệnh nhân phải tuân thủ những yêu cầu như không hút thuốc lá hoặc uống cà phê 15-30 phút trước khi đo, tinh thần thoải mái... và bác sĩ phải thực hiện đo đúng phương pháp.
Theo Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, tình trạng cao huyết áp được chia làm 4 dạng như sau:
- Tiền tăng huyết áp: 120/80 mmHg hoặc cao hơn;
- Tăng huyết áp độ 1: 140/90 mmHg hoặc cao hơn;
- Tăng huyết áp độ 2: 160/100 mmHg hoặc cao hơn;
- Cao huyết áp cấp cứu: 180/110 mmHg hoặc cao hơn.
Có huyết áp dưới 120/80 mmHg tức là sức khỏe của bạn đang ở mức bình thường, máu lưu thông đều với tốc độ bơm máu trung bình.
3. Nguyên nhân gây cao huyết áp
Tuổi tác là một trong những yếu tố thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
  • Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, khoảng 90% những người bị cao huyết áp là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, có khoảng 10% những người bị cao huyết là do một số nguyên nhân như: hẹp động mạch thận, u tuỷ thượng thận, viêm cầu thận, hẹp eo động mạch chủ, sử dụng không hợp lý một số thuốc…
Ngoài ra, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Chủng tộc: Huyết áp cao đặc biệt phổ biến hơn ở người da đen, bệnh thường phát triển ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng.
  • Lịch sử gia đình: Huyết áp cao có xu hướng di truyền trong gia đình.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Cần lưu lượng máu tăng để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô ở người thừa cân có thể làm tăng áp suất máu lên thành động mạch, tương tự những người không hoạt động, người có nhịp tim cao hơn.
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ: Quá nhiều muối, thuốc lá, rượu hoặc quá ít kali, vitamin D là lý do dẫn các bệnh khác và ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Các nguyên nhân khác: Stress hay bệnh mạn tính nào đó như bệnh thận, bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
4. Dấu hiệu nhận biết dấu hiệu cao huyết áp
  • Cao huyết áp có diễn biến thầm lặng, ít có những biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà nó đem lại thì rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám phát hiện cao huyết áp nhưng trước đó không hề nhận thấy dấu hiệu nào. Một số người thì có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt…
  • Cũng có thể tuỳ bệnh nhân mà cơn cao huyết áp có triệu chứng dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng.
5. Phòng ngừa đột quỵ do cao huyết áp
  • Cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch Quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có cao huyết áp. Vì thế kiểm soát huyết áp vô cùng quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ.
  • Mục tiêu điều trị cao huyết áp thường là để giữ cho huyết áp của bạn dưới 140/90 mmHg. Nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị nghiêm ngặt để giữ cho huyết áp của bạn dưới 130/80 mmHg.
  • Cao huyết áp có thể điều trị bằng thuốc, bằng cách thay đổi lối sống hoặc kết hợp cả hai. Tùy thuộc vào tình trạng cao huyết áp cũng như các bệnh liên quan, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc điều trị tăng huyêt áp như các thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc ức chế beta, thuốc ức chế men chuyển, ARB, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế Renin… Tuy nhiên, việc điều trị như thế nào, dùng thuốc ra sao thì cần có sự thăm khám, chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
  • Ngoài ra, việc thay đổi lối sống như: Giảm muối trong chế độ ăn uống (không quá 1.500mg mỗi ngày - khoảng một nửa thìa cà phê); Tránh thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao; Ăn nhiều trái cây và rau mỗi ngày; Mỗi tuần nên ăn cá 2-3 bữa, ăn sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt; Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và nhiều hơn nếu có thể; Tránh xa thuốc lá… đã được chứng minh có hiệu quả giảm mức huyết áp từ 10-20mmHg. Việc giảm huyết áp với bất kể phương cách nào cũng giúp giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ.
  • Bên cạnh đó, để phòng ngừa đột quỵ, người bị cao huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ theo y lệnh của bác sĩ chuyên khoa. Khi có chỉ định dùng thuốc, đừng nản chí vì có thể phải dùng thuốc suốt đời.
  • Điều nên nhớ là nên khám sức khỏe định kỳ, có kiểm tra số đo huyết áp và làm một số xét nghiệm cơ bản nhất (điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu,…). Đặc biệt lưu ý, không dùng lại toa thuốc cũ nếu trong một thời gian dài không tái khám.
6. Chế độ ăn uống của người cao huyết áp
Người bị cao huyết áp nên giảm lượng muối ăn, không quá 1.500mg - khoảng một nửa thìa cà phê mỗi ngày.
Người bị cao huyết áp, trong vấn đề ăn uống cần lưu ý một số điểm sau:
- Ít ăn thức ăn giàu chất béo, nhất là chất béo động vật, như thịt mỡ, thức ăn chiên, rán.
- Ít ăn thức ăn giàu cholesterol, như nội tạng động vật gồm tim, gan, thận.
- Ăn uống thanh nhạt, không quá mặn.
- Ít ăn đồ ngọt, saccharose, fruitose, glucose đều làm tăng đường máu, mỡ máu, nên ít dùng.
- Tránh hấp thu quá nhiều caffeine, trà đậm, cà phê đậm, ớt…
- Có thể chọn thức ăn bảo vệ mạch máu và tác dụng giảm mỡ như rau cần, chuối, sơn tra, nấm mèo, củ hành, cà chua, hải sâm, tỏi, nấm hương (đông cô), rong biển…, đều có hiệu quả tốt đối với phòng trị bệnh cao huyết áp, xuất huyết não, nhũn não.
- Ăn ít, chia nhiều bữa, không nên ăn quá no, ngày chia ra 4 - 5 bữa.
Nguồn: alobacsy
Bùi Gia.
Xem thêm các bệnh về tim mạch tại www.thuochay.net để biết thông tin khoa học và chính xác.