YTTL: Huyền tẫn phát vi 9

Huyền tẫn phát vi (nói rõ về âm dương thủy hỏa), nói về tiên thiên thủy hỏa mệnh môn, cơ năng sinh lý và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa cùng phép chữa, hầu hết vận dụng Lục Bát vị.

HUYỀN TẪN PHÁT VI
Phần 9
Kiêm trị bách bệnh (74 điều)
  1. Chứng trúng phong, thiên khô, chân tay yếu liệt là bệnh về gân xương, nên uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng, Lộc nhung, Câu kỷ (Đem loại thuốc khí huyết hậu thiên uống kèm với thuốc phong).
  2. Năm chứng tý, không chứng nào là không do ở gân xương mạch máu, âm hư thì dùng bài Lục vị, dương hư thì dùng bài Bát vị kèm theo các thuốc phong mà chữa.
  3. Bệnh tích tụ, cũng thấy ở chứng hư, nếu bổ thổ càng rắn, mà tiêu đạo càng yếu, chỉ có dùng bài Bát vị hoàn gia giảm mà chữa.
  4. Chứng thổ tả, thổ thì vong dương, tả thì vong âm, bệnh chưa đến nỗi quyết lạnh (quyết lạnh thì dùng Sâm Phụ), và sau khi hơi giải thì dùng Bát vị bội Phục linh, Sơn dược, Quế Phụ gia Phá cố, vong tân dịch mà khát thì gia Mạch môn (sao gạo), Ngũ vị.
  5. Chứng nôn ọe, Sách nói: “Các chứng ẩu nghịch xông lên đều thuộc hỏa”. Nhưng hỏa có hư hỏa thực hỏa, hư hỏa thì dùng bài Bát vị bội Phục linh, Mẫu đơn, gia Ngũ vị, Ngưu tất.
  6. Bệnh ỉa chảy, thận là cửa ngõ của vị, khai khiếu ở hai đường đại tiểu tiện, chức trách là bế tàng. Phàm ỉa chảy lâu ngày chỉ uống bài Bát vị bội Phục linh, Sơn dược, gia Phá cố chỉ, Thỏ ty và Ngũ vị.
  7. Chứng táo bón là do tân dịch khô cạn, vì hễ đại trường có huyết thì nhuận, mất huyết thì táo, nên uống bài Lục vị bội Thục địa, gia Ngưu tất, Thung dung.
  8. Nhức đầu, nhức đầu phong phần nhiều vì dương khí thiếu ở trên, âm tà can phạm vào, nên uống bài Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất, trọc âm đi xuống thì chân âm sinh lôi hỏa tốt thì chân hỏa bế tàng lại, trên dưới do đó sẽ yên lặng.
  9. Đau đỉnh đầu mà không phải do phong tà là vì thủy suy không nuôi được gân, dùng bài Lục vị giảm Trạch tả gia Tần giao, Bạch thược.
  10. Đầu nhức dữ mà người bệnh khí hư nặng thì nhất thiết không nên dùng nhầm thuốc hàn lương để công trục, chỉ dùng bài Lục vị bội Thục địa, Mẫu đơn, Trạch tả gia Huyền sâm, Ngưu tất, quá nặng thì gia Tri mẫu, Hoàng bá.
  11. Chứng chóng mặt (huyễn vựng) tuy có phân ra phong, đờm, khí, huyết nhưng nói chung trung khí hư thì phong hỏa hoành hành, hễ ấn tay vào không choáng váng nữa là chân dương hư, nên uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, Đỗ trọng, gặp khi nhọc mệt mà chóng mặt là chân âm hư, nên uống bài Lục vị bội Thục địa giảm Trạch tả, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
  12. Râu tóc rụng hoặc bạc, tuy nói tóc là chất thừa của huyết, râu ứng với mạch Dương minh, nhưng cần làm cho đen mượt và bền chắc thì không ngoài cách tư bổ tinh huyết mà thôi, nên uống bài Lục vị bội Thục địa gia những loại như Lộc nhung, Mê nhung và Lộc giao.
  13. Đau mắt tuy có phân ra nội chướng ngoại chướng mà tóm lại sức sáng xa hay gần là nhờ tác dụng của hỏa, sáng suốt không suy kiệt là nhờ tác dụng của thủy, âm dương hòa hợp mà sinh tinh sáng, cho nên đau mà trông thấy được các vật là bệnh thuộc dương là nhiệt, phải bổ chân âm chân thủy, dùng bài Lục vị bội Thục địa, bỏ Trạch tả gia Ban long, Ngũ vị, Ngưu tất, Cam cúc. Không đau mà không thấy vật gì là bệnh thuộc âm, là hàn, thì bổ chân dương chân hỏa, uống bài Bát vị bỏ Mẫu đơn, bội Quế, gia Ngưu tất, Mạch môn, Ngũ vị, Cam cúc.
  14. Bệnh điếc không kể là nội nhân hay ngoại nhân, bệnh bên tả hay bên hữu, nói tóm lại là thận khai khiếu ở tai, thận hòa thì nghe được ngũ âm, bệnh mới thì phần nhiều là nhiệt, bệnh lâu ngày thì phần nhiều là hư, nên uống bài Bát vị, có hỏa thì bỏ Quế, Phụ, bội Thục địa gia cao Quy bản, Ngũ vị, Ngưu tất; không có hỏa thì bỏ Mẫu đơn, gia Thạch xương bồ, Cao nai.
  15. Tai lùng bùng vì thủy suy hỏa bốc uống bài Lục vị gia Ngưu tất, hỏa hư thì uống bài Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất, Đỗ trọng.
  16. Bệnh hay nghẹt mũi, không ngửi biết mùi thơm thối tuy trách cứ ở phế, nhưng thận là nguồn nạp khí, khí không lên được nên uống bài Bát vị gia Thăng ma, Mạch môn, Ngũ vị.
  17. Bệnh chảy nước mũi, sách Nội kinh nói: “Trong não thấm nước ra làm nước mũi”, vì hỏa nóng bốc lên mà nghẹt mũi, nếu cứ chữa tỳ phế thì không ăn thua, sao không biết thận chủ 5 chất dịch, thận âm hư tướng hỏa bốc cháy lên phế kim, tân dịch không thể đưa xuống mà chạy ra các khiếu, nên uống bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
  18. Bệnh đau họng đều bị hỏa xông đốt lên, nhưng hỏa có hư thực khác nhau, thực hỏa là do thiếu âm quân hỏa tâm mạch đi dần lên cổ, chữa nên theo phép chính trị; hư hỏa là do Túc thiếu âm thận hỏa, thận mạch theo lên họng, chữa theo phép tòng trị. Thủy suy hỏa bốc lên thì dùng bài Lục vị bội Thục địa gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, như thượng bán thân nóng quá không có thủy chế lại thì dùng đại tễ sắc đặc để nguội mà uống.
  19. Miệng môi lưỡi sinh lở loét, chứng này tuy thuộc về tâm tỳ lại còn vì thận hư không thể thu nạp được dương hỏa ở hạ tiêu, nên uống bài Lục vị gia Ngũ vị, Mạch môn, Ngưu tất.
  20. Răng lung lay hay rụng sớm, vì thận chủ xương, mà răng là chất thừa của xương, nên uống bài Bát vị kèm với loại thuốc bổ huyết, nếu răng trồi lên, chảy máu hôi thối đã thanh vị hỏa mà không ăn thua gì thì nên uống bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, bội Sơn dược, Phục linh.
  21. Đau ngực đau sườn, vì ngực là cái bể của khí (khí hải), đã đủ các thuốc chữa khí mà không khỏi là không biết trong Phương thư đã nói: “thận hư phần nhiều có chứng đau ngầm, ấy là khí không về được nguyên chỗ”, nên uống bài Bát vị gia Phá cố chỉ, Ngô thù (sao tẩm bằng muối thanh) với chứng hạ sườn có một điểm đau, lâu ngày không khỏi, nên uống bài Bát vị gia Đương quy, Bạch thược, Ngô thù.
  22. Khí uất khí trệ, không phải những loại bài Việt cúc hoàn, loại Tô tử, Trầm hương, Mộc hương, Ô dước, Hương phụ mà giáng khí hành khí thành công được đâu, mà thuộc chứng hư thì chỉ bổ mệnh môn hỏa làm chủ mọi khí, nên dùng bài Bát vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Trầm hương.
  23. Đau lưng, tuy có phân biệt ra kết đờm, khí huyết, thấp nhiệt, hàn trệ, nhưng rút cục không vượt ra ngoài thận, nên uống bài Bát vị gia Lộc nhung, Lộc giao, Ngưu tất, Đỗ trọng, đờm nhiều thì bội Phục linh, thấp nhiều gia Trư linh, bội Trạch tả, huyết trệ bội Quế gia Hồng hoa, khí ủng tắc gia Thăng ma, Ngô thù.
  24. Đau bụng, tuy có hàn nhiệt hư thực đàm uất, lục dâm thất tình, đều có cách chữa khác nhau nhưng có khi đau bụng dưới là thuộc can, chữa cả can lẫn thận, thì nên chia làm giả nhiệt chân hàn, hỏa bốc lên thì dùng Lục vị gia Sài hồ, Bạch thược, hư hỏa thịnh thì uống bài Bát vị gia Ngô thù, Trầm hương.
  25. Trong bụng có nước sôi lọc ọc, phép chữa tuy phải thấm thấp, nhưng sôi mà sợ lạnh là trung khí đã hư quá, nên bổ mệnh môn hỏa, uống bài Bát vị bội Trạch tả, gia Ngũ vị, Ngưu tất.
  26. Bệnh cước khí, đều do thận hư, nếu vào bụng hay xung lên tâm đều là rất nguy, nên uống bài Bát vị gia Ngô thù, Ngưu tất, Ngũ vị, Mộc qua, nếu mới phát thì nên dùng thận khí hoàn để dự phòng.
  27. Chân bại liệt, chỉ chữa kinh dương minh để thống nhiếp tôn cân [14]. Lại nói: “Phế nóng là cháy sém”. Nội kinh nói: “Năm tạng đều sinh chứng bại liệt”, tóm lại bệnh bại liệt đều là bệnh do gân xương không làm hết chức năng bởi tinh huyết suy, không uống thuốc nào bằng bài Bát vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng với thuốc bổ tinh huyết, thực là bài thuốc thánh để chữa bại liệt.
  28. Chứng mềm nhũn có nhiều lối khác nhau, cần tùy chứng mà chữa, duy có chứng khí quyết mà mình mát chưa đến nỗi thoát, nên dùng bài Bát vị gia Ngũ vị.
  29. Bệnh về huyết như thổ huyết, nục huyết. Phàm huyết ra ở thượng bán thân thì không bệnh nào là không do hỏa làm cho huyết chảy ngược lên. Nếu là thực chứng thì có thể dùng thuốc hàn lương để thanh đi, tả đi, hay cho phát hãn là hết; nếu hư chứng là thủy suy, nên cho uống Lục vị gia Ngũ vị, Ngưu tất, nặng lắm thì gia Tri mẫu, Hoàng bá, Huyền sâm, hỏa hư thì uống Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất, Ban long.
  30. Chứng hư lao, tuy trong phương thư phân tích diễn giải rườm rà mà nguồn gốc chỉ ở chỗ tinh suy huyết tổn. Mà muốn bổ tinh huyết thì chỉ có bài Bát vị, Lục vị dựa vào mạch mà chữa, gia các vị bổ tinh huyết nuôi thêm nguồn sinh trưởng, gia Mạch môn, Ngũ vị để tư nhuận phế, gia Ngưu tất để đưa chất trọc âm đi xuống, ấy là bổ thổ thì sinh kim, làm mạnh thủy thì hỏa tắt.
  31. Bệnh ho phần nhiều do phế khí nghịch lên, nhưng phế đưa khí ra, thận nạp khí vào, hễ ho lên tất phế khí không về được nguyên chỗ, từ dưới rốn nghịch lên, dùng bài Lục vị bội Phục linh, gia Ngưu tất, Ngũ vị, Mạch môn, Nhục quế, hàn quá gia Phụ tử.
  32. Suyễn nghịch có chia ra hàn nhiệt thủy hỏa, có phân biệt phế hư thận hư, nhưng chứng suyễn không chứng nào là không do khí nghịch. Chữa chứng suyễn thực thì chỉ giáng khí hành khí là đủ, chữa chứng suyễn hư thì chỉ nên liễm nạp vào là đủ, cho nên thủy suy thì dùng bài Lục vị, hỏa hư thì dùng bài Bát vị và đều gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
  33. Bệnh đờm ẩm, vì đờm sinh ở tỳ mà căn bản là do ở thận thủy, thận thủy suy thì thủy tràn lên làm đờm, đờm nhiều bọt trắng, nên uống Lục vị bội Phục linh gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất. Hỏa hư không thể nấu được thổ, nên dùng bài Bát vị bội Phục linh, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
  34. Bệnh hen, phàm do bệnh nặng, bệnh lâu ngày với cực hư mà sinh ra đều nên uống bài Bát vị gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất.
  35. Chứng tự đổ mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, tuy có chia ra khí huyết vinh vệ mà chữa bệnh tân dịch hao kiệt. Cho nên đổ mồ hôi mà mình mát là dương hư, đổ mồ hôi mà mình nóng là âm hư, căn bản cứu âm trợ dương thì không bài nào bằng hai phương thủy hỏa, phân tích ra xem thủy thắng hay hỏa thắng và đều gia Ngũ vị, Ngưu tất để bổ liễm lại. Nóng nhiều thì bội Thục, lạnh nhiều thì bội Quế.
  36. Bệnh tiêu khát, thủy hỏa trong con người thì phải thăng bằng, khí huyết phải được tư dưỡng, vận hành thu nạp khắp nơi thì làm gì có bệnh tiêu khát. Phép chữa tất phải chia ra thượng, trung, hạ. Trước hết phải cấp cứu thận, thủy suy thì uống bài Lục vị, hỏa hư thì uống bài Bát vị, dùng bội Thục địa, gia Ngũ vị, Mạch môn, Ngưu tất, Địa long.
  37. Chứng kinh sợ hồi hộp, hay quên, vì tâm tàng chứa thần, thận tàng chứa chí, tâm chủ kinh, thận chủ sợ, tâm suy tính được việc tương lai, thận nhớ lại được điều dĩ vãng, đó là do tâm thận đều hư cho nên vô cớ mà phát sợ, đụng việc là quên, chỉ có dùng Liên nhục sắc bài Bát vị gia Mạch môn cùng với thuốc bổ tinh huyết khiến cho tâm thận giao nhau thì bệnh khỏi.
  38. Bệnh không ngủ, thần minh của con người thức thì đỗ tại tâm, lúc ngủ thì đi về thận, tâm hư thì thần không chứa lại được, thận hư thì thần không thể trở về được. Chứng này tuy bệnh của tâm mà thực ra là ở thận, nên dùng bài Bát vị, Phục linh đổi sang Phục thần, gia Ngũ vị, Ngưu tất, Đỗ trọng.
  39. Bệnh sốt rét có cơn, đấy là chứng âm dương tranh nhau, đều hư, hễ bệnh sốt rét với chứng cực hư thì không bài nào bằng bài Bát vị, Lục vị gia Sài hồ, Ngưu tất, nóng nhiều thì bội Thục địa, rét nhiều thì bội Nhục quế.
  40. Bệnh tích tụ, hư thì phải bổ, nếu bổ mà càng cứng thêm, tiêu đạo mà càng yếu thêm, lâu ngày không khỏi thành chứng cổ trướng, Phương thư cho là một trong bốn chứng nan y, nếu chỉ uống bài Bát vị gia Xa tiền, Ngưu tất, tùy nghi mà gia giảm để chữa (cũng gọi là Kim quỹ thận khí hoàn).
  41. Bệnh kiết lỵ, hễ lỵ mãn tính thì không phải thuốc khí huyết của hậu thiên mà chữa được, chỉ phải dùng bài Bát vị gia Phá cố chỉ để giữ việc bế tàng.
  42. Bệnh lòi trôn trê, đã làm thăng đề, ruột đã thu lên rồi mà mỗi khi đi ngoài lại lòi ra, thường dùng thuốc mà không giữ vững được là nguyên khí đã hư quá, chỉ dùng bài Bát vị gia Phá cố chỉ, Kim anh để bế tàng lại.
  43. Bệnh phù thũng, vì bàng quang không thấm nước vào được tất do hỏa ở hạ tiêu suy, thủy không có khí thì không hóa được, nên uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, Xa tiền, bổ mà không trệ, hóa mà không tụt đi.
  44. Chứng nghẹn, ăn vào mửa ra và quan cách, phàm chứng nghẹn, ăn vào mửa ra đều do hỏa, mà chứng quan cách cũng do hỏa thịnh thủy suy tân dịch khô cạn, cho nên thủy suy thì uống Lục vị gia Mạch môn, Ngưu tất, hỏa hư thì uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, Ban long giao, Nhũ phấn.
  45. Chứng nấc, có thực có hư khác nhau, thực thì tiếng ngắn, phát ra từ trung tiêu, cứ giáng hỏa tán khí tiêu đờm là đủ khỏi, hư thì tiếng dài, phát ra từ hạ tiêu, nên uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị mới có thể cứu vãn được.
  46. Chứng đầy tức, phần nhiều mắc phải từ âm hư, bệnh về huyết, nếu thuần dùng thuốc chữa khí thì đầy tức càng nặng, chứng đầy tức nhẹ thì dùng thuốc chữa khí để bổ tỳ, nặng lắm thì uống bài Bát vị bội Thục địa, gia Ngũ vị, Ngưu tất để theo phần âm dẫn phần dương. Nội kinh nói: “Trọc khí ở trên thì sinh chứng đầy trướng”.
  47. Năm chứng lâm [15] có phân ra từng loại chữa khác nhau, tóm lại là thận chủ năm chất dịch, khí hóa của bàng quang đều nhờ tướng hỏa ở đó, nếu thế bệnh đã đến trầm trọng thì không còn gì hơn là dùng bài Bát vị bội Thục địa gia Mạch môn, Ngũ vị, Xa tiền, Ngưu tất làm một đại tễ, sắc uống nguội, thế mạnh như vỡ bờ.
  48. Chứng bí đái, là do nhiệt uất không có thủy chế lại, hoặc do hàn ngưng tụ không có hỏa hóa ra, cứu thủy thì dùng bài Lục vị bội Thục địa, Phục linh gia Xa tiền, Ngưu tất.
  49. Tiểu tiện không nín được, can chủ sơ tiết, thận chủ bế tàng, hễ sơ tiết chạy việc thì bế tàng mất chức năng, nên uống bài Bát vị bỏ Trạch tả, gia Ích chí, khát nhiều thì dùng Trạch tả để đuổi tà đi.
  50. Bệnh mộng di hoạt tinh. Tâm là quân hỏa, tàng chứa thần, thống quản huyết; thận là tướng hỏa, chứa khí, chứa tinh, khi quân hỏa và tướng hỏa đều động thiêu đốt chân âm cho nên nằm mộng mà xuất tinh, chỉ có Bát vị hoàn gia Ngũ vị, Phá cố, Lộc giác giao, Nhũ phấn làm cho huyết sinh tinh, tinh sinh khí, khí sinh thần, tâm thận giao nhau, tinh thần và khí huyết nương tựa lẫn nhau thì tự nhiên củng cố.
  51. Bệnh đới hạ, ở nữ giới thì gọi là đới hạ, bạch dâm, ở nam giới thì gọi là di tinh, bạch trọc. Phàm bệnh ở phần tinh huyết thì nên tìm các vị thuốc tinh huyết mà bổ, chỉ có bài Bát vị hoàn bội Phục linh, gia Ngũ vị, Phá cố chỉ, Cao nai.
  52. Bệnh liệt dương, ấy là chân âm hư, không thủy thì hỏa động, động thì nên dùng Bát vị bỏ Trạch tả gia Ngưu tất, Lộc nhung, Đỗ trọng, Câu kỷ, nặng quá thì gia Hà xa, thang tống bằng Độc sâm thang.
  53. Bảy chứng sán, cách chữa có khác nhau, duy có chứng đồi sán thì nhất thiết phải cho là do can thận nên dùng bài Bát vị hoàn, phàm các vị Quất hạch, Thanh diêm, Hồi hương, Ngô thù, Sài hồ, Bạch thược hãy tìm lựa mà dùng.
  54. Bệnh vàng da, nếu tỳ thận hư hàn, mạch trầm tế, mình lạnh, tự đổ mồ hôi, ỉa chảy, đái ra nước đục, đấy là dương khí hư không hóa được, khí âm hàn ngưng trệ gọi là âm hoàng nên uống bài Lục vị bội Hoài sơn, Phục linh, Trạch tả gia Nhục quế, Ngưu tất, cùng với chứng thận hư không vận hành được thủy thấp, mình nóng, mặt mắt đều vàng, hai chân bước đi chậm chạp, lưng và chân đau mềm, tiểu tiện tự lợi nên dùng Kim quỹ thận khí hoàn gia Mạch môn làm thang để cho dương khí tuyên thông thì âm hàn tự lui, nếu dùng nhiều vị hàn lương để phân lợi tất nhiên là chết.
  55. Chứng nóng nhiều, nóng lâu ngày. Phàm phép chữa nó, nếu không bổ thổ để tàng dương thì tư âm để thoái hỏa, thổ hư mà nóng nhiều hay nóng ít, nên dựa vào mạch và sắc mà biện chứng, âm hư mà nóng tất nóng nhiều và nóng lâu ngày, nên dùng đại tễ Lục vị bội Thục địa gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Ban long, Nhũ phấn để thanh đi, trẻ con lại càng phải chú trọng.
  56. Khóc không ra tiếng và sau khi khỏi bệnh mất tiếng, vì âm thanh tuy ở phổi ra mà căn bản là ở thận, như mình nóng thì uống Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, mình mát thì gia chút Nhục quế, như chân và bụng nóng, chân thường co lại, mắt thường trông xiên, mình thường máy động, với chứng hở mỏ ác (thóp), chứng hạc tất phong, đều là do tiên thiên bất túc, trong bụng nhiều đờm, mắt nhiều lòng trắng, sắc mặt trắng bệch, nên uống nhiều bài Lục vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng, Lộc nhung, Câu kỷ, dương hư quá thì gia Nhục quế, đại Phụ tử, nếu mạch trầm hoạt thì không chữa được, ở sau tai khoảng vuông tròn một tấc mà lõm xuống là thận bại, nên uống Lục vị gia Lộc nhung, Câu kỷ, có hư hỏa thì gia Nhục quế.
  57. Chậm mọc răng là do thận khí không đủ, nên uống bài Lục vị gia Lộc nhung, Câu kỷ, có hư hàn gia Nhục quế, nặng lắm gia Phụ tử.
  58. Chậm biết nói, chân tay mềm, sắc xạm đen, mắt trắng dã, hơi thở đoản, thần bạc nhược, nên uống bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị, có hàn gia Nhục quế.
  59. Chậm biết đi, xương là chủ ở thận, nhờ tủy để nuôi dưỡng, chân gối là nơi gân xương tụ hội, can chủ gân, thận chủ xương, nên uống Lục vị gia Lộc nhung, Câu kỷ, Đỗ trọng, hư hàn gia Nhục quế.
  60. Bệnh nghẽo cổ, (thiên trụ cốt đảo) tuy có 3 nguyên nhân, nói tóm lại là chứng hiểm ác vì chân dương đại bại, bệnh căn ở tiên thiên mà biến chứng ở hậu thiên, nên uống Lục vị gia Ngưu tất, Đỗ trọng, Lộc nhung, có hàn gia Nhục quế, Phụ tử củ to để bổ tiên thiên để uống xen với bài Bổ trung, Quy tỳ để bổ hậu thiên.
  61. Chứng phát sốt cũng có nhiều nguyên nhân, nên phân ra mà chữa, nếu nóng quá làm tổn phần âm, chỉ có bài Lục vị gia Mạch môn, Ngũ vị; quá lắm thì gia Ban long, chớ dùng nhầm thuốc hàn lương để làm bại mất nguyên khí.
  62. Chứng động kinh co giật đều có nguyên nhân riêng, có phân ra hoãn hay cấp mà trị phong hay trị đờm, nếu bẩm chất hư mình nóng, huyết hao tổn, gân khô mà sinh ra động kinh hay co giật chỉ uống bài Lục vị bội Mẫu đơn, Phục linh gia Tần giao, Mộc hương, hư quá thì gia Ban long, nếu chứng mạn kinh thì lấy thuốc tỳ vị hậu thiên mà chữa, khỏi rồi nên uống bài Bát vị hoàn gia Ngũ vị, Ngưu tất uống xen với Quy tỳ thang.
  63. Chứng cương kính vì mất máu quá nhiều và sau khi ung nhọt đã vỡ mủ mà phát ra, mình nóng, mặt đỏ hồng, mắt đỏ, nặng lắm thì sinh ra uốn ván, nên uống Lục vị bỏ Trạch tả, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Đỗ trọng.
  64. Chứng ngũ cam. Cam nghĩa là khô do tinh khô huyết tổn mà thế, người lớn gọi là lao, ở trẻ con gọi là cam, là bệnh về căn bản, cứ bằng vào âm hư hay dương hư mà cho uống Lục vị hay Bát vị, gia các vị thuốc chữa tinh huyết tùy chứng gia giảm mà dùng, chớ nên dùng nhầm loại thuốc Nhị liên, Vu di, Lô hội.
  65. Chứng gù lưng, dô ngực, ấy là thận không có sinh khí mà xương không thể nuôi lớn được, chứng rất là hiểm ác, nên dùng bài Lục vị gia Lộc nhung, Hà xa, Câu kỷ; hư hàn gia Nhục quế, Phụ tử để cứu vãn.
  66. Bệnh kinh nguyệt, như kinh khô là do khí huyết đều hư, không phải dùng thuốc khí huyết mà chữa được, thủy hỏa là căn bản của khí huyết, âm hư mà nóng dùng Lục vị gia Quy, Thược, Ngưu tất, Lộc nhung; Dương hư mà hàn dùng Bát vị gia Khung. Quy, Ngưu tất, Đỗ trọng, Lộc nhung,
  67. Cầu tự. Chủ yếu là tư dưỡng và điều hòa tinh huyết, nhưng có chia ra âm và dương, âm hư thì uống bài Lục vị, dương hư thì uống Bát vị, liệu chừng mà gia thêm thuốc tinh huyết cùng với loại Thung dung, Câu kỷ.
  68. Bệnh về thai liên lụy tới căn bản, nên dựa ở âm hư hoặc dương hư mà dùng Lục vị hay Bát vị để điều bổ. Hoàn nghĩa là hoãn, hàng ngày uống dần tập cho tạng phủ có thói quen, vả lại Ngô thù, Thục địa là thuốc trùng âm để điều hệ mà Quế Phụ chỉ có ích lợi về mặt phụng dưỡng cho phần trên làm cho ngực bụng mềm lớn, đâu có lo gì cái họa sẩy thai hay hạ thai.
  69. Sản hậu nôn mửa do mệnh môn hỏa suy không sinh được thổ, nên uống bài Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị, Thỏ ty.
  70. Sản hậu nấc khó thở, là chứng nguy, là do cô dương tuyệt âm, mình mát thì nên uống nhiều Sâm Phụ, mình nóng thì uống Bát vị gia Ngưu tất, Ngũ vị.
  71. Sản hậu đi lỵ nếu không phải do ngoại nhân tất là dương hư không thể sinh được thổ, âm hư không thể đóng kín được, nên uống bài Bát vị gia Phá cố chỉ.
  72. Sản hậu ho lâu ngày không khỏi, duy uống bài Lục vị bội Phục linh gia Ngũ vị, Ngưu tất, có hàn thì gia Nhục quế, nặng lắm thời gia Phụ tử.
  73. Sản hậu bí đái bí ỉa, do lúc đẻ khí huyết đều xuống, chất dịch kiệt, ruột khô, nên uống Bát vị gia Ngưu tất, Thung dung để bổ, nếu tiểu tiện không thể nín được thì uống Bát vị gia Ích trí.
  74. Sữa không thông, đã dùng nhiều thuốc khí huyết mà không ăn thua gì, chỉ uống bài Bát vị bội Thục địa bỏ Trạch tả gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Mộc thông.
Dùng hai bài Lục vị, Bát vị này, xoay sở mà dùng một cách linh hoạt thì chữa trăm bệnh trúng cả trăm, không bệnh nào là không công hiệu, người học thuốc nên phải lưu tâm.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh
Bùi Gia.