Vệ sinh yếu quyết khuyên răn về dưỡng sinh và các phương pháp phòng chống bệnh tật, phần này nói về điều dưỡng bệnh nhân.
Chăm nuôi người bệnh rất cần
Cũng nên biết cách giữ gìn thì hơn
Khi đau nằm ở trên giường
Mọi điều lo nghĩ thường thường hiện ra
Nào lo việc cửa việc nhà
Mong sao chóng khỏi để mà làm ăn
Đau lâu sợ chết đến gần
Bỏ con, bỏ vợ, thương thân tiếc đời
Âu sầu bệnh nặng chẳng sai
Cần khuyên người bệnh thảnh thơi trong lòng
Tinh thần giữ vững ở trong
Yên tâm điều trị mới mong chóng lành
Nhược bằng xúc động thất tình
Kém ăn, kém ngủ, bệnh tình sẽ tăng
Ví bằng lo chết quá chừng
Dễ sinh sợ hãi, mê trầm ngất đi
Dù khi gặp bệnh chí nguy
Ta đừng thổ lộ chớ hề xôn xao
Cấm người khóc lóc ồn ào
Cần nên vững dạ tin vào thuốc thang
Khi đau tuyệt chớ nhập phòng
Uống ăn tiết độ, cấm dùng rượu nem
Đương sốt, sau hạ (xổ) kiêng cơm
Nên ăn cháo loãng, chớ ham bánh quà
Oẹ nôn tả lụ cần ngừa
Ăn chất khô nóng, thịt thà khó tiêu
Kiêng ăn bệnh chóng khỏi nhiều
Uống ăn hỗn tạp, bệnh đều nặng thêm
Áo quần nên giặt cho liền
Lại năng thay chiếu, lau giường đỡ hôi
Trừ rận xông củ ba mươi (bách bộ)
Chăm người bệnh nặng, tiện (đại tiện) rồi lại lau
Xương khô gió thở nằm lâu
Trầy da loét thịt, bôi dầu mộc qua
Đầu giường chớ để than lò
Muốn đêm ngon giấc, chớ cho ngủ nhiều
Để đèn chói mắt muỗi vào
Thức khuya uống nước, đái nhiều thâu canh
Không ngủ sức khoẻ sụt mau
Ăn được ngủ được là liều thuốc tiên
Giữ gìn nguyên khí trước tiên
Làm cho cơ thể khoẻ lên, bệnh lùi
Vững lòng uống thuốc tin thầy
Đừng tin phù phép theo lời thế gian
Chớ nên cất mả, làm đàn(1)
Rồi ra: tiền mất, tật mang được gì
Phải đâu sinh ký tử quy (2)
Phải đâu số mệnh mà quy cho trời
Dở hay: vốn tự ở người
Bệnh mà thất trị(3): quá thời, chết oan
Chữa sao cho được vẹn toàn
Khuyên người thầy thuốc chớ toan công(4) liều
Theo gốc mà chữa mới hèo (hiệu)
Bệnh không biến chứng, tà tiêu tan dần
Ngộ(gặp) khí thế bệnh tiến lên
Kịp thời ngăn chặn biến thuyền, khỏi nguy
Công liền, tiếp bổ tuỳ nghi
Giữ cho Chính khí khỏi suy vì tà
Chữa gần mà phải phòng xa
Chặn đường bệnh biến từ da vào lòng
Chữa ngay khi bệnh còn nông (5)
Chần chứ bệnh nặng khó lòng khỏi ngay
Có câu: đau chóng đỡ chầy
Là vì không biết chữa ngay kịp thời
Thuốc thang sẵn có khắp nơi
Trong vườn, ngoài ruộng, trên đồi, dưới sông
Hàng ngàn thảo mộc thú trùng
Thiếu gì thuốc bỏ, thuốc công quanh mình
Cứ gì phải đợi Sâm, Linh
Hạt sen, ý dĩ tính bình sẵn ngay
Đại hoàng công hạ tốt đây
Chu biên, lô hội dùng thay kém gì
Chớ nên chuộng lạ cầu kỳ
Chi bằng chữa được kịp thì là hơn
Nên dùng các thứ thức ăn
Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn
Đậu đen trồng được trong vườn
Hà tất phải đợi Địa hoàng từ xa
Ong rừng lại có hươu nhà(6)
Thiếu gì thuốc bổ mà lo gày mòn
Bình thường rau đậu bổ hơn
Đến khi liệt nhược Sâm, nhung chẳng vào
Dù cho Sâm phụ (7) nhiệm màu
Âm dương ly thoát thuốc nào cứu đang
Ngoài cách điều trị bệnh thường
Cũng nên biết cách đề phòng lúc nguy
Cứu người bổ ngã tường đè
Bỗng dưng chết ngất, cần dè chuyển lay
Động di khí loạn nguy ngay
Dần dà khí huyết phục hồi thì hơn
Cứu người bị bỏng lửa hun
Chớ nên ngâm lạnh đắp bùn mà nguy
Trong uống thanh bổ tâm tỳ
Mật ong, thuốc bỏng bôi thì đỡ ngay
Phạm phòng ngừng thở đôi khi
Khuyên người phụ nữ để y trên mình
Chớ vì xấu hổ mà kinh
Lăn xuống thì chết vô tình sát phu
Cứu người chết đuối bến đò
Chớ nên dốc thằng chống giò lên trên
Nước đè thì khí tuyệt liền
Chỉ còn nằm chếch nước bèn chảy ra
Cứu người trúng nắng đường xa
Chớ nên uống lạnh mới là được yên
Cho nằm chỗ ướt không nên
Chườm nóng vào rốn dần dần tỉnh ra
Gọi là mấy phép phòng ngừa
Ta nên hiểu biết để cho đỡ lầm
Chẳng qua mấy việc thường làm
Sách này hợp lại thành bài “vệ sinh”
1) Bốc mộ tổ tiên đem chôn nơi khác và cúng lễ để cầu giải hạn thay số cho khỏi bệnh theo quan niệm duy tâm
2) Sống là ở gửi, chết là về quê, theo thuyết luân hồi duy tâm của đạo Phật
3) Không được chữa đúng phép và kịp thời (thiếu sót về điều trị)
4) Phép chữa đuổi bệnh tà: hãn, thổ, hạ
5) Bệnh tà lúc đầu ở ngoài da thịt (biểu), nếu không chữa đúng phép và kịp thời thì tà khí dần vào trong(lý)
6) Ý nói ngoài việc nuôi ong lấy mật và săn hươu lấy gạc để dùng, còn nên đi kiếm thêm mật ong rừng và nuôi thêm hươu nai ở vườn nhà để lấy nhung, gạc làm thuốc bổ
7) Sâm phụ thang: nhân sâm 5 đồng cân. Phụ tử chế 2 đồng cân 5 đồng phân, là phương thuốc hồi dương
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.