Cập nhật 4 chiến lược điều trị Herpes

Bệnh Herpes, còn được biết đến với tên mụn rộp, thường xuất hiện ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt, mũi, miệng hoặc da niêm mạc bộ phận sinh dục.

Vi-rút Herpes (Herpes simplex virus-HSV) được phân chia thành 2 loại. HSV1 đại diện cho các dòng thường gây ra chứng loét lạnh, chiếm khoảng khoảng 67% bệnh nhân dưới 50 tuổi trên toàn cầu. Trong khi đó, HSV2, thường được tìm thấy ở các bệnh nhân có mụn rộp ở bộ phận sinh dục, chiếm khoảng 11%. Vấn đề ở chỗ đa số bệnh nhân nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc có các triệu chứng rất nhẹ (khoảng 80% những người bị nhiễm HSV2). Người bị nhiễm sẽ thường có cảm giác ngứa ran, ngứa hoặc nóng rát xung quanh miệng trước khi xuất hiện các vết lở loét. Sau khi lây nhiễm, các mụn nước hoặc loét có thể tái phát theo từng đợt với tần số khác nhau ở mỗi người. Bệnh Herpes không chỉ gây cảm giác khó chịu, mất tự tin, mất thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục của bệnh nhân. Tiến sĩ Patrick French, cố vấn y sinh học tại trung tâm Mortimer Market Centre, London, Anh cho biết: “Công việc quan trọng nhất của chúng tôi là làm giảm tác động tâm lý khi được chẩn đoán dương tính cho bệnh nhân nhiễm HSV”. Nếu bệnh kéo dài, lan rộng sẽ dễ kéo theo các biến chứng nặng liên quan đến thần kinh, ung thư hoặc xảy ra ở những bệnh nhân đặc biệt (sơ sinh, thai phụ, bệnh nhân AIDS, bệnh nhân ghép nội tạng…) sẽ gây nguy cơ đến tính mạng rất cao. Các trẻ sơ sinh bị nhiễm HSV từ mẹ qua nhau thai có nguy cơ tử vong cao. Trong một số ít trường hợp, HSV1 có thể xâm nhập vào não, gây ra viêm não. Mụn rộp ở bộ phận sinh dục cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HIV lên 40%.

Các thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside có thể giúp cải thiện tốt tình trạng bệnh. Đối với những bệnh nhân bị tái phát, thuốc giúp giảm mức độ nghiêm trọng các đợt tái phát và khi dùng hàng ngày liên tục trong một năm, thuốc có thể ngăn chặn bùng phát bệnh. Tiến sĩ Patrick French cho biết các thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside đã được phát minh vào những năm 1980 và vẫn là nền tảng của điều trị. Hiện các loại thuốc như aciclovir, đã được “cải tiến” rất nhiều. Nhiễm trùng Herpes sinh dục có thể vẫn gây “khó chịu” cho bệnh nhân, nhưng các loại thuốc này đã làm giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng.

Tuy nhiên, điều trị hiện nay chỉ hạn chế với các thuốc kháng vi-rút, và chỉ hiệu quả 50% trong việc giảm sự lây truyền. Các bệnh nhân nhiễm HSV có thể vẫn phải dùng thuốc suốt đời, và là gánh nặng mỗi ngày. Các phương pháp điều trị mới là rất cần thiết bởi theo Tiến sĩ Patrick French: “Một phương pháp mới có thể loại bỏ vi-rút tiềm ẩn trong cơ thể là điều tuyệt vời nhất”. Dưới đây là cập nhật về bốn chiến lược điều trị mới đầy hứa hẹn cho bệnh Herpes.

  1. Các thuốc kháng vi-rút mới

Ít người biết Herpes là một trong những “kẻ thù” lâu đời nhất của loài người. Các tổn thương da và sẹo của nó được mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ Hippocrates nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại cách đây hơn 2.300 năm. Tuy nhiên, các “cuộc chiến thực sự” mới được nổ ra vào năm 1982 bằng việc phát minh và sử dụng thuốc aciclovir mang lại hiệu quả ức chế sự nhân lên của vi-rút. Các thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside và dẫn chất của nó là các loại thuốc đầu tiên và vẫn là vũ khí duy nhất chúng ta có chống lại căn bệnh này. Tiến sĩ Patrick French mô tả: với những bệnh nhân liên tục bị các triệu chứng khó chịu, các thuốc này đã “thay đổi cuộc đời” họ.

Tuy nhiên, mặc dù có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng nhiễm trùng, điều trị này vẫn tồn tại “những hạn chế”, Tiến sĩ Anna Wald, một chuyên gia về bệnh Herpes, Đại học Washington, Hoa Kỳ cho biết. Theo Tiến sĩ Anna Wald, vấn đề là khả năng ức chế vi-rút nhân lên của các thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside không đủ “mạnh”. Khi dùng lâu dài, chúng chỉ làm giảm sự lây truyền của vi-rút ở mức 50%. Và các thuốc này không có nhiều ý nghĩa với các trường hợp nhiễm Herpes nặng, có nguy cơ tử vong, chẳng hạn như viêm não và nhiễm Herpes sơ sinh. Một thế hệ thuốc kháng vi-rút mới gọi là nhóm thuốc ức chế men helicase (helicase primase inhibitors) đang được phát triển góp phần cải tiến các lựa chọn sẵn có trong điều trị bệnh Herpes. Nhóm thuốc này ức chế sự nhân lên của vi-rút thông qua một cơ chế khác các thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside.

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của pritelivir, hoạt chất thuộc nhóm thuốc ức chế men helicase, đã được hoàn thành vào năm 2011. Kết quả cho thấy, sử dụng pritelivir với liều hàng ngày 75mg giúp làm giảm sự lan truyền của vi-rút trên nhóm dùng thuốc xuống chỉ còn 2,1% so với 16,6% của nhóm dùng giả dược trong số những bệnh nhân nhiễm HSV2 sinh dục (nguy cơ tương đối 0.13, khoảng tin cậy 95%, 0.04 – 0.38). Tiến sĩ Anna Wald cho biết, nghiên cứu thứ hai tiếp sau đó liên quan tới 91 bệnh nhân so sánh pritelivir với valaciclovir (thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside), đã được hoàn thành vào tháng 7 năm 2013, nhưng kết quả được công bố chính thức. Được biết, một hoạt chất thuộc nhóm thuốc ức chế men helicase khác đang được phát triển bởi một công ty dược phẩm của Nhật Bản và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm III, nhưng cũng chưa có kết quả nào được công bố. Có thể do lo ngại về an toàn chưa giải thích được trên da cũng như các kết quả huyết học khi thử nghiệm trên khỉ, khiến việc sử dụng nhóm thuốc ức chế men helicase trong điều trị Herpes sinh dục “vẫn cần được nghiên cứu thêm.” Nhưng các nỗ lực trên con đường nghiên cứu một lựa chọn mới trong điều trị Herpes ở những bệnh nhân tái phát nặng và nguy cơ cao là rất đáng được ghi nhận.

  1. Vắc-xin điều trị Herpes

Thực tế, đa số hệ miễn dịch của cơ thể đều có khả năng chống lại vi-rút Herpes và khiến chúng tồn tại ở thể ẩn, không gây nguy hại cho sức khỏe. Chỉ một số các cá nhân với hệ miễn dịch không đầy đủ, là cơ hội để vi-rút Herpes bùng phát hoạt động và gây nên các triệu chứng mụn rộp, lở loét. Bởi vậy, một hướng đi khác cho các nhà khoa học là cố gắng bổ sung cho các cá nhân này hệ miễn dịch đầy đủ hơn để đẩy lùi vi-rút Herpes.

Tiến sĩ Seth Hetherington, giám đốc y tế của công ty công nghệ sinh học Genocea, Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ cho biết: “Có một đặc điểm thông minh là đa số các bệnh nhân nhiễm Herpes nhẹ đến vừa có đáp ứng miễn dịch tế bào T hiệu quả.” Các tế bào T của hệ thống miễn dịch được lập trình để nhận diện dấu hiệu nhiễm trùng bên trong tế bào, nơi mà vi-rút Herpes hoàn thành phần lớn vòng đời của nó. Công ty Genocea đã đưa ra giả thuyết rằng để vắc-xin thành công trong việc kiểm soát Herpes, nó sẽ tạo ra đáp ứng tế bào T bên cạnh đáp ứng kháng thể, điều này rất tốt trong việc kiểm soát các dấu hiệu nhiễm trùng bên ngoài tế bào. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là xác định được mục tiêu nào tạo ra đáp ứng tế bào T hiệu quả. Công ty Genocea sử dụng công nghệ độc đáo gọi là ATLAS, giúp kiểm tra và sàng lọc tất cả các protein HSV2 chống lại các tế bào T được tạo ra trong các bệnh nhân Herpes vừa và nhẹ. Sau đó Genocea xác định được một protein Herpes gọi là ICP4. Các bệnh nhân có khả năng tự sản sinh ra các tế bào T nhắm mục tiêu protein ICP4 sẽ có khả năng chống lại bệnh Herpes và có các triệu chứng mụn rộp ở cơ quan sinh dục do HSV2 nhẹ hơn. Vì thế, Genocea đã và đang sử dụng protein này, kết hợp với một kháng nguyên khác tạo ra đáp ứng kháng thể, để phát triển vắc xin điều trị cho HSV2 sinh dục có tên là GEN-003.

Tiến sĩ Seth Hetherington tin vào cơ chế đặc biệt của vắc-xin GEN-003 sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ hệ thống miễn dịch để cơ thể bệnh nhân có một đáp ứng tốt nhất với bệnh Herpes sinh dục. Khoảng 600 bệnh nhân nhiễm HSV2 sinh dục đã tham gia nghiên cứu đánh giá khả năng gây đáp ứng tế bào T và làm giảm hoạt động của vi-rút HSV2 của vắc-xin GEN-003. Trong một nghiên cứu giai đoạn II, được trình bày tại Hội nghị Vi sinh vật học Hoa Kỳ (the American Society for Microbiology) năm 2016 ở Boston, Massachusetts, vắc-xin GEN-003 đã làm khả năng lan truyền vi-rút qua da khoảng 50% trong ít nhất 12 tháng.

Kết quả này tương đương với hiệu quả điều trị đạt được khi sử dụng các thuốc kháng vi-rút tương tự nucleoside hàng ngày – phương pháp điều trị ức chế được cho là hiệu quả duy nhất hiện nay. Nhưng so sánh về tiện ích sử dụng thì GEN-003 có lợi thế hơn. Tiến sĩ Seth Hetherington phát biểu: “Chúng tôi được biết, bệnh nhân khó có thể tuân thủ đầy đủ uống thuốc mỗi ngày,” trong khi nếu sử dụng vắc-xin, chỉ có ba liều được chia đều cách nhau 21 ngày, đem lại hiệu quả phòng ngừa bảo vệ tới 50% trong ít nhất một năm. Do đó GEN-003 có lý do để trở thành một lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong điều trị dài hạn dùng thuốc. Là một bác sĩ thường xuyên điều trị bệnh nhân Herpes, Tiến sĩ Anna Wald, Đại học Washington cho rằng thay vì phải sử dụng thuốc kê đơn hàng ngày, một vắc-xin giúp điều trị Herpes sẽ là một lựa chọn tốt để cung cấp cho bệnh nhân. , Tiến sĩ Anna Wald cho biết thêm, cũng có nhiều công ty đang tiến hành nghiên cứu các loại vắc-xin điều trị Herpes tương tự, chẳng hạn như hãng dược phẩm Sanofi, song Genocea vẫn đang là “người đi xa nhất trên con đường này.”

Vào năm 2016, công ty Genocea đang bắt đầu thử nghiệm kết hợp vắc-xin với các thuốc kháng vi-rút hiện có. Hetherington Genocea cho biết: Đối với những bệnh nhân bị tái phát thường xuyên, mặc dù đã được điều trị hàng ngày bằng thuốc kháng vi-rút, việc bổ sung vắc-xin vẫn có thể là một lựa chọn tốt giúp giảm triệu chứng bệnh. Ông nói: “Sử dụng vắc-xin GEN-003 cũng có thể làm giảm sự lan truyền của virut giữa các đợt tái phát, đây là nguyên nhân chính gây truyền bệnh” mặc dù Genocea chưa có các tính toán đặc biệt liên quan đến hiệu quả của việc ngăn ngừa lan truyền bệnh.

Có thể mất vài năm trước khi bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị bổ sung này. Genocea đang có kế hoạch bắt đầu một nghiên cứu giai đoạn III của vắc-xin GEN-003 trong nửa sau năm 2017. Theo kế hoạch này, công ty sẽ đệ trình đơn xin chấp thuận tới Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA vào cuối năm 2019 và để có thể đưa vắc-xin ra thị trường vào năm 2020. Công ty cũng có định hướng xin chấp thuận và thương mại hóa sản phẩm này ở thị trường Châu Âu, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.

  1. Vắc-xin dự phòng Herpes

Vắc-xin là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại, đã giúp bảo vệ hàng triệu người khỏi các bệnh truyền nhiễm, nhưng chưa phải là Herpes. Mặc dù đã tìm kiếm và thử nghiệm suốt 50 năm, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm được một loại vắc-xin dự phòng hiệu quả. Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline là hãng đầu tiên đã từng phát triển một loại vắc-xin có hiệu quả một phần, có tên là Simplirix. Trong các thử nghiệm lâm sàng được ghi nhận, 58% người tham gia được bảo vệ khỏi vi-rút HSV1 nhưng chỉ có 20% số người tham gia chống lại được vi-rút HSV2. Vì những hiệu quả chưa đạt hỳ vọng, công ty đã tuyên bố ngừng sản phẩm vào năm 2010. Tuy nhiên, một sản phẩm vắc-xin mới đã xuất hiện và các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã cải thiện được những thiếu sót trong các nỗ lực trước đó. Giới chuyên môn cũng bày tỏ sự quan tâm về những dữ liệu được Tiến sĩ Anna Wald, Đại học Washington nhận định là “rất hấp dẫn” của loại vắc-xin mới này.

Nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Y khoa Albert Einstein, New York, Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo vào tháng 8 năm 2016, cho thấy loại vắc-xin mới này cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại nhiều chủng HSV1 và HSV2 ở chuột. Giáo sư. Tiến sĩ William Jacobs, nhà vi sinh vật học và nhà miễn dịch học thuộc đại học Y khoa Albert Einstein, người thực hiện nghiên cứu cho biết: các chủng HSV đã được phân lập trực tiếp từ bệnh nhân và mặc dù có mức độ độc lực khác nhau, vắc-xin này được ghi nhận “bảo vệ chống lại tất cả chúng”.

Tiến sĩ Betsy Herold, giám đốc trung tâm nghiên cứu dự phòng chuyển đổi tại trường Đại học Y khoa Albert Einstein, cho biết: Lý do thành công của vắc-xin mới này là nó kích thích “một phản ứng miễn dịch hoàn toàn khác” so với các vắc-xin trước đó. Các vắc-xin trước đây (chẳng hạn như Simplirix) có mang một thành phần có trong lớp vỏ ngoài của vi-rút, được gọi là glycoprotein D, đây là nền tảng cần thiết để xâm nhập vào tế bào. Hệ thống miễn dịch phản ứng với glycoprotein D bằng cách sản sinh kháng thể trung hòa. Vắc-xin được phát triển bởi trường Đại học Y khoa Albert Einstein không chứa glycoprotein D. Do đó các kháng thể mà hệ thống miễn dịch tạo ra không phải là các kháng thể trung hòa, mà là các kháng thể phục hồi hoạt tính tế bào T, yếu tố quan trọng của hệ thống miễn dịch giúp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Betsy Herold cho biết: “Vắc-xin do chúng tôi phát triển là loại vắc-xin duy nhất có phản ứng kháng thể này và quan trọng là vắc-xin này đã thể hiện hiệu quả rất tốt chống lại HSV1 và HSV2.” Nhóm nghiên cứu hiện đang thử nghiệm vắc-xin trong một loạt các mô hình động vật, và Tiến sĩ Betsy Herold cho biết vắc-xin này đã cho thấy kết quả bảo vệ tương tự nhau trong tất cả các nghiên cứu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anna Wald thận trọng: “Rất khó để chắc chắn liệu một loại vắc-xin hoạt động tốt trên động vật có hoạt động tốt trên người hay không, có thể việc chống lại vi-rút Herpes trên chuột là dễ dàng hơn.” Nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng nhỏ vào năm nay.

  1. CRISPR/Cas9

Vi-rút Herpes là một dạng vi-rút rất “khôn ngoan và cứng đầu”, một khi đã cư trú trong cơ thể, vi-rút sẽ không bao giờ rời khỏi vật chủ. Trong thời kỳ phơi nhiễm ban đầu, vi-rút Herpes nhanh chóng thâm nhập các tế bào thần kinh tại chỗ và chiếm đóng nơi này vĩnh viễn. Vi-rút có thể ở dạng không hoạt động nhưng luôn sẵn sàng khởi bệnh hoặc tái phát. Ngay cả khi cơ thể may mắn không xuất hiện triệu chứng, vi-rút Herpes vẫn có thể tái bản, sao chép và phát tán qua da.

Nhưng hiện nay, các nhà nghiên cứu tin rằng khoa học có thể đã phát triển một phương pháp loại bỏ vĩnh viễn vi-rút Herpes ra khỏi cơ thể. Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 đang được sử dụng để nhắm mục tiêu và cắt các phần DNA cụ thể của vi-rút Herpes. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Temple, Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ đang sử dụng kỹ thuật nhắm đích là vi-rút Herpes, làm mất đi khả năng sao chép của các vi-rút này, với mục tiêu: “Loại bỏ hoàn toàn vi-rút” – theo Tiến sĩ Kamel Khalili, chủ tịch khoa khoa học thần kinh của đại học Temple cho biết. Chiến lược này đã đạt được một số thành công trong điều trị HIV ở các nghiên cứu tiền lâm sàng. Và bây giờ, các nhà nghiên cứu đã áp dụng công nghệ này để nhắm mục tiêu bộ gen của vi-rút Herpes và đang nghiên cứu trên các mô hình động vật. Mặc dù chưa có kết quả, nhưng theo Tiến sĩ Kamel Khalili chiến lược này rất “đầy hứa hẹn”.

Các nhà khoa học nhắm tới mục tiêu trên hai khu vực khác nhau của DNA Herpes khi tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, làm giảm sự nhân lên của vi-rút về tới không trong các tế bào thần kinh bị nhiễm bệnh. Các chuỗi DNA được nhắm mục tiêu là trên HSV1, nhưng cũng giống với các chuỗi trên HSV2, có nghĩa là “nghiên cứu một mũi tên trúng hai đích”, Tiến sĩ Kamel Khalili nói. Ở động vật, hệ thống có hiệu quả cục bộ trên da hoặc được kết hợp trong một vi-rút trơ giúp vận chuyển hệ thống đến các tế bào bị nhiễm sâu trong mô. Cũng theo Tiến sĩ Kamel Khalili, phương pháp này “dường như cực kỳ an toàn”, không ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nào đến chuỗi DNA của tế bào. Các nhà khoa học hy vọng sẽ sớm hoàn thành các nghiên cứu về động vật và “nhanh chóng tiến tới các thử nghiệm lâm sàng.” Và nếu mọi việc suôn sẻ, điều trị sẽ có sẵn cho bệnh nhân trong vòng chưa đầy 5 năm và “có thể được sử dụng cho bất cứ ai nhiễm vi-rút Herpes”.

Nguồn: pharmaceutical-journal


Truy cập website: www.thuochay.net để xem thêm nhiều thông tin bổ ích, đáng tin cậy cho sức khỏe của bạn và người thân !

Các tin khác: